Header Ads

Bữa Tiệc Tàn Canh


Từ Sơn

Trời về khuya, tại một thị trấn nhỏ miền Nam nước Mỹ, trong phòng khách ấm cúng nhà của ông Ba, hai ông bạn gìa ngồi uống rượu rất tâm đắc, ông Ba đột nhiên vỗ vào vai ông Sáu đánh bốp:

- Anh Sáu còn nhớ hai câu thơ của Bá Nha tặng Tử Kỳ khi hai người lần đầu gặp nhau không?

Ông Ba xua tay:

- Anh Ba học giỏi, biết nhiều hiểu nhiều, tôi thì ngày xưa học hành chữ nghĩa không tới đâu, thì mấy cái vụ này xin nhường lại bạn hiền.

Ông Ba và Ông Sáu hồi còn trẻ ở Việt Nam là bạn rất thân trong quân ngũ. Hai người bằng tuổi, năm nay cũng đã bảy mươi hai. Ông Ba sang Mỹ định cư được hơn hai chục năm, ông  Sáu vừa được con bảo lãnh sang Cali mới chừng nửa năm, nhớ bạn, ông Sáu bắt máy bay sang thăm ông Ba, hôm nay là ngày đầu tiên gặp nhau hai ông uống rượu hàn huyên, tiệc không muốn dứt.

Ông Ba cũng đã ngà ngà:

- Tôi đâu có biết nhiều, hiểu nhiều như anh nghĩ đâu. Chỉ là giữa lúc tình bạn canh khuya, tôi chợt nhớ tới hai câu thơ mà thầy dạy môn Việt Văn cũng là nhà văn Chu Tử đọc cho nghe hồi học lớp đệ tứ: “Ti đồng khinh tháo lộng, lưu thuỷ ngộ tri âm” (*). Tôi với anh Sáu làm bạn mấy chục năm, dù xa dù gần, vui buồn đều có nhau, mình không là tri âm thì còn là gì nữa, phải không anh Sáu?

- Đúng vậy đó anh Ba. Hồi trẻ đến giờ anh  em mình coi nhau như ruột thịt, hổng chừng mình đã là bạn tri âm từ hồi kiếp trước rồi. Từ nhỏ anh Ba thông minh, tôi nghĩ chuyện gì, nhìn qua anh đều hiểu. Nhưng tại sao anh Ba lại nói anh không có biết nhiều hiểu nhiều? Vậy anh kể ra cho tôi nghe coi, ở cái xứ Mỹ này có thứ gì anh “không hiểu” không?

Ông Ba cười khà khà:

- Ông anh sao cắc cớ, chuyện hiểu không hỏi, lại hỏi chuyện không hiểu. Làm sao ai dám nói mình hiểu hết mọi chuyện? Nếu tôi nói chuyện tôi “không hiểu” ở Mỹ, thì anh cũng phải nói cho tôi nghe chuyện gì anh “không hiểu” ở Việt Nam. Như vậy mới công bằng. Được không anh Sáu?

Ông Sáu bưng ly rượu nhấp đánh khà một cái, nói theo kiểu phim bộ:

- Quyết định như vậy đi. Bây giờ uống một ly rồi cho anh nói trước, ở Mỹ chuyện gì anh không hiểu nào?

Uống xong ly rượu, ông Ba như nhìn xa xăm, chậm rãi nói:

- Ở Mỹ chuyện tôi không hiểu chính là chuyện… con nít. Con nít tôi nói ở đây là giới trẻ, nhìn chúng nó, không phải có một chuyện, mà có rất nhiều chuyện tôi không thể nào hiểu nổi. Để tôi kể anh Sáu nghe… 

oOo

Sau khi tôi được đi định cư Hoa Kỳ, cùng vợ và mấy đứa con nhỏ, ở đây các con tôi lần lượt lớn lên với văn hoá Mỹ, mỗi đứa một thế giới, may mắn là chúng đều có cơ hội được học hành, nhưng nếu tôi muốn hiểu được chúng nó, cũng rất là khó khăn.

