Header Ads

Bên Tách Trà: Vấn Đề Bầu Cử Gian Lận


 Bùi Phạm Thành

Xin chào tái ngộ quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên.

Hôm nay là Chủ Nhật, ngày 18 tháng 10 năm 2020, như thế là còn đúng 15 ngày nữa là đến ngày bầu cử để chọn một một vị tổng thống và một số nhân viên lập pháp từ cấp thành phố đến quốc gia, và nhân viên của các chức vụ dân cử khác; đó là chưa kể đến hàng loạt các đề nghị để trưng cầu ý kiến (proposition). Tuy nhiên, việc chọn lựa người vào chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ là quan trọng nhất, kế đến là Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ. Có lẽ cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 năm 2020 tới đây sẽ đi vào lịch sử là một cuộc tranh cử sôi động, tốn kém và nhiều rắc rối nhất. 

Trong các quốc gia theo thể chế dân chủ trên thế giới thì tranh cử là sự tranh giành quyền lực lãnh đạo quốc gia một cách hợp pháp. So với lịch sử của các quốc gia trên thế giới thì Hoa Kỳ là một quốc gia mới, cho đến nay mới được 244 năm, thế cho nên những nhà lập quốc đã có dịp nghiên cứu tường tận về luật pháp và cách thức tổ chức xã hội cũng như sinh hoạt chính trị của các quốc gia Âu châu, để viết ra một Hiến Pháp bao gồm tất cả những tinh hoa của thế giới tự do; và từ đó soạn ra những bộ luật dân sự và hình sự để điều hành quốc gia. Lẽ dĩ nhiên là để trở thành một văn kiện hoàn hảo và thích hợp với sự thay đổi theo thời gian, Hiến Pháp đã được tu chính (sửa đổi) 27 lần. Trong đó có 9 tu chính án liên quan tới bầu cử:
  1. Tu chính án thứ 12 (năm 1804): Bầu chọn Tổng thống và Phó tổng thống.
  2. Tu chính án thứ 15 (năm 1870): Quyền tham gia bầu cử.
  3. Tu chính án thứ 17 (năm 1913): Bầu chọn Thượng Nghị Sĩ.
  4. Tu chính án thứ 19 (năm 1920): Quyền phụ nữ được tham gia bầu cử.
  5. Tu chính án thứ 20 (năm 1933): Ngày bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống và quyền kế vị.
  6. Tu chính án thứ 22 (năm 1951): Giới hạn 2 nhiệm kỳ của chức vụ tổng thống.
  7. Tu chính án thứ 23 (năm 1961): Thủ đô của Hoa Kỳ (District of Columbia - DC) được hưởng quyền tham gia bầu cử chức vụ tổng thống và phó tổng thống, tương tự như quyền hạn của một tiểu bang.
  8. Tu chính án thứ 25 (năm 1967): Luật thừa kế chức vụ tổng thống.
  9. Tu chính án thứ 26 (năm 1971): Ấn định quyền được tham gia bầu cử ở tuổi 18.
Thưa quý vị,

Như chúng tôi đã trình bày ở trên thì tranh quyền cai trị quốc gia theo phương pháp bầu cử là hợp hiến và hợp pháp. Tuy nhiên định luật tương đối cho thấy rằng không có gì là hoàn hảo, không có luật lệ nào mà không có kẽ hở; và như thế bầu cử dù có luật lệ, có phương thức, có tổ chức, có người kiểm soát ... sự gian lận vẫn xảy ra.

Nói về sự gian lận bầu cử thì có rất nhiều hình thức, từ tráo đổi thùng phiếu cho đến hăm doạ hoặc ép buộc cử tri ở các quốc gia độc tài hay cộng sản. Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu một vài phương pháp gian lận bầu cử ở Hoa Kỳ.

Thao túng bầu cử

Gian lận bầu cử có thể xảy ra trước cuộc bỏ phiếu khiến đơn vị bầu cử hay số cử tri bị thay đổi. Tính hợp pháp của kiểu thao túng này khác nhau giữa các luật lệ của từng tiểu bang. Tuy nhiên, cố tình thao túng kết quả bầu cử vẫn được coi là vi phạm các nguyên tắc dân chủ.

