Header Ads

Bên Tách Trà: So Sánh Chính Sách Đối Ngoại Của Donald Trump và Joe Biden


Bùi Phạm Thành

Chào quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên.

Ngày tháng qua vùn vụt. Hôm nay chúng ta lại có dịp ngồi bên tách trà bốc khói để bàn luận về cuộc tranh cử của đương kim tổng thống Donald Trump và cựu phó tổng thống Joe Biden, đang ở những ngày tháng cuối, rất ồn ào, sôi động, được thế giới để ý và tranh luận rất nhiều. 

Mới đây một bài viết trên trang báo điện tử the straitstimes.com của Singapore đã đưa ra một danh sách, từng điểm, để so sánh về chính sách đối ngoại của ông Trump và Biden. Tờ báo chỉ đưa ra danh sách, mà không bình luận, với chủ ý để người đọc phải tự tìm hiểu và đánh giá, và như thế sẽ đem đến cho họ kết quả của sự chọn lựa một vị tổng thống Hoa kỳ trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới.

Hôm nay, chúng tôi xin rót tách trà thơm mời quý vị cùng thưởng thức, đồng thời xin dùng danh sách của báo Straitstimes.com để đưa ra nhận xét của cá nhân chúng tôi, để chúng ta cùng suy ngẫm. Quý vị có thể đồng ý hoặc không, hay chỉ một phần nào đó. Điều quan trọng là chúng ta hãy cùng để chút thì giờ để tìm hiểu về chính sách của hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden, hay đúng ra là chính sách của hai chính đảng Cộng Hoà và Dân Chủ; và nhất là nên tham dự vào cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 năm 2020 tới đây.

Đảng Cộng Hoà - Đương Kim Tổng Thống Donald Trump

Chủ trương: "Nước Mỹ Trước Hết".

Vấn Đề Tàu cộng:

  • Dùng thuế để trừng phạt Tàu cộng vì các hành vi thương mại không công bằng, và đã đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ.

    Nhận xét: Từ khi Tàu cộng được chấp thuận gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization - WTO) năm 2001 với đặc quyền của một quốc gia "đang mở mang" với điều kiện là sẽ thay đổi phương pháp trao đổi thương mại khi nền kinh tế đã phát triển. Trước đó đã được cổ động mạnh mẽ bằng một bài diễn văn mang đầy tính chất thuyết phục của Bill Clinton cho rằng Tàu cộng được gia nhập thị trường quốc tế thì sẽ học được sinh hoạt theo đường lối dân chủ, và thế giới nhờ đó sẽ an bình. Dĩ nhiên là Tàu cộng sẵn sàng chấp thuận bất cứ điều kiện nào, và ký kết bằng cả hai tay để được gia nhập WTO. Bởi vì chúng biết rằng chúng có thể khuynh đảo WTO dễ dàng sau này. Và như thế bài diễn văn của Bill Clinton đã trở thành một chuỗi nhận xét ngây thơ đến độ khờ dại của chính phủ Mỹ thời bấy giờ.

    Kết quả là chưa đầy 20 năm, với thủ đoạn gian manh về đầu tư và tài ăn cắp kỹ thuật của tây phương, nền kinh tế của Tàu cộng đã vượt lên hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Mỹ, và trở thành trung tâm sản xuất hàng hoá và là chủ nợ của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ. Thế nhưng vẫn được hưởng đặc quyền "quốc gia đang mở mang", trong khi bành trướng thế lực kinh tế bằng con đường tơ lụa mới được gọi là chương trình "Vành Đai, Con Đường" và giăng "bẫy nợ" để trói buộc các quốc gia nghèo hoặc đang đang gặp khó khăn về kinh tế.

    Song song với việc phát triển kinh tế, Tàu cộng quay trở lại với giấc mộng "Đại Hán Trung Hoa", bành trướng vũ lực bằng cách xâm lăng và tuyên bố chủ quyền hơn 90% vùng biển Thái Bình Dương, một hải lộ vận chuyển số lượng hàng hoá trị giá trên 3 ngàn tỉ (over USD $3 trillion) mỗi năm, đồng thời là vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên, như dầu hoả và khí đốt, dưới đáy biển, đó là chưa kể đến số lượng hải sản có thể đánh bắt.

