Header Ads

Bên Tách Trà: Thơ Xưa, Chuyện Nay


Bùi Phạm Thành

Chào tái ngộ quý đọc giả của Đặc San Lâm Viên. 

Tuần qua, tin ông Joe Biden đã quyết định chọn bà Thượng Nghị Sĩ của California là Kamala Harris để đứng cùng liên danh, đồng thời đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ cũng đã diễn ra không mấy tưng bừng trên phố ảo. Đây là một điều lạ, vì truyền thông thiên tả và dư luận viên của "đảng ta" đều có vẻ hơi yên lặng, không khua chiêng gióng trống rùm beng. Phải chăng mấy tháng qua đã lấy hết hơi để thổi ống đu đủ rồi, nên bây giờ không còn nữa để mà thổi cho phồng thêm !!!

Tuy nhiên, chuyện chính trị của Hoa Kỳ thì không hề thiếu để người Việt chúng ta tha hồ mà bàn luận bằng đủ loại ngôn từ, trên khắp diễn đàn ảo, mà không sợ gây ra chuyện va chạm chân tay hoặc lây nhiễm dịch Tàu cộng qua hơi thở và nước bọt.

Ngày xưa, khi có bạn đến thăm nhà, ngoài chỗ thân tình tri kỷ ra thì chẳng có gì để đãi, nên cụ Tam Nguyên Yên Đổ mới viết bài "Bạn Đến Chơi Nhà", mà hầu hết chúng ta đã có dịp đọc qua, để diễn tả cái thân tình bằng hữu. Hôm nay, nhân dịp quý vị ghé qua nơi này, chúng tôi xin bắt chước cụ để rót tách trà cùng với đôi vần gửi đến quý vị để tạ lòng tâm giao:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.

Cuối tuần quý vị ghé trang nhà,
Ở nơi phố ảo, tít mù xa.
Sân sau vũng nước nuôi đàn muỗi,
Vườn trước khô ran mọc cỏ gà.
Chẳng tưới vườn rau tàn lụi cả,
Không chăm cỏ dại trổ đầy hoa.
Thời buổi văn minh trầu không có,
Uống nước xỉa răng bác với ta.

Nhắc đến cụ Tam Nguyên thì chúng ta cũng liên tưởng đến các bài thơ về thế sự của cụ. Tiếc thay, ở thời xa xưa đó chưa có diễn đàn, phố ảo, email ... nên qua sự truyền miệng của nhân gian và một vài bút tích của tác giả cùng với sự ghi chép của những người có học, nên chỉ truyền lại cho đời sau vài câu chuyện của thời bấy giờ.

Thưa quý vị,

Điều khác biệt nhất giữa con người và sinh vật khác là nụ cười và tính hài hước, thú vật có thể biết cười, nhưng chưa hề nghe nói thú vật có tính hài hước. Bởi thế cả hai điều, nụ cười và tính hài hước, luôn đi đôi với nhau để tạo nên con người; và con người cho dù không có tính hài hước, nhưng vẫn có đủ thông minh để hiểu chuyện hài hước để đưa đến nụ cười. 

Văn hoá Đông-Tây gặp nhau ở nụ cười, và diễu cợt. Đem chuyện chướng tai gai mắt làm thành câu chuyện diễu cợt, khôi hài hoặc vẽ nên tranh hí hoạ có thể xem là phương pháp truyền thông thanh tao và hữu hiệu nhất. Phải chăng vì thế mà các cụ ta xưa dùng thơ trào phúng để kể chuyện thời sự, và ngày nay, người hoạ sĩ dùng tranh hí hoạ để ghi lại chuyện nhân gian. 

Truyện kể rằng khi cụ Tam Nguyên dạy học ở nhà Hoàng Cao Khải, một hôm dạo chơi ngoài vườn, thấy ông phỗng đá bên hòn non bộ, liền tức cảnh mà làm bài Hỏi Phỗng Đá. Ngày nay, hơn một thế kỷ sau và ở nửa bên kia của quả đất, chúng ta cũng thấy ông Biden chẳng khác phỗng đá như cụ Tam Nguyên đã tả là bao nhiêu.

Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Trơ trơ như đá, vững như đồng.
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó,
Non nước đầy vơi có biết không?
Ứng cử làm chi vậy hả ông?
Phải chăng chức tước với hơi đồng?
Ngớ ngẩn làm sao gìn giữ nước
Ngồi làm phỗng đá có như không.

Cái chuyện ông Biden, vừa lắp bắp, vừa nói sai, lại vừa ngớ ngẩn thì cả thế giới đều biết, đều thấy tận mắt, nghe tận tai. Thế nhưng vẫn có nhiều người thuộc phe đảng Dân Chủ và truyền thông cánh tả tung hô, thổi phồng, đẩy ra tranh cử.




Ấy thế mà khi có người lên tiếng phê bình trên các diễn đàn của người Việt thì lại bị gọi là "cuồng" và nhiều ngôn từ tệ hại khác nữa không tiện lập lại ở đây. Cái khổ là loại ngôn từ tệ hại, vẫn được xem là chữ nghĩa của "kẻ chợ", lại phát ra từ miệng - ngòi bút, keyboard - của các bậc có tuổi, có bằng cấp, và "có chức". Có phải là "Cái học thời nay đã hỏng rồi" như cụ Tú Xương đã than vãn hay chăng? 

Cụ Tam Nguyên đã viết bài Vịnh Tiến Sĩ Giấy để chê cười cái mộng tưởng của của những kẻ thất học mà muốn có bằng cấp. Biết đâu cụ cũng có ý chê bai những kẻ có bằng cấp mà hành xử như những đứa trẻ con vô học cũng không chừng.

Mấy chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu vẻ mặt vang trong nước,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng, mua danh, thây lũ trẻ,
Bảng vàng, bia đá, vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.
Mang thân khoa bảng lại lắm trò,
Huênh hoang lớn tiếng doạ thằng cu.
Quan tước xem ra bằng bao lạng,
Mảnh bằng ngó lại đáng mấy xu?
Tóc bạc nói năng như con trẻ,
Miệng lưỡi thế gian để nghìn thu.
Muốn giữ thanh danh cho con cháu
Thì nên giữ miệng để tịnh tu.

Thưa quý vị,

Nói đến việc học thì không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến câu "Học tài thi phận" của cụ Trần Tế Xương. Ngông nghênh quá và ăn chơi cũng quá, luẩn quẩn trong "ba cái lăng nhăng" nên thi mãi cũng chỉ được cái Tú Tài.

Lận đận, lao đao nơi trường ốc, thế nhưng ông lại là người để lại cho hậu thế rất nhiều bài thơ thời sự, thí dụ như bài "Bỡn tri phủ Xuân Trường", xem ra chỉ cần thay vài chữ là cũng có thể "Bỡn phó tổng Biden".

Tri phủ Xuân Trường được mấy niên
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên.
Chữ “thôi” chữ “cứu” không phê đến,
Ông chỉ quen phê một chữ “tiền”!
Ghế cao ngất ngưởng mấy mươi niên,
Gật gù qua chuyện hưởng bình yên.
Nội ngoại quốc gia không màng đến,
Ông chỉ màng danh với hám tiền!

Bỡn người, có khi khi lại bỡn cả chính mình. Các cụ xưa thường hay viết bài Tự Trào để tự đùa cợt bản thân, nhưng vẫn hàm ý "tự khen" hay tự than van cho thân phận. Nhìn cảnh nhố nhăng ngày nay mà phát chán, nên mượn vần của cụ Tú mà làm bài thơ trào phúng gửi ông phó tổng ngủ ngày.

Chẳng phải quan mà chẳng phải dân,
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hoá ra đần.
Hầu con chè rượu ngày sai vặt,
Lương vợ ngô khoai tháng phát dần.
Có lúc vểnh râu vai phụ lão,
Cũng khi lên mặt dáng văn thân.
Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ?
Lâu để mà xem cuộc chuyển vần!
Nửa kiếp làm quan ăn hại dân,
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn khác chi đần.
Nội ngoại chẳng làm nên chuyện vặt,
Lương to năm tháng vẫn ăn dần.
Có lúc vểnh râu làm phó tổng,
Nhiều khi trốn nhủi để phòng thân.
Bây giờ ứng cử làm chi nhỉ?
Để chúng giật dây lại xoay vần!!!

