Gabriel José García Márquez - Đại Văn Hào Người Colombia
1/ Cuộc đời của Đại Văn Hào Garcia Marquez.
Gabriel José García Márquez còn có tên là Gabo, là một nhà báo, nhà văn viết tiểu thuyết và cũng là một nhà hoạt động chính trị. Ông Garcia Marquez chào đời vào ngày 6/3/1928 trong một gia đình nghèo, tại thị xã Aracataca trong tỉnh Magdalena, thuộc nước Colombia, nhưng ông sinh sống phần lớn cuộc đời tại thành phố Mexico City, nước Mễ Tây Cơ và tại châu Âu. Giới văn học coi ông là người đứng đầu phong trào văn chương hiện thực và ma thuật (magical realism movement) bởi vì phần lớn các tác phẩm của ông thuộc về thể loại này.Ông Garcia Marquez theo học ngành Luật Khoa và Báo Chí tại đại học Quốc Gia của thành phố Bogota và tại đại học Cartagena. Vào năm 1948, ông bắt đầu vào nghề nhà báo, làm việc lần lượt tại các thành phố Cartagena, Barranquilla và Bogota, rồi trong thập niên 1950, trở nên thông tín viên nước ngoài của tờ nhật báo El Espectador. Ông hoạt động tại Rome và Paris, trở lại Colombia rồi qua Caracas vào năm 1958. Từ năm 1959 tới năm 1961, ông Garcia Marquez là phóng viên của hãng thông tấn La Prensa của nước Cuba, tại Colombia, Havana và thành phố New York.
Qua thập niên 1960, ông là người viết kịch bản (screenwriter), nhà báo và nhà xuất bản tại thành phố Mexico City. Ông dọn qua Barcelona vào năm 1973 rồi trở lại Mexico vào cuối thập niên 1970. Vì chiều hướng chính trị khuynh tả, ông Garcia Marquez đã không được phép di chuyển dễ dàng qua nước Hoa Kỳ và trong xứ Colombia của ông.
Vào cuối thập niên 1940, ông Garcia Marquez bắt đầu viết các truyện ngắn, rồi vào năm 1955, cho xuất bản tác phẩm đầu tiên có tên là "Trận Bão Lá" (Leaf Storm = La hojarasca). Trong cuốn truyện này, đã xuất hiện ngôi làng hư cấu Macondo (fictional village) và tác giả đã dùng tới thể văn hiện thực với các nhân vật có tính huyền ảo hay ma thuật.
Một tác phẩm đầu tay khác của tác giả Garcia Marquez là cuốn tiểu thuyết "Câu Chuyện của một Thủy Thủ bị đắm tầu" (The Story of a Shipwrecked Sailor = refigerador roto, 1970), kể về một tầu hải quân Colombia buôn lậu, nên đã gây ra tranh luận và tác giả bị coi là một người không được chấp nhận (persona non grata) đối với chính quyền của Tướng Gustavo Rojas Pinilla.
Các bài viết từ năm 1958 trên tạp chí Mito của xứ Colombia được tác giả Garcia Marquez in thành tác phẩm vào năm 1962 rồi qua năm 1968, được dịch sang tiếng Anh với tên là "Không Ai viết Thư cho ông Đại Tá" (No One Writes to the Colonel = El coronel no tiene quien le escriba, 1968), kể lại câu chuyện của một cựu chiến binh lớn tuổi mà các thành tích chiến đấu cho quê hương đã không được ai biết tới. Cũng vào năm 1962, Garcia Marquez còn cho xuất hiện tác phẩm "Vào Giờ Độc Ác" (In Evil Hour = La malahora, 1962), đây là câu chuyện liên quan tới sự đàn áp chính trị tại xứ Macondo.