    Qua hai đời tổng thống Bush và Obama, 16 năm, thì mọi hành động của Tàu cộng đều được "ngó lơ". Thế nhưng đến đời tổng thống Donald Trump thì tất cả mánh khoé đầu tư và ăn cắp kỹ thuật của tàu cộng đều bị phanh phui, các "gián điệp kinh tế và kỹ thuật quốc phòng" bị lùng bắt, và một cuộc chiến tranh kinh tế và đánh thuế cao lên hàng nhập cảng được áp đặt lên Tàu cộng, đồng thời gia tăng hoạt động và hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ ở vùng Biển Đông để ngăn bước chân xâm lăng của Tàu cộng.

    Trước áp lực của chính phủ ông Trump, Tàu cộng đã nhượng bộ và một thoả thuận thương mại sơ bộ đã được ký kết. Thế nhưng cơn đại dịch Vũ Hán do Tàu cộng phát tán ra toàn thế giới vào cuối năm 2019 đã khiến Mỹ và cả thế giới nhìn rõ dã tâm của Tàu cộng, và phong trào "Chống Tàu cộng (anti-China)" đã bùng phát trên toàn thế giới.
  • Đóng cửa một lãnh sự quán của tàu cộng ở Houston, buộc tội các các nhân viên chính phủ cao cấp vì tội gián điệp và đánh cắp bí mật thương mại của công ty Hoa Kỳ.

    Nhận xét: Đây là lần đầu tiên, sau thế chiến thứ nhì, chính phủ Mỹ mạnh tay với Tàu cộng. Việc đóng cửa một lãnh sự quán ở thành phố Houston, Texas, là một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử của Mỹ. Houston là thành phố kỹ thuật lớn thứ nhì, sau khu vực Silicon Valley của California, và lãnh sự quán của Tàu cộng ở Houston được xem là "trung tâm gián điệp kinh tế và kỹ thuật" của tàu cộng.
  • Trừng phạt các nhân viên cao cấp Tàu cộng vì vi phạm nhân quyền, cho dù có nguồn tin cho là ông Trump đã nói với Tập Cận Bình rằng ông không phản đối về các trại tập trung ở Tân Cương.

    Nhận xét: Vào giữa tháng 7 năm 2020, trang báo điện tử của CNN đã đăng bài nói về chính phủ ông Trump đã ra lệnh trừng phạt các nhân viên viên cao cấp của Tàu cộng ở Tân cương về việc vi phạm nhân quyền của người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Muslims) ở Tân cương. Trong số đó, đáng kể là: 

    Chen Quanguo - Bí thư Đảng Cộng sản ở Tân cương. 
    Zhu Hailun - Bí thư Đảng ủy Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tân Cương.
    Wang Mingshan - Bí thư Đảng ủy Sở Công an Tân Cương.

    Như thế thì nguồn tin cho là ông Trump đồng ý với họ Tập về các trại tập trung ở Tân cương có thể xem là "fake news" vì hoàn toàn trái ngược với tin của CNN, một trong những nguồn thông tin "chống Trump" mạnh nhất trong nhóm truyền thông thiên tả.
  • Cắt nguồn cung cấp "chip" (bộ phận điện tử) của công ty Mỹ cho Huawei và hạn chế các ứng dụng WeChat và TikTok của Tàu cộng.

    Nhận xét: Đây là những đòn giáng mạnh vào hệ thống thông tin tuyên truyền của Tàu cộng. Bởi vì như chúng ta đã được biết Tàu cộng đã gài những cơ phận gián điệp điện tử trong hệ thống thông tin vô tuyến 5G cua Huawei và xếp đặt vài "sư đoàn dư luận viên", với mục đích phổ biến và tuyên truyền cho đảng cộng sản Tàu. Sư đoàn này còn được biết đến với tên "50 Cent Army - Sư Đoàn 50 xu" vì mỗi bài phổ biến lời tuyên truyền của đám chó sói ngoại giao - Wolf warrior diplomacy" hay bênh vực cho Tàu cộng đăng lên các trang mạng xã hội thì kẻ đăng bài sẽ được trả 50 xu.
    Đóng cửa hay giới hạn hoạt động của Wechat và TikTok là ngăn chặn được làn sóng tuyên truyền của bè lũ "chó sói ngoại giao - Wolf warrior diplomacy""dư luận viên 50 xu" của chúng.

