Header Ads

Henry Ford (1863-1947) - Người Cha Của Nền Kỹ Nghệ Xe Hơi


Phạm Văn Tuấn

Vào khoảng năm 1896, Henry Ford tới dự một phiên họp với các nhân viên của Công Ty Edison tại New York. Trong bữa tiệc, Henry Ford được Alex Dow, giám đốc trung tâm điện lực Detroit, dẫn tới gặp nhà đại bác học Thomas Edison và được giới thiệu là người vừa chế tạo xong một chiếc xe hơi chạy bằng dầu lửa. Công trình sáng tạo này của Ford đã khiến Edison chú ý. Nhà bác học liền bảo Ford phác họa chiếc xe. Henry Ford liền dùng tờ thực đơn, lật mặt sau và vẽ nguệch ngoạc những hình vẽ. Khi biết rõ các thành phần của chiếc xe có động cơ, Edison đã phải kêu lên: "Anh đi đúng đường đấy, một chiếc xe tự động chở lấy nhiên liệu, một phương thức hay, hãy tiếp tục đi !"

Khi tan tiệc, Henry Ford cảm thấy quá phấn khởi. Nhờ lời khuyến khích thích đáng của nhà đại bác học Edison, Henry Ford đã theo đuổi ráo riết việc cải tiến các máy móc của xe hơi để rồi 7 năm sau, thành lập nên Công Ty Ford Motor.

Henry Ford không phải là người đầu tiên phát minh ra xe hơi nhưng ông là người đầu tiên tìm ra được phương pháp sản xuất hàng loạt (mass-production system) và một cách đáp ứng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vào thời bấy giờ, người ta coi xe hơi là một thứ xa xỉ và các nhà sản xuất xe hơi chỉ nghĩ cách chế tạo thứ "đồ chơi" đắt tiền đó cho những kẻ giàu có. Henry Ford lại có ý nghĩ khác hẳn. Ông quan tâm tới số đông quần chúng nên đã nhận định rằng chiếc xe hơi phải có máy móc đơn giản và bền bỉ, nhẹ nhàng và dễ tháo ráp, với giá bán chiếc xe thích hợp với túi tiền của giới tiêu thụ trung lưu. Những nguyên tắc này đã được Henry Ford áp dụng cho loại xe hơi "kiểu T" lừng danh.




Henry Ford đã cho thiết lập các dãy lắp xe khiến cho thời gian cần thiết để ráp một chiếc xe được giảm từ 14 giờ xuống còn 93 phút. Tại nhiều nơi trên nước Mỹ, Henry Ford đã cho thiết lập các cơ xưởng sản xuất và từ năm 1917 tới năm 1927, gần một nửa tổng số xe hơi chế tạo tại Hoa Kỳ mang nhãn hiệu Ford. Riêng với loại xe hơi "kiểu T", nhịp độ sản xuất là 10 chiếc trong 16 phút và trong 19 năm liền, 15 triệu chiếc xe đã được chế tạo. Ngoài ra, giá tiền mua xe hơi cũng được giảm đi rất nhiều, từ 850 mỹ kim vào năm 1908 xuống 550 mỹ kim năm 1913, 440 mỹ kim năm 1915 và 290 mỹ kim vào năm 1924.

Trong tất cả các công cuộc kinh doanh kỹ nghệ tại Hoa Kỳ, xe hơi "kiểu T" đã là một thành công lớn lao và tốt đẹp nhất. James Couzens, viên giám đốc thương mại đầu tiên của Công Ty Ford Motor muốn nhượng cổ phần của mình cho người chị là bà Rosetta Hauss với giá 200 mỹ kim. Bà Rosetta cũng không ưa gì những cổ phần đó nhưng rồi cũng bằng lòng bỏ ra 100 mỹ kim để mua lại, có ngờ đâu rằng 10 năm sau, tiền lời của cổ phần là 95,000 mỹ kim và vào năm 1919, khi Ford muốn mua lại các cổ phần nhỏ, bà Rosetta đã bán lại với giá 260,000 mỹ kim mà trước kia nó chỉ đáng giá 100 mỹ kim. Còn nhiều người khác, chẳng hạn như hai luật sư Horace Rackham và John Anderson, khi trước đã bỏ ra 10,000 mỹ kim, sau đã thu về được 25 triệu! Chính Alex Dow cũng phải hối tiếc là đã từ chối cổ phần của Công Ty Ford Motor vì không ai ngờ tới sự huyền diệu của Kỹ Thuật.

Thời kỳ thanh niên của Henry Ford.

Henry Ford ra chào đời vào ngày 30 tháng 7 năm 1863 trong một nông trại thuộc Greenfield Township, thị xã Dearborn, thuộc tiểu bang Michigan, có cha là ông William Ford (1826 -1905) một nông dân gốc Ái Nhĩ Lan và mẹ là bà Mary Litogot (1839 – 1876) đã sinh ra trong tiểu bang Michigan và là con út của một gia đình di dân gốc Bỉ (Belgian). Cha mẹ của bà Mary đã qua đời khi bà còn nhỏ tuổi, vì vậy bà Mary được nuôi dưỡng do một gia đình lối xóm tên là O’Herns.

Các anh chị em của Henry Ford là Magaret Ford (1867 – 1938), Jane Ford (1868 – 1945), William Ford (1871 – 1917) và Robert Ford (1873 – 1934).

Vào tuổi 14, Henry Ford được cha cho một chiếc đồng hồ bỏ túi, nên cậu Ford này đã tháo gỡ chiếc đồng hồ rồi ráp lại dễ dàng, đồng thời cậu đã sửa chữa các đồng hồ cho những người láng giềng và cậu nổi tiếng là một anh thợ sửa đồng hồ giỏi.

Vào năm 1876, bà mẹ qua đời, Henry Ford rất buồn thảm rồi khi người cha muốn Henry Ford cai quản cái nông trại của gia đình thì Henry Ford lại từ chối vì rất ghét nghề nông. Sau này ông Ford đã viết lại rằng: “Tôi không hề yêu thích nông trại mà chỉ yêu bà mẹ ở nông trại mà thôi”.

