Nghĩ Đến Ngày Mai
Tiếng ồn ào phía ngoài đường lớn dần. Thu vội buớc ra sân, tới gần bậc tam cấp bước lên đuờng trước nhà thăm nuôi. Các đội cải tạo đang lần lượt trở về sau một ngày lao động. Họ đi hàng đôi theo đội, vai vác dụng cụ, dáng điệu mệt mỏi sau một ngày làm việc cực nhọc, vắt cạn sức người. Thân thể gầy ốm, quần áo không còn lành lặn. Khi đi ngang qua nhà thăm nuôi, mọi người lặng lẽ dơ tay vẫy chào. Hàng trăm cặp mắt tìm kiếm người thân.
Thu chợt nghe người đứng trước nàng gọi to: “Tuấn”. Trong hàng các anh cải tạo có người dơ tay vẫy. Nàng quay sang nhìn người phụ nữ có âm thanh gọi thật trong, ấm ngọt. Cô còn trẻ lắm, trông độ hơn hai mươi, mái tóc uốn dài che phủ một phần vầng trán rộng. Thu phải công nhận người con gái trước mặt mình thật đẹp. Vẻ đẹp kín đáo phảng phất nỗi buồn man mác. Khi cô quay lại, thấy Thu nhìn mình mỉm cười, cô gật đầu đáp lễ.
Các đội “cải tạo” lần lượt về trại. Nàng ngạc nhiên khi thấy một số người ở khu gia đình cán bộ, đối diện với nhà thăm nuôi, ra đứng bên đường. Từng đoàn xe ba bánh chở đầy khoai mì đi tới, như một thói quen dừng lại phía bên kia đường. Thu thấy thân nhân cán bộ ra lấy khoai mì, sau đó anh em “cải tạo” lại tiếp tục đẩy xe về trại.
Trời đã về chiều, những tia nắng muộn chiếu qua kẽ mây phủ mờ mặt đường. Con đường đất nhỏ chạy dài tun hút về phía rừng cây xa xa. Khung cảnh núi rừng tịch mịch. Không nghe thấy tiếng động cơ xe chạy, hay âm thanh gõ móng của đoàn ngựa kéo. Nơi đây như một thế giới riêng biệt, xa hẳn xã hội loài người.
Qua mấy bậc tam cấp bước lên đường, Thu lững thững đi theo con đường đất. Cánh rừng phía trước đã ngăn tầm mắt nhìn xa. Bầu trời như thấp hẳn xuống. Phía sau khu gia đình cán bộ là rừng cây. Phía đối diện là ngọn núi cao, sườn dốc loang lổ những đám cháy đen, chen lẫn những khoảng đất đã khai phá mầu nâu đỏ, trên đỉnh cao chỉ còn thưa thớt những tàng cây. Nàng có cảm tưởng mình lọt vào giữa một lòng chảo. Con người vô cùng nhỏ bé đối với thiên nhiên.
Thu nghĩ đến chồng, không biết ngày mai có gì không may xẩy ra không. Liệu anh có bị cấm gặp mặt vì vi phạm kỷ luật trại khi gặp nàng trong lúc lao động. Hình ảnh gầy ốm, gương mặt nhuộm nâu vì nắng gió, trông càng tiều tụy. Anh cố nhẩy lên nhưng phải hai lần mới thoát khỏi miệng hố cá nhân khi thấy nàng đến gần. Thu mừng tủi gặp chồng trong hoàn cảnh này. Thu nghe rõ tiếng quát gọi tên anh của người cán bộ từ trong căn lều bên vệ đường.
Tiếng động phía sau lưng làm Thu dừng bước. Quay lại nàng bắt gặp nụ cười của người con gái mà nàng chưa biết tên. Thu mở lời:
-“Chào cô, cô tới đây lâu chưa?”
-“Em vừa tới trưa nay, trước khi các chị tới một lát.”
-“Sao cô chưa được gặp mặt?”
-“Theo thông lệ của trại, thân nhân tới hôm nay ngày mai mới được gặp.”
-“Ngày mai cô gặp lúc mấy giờ?”
-“Em gặp lúc 8 giờ sáng. Còn chị mấy giờ gặp anh. Chị ra thăm thường không?”