Quyền công dân - Theo luật pháp của nhiều tiểu bang thì tội phạm sẽ bị mất quyền công dân, do đó không được tham gia bầu cử. Cuối tháng 9 vừa qua, cựu thị trưởng New York, tỉ phú Mike Bloomberg, đã tuyên bố sẽ bỏ ra ít nhất là 100 triệu đô-la để giúp Joe Biden và đảng Dân Chủ; trong đó có 16 triệu để giúp gần 32,000 can phạm ở tiểu bang Florida trả tiền án phí để phục hồi quyền công dân, nhằm tăng số cử tri của đảng Dân chủ. Đây có thể được xem là gian lận theo kiểu mua chuộc cử tri, sẽ nói ở phần dưới.

Đe doạ - Về phương diện bầu cử, đe doạ không chỉ giới hạn ở thể chất, mà còn ở lời nói và sự ép buộc khiến người dân phải bỏ phiếu cho một ứng cử viên nào đó, hoặc không tham gia bầu cử. Loại thao túng này thường xảy đến cho những người bỏ phiếu bằng thư, hoặc ở xa vị trí đặt thùng phiếu. Hiện nay, có những nguồn tin đe doạ rằng nếu ông Trump tái đắc cử thì sẽ cắt giảm ngân sách xã hội giảm tiền già, tiền xã hội. Điều này vô lý vì ông Trump đã làm tổng thống một nhiệm kỳ, có cắt giảm gì đâu. Một đe doạ nữa là ông Trump sẽ giới hạn người nhập cư hay trục xuất người có lý lịch nhập cư không đúng luật ... Điều này chỉ đúng với những người nhập cư lậu mà thôi, chứ theo đúng luật hiện hành thì chẳng có gì phải e ngại. Thế nhưng các loại tin đe doạ này cũng làm nhiều người hoang mang, hoảng sợ mà thay đổi lá phiếu của họ.

Thông tin sai lạc - Việc đưa ra những thông tin sai lạc thì có lẽ giới truyền thông thiên tả của Hoa Kỳ đứng đầu thế giới, bởi thế mới có từ ngữ mới là "fake news", tiếng Việt là "tin giả". Điều này thì chúng ta vẫn được nghe hàng ngày và xem ra là lối tuyên truyền thông dụng, vì thông thường tin giả được loan báo bởi nhiều người và nhiều lần thì cũng sẽ có người tin. Đây là sách lược tuyên truyền được phát minh bởi cộng sản Liên Xô, sau đó được Tàu cộng áp dụng triệt để và rồi Việt cộng cũng tiếp tục phương pháp đó để tuyên truyền. Và ngày nay là "fake news" được giới truyền thông thiên tả khai thác triệt để, nhất là trong mùa bầu cử như hiện nay.

Mua chuộc cử tri

Vấn đề mua chuộc cử tri thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như trao đổi tiền tệ, hàng hoá, quà cáp hoặc dịch vụ cần thiết, thí dụ như việc ông tỉ phú Mike Bloomberg mua chuộc gần 32,000 tội phạm để tăng cường cử tri cho đảng Dân Chủ ở Florida, như đã nói ở trên. Sự mua chuộc còn được thực hiện dưới hình thức hứa hẹn của ứng cử viên, rằng như nếu đắc cử thì sẽ có những chương trình hay dịch vụ giúp đỡ nghe rất bùi tai.

Trong cuộc vận động vừa qua của các ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ chúng ta đã được nghe rất nhiều lời hứa như xoá nợ cho sinh viên, cung cấp nhà cửa cho dân nghèo, phụ giúp trả tiền thuê nhà hoặc thuê nhà miễn phí, mở cửa cho nhập tịch, dễ dàng bảo lãnh bà con anh em, cung cấp dịch vụ y tế miễn phí, đại học miễn phí, và nhiều thứ miễn phí khác trị giá hàng trăm, ngàn tỉ đô-la; nhưng khi được hỏi là lấy tiền ở đâu ra để làm những chương trình "cho không, biếu không" như thế thì họ né tránh không trả lời. Thế nhưng chắc cũng không ít người tin tưởng vào những lời hứa cuội hay chiếc bánh vẽ đó.

Một hình thức mua chuộc cử tri thường xảy ra ở những khu phố nghèo mà người dân ở đông đúc, chật chội trong các chung cư. Họ cho người đến tận nơi với danh nghĩa giúp đỡ và vận động cử tri, hoặc giải thích về việc bầu cử ... nhưng thực ra là gạt cử tri để thay họ mà điền chọn những ứng cử viên thuộc đảng phái của họ. Đây là một hình thức gian lận khó kiểm soát nhất, và dễ làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử.