Vào năm 1879, Henry Ford ra đi khỏi nhà để học nghề sửa chữa máy móc tại thành phố Detroit, đầu tiên tại xưởng James F. Flower & Bros., rồi tại công ty Detroit Dry Dock. Năm 1882, Henry Ford trở về Dearborn, Michigan, để làm việc tại công ty Westinghouse về các máy hơi nước.

Henry Ford là một người vừa can đảm, vừa ngông cuồng, một nhân vật kỹ nghệ lừng danh vừa cương quyết, vừa có tính tình hay thay đổi kỳ cục, đã bị ý tưởng về xe hơi ám ảnh khi còn là một cậu bé ngồi bên cạnh cha trên một chiếc xe ngựa chở đầy cỏ khô, chạy trên đường lộ của Dearborn, Michigan. Cậu bé Henry 13 tuổi này đã hết sức ngạc nhiên khi trông thấy một chiếc xe hơi chạy ngược chiều mà không cần tới lừa ngựa kéo. Phản ứng đầu tiên của cậu là nhẩy xuống đất, chạy lại quan sát kỹ lưỡng gầm xe rồi hỏi chuyện bác tài xế.

Từ ngày hôm đó, Henry không còn muốn nghe ai nói gì về canh nông nữa. Cậu xin cha cho đi học nghề thợ máy. Henry đã sửa chữa rất nhiều máy cầy, máy gặt rồi tìm cách khai thác một xưởng cưa nhỏ.

Henry Ford in 1888 (25 tuổi)
Năm 1891, Henry Ford nhận làm nhân viên cơ khí tại Trung Tâm Điện Lực Detroit của Công Ty Edison Illuminating. Ông đã cắt nghĩa cho vợ hiểu rằng sở dĩ ông bằng lòng với số lương ít ỏi của Công Ty Edison vì nhờ vậy, ông có thể tìm hiểu về điện học là thứ rất cần thiết cho chiếc xe hơi mà ông đã bỏ ra nhiều năm trường nghiên cứu.

Sự việc ông chồng nhận lãnh một nghề nghiệp mới khiến cho bà Clara phải rời khỏi ngôi nhà vừa mới xây cất tại Dearborn, phải vất vả di chuyển nhà cửa nhưng những điều này không làm cho bà Clara phàn nàn. Bà đã được chồng cắt nghĩa nhiều lần về một thứ xe không dùng ngựa kéo và bà cũng tin tưởng vào sự thành công sẽ tới. Còn về Henry Ford, ông quá ham mê về động cơ nổ nên thường quên cả ngày lãnh lương tại Công Ty Edison.

Vào thập niên 1880, các nhà cơ khí bắt đầu áp dụng loại động cơ nhỏ vào một thứ xe chở người. Ngày 29-1-1886, Karl Benz đã nhận văn bằng sáng chế về một loại xe dùng nhiên liệu thô rồi năm sau, đã biểu diễn loại xe này trên đường phố thuộc tỉnh Mannheim, nước Đức.

Tại Hoa Kỳ có Charles và Frank Durya chế tạo xong vào năm 1893 tại Springfield, Massachusetts, chiếc xe hơi dùng khí đốt đầu tiên. Trong khi đó, vào đêm Giáng Sinh 1893 khi cậu con trai Edsel của ông mới được 7 tuổi thì Henry Ford cũng hoàn thành một chiếc máy nổ một xy-lanh. Henry đã đặt máy trong bếp và bà Clara đã giúp chồng trong việc cho nổ máy, điều chỉnh máy…

Ít lâu sau, Ford chế tạo tiếp một động cơ 2 xy-lanh. Căn nhà kho để chứa than trở thành cơ xưởng của ông. Ngày 4 tháng 6 năm 1896, Henry Ford làm xong chiếc xe hơi đầu tiên và liền cho chạy thử trên đại lộ Grand River và khi đến đường Washington, xe mới bị tắt máy.

Vào thời bấy giờ, các nhà sản xuất xe hơi thường quảng cáo xe trong các cuộc chạy đua vì thế muốn cho dân chúng chú ý đến mình, Henry Ford chế tạo chiếc xe đua 26 mã lực vào năm 1901 để tranh tài với chiếc xe của Alexander Winton, nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thuộc tiểu bang Ohio. Trên quãng đường dài 10 dậm trong cuộc đua xe tổ chức tại Gross Point, Michigan, chiếc xe hơi của Henry Ford đã thắng giải. Sau lần thành công này, Henry Ford và nhóm 12 người đầu tư liền bắt tay vào việc thành lập Công Ty Ford Motor. Số vốn bỏ ra là 100,000 mỹ kim với khoảng 28,000 mỹ kim tiền mặt. Năm 1903, xưởng xe hơi Ford đã có 125 người thợ, làm ra được 1,700 xe hơi thuộc 3 kiểu mẫu với giá bán là 850 mỹ kim. Đối với thời đó, xe hơi Ford nặng gần 600 kilô nhưng lại là loại nhẹ nhàng nhất và giá rẻ nhất nên dễ bán ra. Nhờ phát đạt, chỉ trong 4 năm trường, số vốn của Công Ty Ford tăng lên được 1,000 phần trăm.

Tại Công Ty Ford Motor, Henry Ford đã sở hữu phần lớn các cổ phần. Người ngoài có phần hùn lớn thứ hai là James Couzens, trước kia là thư ký của Alexander Malcomson và nay là Tổng giám đốc (General Manager) của Công Ty rồi sau lên chức Phó Chủ Tịch kiêm Thủ Quỹ, là người đứng thứ hai điều khiển công ty trong các năm sản xuất xe hơi "kiểu T".

Khi điều khiển công ty xe hơi Ford, Henry Ford rất quan tâm tới giá thành của chiếc xe và không muốn làm ra các kiểu xe đắt giá. Ông đã dùng ảnh hưởng của mình để giảm bớt số lượng xe sản xuất vào năm 1906 nhờ đó Công Ty Ford đã được cứu vãn khi tình hình kinh tế suy sụp vào năm 1907. Henry Ford còn quyết định làm ra một kiểu xe hơi mới, chắc chắn và rẻ tiền.

