Vui buồn chuyện cái khẩu trang
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Nội hai chữ "khẩu trang" thôi cũng đã làm tôi nghi ngại, chần chừ mãi mới viết bài tản mạn về đề tài này, vì thấy danh từ này lấn cấn làm sao. Thứ nhất nó có vẻ Tàu, "khẩu" là miệng, "trang" là trang bị. Thứ nhì nó đâu chỉ che miệng, mà còn che mũi và mặt nữa. Còn nếu dùng chữ "mặt nạ" dịch từ chữ "gauze mask / face mask" trong tiếng Anh, thì lại có thể hiểu lầm là các mặt nạ đeo để hóa trang vào các ngày xin kẹo Halloween hay trong các phim ảnh. Thôi thì tạm thời gọi nó là "khẩu trang" theo số đông vậy, cho tới khi biết chữ khác đúng hơn.
Được biết mặt nạ / khẩu trang đã có khoảng 9000 năm trước đây ở khắp nơi trên thế giới, đủ kiểu đủ màu sắc dùng trong các buổi săn bắn, rước kiệu, tụ họp ăn mừng mùa gặt hái, ngày văn hóa, thời trang... Khi nhà thám hiểm người Ý là ông Marco Polo đến Trung Hoa vào thế kỷ 13, ông được một quan lớn của nhà Nguyên mời dự yến tiệc. Marco Polo thấy những người hầu bàn đều đeo quanh miệng một mảnh vải lụa nhằm ngăn không cho hơi thở của họ bám vào thức ăn, Marco có cảm giác an toàn và ăn thấy ngon hơn.
Cũng có loại mặt nạ làm bằng sắt hay thép cứng, để bảo vệ các đấu sĩ trong khi cận chiến thời Trung Cổ. Ngày nay một số môn thể thao có va chạm mạnh như khúc côn cầu, đấu kiếm... người ta vẫn đeo mặt nạ cùng với mũ sắt để bảo vệ đầu. Mặt nạ chống hơi độc là quân trang ra đời khi chiến tranh hóa học xuất hiện. Những người thợ hàn cũng rất cần mặt nạ, vì đó là công cụ để che ánh sáng và sức nóng khi hàn chảy kim loại chế biến thành đồ dùng. Trong y khoa, các bác sĩ, y tá, nha sĩ... luôn đeo mặt nạ y tế khi làm phẫu thuật, mổ xẻ, khám bệnh... Bệnh nhân khi khó thở vẫn thường được đeo mặt nạ oxy để trợ thở.
Phái nữ thì lại dùng trái cây, mật ong, trứng hoặc các sản phẩm bổ dưỡng đắp lên mặt để giữ ẩm làn da, làm mặt mũi tươi mát, trắng trẻo. Người sang giàu còn đắp mặt nạ bằng vàng để làm đẹp, chống lão hóa. Nói chung là có rất nhiều loại mặt nạ, nhiều mục đích khác nhau và đã có từ xa xưa.
Trong phim ảnh, tôi rất thích vở nhạc kịch "The Phantom of the Opera", nhân vật nam xấu xí với khuôn mặt biến dạng, phải che mặt nạ. Dù đã che mặt nhưng không che được trái tim, bóng ma Phantom này cũng biết yêu và khổ vì yêu. Kế tới là cuốn phim "The Mask", tạm dịch là "Kẻ đeo Mặt Nạ", là một bộ phim điện ảnh hài hước của Mỹ sản xuất năm 1994, trong đó nam tài tử Jim Carrey đóng vai chính đã thành công với cách cười rất mới lạ, thâm thúy. Sau đó là loạt phim liên hệ tới mặt nạ như "Iron Man - Người Sắt" - các cuốn 1, 2, 3 và 4 đều đã thành công không kém.