Vấn Đề Biển Đông:

  • Chủ trương “Vùng Biển Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở”, và đã đẩy lùi hoạt động quân sự hóa của Tàu cộng ở vùng biển đang có sự tranh chấp giữa Tàu cộng và nhiều quốc gia trong khu vực.

    Nhận xét: Thời chính phủ Obama thì hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương bị giới hạn. Thế cho nên Tàu cộng thẳng tay xâm lăng các quần đảo và quân sự hoá một số đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa, với ý muốn tuyên bố chủ quyền một khu vực rộng lớn, hơn 90%, trong vùng biển quan trọng này. Chính phủ của ông Trump đã gia tăng hoạt động vượt bực và tăng cường sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ với 3 Hàng Không Mẫu Hạm cùng với lực lượng tấn công trên biển và trên không để ngăn chặn ý đồ của Tàu cộng trong khu vực.
  • Bác bỏ các lời tuyên bố chủ quyền của Tàu cộng trong vùng Biển Đông và gọi đó là vi phạm luật hàng hải quốc tế.

    Nhận xét: Ngày 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã đưa ra một lời tuyên bố chính thức không chấp nhận "hầu hết" các lời tuyên bố chủ quyền của Tàu cộng ở Biển Đông và gọi hành động của Tàu cộng ở khu vực này là vi phạm luật pháp, dựa theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) trong vụ án Phi Luật Tân kiện Tàu cộng xâm lăng biển đảo. Đây là hành động quan trọng và tích cực nhất của Mỹ để có lý do, theo luật định, can thiệp vào hoạt động của Tàu cộng ở Biển Đông.
    Các chính phủ trước, Bush và Obama, vẫn tránh né không dám làm "mích lòng" Tàu cộng. Trong khi ông Trump là người không chủ trương chiến tranh, nhưng lại theo chủ thuyết cổ xưa của La Mã  "Peace through strength - Hoà Bình qua sức mạnh", đã được tổng thống Ronald Reagan áp dụng một cách rất hữu hiệu ở thập niên 1980. Cho dù chủ thuyết này bị cho rằng dễ bị trở thành "Peace through war - Hoà Bình qua chiến tranh". Thế nhưng "Nếu muốn Hoà Bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh - Si vis pacem, para bellum", và không gì bằng là phải có "sức mạnh - strength" hơn đối phương để chúng không dám liều lĩnh gây chiến, và như thế thì sẽ có "Hoà Bình qua sức mạnh - Peace through strength."

Vấn Đề Bắc Hàn:

  • Đã tham dự ba hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, và có công trong việc đã khiến cho Bình Nhưỡng đình chỉ các vụ thử vũ khí hạt nhân.

    Nhận xét: Điều này thì chúng ta đã được "nhìn tận mắt, nghe tận tai", cho dù giới truyền thông thiên tả không muốn, hoặc đưa tin một cách sơ sài, khiến cho sự việc có vẻ như không quan trọng. Thế nhưng, nhìn vào lịch sử thì thấy kể từ sau thế chiến thứ hai, và nhất là sau chiến tranh Triều Tiên (25 tháng 6, 1950 – 27 tháng 7, 1953) thì không thực sự có hoà bình trong khu vực, mà chỉ là đình chiến, và Bắc Hàn lúc nào cũng là "con rối" ở khu vực và tận lực phát triển phi đạn tầm xa cũng như vũ khí nguyên tử. Nếu Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử và với bản tính hung hăng của đám lãnh đạo thì tình hình an ninh trong vùng sẽ rất mong manh. Ngăn chặn được Bắc Hàn là ngăn chặn được hiểm hoạ chiến tranh nguyên tử trong vùng địa dư này.

Vấn Đề Đồng Minh:

  • Muốn Nhật và Nam Hàn trả thêm chi phí cho các căn cứ quân đội Mỹ giữ an ninh trên vùng đất của họ.