Garcia Marquez đạt được danh vọng quốc tế vào năm 1967 khi ông sinh sống tại xứ Mexico và cho xuất bản tác phẩm rất danh tiếng "100 Năm Cô Đơn" (One Hundred Years of Solitude = Cien ano de soledad, 1967). Cuốn tiểu thuyết này kể lại câu chuyện của gia đình Buendia sinh sống trong thị xã cô đơn Macondo với các khám phá về gia đình này và về thị xã, đều mang tính bi thương (tragic), và tác giả Garcia Marquez đã mô tả các biến cố dưới hình thức của thứ truyện khó tin.
Cuốn tiểu thuyết này được diễn tả như là biểu tượng lịch sử của phần đất Mỹ Châu La Tinh (Latin America), được kể lại bằng các nhân vật và địa phương bí ẩn, đây còn là bản văn anh hùng ca kể về một gia đình lớn, phức tạp, trải dài qua nhiều thập niên và bao gồm bên trong các truyền thuyết và kinh nghiệm của con người, nên đã khiến cho người đọc phải suy nghĩ theo triết học về bản chất của thời gian và sự cô đơn. Giá trị của tác phẩm này không chỉ nằm trong cách dùng thể văn mới mẻ, hiện thực và ma thuật (magical realism), mà còn hàm chứa vẻ đẹp của ngôn ngữ Tây Ban Nha. Thể văn cô đọng, hoàn cảnh phức tạp của cốt truyện đã làm cho nhiều người phải nhớ tới Đại Văn Hào William Faulkner của Hoa Kỳ.
Sau khi phát hành, tác phẩm "100 Năm Cô Đơn" đã bán được hơn 10 triệu ấn bản và nhờ sáng tác xuất sắc này, nhà văn Garcia Marquez đã lãnh Phần Thưởng Romulo Gallegos vào năm 1972 và Giải Thưởng Nobel Văn Chương lừng danh vào năm 1982.
Garcia Marquez cũng viết cùng với nhà văn Mario Kargas Llosa một bộ sách phê bình văn học có tên là "La novela en America Latina" (1968). Hai tuyển tập các truyện ngắn của ông, viết xong năm 1972 và dịch sang tiếng Anh năm 1978, là cuốn "Câu Chuyện buồn và khó tin của cô Erendira ngây thơ và bà nội không có trái tim của cô ta" (The Incredible and Sad Tale of Innocent Eréndia and her heartless Grandmother = La increible y triste historia de la cándida Eréndira y de su abuela desalmada, 1978), cuốn thứ hai tên là "Con Mắt của con Chó Xanh" (Eyes of a Blue Dog = Ojos de perro azul).
Các năm sau, Garcia Marquez xuất bản cuốn tiểu thuyết "Mùa Thu của viên Tộc Trưởng" (The Autumn of the Patriarch = El otono del patriarca, 1975), đây là các câu chuyện châm biếm, ám chỉ các nhà độc tài của các xứ Mỹ Châu La Tinh. Một số sáng tác của Garcia Marquez có thể xếp vào loại vừa hư cấu (fiction), vừa không hư cấu (non-fiction), đáng kể nhất là tác phẩm "Biên Niên Sử của một cái Chết đã được báo trước" (Chronicle of a Death Foretold = Cronica de una muerte anunciada, 1981), cứu xét về các biến cố chung quanh một vụ sát nhân, hay câu chuyện trả thù giết người tại một tỉnh trong vùng Trung Mỹ.
Tác phẩm "Tình Yêu vào Thời Thổ Tả" (Love in the Time of Cholera = El amor en los tiempos del cólera, 1985) là câu chuyện dùng tới các mẩu chuyện tỏ tình của cha mẹ tác giả, đây là một cách suy nghĩ về tính thủy chung trong một tình yêu lãng mạn, và còn nhiều sáng tác khác trong đó có các nhân vật, địa điểm, sự kiện... đã xẩy ra và được nhắc lại, tất cả đã tạo nên một thứ tiểu vũ trụ của Garcia Marquez (the Garcia Marquez universe), bởi vì tác giả này cũng đã nghiên cứu, mô tả về cảnh già, cõi chết và các đám tang... Tác giả đã dùng trực giác một cách khéo léo để nhận thức về sự thoái hóa của đời người, trong đó sức mạnh của đời sống và của tình yêu đã chế ngự mà mọi người không bao giờ hiểu nổi.