Vào mùa đông năm 1906, Henry Ford đã ngăn riêng một phần cơ xưởng 12 x 15 feet trong nhà máy trên đại lộ Piquette thuộc thành phố Detroit để nghiên cứu về xe hơi kiểu T. Ông đã bỏ ra hai năm trường khảo sát các vật liệu và cách chế tạo loại xe hơi mới. Trong cuộc đua xe tổ chức tại Florida, Henry Ford đã xem xét một xe hơi bị hư hỏng và được chế tạo tại Pháp và nhận thấy rằng nhiều thành phần của chiếc xe này được làm bằng một thứ thép khác thường. Nhóm kỹ sư của xưởng xe Ford biết chắc rằng loại thép mà người Pháp đã dùng là một hợp chất có Vanadium, vừa nhẹ hơn, vừa chịu đựng được sức căng tới 170,000 lbs trong khi loại thép của Hoa Kỳ chỉ chịu tối đa 60,000 lbs. Ông Ford liền mời một nhà luyện kim chế tạo ra loại thép có Vanadium để dùng cho loại xe hơi kiểu T. Kết quả là trên thế giới vào thời kỳ đó, hợp chất thép có Vanadium chỉ được dùng cho xe hơi loại đắt tiền của Pháp và xe hơi Ford kiểu T. Đây là thứ xe hơi có thể bị hư hỏng mà không thể bị bể, gẫy.

Ford Model T - 1925
Từ ngày 01 tháng 10 năm 1908, với số tiền 850 mỹ kim, khách hàng có thể mua được một chiếc xe hơi kiểu T nhẹ, vào khoảng 1,200 lbs, khá mạnh với máy 4 xy-lanh và 20 mã lực, có 2 số, rất dễ lái và một số đặc tính khác như đơn giản, vững chắc. Sau năm đầu tiên sản xuất, 10 ngàn chiếc xe đã được bán ra và đây là một kỷ lục mới. Năm 1909, nhà doanh nghiệp Robert Guggenheim đã bảo trợ một cuộc đua xe hơi từ New York tới Seattle, và tới đích chỉ có 2 chiếc xe hơi kiểu T, khiến cho ông Guggenheim đã phải nói rằng: "tôi tin rằng ông Ford biết rõ lời giải đáp về loại xe hơi phổ thông".

Vào các năm đầu, xe hơi kiểu T được chế tạo tại xưởng máy trên đại lộ Piquette theo cùng một phương pháp như các loại xe hơi khác. Nhưng nhu cầu về xe Ford đã gia tăng, khiến cho ông Henry Ford phải nghĩ đến việc lập ra một nhà máy mới, với một hệ thống sản xuất mới.

Trong nhiều năm làm Chủ Tịch công ty, ông Henry Ford đã nắm giữ một số lượng lớn tiền mặt nhờ đó ông có thể chủ trương một chính sách mới mà không bị các áp lực khác và vì thế, nhà máy sản xuất xe hơi mới tại Highland Park được vẽ kiểu do kiến trúc sư kỹ nghệ hàng đầu là ông Albert Kahn và được khánh thành vào năm 1910. Đây là một cơ xưởng rộng 62 mẫu (acres), với tầm vóc rộng lớn nhất khiến cho ông John D. Rockefeller, chủ tịch của công ty lọc dầu Standard Oil phải nói rằng cơ xưởng xe hơi Highland Park là một huyền diệu kỹ nghệ của thời đại (the industrial miracle of the age).

Phương pháp làm việc dây chuyền
Trong các năm đầu, cách lắp ráp xe trong cơ xưởng này được tổ chức từ trên xuống dần, bắt đầu từ tầng thứ tư, các thảm chuyền đưa nhiều bộ phận cho công nhân lắp ráp, xuống tầng lầu ba, sườn của xe hơi được gắn thêm bánh xe, thùng xe và chiếc xe hoàn thành tại tầng dưới chót, xếp hàng trước mặt văn phòng. Trong ba năm đầu, số lượng sản xuất xe đã tăng lên 100 phần trăm, từ 19,000 chiếc vào năm 1910 tới 34,000 chiếc vào năm 1911 rồi đạt tới con số 78,440 chiếc vào năm 1912.

Năm 1909, Henry Ford tuyên bố rằng: "tôi sẽ làm cho xe hơi có tính dân chủ, mọi người đều có khả năng mua nổi một chiếc và hầu như mỗi người sẽ có một xe hơi vậy". Giá bán khởi đầu của xe hơi kiểu T là 850 mỹ kim, đã hạ xuống còn 575 mỹ kim vào năm 1912 và số tiền này thấp hơn lợi tức trung bình hàng năm của người dân thường tại Hoa Kỳ. Henry Ford đã hy sinh một phần lợi nhuận để làm gia tăng số lượng xe bán ra khiến cho vào năm 1913, số lượng xe hơi Ford tiêu thụ là 248,000 chiếc. Nhờ chính sách kinh tế mới có hệ thống và chiến thuật, lợi tức của Công Ty Ford tăng từ 3 triệu mỹ kim vào năm 1909 lên tới 25 triệu mỹ kim vào năm 1914. Năm 1908, xe hơi Ford chỉ chiếm 9.4 phần trăm thị trường, nhưng đã vượt lên 48 phần trăm vào năm 1914. Xe hơi kiểu T của Công Ty Ford đã chế ngự thị trường xe hơi trên Thế Giới.

Henry Ford không phải là nhà phát minh ra xe hơi, mà cũng không tìm ra phương pháp sản xuất theo dây chuyền. Ông đã có được ý tưởng về cách lắp ráp khi đi thăm viếng một xưởng thịt bò tại Chicago. Tại nhà máy thịt bò, các con vật bị giết và lột da xong, được treo lên các móc của một đường dây chuyền chậm chạp. Tại mỗi trạm ngừng, các người thợ cắt từng phần thịt cho tới khi chỉ còn bộ xương con vật ở trạm cuối. Henry Ford đã làm ngược lại tiến trình kể trên và áp dụng phương pháp lắp ráp này vào kỹ nghệ xe hơi.

