Header Ads

Én Và Mùa Xuân


Bùi Quý Chiến

Chim én là một trong những loài chim di trú. Vào mùa thu chúng rời "quê hương" bay tới vùng ấm áp để tránh thời tiết lạnh lẽo mùa đông. Tới mùa xuân chúng bay về "cố hương . Chúng bay thành đàn do con đầu đàn hướng đạo theo hình vòng cung hoặc hình chữ V.
Khi thấy chim én từng đàn bay về người ta biết mùa xuân bắt đầu. Nhưng nếu chỉ có một con én, người ta chưa thấy đủ bằng chứng mùa xuân.

Do đó có câu "Một con én không làm được mùa xuân".

Câu này là châm ngôn (proverbe) của  người Pháp, và nhiều người lầm là có nghĩa cổ vũ cho sự đoàn kết như câu "một cây làm chẳng nên non".

Nguyên văn câu châm ngôn là "une hirondelle ne fait pas le printemps".

Sau đây là nghĩa bóng của câu này qua vài tự điển tiếng Pháp.

1-/ Nouveau Petit Larousse (xin coi nguyên văn nơi cước chú 1) :
    "Ta không thể kết luận được gì từ một thí dụ duy nhất".
2-/ Dictionnaire de l'Académie Francaise (xin coi cước chú 2):
    "Ta không rút ra được kết luận gì từ một thí dụ duy nhất".
3-/ Émile Littré 's Dictionnaire de la Langue Francaise (xin coi cước chú 3 :
    "Ta không rút ra được kết luận gì từ một trường hợp duy nhất hoặc từ một sự kiện lẻ loi".

Trong truyện Thị Kính, hai lần nàng bị oan chỉ vì một con én duy nhất.

Một buổi tối nàng ngồi may vá bên cạnh chồng. Chàng đang ngồi đọc sách thì ngủ gục . Chợt thấy một sợi râu mọc ngược trên cằm chồng, nàng cho là điềm xấu. Sẵn con dao trong tay, nàng đưa dao lên toan cắt đứt sợi râu thì chồng nàng choàng tỉnh. Hoảng sợ, chàng liền hô hoán lên là vợ có ý giết mình. Cha mẹ chàng chạy tới cũng cho là con dâu toan giết chồng. Ông bà cho gọi cha nàng tới trách móc và trả Thị Kính về.

Ngày xưa như vậy là cha mẹ Thị Kính bị làm nhục.

Hành động Thị Kính đưa dao lên trước mặt chồng chỉ mới là một con én. Cha mẹ chồng và chồng nàng cần phải có vài con én nữa mới đủ bằng chứng kết tội nàng toan giết chồng (động cơ nào khiến nàng đưa dao lên trước mặt chồng? tư thế cầm dao có nguy hiểm tới mạng người? quan hệ vợ chồng từ trước tới nay ra sao?...)

Không minh oan được, Thị Kính từ biệt cha mẹ đi tu. Nàng giả trai và đổi tên là Kính Tâm.

Thị Mầu là con gái một phú hộ thường lên chùa lễ Phật. Thấy chú tiểu Kính Tâm đẹp trai, Thị Mầu "phải lòng". Sau nhiều lần ve vãn không kết quả, Thị Mầu có ý giận Kính Tâm.

Vốn tính lẳng lơ, Thị Mầu lén lút ăn nằm với một tên đày tớ cho tới khi mang thai. Bị làng tra khảo tội chửa hoang, Thị Mầu vu oan cho Kính Tâm là cha của đứa trẻ trong bụng. Kính Tâm bị làng nọc ra phạt trượng, gia đình phú hộ bị làng phạt vạ.

Khi đứa trẻ ra đời, Thị Mầu đem con lên chùa trả cho Kính Tâm. Nhà chùa cho dựng căn lều ngoài chùa để Kính Tâm nuôi con.

Cho tới khi Kính Tâm chết, nhà chùa cho người ra liệm mới phát giác ra là gái giả trai.

Lời vu cáo của Thị Mầu chỉ là một con én. Các viên chức trong làng phải có thêm vài con én khác để xác minh lời khai của Thị Mầu (lời khai của nhà chùa và của bạn bè Thị Mầu, chứng cớ nơi Thị Mầu làm tình ...)

Trong truyện Tam quốc, Tào tháo bị truy nã phải chạy trốn. Một bữa kia Tào Tháo vào ẩn náu trong nhà một người thân tín. Nửa đêm nghe tiếng vợ chồng chủ nhà xì xào bàn tán gì đó, Tào Tháo có bụng ngờ. Tới khi nghe tiếng mài dao, Tào Tháo cho là chủ nhà âm mưu giết mình bèn chém chết chủ nhà rồi bỏ chạy.

Sự thật là vợ chồng chủ nhà bàn nhau giết heo đãi Tào Tháo và người chồng mài dao để thọc huyết heo.

Chủ nhà bị chết oan chỉ vì một con én: tiếng mài dao.

Nếu Tào Tháo bình tĩnh nghe ngóng thêm sẽ có tiếng người vợ xuống bếp nấu nước sôi và tiếng heo kêu vì bị bắt trói. Đó là những con én cần và đủ để suy luận ra sự thật.

Vậy mà khi biết mình đã giết oan, Tào Tháo tự biện hộ "thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta".

Chẳng khác gì chính sách "giết lầm hơn tha lộn" của những kẻ độc tài phát xít.

Tuy nhiên có những nhận định hoặc quyết định sai lầm từ đàn én do nhân tố khách quan hoặc chủ quan.

Quyết định của Tư lệnh chiến trường phần lớn tùy thuộc vào "đàn én" tình báo. Một "con én giả mạo" do đối phương khéo léo tung ra có thể lừa gạt tình báo khiến cuộc hành quân thất bại.

Có những vụ án do âm mưu dàn dựng đàn én để kết tội đối thủ trong cuộc thanh trừng chính trị.

Có khi đúng là đàn én bay về nhưng vẫn có người không tin là mùa xuân.

Trong vụ án O. J. Simpson nổi tiếng năm 1995, những bằng chứng do Công tố trưng ra quá đủ để kết tội Simpson giết vợ cũ và bạn trai của nàng. Nhưng luật sư của bị can trưng ra một con én khác chống lại đàn én của Công tố: viên cảnh sát điều tra vụ án là một người phân biệt chủng tộc (racist). Bồi thẩm đoàn được luật sư của bị cáo cho nghe một đoạn ghi âm viên cảnh sát khinh miệt và nhục mạ người Mỹ da đen. Như vậy cuộc điều tra được cho là ngụy tạo và thiên lệch vì bị cáo là da đen và nạn nhân là da trắng. Bồi thẩm đoàn bị hỏa mù do luật sư của bị cáo tung ra. Kết cuộc Simpson được tha bổng.

Ngày nay trong một vài trường hợp, câu châm ngôn của người Pháp bị đảo ngược.

Do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bằng một việc đơn giản là phân tích DNA người ta đã minh oan cho người vô tội trước đây bị kết án lầm về tội giết người hoặc hiếp dâm. Như vậy chỉ một con én cũng đem lại mùa xuân cho người tưởng suốt đời là mùa đông.

Bùi Quý Chiến

-------------------------------------------
CƯỚC CHÚ
1-/ On ne peut rien conclure d'un seul exemple .
2-/ Il n'y a point de conséquence à tirer d'un seul exemple .
3-/ Il n'y a pas de conséquence à tirer d'un seul cas , d'un fait isolé .



Powered by Blogger.