Header Ads

Kim Thuý (1968 - ) Nhà Văn Nữ Danh Tiếng Gốc Việt Tại Canada


Phạm Văn Tuấn

1/ Giải Thưởng Văn Chương của Hàn Lâm Viện Mới.

Giải Thưởng Văn Chương của Hàn Lâm Viện Mới (The New Academy Prize in Literature) được thiết lập vào năm 2018 để thay thế cho Giải Thưởng Nobel Văn Chương không được trao tặng bởi vì Ban Giám Khảo của Ủy Ban Văn Chương của Hàn Lâm Viện Stockholm bị tai tiếng do vấn đề bê bối tình dục. Nhà văn thắng giải dự trù được công bố vào ngày 12 tháng 10 năm 2018, nhưng sau đó Giải Thưởng này đã bị hủy bỏ vào đầu tháng 2 năm 2018.

Hàn Lâm Viện Mới (The New Academy) được nhà báo Alexandra Pascalidou sáng lập, sau khi Hàn Lâm Viện Thụy Điển công bố hủy bỏ Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 2018. Bà Pascalidou cho biết mục đích của Hàn Lâm Viện Mới là “quảng bá văn chương tới những người yêu mến văn chương và chống lại sự bất bình đẳng cùng những điều không phù hợp với đất nước và thời đại của chúng ta”. 

Hàn Lâm Viện Mới này là một tập thể gồm hơn 100 nhà văn, nhà báo, diễn viên... cùng làm nghề liên quan tới Văn Hóa Nghệ Thuật như các vị quản thủ thư viện và Hàn Lâm Viện Mới này được tài trợ do chương trình gây quỹ cộng đồng Kickstarter.

Chương trình chọn lựa của Hàn Lâm Viện Mới gồm 3 vòng, tại vòng 1, các quản thủ thư viện trên lãnh thổ Thụy Điển được mời đề cử các ứng viên. Các ứng viên phải có ít nhất 2 tác phẩm xuất bản trong 10 năm gần nhất. Vòng 1 kết thúc vào ngày 8/7/2018 với danh sách gồm 47 nhà văn, nhà thơ.

Theo hãng CBC của Canada, 47 tác giả này được chọn ra căn cứ vào nhiều lối viết văn và thể loại khác nhau, từ nhà văn hư cấu nổi tiếng Haruki Murakami, Cormac McCarthy, Don DeLillo, Zadie Smith và Elena Ferrante, đến các nhà văn viết truyện cho thiếu nhi như J.K. Rowling và Meg Rosoff, hay nhạc sĩ Patti Smith và nhà văn châm biếm giả tưởng nổi tiếng Neil Gaiman.Trong khi đó Kim Thúy, nhà văn Canada gốc Việt, thì cho rằng mình được chọn chỉ vì “nói đúng chuyện vào đúng lúc, đúng thời.”

Sau khi cứu xét các phiếu bầu công khai về 47 nhà văn và nhà thơ được nhiều nhân sĩ trí thức và các vị quản thủ thư viện Thụy Điển (Swedish librarians) đề nghị, Hàn Lâm Viện Mới (the New Academy) đã công bố 4 nhà văn được chọn vào vòng chung kết cho Giải Thưởng, gồm có:

  • Maryse Condé, nhà văn nữ người Pháp gốc Guadeloupe.
  • Neil Gaiman, nhà văn người Anh.
  • Haruki Murakami, nhà văn người Nhật.
  • Kim Thúy, nhà văn nữ gốc Việt hiện sinh sống tại Canada.

Vào ngày 17 tháng 9 năm 2018, nhà văn Murakami, người Nhật, đã yêu cầu được rút tên ra khỏi danh sách các nhân vật được đề nghị, nói rằng ông ta muốn “tập trung vào việc viết văn, xa lánh sự chú ý của giới truyền thông” (concentrate on writing, away from media attention).

Nhà văn Neil Gaiman là người Anh, hiện định cư tại Hoa Kỳ. Ông Gaiman là nhà văn xuất sắc của loại văn học kỳ ảo với số lượng độc giả rất lớn thuộc mọi lứa tuổi ở khắp nơi trên thế giới. Vài tác phẩm nổi tiếng của ông Neil Gaiman gồm có Coraline, American Gods, Stardust và The Graveyard Book.

