Bùi Quý Chiến
Cuộc nội chiến Trịnh/Nguyễn khởi đầu từ 1627 tới 1672. Trong 45 năm, Bắc/Nam
đánh nhau 7 trận. Trong số này, 5 trận do Chúa Trịnh từ bắc kéo quân vào,
chỉ có 2 trận do chúa Nguyễn vượt sông Gianh.
Quân Trịnh tuy ưu thế về quân số nhưng phải đi xa và lương thực không cung
ứng được cuộc chiến lâu dài. Quân Nguyễn tuy ít hơn nhưng nhờ hệ thống thành
lũy phòng ngự chặt chẽ nên có thể cầm chân đối phương khiến quân Trịnh mệt
mỏi và hết lương phải rút về.
Sơ lược các trận như sau.
- Trận 1
Chúa Sãi (Nguyễn phúc Nguyên) công khai chống chúa Trịnh bằng cách ngừng
đóng thuế và trả lại sắc phong tước Quốc công.
Năm 1627 Trịnh Tráng đem vua Lê và quân thủy bộ vào chinh phạt. Hai bên đánh
nhau ở sông Nhật lệ không phân thắng bại. Sau 4 tháng cạn lương quân Trịnh
phải rút về.
- Trận 2
Năm 1634 Chúa Thượng (Nguyễn phúc Lan) có người em là Ánh mưu phản, xin anh
cho ra trấn thủ Quảng bình, một mặt gửi thư cho Trịnh Tráng hẹn đem quân
vào, Ánh sẽ làm nội ứng. Chúa Thượng nghi ngờ Ánh nên không thuận. Chúa Trịnh kéo quân vào không thấy
nội ứng đành kéo quân về.
- Trận 3
Năm 1640 Chúa Thượng vượt sông Gianh chiếm Bắc Bố chính. Năm 1643 Trịnh
Tráng đem vua và con là Trịnh Tạc vào chiếm lại Bắc Bố chính.
- Trận 4
Năm 1648 Trịnh Tráng đem quân vào giao tranh cùng chúa Thượng rất ác liệt ở
sông Nhật lệ. Quân Nguyễn bắt được nhiều tù binh gồm 3 tướng, 60 tì tướng và
3 ngàn lính. Tướng và tì tướng được chúa Thượng thả về Bắc, 3 ngàn lính được
đưa vào Quảng nam và Phú yên và được cấp trâu bò cùng nông cụ để định
cư.
- Trận 5
Năm 1653, chúa Hiền (Nguyễn phúc Tần) cử 2 kiện tướng Nguyễn hữu Dật và
Nguyễn hữu Tiến đem quân vượt sông Gianh đánh thẳng tới sông Cả. Quân Nguyễn
chiếm đóng từ sông Gianh tới sông Cả, gồm 7 huyện của Nghệ an ở phía nam
sông này (Nghệ an hồi đó gồm cả Hà tĩnh).
Trịnh Tráng mất, con là Trịnh Tạc nối ngôi chúa. Năm 1657 Trinh Tạc cử con
là Trịnh Căn (mới 23 tuổi) đem quân vượt sông Cả phản công. Quân hai bên
quần thảo nhau ở phía nam sông Cả suốt 3 năm. Quân Nguyễn lùi dần. Viễn chinh đã 6 năm, quân Nguyễn chớm có lính đào ngũ. Tướng
Hữu Tiến bàn với tướng Hữu Dật rút về, Hữu Dật không thuận. Hữu Tiến bèn đơn
phương rút quân mình, Hữu Dật phải rút theo.
Trịnh Căn lấy lại 7 huyện Nghệ an.
- Trận 6
Năm 1661 Trịnh Tạc và vua Lê Thần tông lại đem quân thủy bộ vào đánh chúa
Nguyễn. Các chúa Trịnh cưỡng bức vua Lê đi theo để có chính nghĩa trừng phạt
Chúa Nguyễn phản bội vua. Nhưng các chúa Nguyễn tự biện hộ rằng tổ tiên
Nguyễn Kim có công tôn phù nhà Lê, các chúa Nguyễn chỉ chống họ Trịnh hiếp
chế vua và đã 2 lần phạm tội đại nghịch giết vua Lê Anh tông và Lê Kính
tông.
Trận này uy thế quân Trịnh rất mạnh, quân Nguyễn cố thủ trong thành lũy, một
tháng sau mới phản công.
Trận chiến tiếp diễn ngang ngửa không phân thắng bại.
Sau 5 tháng viễn chinh, quân Trịnh cạn lương phải rút về.
Nhằm tăng cường hệ thống phòng ngự, tướng Hữu Dật và Hữu Tiến đắp thêm lũy
Trấn ninh và lũy Sa phụ ở bờ sông Nhật lệ làm tiền đồn bảo vệ lũy
Trường dục và lũy Nhật lệ (do Đào duy Từ xây dụng từ thời chúa Sãi).
