Một Cuộc Nổi Dậy Không Đổ Máu Trong Thời Bắc Thuộc
Trong hơn ngàn năm Bắc thuộc, Giao châu xảy ra 6 cuộc nổi dậy chống kẻ cai trị tàn ác. Trong số này có 5 lần quyền tự chủ được trả bằng xương máu. Đó là các cuộc khởi nghĩa của các anh thư và anh hùng: Hai bà Trưng (Trưng vương), bà Triệu (Nhụy Kiều tướng quân), Lý Bôn (Lý Nam đế), Mai thúc Loan (Mai hắc đế) và Phùng Hưng (Bố Cái đại vương).
Chỉ có cuộc nổi dậy cuối cùng vào cuối thế kỷ 9 là không đổ máu.
Năm 880 quân đồn trú La thành nổi loạn khiến Tiết độ sứ là Tăng Cổn bỏ chạy về Tàu. Nhân dịp này Khúc thừa Dụ vào thành tự xưng là Tiết độ sứ thay thế Tăng Cổn. Lần đầu tiên người Giao châu đảm nhiệm chức Tiết độ sứ.
Đại Việt sử ký tiền biên trích một đoạn Dã sử chép về họ Khúc như sau:
"Họ Khúc ở Hồng châu (nay là huyện Bình giang và Ninh giang tỉnh Hải dương) đời đời là họ to lớn. Thừa Dụ có tính khoan hòa và thương người, được dân chúng suy tôn và khâm phục. Khi Tiết độ sứ của nhà Đường là Tăng Cổn bỏ thành chạy, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin mệnh lệnh nhà Đường, và được vua nhà Đường trao chức cho. Họ Khúc truyền 3 đời từ năm canh tý (880) tới năm canh dần (930) thì dứt, cộng là 51 năm".
Tuy nhà Đường phong Tiết độ sứ cho Thừa Dụ năm 906 nhưng thực tế họ Khúc đã tự xưng chức này từ năm 880. Có lẽ vua Đường trì hoãn vì không muốn trao quyền cho người bản xứ nhưng cuối cùng không còn chọn lựa nào khác.
Sử gia Trần trọng Kim chỉ tính thời gian tại vị của Thừa Dụ từ 906 tới 907 (năm Thừa Dụ mất.)
Theo An Nam chí lược của Lê Tắc (do Đại học Huế dịch năm 1961), vua Đường có phong Tiết độ sứ cho Chu toàn Dục thay thế Tăng Cổn nhưng Toàn Dục chỉ "dao lĩnh" (ở xa lĩnh chức chứ không sang Giao châu nhận chức).
Giao châu xuất xứ từ đâu?
Khởi đầu Bắc thuộc, nhà Hán đổi nước Nam Việt ra Giao chỉ bộ và chia làm 9 quận gồm 2 quận ngoài đảo và 7 quận trong đất liền.
Năm 264 nhà Ngô chia Giao chỉ bộ ra làm Quảng châu và Giao châu. Quảng châu chia ra 3 quận là Nam hải, Thương ngô và Uất lâm; trị sở đặt tại Phiên ngung. Giao châu chia ra 4 quận là Hợp phố, Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam; trị sở ở Long biên. Sau này Hợp phố nhập vào Quảng châu; 3 châu còn lại của Giao châu nguyên là nước Âu lạc của An dương vương.
Năm 679 nhà Đường đổi Giao châu ra An nam, Đô hộ là chức vị của quan cai trị, vùng thuộc quyền quan cai trị gọi là Đô hộ phủ.
Theo Trần trọng Kim, Đô hộ không phải là chính thể cai trị vì bên Tàu bấy giờ cũng có những tỉnh chia ra làm đô hộ phủ như Tứ xuyên đô hộ phủ.
Nhà Đường chia An nam ra 12 châu, châu chia ra huyện, tất cả gồm 59 huyện; sau lại chia ra làm 4 quận là Tĩnh hải, Phong châu, Ái châu và Hoan châu gồm 22 huyện.
Tuy có tên An nam từ đó nhưng sử ta và sử Tàu thường dùng cả 2 từ, hoặc An nam hoặc Giao châu.
Sử của ta và của Tàu chép khác nhau về nguyên nhân Tăng Cổn bỏ chạy về Tàu.