Từ năm 1910 tại nhà máy xe hơi Highland Park, Henry Ford và các chuyên viên nghiên cứu về hiệu năng, mỗi ngày khảo sát các phương pháp mới để làm gia tăng sức sản xuất và các công việc cải tiến kéo dài trong 17 năm trường. Châm ngôn của ông Ford là "Mọi thứ luôn luôn có thể trở thành tốt đẹp hơn là theo cách đang làm". Trong phương pháp lắp ráp theo thảm chuyền, việc căn thời gian và phối hợp các động tác rất quan trọng. Thảm chuyền đưa các bộ phận tới chỗ làm việc của công nhân và mỗi người làm một số công việc đặc biệt, chẳng hạn như vặn một số con ốc, gắn thêm một vài bộ phận. Hệ thống mới này đã làm giảm thời giờ lắp một xe hơi từ 12.5 giờ công vào năm 1912 xuống còn 1 giờ 15 phút vào năm 1914. Cũng vào cuối năm này, 13,000 thợ của Công Ty Ford đã làm ra 260,720 xe hơi so với các công ty khác cần tới 66,350 thợ để sản xuất 286,770 xe hơi.

Nhiều người đã chỉ trích ông Henry Ford là đã biến người công nhân thành các máy móc tự động không biết suy nghĩ, bởi vì người thợ không còn cần tới năng khiếu về cơ khí như trước kia và phương pháp dây chuyền đã lấy kỹ năng ra khỏi công việc làm. Nhưng Henry Ford đã trả lời rằng các kỹ năng cao (skills) được dùng tại các giai đoạn trù liệu, quản trị và sản xuất các bộ phận và kết quả là người thợ dù không có kỹ năng vẫn dùng được các kỹ năng đó.

Vào giai đoạn đầu của thế kỷ 20, phần lớn công nhân là những người mới di cư, không có tay nghề, thường làm việc 9 giờ một ngày với lương ngày là 2.38 mỹ kim. Do khả năng kém của công nhân, số người bị từ chối sau thời gian thử việc lên rất cao. Vào năm 1913, Công Ty Ford phải chọn lựa 963 người để có 100 công nhân trong sổ lương. Muốn duy trì số lượng 13,000 công nhân cho các nhà máy, ông Henry Ford phải liên tục tiêu tiền vào việc huấn luyện kỹ thuật ngắn hạn. Ngoài ra, Công Ty Ford còn khởi đầu chương trình thêm tiền tặng (bonuses), có bảo hiểm y tế, nhà máy có sân chơi banh cho công nhân và vườn cảnh cho gia đình của họ.

Ngày 5-1-1914, Henry Ford tuyên bố mức lương tối thiểu của công nhân là 5 mỹ kim một ngày làm việc 8 giờ, ngoài ra còn có chương trình chia lời. Ông Henry Ford được nhiều thành phố ca ngợi là người bạn của công nhân, một người xã hội cởi mở. Nhưng các nhà doanh nghiệp khác, kể cả một số cổ đông của Công Ty Ford, lại coi ông Ford là người sẽ đưa công ty tới phá sản và cách giải quyết của ông Ford là vô trách nhiệm. Thực ra, ông Ford đã nhận ra yếu tố nhân sự trong phương pháp sản xuất hàng loạt, bởi vì một lực lượng lao động vui vẻ sẽ dẫn tới mức sản xuất cao hơn. Từ năm 1914 tới năm 1916, lợi tức của Công Ty Ford đã gia tăng từ 30 triệu lên tới 60 triệu, không những thế, mức lương mới của công nhân Công Ty Ford đã khiến cho chính giới công nhân trở thành khách hàng mua xe hơi của công ty.

Sự thành công của xe hơi Ford kiểu T đã ảnh hưởng tới các phạm vi xã hội, kinh tế và văn hóa và ông Henry Ford được coi như một thứ anh hùng. Về phần chính ông, Henry Ford chưa mãn nguyện. Ngay trước khi Hoa Kỳ tham dự vào cuộc Thế Chiến I, ông Henry Ford đã cùng với 170 người khác, thuê bao chiếc tầu "Hòa Bình" qua nước Pháp mà không có sự cho phép của chính phủ Hoa Kỳ, với ý định ngây thơ là ngăn cản chiến tranh. Năm 1918, ông Henry Ford ra tranh chức Thượng Nghị Sĩ của Đảng Dân Chủ tại tiểu bang Michigan nhưng rồi mặc dù thất cử, ông Ford còn tiếp tục phát biểu về các vấn đề chính trị. Năm 1919, ông Henry Ford mua tờ báo The Dearborn Independent (báo Độc Lập Dearborn) và tờ báo này đã mang nhiều tai tiếng trong các bài công kích người Do Thái.

Bản chất của ông Henry Ford.

Henry Ford là một con người kỳ dị. Ông không bao giờ quan tâm về vấn đề tiền bạc mà cũng chẳng cần biết rằng số vốn của ông càng ngày càng tăng lên rất nhanh. Một hôm, ông tới một ngân hàng và rút ra 150,000 mỹ kim tiền mặt, ông đếm tiền một cách rất đa nghi rồi tiến tới một cửa sổ nhận tiền khác, chuyển tất cả số tiền vừa lãnh ra vào trương mục của mình. Ông chỉ kiểm soát thôi!

Henry Ford quả là con người kỳ dị. Ông chỉ tin ở mình và không ai có thể làm cho ông nhận rõ là ông đã nhầm lẫn. Tại biệt thự Fair Lane ở Dearborn, Henry Ford đã cho sưởi ấm bằng điện năng các hồ nước dùng cho các con chim tắm vì ông tin tưởng rằng nếu người ta cung cấp cho loài chim nước ấm, loài chim trong vùng sẽ không còn di cư về miền nam vào mùa đông nữa.

Henry Ford rất ưa thích các loại chim và các vũ điệu bình dân. Ông sưu tầm các cây đàn vĩ cầm, các sách vở và các di vật lịch sử Hoa Kỳ. Ông còn có thành kiến về vệ sinh và cách ăn uống. Có khi ông ăn cà rốt trong nhiều ngày rồi một lần khác, ông lại ưa thích đậu nành khiến cho tất cả các món ăn đều có đậu nành bên trong: nào bánh mì đậu nành, cháo đậu nành, kem đậu nành… Vì quan niệm về vệ sinh, Henry Ford đã cấm tất cả mọi người không được hút thuốc lá trong văn phòng, trong cơ xưởng…

Sự quyết định của ông Ford nhiều lúc cũng rất kỳ cục. Một người than phiền với ông là Công Ty hiện đang thiếu một kỹ sư luyện kim kinh nghiệm. Lúc đó có một anh lao công đang làm việc trong phòng, Henry Ford liền chỉ ngay anh ta và bảo: "Hãy làm sao cho anh này trở thành một kỹ sư luyện kim!" và thật là kỳ lạ khi chính anh lao công đó về sau đã trở nên một nhà luyện kim danh tiếng.