Phương pháp bầu cử và kiểm phiếu

Viện Ấn định Tiêu chuẩn và Kỹ nghệ Quốc gia (The National Institute of Standards and Technology) có lập một danh sách về các mối đe dọa đối với hệ thống bầu cử hoặc các phương pháp gian lận bầu cử được coi là phá hoại nền dân chủ của quốc gia.

Phiếu bầu gây hiểu lầm hoặc gây nhầm lẫn - Hoa Kỳ là tập hợp của nhiều tiểu bang, thế cho nên mỗi tiểu bang có phương pháp trình bày lá phiếu riêng, không phải theo một tiêu chuẩn nào, và cũng có thể khác nhau trong mỗi mùa bầu cử. Việc lá phiếu bấm lỗ đã gây rắc rối, không những cho cử tri mà cho cả việc kiểm phiếu đã xảy ra ở Florida năm 2000. Sự việc đã kiện lên tới Tối cao Pháp viện. Trường hợp này thường không được xem là gian lận, nhưng cũng vẫn được coi là làm hại đến nền dân chủ.
 
Nhồi nhét lá phiếu - Nhồi nhét lá phiếu, hay "nhồi nhét thùng phiếu", là hành vi bất hợp pháp của một người bỏ phiếu nhiều lần trong một cuộc bỏ phiếu, trong khi theo đúng luật thì mỗi người chỉ được phép có một lá phiếu mà thôi. Ở Mỹ đã có trường hợp những người có nhiều nhà ở các thành phố hoặc tiểu bang khác nhau, nên đã ghi danh bỏ phiếu ở nhiều nơi, và như thế có nhiều lá phiếu trong cùng một cuộc bầu cử. Thông thường trên phong bì bỏ phiếu bằng thư có hàng chữ nhắc nhở điều này, nếu vi phạm sẽ bị phạt tù, có thể tới 4 năm.

Đếm sai phiếu bầu - Việc đếm sai phiếu bầu có thể xảy ra khi máy bỏ phiếu bị trục trặc, lỗi trong khi đếm phiếu, hoặc bị hướng dẫn sai lầm. Một thí dụ là người khiếm thị (mù) hoặc không biết đọc (mù chữ) cần được chỉ dẫn, thế nhưng người hướng dẫn lại cố tình chỉ sai.

Tiểu bang California chấp nhận lá phiếu có dấu vết tẩy xoá, vì cử tri có thể gọi ban bầu cử để cho họ biết là đã bầu sai hay đổi ý và nhờ ban bầu cử sửa đổi giùm. Đây là một đạo luật nguy hiểm, mở rộng cánh cửa cho việc gian lận bầu cử.

Gây xáo trộn trong hệ thống bỏ phiếu điện tử - Trong thời đại này chúng ta đã nghe rất nhiều về "hacker" mà ta gọi là "tin tặc" là những kẻ gian dùng kỹ thuật xâm nhập hệ thống computer để ăn cắp dữ liệu, hoặc là làm sai lạc dữ kiện ghi nhận trong máy.

Trên nước Mỹ, từ năm 2014 đến 2017, kẻ gian đã xâm nhập hệ thống máy computer của tiểu bang Georgia, làm thay đổi hệ thống bầu cử bằng máy điện toán trên toàn tiểu bang.

Mạo danh cử tri - Tuy có một số tài liệu nói về việc một người mạo danh người khác để đi bầu, nhưng không có nhiều trường hợp được ghi nhận, nhưng một số tiểu bang đã áp dụng phương pháp thẻ cử tri (voter ID) để tránh việc này, đồng thời ngăn ngừa những người không phải là công dân hoặc tội phạm tham gia bỏ phiếu.


Gian lận bỏ phiếu bằng thư - Phương pháp gian lận bầu cử bằng thư, hiện nay, đang là một đề tài nóng bỏng; thế cho nên khắp nơi trên nước Mỹ, người dân đã tự nguyện xếp hàng chờ đợi nhiều giờ để được tự mình bỏ phiếu vào thùng phiếu. Nhiều chuyên gia ước tính có nhiều gian lận với các lá phiếu qua bưu điện hơn là bỏ phiếu trực tiếp và như thế ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử. Đảng Dân chủ ủng hộ và hô hào việc bỏ phiếu bằng thư. Trái lại, đảng Cộng Hoà phản đối và kêu gọi dân chúng hãy bỏ phiếu bằng cách tự mình đến bỏ vào thùng phiếu. Có lẽ vì thế mà trên Youtube và các đài truyền hình cho thấy, ở rất nhiều thành phố trên nước Mỹ, dân chúng xếp hàng dài, chờ đợi hàng giờ để bỏ phiếu tại chỗ.

