Header Ads

Tràng An - Vùng Đất Văn Minh Lịch Lãm Của Dân Tộc


Trần Nhật Kim

Trong 1,000 năm Bắc thuộc, các triều đại Hán tộc tìm mọi cách đồng hoá Việt Nam, từ đời sống xã hội cũng như về văn hóa.  Việc đồng hóa xẩy ra dưới nhiều hình thức như cho người Tầu sống chung với người Việt, lấy vợ Việt để xóa dần huyết thống dân tộc Việt.  Việc truyền bá kinh Phật và văn hóa phương Bắc cho người Việt, như tư tưởng lễ giáo phong kiến của Trung Hoa qua Nho giáo của Khổng Tử.  Thái thú Sĩ Nhiếp và một số trí thức đã hình thành chữ Nôm nhằm mục đích dễ đồng hóa người Việt.  Nhưng chính nhờ loại chữ Nôm này đã giúp người Việt tách khỏi sự lệ thuộc hệ thống Hán ngữ của Trung Hoa.

Xen kẽ trong 1,000 năm Bắc Thuộc qua 4 thời kỳ, người Việt cũng nhiều lần đánh bại sự xâm nhập của đoàn quân hung bạo Phương Bắc, giành lại độc lập tự chủ.  Thời gian tự chủ kéo dài gần 1,000 năm.

oOo

Năm 968,  Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế lập ra triều đại nhà Đinh và trở thành Hoàng Đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc.  Vua Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, niên hiệu Thái Bình, Tước hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế, là người mở đầu cho các triều đại phong kiến trung ương tập quyền trong lịch sử Việt Nam.  Trong thời kỳ phục quốc của Việt Nam, từ họ Khúc chỉ xưng Tiết độ sứ, tới thời Ngô Quyền xưng Vương và cho tới Nhà Đinh mới xưng Hoàng Đế.  Chứng tỏ vị thế vững mạnh của một quốc gia độc lập, thống nhất qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.

Sơ đồ kinh đô Hoa Lư

Kinh đô Hoa Lư được mô tả: là nơi núi non trùng điệp, căn cứ thủy bộ rất thuận lợi.  Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả.  Nơi đây non sông tráng lệ, xứng đáng là nơi dựng đô.  Kinh đô Hoa Lư bao bọc bởi nhiều ngọn núi.  Các triều vua đã dựa theo địa hình thiên nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng lên thành Hoa Lư thuộc xã Trường Yên với 3 khu:

- Thành Đông:  nằm về phía Đông nên được gọi là thành ngoại, nay thuộc địa phận các làng Cổ Yên Thành và Cổ Yên Thượng.  Khu thành ngoài là nơi làm việc thường ngày của triều đình Hoa Lư.  Thành Đông hiện nay còn rất nhiều địa danh như: chợ Cầu Đông, Cầu Dền, chùa Nhất Trụ (một Cột), chùa Cổ Am, núi Cột Cờ, sông Sào Khê.

- Thành Tây:  nằm về phía Tây thành Đông, thuộc địa phận làng Cổ Chi Phong là nơi ở của gia đình Vua cùng một số người thuộc hoàng tộc và quan lại cao cấp của triều đình.  Ở thành ngoài và thành trong còn có doanh trại của 3,000 quân cấm vệ để bảo vệ vua và triều đình.  Hiện nay ở thành Tây còn lại các di tích là chùa Kim Ngân, chùa Duyên Ninh… Cả hai thành Ngoại và thành Tây đã lợi dụng sông Tào Khê vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ cho việc di chuyển.

- Thành Nam: Còn gọi là thành Tràng An, nằm ở phía Nam kinh thành Hoa Lư, có diện tích lớn hơn hai thành kia.  Hiện nay, thành Tràng An nằm giữa ranh giới hai huyện Gia Viễn Hoa Lư với thành phố Ninh Bình.  Tràng An hiện có rất nhiều di tích mô tả cách bố trí phòng tuyến của kinh đô Hoa Lư.




