Ngai Vàng Và Tình Yêu
Năm 979 vua Đinh Tiên hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị Đỗ Thích lẻn vào cung giết chết trong khi đang ngủ.
Triều thần bắt tội Đỗ Thích và tôn con út mới 6 tuổi của Tiên hoàng là Đinh Tuệ lên nối ngôi. Khi còn sinh tiền, Đinh Tuệ đã được vua cha phong cho là Vệ vương.
Vệ vương lên ngôi, mẹ là Dương thị được tôn là Thái hậu.
Phụ chính cho Vệ vương là các đại thần Nguyễn Bặc , Đinh Điền và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.
Là người nắm binh quyền nên Lê Hoàn lộng hành, tự do ra vào cung cấm và tư thông với Dương thị.
Theo ý chúng tôi, các sử gia cho quan hệ giữa Dương thị và Lê Hoàn là tư thông thì quá khắt khe.
Sau khi xưng hoàng đế, Đinh Tiên hoàng lập 5 ngôi hoàng hậu: Đan gia, Trịnh minh, Kiểu quốc, Cù quốc và Ca ông. Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước ta.
Đối chiếu họ Dương của mẹ Vệ vương với 5 họ Đan, Trịnh, Kiểu, Cù và Ca, chúng ta thấy Dương thị không phải hoàng hậu. Vậy bà chỉ là phi tần, người hầu chăn gối mỗi khi được vua hạ cố. Bà được tôn là Thái hậu vì con bà được nối ngôi.
(Đời Hậu Lê, vua Thánh tông cũng đưa mẹ là thường dân sống ngoài kinh thành vào hoàng cung tôn làm Thái hậu).
Khi vua băng hà, phi tần không bị ràng buộc về tình nghĩa vợ chồng như các hoàng hậu. Cho nên mối quan hệ giữa Dương thị và Lê Hoàn có thể được châm chước như tình yêu. Khi Lê Hoàn lên ngôi, Dương thị được lập hoàng hậu, mối tình này chứng tỏ là chân thật.
Đinh Liễn và Lê Hoàn là 2 tướng vào sinh ra tử với Đinh bộ Lĩnh trong cuộc tiễu trừ 12 sứ quân. Khi lên ngôi, Đinh Tiên hoàng phong cho Đinh Liễn là Nam Việt vương và Lê Hoàn là Thập đạo tướng quân.
Nay Tiên hoàng và Đinh Liễn cùng chết cả, Vệ vương còn nhỏ tuổi, Lê Hoàn nảy tham vọng chiếm ngai vàng.
Chống lại âm mưu này , các đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền và cựu tướng của Tiên hoàng là Phạm Hạp rút về Ái châu khởi binh đánh Lê Hoàn.
Cuộc khởi binh thất bại, những người chủ xướng đều bị Lê Hoàn giết chết.
Mặc dù đã trừ được phe đối lập ở trong triều và được sự hỗ trợ ngầm của Dương thị, Lê Hoàn còn e ngại nhà Tống bên Tàu nhân cơ hội thay bậc đổi ngôi sẽ đem quân sang đánh. Dùng cách ngoại giao, Lê Hoàn cho sứ mang thư mạo danh Đinh Tuệ viện lẽ còn nhỏ tuổi chưa trị được nước nên xin vua nhà Tống phong cho Lê Hoàn. Vua Tống biết là giả dối nhưng đưa ra 2 lựa chọn cho Lê Hoàn quyết định:
- Phong cho Đinh Tuệ làm Thống soái, Lê Hoàn làm phó.
- Nếu Đinh Tuệ còn nhỏ chưa trị nước được thì cho hai mẹ con sang chầu (làm con tin) sau đó Lê Hoàn sẽ được phong.
Cả hai lựa chọn đều cố ý dồn Lê Hoàn vào thế yếu để nhà Tống dễ bề thao túng nước ta.
Không thấy Lê Hoàn trả lời, nhà Tống quyết định đem quân sang đánh.
Lê Hoàn đại phá quân Tống năm 981 |
Lê Hoàn cử Phạm cự Lượng làm đại tướng chống giữ các nơi. Trước khi xuất quân, Cự Lượng họp quân sĩ ở trong điện nói rằng:
- Bây giờ quân nghịch sắp vào cõi, vua thì còn bé, lấy ai thưởng phạt cho chúng ta? Dẫu chúng ta có hết sức lập được chút công nào thì ai biết cho? Chi bằng nay ta tôn Thập đạo tướng quân lên làm vua rồi ra đánh thì hơn. (Việt nam sử lược của Trần trọng Kim).
Quân sĩ nghe nói đều hô vạn tuế, Thái hậu thấy quân sĩ đều thuận cả liền sai lấy long cổn mặc vào cho Lê Hoàn (năm 980).
Quân Tống chia làm 2 đạo: tướng Hầu nhân Bảo theo đường bộ xâm nhập ngả Lạng sơn , tướng Lưu Trừng theo đường biển vào sông Bạch đằng.
Lê Hoàn bị Lưu Trừng đánh bại ở Bạch đằng phải lui quân. Nhưng sau đó Lê Hoàn thắng lớn ở Chi lăng: Hầu nhân Bảo bị dụ vào nơi hiểm yếu, bị bắt và bị chém chết; 2 tướng là Quách quân Biện và Triệu phụng Huấn bị bắt sống.
Nghe tin quân bộ tan vỡ, Lưu Trừng vội rút quân thủy về nước.