Các hình thức gian lận bỏ phiếu bằng thư bao gồm áp lực lên các cử tri từ gia đình hoặc những người khác; việc thu phiếu của những người thu phiếu không trung thực khi đánh dấu ngày nhận phiếu bầu, hoặc không giao phiếu; và những nhân viên bưu điện hay người nhận phiếu đã tráo đổi hoặc hủy bỏ các lá phiếu sau khi nhận được. Gần đây có nhiều tin tức và bằng chứng của những lá phiếu bầu sớm bằng thư đã bị ném vào thùng rác.

Phát hiện và ngăn ngừa

Ba phương pháp chính để ngăn ngừa gian lận bầu cử là:
  1. Kiểm soát phương pháp bầu cử.
  2. Ngăn chặn gian lận bằng sự trừng phạt thích hợp và có hiệu quả.
  3. Trau dồi đạo đức xã hội để ngăn ngừa tham nhũng, hoặc làm chuyện phạm pháp.
Kiểm soát phương pháp bầu cử

Kiểm toán bầu cử là việc xem xét được thực hiện sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu nhằm mục đích xác định xem các phiếu bầu đã được đếm chính xác (đánh giá kết quả) hay liệu có tuân theo các  thủ tục thích hợp (đánh giá quy trình) hay cả hai.

Các cuộc kiểm soát khác nhau và có thể bao gồm việc kiểm soát xem 
  • Số lượng cử tri đã đến các phòng phiếu có phù hợp với số phiếu bầu không?
  • Niêm phong trên thùng phiếu và phòng lưu trữ có còn nguyên vẹn hay không?
  • Số đếm trên máy tính (nếu được sử dụng) có ăn khớp với số đếm bằng tay hay không?
Kiểm phiếu lại sau khi bầu cử là một loại kiểm toán đặc biệt, với các yếu tố của cả kiểm toán kết quả và thủ tục làm việc.

Trừng phạt

Ở Mỹ, mục đích của trừng phạt không phải là để chặn đứng sự gian lận hay trục xuất kẻ thắng cử bằng cách gian lận ra khỏi chức vị; nhưng để ngăn chặn và trừng phạt nhiều năm sau đó. Bộ Tư Pháp đã phát hành tài liệu "Truy tố cấp Liên bang về Vi phạm Bầu cử" trong tám ấn bản từ năm 1976 đến 2017, dưới thời các Tổng thống Ford, Carter, Reagan, Clinton, Bush và Trump. Nói rằng "Bộ Tư Pháp không có quyền can thiệp trực tiếp vào quá trình bầu cử ... các biện pháp điều tra tội phạm công khai sẽ không được thực hiện ... cho đến khi cuộc bầu cử được đề cập đã kết thúc, kết quả đã được chứng nhận và tất cả các cuộc kiểm phiếu lại và các cuộc tranh chấp đã kết thúc." Các nguyên tắc kết án đưa ra phạm vi từ 0–21 tháng tù cho người phạm tội đầu tiên; mức độ phạm tội được phân chia thứ hạng từ 8 đến 14. Việc điều tra, truy tố và kháng án có thể kéo dài trên 10 năm.

Đạo đức xã hội

Các khuôn mẫu của hành vi thông thường trong một xã hội, còn gọi là đạo đức xã hội, là một phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn gian lận bầu cử và tham nhũng nói chung. Chương trình giáo dục của Mỹ ở bậc tiểu học không có phần "Công Dân Giáo Dục" như nền giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, mà nhường, hay đúng ra là trông cậy, phần này vào sự giáo dục của nhà thờ.

Một lợi thế của việc trau dồi đạo đức xã hội như một chiến lược phòng ngừa gian lận có hiệu quả trên tất cả các phương pháp bầu cử. Một nhược điểm là nó làm cho các nỗ lực ngăn ngừa và phát hiện khác khó thực hiện hơn, vì các thành viên của xã hội, nói chung, có nhiều niềm tin về phòng chống nhưng lại ít ý thức hơn đối với các phương pháp gian lận.