Nhìn chúng nó rồi nhìn vào toàn thể các con cháu của khối người Việt hải ngoại đã trưởng thành ở đây, một số đứa trẻ đã làm cho tôi cảm thấy hãnh diện lây vì chúng học hành rất thành công, nghề nghiệp vững chắc. Nhưng vẫn có một số (dù là rất ít) đứa trẻ khác đã chọn một lối sống tự do phóng túng, đi theo lý tưởng riêng, đứa thì ham trai gái, đứa thì thích cờ bạc, có đứa tạo băng tạo nhóm, hút sách, súng ống, cuộc sống đầy đe doạ … tôi đâm ra thắc mắc không hiểu vì sao những đứa trẻ đó lại bằng lòng với cuộc sống không có tương lai như vậy?

Tôi càng thắc mắc nhiều hơn khi nhìn qua một vài đứa trẻ bản xứ, không biết đã được học hành như thế nào, mà lại có thái độ nghênh ngang trên đường phố, gây khó chịu cho nhiều người. Như là anh chàng da đen này đây, tuổi chừng mười bảy mười tám, đi bộ qua lại trước nhà tôi mỗi ngày, anh chàng mặc quần “jean”, cái lưng quần để trễ xuống nửa mông lại không có dây “nịt”, giữa chỗ công cộng mà anh chàng cố tình để lộ ra ra phân nửa cặp mông trông phát gớm. Tay trái anh chàng cầm một ly nhựa có thể là nước trái cây hay nước ngọt gì đó, tay phải vịn chặt lưng quần để quần không bị tuột xuống, lâu lâu mỏi tay buông ra, bắt buộc anh chàng phải đi “chàng hảng” để giữ cho cái quần vẫn còn ở vị trí có thể che được nửa cái mông. Tôi nhìn ngứa mắt quá nhưng không có thể nói gì được.

Vậy mà trong khu vực tôi ở không phải chỉ có một người, thỉnh thoảng khi lái xe trên đường, tôi vẫn thấy vài người mặc quần tuột nửa chừng giống y như vậy, người thì khoe mông, kẻ thì khoe quần lót có màu sắc sặc sỡ. Dường như đây là thời trang của nhóm quậy. Tôi không thể hiểu tại sao thế kỷ này lại nổi lên một loại thời trang không biết xấu hổ? Mà tại sao lại có người thích ăn mặc theo phong cách mất văn hoá như vậy?

Gần đây trước kỳ bầu cử Tổng Thống Mỹ, loạn lạc đã xảy ra ở một số thành phố. Trên màn ảnh truyền hình, tôi nhìn thấy rõ một nhóm người rất trẻ, họ tụ tập gây náo loạn và đốt phá trên đường phố, nếu thấy cảnh sát đến, dù bọn người trẻ đó không bị tấn công, không bị hành hung gì cả, vẫn cứ cầm đá ném vào xe cảnh sát. Tôi không thể chấp nhận và cũng không hiểu tại sao họ lại làm như vậy?

Tôi còn nhìn thấy cũng trên truyền hình, hình ảnh một số cửa hàng, khu chợ, khung cửa kiếng bị đập bể, từng người lách vào, từng người chui ra, mang theo hàng hoá ăn cắp. Tôi nhìn rõ khuôn mặt mỗi người, toàn là những người rất trẻ, đen, trắng, mễ đủ cả, nghe đâu có cả du sinh người Việt Nam. Tôi không thể hiểu họ đã được giáo dục thế nào, tại sao lại đi ăn cắp?

Kinh khủng hơn, rõ ràng trên màn ảnh, có một số tương đối đông người trẻ da đen, đánh hội đồng, đấm đá túi bụi vào một người chủ tiệm, vì đã ngăn cản không cho chúng đập phá, hôi của. Khi cuộc đấm đá này chấm dứt, nhóm người hành hung bỏ đi, người chủ tiệm nằm gục trên đường, hôm sau có tin là người chủ tiệm bị trọng thương đưa đi bệnh viện, tình trạng rất nguy kịch. Tôi không hiểu tại sao nhóm người trẻ tuổi kia lại tàn ác đến như vậy?