Sau này lũy Trấn ninh trở thành mục tiêu chính của quân Trịnh trong
trận cuối cùng.
- Trận cuối cùng
Hơn 10 năm sau, năm 1672, Trịnh Tạc quyết đại chiến diệt trừ họ
Nguyễn.
|
Quân của chúa Trịnh |
Chúa Trịnh cho chở lương và cỏ (có lẽ cỏ khô cho voi và ngựa) chứa ở dinh
Cầu (Hà tĩnh) và Phù lộ (bắc Bố chính), khơi sâu sông ngòi cho chiến thuyền
dễ lưu thông, chặt sẵn tre nứa để bắc cầu phao.
Quân số của Trịnh 10 vạn nhưng thổi phồng là 18 vạn. Nguyên súy bộ binh là
Lê Thời Hiến, nguyên súy thủy quân là thế tử Trịnh Căn.
Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) có dịp được thấy thủy quân của chúa
Trịnh gồm những chiến thuyền gọi là trường đà, mỗi mạn thuyền có 26 tay
chèo, phía mũi có một khẩu đại bác (thần công) và phía sau có 2 khẩu.
Trịnh Tạc đem theo vua Lê gia tông, xuất quân ngày 22-7-1672 (Hoàng xuân Hãn
qui ra dương lịch).
Giữa tháng 8 quân tiên phong vượt sông Gianh. Đại quân qua sông ngày
23-10-1672.
Quân Trịnh đóng trại liền nhau, đắp ụ súng đại bác và đào hầm theo hình hang
rắn (có lẽ là hình zig zag) để tránh hỏa lực địch khi chuyển quân tới sát
chân lũy Trấn ninh.
Trịnh Căn dàn 800 chiến thuyền theo bờ bắc sông Gianh, dự bị chiếm bãi
Trường sa và đổ bộ ở cửa Nhật lệ để đánh sau lưng lũy Nhật lệ.
Chiến thuật của các chúa Nguyễn vẫn là phòng thủ nhưng lần này phòng thủ từ
các lũy ở tuyến đầu gồm lũy Sa phụ, Chính lũy, Trấn ninh, Động hồi. Lũy
Trường dục và Nhật lệ là tuyến thứ nhì trong trường hợp tuyến đầu bị vỡ sẽ
lui về.
Chúa Hiền cử con thứ nhì mới 20 tuổi là Hiệp Đức làm nguyên súy thủy
bộ.
|
Mô hình thuyền chiến Mông đồng thời Trịnh thế kỷ XVII,
có 26 tay chèo, 30 chiến thủ và trang bị 2 đại bác khác cỡ |
Để đối phó với ưu thế thủy quân của Trịnh Căn, lão tướng Nguyễn hữu Dật được
ủy nhiệm giữ lũy Sa phụ và bãi Trường sa, tướng Tài Lễ dàn chiến thuyền giữ
cửa Nhật lệ. Quân Nguyễn phao tin phòng tuyến Nhật lệ và bờ biển có 60 vạn
quân. Trịnh Tạc nghe tin liền lệnh cho con phải cảnh giác kế hoạch đổ
bộ.
Lũy Trấn ninh do tướng Trương phúc Cang trấn giữ. Trên mặt lũy đặt súng đại
bác đại bính (nghĩa đen đại bính là cán lớn nhưng đại bác không có cán, có lẽ
là đại bác nòng dài. Chúa Nguyễn được người Bồ đào nha giúp đúc súng).
Phía Trịnh cũng có đại bác đại bính mua của Hòa lan ở Batavia (đảo
Java, thuộc địa của Hòa lan).
Dân chúng vùng nam sông Gianh được đưa về lánh nạn sau các lũy.
Khi quân Trịnh qua sông, quân Nguyễn từ Nam Bố chính rút về lũy Chính
thủy.
Quân Trịnh chuẩn bị chiến trường 2 tháng, tới đầu năm 1673 mới khởi sự tấn
công lũy Trấn ninh.
|
Đại Việt thời Trịnh - Nguyễn phân tranh |
Trong 2 ngày đầu quân Trịnh lựa chiều gió thả diều mang chất cháy bay vào
thành để phóng hỏa doanh trại địch, một mặt tiến sát chân thành ném trái phá
lên mặt thành, nổ ra nhiều mảnh nhằm giết địch trên thành (có lẽ là lựu đạn)
và tìm mọi cách leo lên thành.
Quân Nguyễn học được cách nằm xuống tránh trái phá nổ, dùng giáo dài đâm
địch leo lên thành và dùng "ván câu người" giống như cách cất vó: đầu vó
buộc một tấm ván thay vì vó, tấm ván đóng những móc sắt như móc câu cá, ván
có móc được hạ xuống kéo những tên địch tiến sát chân thành.