Tác phẩm xuất hiện vào năm 1989 là cuốn "Viên Tướng trong Mê Cung" (The General in his Labyrinth = El general en su laberinto), một truyện hư cấu ám chỉ những tháng cuối cùng của vị anh hùng đã giải phóng vùng Mỹ Châu La Tinh là ông Simon Bolivar.
Vào năm 1999, Đại Văn Hào Garcia Marquez được bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh ung thư bạch huyết (lymphatic cancer), sự việc này đã khiến ông bắt đầu viết hồi ký. Qua năm 2000, một tờ nhật báo của xứ Peru đã loan tin sai là ông Garcia Marquez qua đời.
Năm 2002, Garcia Marquez xuất bản tập đầu tiên trong bộ sách 3 cuốn tự truyện (autobiography) với tên là "Sống để Kể Chuyện" (Living to Tell the Tale = Vivir para contarla). Đây là cuốn sách bán chạy nhất (a bestseller) trong thế giới nói tiếng Tây Ban Nha. Bản dịch sang tiếng Anh được Edith Grossman thực hiện và phát hành vào năm 2003, cũng trở nên tác phẩm bán chạy nhất.
Vào ngày 10/9/2004, tờ nhật báo El Tiempo của thành phố Bogota loan báo một cuốn tiểu thuyết mới của Đại Văn Hào Garcia Marquez: "Hồi Ký của các con Đĩ ảm đạm của Tôi" (Memories of My Melancholy Whores = Memoria de mis putas tristes). Ấn bản đầu tiên của tác phẩm này đã xuất hiện vào tháng 10 năm đó với số lượng một triệu cuốn.
Đại Văn Hào Garcia Marquez đã bị mang tiếng vì chiều hướng chính trị khuynh tả, ông đã từng là bạn thân của Fidel Castro, nhà độc tài của xứ Cuba, và trong thập niên 1960 và 1970, ông đã tỏ rõ là có thiện cảm với các nhóm cách mạng Mác Xít trong vùng Mỹ Châu La Tinh nhưng dù thế, ông đã không ủng hộ các nhóm du kích như FARC và ELN từng hoạt động trong nước Colombia.
Vào năm 2012, người em của ông Garcia Marquez tên là Jaime đã cho mọi người biết rằng Đại Văn Hào Marquez đã bị mắc bệnh mất trí nhớ nhẹ (dementia), rồi vào tháng 4 năm 2014, ông phải vô bệnh viện vì bị nhiễm trùng phổi và đường tiểu cũng như bị mất nước (dehydration). Tổng Thống nước Mexico là ông Enrique Pena Nieto đã viết lời chúc tới Đại Văn Hào Marquez như sau: "Tôi cầu chúc Ông mau chóng bình phục". Tổng Thống nước Columbia là ông Juan Manuel Santo cũng nói: "Mọi người trong nước Columbia cầu mong sớm bình phục cho một người danh tiếng nhất trong mọi thời đại: Gabriel Garcia Marquez".
Đại Văn Hào Gacia Marquez qua đời vì bị bệnh sưng phổi (pneumonia) ở tuổi 87 vào ngày 17 tháng 4 năm 2014, tại thành phố Mexico, để lại một người vợ và 2 con trai.
Cựu Tổng Thống nước Columbia là ông Alvaro Uribe Vélez đã nói: "Cảm ơn mãi mãi, Bậc Thầy Garcia Marquez, hàng triệu người trên hành tinh này yêu quốc gia của chúng ta vì họ bị ám ảnh bởi các giòng chữ của ông" (Master Garcia Marquez, thanks forever, millions of people in the planet fell in love with our nation fascinated with your lines).
2/ Các Tác Phẩm chính của Đại Văn Hào Gabriel Jose Garcia Marquez.