Henry Ford là con người ương ngạnh. Ông bắt tất cả mọi người phải làm theo ý của ông nhưng điều này lại không bao giờ áp dụng đối với bà vợ ông. Các câu quyết định quan trọng đều của bà Clara cả. Tuy nhiên, hai ông bà đã sống với nhau rất hạnh phúc trong suốt 29 năm trường. Buổi chiều khi bước chân vào nhà, Henry Ford thường huýt sáo gọi vợ và bà Clara cũng trả lời lại bằng cách này. Hai ông bà thường ngồi bên nhau hàng giờ trên sân thượng với chiếc ống nhòm và cuốn sách của Audubon viết về các loài chim.

Năm 1929, nhân dịp kỷ niệm chiếc đèn điện được 50 năm, Henry Ford đã cho tổ chức một bữa tiệc vĩ đại để tỏ lòng kính mến đối với nhà đại bác học Thomas Edison. Henry Ford đã mời cả Tổng Thống Hoover và hơn 500 nhân vật danh tiếng trên khắp thế giới đến tham dự. Người ta cho rằng với bữa tiệc như vậy, ông đã bỏ ra hơn 1 triệu mỹ kim!

Sau bữa đại tiệc, ông Ford nhờ họa sĩ Irving Bacon vẽ một bức tranh ghi lại hình ảnh của các thực khách. Phải mất nhiều năm, họa sĩ Bacon mới hoàn thành bức họa cao 2 thước, dài 5 thước chứa đựng chân dung của 266 quan khách. Sở dĩ thời gian đó kéo dài vì đôi khi ông Ford bước vào xưởng vẽ, chỉ vào hình ảnh vợ một viên giám đốc công ty rồi ra lệnh cho họa sĩ: "xóa cho tôi bà này, vợ tôi không thể chịu đựng nổi bà ta !".

Clara Ford (vợ của Henry Ford)
Henry Ford cũng thường dẫn khách vào xem tranh. Ông chỉ vào hình bà Clara và nói: "Trong tất cả, chỉ có bà này là đẹp nhất!". Trong các quyết định quan trọng đối với công ty xe hơi, ít ra bà Clara cũng có công trong một lần. Lần đó xẩy ra vào năm 1941 khi Nghiệp Đoàn Công Nhân Xe Hơi (U.W.A.) thuộc Liên Đoàn Công Nhân Kỹ Nghệ (C.I.O.) đình công để tranh đấu cho nhân viên của Công Ty Ford Motor được quyền thành lập nghiệp đoàn. Lúc bấy giờ, Henry Ford không thích nghe nói tới danh từ "Nghiệp Đoàn" và tại cổng số 4 của cơ xưởng ở River Rouge đã có đổ máu. Henry Ford tuyên bố trắng ra rằng không bao giờ ông đồng ý với Liên Đoàn Công Nhân Kỹ Nghệ và ông sẽ đóng cửa hẳn các cơ xưởng.

Ngày hôm sau, tình hình thay đổi hẳn. Henry Ford đã tuyên bố trên đài phát thanh rằng ông nhượng bộ Liên Đoàn Công Nhân bằng cách cho phép thành lập nghiệp đoàn trong các cơ xưởng của công ty Ford và đáng ngạc nhiên hơn nữa, ông còn tăng lương cho công nhân, một yêu sách mà không ai dám đòi hỏi cả. Sở dĩ có sự thay đổi này vì bà Clara dọa sẽ bỏ nhà ra đi nếu ông không tìm cách hòa hoãn với Nghiệp Đoàn. Henry Ford đã thú nhận rằng: "Vợ tôi bảo tôi rằng đã có các cuộc bạo động có đổ máu và bà ta không muốn nhìn thấy những thứ đó xẩy ra nữa. Ngày nay, tôi biết chắc rằng bà ta có lý!"


Biệt thự Fair Lane

Trước kia vào năm 1913, Henry Ford cho xây tòa biệt thự Fair Lane toàn đá trắng, ngự trị trên mảnh đất rộng 554 hecta, ngay sát với nơi mà Henry cùng Clara đã trải qua những năm đầu sau ngày kết hôn. Ông Ford cho thiết lập căn phòng đánh billard có đặt ánh sáng gián tiếp, đây là cách thiết trí đầu tiên được thực hiện tại Detroit. Trong biệt thự Fair Lane, còn có căn phòng đánh bowling, một chiếc đàn phong cầm trị giá 30,000 mỹ kim, một hồ tắm có ghế đá được lắp lò sưởi điện bên trong để khách bơi lội không bị cảm lạnh, một phòng giải trí và một hồ trượt băng. Ông Ford đã cho xây cất biệt thự này vì người con trai độc nhất Edsel.

Edsel Ford (chụp năm 1921)
Trái hẳn với tính tình của cha, Edsel Ford là một người lịch thiệp, sành sỏi, trầm tĩnh và yêu thích Mỹ Thuật. Vì Henry Ford phản đối việc theo học tại Đại Học nên Edsel không được theo đuổi sự học lên cao nhưng trong nhiều vấn đề, Edsel đã tỏ ra là người có kiến thức rộng rãi.

Chưa đầy một năm sau ngày dọn nhà tới Fair Lane, Edsel kết hôn với Eleanor Clay, cháu gái của một nhà doanh nghiệp ở Detroit. Sau khi lập gia đình, Edsel cư ngụ tại một chỗ khác nên căn phòng billard, phòng đánh bowling không có ai xử dụng và chiếc đàn phong cầm đắt giá cũng bị hư hỏng.

Edsel có bốn người con là Henry II, Benson, Josephine và William. Các đứa trẻ này đã lớn lên tại biệt thự 60 phòng do Edsel cho xây cất tại Gaukler Pointe. Về mùa hè, chúng sống nơi bờ biển trong biệt thự trị giá 3 triệu mỹ kim (giá trị thời bấy giờ) tại Seal Harbor, Maine, còn về mùa đông, chúng nghỉ ngơi trên con tầu biển Onika dài 38 thước, bỏ neo tại Hobe Sound, vùng Florida.