Cũng trên truyền hình, tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện rất đau lòng. Nhiều toà nhà bị đốt cháy, nhiều bức tượng lịch sử bị kéo sập. Một điều lạ là những người ra tay phá phách này đều là những người trẻ, tuổi đời hầu hết chỉ trên dưới ba mươi.

Truyền thống văn hoá của nước Mỹ bao đời tốt đẹp, đi đâu cũng nghe những lời nói “cảm ơn, xin lỗi”, nhưng tại sao nước Mỹ lại có thể sản sinh ra một bọn người trẻ tuổi, thích đi đốt phá, ăn cắp và có hành động tàn ác với người khác đến như vậy? Không biết sau này, khi xã hội ổn định, có ai đưa những người trẻ này ra truy tố trước toà hay không, chứ thật ra, chính họ đã làm hoen ố thanh danh người dân Mỹ.

Chúng ta ai cũng nhìn nhận nước Mỹ đang có một quân đội hùng mạnh nhất, có một chính sách an sinh xã hội hết sức khoa học, có một nền giáo dục tiên tiến, có một nền kinh tế vô cùng bền vững, và nhất là người Mỹ luôn hãnh diện có một nền dân chủ vĩ đại nhất, kiểu mẫu nhất cho các nước noi theo. Vậy mà tôi không hiểu vì sao, có một số người ở vào tuổi ăn chưa no lo chưa tới, họ vẫn không thể bằng lòng với những điều tốt đẹp của đất nước mà họ đang sinh sống, ngày ngày quậy phá, muốn xé nát những thành quả mà cha ông phải qua bao nhiêu thế hệ, đã tốn bao nhiêu xương máu mới tạo dựng được. Dĩ nhiên là những người trẻ này không bao giở thực hiện được những điều họ muốn, nhưng những đổ nát do họ gây ra, phải cần có nhiều người chung tay, và phải lâu lắm mới tái tạo lại được.

Suốt mấy chục năm ở Mỹ, tôi thấy nước Mỹ dù công việc có vội vã, nhưng đời sống rất bình yên, người tôn trọng người, các sắc tộc bình đẵng tuyệt đối trước pháp luật, chưa có thời kỳ nào có nhiều nhiễu nhương như thời kỳ này, mà những nhiễu nhương đó đều do những người trẻ tuổi gây ra. Tôi thật sự không thể hiểu được, một số người tuổi trẻ này, hiện giờ họ đang nghĩ gì?

oOo
 
Càng về khuya, khí trời càng thấm lạnh, nhưng ông Ba vẫn lấy khăn giấy thấm mồ hôi rịn ra trên trán, nhấp thêm ngụm rượu, giọng nói còn ngậm ngùi:

- Tôi nay đã lớn tuổi, không còn có thể đóng góp sức mình dù nhỏ nhoi cho đất nước đang cưu mang tôi, vậy mà cái đám trẻ tuổi lại manh tâm phá hoại. Những điều tôi “không hiểu”, chính là không hiểu về suy nghĩ của lớp người trẻ này đây, tại sao họ ăn cơm nước Mỹ mà lại không hết lòng phụng sự cho nước Mỹ? 

Thôi, tôi nói vậy cũng đủ rồi, tới phiên anh đó anh Sáu. Lâu lắm anh em mình mới có dịp trò chuyện thâu đêm như thế này. Anh Sáu ở Việt Nam đã gần hết đời người, vậy có chuyện gì anh vẫn “chưa hiểu” cũng giống như tôi không anh Sáu?