Các Tiểu Thuyết:• 1962 – Vào Giờ Độc Ác (In Evil Hour)
• 1967 – 100 Năm Cô Đơn (One Hundred Years of Solitude)
• 1975 – Mùa Thu của viên Tộc Trưởng (The Autumn of the Patriarch)
• 1981 – Biên Niên Sử của một cái Chết đã được báo trước (Chronical of a Death Foretold)
• 1985 – Tình Yêu vào Thời Thổ Tả (Love in the Time of Cholera)
• 1989 – Viên Tướng trong Mê Cung (The General in his Labyrinth)
• 1994 – Về Tình Yêu và các Con Quỷ khác (Of Love and Other Demons)
Các Truyên Ngắn, Tiểu Thuyết Ngắn và Tuyển Tập:
• 1947 – Con Mắt của con Chó Xanh (Eyes of a Blue Dog)
• 1955 – Trận Bão Lá (Leaf Storm)
• 1961 – Không Ai viết Thư cho ông Đại Tá (No One Writes to the Colonel)
• 1962 – Đám Táng của Bà Má Lớn (Big Mama's Funeral)
• 1968 – Một Người rất già với các Cánh Lớn (A Very Old Man with Enormous Wings)
• 1978 – Câu Chuyện buồn và khó tin của cô Erendira ngây thơ và bà nội không có trái tim của cô ta (The Incredible and Sad Tale of Innocent Erendira and her Heartless Grandmother)
• 1992 – Các Kẻ Hành Hương lạ lùng (Strange Pilgrims)
• 1995 – Người Đẹp Trai nhất thế giới bị chết đuối (The Handsomest Drowned Man in the world)
• 1998 – Vì Đất Nước trong tầm Trẻ Em (For the Sake of A Country Within Reach of The Children)
• 2004 – Hồi Ký của các con Đĩ ảm đạm của Tôi (Memories of My Melancholy Whores).
Các Truyện không hư cấu (Nonfiction)
• 1970 – Câu Truyện của một Thủy Thủ bị đắm tầu (The Story of a Shipwrecked Sailor)
• 1986 – Các cuộc Phiêu Lưu của Miguel Littin (Clandestine in Chile: The Adventures of Miguel Littin)
• 1996 – Tin Tức của một vụ Bắt Cóc (News of a Kidnapping)
• 2002 – Sống để Kể Chuyện (Living to Tell the Tale).
3/ Các chi tiết về Tác Phẩm “100 Năm Cô Đơn”.
Thời gian và địa điểm của tác phẩm: 1965- 1967, thành phố Mexico.Năm phổ biến đầu tiên: 1967.
Nhà xuất bản: Editorial Sudamericanos, S.A.
Loại tác phảm: tiểu thuyết ma thuật và hiện thực.
Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha.
Thời gian của bối cảnh: đầu các năm 1800 tới giữa các năm 1900.
Nơi bối cảnh: Macondo, một làng hư cấu tại xứ Columbia.
Thể văn: quá khứ.
Người kể chuyện: người thông suốt mọi chuyện trong ngôi thứ ba.
Quan điểm: của người kể chuyện.
Nhân vật chính: gia đình Buendia.
Ý nghĩa của tác phẩm: sự phấn đấu giữa các cách sống cũ và mới.
4/ Nội dung Tác Phẩm "100 Năm Cô Đơn".
“100 Năm Cô Đơn” gồm 20 chương không đánh số. Chương đầu tiên kể về nguồn gốc của gia đình Buendía lập nghiệp tại một thị trấn giả tưởng Macondo. Câu chuyện bắt đầu với trí nhớ của Đại Tá Aureliano Buendía đối diện với đội lính xử bắn và mọi câu chuyện được kể lại qua trí nhớ của nhiều nhân vật. Người kể chuyện cho biết cha của Đại Tá là José Arcadio Buendía, mẹ là Úrsula Iguarán, người du sinh gypsy Melquiades và một nhóm nhỏ các người định cư ban đầu, tất cả đã lập nên ngôi làng Macondo nhỏ bé. Do sống tại một nơi cô lập và cô đơn cả về mặt tâm lý, người dân của làng Macondo chỉ biết về các tiến bộ bên ngoài nhờ những người du sinh gypsies. Một trong những người chuyên sống lang thang này tên là Melquiades đã có được một cuốn sổ chữ Phạn (sanskrit) trong đó có chứa đựng lịch sử và số mệnh của gia đình Buendía và cuốn sổ ghi này sẽ được giải mã trước khi người trưởng thành cuối cùng của gia đình Buendía qua đời.