Phần lớn sử liệu của ta đều chép nguyên nhân do quân đồn trú trong thành Đại la nổi loạn nhưng hầu hết sử liệu của Tàu đều ghi nguyên nhân do quân Nam chiếu vây hãm.
Trong bài biên khảo "Khúc thừa Dụ và phong trào đòi quyền tự chủ của người Giao chỉ cuối đời Đường" của Bửu Cầm đăng trên nguyệt san Văn hóa số 78 tháng 2 năm 1963 , tác giả lý luận rằng nếu thành Đại la bị quân Nam chiếu vây hãm tại sao không có đụng độ giữa Khúc thừa Dụ và quân Nam chiếu?
Nguyên cớ thành Đại la bị Nam chiếu vây hãm có lẽ do Tăng Cổn khai gian với vua Đường để che đậy tội lỗi khiến quân đồn trú nổi loạn.
Khi đó nhà Đường đang suy (chính lệnh không ra tới cõi ngoài) vua Đường không thể kiểm chứng được lời khai của Tăng Cổn.
Sự nghiệp của họ Khúc được Khâm định Việt sử tiền biên chép như sau:
"Thừa Dụ tại vị một năm thì mất; Khúc Hạo lên thừa kế; sửa sang hành chánh; tuyển bổ các quan lại thay thế người cũ; mở mang các châu phủ xã; xây đắp các trục giao thông; chia nước ra xứ, lộ, phủ; đặt các chức lệnh trưởng và tá lệnh trưởng; biên tên các làng xã và làm sổ hộ tịch; thuế má chia đều; chính trị khoan nhân giản dị; dân nhờ ơn có sức nghỉ mà sống lại".
(thuế má chia đều có nghĩa là đánh thuế công bằng theo tiêu chuẩn được quy định.)
Việc sửa sang hành chánh quan trọng nhất của Khúc Hạo là lập ra xã, biên tên các làng xã và làm sổ hộ tịch.
Trong bài biên khảo về chế độ xã thôn tự trị đăng trên Tập san Sử địa số 1 năm 1966 của Đại học sư phạm Sài gòn, Phan Khoang viết:
"Khúc Hạo lập ra lộ, phủ, huyện, châu, xã; đặt quan cai trị; sửa sang việc thuế má. Vậy xã là đơn vị hành chánh cơ bản ra đời từ đấy."
(Lộ tương đương với tỉnh ngày nay; lộ chia ra phủ hoặc huyện hoặc châu tùy theo số xã quy tụ nhiều hay ít.)
Trước khi có xã, cư dân sống thành từng ấp rời rạc do một người có uy thế đứng đầu. Các trưởng ấp nhận lệnh trực tiếp từ các quan phủ, huyện hoặc châu.
Không nắm vững hạ tầng cơ sở, các quan phó thác cho các trưởng ấp thu thuế và huy động dân phu sao cho đủ số đòi hỏi. Từ đó xảy ra nạn cường hào, hậu quả là dân bị trưởng ấp ức hiếp bất công. Các quan ở xa không nắm được dân tình, dân không biết kêu oan với ai.
Nhờ việc tuyển bổ các quan lại thay thế người cũ song song với hệ thống xã mới thành lập, Khúc Hạo tạo được sinh khí mới khiến dân "có sức nghỉ mà sống lại".
Sử thần Ngô sĩ Liên nhận định giai đoạn lịch sử này như sau:
"Nước Nam ta nảy mầm tự trị từ ba đời họ Khúc; tuy không xưng đế xưng vương nhưng cuộc cải cách chính trị của họ Khúc đều đáng làm gương cho đời sau. Từ bấy giờ tới họ Đinh thống nhất nước Đại cồ Việt hơn 60 năm (907-967) dân Nam thoát vòng lao khổ của người Tàu."
Năm 907 Khúc thừa Dụ mất cũng là năm nhà Đường bị nhà Lương thay thế. Vua Lương phong cho Khúc Hạo làm Tiết độ sứ nhưng cũng phong cho Lưu Ẩn làm Tiết độ sứ Quảng châu kiêm Tĩnh hải Tiết độ sứ.
Phong cho Lưu Ẩn kiêm Tĩnh hải tiết độ sứ, vua Lương để lộ tham vọng xâm chiếm Giao châu vì trước kia nhà Đường đổi Giao châu ra Tĩnh hải và phong cho Cao Biền làm Tĩnh hải Tiết độ sứ.