Trong trận dịch lớn năm 1918, hằng triệu người trên thế giới đã chết vì cúm, chính quyền phải bắt buộc mọi người thời đó đeo khẩu trang hầu làm giảm lây lan. Rồi bây giờ trong trận đại dịch Vũ Hán Covid-19 bắt đầu vào cuối năm 2019, chuyện "khẩu trang" bỗng sôi bỏng trở lại, đang là “phụ kiện” bỗng trở thành “chính kiện”! Người ta dự đoán con siêu vi trùng ác hiểm này sẽ tồn tại nhiều năm, nên việc đeo khẩu trang sẽ là điều thiết yếu trong nhiều năm tới, cũng như khi ra nắng thì ta đội nón đeo kiếng râm, khi ra mưa thì ta che dù...
Tản mạn về khẩu trang tôi lại nhớ ngay tới nhân vật đeo mặt nạ sắt Du Thản Chi trong bộ chuyện chưởng "Thiên Long Bát Bộ" của Kim Dung. Du Thản Chi si mê cô gái đẹp nhưng ác độc vô cùng là A Tử. A Tử yêu Kiều Phong mà không được đáp lại nên rất đau khổ, bèn lấy Thản Chi ra làm trò tiêu khiển. Lạ cái là chàng họ Du này lại "enjoy" khi bị hành hạ, miễn sao thấy người yêu được khuây khỏa. Du Thản Chi móc mắt tặng A Tử, rồi vui lòng đeo mặt nạ sắt dán luôn vào đầu vì thương tích gây ra bởi A Tử. Ngày ấy nếu có dịch Vũ Hán, ai cũng phải đeo khẩu trang như bây giờ thì chắc Du Thản Chi bớt nhìn kỳ quái khác người và chắc sẽ bớt buồn đi nhiều! Nói tới nhân vật trong chuyện chưởng đeo mặt nạ thì cũng phải kể tới Nhạc Bất Quần. Nhân vật này bề ngoài rất quân tử, nhưng ông che một cái mặt nạ vô hình, nham hiểm xảo trá vô cùng. Sau này khi mặt nạ rơi xuống người ta mới biết. Thật tội nghiệp cô Nhạc Linh San và biết bao người khác đã bị ông lừa dối. Trong Kinh Thánh Công Giáo cũng có nói tới kẻ giả hình, chuộng hình thức thích phô diễn mà trong lòng đầy gươm dao. Thời nay cũng có nhiều người đeo mặt nạ ngụy quân tử rất tài tình, để rồi gạt gẫm nhiều người, nhất là những cô gái nhẹ dạ.
Trở lại chuyện thời nay trong cơn đại dịch Vũ Hán Corona này, đại diện chính phủ các quốc gia rất nhức đầu với vấn nạn và bị chỉ trích rất nhiều, xử sao cũng có kẽ hở, khó khăn. Chẳng hạn thủ tướng Nhật Bản là ông Shinzo Abe đã bị dư luận búa rìu vì ra chánh sách đối phó với cơn dịch khá chậm trễ, nhất là khi ông tuyên bố sẽ phát 2 khẩu trang vải có thể tái sử dụng cho mỗi gia đình Nhật ở khu vực lây nhiễm. Người dân mỉa mai rằng 2 cái thì quá ít, chỉ đủ để làm vật lưu niệm mà thôi. Ông Trump cầm đầu nước Mỹ thì khỏi nói, truyền thông suốt ngày ra rả vạch lá tìm sâu, bàn tán đủ điều. Ông Trudeau - Thủ Tướng đẹp trai của Canada cũng bị trách quá yếu, đến bây giờ mà vẫn làm ăn, ký những hợp đồng tiền triệu với Trung Cộng. Tỷ phú Bill Gates cũng đang bị phanh phui nhiều chuyện không hay liên hệ tới Tàu Cộng. Sinh hoạt cả thế giới đang bị khó khăn, nhiễu nhương từ trong ra ngoài, từ lớn tới nhỏ.