Ông Sáu nãy giờ chăm chú lắng nghe, nhiều khi gật gật đầu thông cảm. Sau khi nghe ông Ba nói vậy, bèn chậm rãi trả lời:

- Thấy anh Ba nói về một số người trẻ ở Mỹ, tôi cũng muốn tiếp lời. Anh Ba ở bên này lâu năm chắc không biết, bọn trẻ Việt Nam chỉ có một số ít chịu khó học hành làm ăn, còn lại, tôi không thấy một đứa nào còn nghĩ đến tiền đồ dân tộc, chỉ lo đánh quần đánh áo, đi ăn đi nhậu hàng đêm, đi quán bar, quán massage, đó là chưa kể đến những hoạt động hút sách, đĩ điếm. Bao nhiêu năm rồi, Việt Nam chưa sản xuất được một sản phẩm nào nổi tiếng trên thế giới, chỉ thấy quán nhậu tràn ngập khắp nơi. Nói theo kinh Phật thì thời kỳ này đã đến “hạ ngươn” rồi chắc. 

Còn nữa, tôi muốn kể cho anh Ba nghe về hoạt động đen tối của một số người trẻ ở Việt Nam hiện nay, đang làm khổ người dân, mà dường như chính quyền cứ để mặc. Bọn họ đang thực hành một nghề nghiệp rất đặc biệt, là hàng ngày trang bị bộ dạng thật dữ dằn để đi uy hiếp, đe doạ, ép buộc người nghèo, làm theo ý của chủ thuê mướn. Họ kết thành băng, thành nhóm, mà trong dân gian người ta thường gọi những băng nhóm đó là “xã hội đen”.

Anh Ba để tôi giả giọng một “xã hội đen viên” “báo cáo thành tích” cho anh nghe nha…

oOo

Xin chào mọi người. Em là một "xã hội đen viên". Em mới tròn hai mươi lăm tuổi. Em thuộc gia đình cha mẹ không mấy khá giả. Em vốn không thích học, chỉ thích chơi. Sở thích của em là thụt bi da lỗ, coi phim người lớn, có chơi ma tuý chút chút, chỉ chơi theo cử thôi, còn dành sức chỉ huy những đứa khác. Sau khi em rớt lớp 10, cha mẹ không chịu cung cấp đủ tiền cho em xài, nên em quyết định "thoát ly" theo bạn bè, làm nghề "xã hội đen" để hy vọng kiếm được nhiều tiền ăn chơi cho thoả thích.

Thật ra, nghề nghiệp của em cũng có "truyền thống" lâu đời như bao nghề nghiệp khác. Theo đuổi nghề này ngày xưa chỉ là những người làm ăn nhỏ, cò con, thu tiền "bảo kê" trong vài cái khu mãi dâm, hay sòng bài chui, nhưng lại phải cắt người làm bảo vệ gác xòng, canh cảnh sát rất cực khổ, sau này có “bung” ra hù doạ một số nhà hàng quán bar, thu thêm ít tiền bảo kê, nghề nghiệp chỉ được lên hương đôi chút.

Từ khi có sự xuất hiện của “thần tổ” Năm Cam, Dung Hà, Hiệp Phò Mã, nghề nghiệp “xã hội đen” thời đó vô cùng phát đạt, các thành phố lớn đều được phân chia từng khu vực cho từng “phân bộ” xã hội đen hoạt động, các nhà hàng, chủ doanh nghiệp sản xuất tư nhân muốn yên ổn làm ăn thì phải phục tùng hàng tháng đóng tiền bảo kê theo quy định, ai không phục tùng, xã hội đen sẽ cho đàn em “chơi đẹp”. Các khu vực mãi dâm và sòng bạc, xã hội đen vừa thu tiền vừa làm trùm tổ chức, thời đó không có ông cảnh sát nào dám léo hánh đến khu vực làm việc của các ông trùm. Khi còn có “thần tổ”, đàn em ai cũng được ăn ngon mặc sướng, ôm ấp toàn gái đẹp, đó là giai đoạn lịch sử “oai hùng” của ngành nghề “xã hội đen” mà đám “làm nghề” như  tụi em, không đứa nào mà không biết.