Lưu Ẩn tại vị được 4 năm thì mất, em là Lưu Nham lên kế vị. Nham đổi tên là Cung, sau lại đổi là Nghiễm.
Lưu Nghiễm ly khai nhà Lương, lên ngôi đặt quốc hiệu là Đại Việt, sau đổi là Nam Hán .
Năm 917 Khúc Hạo mất, con là Thừa Mỹ lên kế vị. Tuy Nam Hán ở sát nách nhưng Thừa Mỹ cho là Lưu Nghiễm phản nhà Lương nên cho sứ sang nhà Lương xin sắc phong để được chính danh . Vua Lương phong cho Thừa Mỹ làm Tiết độ sứ.
Nam Hán đã có ý nhòm ngó Giao châu, nay thấy Thừa Mỹ theo nhà Lương bèn cử Lý khắc Chính đem quân sang đánh.
Năm 923 Khắc Chính bắt được Thừa Mỹ đưa về Phiên ngung. Vua Nam Hán cử Lý Tiến cai trị Giao châu, Khắc Chính giữ thành .
Dương diên Nghệ là cựu tướng của Khúc Hạo, trong nhà luôn có 3,000 thủ hạ, liền mộ thêm lính mưu toan lập lại nền tự chủ.
Năm 931 Diên Nghệ đánh đuổi Lý Tiến và Khắc Chính về Tàu. Vua Nam Hán cho Trần Bảo đem quân sang cứu viện nhưng bị Diên Nghệ đánh bại và chết tại trận.
Diên Nghệ tiếp tục sự nghiệp của họ Khúc nhưng không xưng Tiết độ sứ. Tại vị được 6 năm, Diên Nghệ bị nha tướng là Kiều công Tiễn giết và cướp quyền.
Con rể Diên Nghệ là Ngô Quyền đang trị nhậm ở Ái châu liền đem quân về trừng phạt Công Tiễn. Tự lượng sức không cự lại được Ngô Quyền, Công Tiễn cầu cứu Nam Hán.
Vua Nam Hán cho con là Hoằng Tháo đem quân theo đường biển sang cứu Công Tiễn và tự mình thân chinh đem quân tới Hải môn để tiếp viện khi con cần đến.
Năm 938 Hoằng Tháo tới Giao châu thì được tin Công Tiễn đã bị giết nhưng mục tiêu chính là đánh bại Ngô Quyền để chiếm Giao châu nên Hoằng Tháo tiếp tục tiến quân.
Ngô Quyền đã chuẩn bị trận địa tại Bạch đằng giang bằng cách cho đẽo cọc nhọn đầu và bịt sắt để đóng ngầm dưới lòng sông. Hoằng Tháo nương theo nước triều lên cho chiến thuyền tiến vào sông Bạch đằng. Đợi giặc qua khỏi khúc sông đóng cọc và cũng là lúc nước triều rút, Ngô Quyền dốc toàn lực tấn công.
Gần biển, nước triều xuống rất mạnh và mau, dù Hoằng Tháo muốn dàn chiến thuyền để nghênh chiến cũng bị nước triều cuốn đi.
Nương theo nước triều xuống, Ngô Quyền đuổi theo khiến địch rối loạn. Đụng phải cọc ngầm, chiến thuyền địch lật nhào hoặc bị đâm thủng. Địch lớp chết đuối, lớp bị tàn sát. Hoằng Tháo bị bắt, sau đó bị giết.
Ở Hải môn, nghe tin con chết trận, vua Nam Hán xúc động khóc òa rồi kéo quân về Phiên ngung.
Từ đó Nam Hán không còn nghĩ tới việc xâm chiếm Giao châu.
Và sau đó Ngô Quyền khai sinh nền tự chủ sau hơn ngàn năm Bắc thuộc.
-------------------------------------------------
THAM KHẢO
- Việt nam sử lược của Trần trọng Kim.
- Việt sử tân biên của Phạm văn Sơn.
- An nam chí lược của Lê Tắc do Đại học Huế dịch năm 1961.
- Nguyệt san Văn hóa số 78 tháng 2 năm 1963.
- Tập san Sử địa của Đại học sư phạm Sài gòn số 1 năm 1966.
- Trận Bạch Đằng năm 938:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_B%E1%BA%A1ch_%C4%90%E1%BA%B1ng_(938)
Post a Comment