    Nhận xét: Đây cũng là một khía cạnh mà các chính phủ sau thế chiến thứ nhì đã "ngó lơ", bởi vì Hoa Kỳ lúc nào cũng được xem là "ông nhà giàu" bỏ tiền ra nuôi nhân loại và giữ hoà bình cho thế giới. Thế nhưng, như tất cả các nguồn lực khác, tiền bạc rồi cũng có lúc "không cạn thì cũng vơi", thế cho nên các quốc gia trên thế giới, cả đông lẫn tây, phải phụ giúp tài chánh và nhân lực để bảo vệ cho chính họ. Điều này áp dụng cho cả khối NATO và các lực lượng gìn giữ hoà bình qua Liên Hiệp Quốc. Bởi vì chúng ta, công dân Mỹ, đều biết rằng chính phủ Mỹ không phải tự do in tiền để phân phát cho thế giới. Hiện nay thì nợ quốc gia là $26,505,315,299,968 - con số quá lớn, cá nhân chúng tôi không biết tiếng Việt đọc như thế nào, nhưng nếu đem chia đều cho dân số hiện nay là 331,002,651 người, thì mỗi người dân Hoa Kỳ, không kể tuổi, đang mang một món nợ là $80,076. Có quý vị nào thắc mắc là tại sao mỗi người chúng ta lại bị một món nợ to như thế hay không? Xin "nói nhỏ" một câu là "món nợ này ngày một gia tăng chứ không hề giảm."
    Hiện nay rất nhiều người trong chúng ta phải "thắt lưng buộc bụng" vì con virus kung-flu Vũ Hán, nhưng nợ vẫn không hề "tuyên giảm". Tuy nhiên, là dân của "quốc gia anh hùng, hảo hiệp" chúng ta hãy cắn răng mà trả nợ cho Tàu, Tây, Anh, Đức, Nhật, ... cho tới Công Gô. Vậy mà khi ông Trump kêu gọi "người ngoài" góp phần trả nợ thì lại bị các triệu phú, tỉ phú, dân biểu, nghị sĩ, chính trị gia ... kêu gào chống đối - đó là chưa kể đến các "học giả, ký giả, ..." từ đông sang tây, hùa theo đả kích, cứ làm như nếu không đả kích ông Trump thì coi như là không hiểu quyền công dân, chính trị, hiến pháp ... của Hoa Kỳ. Trên đời này có nhiều điều khó hiểu, đây là một trong những điều khó hiểu bậc nhất !!!
    Nhân đây cũng xin nhắc là quý vị nào hiểu quyền công dân của Hoa Kỳ thì nhớ tham dự bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 năm 2020 này nhé.
  • Cố gắng tăng cường sự hợp tác của nhóm "Đối Thoại An Ninh 4 Quốc Gia (Quadrilateral Security Dialogue)" hay còn gọi là nhóm "Tứ Cường (the Quad): Hoa Kỳ, Nhật, Ấn và Úc."

    Nhận xét: Nhóm Tứ Cường được thành lập từ năm 2007 bởi thủ tướng Nhật, Abe Shinzo, thế nhưng đã nhanh chóng tan rã một năm sau đó, 2008, bởi sự rút lui của Úc, và tiếp theo là sự "xoay chiều" của Nhật và Ấn trước áp lực kinh tế của Tàu cộng.
    Tuy nhiên, trước sự đe doạ của Tàu cộng trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN Summits năm 2017 ở Manila, Phi Luật Tân, các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia: thủ tướng Malcolm Turnbull của Úc, thủ tướng Abe Shinzo của Nhật, thủ tướng Narendra Modi của Ấn, và tổng thống Donald Trump của Mỹ đã đồng ý tái lập "the Quad". Đây là một thành quả tốt đẹp trong chiến lược giữ gìn an ninh, hoà bình lâu dài cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trên danh nghĩa của các quốc gia có chung quyền lợi về kinh tế, quân sự và chia sẻ vùng nước biển.

Vấn Đề Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương:

  • Rút lui khỏi Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) để đem việc làm của công nhân hãng xưởng về nội địa Mỹ.