Sau ngày “thần tổ” Năm Cam hy sinh, có một thời gian dài, tổ chức tụi em bị co vòi, nhưng vì muốn tồn tại, tổ chức tụi em phải bám theo một ông chủ mới. Ông chủ mới không những chỉ làm trùm các hang động nhà hàng, mà còn trùm cả các hoạt động sản xuất kinh doanh trên khắp cả nước. Ông chủ đã chiêu dụ, tuyển mộ rất nhiều các tay chơi, mà phải thật chịu chơi như tụi em. Đó là lý do em có mặt trong làng xã hội đen. “Biên chế không chính thức” của tụi em ngày một tăng theo nhu cầu của từng thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhất, tụi em được thuê mướn hàng ngày “tò tò” ẩn hiện theo mấy anh công an giao thông, nếu người vi phạm nào không “ngoan ngoãn” khi các anh đang “làm luật”, gọi tụi em tới, cũng đã có mạnh tay vài vụ, sau này ai cũng phải riu ríu thi hành theo lệnh, các anh có cơm thì tụi em cũng có cháo, thật sự thời kỳ này tụi em chỉ sống cầm chừng.

Thời kỳ thứ hai là thời kỳ tụi em được thuê đánh dẹp các cuộc biểu tình, hay hỗ trợ các anh công an trong mấy cái vụ cưỡng chế đất đai dưới danh nghĩa “nhân dân tự phát”. Tụi bạn em được tuyển mộ vô rất nhiều, cho nên vụ nào có tụi em tràn ra, người ta nhìn đông như quân nguyên, có nghĩa là đông lắm, không có lực lượng nhân dân nào chống lại nổi. Gậy gộc được trang bị, cứ nhắm đầu đối tượng mà nện, cứ nhắm lưng đối tượng mà phang, máu chảy lệ rơi không màng chú ý. Vụ nào tụi em cũng đều toàn thắng, được chủ thưởng rất mạnh tay, phải nói trong thời kỳ này, tụi em sống cũng đã kha khá.

Thời kỳ thứ ba là thời kỳ vàng son như hiện nay. Do trong thời kỳ trước tụi em mạnh tay quá, sang thời kỳ này không còn có cuộc biểu tình nào dám phát động, chủ sợ tụi em bị thất nghiệp, nên đã thành lập mạng lưới cho vay ăn lời cắt cổ, một triệu cho vay sáu tháng thành bốn triệu, nếu gọi cho có văn chương một chút, đó là mạng “tín dụng đen”. Tín dụng đen hoạt động trên nhiều thành phố lớn nhỏ, có khi bí mật, có khi công khai. Không biết từ đâu ra mà chủ của em quá giàu, nhân dân thì lại quá lầm than, cho nên số người mang công mắc nợ của mạng lưới “tín dụng đen” nhiều vô số kể. Tụi em được “biên chế” vào lực lượng “đòi nợ mướn”, công việc (đòi nợ) nhiều, lương cao, tụi em ăn xài thoải mái. Con nợ nào rơi vào tay tụi em mà chưa chịu trả tiền, không bị đui con mắt thì cũng gãy vài ba cái răng, gãy tay gãy chân là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nếu còn lì lợm thì có “hy vọng” mất luôn vài ngón tay hay có thể sẽ bị đốt nhà. “Tác phong công nghiệp” dạy em là đòi nợ hiệu quả, chứ không tương nhượng tình cảm. Sống với con ghệ của em mà em còn không có tình cảm, thì tình cảm với người khác chỉ phát mệt.

Mọi người không biết chứ, “ngành nghề” tín dụng đen đã được chính quyền và dân chúng công nhận, ngang hàng với những ngành nghề khác, con người xã hội đen cũng được công nhận là một thành phần chính thức trong xã hội. Mọi người không tin hả? Này nhé, mọi người có thấy một số phim truyện (chiếu rạp), hay một số phim truyền hình, nhiều xen có vai xã hội đen xuất hiện, cũng có đâm chém, cũng có đòi nợ mướn, nhưng cũng như những vai trò khác, không có ai phê phán, không bị ai xua đuổi, không bị ai đánh dẹp. Như vậy không phải công nhận thì gọi là gì?