-“Tôi được gặp sau cô, lúc 9 giờ. Ðây là lần đầu tôi ra thăm nhà tôi, thành thử tôi chưa biết cách thức như thế nào. Còn cô đã đi thăm nhiều lần chưa?”
-“Lần thứ hai chị ạ. Năm ngoái em đã ra thăm, khi hay tin anh ấy chuyển trại từ Hoàng Liên Sơn về đây.”
-“Cô có cháu nào chưa?”
Sau câu hỏi, Thu thấy cô gái hơi cúi đầu, day mũi dép trên mặt đường, như khó trả lời trước một câu hỏi thông thường. Cô chợt ngẩng mặt trả lời:
-“Em chưa có cháu nào. Niềm vui đến với chúng em quá muộn màng. Còn chị, chị có mấy cháu?”
-“Tôi có 5 cháu. Cháu lớn 14 tuổi, còn cháu nhỏ vừa lên 8. Xin lỗi, cô cho biết quý danh được không? Còn tôi tên Thu.”
-“Em tên Liên. Em 24 tuổi chị ạ. Vì hoàn cảnh chúng em chưa lập gia đình, rồi anh ấy đi cải tạo.”
Thu ngạc nhiên khi nghe Liên nói. Cô mới 19 tuổi vào ngày miền Nam bị chiếm đoạt. Hai người im lặng chậm bước. Nàng quay qua hỏi:
-“Hiện giờ Liên ở đâu?”
-“Em vẫn ở Ðà Lạt từ ngày gia đình em di cư vào Nam.”
-“Gia đình Liên vẫn thường chứ?”
-“Ba má và hai em của em di Pháp từ năm rồi. Gia đình em được anh cả bảo lãnh, chỉ còn mình em ở lại.”
-“Sau khi ba má Liên đi, đời sống của Liên ra sao?”
-“Trước ngày 30/4 gia đình em không phải lo nghĩ nhiều về vật chất. Nguồn lợi ruộng vườn giúp gia đình em sống dư giả. Sau khi miền Nam mất, cuộc sống đảo lộn, tài sản của gia đình em bị nhà nước trưng dụng, chỉ còn lại căn nhà em đang ở. Ba má em muốn em qua Pháp tiếp tục học, nhưng em xin ở lại.”
-“Sao Liên không cùng đi với gia đình?”
-“Vì Tuấn em quyết định ở lại.”
Một lần nữa Thu lại ngạc nhiên và kính trọng tấm lòng chung thủy của Liên. Hẳn phải là một mối tình thật đẹp để cho người con gái như Liên hy sinh. Nàng nhìn Liên mỉm cười:
-“Tôi kính phục Liên nhiều lắm biết không. Mối tình của Liên hẳn phải là mối tình tuyệt đẹp?”
-“Nhiều lần em đã tự hỏi tại sao em phải hành động như thế, nhất là vào thời gian gia đình em sửa soạn ra đi. Em đã thức nhiều đêm suy nghĩ. Ði hay ở lại. Chính em cũng không muốn sống trong tình trạng hối tiếc vì những quyết định vội vàng.”
-“Ba má Liên có biết Tuấn không?”
-“Ba má em biết Tuấn từ hồi chúng em mới quen nhau. Hai cụ rất vừa lòng anh ấy.”
-“Liên ở lại chắc hai bác buồn nhiều lắm.”
-“Em biết đã làm ba má em buồn, hơn nữa em là đứa con gái duy nhất trong nhà, được hai cụ cưng chiều từ nhỏ. Bố mẹ nào chẳng muốn cho con cái mình thành đạt, có đời sống hạnh phúc. Nhất là các cụ biết sự đợi chờ của em là vô vọng. Em cũng tự biết như thế, vì chúng em đang ở hai thế giới cách biệt. Như đã nói với chị, em ở lại vì Tuấn mà cũng vì em nữa.”
-“Tôi đồng ý với Liên, ngoài tình yêu còn có lòng thương nữa. Nó gắn bó tình cảm của hai người. Dù hoàn cảnh của chúng ta khác nhau, nhưng chúng ta có cùng một suy tư, có chung niềm khắc khoải. Chúng ta sống cho tình yêu thương, và cũng nhờ tình yêu thương mà sống. Cũng như Liên, tôi đã suy nghĩ về lòng chung thủy và sự đợi chờ, nhất là trong hoàn cảnh đau thương này. Liệu ngoại cảnh có thúc dục, ảnh hưởng tới lòng kiên trì của chúng ta không?”