    Nhận xét: Đây cũng là một phần của chủ trương "Nước Mỹ trước hết - America First" của ông Trump. Từ khi Tàu cộng gia nhập WTO thì hãng xưởng Mỹ ào ào chuyển qua đất Tàu để tìm nhân công rẻ, cho dù phải ký những thoả thuận bất lợi với hãng xưởng Tàu, hầu hết do chính phủ Tàu tài trợ và kiểm soát. Thoả thuận Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương được ký năm 2016, cũng đem lại tình trạng tương tự là lệ thuộc vào hãng xưởng bên ngoài nước Mỹ, và ông Trump, trong thời gian tranh cử đã tuyên bố là sẽ rút lui nếu đắc cử.
    Các bình luận gia cho rằng điều này đã giúp rất nhiều cho việc đắc cử của ông Trump, vì đó đúng là nguyện vọng của từng lớp công nhân và nông dân, thành phần cử tri "thầm lặng" lớn nhất của Mỹ.
oOo

Đảng Dân Chủ -  Cử Viên Tổng Thống Joe Biden

Chủ trương: "Phục hồi vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ, tăng cường quan hệ với đồng minh".

Vấn Đề Tàu cộng:

  • Chỉ trích chương trình thuế quan và thoả thuận thương mại của ông Trump.

    Nhận xét: Đảng Dân Chủ luôn luôn tìm cách nói ngược, hoặc bới lông tìm vết để cố moi ra một kẽ hở nào đó để nói xấu về thành quả của ông Trump. Họ cho rằng việc áp dụng thuế quan lên hàng nhập cảng của Tàu cộng sẽ bị trả đũa và như thế thì những thành phố nhỏ và người tiêu thụ sẽ bị thiệt thòi. Trên thực tế không có bao nhiêu thành phố tự buôn bán với Tàu mà phần lớn là đánh thuế trên các sản phẩm không phải là tối cần thiết cho đời sống hàng ngày của dân chúng. Kinh nghiệm của chính chúng ta, người tiêu thụ, không hề thấy bị thiệt thòi gì cả. Ngay cả trong thời gian tranh cử nội bộ của đảng Dân Chủ, cả chục ứng cử viên đều tuyên bố chống thuế quan, nhưng không một ai đưa ra được một con số nào để dẫn chứng, ngoài lời nói xuông. Hiện nay thì phe đảng Dân Chủ không hề đả động gì đến thuế quan và thương mại với Tàu cộng, vì họ biết rằng đây là thành quả, là chiến thắng của ông Trump trên phương diện này.
  • Hứa hẹn sẽ dùng luật thương mại hiện hành và phối hợp với quốc gia đồng minh để gây áp lực hầu buộc Tàu cộng ngưng lạm dụng luật thương mại và ăn cắp kỹ thuật.

    Nhận xét: Kinh nghiệm trong gần 20 năm qua cho thấy phương thức nói trên hoàn toàn thất bại, không tạo được một kết quả nào đối với việc áp lực bằng luật lệ hiện hành đối với Tàu cộng. Trái lại, có thể nói đó là hành động ngớ ngẩn đến mức ngu dại, bởi vì một lẽ rất dễ hiểu là Tàu cộng bất chấp luật lệ từ gần 20 năm qua, mà chẳng bị một hình phạt nào cả. Thực tế cho thấy, kể từ ngày Tàu cộng ký thoả thuận các điều kiện để được gia nhập vào WTO, cho đến ngày hôm nay, chúng vẫn chưa thi hành một điều khoản nào. Ngay điều khoản căn bản nhất là phải mở rộng thị trường đầu tư, thế nhưng Tàu cộng vẫn giới hạn nhà băng ngoại quốc, đồng thời các hãng xưởng phải hợp tác với một công ty nội địa, đại đa số là do chính phủ bảo trợ hoặc điều hành, và phải ký hiệp ước chuyển giao kỹ thuật cho công ty Tàu cộng; một phương pháp ăn cắp kỹ thuật trắng trợn. Đồng thời, vì hoạt động trên nội địa Tàu nên càng dễ dàng cho nhân viên Tàu cộng tìm tòi và ăn cắp kỹ thuật của hãng xưởng. Điều này dễ thấy và chứng minh vì trên thị trường không có một sản phẩm nào của tây phương mà không có hàng giả của Tàu cộng.
    Ở bên ngoài nước Tàu thì chúng dùng tiền mua lại các công ty của tây phương để đoạt lấy kỹ thuật. Đồng thời dùng "gián điệp kinh tế" và hình thức "Trao đổi khoa học gia""trợ cấp nghiên cứu" ở các trường đại học danh tiếng của Mỹ, để ăn cắp kỹ thuật của nghành kỹ nghệ cao và kỹ nghệ quốc phòng của Mỹ. Chỉ đến thời tổng thống Trump, những mánh khoé này mới bị phá vỡ. Luật pháp hiện hành không ngăn cản được các hành động như trên của Tàu cộng. 
  • Đe doạ trừng phạt mạnh để chống lại việc Tàu cộng vi phạm nhân quyền ở Tân cương và vi phạm nền dân chủ của Hong Kong.