Quan niệm về việc đeo khẩu trang cũng thay đổi tùy quốc gia, tùy thời gian, nhiều khi rất trái ngược nhau. Chẳng hạn trước đây các bác sĩ không được phép đeo mặt nạ y tế N95 ở ngoài phòng làm việc. Chuyện xảy ra cho bác sĩ gây mê Henry Nikicicz tại bệnh viện El Paso (Texas, Hoa Kỳ) đã làm nhiều người thắc mắc. Sau khi mổ cho bệnh nhân, bác sĩ Henry đã đeo mask N95 đi bên ngoài hành lang để tiếp tục tránh vi trùng, nhưng ông bị đình chỉ công việc và không được trả lương vì trái luật bệnh viện. Luật gì mà lạ thế không biết, chắc cũng phải có lý do chính đáng, nhưng tôi chỉ đọc tin thoáng qua, quý vị nào quan tâm xin tìm hiểu dùm.
Theo tờ New York Times, Phần Lan là quốc gia hiếm hoi biết lo xa tích trữ trang bị y tế, luôn chuẩn bị số khẩu trang cần thiết trong những năm qua - bên cạnh dầu, ngũ cốc và các dụng cụ khác - nên trong cơn dịch cúm Corona này đã không bị "cháy hàng". Còn lại các nước khác thì đa số đều khốn đốn vì thiếu khẩu trang, không tồn trữ trong kho nên không có để xài trong mùa dịch. Có lẽ do nhu cầu quá cần kíp, nên Tàu Cộng lại càng thêm cẩu thả gian dối, chế tạo nhiều mặt nạ thiếu phẩm chất, nên đã bị Uỷ ban châu Âu, rồi sau đó là Thống đốc ở California đình chỉ không chịu tiếp tục mua hàng, số tiền thiệt hại về phía Tàu Cộng lên tới hàng trăm triệu đô Mỹ. Những khẩu trang y tế này mang tên N95 vì khả năng ngăn cản vi trùng, bụi và phấn hoa lên tới 95%. Tàu Cộng làm tệ đến nỗi chỉ che chắn được 1%, thật là quá vô trách nhiệm, đáng bỏ tù. Để che vi trùng xâm nhập, khi đeo N95 vào người ta sẽ rất khó thở. Mà nếu còn thấy dễ thở thì chắc là đã đeo sai cách hoặc đã mua nhầm hàng giả. Lại có chuyện "nổi cộm" là hai học sinh Trung Quốc bất ngờ tử vong trong lúc vừa đeo khẩu trang vừa chạy trong giờ thể dục. Lãnh đạo ngành Giáo dục Trung Quốc qua đó đã quyết định hủy bỏ môn chạy ra khỏi chương trình trong học kỳ này. Chuyện này có nhiều chi tiết "lạ", thế nhưng vì "ma-zde in" Tàu Cộng nên thôi không bàn chi tiết chi cho mệt.
Đeo khẩu trang che mặt cũng có cái hay, không ai phân biệt được ai xấu ai đẹp nữa, khỏi tốn tiền và thì giờ phấn son trang điểm, khỏi tốn tiền mua kem chống nắng luôn. Cũng có chuyện vui cười diễu ông chồng chở vợ đi chợ, khi về tới nhà mới biết mình đã chở bà khác về, vì đeo mặt nạ kiểu giống hệt nhìn không ra! Trước đây nếu đeo mặt nạ vào ngân hàng thì bị xem là cướp nhà bank rồi cảnh sát sẽ hỏi thăm ngay, nay nếu khách hàng vào nhà băng đeo khẩu trang, nhân viên sẽ vui vẻ tiếp đón. Các ngân hàng luôn có máy thâu phim 24 giờ liên tục, khi rủi ro bị cướp sẽ dựa vào những khúc phim này để tìm ra thủ phạm, bây giờ khách hàng công khai che mặt kín mít, tìm tướng mạo kẻ cướp cách nào đây?