Với vị trí như trên, kinh đô Hoa Lư được ví như “kinh đô đá” với núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện.  Tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng muốn ví kinh đô Hoa Lư cũng bề thế, vững chắc như kinh đô Trường An (Tây An) của Trung Hoa, nên sai Định quốc công Nguyễn Bắc ghi lại trên câu đối:

Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An (1)

(Phụ chú của ĐSLV:

Nghĩa là:

Nước Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo;
Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của nhà Hán.

Lê Văn Siêu trong Việt Nam văn minh sử cương giải thích:

"Đại Cồ Việt có nghĩa là nước Việt rộng lớn trông suốt cả bốn cõi hay tám cõi theo lối hiểu ngày xưa, ấy là cái cao vọng của người không những muốn thống trị mà còn muốn bành trướng thế lực ra tám cõi nữa."

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_C%E1%BB%93_Vi%E1%BB%87t)

Từ năm Canh Ngọ (970), vua Đinh Tiên Hoàng truyền cho đúc tiền đồng Thái Bình, là tiền xưa nhất tại Việt Nam, đặt nền móng cho nền tài chính - tiền tệ của nhà nước phong kiến Việt Nam.  Từ năm 976, thuyền buôn của nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ và giao thương với Đại Cồ Việt.

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý.  Lý Công Uẩn sinh năm 974, tại làng Cổ Pháp (nay thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. -  Mồ côi cả cha lẫn mẹ, được thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi).

Khi lên ngôi báu, nhận thấy Hoa Lư chật hẹp, bốn bề núi giăng không xứng là đất định đô của một quốc gia độc lập, khó lòng xây dựng một đất nước phồn thịnh.  Khi Thái Tổ Lý Công Uẩn đi qua thành Đại La, nơi chân thành có đám mây hình con rồng bay lên, vua cho đây là điềm báo tốt, là nơi thắng địa, nên đã cho dời đô về thành Đại La.  Sau khi bàn thảo với quần thần, nhà vua soạn “thiên chiếu” dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và cho đổi tên Đại La là Thăng Long vào năm 1010.

Nhà vua soạn ra chiếu dời đô:




Bản dịch tiếng Việt:

“Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô.  Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn chỗ ở giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh.  Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi việc cũ Thương, Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước.  Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh.  Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?"

(Bản dịch của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, in trong Đại Việt Sử Ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993).


Bản đồ kinh thành Thăng Long

Định đô tại Thăng Long, Lý Công Uẩn cho đổi tên cố đô Hoa Lư thành “phủ Tràng An”, và đổi tên làng Cổ Pháp (Làng quê của nhà Vua) thành “phủ Thiên Đức”, chia cả nước làm 24 lộ gọi là Hoan Châu và Ái Châu trại.  Lý Công Uẩn trị vì từ năm 1010 đến năm 1028, lấy niên hiệu là Thuận Thiên.  Trong thời gian này đất nước ta rất ổn định, nhân dân chí thú làm ăn, ngày càng no ấm.

Sau khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, người con trai thứ hai là Khai Quốc Vương mới 10 tuổi, được giao cai quản cố đô Hoa Lư dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân.  Hoa Lư tiếp tục giữ vai trò là một căn cứ quân sự và trung tâm văn hóa  của các triều đại: Nhà Trần, Hậu Lê, nhà Mạc và Tây Sơn. (Lý Công Uẩn băng hà năm 1028, được đặt thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng Đế, linh cữu được an táng tại Thọ Lăng).

Sang đời Nhà Trần, nhà vua cũng sử dụng thành Tràng An (thành Nam) của cố đô Hoa Lư để làm cứ địa kháng chiến chống Nguyên-Mông.  Vua Trần Thái Tông xây dựng ở Hoa Lư: hành cung Vũ Lâm, đền Trần thờ thần Quý Minh và chùa A Nậu.  Cung Vũ Lâm cũng là nơi các vua Trần xuất gia tu hành.

Đến thời nhà Mạc, Quận công Bùi Thế Trung là người Hoa Lư đã cho xây dựng các đền thờ để có những kiến trúc giống hiện nay.