Macondo là một nơi không có trên bản đồ và tại nơi này, mọi thứ đều mang vẻ ma thuật (magic). Và sự cô đơn tỏa ra tại khắp nơi, từ mọi đồ vật. Thị trấn Macondo nằm bên ngoài nền văn minh, sau rặng núi dẫn đến thành phố cổ Riohacha, nơi này nhiều năm về trước, tổ tiên của gia đình Buendía đã cư ngụ. Vào thời xa xưa đó, người tộc trưởng tên là Jose Arcadio và vợ Úrsula, là họ hàng với nhau, đã sinh sống trong sợ hãi rằng họ sẽ sinh ra một đứa bé có đuôi heo. Sự sợ hãi là một chủ đề thường thấy của cuốn tiểu thuyết. Nỗi sợ hãi này đã ám ảnh và theo đuổi 6 thế hệ của gia đình này, đã ảnh hưởng xấu tới tình yêu chân thành và các truyền thống thành thực của họ.
Sau đám cưới với José Arcadio Buendía, nàng Úrsula từ chối liên hệ tình dục với chồng vì e sợ sẽ sinh ra một thứ con mang hình bóng của quỷ dữ. Nàng bèn luôn luôn đeo trong người một thứ khóa trinh để không cho phép người chồng giao hợp. Vào một ngày kia, José Arcadio thắng Prudencia Aguilar trong một trận chọi gà và Aguilar đã chế nhạo Arcadio về sự trinh tiết của Úrsula. Vì bị xỉ nhục, José Arcadio nổi giận, bèn dùng một chiếc giáo đâm vào cổ Aguilar. Từ nay, Úrsula luôn luôn cảm thấy hồn ma của người chết đó tìm cách bịt họng người chồng của nàng.
Hồn ma Aguilar luôn luôn ám ảnh đôi vợ chồng Buendía này khiến cho họ phải chạy khỏi ngôi làng của tổ tiên. Cùng với một số bạn bè, đôi vợ chồng này đã đi vào trong rừng sâu và Jose Arcadio II đã ra đời trong chuyến thám hiểm và sau hai năm làm việc kiệt lực, Jose Arcadio Buendía nằm mơ thấy một thành phố có các bức tường bằng kính. Jose bèn dùng giấc mơ này làm điềm lành để thuyết phục một số người quen xây dựng nên thị trấn Macondo.
Khi Jose Arcadio Buendía và vợ Ursula cùng với 20 nhà thám hiểm định cư trong rừng rậm, thế giới tại nơi này hầu như sơ khai, mọi vật hầu như chưa có tên và khi muốn có đồ vật nào, người ta phải chỉ tay vào món đó. Thị trấn mới này chìm trong cảnh cô đơn. Người con thứ hai của gia đình Buendía là Aureliano, người mà sau này trở nên Đại Tá, đã sinh ra tại nơi đây. Khung cảnh sống tại nơi bán khai này mang vẻ nhàm chán, lặp lại cùng với các hành động, cùng các bộ mặt và ngay cả cùng với tên của các người trong gia đình. Người con trai Jose Arcadio II đã liên hệ tình cảm với cô người làm Pilar Ternera, một người biết bói toán, biết đoán điềm giải mộng và họ sinh ra đứa con trai Arcadio III.