Có người rất khôi hài bảo nhau đeo khẩu trang dù chỉ ở nhà một mình, không phải để tránh vi trùng mà để che bớt cái miệng lại để khỏi ăn, vì cấm cung ở nhà "buồn tình" sẽ ăn nhiều rồi mập ra. Đây là vấn nạn của người ở Âu Mỹ, không đi ra ngoài chơi, các phòng tập thể dục không mở cửa, ở nhà ăn riết thì cơ hội chết vì béo phì có lẽ còn cao hơn chết vì virus Vũ Hán nữa!
Bạn có thích trở thành người nổi tiếng không? Được biết đến kể cũng sướng nhưng cũng thật là phiền đấy các bạn ạ. Đi đâu, làm gì cũng bị soi mói, phê phán. Chuyện là sau khi cách ly nằm nhà do một nhân viên trong văn phòng con gái tổng thống Trump bị nhiễm Covid-19, mới đây ngày 15 tháng 5 năm 2020, truyền thông đã cho lên "tít" lớn hình cô Ivanka Trump ra đường với chiếc khẩu trang màu đen, khác với ông bố nhất định không chịu đeo đồ che miệng - trừ lần đi thăm hãng xe Ford thì ông Trump chỉ đeo chút xíu cho có lệ rồi bỏ vào túi. Truyền thông luôn rình rập, chụp cho được hình các người nổi tiếng đeo khẩu trang. Mà không đeo thì càng bị chụp hình và phê phán nhiều hơn. Nhà báo cũng soi mói xem các người nổi tiếng giữ luật cách ly, ăn nói như thế nào. Sau vụ Thống đốc Cali bị hỏi ông cắt tóc ở đâu mà lên TV nhìn gọn đẹp thế, thủ Hiến của tỉnh bang Ontario, Canada cũng bị báo chí théc méc vì ông ra luật hạn chế gặp gỡ tụ họp, mà ngày Hiền Mẫu tháng 5 vừa qua lại để các con gái tới thăm. Ông Doug Ford phải vội vã đính chính là số người họp mặt tại nhà ông giới hạn chỉ 6 người, chính con rể hay bạn trai của con gái mà cũng đã không được tới dự. Một người bạn mừng sinh nhật đứa cháu ngoại đầu tiên trong gia đình, hội họp chừng 10 thành viên nên đã bảo con cái không đứa nào được đăng hình ảnh trên "phây" kẻo bị rắc rối. Rõ khổ, không biết chừng nào mới được "độc lập tự do" hội họp như trước đây, đi tiệm cắt tóc không bị cho là phạm tội!
Tiến sĩ Yinxuan Huang - một nhà nghiên cứu xã hội học tại Đại học Manchester - đã tìm hiểu hiện tượng "Maskaphobia": Sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc đối với những người đeo khẩu trang. Ông Huang cho biết có sự xung đột tư tưởng rất lớn giữa phương Đông và phương Tây về việc này. Vấn đề khá phức tạp dài dòng nên thôi, tôi không dám lạm bàn ở đây.
Phong trào đeo khẩu trang cũng đang được "fashion hóa". Có bà thì sắm nhiều khẩu trang đủ sắc đủ tông. Áo màu gì, sơn móng tay màu gì thì che miệng màu đó cho "match", từ trên đầu xuống tới giày dép tạo thành một bộ màu sắc tiệp với nhau nên nhìn rất "sang chảnh". Cũng có anh mang khẩu trang in hình lưỡi bò với gạch chéo chống China. Có chị dùng nền vàng với ba sọc đỏ, như màu cờ Việt Nam Cộng Hòa để tỏ lòng yêu nước. Nhưng lại có người hát bài "I can you", vì cho rằng như vậy có thể bị hiểu lầm là VNCH đang bịt miệng không cho nói! Thế mới thấy làm cái gì cũng có thể bị hiểu lầm, bị nhìn theo góc cạnh khác - luôn luôn có hai mặt của vấn đề. Riêng tôi thích loại khẩu trang có thể giặt để xài lại, nhất là loại làm bằng chất trong suốt "see through" để còn lộ mặt được. Tôi không thích loại đen thui tùm hụp kín mít. Các nhà thiết kế thời trang đã từng làm những bộ áo tắm bikini bằng vàng nạm kim cương giá hằng triệu đô, tương lai chắc là sẽ có các buổi trình diễn thời trang với các kiểu khẩu trang mới lạ, quý giá cho dân nhà giàu và giới minh tinh màn bạc. Bạn muốn kiếm tiền lời thì hãy đầu tư vào các chương trình này nhé. Được biết các công ty làm thuốc đang đánh bài sản xuất thật nhiều vaccine chủng ngừa Corona Virus dù chưa được "approve", chờ khi vừa được FDA chấp thuận là tung ra bán ngay cho kịp thời cơ. Ai muốn mua stock của họ thì mại dzô, nhất 9 nhì bù!