-“Vừa rồi chị nói kính phục em về lòng chung thủy, bây giờ em cũng muốn nhắc lại câu này với chị. Vì ở chị ngoài lòng chung thủy, tình yêu thương còn có sự hy sinh. Với trường hợp của em, như người thân đã nói, là em để tuổi xuân đi qua một cách oan uổng, và hiện tại em đang sống trong ảo vọng.”
-“Liên cho tôi ngắt lời nhé. Quả thực, chỉ có mình mới hiểu được mình. Ðời sống có quá nhiều thúc bách, đôi lúc làm chúng ta nản lòng chờ đợi.”
-“Em cũng nghĩ tới điều này. Em đã nhủ lòng là phải sống thực tế. Nhưng chính tâm tư của em cảm nhận, là em đang sống một cuộc sống thực. Người ngoài thường cho những người trong cuộc tối tăm, thiếu sáng suốt để nhận biết về việc của mình. Nhưng chúng ta cũng không thể nhận xét, phân tích bằng đường lối mà xã hội thường dùng để phán xét.”
-“Tôi đồng ý với Liên. Tôi tưởng chúng ta có thể nói, chỉ vì là người trong cuộc, mới cảm nhận được thứ tình cảm lẫn lộn giữa yêu và thương. Và cũng chính vì đó mà chúng ta sống và hy sinh.”
-“Em cũng cảm nghĩ như chị, vì chính em đã trải qua những giây phút mà sự cám dỗ làm lẫn lộn thực với giả. Và cũng từ đó, em nhận thức được giá trị cuộc đời như thế nào. Nó có phải là những danh vọng lẫy lừng, một cuộc sống xa hoa vật chất, như kinh nghiệm của nhiều người, đã không tha thiết những gì đạt được do sự thành công. Vì tâm tư họ trống trải, mọi thứ trở thành vô nghĩa. Vì vậy, em biết được những gì cần thiết cho mình.”
-“Liên biết Tuấn đã bao lâu?”
Thu nhìn thấy trên gương mặt Liên một thoáng giây ngưng lại, nét mặt hơi đăm chiêu như đang lục tìm về dĩ vãng. Ánh mắt Liên chợt sáng, như hình ảnh ngày xưa hiện ra với những niềm vui.
-“Nếu nói gặp mặt thì lâu lắm rồi, từ khi em còn học lớp Ðệ Tam. Em cũng không hiểu tại sao em cảm thấy cô đơn ở tuổi 15, luôn cần sự chiều chuộng săn sóc. Hay vì phong thổ Ðà-lạt, cảnh sắc hữu tình của thành phố đầy hoa, đã ảnh hưởng tới tâm tư của em những nét trữ tình thơ mộng. Em gặp Tuấn vào đêm Giáng-sinh. Ngay từ phút giây đầu, em đã bị lôi cuốn bởi vóc dáng hào hùng, cử chỉ dịu dàng tha thiết của anh. Rồi bẵng đi cả năm không gặp, em rơi vào trong thương nhớ. Sự thiếu vắng làm em thao thức, như mất mát cái gì.”
-“Ðấy có phải là mối tình đầu của Liên không?”
-“Khi đó em còn nhỏ nên chưa phân tích được, nhưng có một điểm em thấy lòng mình xao xuyến mong đợi. Và khi gặp lại, cuộc đời em thay đổi. Chúng em yêu thương nhau từ đó. Em lên đại học. Chúng em hiểu không thể thiếu nhau trong cuộc đời, và ước hẹn sẽ xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng tai ương xẩy đến quá nhanh, chúng em chưa thực hiện được điều mình mong muốn.”
-“Ngày 30/4 là ngày đau thương của dân tộc chúng ta. Biết bao nhiêu thảm cảnh xẩy ra, nhiều gia đình đã đổ vỡ, chia ly.”