Năm 1920, loại xe hơi "kiểu T" của Henry Ford đã được phổ biến ở khắp nơi, chiếm 60 phần trăm thị trường. Dù cho loại xe này có các đặc tính bền bỉ và rẻ tiền nhưng vì chỉ thích hợp với tình trạng đường xá còn xấu kém của các năm trước 1914, nên vào thời kỳ này, dân chúng Hoa Kỳ bắt đầu tìm kiếm một loại xe hơi tuy đắt tiền hơn nhưng đẹp mã hơn và đầy đủ tiện nghi bên trong hơn. Tại các nơi hội hè, tại các quán rượu, người ta thường chế giễu xe hơi Ford "kiểu T" là cái "thùng tắm" tuy ích lợi thực, nhưng không ai muốn để người khác nhìn thấy mình ngồi bên trong.

Vào giữa thập niên 1920, công ty xe hơi General Motors đã được cải tiến, dưới sự điều khiển sáng suốt của Alfred P. Sloan và đã cho ra đời loại xe hơi Chevrolet với các đặc điểm mà xe hơi Ford kiểu T không có. Mặc dù trong tình trạng cạnh tranh này, ông Henry Ford vẫn không chịu chấp nhận rằng xe hơi "kiểu T" đã trở nên lạc hậu. Ông già Henry vẫn khăng khăng giữ vững thị hiếu về màu đen của xe và để cho giá bán xe chỉ còn 290 mỹ kim, xe Ford "kiểu T" vẫn còn dùng hệ thống truyền lực kiểu cổ, lại không có bộ phát động (startor). Trước sự ương ngạnh của nhà đại doanh nghiệp lớn tuổi đó, các nhân viên trong ban chỉ huy công ty từ xưa đến nay chỉ biết đồng ý với Henry Ford, ngoại trừ Edsel và vài nhân viên thương mại là phản đối kịch liệt, đòi bỏ hẳn loại xe hơi "kiểu T".

Xưa nay, Edsel và cha không bao giờ cùng quan điểm với nhau. Giữa hai cha con thường xẩy ra các cuộc tranh luận kịch liệt và trước các cơn sóng gió thịnh nộ của người cha độc đoán, Edsel vẫn giữ vững lập trường để theo đuổi và hoàn thành các ý định. Đối với lần tranh luận này, khi Edsel trình bày chứng cớ ở các con số xe hơi bán ra càng ngày càng giảm sút một cách đáng lo ngại, Henry Ford mới chịu đầu hàng.

Edsel Ford tuy được cha chỉ định làm Tổng Giám Đốc Công Ty từ năm mới 26 tuổi, nhưng đã tỏ ra là người nhìn xa trông rộng trước 30 năm, không những về các quan niệm mỹ thuật và kỹ thuật mà còn về các lý thuyết liên quan tới kỹ nghệ, xã hội và kinh tế. Riêng đối với xe hơi, Edsel muốn rằng xe Ford phải được lắp thắng hơi và cần sang số cùng các cải tiến khác như loại xe Chevrolet với số lượng bán ra càng ngày càng tăng. Ông già Henry Ford thì phản đối kịch liệt loại thắng hơi. Sau một hồi gắt gỏng, Henry Ford chỉ còn cách tống cổ Edsel đi làm việc tại một chi nhánh ở California.


Ford "Kiểu A - Model A" (năm 1928)

Tuy sự xung đột xẩy ra lớn lao như vậy nhưng cuối cùng, loại xe Ford "kiểu A" của Edsel cũng ra đời vào tháng 12 năm 1927. Sự xuất hiện của loại xe "kiểu A" này đối với thời bấy giờ cũng là một tin hết sức quan trọng mà các báo chí đều viết ở trang nhất. Có thể nói đó là một cuộc cách mạng về xe hơi vì không những giá bán xe rất thấp, xe lại có thắng ăn vào 4 bánh, có cả bộ phận gạt nước mưa và đặc biệt nhất, xe có đủ loại màu sắc rực rỡ!

Sau cuộc bất đồng ý kiến về xe hơi "kiểu A", Henry Ford đành dồn thời giờ vào việc sưu tầm các kỷ vật nhưng không phải ở trong hoàn cảnh nửa hưu trí này mà nhà đại doanh nghiệp cao tuổi đã từ bỏ các quyền hành đối vối Công Ty Ford. Edsel mặc dù là Tổng Giám Đốc nhưng các quyết định của ông đưa ra không được các nhân viên dưới quyền thi hành mau lẹ nếu không có sự đồng ý của Henry Ford. Ông già này đôi khi xuất hiện với các cơn thịnh nộ lôi đình và hoàn cảnh đó đã là một trở ngại không phải là nhỏ đối với Edsel. Chính trong tình trạng hỗn độn này mà một người đã xuất hiện: Harry Bennett.

Bennett lúc đầu được mướn làm cận vệ cho Henry Ford nhưng rồi xen lấn vào các công việc liên quan tới Henry Ford. Nếu nhà đại doanh nghiệp cao tuổi này khó tính với nhiều người khác thì riêng đối với Bennett, Henry Ford lại luôn luôn gặp gỡ sáng chiều, hoặc giáp mặt, hoặc qua điện thoại. Có thể vì khéo léo, Bennett đã lấy được cảm tình của Henry Ford để rồi tự nhận mình là Giám Đốc Nhân Viên. Henry Ford còn ưa thích Bennett vì anh này đã liên lạc chặt chẽ được với các tay anh chị trong công ty mà đối với ông Ford, đó là cách hay nhất để chống lại những xáo trộn do công nhân gây ra và các sự sang đoạt có thể xẩy ra của các con cháu.

Bennett thường giao du với hạng trộm cướp và giết mướn. Trong một bữa tiệc do Bennett mời tại Công Ty Ford, vị Thống Đốc Michigan đã phải ngạc nhiên và bất bình khi thấy có mặt một tên sát nhân đang bị cảnh sát truy tầm. Về sau này, Bennett đã kể lại sự việc trong cuốn tự thuật như sau: "Vì ông Thống Đốc nổi tiếng là hay lên mặt mô phạm nên tôi cảm thấy sung sướng trong lòng khi ngắm nhìn ông ta bối rối".