Jose Arcadio đã tổ chức nơi định cư nhỏ bé thành một cộng đồng kiểu mẫu, đã trù liệu đường phố thế nào để mọi căn nhà nằm trong bóng mát, tránh khỏi ánh sáng mặt trời nhiệt đới, nhưng Macondo vẫn là một nơi nóng bỏng và khi làn sóng nhiệt độ cao tràn tới, mọi người và thú vật đều hóa điên. Khi đó, chim muông đánh phá các căn nhà và thị trấn chìm trong cơn dịch mất ngủ. Cơn dịch này khiến cho mọi người không những mất ngủ mà còn mất trí nhớ.
Khi tên các đồ vật và cách dùng bị quên hết, Jose Arcadio phải làm ra một từ điển điện toán sơ khai, làm được 14 ngàn danh từ thì anh chàng du sinh gypsy tên là Melquiades trở về Macondo với liều thuốc chữa nạn dịch mất ngủ. Việc tàn phá trí nhớ, giống như cảnh lão suy và bài thuốc chữa trị là dấu ấn của cách trở về với lịch sử, với khoảng thời gian theo niên biểu và theo tâm lý và cũng là cách để đi về cảnh cô lập kỳ lạ.
Giống như trong Thánh Kinh, cách bắt đầu mọi sự việc đều từ "lời nói", thứ này mang lại ánh sáng nhận thức của con người. Câu chuyện khởi đầu bằng trí nhớ khi một đứa trẻ khám phá ra một vật gì lần đầu tiên. Trong trường hợp cuốn truyện, đứa trẻ không chỉ là ông đại tá mà còn là người cha của ông này, ông cố José Arcadio Buendía. Đây là người bị ám ảnh giống như trẻ con về các thứ thông thường, với tất cả mọi người, ngoại trừ những người Macodians.
5/ Ý nghĩa của Tác Phẩm.
Chủ đề của cuốn truyện “100 Năm Cô Đơn” là sự "cô đơn". Một thí dụ điển hình của con người cô đơn là đại tá Aureliano Buendía. Thời thiếu niên đã khiến ông ta phải yên lặng và cô độc, ông ta luôn luôn là người tỵ nạn trong cảnh cô đơn. Do sinh đẻ tại Macondo, ông ta đương nhiên hòa nhập vào cái cộng đồng bất hạnh này, đã “khóc” trong bụng mẹ Ursula, buồn tủi trong cảnh sống sắp tới.
Macondo cũng là một thị trấn cô đơn. Trong nhiều năm trước kia, thị trấn này không liên lạc với thế giới bên ngoài ngoại trừ các người du sinh tới nơi đây để bán hàng. Người tộc trưởng của gia đình Buendia là Jose Arcadio Buendia cũng là người thích sống xa cách với các người khác, thường chìm đắm trong cảnh cô đơn để tìm kiếm các vấn đề bí ẩn và đặc tính này đã truyền lại cho các con cháu nhiều đời sau.
Do dần dần tiếp xúc với nền văn minh, ngôi làng Macondo ban đầu đã mất đi trạng thái trong trắng và cô đơn, để trở nên tiến bộ nhưng các cuộc nội chiến đã mang lại nhiều cảnh bạo lực và chết chóc cho ngôi làng yên tĩnh trước kia và Aureliano trở nên thủ lãnh của các người nổi loạn và được gọi là Đại Tá Aureliano Buendia. Làng Macondo mất đi phong cảnh đồng quê thanh bình và ma thuật, mà trở thành một thị trấn liên lạc với thế giới bên ngoài qua viên đại tá nhiều tiếng xấu. Chính quyền của thị trấn này cũng thay đổi nhiều lần và người tàn ác nhất trong giòng họ Buendia đã cai trị thị trấn và sau này bị xử bắn trước đội hành quyết. Một thị trưởng khác được bầu lên nhưng rồi ông ta bị chết trong một cuộc nội chiến, chỉ tới khi có hiệp ước, thị trấn Macondo mới được hưởng hòa bình trong cảnh cô đơn và cô lập.