Nhà văn nữ Kim Thúy tên thật là Lý Thành Kim Thúy, sinh năm 1968 tại Saigon, Việt Nam. Khi lên 10 tuổi, cô Kim Thúy theo gia đình vượt biển rồi nhập cư vào Canada. Hành trình đi tìm tự do của cô Kim Thúy đã là đề tài trong cuốn tiểu thuyết Ru, viết bằng tiếng Pháp và xuất bản năm 2009. Ngoài tác phẩm Ru nổi tiếng nhất, còn có các cuốn tiểu thuyết Mãn (2014) và Vi (2018). Hàn Lâm Viện Mới đã nói rằng các tiểu thuyết của nhà văn nữ Kim Thúy đã “vẽ lên những màu sắc, hương thơm và mùi vị của Việt Nam cũng như những hiểm nguy của cuộc hành trình lưu vong và để tìm kiếm bản dạng”.

Kim Thúy là nhà văn nữ gốc Việt tại Canada, với tác phẩm đầu tiên tên là “RU”, đã nhận được Phần Thưởng Năm 2010 của Toàn Quyền (the Gorvernor General’s Award) nhờ tác phẩm kể trên. Đây là cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp rồi được cô Sheila Fischman dịch sang tiếng Anh và phổ biến vào năm 2012.

Tác phẩm Ru cũng được đề nghị tham dự Giải Thưởng Scotiabank Giller năm 2012 (The 2012 Scotiabank Giller Prize) và Giải Thưởng Tiểu Thuyết Đầu Tiên Amazon năm 2013 (The 2013 Amazon.ca First Novel Award).

Vào năm 2016, nhà văn Kim Thúy đã cho ra đời tác phẩm thứ ba, tên là “Vi”. Bản dịch sang tiếng Anh cũng do cô Sheila Fischman, được phổ biến vào năm 2018. Tác phẩm này cũng ở trong danh sách đề nghị nhận Giải Thưởng Scotiabank Giller của năm 2018.

2/ Cuộc đời và nghề nghiệp của Nhà Văn Kim Thúy.

Vào tuổi lên 10, Kim Thúy cùng với cha mẹ và 2 người anh đã là các thuyền nhân, giống như một triệu người miền Nam vào thời kỳ đó, đã bỏ chạy khỏi chế độ Cộng Sản sau khi chính quyền Miền Nam sụp đổ vào năm 1975.

Gia đình cô Kim Thúy đã tới một trại tỵ nạn tại Mã Lai do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc điều hành rồi sau 4 tháng trường ở trong trại tị nạn này, chính quyền Canada đã chấp nhận cho gia đình cô Kim Thúy sang định cư tại xứ sở Canada bởi vì cha mẹ của cô có thể nói lưu loát tiếng Pháp.

Vào cuối năm 1979, gia đình tị nạn này đã tới thị trấn Granby trong vùng Eastern Townships của thành phố Quebec rồi về sau, gia đình Kim Thúy rời sang thành phố Montreal.

Vào năm 1990, cô Kim Thúy đã đậu văn bằng Cử Nhân (Bachelor’s degree) của Đại Học Montreal về môn ngôn ngữ học (linguistics) và phiên dịch (translation) rồi 3 năm sau, lại đậu văn bằng Luật Khoa cũng của trường đại học này.

Cô Kim Thúy sau đó làm nghề phiên dịch (translator) và thông dịch (interpreter) trước khi được tuyển vô làm cho Công Ty Luật Strikeman Elliott đặt trụ sở tại Montreal để giúp vào một dự án liên quan tới Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, cô Kim Thúy đã trở về Việt Nam cùng một số chuyên gia người Canada để cố vấn cho chính quyền Cộng Sản khi họ cần tìm hiểu về chế độ tư bản. Cô Kim Thúy đã gặp người chồng cùng làm việc trong công ty Luật và họ đã có đứa con đầu lòng khi đang công tác tại Việt Nam. Đứa con thứ hai chào đời khi cặp vợ chồng này ở Bangkok vì công việc của người chồng tại Thái Lan.

Sau khi  trở về Montreal, cô Kim Thúy mở một nhà hàng ăn có tên là “Ru de Nam”, tại nơi này cô đã giới thiệu các món ăn Việt Nam cho cộng đồng Montreal. Cô Kim Thúy đã hoạt động tại nhà hàng ăn trong 5 năm, sau đó cô dành trọn một năm để viết văn sáng tạo. Hiện nay cô Kim Thúy sinh sống tại Longueuil, ngoại ô của thành phố Montreal.