Bầu kín và phương pháp bầu cử minh bạch

Hai phương pháp phụ thuộc được đề nghị
  1. Bầu kín - Có nghĩa là chỉ có cử tri là người biết rằng họ bầu cho ai. Phương pháp này bảo đảm rằng cử tri không bị ai ép buộc, đe doạ, gạt gẫm ... Tuy nhiên phương pháp này buộc cử tri phải đến phòng phiếu để bầu, khiến số người tham gia bầu cử sẽ giảm đi rất nhiều, nhất là ở các khu vực dân cư nghèo, hoặc kém học vấn, kém ý thức về sinh hoạt dân chủ.
  2. Phương pháp bầu cử minh bạch - Đây là phương pháp đòi hỏi phổ biến rõ ràng phương pháp và kết quả bầu cử đến tất cả cử tri. Ngay từ kết quả của sự chọn lựa ứng cử viên cho đến số đếm của từng phòng phiếu phải được kiểm điểm và thông báo bằng giấy tờ ở từng phòng phiếu để người dân có thể kiểm chứng rằng số phiếu này được gộp chung vào tổng số phiếu trên toàn quốc. Đồng thời phương pháp kiểm phiếu phải được chứng thực rõ ràng và minh bạch. Phương pháp này xem ra "nói thì dễ nhưng làm rất khó," vì rất tốn kém và cũng không thể tránh được các gian lận ngay tại phòng phiếu như tráo thùng phiếu, chỉ dẫn sai lạc, sự sai lầm của máy bầu phiếu (trong trường hợp dùng máy), sự kiểm soát ở phòng phiếu có thể sẽ khiến kéo dài thời gian bỏ phiếu và khiến số người tham gia bỏ phiếu sẽ ít đi.

Kết Luận

Thưa quý vị,

Để tạm kết luận thì chúng ta cũng thấy rằng luật lệ dù có đầy đủ, tỉ mỉ, xã hội dù có văn minh, tiến bộ đến đâu đi chăng nữa thì cũng không tránh khỏi kẽ hở của đạo đức xã hội; và như thế sẽ sinh ra gian lận của việc mua bán, giao dịch, và nhất là trong việc tranh giành quyền lực, cho dù việc tranh giành qua hình thức bầu cử dân chủ. 

Càng gần đến ngày bầu cử, chúng ta càng nghe và đọc thấy nhiều tin tức khiến chúng ta hoang mang, ngờ vực. Tuy nhiên chúng ta nên xem qua các Youtube video để thấy rằng các thành phố tổ chức bầu cử sớm đều cho thấy rằng người dân nối đuôi nhau chờ hàng mấy tiếng đồng hồ để được tận tay bỏ lá phiếu của họ vào thùng phiếu. Theo như các chuyên gia y tế thì đi bỏ phiếu còn ít nguy hiểm hơn đi chợ mua thực phẩm, vì xếp hàng bỏ phiếu thì phải giữ khoảng cách tối thiểu. Thế cho nên khi thành phố mở cửa thùng phiếu thì chúng ta nên "rủ nhau đi bầu" để thể hiện quyền công dân đã được Hiến Pháp quy định và luật pháp bảo vệ.

Tu chính án thứ 20 của Hiến pháp Hoa Kỳ đã ghi rõ rằng:

Mục 1. Nhiệm kỳ của Tổng thống và Phó tổng thống sẽ kết thúc vào trưa ngày 20 tháng 1.

Thưa quý vị,

Thời gian qua nhanh, ngày bầu cử gần kề, chúng ta nên tham dự cuộc bỏ phiếu quan trọng này, để rồi ngày 20 tháng 1 năm 2021 sẽ được xem lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống và Phó tổng thống đắc cử, với pháo bông rực sáng trên nền trời tự do của Hoa Kỳ, một quốc gia hùng mạnh hàng đầu của thế giới, nơi mà chúng ta đã may mắn chọn và nhận làm quê hương để vun đắp những thế hệ mai sau của người Việt Nam ở hải ngoại.

Bùi Phạm Thành




Tham khảo:

Electoral fraud
https://en.wikipedia.org/wiki/Electoral_fraud

The Risks of Mail-In Voting
https://www.heritage.org/election-integrity/commentary/the-risks-mail-voting

2020 United States presidential election
https://en.wikipedia.org/wiki/2020_United_States_presidential_election


No comments

Powered by Blogger.