Tác giả Garcia Marquez đã mô tả các thời điểm quan trọng của các nhân vật Buendia qua những cảnh đời: sinh ra, yêu đương, kết hôn và qua đời. Một số người trong gia đình này thì hoang dã, tham tình dục, các người khác lại yên lặng và cô đơn, ưa thích ẩn mình trong phòng để làm ra các con cá vàng rất nhỏ hay chăm chú xem xét các bản viết cổ.
Nền văn minh tới làng Macondo khi các nhà tư bản đế quốc, tức là các người Mỹ, thiết lập nên tại nơi đây một đồn điền trồng chuối, họ đã khai thác đất đai và bóc lột công nhân. Do cách đối xử vô nhân đạo, các công nhân đã đình công. Cuộc đàn áp do quân đội về phe các nhà tư bản, đã làm cho hàng ngàn người thiệt mạng và sau khi các tử thi bị ném xuống biển, Macondo bị 5 năm mưa liên tục, tạo nên cảnh lụt lội rồi suy tàn. Các năm tháng bạo hành và tiến bộ sai, đã đưa thị trấn Macondo trở về thứ chu kỳ tiền định rất buồn thảm.
Trong phần đầu của tác phẩm "100 Năm Cô Đơn", hai đặc tính hiện thực và ma thuật (the magic) có vẻ không hòa hợp với nhau nhưng cả hai đã được tác giả coi là cần thiết để diễn tả quan niệm của tác giả về thế giới bên ngoài. Theo nhà văn Garcia Marquez, sự thực tại (reality) không phải là thứ mà một người quan sát đã kinh nghiệm, mà phải do các cá nhân có quá trình khác nhau nhận xét nhờ kinh nghiệm của từng người. Thứ viễn cảnh đa dạng này rất thích hợp với miền Mỹ Châu La Tinh, là miền đất còn bỡ ngỡ trước sự tân tiến và thời kỳ ban đầu của cách kỹ nghệ hóa, đây là nơi bị tàn phá vì các cuộc nội chiến, bị cướp bóc do chủ nghĩa đế quốc, vì vậy các kinh nghiệm của người dân nơi đây khác với thứ của người dân sống trong một xã hội đồng nhất hơn.
Trường phái hiện thực ma thuật (magical realism) đã chuyên chở một thứ thực tại (reality) bao gồm bên trong đặc tính ma thuật mà tôn giáo và các niềm tin dị đoan đã mang lại cho xã hội nơi đây. Tác phẩm "100 Năm Cô Đơn" cũng bao gồm các chuyện kể theo Thánh Kinh và các thần thoại của vùng Mỹ Châu La Tinh và tác giả Garcia Marquez đã pha trộn thực tại (reality) với hư cấu (fiction) để chứng tỏ rằng đôi khi sự hư cấu còn "thực" hơn cả sự thực tại: các cảnh tàn sát những công nhân của Macondo đã là những nỗi kinh hoàng mà người ta không thể tưởng tượng ra nổi. Rồi thì, đời sống thực bắt đầu với những kỳ quặc (fantasy) mà cuốn tiểu thuyết cố gắng tạo ra cùng các cảm giác. Tác giả như vậy muốn chứng tỏ rằng sự thực tại thì có tính chủ quan (subjective) và tùy thuộc vào từng cá nhân.
Một ý nghĩa khác trong tác phẩm "100 Năm Cô Đơn" là ý niệm về "thời gian". Nhiều thế hệ của gia đình Buendia đã có các cá tính lặp lại do di truyền. Ursula Iguaran là người đầu tiên của Macondo đã nhận biết rằng "thời gian" thì không hữu hạn, mà dần dần tiến về phía trước và sự đồng thời của các thời gian khiến cho nhiều người mắc bệnh "quên" khi họ lẫn lộn quá khứ với tương lai và tương lai cũng dễ nhớ như quá khứ bởi vì cùng theo một thứ chu kỳ. Các lời tiên đoán của Melquiades chứng tỏ rằng các biên cố thì liên tục trong giòng thời gian, và kể từ khởi đầu của cuốn truyện, các người du sinh già có thể đoán trước được thời vận cuối cùng như thể các biến cố cùng xẩy ra và các bóng ma của Melquiades và Jose Arcadio Buendia đã cho thấy quá khứ của họ giống như hiện tại.