Bennett luôn luôn mang súng lục trong mình. Một hôm anh ta bắn cụt điếu thuốc lá đang cháy dở trên môi một người vi phạm điều cấm kỵ của Henry Ford là không được hút thuốc trong cơ xưởng. Bennett còn bày ra nhiều kế để thử thách các nhân viên trong công ty về lòng thủy trung và tính kín đáo. Một hôm với vẻ bí mật và quan trọng, Bennett đưa cho một nhân viên trong hãng một bao thư và bảo: "Hãy giữ cái này cho tới khi nào tôi hỏi tới. Nhớ đừng nói với ai là tôi đã đưa nó cho anh".

Vài ngày sau, viên quản đốc trực tiếp của nhân viên đó tới gặp anh ta và bảo: "Ông Ford bảo tôi đến xin lại anh các giấy tờ mà anh đã cất giữ". Nếu nhân viên này thực thà hoàn trả bao thư, anh ta sẽ bị đuổi sở vào cuối tuần. Trái lại nếu anh ta thề rằng chưa hề cất giữ một giấy tờ gì, anh ta sẽ được tăng lương và thăng cấp. Bằng phương pháp kể trên, Harry Bennett đã thử lòng trung thành tuyệt đối của các nhân viên.

Henry Ford II.

Năm 1943, Edsel Ford qua đời vì bệnh ung thư. Henry Ford trở lại làm Tổng Giám Đốc của công ty nhưng ông già này vừa bát tuần, lại vừa bệnh tật nên không thể để tâm nhiều đến công việc. Lúc này Bennett tưởng rằng thời cơ thuận tiện đã tới bởi vì khi đó, hai người con của Edsel là Henry II và Benson đều vướng mắc trong quân ngũ, một người phục vụ cho Hải Quân, người kia trong binh chủng Không Quân.

Trước khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, Henry II và Benson đều tập sự trong Công Ty Ford và đã cùng chia xẻ với cha lòng thù ghét đối với Bennett. Henry II thường hay cãi lộn với Bennett còn Benson nhất định từ chối không chịu tham dự các buổi họp của Hội Đồng Quản Trị khi có mặt Bennett ở đó.

Khi Edsel từ trần, Henry II được giải ngũ và trở về làm đại diện cho gia đình Ford tại hai xưởng ở River Rouge và Willom Run, nơi chế tạo máy bay oanh tạc. Sự trở về của Henry II làm cho Bennett hết sức lo ngại. Anh ta cố gắng làm sao cho chàng thanh niên này không có được các chức vụ quan trọng trong công ty.

Lúc này, Henry II hết sức đơn độc lại không có người hướng dẫn nhưng Henry II đã đi khắp nơi tìm hiểu mọi vấn đề bằng cách chắp nhặt những điều hiểu biết. Đối với ông chủ trẻ tuổi này, các nhân viên trong công ty cũng e ngại không dám nói chuyện vì e sợ sự kiểm soát của Bennett. Henry II trong khi đó vẫn kiên nhẫn lục lọi, tìm hiểu mọi vấn đề, cả vấn đề bán hàng là thứ mọi người thờ ơ.

Việc làm đầu tiên của Henry Ford II là mời ngay Jack Davis, một trong các sáng lập viên khi đó đang sống ẩn dật tại California, về làm Giám Đốc Thương Mại tại Dearborn. Davis là một người bạn thân của Edsel nhưng đã bị Bennett bất tín nhiệm vào thời kỳ trước ngày Thế Chiến bùng nổ. Khi đó Edsel đã phải dấu diếm đổi Davis đi làm việc tại chi nhánh California. Tới lúc này, Henry II đã có một quân sư đầy kinh nghiệm và đáng tin cậy bên cạnh, một điều tối cần thiết cho nhà doanh nghiệp trẻ tuổi để có thể đương đầu với bè nhóm của Bennett và để không bị lạc đường giữa cách tổ chức quá phức tạp của Công Ty. Ngoài ra, bên cạnh Bennett còn có thêm John Bugas, nguyên trưởng ty Cảnh Sát Liên Bang (FBI) tại Detroit.

Về phần Bennett, anh chàng này chẳng hiểu biết gì cả, ngay cả vấn đề chế tạo lẫn việc thương mại thì làm sao có thể điều hành một cơ sở doanh thương phức tạp và tốn kém. Bennett thường từ chối khéo trước những lời khuyến dụ của Henry II, còn nếu gặp những quyết định hệ trọng, Bennett hay vắng mặt chốc lát để rồi trở lại trả lời cho văn phòng như sau: "Tôi vừa đi gặp ông cụ Ford. Ông cụ phản đối việc này". Trước những hành động như vậy của Bennett, Henry II thường phải gọi điện thoại về Fair Lane để biết rõ, thì trong 10 lần có 9 lần gia đình Ford trả lời rằng không thấy Bennett đến vào ngày hôm đó.

Việc điều hành công ty gặp rắc rối như vậy nhưng không ai trong gia đình dám bày tỏ cho ông già Henry Ford hiểu rõ. Chính thức thì cụ Henry Ford I vẫn là Tổng Giám Đốc của công ty và các quyết định quan trọng đều phải có sự đồng ý của nhà đại doanh nghiệp. Trước tình trạng này, Davis và Bugas chỉ còn cách khuyên Henry II kiên nhẫn và chờ đợi…

Vào một buổi sáng, Henry II được tin Bennett đã làm một bản bổ chính (codicil) tờ di chúc của cụ Henry I mà gia đình Ford không ai hay biết. Theo bản bổ chính này, khi nhà đại doanh nghiệp qua đời, Công Ty Ford Motor sẽ được đặt trong 10 năm dưới quyền kiểm soát của một Hội Đồng Quản Trị do Bennett làm Chủ Tịch. Tin này làm cho Henry II hết sức giận dữ. Bugas tới gặp Bennett và cho biết Henry II rất bực mình và đang tìm cách làm thay đổi một vài điều khoản trong bản chúc thư, thì được Bennett trả lời: "nếu chỉ có vậy làm ông ta buồn phiền thì ngày mai anh lại văn phòng của tôi, chúng ta sẽ thu xếp". Ngày hôm sau, tại văn phòng của Bennett, Bugas được Bennett cho xem 9 bản bổ chính, cả tờ giấy than nữa, rồi ngay sau đó Bennett đã châm lửa đốt và nhặt tàn than bỏ vào một bao thư đưa cho Bugas để trao về cho Henry II.