3/ Về tác phẩm Ru của Nhà Văn Kim Thúy.

“Ru” theo tiếng Việt là Lời Ru còn theo tiếng Pháp là con suối nhỏ. Đây là một từ đã được nhà văn Kim Thúy chọn lựa kỹ càng để đóng khung và bao gồm bên trong các mẩu chuyện được kể lại. Các chủ đề chính của tác phẩm này là chiến tranh và sự di dân, tình mẹ con và gia đình, sự tranh đấu và đổi mới...

Kim Thúy là tác giả hiểu rõ ngôn ngữ học nên đã chọn một từ thật đơn giản làm tên của cuốn tiểu thuyết với ý nghĩa tiềm ẩn bên trong. Nhà văn Kim Thúy đã xác nhận rằng cô đã cố gắng để đạt được một cảm giác yên lặng và nhẹ nhàng trong quá trình viết văn. Và nhà văn này đã mô tả cảnh vượt biển trên một con thuyền nhỏ bồng bềnh: “một ngọn đèn nhỏ treo bằng một sợi dây, buộc vào một cái đinh rỉ sét, đã tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt và không thay đổi. Sâu vào bên trong con thuyền, không có sự phân biệt giữa sáng và tối. Ánh sáng của ngọn đèn đã bao phủ chúng tôi giữa cảnh vô tận của biển cả và bầu trời ở chung quanh. Các người ngồi trên boong thuyền đã kể lại cho chúng tôi biết rằng, không có biên giới giữa màu xanh da trời và màu xanh nước biển. Không ai biết chúng tôi đang hướng về thiên đường hay chìm sâu vào bên trong lòng biển. Thiên đường và địa ngục đều ôm lấy con thuyền”.

(Nguyên văn trong bản Anh ngữ: The small bulb hanging from a wire attached to a rusty nail spread a feeble, unchanging light. Deep inside the boat there was no distinction between day and night. The constant illumination protected us from the vastness of the sea and the sky all around us. The people sitting on deck told us there was no boundary between the blue of the sky and the blue of the sea. No one knew if we were heading for the heavens or plunging into the water’s depths. Heaven and hell embraced in the belly of our boat.)

Qua tác phẩm Ru, nhà văn Kim Thúy đã dùng nhân vật là cô Nguyễn An Tịnh để kể các câu chuyện chiến tranh, di dân và định cư, và hành trình của cô này từ xứ Việt Nam bị tàn phá để tới xứ sở Canada. Trong cuộc hành trình này, người kể chuyện còn đề cập tới bệnh tự kỷ (autism), sự mại dâm, người Mỹ gốc Á châu, tình yêu và sự tha phương, và tác giả đã dùng cách kể chuyện với bản chất là không nói hết ra về trí nhớ và hồi tưởng.

Lời văn của tác giả Kim Thúy thì duyên dáng, câu chuyện thì súc tích, công việc xuất bản tác phẩm này đã là một việc làm lịch sử tại xứ sở Canada bởi vì Ru là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một người Canada gốc Việt. Người kể chuyện giả tưởng trong cuốn truyện đã chia xẻ các chi tiết về đời sống của cô Kim Thúy và tác phẩm có thể được coi là một hồi ký (a memoir) đã đổi tên.

Tác phẩm Ru của nhà văn Kim Thúy đã nằm trong “Nền Văn Chương Canada gốc Việt” (the Vietnamese Canadian literature), đã trình bày các kinh nghiệm của tác giả, đã được phê bình rộng rãi và thành công về thương mại, tất cả là nhờ nghệ thuật đẹp đẽ của cách viết văn giả tưởng (the beautiful art of fiction), cách mô tả day dứt và sâu đậm của tác giả về thân phận con người tị nạn và di dân, cùng với lòng yêu mến chân thành các giá trị văn hóa Việt Nam. Tác phẩm Ru được viết ra bằng tiếng Pháp, đã được dịch sang 27 ngôn ngữ và gần đây nhất là dịch sang tiếng Ukraine.

4/ Niềm vui và quán cà phê nằm trong trái tim của Nhà Văn Kim Thúy.