Một chủ đề khác của cuốn tiểu thuyết là "ngôn ngữ". Trong một thế giới mới được khai sinh, ngôn ngữ còn ở trong tình trạng chưa hoàn hảo. Nhiều thứ ngôn ngữ được đề cập trong cuốn truyện, từ cách trẻ em học vần, tới các giòng chữ sâm trên thân thể của Jose Arcadio, tới tiếng La Tinh nói ra do Jose Arcadio và các lời tiên đoán của Melquiades do phiên dịch tiếng Phạn (Sanskrit). Cuối cùng, cũng do cách đọc chữ mà thị trấn Macondo bị tàn phá như thể do một lời tiên tri và mỗi hành động đọc sách đều mang lại hậu quả do các ý nghĩa đã được tiền định.
"100 Năm Cô Đơn" còn mang một chủ đề khác, đó là "trí nhớ" (memory). Có những nhân vật trong truyện có quá nhiều trí nhớ trong khi một số khác lại mắc bệnh "quên lãng". Rebeca vì nhớ quá nhiều, đã khóa mình trong phòng và nỗi luyến tiếc những ngày tốt đẹp đã qua khiến cho bà ta không biết tới các thay đổi của thế giới bên ngoài, ngược lại, Đại Tá Aureliano Buendia bị mất hết trí nhớ. Lòng nhớ quê cũ và bệnh mất trí nhớ là hai thứ bệnh của giòng họ Buendia, một thứ buộc nạn nhân vào quá khứ, thứ kia làm cho nạn nhân bị lường gạt vì tương lai.
Tác phẩm "100 Năm Cô Đơn" còn đề cập tới nhiều câu trong Thánh Kinh với các nhân vật có tính ngụ ngôn. Làng Macondo được tạo nên từ sự chân thật, ngây thơ và kết thúc bằng trận lụt lội giống như trận Hồng Thủy. Jose Arcadio Buendia và vợ Ursula được diễn tả giống như Adam và Eve trong Vườn Địa Đàng, và giống hệt như nhân loại, cuộc đời của gia đình Buendia đã gặp cảnh cô đơn và các thảm họa không tránh khỏi, trong khi hạnh phúc thì phù du và xa vời.
Cuốn tiểu thuyết “100 Năm Cô Đơn” được Garcia Marquez xuất bản tại Buenos Aires vào giữa năm 1967, đã gây nên làn chấn động văn học trong khắp vùng Mỹ Châu La Tinh. Cuốn tiểu thuyết này được giới phê bình văn học coi là một tác phẩm lớn của nghệ thuật sáng tác và đã được quần chúng đón nhận với nhịp độ mỗi tuần lễ có một đợt xuất bản mới. Danh tiếng của Đại Văn Hào Gabriel Jose Garcia Marquez vang lừng, giống như các cầu thủ đá bóng hay các ca sĩ hát nhạc boleros, bởi vì tác phẩm “100 Năm Cô Đơn” là cuốn tiểu thuyết rất phức tạp và rất lôi cuốn người đọc.
Theo nhà văn Mario Vargas Llosa, “100 Năm Cô Đơn là tác phẩm nới rộng và phóng đại thứ thế giới đã được dựng nên bởi các cuốn truyện trước kia của tác giả” bởi vì qua tác phẩm này, Đại Văn Hào Garcia Marquez đã pha trộn nhiều yếu tố của các câu chuyện viết ra vào thời trước, kể cả các câu chuyện ngụ ngôn trong Thánh Kinh, các kinh nghiệm cá nhân và các yếu tố của loại truyện giả tưởng của các nhà văn viết tiểu thuyết người Hoa Kỳ.
Tai liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia, Cliffsnotes, Sparknotes./.
Post a Comment