    Nhận xét: Lại là một hành động ngớ ngẩn và ngu dại. Thử hỏi từ bao giờ mà Tàu cộng sợ các lời đe doạ của Hoa Kỳ? Những lời đe doạ rỗng tuếch của các chính phủ trước, Bush và Obama, chỉ làm trò cười cho Tàu cộng. Bởi vì kết quả là Tàu cộng đã vượt lên hàng thứ nhì về kinh tế và quân sự trên thế giới. Đồng thời tiếp tục xâm lăng ở Biển Đông, giăng "bẫy nợ" khắp nơi, và lập trại "cải tạo" hàng triệu người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân cương. Ra luật mới đàn áp dân Hong Kong và quái đản hơn cả là ra luật bắt cả người Tàu ở ngoại quốc, nếu họ có hành động chống chính phủ Tàu cộng. Xem ra Tàu cộng coi thường luật pháp của các quốc gia khác trên thế giới, kể cả luật pháp quốc tế.
    Ngay cả ông Trump mới đây ra lệnh trừng phạt một số nhân viên cao cấp của Tàu cộng ở khu vực Tân cương cũng chưa chắc đã làm cho chúng dừng tay đàn áp, huống chi là nói xuông.
  • Kêu gọi Mỹ đưa ra những tiêu chuẩn về kỹ thuật số (kỹ thuật điện toán) và chống lại “chủ nghĩa độc tài kỹ nghệ cao” của Tàu cộng.

    Nhận xét: Lại những lời nói xuông, nhạt hơn nước ốc. Khi ông Trump áp đặt thuế quan, ngăn cấm Huawei, Wechat, TikTok ... thì lên tiếng chỉ trích linh tinh, vô căn cứ. Trong khi đó thì phun ra những ngôn từ "dao to búa lớn" và rỗng tuếch, may ra thì phỉnh gạt được những người già cả mà trí óc đã thoái hoá cỡ Joe Biden.

Vấn Đề Biển Đông:

  • Cam kết tăng cường sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Châu Á - Thái Bình Dương.

    Nhận xét: Thời Obama / Biden thì giới hạn tối đa việc tuần tra Biển Đông. Bây giờ thấy chính sách của ông Trump có kết quả tốt đẹp thì lại muốn "cọp dê". Bắt chước cái tốt thì cũng được, thế nhưng "nói thì dễ, làm rất khó". Hèn nhát quá thì Tàu cộng nó chỉ hù lại vài câu là lại đi ra bằng "cửa hậu" và cúi rạp mình xuống chịu trận, xấu hổ cả đám.

Vấn Đề Bắc Hàn:

  • Muốn ít hội nghị thượng đỉnh và trừng phạt mạnh hơn, có thể quay lại với chính sách "cổ điển" thiên về gây áp lực.

    Nhận xét: Lại là một mớ ngôn từ ngoại giao, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Bởi vì dường như Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã áp dụng đủ loại áp lực lên Bắc Hàn mà cũng chẳng đi đến đâu. Ngay cả khi Bắc Hàn bị nạn đói từ năm 1994 đến 1998 khiến trên 3 triệu người chết mà đám cầm quyền vẫn không ngán sợ hay thay đổi chính sách, nói chi là thêm vài lời đe doạ của phe đảng Dân Chủ. Có lẽ đây là một kế sách mới, có thể gọi là phương thức của một đêm cuối năm, hay nói rõ ra là một chính sách "tối như đêm 30".