Một nhà văn thành công là do biết diễn tả các cuộc sống chung quanh với mình, cụ thể nhất là gia đình, bạn hữu, thành phố đang cư ngụ, những con đường thường qua lại hàng ngày, các quán xá thân cận và những con người thường hay gặp gỡ, chuyện trò. Nhà văn Kim Thúy đã viết văn, kể chuyện về các thứ thực tế này, thêm vào là các vấn đề cao siêu hơn, bàng bạc và rải rác trong tác phẩm.

Theo lời nhà báo Ian McGillis tường thuật trên tờ báo Montreal Gazette sau lần phỏng vấn nhà văn Kim Thúy, thì “Kim Thúy có một cá tính rất sôi nổi, thường hay phá lên cười một cách lôi cuốn, có vẻ như rất nhanh chóng kết bạn với người mới quen”.

Khi được đề nghị là một trong bốn ứng viên của Giải Thưởng Văn Chương của Hàn Lâm Viện Mới, nhà văn Kim Thúy đã hứng khởi, nói về quan hệ cá nhân với thành phố mà cô đã nhiều lần gọi là “hometown”, liên tục trong 14 năm kể từ khi cô rời bỏ Việt Nam vào cuối thập niên 1970: “Cái đẹp của Montreal nằm ở khía cạnh nhân văn. Không như New York hay Paris, những thành phố đó tuy xinh đẹp rực rỡ nhưng mình không bao giờ thực sự mang cảm giác có thể nắm bắt được chúng. Với Montreal, mình cảm thấy mình có thể ôm trọn nó vào trong lòng, dù thực sự đó là một thành phố rộng lớn và mang tầm vóc quốc tế. Đó là điều mình có thể làm được.”

Lòng hiếu khách của người dân thành phố Montreal là điều Kim Thúy cảm thấy ngay lập tức khi cô vừa đặt chân đến thành phố này với tư cách của một người mới định cư, với cô, không có thời gian gọi là chuyển tiếp. “Vẻ tử tế, dịu dàng luôn thoát ra từ người dân thành phố, lẫn du khách. Nhà cửa, đường phố, công viên – thật khó để diễn tả chính xác như thế nào – nhưng tất cả đều được xây dựng và sắp xếp để cho mình cảm thấy như đó chính là nơi mình đã từng quen thuộc ngay khi vừa bước vào. Giống như ở New York, nhưng phải là một New York hoàn toàn mang tính cách của Greenwich Village. Cái cách của tôi nhằm diễn tả sự khác biệt khi có người hỏi là so sánh New York như một ngôi sao điện ảnh phóng túng, một Marilyn Monroe, trong khi đó Montreal thì lại có dáng vẻ của một cô nữ sinh trong trang phục mùa hè, tung tăng ngồi trên yên chiếc xe đạp.”

Thành phố Montreal là nơi quen thuộc và yêu dấu của tác giả bởi vì mỗi ngày, nhà văn này thường lái xe từ nhà tại Longueuil, đi qua cây cầu Jacques Cartier, rồi trên con đường Visitation Street, nhà văn đã nhìn thấy ngôi thánh đường vĩ đại Saint Pierre Apôtre. Đây là ngôi giáo đường đã mở cửa cho mọi người trong vùng Hochelaga Maisonneuve để họ đi tìm sự an nhiên tự thân.

Nhà văn Kim Thúy cũng thường hay la cà trong khu chợ hải sản La Mer, tại nơi này các người ưa chuộng đồ biển như Kim Thúy đã được đón chào như những thành viên trong gia đình. “Tất cả là vì chính con người mà thôi. Chợ La Mer – hẳn nhiên chứ, tôi có thể mua cá tươi như thế này ở những nơi khác, nhưng cái làm cho con cá ở đây ngon hơn là nhờ câu chuyện ở đằng sau con cá, ở người bán hàng mời chào mình mua hàng. Hiểu biết được đôi điều về cá từ những người bán hàng có gốc gác từ Nam Mỹ, từ Lebanon, từ khắp nơi trên thế giới sẽ làm mình thay đổi loại cá mình mua, cách mình mua, và cả cách mình nấu món cá ấy”.