Giữa muôn màu sắc, kiểu cọ của các loại khẩu trang khắp nơi thì tại Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, người ta đưa lên Facebook những tấm ảnh chụp học sinh phải dùng khẩu trang bằng giấy vì không có tiền mua loại đàng hoàng. Các em tới lớp với tấm giấy che mặt để tuân thủ luật lệ do nhà nước đề ra. Những tấm hình này phơi bày sự thiếu thốn nghèo đói của người dân, không xa hoa "hoành tráng" như đảng Cộng Sản luôn tuyên truyền, hãnh diện khoe khoang. Lại cũng có hình ảnh của người che mặt bị khó thở, bèn "phát huy sáng kiến" khoét hai lỗ ở mũi để thở cho thoải mái. Chèn ơi, đeo như vậy thì đeo làm chi. Cũng mới ra lò loại khẩu trang có nắp tròn bằng plastic ở miệng, khi ăn uống thì mở ra đóng vào như đóng nắp hộp, không phải tháo nguyên cái khẩu trang ra chi cho phiền phức.
Ngày nay mọi người phải đeo khẩu trang là chuyện bình thường, nhưng đã có các bức tượng mà cũng phải đeo mặt nạ mới lạ chứ! Thật thế, có ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok, Thái Lan đã đeo vải che mặt cho bức tượng Phật khổng lồ. Các tác phẩm điêu khắc lớn ở các địa điểm tham quan khắp thế giới cũng được che miệng để "làm gương", nhắc nhở mọi người giữ luật bảo vệ sức khỏe cho nhau. Thậm chí các thân cây trong công viên thành phố cũng được đeo khẩu trang dù cây không có miệng! Chữ "khẩu trang" trong trường hợp này thì sai nghĩa hẳn rồi!
Hình chụp cô dâu chú rể thời đại "mắc dịch" đã phải đeo khẩu trang trong lúc đám cưới là hình đặc biệt có lẽ chỉ có ở thời đại của Cô Vi này. Chuyện không diễu chút nào là các linh mục tại Việt Nam khi cử hành Thánh Lễ đã phải mang khẩu trang trên bàn thờ.
Việc kiện tụng, tranh cãi luôn xảy ra khắp nơi, nhưng mùa đại dịch các vụ kiện càng xảy ra nhiều hơn, như vụ 116 gia đình có người thân qua đời vì Covid-19 đang kiện chính phủ Tây Ban Nha. Các vụ kiện khác liên hệ tới việc mở cửa hay đóng cửa các cơ sở thương mại cũng đang nở rộ sôi nổi. Các sinh viên lên tiếng kiện trường đại học cũng là chuyện dễ hiểu. Mỗi sinh viên trước học kỳ phải đóng học phí rất cao, bao gồm tiền trường, tiền trả cho thầy cô, tiền sử dụng phòng gym để tập thể dục, mà bây giờ phải cách ly xã hội không được tới trường, thì phải kiện để đòi tiền học phí lại chứ. Học online chắc chắn không kết quả như học trực tiếp với thầy cô thật, các em lại cần gặp nhau để trao đổi, có hứng thú tìm hiểu, tranh đua, cần có bầu khí không gian thích hợp. Các em bây giờ phải ca bài "Trả lại em yêu khung trời đại học..." vì vùng trời hoa mộng ấy nay còn đâu, tốn tiền để chỉ đọc bài vở trên mạng khi nằm nhà, trong khung cảnh bố mẹ ra vào thường xuyên đốc thúc, cằn nhằn thì chán chết. Bên nào thắng bên nào thua qua các vụ kiện tụng này thì chưa ai biết, chỉ biết chắc chắn mùa này là mùa các luật sư tha hồ hốt bạc.