-“Vâng, vào lúc chúng em hình thành nguyện ước thì miền Nam mất, Tuấn đi cải tạo. Chúng em có với nhau 4 năm yêu thương, và bây giờ đã 5 năm chờ đợi. Em hiểu tuổi xuân của em đang qua đi. Có lúc em tự hỏi còn phải chờ đợi bao lâu nữa, và nếu Tuấn không về thì cuộc đời em sẽ ra sao đây. Có phải mọi việc đã muộn màng rồi không.”
Thu cảm thấy dâng lên trong lòng niềm chua xót khi nghe chuyện của Liên. Có phải chuyện của Liên cũng là chuyện của chính nàng. Những thắc mắc lo âu của Liên làm tim nàng se thắt.
Thu đã nhiều lần tự hỏi, nếu một ngày kia chồng nàng không trở về, có phải mọi việc trở thành dang dở không. Sự đau thương đến với một kiếp người thật đơn giản thế sao. Nàng đã khóc thầm trong nhiều đêm vắng cho số kiếp long đong của người đàn bà vào thời buổi này. Nàng nuốt trọn những hờn tủi trong những năm qua. Còn gì đau thương bằng nhìn thấy sự mất mát của mình, nhìn thấy tình yêu thương của mình vuột khỏi tầm tay.
Thu cố giữ im lặng, để sự chán nản thất vọng như nước thủy triều đang dâng lên trong lòng lắng đọng. Nàng thông cảm với Liên. Bất cứ câu nói nào trong giờ phút này, dù là một lời an ủi, cũng có thể khơi dậy nỗi buồn để bật thành tiếng khóc.
Liên tiếp lời sau tiếng thở dài:
-“Ðôi khi vì lòng ích kỷ tự nhiên của con người, em có ý nghĩ, nghĩa vụ gì bắt em phải chờ đợi. Em có quyền lo cho đời sống của riêng em. Nhưng không hiểu sao em vẫn không thực hiện được ý định đó. Có phải vì lòng yêu thương mà chúng ta hy sinh. Chúng ta chấp nhận phần thua thiệt cho riêng mình.”
-“Tôi có cùng ý nghĩ như Liên. Vì tình yêu thương chúng ta chấp nhận hoàn cảnh hẩm hiu. Nhưng thực ra, chúng ta mang nợ các anh ấy nhiều quá. Họ đã trải thân chiến đấu bảo vệ miền Nam Tự do, để chúng ta có đời sống an toàn hạnh phúc.”
-“Vâng, mỗi khi nghĩ đến Tuấn và mỗi lần gặp anh ấy, em thấy thương xót nhiều hơn. Mà phần đau như chính em phải mang, phải chịu. Các anh ấy là những “anh hùng mạt lộ”, họ đã chiến đấu, đã hy sinh cho mọi người miền Nam quá nhiều. Họ luôn đối diện với cái chết từ phương Bắc mang tới. Họ đã được những gì. Phải chăng họ sẵn lòng chiến đấu vì không muốn miền Nam rơi vào tay cộng sản. Nhưng tiếc thay, các anh ấy đã mất tất cả. Chỉ bám víu vào niềm an ủi còn lại là tình yêu thương của người thân.”
-“Liên nói đúng, chúng ta hơn các anh ấy ở chỗ, dù đời sống của chúng ta có thay đổi nhưng khung cảnh cũng ít nhiều quen thuộc. Còn ở đây xa lạ quá, không phải là thế giới quen sống của họ.”
-“Em thông cảm với nỗi đau thương, niềm tủi hận trong lòng các anh ấy. Họ bị buộc phải thua trận trong khi lòng vẫn còn hăng say chiến đấu. Họ đã trải thân bảo vệ nền hòa bình, dân chủ của miền Nam. Mà hiện tại, họ bị đầy ải trong ngục tù tăm tối không có ngày mai. Vì vậy, em cố gắng ra thăm, dù chỉ gần gũi trong phút giây ngắn ngủi.”
-“Tôi thông cảm vói Liên. Nỗi đau của chúng ta vẫn là nỗi đau chung. Có lẽ chuyện chúng mình chỉ mình hiểu được thôi…”
Hai người trở lên im lặng, như những khắc khoải lo âu hằn trong cuộc sống đang trỗi dậy. Tự nhiên Thu cảm thấy thân với Liên, như đã từng là đôi bạn, dù mới gặp không lâu.
___________________
Chú thích:
- Hình trên mạng Bách khoa mở (Wikipedia)
Post a Comment