Lê Hoàn lên ngôi xưng là Đại hành hoàng đế, đóng đô ở Hoa lư.
Đời sau cho rằng Phạm cự Lượng chỉ là một vai trong vở kịch truất phế Vệ vương do Lê Hoàn đạo diễn.
Bắt chước Đinh Tiên hoàng, Lê Đại hành cũng lập 5 ngôi hoàng hậu:
- Đại thắng minh hoàng hậu (Dương hậu, mẹ của Vệ vương Đinh Tuệ) .
- Phụng kiều chí lý hoàng hậu
- Thuận thánh minh đạo hoàng hậu
- Trịnh quốc hoàng hậu
- Phạm hoàng hậu .
Sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, Lê Đại hành là vị vua thứ nhì đánh thắng cuộc xâm lăng của giặc phương Bắc.
Vị vua mở đầu thời kỳ tự chủ là Ngô Quyền, người đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch đằng. Trong trận này Hoằng Tháo bị bắt và bị chém đầu. Hoằng Tháo họ Lưu, con vua Nam Hán Cao tổ Lưu Cung (cũng có tên là Nghiễm).
Trong lịch sử nước ta, Vua Đại hành là vị vua đầu tiên thân chinh đi đánh Chiêm thành.
Khi lên ngôi, ngài cho 2 sứ giả là Từ Mục và Ngô tử Cảnh sang Chiêm thành giao hiếu nhưng sứ giả bị vua nước này băt giữ.
Tượng Lê Đại Hành ở Hoa Lư |
Trong thời kỳ Bắc thuộc, Chiêm thành (gọi là Lâm ấp) thường sang cướp phá dân ta ở châu Hoan và châu Ái (Thanh hóa, Nghệ an, Hà tĩnh và một phần Quảng bình ngày nay) các quan lại Tàu cai trị nước ta phải đánh dẹp rất vất vả.
Năm 605 nhà Tùy sai tướng Lưu Phương sang đánh Lâm ấp lấy được nhiều báu vật và của cải nhưng quân sĩ thiệt hại nặng và Lưu Phương cũng bị bệnh chết dọc đường. Lâm ấp từ đó đổi tên là Hoàn vương.
Năm 808 nhà Đường sai An nam đô hộ là Trương Chu sang đánh Hoàn vương, nước này phải dời đô vào nam và đổi tên là Chiêm thành.
Khi vua Đại hành sang đánh Chiêm thành đường hành quân rất gian nan. Quan quân phải vượt qua núi Đồng cổ (xã Đan nê, huyện Yên định, Thanh hóa ngày nay) mới tới sông Ba Hòa. Để tạo trục giao thông tiện lợi cho cả kinh tế và quân sự, vua Đại hành cử Ngô tử An huy động 3 vạn dân đào Tân cảng (cảng Đa cái) và đắp đường từ cửa biển Nam giới (cửa Sót huyện Thạch hà, Hà tĩnh ngày nay) tới châu Đại lý ráp ranh với Chiêm thành (Quảng bình ngày nay).
Sau này các triều Lý, Trần, Lê đều dùng trục thủy bộ này trong các cuộc Nam tiến.
Tuy đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Tống, vua Đại hành vẫn cảnh giác tham vọng bá quyền của phương Bắc.
Năm 982, dùng cách ngoại giao, vua cho sứ đem sang trả hai viên tướng bắt được trong trận Chi lăng và xin theo lệ triều cống. Khi ấy phía bắc nước Tàu đang có giặc Hung nô đánh phá, vua Tống cũng thuận và phong cho vua Đại hành làm Tiết độ sứ.
Năm 993 vua Tống sách phong cho vua Đại hành làm Giao chỉ quận vương, kế đến năm 997 lại gia phong là Nam bình vương.
Sau khi nhà Đinh dẹp được nạn 12 sứ quân, các châu quận thỉnh thoảng vẫn có người nổi lên làm giặc nhất là các động người Mường. Vua Đại hành phải thân chinh đi đánh dẹp, bình định được 49 động Hà Man (ở tây bắc Thanh hóa, thời Bắc thuộc gọi là Man châu) và trừ được bọn phản nghịch các nơi.
Việc nội trị có các đại thần Từ Mục , Phạm cự Lượng , Ngô tử An giúp đặt ra các lệ luật và rèn luyện quân sĩ.
Mộ của vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư |
Để việc mua bán được rộng rãi nhân đó phát triển kinh tế, vua Đại hành cho đúc tiền gọi là tiền Thiên phúc. Dân ta dùng tiền bắt đầu từ đó.
Vua Lê Đại hành mất năm 1005, trị vì được 25 năm, thọ 65 tuổi. So với Ngô Vương và Đinh Tiên hoàng, ngài thọ hơn, trị vì lâu hơn và sự nghiệp cũng rạng rỡ hơn. Tiếc rằng sau khi ngài mất, các con tranh giành chém giết nhau khiến nhà Tiền Lê chỉ tới năm 1009 là chấm dứt.
--------------------------------------------
THAM KHẢO
-Việt nam sử lược của Trần trọng Kim .
-Việt sử tân biên của Phạm văn Sơn .
-Việt sử xứ Đàng trong của Phan Khoang .
ĐỌC THÊM:
Lê Đại Hành
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_%C4%90%E1%BA%A1i_H%C3%A0nh
Chiến tranh Tống-Việt (981)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_T%E1%BB%91ng%E2%80%93Vi%E1%BB%87t_(981)
Post a Comment