Mùa Đông năm Canh Dần (1770) Chúa Trịnh Sâm đi tuần thú cõi Tây, lúc trở về ghé đất Tràng An thăm cảnh Hoa Lư.  Nhìn bốn phía núi xanh, nước biếc, từng bước đều là thành vàng, non sông hùng vĩ.  Tưởng nhớ tới dấu vết oai hùng của triều đình nhà Đinh, khiến ông cảm khái làm bài thơ: (2)

Quay thuyền về tới bến Trường Yên,
Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền.
Như tấm lụa chăng, hang giội nước,
Có từng núi mọc, cửa chồng then.
Cố đô đã mấy hồi thay đổi,
Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền.
Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ,
Lòng dân đáng sợ chớ nên quên.

oOo

Tràng An, nơi ghi dấu nhiều di tích cổ xưa.  Không kể 4 di tích được các chuyên viên khảo cổ thuộc Khoa Khảo cổ McDonald Đại học Cambridge khảo sát tại Hang Trống, Hang Mòi, Hang Bói… từ tháng 4-2012 , viện Khảo cổ Việt Nam đã phát hiện và thẩm định 21 địa điểm hang động ở khu vực này trong đó có 7 di chỉ được khai quật tại Hang Thung Bình 1, Mái đá vàng…, 5 di chỉ tại hang Núi Tướng 1, Hang Thung Bình…

Tiến Sĩ Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học cho hay, các di tích ở Tràng An đều thuộc loại hình hang động, mật độ cao, phân bố không đều, tập trung ở khu trung tâm và vùng rìa phía tây và tây nam, phần còn lại tại phía Bắc và phía Đông.

Theo các nhà Khảo cổ, thời gian tồn tại của các di tích ở đây trải qua 3 giai đoạn lớn, gắn liền với diễn biến: trước, trong và sau đợt biển tiến Holocene.  Biểu hiện đã thấy tại các di chỉ Hang Mòi, Mái dá Vàng…trong giai đoạn 2 khoảng từ 9,000 đến 4,000 năm trước Công Nguyên (CN), giai đoạn 3 từ 4,000 đến 1,500 năm trước Công Nguyên.  Các cư dân cổ Tràng An sống trong môi trường biển thoái với quy mô nhỏ trong khoảng 2,500 đến 1,500 trước Công Nguyên.  (3)

Khi nước biển dâng cao, khu khối đá vôi Tràng An trở thành biển đảo, cắt rời lục địa, và nguồn cung cấp nước ngọt từ sông suối.  Nhiệt độ nóng lên, đất đai bị mặn hóa, nhiều loại thực vật và động vật bắt buộc phải di chuyển, biến đổi, một số mới khác xuất hiện.   Theo TS Nguyễn Khắc Sử, với những đặc thù, có khả năng hiện diện một nền văn hóa mới, “Văn hóa Tràng An”, khác với văn hóa khảo cổ Hòa Bình, Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn, Hạ Long…

Khởi nguồn từ nền văn hóa Tràng An, sau thời kỳ văn hóa Đông Sơn, văn minh sông Hồng, lịch sử văn hóa Việt Nam bước vào thời đại Đại Cồ Việt với ba thời kỳ văn hóa: Văn hóa Hoa Lư, Văn hóa Thăng Long và Văn hóa Phú Xuân.  

Vào tháng 9-2012, hồ sơ khoa học về quần thể Tràng An đã được gửi tới UNESCO, và năm 2014 đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới trong Quần thể Danh lam Thắng cảnh Tràng An.

oOo

Người Hà Nội tự hào về nét thanh lịch trong nếp sống, ngôn từ mẫu mực, không dùng danh từ thô tục.  Luôn nhún mình, mềm mỏng mà không khoe khoang, tôn trọng mọi người.  Dù sau bao nhiêu biến đổi, dưới bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn giữ được nét hào hoa phong nhã.  Điểm đặc biệt này được ca tụng qua ca dao:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Không ai biết bản gốc cũng như xuất xứ của hai câu ca dao trên.  Nhưng tựu chung, ca dao là “Thơ” của quần chúng, nhất là ca dao thuộc về lịch sử.  Thông thường sự kiện lịch sử có trước khi ca dao ra đời, nên ca dao chỉ đóng vai trò chép sử xuất phát từ quần chúng, những người đã sống qua giai đoạn lịch sử đó.  Để phổ biến trong dân gian, nên ca dao thường đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.  Ca dao lịch sử thường viết theo thể “Lục - Bát”, một thể thơ mang nhiều chất nhạc, âm hưởng nhẹ nhàng uyển chuyển, nên có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng.