Hiện đang có những "app" nhỏ có thể cài đặt trong cell phôn, nguyên tắc cũng như chức năng định vị của GPS, có thể mách cho cơ quan thẩm quyền biết ai đang bị cách ly mà dám đi ra ngoài. Hay là "app" sẽ cho biết nếu trong thời gian qua mình có vô tình đến gần người nhiễm vi trùng Covid-19 không, nhờ thế sẽ mau chóng đi thử nghiệm trước khi bệnh cúm phát nặng. Nhưng cái "app" này hiện chỉ được chính thức áp dụng ở Đại Hàn, tại Âu Mỹ luật "Privacy" bảo vệ tự do cá nhân không ai muốn mình bị theo dõi, nên chưa được phổ thông lắm.
Khi nạn dịnh lan tràn, một số đông tù nhân ở Ohio nước Mỹ bị lây nhiễm vi trùng nên được trả về tư gia, nhà tù không dám chứa nữa, thế nên một số tù nhân nơi khác lại mong mình lây bệnh để được thả về nhà. Họ cố tình uống chung chai nước, gần gũi cọ quẹt cố ý mời "Cô Vi" xâm nhập vào người. Thế mới biết Tự Do là quý vô cùng, chẳng thà lây nhiễm vi khuẩn có thể chết người để được về nhà, còn hơn phải ngày ngày gỡ lịch sống trong tù. Nhưng rất tiếc chính phủ đã phải ngưng không dám thả tù nhân về nhà sớm nữa, vì những người dân chung quanh than phiền họ không cảm thấy an toàn khi "thứ dữ" được ra khỏi tù sớm, sẽ tiếp tục quậy phá họ.
Tại Detroit Hoa Kỳ, ông Robert Sinclair Tesh, 32 tuổi đã bị cảnh sát bắt vì tội hăm doạ giết Thống Đốc Michigan là bà Gretchen Whitmer, vì bà chưa "xả cảng" cho khu vực này hoạt động buôn bán trở lại. Nếu bị kết án, Tesh có thể bị tù nhiều năm vì ở Mỹ mở miệng hăm doạ đến tính mạng người khác là tội rất nặng. Nhiều nơi cũng biểu tình, đòi tự do mở cửa buôn bán, sinh hoạt. Tổng thống xứ Ba Tây cũng tuyên bố đóng cửa cách ly là thất bại vì sẽ biến người dân cả nước thành dân nghèo do kinh tế không phát triển. Cô phát ngôn viên mới của ông Trump - nàng Kayleigh McEnany tóc vàng xinh đẹp cũng đã chia sẻ cô bị ung thư ngực, mà phải ngưng không được tái khám như thế rất có hại cho sức khỏe của cô. Cô ủng hộ ông Trump muốn tất cả mau trở lại sinh hoạt bình thường, cứu lấy nền kinh tế và cứu cả về tinh thần, vì người Mỹ không chịu nổi sự gò bó sẽ dễ có ảnh hưởng tới tâm thần.
