Đừng Vì Ghét Hay Thương Một Tổng Thống Dân Chủ Mà Chọn Phía Độc Tài
Dịch này là dịch Trung Cộng. Người viết không viết theo đuôi chỉ nhằm tung hô hay đả đảo một ai dù người đó là tổng thống.
Lý do?
Chế độ chinh trị không tạo ra một căn bịnh nhưng chịu trách nhiệm trong việc chữa trị và ngăn ngừa căn bịnh bằng các phương tiện y học và văn hóa giáo dục.
Với chủ trương “Làm giàu là vinh quang”, Đặng Tiểu Bình nghĩ rằng con người khi giàu có, nhiều tiền của tư cách của họ cũng thay đổi, tự động sống có “văn hóa” hơn.
Trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình “America’s 60 Minutes” năm 1986 Đặng nói: “Theo tư tưởng Marx, xã hội CS đặt trên cơ sở một xã hội thừa thãi vật chất. Chỉ khi nào sự dư thừa vật chất thì nguyên tắc của xã hội CS ‘làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu’ mới được áp dụng. Xã hội chủ nghĩa là giai đoạn đầu để tiến tới chủ nghĩa CS.”
Đạo lý cũng như thực tế chỉ ra tiền bạc không làm nên một đất nước hay một con người văn hóa.
Những thành công kinh tế ngắn hạn của Trung Cộng chỉ là kết quả của tham vọng và mưu đồ của giới cai trị chứ không do sự phát triển tự nhiên, hài hòa phù hợp với dòng văn minh nhân loại.
Trong lịch sử loài người không có chế độ độc tài nào thật sự mang lại hạnh phúc lâu dài cho dân tộc. Một nước đại kỹ nghệ như Liên Sô đã sụp đổ chỉ trong vòng vài tháng.
Sai lầm của Đặng Tiểu Bình và đảng CSTQ khi đặt toàn bộ sự phát triển xã hội trên ý thức hệ Marxism dẫn đến thảm trạng đại dịch trên toàn thế giới hiện nay.
Liên Sô thời cực thịnh chỉ có 4 phần trăm tổng sản lượng nội địa (GDP) phụ thuộc vào mậu dịch quốc tế. Trong điều kiện toàn cầu hóa ngày nay, Trung Cộng với gần 40 phần trăm GDP dựa vào mậu dịch quốc tế, đang đe dọa trực tiếp đến an sinh của nhân loại.
Sự hẹp hòi, ích kỷ và tham vọng bành trướng của các lãnh đạo Trung Cộng từ Đặng cho tới Tập đang ảnh hưởng đến sinh mạng của con người, không chỉ những cụ già ở Ý, Mỹ mà cả em bé vừa mới chào đời vài phút đã bị chẩn đoán dương tính Coronavirus ở Anh hôm 14 tháng 3, 2020.
Ai là những kẻ phải chịu trách nhiệm hàng đầu, chính phủ Mỹ hay tập đoàn lãnh đạo đảng CSTQ?
Khi phải đối diện với một biến cố ngoài dự liệu, ngoài sự hiểu biết và ngoài tầm kiểm soát, che đậy và lừa dối trở thành một phản ứng tự nhiên của chế độ CS.
Những ai quen thuộc với chánh sách đối nội của Tập Cận Bình đều biết y đang dùng tới trang cuối cùng của bộ sách tẩy não để cố đánh lạc hướng dư luận không phải quốc tế mà dư luận Trung Quốc khi đổ lỗi nguồn gốc của ‘virus’ cho Mỹ bằng một loại thuyết âm mưu cũ rích chỉ lừa gạt được những ai thiếu hiểu biết.
Làn sóng ngầm chống đảng CSTQ đang âm ỉ trong lòng người dân TQ.
Tiếng thét “Chúng tôi muốn tự do phát biểu” trên mạng chính thức của Trung Cộng nằm bên trong bức tường lửa của Weibo ngày 6 tháng 2, 2020 cho thấy con người không còn sợ hãi khi chính bản thân họ, gia đình họ và đồng bào họ bị đe dọa trực tiếp.
Những kẻ đang lo sợ là họ Tập và giới cai trị tại Trung Quốc.
Hai câu văn chống chế độ CSTQ dưới đây giống như trích trong cùng một tuyên ngôn.
Câu thứ nhất:
“Vô số người Trung Quốc sẽ trưởng thành sau ngày hôm nay khi họ biết bác sĩ Lý qua đời, rằng thế giới không đẹp như chúng ta hình dung. Bạn nổi giận? Nếu ai trong số chúng ta còn may mắn có cơ hội để nói lên tiếng nói của người dân trong tương lai, xin đừng quên cơn giận tối nay.”
Câu thứ hai:
“Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, sẽ có một ngày khi chúng tôi có thể hát bài hát vui mừng và chiến thắng cho những người đã chết hôm qua, cho những người đang chết hôm nay, và sẽ chết ngày mai, và cho những người gặp nhau đây rồi vĩnh biệt hôm sau.”