oOo

Về phương diện lịch sử, Tràng An (Hoa Lư) là kinh đô của Đại Cồ Việt (Thế kỷ thứ X) dưới triều Vua Đinh Tiên Hoàng, mà người Việt thường tự hào: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, khác với Trường An (Chữ Hán: 長安), kinh đô đầu tiên trong số 4 kinh đô cổ đại của Trung Hoa gồm: Tây An, Lạc Dương, Nam Kinh, Bắc Kinh, mặc dầu cả hai địa danh Tràng An và Trường An đều mang ý nghĩa “an toàn trường cửu”.

Trần Nhật Kim
__________________

Chú thích:

Tham khảo: Hình ảnh và tài liệu trên mạng Bách Khoa mở (Wikipedia)

 (1) Trường An: (Tây An- Trung Quốc):  là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây.  Đây là kinh đô đầu tiên trong số 4 kinh đô cổ đại của Trung Quốc:  Tây An, Lạc Dương, Nam Kinh và Bắc Kinh.  Thành phố Tây An là kinh đô của 10 triều đại, trong đó nổi tiếng nhất là Triều đại Hán và Đường, đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước.

(Về niên kỷ của các thành phố trên, người ta ví: “Nếu Tây An ở địa vị ông bà, thì Bắc Kinh chỉ là một thanh niên mới lớn, còn Thượng Hải chỉ là bào thai còn nằm trong bụng mẹ”)

Sau khi nhà Đường suy vong, kinh đô lại dời về Lạc Dương ở phía đông vào năm 904.  Tây An chỉ còn là điểm đầu của con đường tơ lụa, nhưng không lấy lại được vị thế chính trị và văn hóa.  Qua nhiều năm, Tây An chỉ có những nông trại khô cằn bao quanh. Những công trình kiến trúc cổ, chùa chiền bị tàn phá bởi Hồng vệ binh trong cuộc cách mạng văn hóa từ năm 1966 đến 1976.

Đến năm 1974, khi người đào giếng phát hiện “đội quân đất nung” chôn vùi dưới đất thì Tây An một lần nữa trở thành một địa điểm nổi tiếng trên thế giới.

Ba thập niên sau, các di tích cổ, viện bảo tàng được phục hồi.  Trong đó phải kể tới Đại Nhạn Tháp, một ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Tây An xây dựng vào năm 652, do Đường Tăng, vị hòa thượng đã trải qua 18 năm ròng đến xứ Thiên Trúc ở Ấn Độ để thỉnh kinh.

Vị Hoàng Đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng ra lệnh đắp đội quân đất nung này vào năm 221 trước Công nguyên (BC).  Ông đã huy động 70 ngàn phu để tạo ra đội quân canh giữ lăng mộ nằm dưới lòng đất.  Hiện tại du khách chỉ thấy một phần của đội quân đất nung (khoảng 1,900 trong số 7,000 pho tượng).

 (2) Trịnh Sâm:  Ông sinh ngày 9-12-1739 dưới triều Lê Ý Tông.  Ông quê làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.  Tước hiệu: Tĩnh Đô Vương, Thụy hiệu: Thánh Tổ Thịnh Vương.  Sau khi cha ông (Trịnh Doanh) qua đời, năm 1767, Trịnh Sâm lên nối ngôi Chúa.  Là vị Chúa thứ 8 của vương tộc Trịnh.  Từ sau năm 1775, Trịnh Sâm sa vào tửu sắc và qua đời vào năm 1782.  Trịnh Cán lên nối ngôi và họ Trịnh ngày càng suy sụp.

(3) Thế Holocene:  (Còn gọi là Thế Toàn Tân) là một thế địa chất bắt đầu vào khoảng 1,700 năm trước (vào khoảng 9,700 trước Công Nguyên) và còn tiếp tục đến ngày nay.
Đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Holocene

Hoa Lư: https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_L%C6%B0


Powered by Blogger.