Vấn Đề Đồng Minh:

  • Sẽ tăng cường liên minh với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và các quốc gia dân chủ khác ở châu Á.

    Nhận xét: Liên hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Đài Loan, Ấn và các quốc gia dân chủ khác ở châu Á dưới thời của ông Trump có thể nói là chặt chẽ và mạnh nhất qua các thời tổng thống Hoa Kỳ, sau thế chiến thứ nhì. Nhất là mới đây Hoa Kỳ đã phủ nhận hầu hết các lời tuyên bố chủ quyền của Tàu cộng ở Biển Đông, và tuyên bố hành động của Tàu cộng ở Biển Đông là phi pháp, đó là điều kiện pháp lý để Mỹ có thể can thiệp vào tình hình Biển Đông. Đồng thời việc tái lập nhóm Tứ Cường (the Quad) nói lên sự tăng cường liên minh với châu Á của ông Trump.

    Việc đưa 3 Hàng Không Mẫu Hạm và hạm đội tấn công hiện diện thường xuyên trên vùng Biển Đông, cũng như đưa một vị tướng lãnh gốc Việt, thiếu tướng Lương Xuân Việt, đóng bộ chỉ huy tiền phương của quân đoàn 1, Lục Quân Hoa Kỳ, ở Nhật Bản, đủ đánh tiếng cho Tàu cộng biết rằng bộ binh, được chỉ huy bởi một tướng lãnh ghét Tàu cộng đến tận xương tuỷ, cùng với Hải Quân và Thuỷ Quân Lục Chiến của Hoa Kỳ, sẵn sàng đem gót giày đạp nát lục địa Tàu cộng. Đó là điều ông Trump đang làm chứ không phải lời hứa hẹn vớ vẩn của phe đảng Dân Chủ mang đầy tính chất ngoại giao chính trị, để dễ dàng bẻ ngược hay uốn cong.

    Chúng ta hy vọng rằng những việc làm của ông Trump ở châu Á sẽ không bao giờ bị thay đổi bằng lời nói xuông của phe đảng Dân Chủ.

Vấn Đề Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương:

  • Khi Biden làm phó cho Obama, ông ta đã đồng ý với văn kiện Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, nhưng bây giờ sau khi đã nhìn thấy thành quả việc làm của ông Trump nên cũng đã "đổi chiều" tuyên bố rằng sẽ "tái thương thuyết để tăng cường việc bảo vệ lao động và môi trường."

    Nhận xét: Hiển nhiên là phe đảng Dân Chủ có rất nhiều chính trị gia lão thành, với rất nhiều khả năng dùng ngôn từ ngoại giao và chính trị để mớm lời "dao to búa lớn""nổ to hơn tạc đạn" cho ông Biden. Tôi đố tất cả quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên đoán rõ được ý nghĩa đích thực của câu nói trên cũng như các "chính sách" của phe đảng Dân Chủ đã trình bày ở trên. Cá nhân tôi tin rằng ông Biden cũng chưa chắc đã hiểu những câu nói, những "chính sách" đó nghĩa là gì và thực hiện ra sao !!!




Lời kết:

Đến đây thì có lẽ quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên đã có được một vài khái niệm về sự khác biệt về chính sách đối ngoại của ông Trump và Biden. Xem ra thì cả sự nghiệp chính trị suốt 47 năm, trong đó có 8 năm làm phó tổng thống, của Biden cũng không thể so sánh với một năm làm tổng thống của ông Trump chứ nói chi đến thành quả của ông Trump trong 4 năm qua.

Chúng tôi xin rót tách trà mới, nhưng mượn ý của một lời nói rất cũ, từ thời Việt Nam Cộng Hoà, để nói rằng

Đừng nghe những lời tuyên truyền và hứa hão của của ứng cử viên, mà hãy nhìn vào thành quả của việc làm của họ để bỏ phiếu.

Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là "nên tham gia bầu cử vào ngày 3 tháng 11 năm 2020" bởi vì "every vote matters".

Bùi Phạm Thành

Tham khảo:

Donald Trump and Joe Biden: How do they compare? (Singapore)
https://www.straitstimes.com/world/donald-trump-and-joe-biden-how-do-they-compare


No comments

Powered by Blogger.