Hai bên đều thiệt hại nhưng tiếp tục chiến đấu từ sáng tới chiều thì
thu quân.
Ngày hôm sau Trịnh Tạc lựa 3 ngàn lính cảm tử cho uống rượu cập nộ (nổi máu
hung dữ) và trang bị xẻng cuốc. Với sự trợ chiến của các bộ binh, lính cảm
tử dùng xẻng cuốc từng bước phá thành. Quân Nguyễn kịch liệt chống trả, hai
bên cùng thiệt hại nặng. Tới chiều lũy bị vỡ một khúc 30 trượng (120
mét).
Nguyên súy Hiệp Đức ra lệnh cho tướng Nguyễn hữu Dật từ Sa phụ về cứu viện.
Suốt đêm Hữu Dật huy động quân và dân đắp lại đoạn lũy bị vỡ.
Nghe tin tướng Hữu Dật về cứu viện, Trịnh Tạc cho lui quân để dưỡng sức cho
ngày kế tiếp.
Hôm sau Trịnh Tạc đổi chiến thuật sang đánh đêm. Trận chiến từ chiều tới
sáng hôm sau. Hai bên cùng đốt đuốc sáng rực. Quân Trịnh tìm mọi cách leo
lên thành bất chấp thiệt hại. Quân Nguyễn kiên trì bám mặt thành chống lại
dù phải trả giá đắt.
Trời sáng khiến lộ rõ cảnh thất bại, Trịnh Tạc đành thu quân.
Thay đổi mục tiêu, Trịnh Tạc ra lệnh cho Lê thời Hiến đánh thành Chính lũy
(lũy Chính thủy)
Bị hỏa lực đại bác của quân Nguyễn trấn áp, Thời Hiến phải lui
quân.
Trịnh Tạc có ý nản. Thêm nỗi con là nguyên súy thủy quân Trịnh Căn bất ngờ
bị bệnh nặng phải đưa về Thăng long gấp.
Đêm 19-1-1673 Trịnh Tạc ngầm rút quân về, để Lê thời Hiến ở lại chặn
hậu.
Thời Hiến mở 2 cuộc tấn công liên tiếp vào lũy Trấn ninh để đánh lạc hướng
quân Nguyễn. Đêm hôm sau Thời Hiến vượt sông Gianh rút theo.
Trịnh Tạc lưu Thời Hiến ở lại giữ Nghệ an.
Từ đó Trịnh Tạc không còn nghĩ tới việc chinh Nam và sông Gianh mặc nhiên
được hai bên coi là ranh giới Nam Bắc.
Lập đàn tế tướng sĩ trận vong
Sau khi chôn cất tử sĩ của mình ở trong thành, nguyên súy Hiệp Đức cho chôn
cất quân Trịnh còn bỏ xác ngoài thành.
Hiệp Đức lấy lễ thái lao (lễ vật là con bò lớn) làm đàn tế chiến sĩ trận
vong. Sau đây là văn tế Nam quân.
Dùng lễ thái lao để lập đàn tế cả Nam và Bắc quân, nguyên súy Hiệp Đức tỏ ra
không phân biệt bạn và thù: cùng tử trận, bạn và thù đều là anh em.
Hai bài văn tế cùng một giọng xót xa chân thành. Tử sĩ hai bên đều được vinh
danh:
- Nam quân: chí nức tang bồng / Bắc quân: chí dốc rán cung dâu .
- Nam quân: uy trương mãnh liệt / Bắc quân: ra sức liều mình tên
đạn.
Trong văn tế tử sĩ Bắc quân, không một lời hận thù hoặc nhục mạ, chỉ có một
điều phiền trách: bởi chúa ngươi không lượng sức mạnh / hèn, khiến các
ngươi phải xông pha sắc nhọn.
Nguyên súy Hiệp Đức còn trẻ mà đã tỏ ra là người lãnh đạo có tài và đức.
------------------------------------------------------
THAM KHẢO:
- Việt nam sử lược của Trần trọng Kim (Sử gia Kim nói Hiệp Đức là em thứ tư
của chúa Hiền).
- Việt sử tân biên của Phạm văn Sơn (Sử gia Sơn nói Hiệp Đức là con thứ nhì
của chúa Hiền).
- Tập san sử địa số 27-28 năm 1974 của Đại học sư phạm Sài gòn (sử liệu này
nói Hiệp Đức là con của chúa Hiền).
- Trịnh-Nguyễn Phân Tranh:
CƯỚC CHÚ:
- (1) Đòng = vũ khí xưa có lưỡi như mác nhưng cán ngắn.
- (2) hầu bá = tước do vua phong cho các quan văn võ, gồm 5 bậc : công, hầu,
bá, tử, nam.
- (3) Côn cương = tên một ngọn núi có mỏ kim cương bên Tầu .
- (4) Đại đức = lời người chủ tế tôn xưng nguyên súy của mình là người
có đức lớn.
Post a Comment