Bàn về khẩu trang, có lẽ chuyện sau đây là chuyện buồn nhất đã xảy ra tại thành phố Flint, tiểu bang Michigan vào tháng 5, 2020. Chỉ vì một cái mặt nạ mà một người chết, 3 người khác sẽ lãnh án tù chung thân, qua đó các bà vợ, nhiều đứa con bị ảnh hưởng nặng nề. Số là ông làm bảo vệ cho tiệm Dollar Family ở Flint đã quá sốt sắng khi thi hành công việc, bắt buộc hai mẹ con khách hàng vào tiệm phải đeo khẩu trang. Người khách hàng này không chịu, lời qua tiếng lại gây gỗ, bà nóng nảy nhổ cả nước bọt vào mặt ông bảo vệ. Mua hàng xong, bà còn chưa nguôi cơn giận, về méc với chồng rồi 3 người tất cả đã trở lại tiệm, bắn chết ông Security này. Chuyện khác là có một ông cha dượng 42 tuổi - Hargrove ở Atlanta cũng đã bắn con riêng của vợ vì cãi vả với nhau liên hệ tới Covid, thằng nhỏ lì lợm này không chịu cách ly mà còn cãi bướng.
Qua cơn đại dịch Cororna này, nhiều chuyện đã thay đổi hẳn: "Ngày xưa du lịch thì sang, bây giờ du lịch cả làng cách ly", ngành du lịch, du thuyền, máy bay, xe hơi, công ty cho mướn xe lâm vào tình trạng kinh tế nguy kịch.
Hình ảnh lãng mạn vuốt tóc, lau nước mắt cho người yêu bây giờ không phải là hình ảnh nên thơ nữa, mà đã tạo ra nhiều thắc mắc: Trước hết tóc nàng cắt nhuộm ở đâu mà đẹp thế trong khi tiệm cắt tóc đang bị ngưng hoạt động. Kế đến hai người không cùng địa chỉ mà đứng gần nhau thì quả là phạm luật cách ly rồi, lại không đeo khẩu trang, không giữ vệ sinh dám sờ vào mặt nhau. Chàng có rửa tay trước và sau khi lau lệ cho nàng hay không? Và tại sao nàng lại phải khóc, có bị ai "abuse" áp bức gì không? Rõ khổ cho thời đại ngày nay phải không các bạn?!
Qua cơn dịch này, phía các ông nhiều người cũng đã biết vào bếp, các trang mạng dạy nấu ăn được truy cập tối đa. Khi lệnh mở cửa lại được ban hành, các nhà hàng được sinh hoạt lại nhưng phải tuân theo nhiều luật lệ mới. Thí dụ không được để mắm muối, muỗng đũa sẵn trên bàn nữa, cách phục vụ tại nhà hàng buffet, dim sum phải thay đổi tránh không được các "bàn tay chuối mắn" đụng chạm vào. Một số nhà nội trợ bây giờ nấu ăn, rồi giao thức ăn tận nhà với giá rẻ hơn nhà hàng nhiều, kiểu này hệ thống nhà hàng sẽ bị khó khăn thêm, đến nỗi một số quyết định đóng cửa tiệm cho rồi. Hiện chỉ có tiệm bán khẩu trang, thuốc rửa tay, nhà quàng chôn xác chết, tiệm cầm đồ là phát đạt. Được biết do nạn thất nghiệp cao, người ta đã phải đi cầm đồ khá nhiều. Tiệm bán xe đạp cũng có doanh thu cao hơn nhiều, vì người ta cần thư giãn thể dục thể thao ngoài trời cho khuây khỏa.
Tản mạn linh tinh nãy giờ coi bộ cũng dông dài lắm rồi, tôi xin tạm dừng. Dù bài viết đôi khi hơi bi quan nhưng vẫn mong người đọc "mua vui cũng được một vài trống canh" trong mùa cấm cung Vũ Hán này. Chúc bạn đeo khẩu trang đúng cách, không bao giờ gặp người giả quân tử đeo mặt nạ để gian dối, lừa gạt mình. Nhất là chúc bạn luôn vui khoẻ, mọi sự an lành và xin cùng nhau cầu nguyện cho thế giới được mau chóng vượt qua đại nạn này.
Post a Comment