Giống như đa số các nhà văn, nhà thơ khác, tác giả Kim Thúy cũng thường hay ngồi trong quán cà phê N. Latte, tọa lạc tại một góc phố gần nhà ở Vieux Longueuil: “Tôi rất hài lòng vì mình có một nơi chốn lui tới như thế này. Tôi đến để ủng hộ quán vì không khí của quán rất quyến rũ. Phần khác, để thưởng thức món cà phê. Dù cho đã cố gắng hết sức, tôi không thể nào pha được một ly cà phê sữa ở nhà ngon như tại quán này”.

Một địa điểm khác mà nhà văn Kim Thúy ưa thích là quán cà phê Espace Pépin Maison nằm trên đường St Paul trong khu Montreal cũ.

Cũng khá gần nhà là một tiệm ăn mà tác giả Kim Thúy thường lui tới. Đó là nhà hàng Dur à Cuire năm trên đường St Jean ở Longueuil. Nhà văn nói về nhà hàng bán thức ăn Pháp: “Đây là một địa điểm xuất sắc về thức ăn, về khung cảnh và cả về lòng nhân hậu. Một hôm tôi đến đó ăn trưa với đứa con trai mắc chứng tự kỷ. Con tôi không thể ăn những thứ có trong thực đơn của nhà hàng. Tôi giải thích với viên đầu bếp. Không lâu sau đó, ông ta bưng ra một đĩa thức ăn ngon nhất, thứ thức ăn mà hai mẹ con tôi có thể cùng ăn với nhau. Dàn nhân viên nhà hàng còn rất trẻ, rất sáng tạo và thông minh. Bếp nấu bày ra trước mắt thực khách, mình có thể nhìn thấy họ đã dồn hết tâm trí vào đĩa thức ăn cho mình như thế nào. Họ là bậc thầy về nghệ thuật nấu nướng. Tôi rất thích vì nhà hàng này chỉ cách nhà tôi độ 7 phút đi bộ.”

Tất cả câu chuyện xoay quanh vấn đề ăn uống này nhắc nhở chúng ta biết rằng, sau khi đã là một luật sư, và trước khi trở thành nhà văn, Kim Thúy đã làm chủ một nhà hàng. “Đúng vậy! Nhưng tôi phải nói ngay điều duy nhất về nó (việc điều hành một nhà hàng ăn) mà tôi còn nhớ đến, là tiếp xúc với khách hàng, chia xsẻ với nhau những câu chuyện hàng ngày cùng những niềm vui nỗi buồn”.

Librairie Alire, một cửa hàng sách độc lập ở Longueuil, đã đáp đúng niềm đam mê của con mọt sách Kim Thúy. “Tiệm sách chỉ cách 10 phút đi bộ từ nhà tôi và các người làm việc tại đó thì tuyệt vời vô cùng. Có lần, tôi vừa bước vào bên trong thì một nhân viên bán sách chạy ra và bảo tôi: Tôi biết bà muốn tìm cái gì. Rồi anh ta đưa cho tôi quyển sách “Kiến Trúc và Thẩm Mỹ” của Alain de Botton. Quả đúng đó là quyển sách tôi đang cần. Như thể anh ta là thầy bói không bằng.”

5/ Các Tác Phẩm của Nhà Văn Kim Thúy.

Ru (2009)
À toi (2011), cùng viết với  Pascal Janovjak
Mãn (2013)
Vi (2016)
Le secret des Vietnamiennes (2017).
6/ Các Giải Thưởng và Bằng Cấp Danh Dự (Awards and Honours)
Grand Prix RTL-Lire (Ru), Paris Salon du livre (2010)
Grand Prix La Presse, Essay/Practical Books category (Ru), Montreal Salon du livre (2010)
The Governor General’s Literary Award for French-language fiction (Ru) (2010)
Grand prix littéraire Archambault (Ru) (2011)
Mondello Prize for multiculturalism (Premio Modello per la Multiculturalità, Italy) (Ru) (2011)
Paul-Gérin-Lajoie Award for tolerance, Fondation Ensemble (2013)
Canada Reads winner (Ru), Canadian Broadcasting Corporation (CBC) (2015)
Knight of the National Order of Quebec (Ordre national du Québec) (2015)
2017 NordSud International Prize (for Il mio Vietnam, the Italian translation of her novel Vi), Pescarabruzzo Foundation (2017)
Honorary Doctorate, Concordia University (2017).

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., các bài viết trên Internet.







Powered by Blogger.