Câu trước phát biểu ngày 6 tháng 2, 2020 và câu sau được viết vài hôm sau ngày 4 tháng 6, 1989 trên tường Thiên An Môn chưa khô vết máu.
Thời gian cách nhau 31 năm nhưng cả hai đều thống thiết và phẫn uất.
Nhưng quan trọng hơn, cả hai câu văn có một chữ giống nhau đó là “tương lai”. Điều đó cho thấy, nhiều thế hệ người Trung Quốc vẫn ôm một khát vọng, một ước mơ và một hứa hẹn không bao giờ chết.
Tự do là quyền bẩm sinh của con người dù đó là bác nông dân Việt Nam, người thợ mỏ Nam Phi hay anh chăn cừu Mông Cổ.
Đúng vậy, phong trào Thiên An Môn bùng nổ và đã bị dập tắt nhưng chắc chắn một Thiên An Môn khác đang được hình thành tại Trung Quốc bởi vì khát vọng tự do dân chủ là ngọn lửa thiêng âm thầm cháy trong lòng người dù đang sống ở đâu trên mặt đất này.
Do đó không lạ gì khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên (Zhao Li Jian) trong ‘tweet’ bằng Anh Ngữ “Đại dịch có thể do lính Mỹ mang tới Vũ Hán” (it may be us army who brought the epidemic to Vu Han)”.
Theo nội dung trong ‘tweet’ của Triệu Lập Kiên Coronavirus là dịch Mỹ. Y còn xúc phạm tới quân đội Mỹ khi cho rằng “do lính Mỹ mang tới Vũ Hán”.
Triệu Lập Kiên không phải ‘tweet’ một lần mà nhiều lần.
‘tweet’ của y được “dư luận viên” và các thành phần ghét Mỹ chuyền đi nhiều ngàn lần. Báo chí Nga và báo chí có khuynh hướng chống Mỹ ở Châu Âu cũng hò theo cùng một giọng như Triệu Lập Kiên.
Nếu câu nói đó phát xuất từ một thường dân Trung Quốc đang nóng giận hay thậm chí một tờ báo đảng thì không nói làm chi, đằng này Triệu Lập Kiên là tiếng nói của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng thay mặt chính phủ lên tiếng về các chính sách đối ngoại.
Những phát biểu của y cho thấy sau giai đoạn hốt hoảng đảng CSTQ đang tuyệt vọng tìm một lối thoát.
Lẽ ra Triệu Lập Kiên phải biết đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và mọi người nên tập trung vào việc giải quyết vấn đề của con người và hỗ trợ lẫn nhau như con người bất kể họ sống ở đâu trên khuôn mặt của hành tinh này.
Lẽ ra Triệu Lập Kiên phải biết dù nguyên nhân sâu xa là gì hay liệu chính phủ Trung Quốc có cố tình sản xuất ‘virus’ hay không sẽ được thảo luận tại các hội nghị quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ sau đó.
Lẽ ra Triệu Lập Kiên phải biết không chính phủ nào, một chủ tịch nào, một tổng thống nào nên thao túng thời điểm khó khăn này vì lợi thế tuyên truyền của chính họ.
Trước khi Triệu Lập Kiên tuyên bố, trong chính phủ Mỹ không ai trực tiếp nhắc đến Trung Quốc là nước duy nhất chịu trách nhiệm cho ‘virus’ ngoài việc khi truy tìm thời điểm và địa danh nơi xuất phát là Vũ Hán. Chính chính phủ Trung Cộng cũng thừa nhận Vũ Hán khi cô lập thành phố 11 triệu dân này.
Triệu Lập Kiên liên tiếp đổ lỗi cho binh lính Mỹ và cố tình chuyển trách nhiệm sang Mỹ. Mỹ có nên chấp nhận sự đổ lỗi và nhận trách nhiệm của mình? Dĩ nhiên là không.
Do đó, việc TT Trump “‘tweet’” câu “Chinese Virus” là đúng. Ông không là người đầu tiên và tự động ‘‘tweet’’ những chữ đó mà chỉ là phản ứng của một tổng thống mà nhiều người biết cá tính của ông. Kết án ông “phân biệt chủng tộc” là quá đáng. Chuyện gì ra chuyện nấy, trường hợp nào nhận xét theo trường hợp nấy.
Trung Quốc trong "Chinese Virus" là Tập Cận Bình, là một nước cộng sản, là chế độ toàn trị không phải là người dân Trung Quốc tại lục địa hay đang sống ngoài lục địa.
Là những người đã phải chịu đau khổ dưới chế độ độc tài, chúng ta nên đứng về phía con người, phía nhân dân Trung Quốc chứ không nên vì ghét hay thương một tổng thống với nhiệm kỳ chỉ vài năm mà chọn đứng về phía độc tài.
Post a Comment