Trước các hành động của Bennett, các người trong gia đình Ford thấy rằng chỉ còn một cách chống lại Bennett là phải cấp tốc làm sao cho Henry II trở nên Tổng Giám Đốc Công Ty, mặc dù điều này có thể gây cho ông già Henry I những xúc động. Bà Clara Ford nhận công tác này. Henry I thường là người rất ương ngạnh và hay cáu gắt nhưng đối với bà vợ, ông vẫn hay nghe lời.

Ngay khi được tin ông nội có ý định nhường chức cho mình, Henry II liền họp với Davis, Bugas và Mead Briker, một trong các viên giám đốc, để bàn tính rồi tới Fair Lane gặp ông nội. Henry II ra điều kiện chỉ nhận chức vụ khi có toàn quyền định đoạt và thực hiện các thay đổi trong công ty. Henry II tuyên bố sẽ họp Hội Đồng Quản Trị vào ngày hôm sau. Trong lúc Henry II còn đang chờ đợi quyết định của ông nội thì nhận được điện thoại của Bennett. Với một giọng nói đầy thiện cảm, Bennett báo tin cho biết rằng anh ta đã khuyên nhà đại doanh nghiệp trao chức vụ Tổng Giám Đốc Công Ty cho Henry II rồi.

Ngày hôm sau, sau một buổi họp, Henry II gặp riêng Bennett và cho anh này biết Công Ty Ford sẽ được cải tổ hoàn toàn và John Bugas sẽ thay thế anh ta làm Giám Đốc Thương Mại. Bennett cũng được thông báo anh ta có thể ở lại làm việc cho công ty nếu anh ta muốn như vậy. Tới hôm kế tiếp, người ta thấy căn phòng của Bennett khói bay mù mịt, Bennett đã đốt tất cả giấy tờ và trốn đi. Dù sao, Henry II vẫn còn để tên Bennett trên các danh sách trong 16 tháng để anh ta có thể lãnh được tiền hưu bổng.

Khi nhận lãnh chức vụ Tổng Giám Đốc để cạnh tranh với các công ty đang phát triển vào thời gian đó là General Motors và Chrysler, Henry II mới 28 tuổi, là một  thanh niên vụng về, không kinh nghiệm, không biết gì về doanh nghiệp. Tuy nhiên Henry II đã được hướng dẫn của hai người đàn bà rất tài giỏi, là bà mẹ và bà nội. Với sự trợ giúp của hai phụ nữ này, Henry II đã tung vào thương trường 4 triệu mỹ kim để hoạt động. Có người hỏi viên Tổng Giám Đốc trẻ tuổi này tại sao đã hành động như vậy, thì Henry II đã trả lời: "Chính vì sự tự hào về truyền thống!"

Henry Ford II đã cải tổ lại nhiều tổ chức trong công ty. Những người thợ có khả năng đều được theo học các khóa huấn luyện để có thể bước lên các địa vị cao hơn. Henry II đã làm cho công việc hàng ngày tại nơi cơ xưởng trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu và đã chứng tỏ rằng sự liên lạc chặt chẽ và thân mật giữa chủ và thợ là điều tối cần thiết để nâng cao hiệu xuất và như vậy, tiền lời cũng được gia tăng. Chắc hẳn Edsel đã ghi sâu vào trong óc của các con ý thức về trách nhiệm xã hội, điều mà Henry Ford I đã cho là vô ích.

Henry Ford II
Dưới sự điều khiển khéo léo của Henry II, Công Ty Ford Motor đã khôi phục lại được cương vị cũ. Đây là một thành tích hết sức đáng ngạc nhiên trong lịch sử kỹ nghệ mới. Vào năm 1946, Công Ty Ford gần như thất bại. 4 năm sau, Ford Motor đã thu được 265 triệu tiền lời rồi số xe hơi bán ra lại vượt hẳn công ty xe hơi Chevrolet vào năm 1955. Ford Motor đã trở thành một công ty hoàn toàn mới và rất phát đạt. Sự thành công này là do tinh thần làm việc của nhân viên văn phòng, của thợ thuyền và giới đốc công, và tất cả những thứ đó là công lao của Henry II.

Ngoài việc cải tiến công ty, Henry II còn cho thành lập Tổ Chức Ford (the Ford Foundation), một "tổ chức Mạnh Thường Quân" lớn nhất thế giới với chủ đích trợ cấp cho các công tác hữu ích về Giáo Dục, Nghiên Cứu và Phát Triển.

Vào ngày 7 tháng 4 năm 1947, ông Henry Ford I từ giã cõi đời, hưởng thọ 83 tuổi.

Henry Ford thực là một nhân vật xuất sắc về cơ khí và thương mại. Ngay cả bản tính của nhà đại doanh nghiệp cũng khác thường. Người ta còn kể lại rằng trong dịp đãi tiệc Vua và Hoàng Hậu Anh Quốc tại Tòa Bạch Cung, Tổng Thống Franklin Roosevelt có gửi giấy mời Henry Ford. Nhà đại doanh nghiệp đã viết giấy xin lỗi vị Nguyên Thủ Quốc Gia về sự vắng mặt. Henry Ford đã từ chối vì ngày hôm đó, bà Clara tổ chức buổi họp mặt các hội viên có chân trong Hội Trồng Tỉa.

Henry Ford đã viết bốn cuốn sách cùng với tác giả Samuel Crowther, đó là các cuốn: "Cuộc đời và công việc của tôi" (My Life and Work, 1922), "Hôm Nay và Ngày Mai" (Today and Tomorrow, 1926), "Edison theo tôi được biết" (Edison As I Know Him, 1930) và "Tiến Tới" (Moving Forward, 1931).

Henry Ford thực là một nhân vật đặc biệt trong Lịch Sử Kỹ Nghệ Xe Hơi.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia. Quatre roues et un moteur by Merrill Denison, Nouveaux Horizons, Paris, 1963, A Short History of Technology by T.K.Derry & Trevor L. Williams, Oxford Univ. Press, Oxford, 1961.

Henry Ford
https://en.wikipedia.org/wiki/Henry_Ford

Ford Model T
https://en.wikipedia.org/wiki/Ford_Model_T


Powered by Blogger.