Thưa quý vị,

Gần với chúng ta nhất thì có cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, cũng là người lận đận với trường thi, và sau thì chuyển qua nghề cầm bút, dịch thơ và làm báo. Bài thơ Tự Trào của cụ hàm chứa lời tự phụ, không than vãn. Ngược lại với đời nay, một kẻ không mấy tài năng nhưng có số "ngáp phải ruồi", nên vẫn ăn trên, ngồi trước. Thế cho nên xin phép mượn vần của cụ Tản Đà để trách trời già cũng quá ngông, đã bao năm rồi vẫn còn bỡn người trần thế.

Vùng đất Sơn Tây nảy một ông
Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng
Sông Đà núi Tản ai hun đúc?
Bút thánh câu thần sớm vãi vung
Chữ chữ nôm nôm nào kém cạnh
Khuyên khuyên điểm điểm có hay không?
Bởi ông hay quá ông không đỗ
Không đỗ ông càng tốt bộ ngông
Vùng đất Cờ Hoa nảy một ông,
Được thổi phồng như kẻ anh hùng.
Cục đất nhờ tay người hun đúc,
Đồng tiền được thế đã vãi vung.
Lắp bắp nói năng chưa trọn nghĩa,
Lờ quờ ngồi đó cũng như không.
Ngu si ngồi ngáp ruồi cùng muỗi,
Nghĩ trách trời già quả thiệt ngông.

Vâng, thưa quý vị, con người ta quả là có số. Nhưng cái số của kẻ "ngáp phải ruồi" đó mà còn tiếp tục thì vận mệnh của quốc gia này sẽ ra sao, khi người đứng đầu quốc gia lại là ông phỗng hay thằng bù nhìn, con rối? Nếu cụ Nguyễn Khuyến có bài Hỏi Phỗng Đá thì Tản Đà cũng có lời Thăm Thằng Bù Nhìn, và chúng tôi cũng xin hoạ vần để Thăm Thằng Bù Nhìn của thời đại bây giờ.

Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ
Trần ai tri kỷ đã ai chưa?
Ba thu mưa gió người trơ mộc
Bốn mặt giang sơn áo phất cờ
Được việc thế thôi, cầy chẳng biết
Khinh đời ra dáng, gọi không thưa
Lâu nay thiên hạ văn minh cả
Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư?
Mặt lơ mày láo đứng bên bờ,
Quốc gia nguy biến biết hay chưa?
Ngoài nước giặc Tàu đang xâm chiếm
Trong nhà dân loạn đốt cả cờ.
Nội ngoại xem ra đều chẳng biết,
Trước sau thì cũng chỉ dạ thưa.
Già tuổi già đầu không già trí,
Ngớ ngẩn một đời vẫn thế ư?

Thằng bù nhìn của thời đại chúng ta, xem ra thì cũng đã quá già, gần đất xa trời. Thế cho nên, chúng tôi cũng bắt chước người xưa mà tặng cho hai câu đối:

Chuyện quốc gia còn mất mặc ai ai, đã ghế cao cỗ lớn mâm đầy, làm phó tổng có danh có thế,

Óc ngu ngơ tỉnh mơ là thế thế, giờ gần lúc kèn đưa trống tiễn, lại chui ra xem chẳng giống ai.

Thưa quý vị,

Đến đây thì đáng lý ra có thể tạm kết thúc câu chuyện hôm nay, thế nhưng bầu cử chức vụ tổng thống thì có liên danh, tổng và phó. Thế cho nên cũng nên có vài lời với bà phó. Nhưng trước hết, xin có lời cáo lỗi với quý bà, quý cô, vì đây là chuyện thời cuộc, chính trị, nên không phân biệt nam nữ. Vả chăng "Nam Nữ bình quyền" đã có từ lâu; và ở xứ Mỹ này, đến năm nay, người phụ nữ Mỹ đã tham gia bầu cử đúng 100 năm. Và liên danh của phe đảng Dân Chủ cũng có một bà ra tranh chức phó.