Sao? Mọi người nói có vài ba quan chức “tín dụng đen” bị bắt hả? xin mọi người an tâm, sớm chìm xuồng thôi. Lấy “danh dự” của một thằng chém mướn, đòi nợ mướn, em xin cam đoan với mọi người rằng, ngày nào chế độ còn vững, không có cơ quan cấp cao cấp thấp, hay thằng nào con nào, đụng được cái lông chân của ông trùm “tín dụng đen” thành đồng vách sắt này. Mạng lưới “tín dụng đen” từ trung ương đến địa phương vẫn mãi mãi sống mạnh, sống hùng, là “niềm tin và hy vọng” của giới cán bộ nhà giàu, và của đám “đòi nợ mướn” tụi em.

Hiện nay do tiền bạc rủng rỉnh, và phần trăm “an ninh nghề nghiệp” rất cao (“an ninh nghề nghiệp” tức là không sợ bị bắt đó, mọi người “nắm” được chưa?), em vừa “bung” tiền cho đàn em, dụ mấy cô gái quê lên, mở năm sáu cái quán bar và tiệm massage, để vừa có thêm tiền vô, vừa để khi nào cảm thấy “quá sung” thì em sẽ đến đó “giải trí” free. Tháng rồi bên tài chánh kêu em làm bảo kê thêm cho các “huyện đề” số đầu số đuôi, để họ yên tâm không ai dám đánh (đề) trước, mà không chịu trả tiền sau, làm vụ này em kiếm thêm được bộn tiền.

Mọi người thấy không? Hiện nay em có hai căn nhà ở Phú Mỹ Hưng, sở hữu dàn siêu xe đắt tiền, đi vũ trường hàng đêm, đàn em bảo vệ vài ba thằng, gái gú thì bao la. Không phải là do em gặp thời, mà là do em quá “thông minh”, nhìn được xã hội, đoán được thời cơ và chọn nghề nghiệp quá đúng.

Em cũng xin cảm ơn “thần tổ” Năm Cam linh thiêng, phò hộ cho em có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Nam mô a di đà Phật”.

oOo

Nói xong câu cuối, ông Sáu ngồi lặng im, nhắm mắt, dường như sau khi thoát ra được một vai trò vô lương (dù chỉ bằng lời nói), ông Sáu chợt cảm thấy một niềm thất vọng vô bờ bến về lớp người tuổi trẻ ở Việt Nam, hiện nay đang làm băng hoại quê hương yêu mến mà ông vừa rời xa, không biết đến bao giờ quê hương của ông mới trở lại sáng đẹp như ngày xa xưa.

Ông Ba rót thêm rượu cho ông Sáu, tỏ ý chia sẻ:

- Anh Sáu ơi, tuổi trẻ của chúng ta ngày xưa nhắc nhau “lên đàng” xây dựng đất nước như lời một bài hát: “Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông, từ nay ra sức anh tài”.  Còn ngày nay, những đứa trẻ ham mê hút sách, rượu chè, cờ bạc, hám tiền, ngu dốt đã bị bọn bóc lột cấu kết với chính quyền, lợi dụng và xử dụng như phương tiện mà chúng không hề hay biết, lại còn lớn lối khoe khoang. Thiệt, không hiểu nổi.

- Anh Ba có công nhận với tôi không? Ngày nào chính quyền Mafia ở Việt Nam vẫn còn trị vì, tiếng than oán của anh em mình chắc cũng chỉ như tiếng quốc kêu sương mà thôi.

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia”. 
(Bà Huyện Thanh Quan)
 
Từ Sơn
Tháng 10/2020

(*) Ti đồng khinh tháo lộng,
      Lưu thủy ngộ tri âm.

Dịch nghĩa:
                 
     Nhẹ nhàng khảy sợi tơ đồng (đàn)
     Du hành trên sông nước gặp được người tri âm (hiểu tiếng đàn).

(phụ chú: ĐSLV)




No comments

Powered by Blogger.