Bà phó này có tên Ấn Độ là Kamala có nghĩa là Hoa Sen, vì mẹ là người Ấn Độ, chứ nếu là người Việt Nam thì chắc sẽ có tên là Sen. Nếu có thêm tiếng Mỹ vào nữa thì chắc sẽ là Mary Sen. Hú hồn, chuyện này đã không xảy ra như thế. 

Bà Kamala là người theo phe đảng Dân Chủ, và là người có khuynh hướng cấp tiến. Không hiểu có sự trùng hợp gì hay không mà hai chữ "cấp tiến" có nghĩa là "tiến rất nhanh", thế cho nên khi lao vào chính trị thì tìm đủ cách để thăng tiến một cách nhanh chóng. Tuy nhiên bà không dùng thủ đoạn, mà dùng cái của trời cho để làm nấc thang trên đường danh vọng. Có lẽ bà ta đã thấu hiểu rằng trong sự trao đổi này cái lợi thì rất lớn và cái vốn thì có sứt mẻ hay hao mòn tí nào đâu?

Một sự ngẫu nhiên nữa là cái tên Kamala còn có nghĩa là màu đỏ nhạt, hay màu hồng. Trong thời của cụ Nguyễn Khuyến cũng có chuyện cô Tư Hồng, dùng vốn trời cho để làm giàu, và cuối cùng còn được vua nhà Nguyễn ban cho thị hàm “Tứ phẩm cung nhân”, và người cha cũng được phong hàm, đã xênh xang áo gấm về làng mở tiệc ăn khao linh đình. Có người nhà đến xin cụ Nguyễn Khuyến viết cho câu đối. Cụ Tam Nguyên hạ bút:

Tứ phẩm sắc phong hàm cụ lớn,
Trăm năm danh tiếng của bà to.

Nhân sự tích này, và nhân dịp đại hội của phe đảng Dân Chủ cũng xênh xang linh đình, chúng tôi xin tặng liên danh Dân Chủ câu này:

Ngớ ngẩn như ông, đầu trên khác gì đầu dưới,
Ngoang ngoác như bà, mồm dọc giống hệt mồm ngang.




Thưa quý vị,

Câu chuyện ngày hôm nay xem ra có thể tạm ngưng nơi đây. Chúng tôi xin rót mời quý vị một tách trà mới, kèm theo chiếc tăm mới, để chúng ta cùng "uống nước, xỉa răng" ngẫm nghĩ về lời trách móc của cụ Tản Đà là tại "thằng dân ngu quá lợn, nên quân nó dễ làm quan". Theo tôi thì cụ trách dân thời đó là quá đáng, vì họ đâu có quyền chọn quan. Nhưng với ngày nay thì đúng, vì dân chúng có quyền bầu chọn người đại diện cho mình, cho quốc gia. Nếu chọn sai thì bị cụ mắng đó mới là hợp lý. Quý vị có đồng ý như vậy không?

Xin quý vị nâng ly, và thưởng thức bài "Xem tiểu thuyết Tờ chúc thư cảm đề" của cụ Tản Đà và bài hoạ của chúng tôi trong mùa bầu cử 2020. 

Thật có hay là mắc tiếng oan
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!
Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn
Mặt sắt còn bia miệng thề gian
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Đào mà đào được nên đào mãi
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An?
Có phải đâu là mắc tiếng oan,
Tiền triệu chứ đâu chỉ bạc ngàn!
Hám danh quỳ lạy thằng du đãng,
Tham quyền dung dưỡng lũ tà gian.
Bởi có người dân ngu quá lợn,
Cho nên bọn nó vẫn làm quan.
Trời già sao cứ trêu ngươi mãi,
Để lũ tham tàn được bình an.

Bùi Phạm Thành





No comments

Powered by Blogger.