Header Ads

Về Một Câu Đối Tết


Bùi Quý Chiến

Chúng ta đều biết một câu đối Tết rất phổ thông được lưu truyền từ xưa tới nay:

                             Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh
                             Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.

Gần đây nhiều người theo nhau sửa nhóm chữ "nêu cao pháo nổ" thành "cây nêu tràng pháo".

Lý lẽ nêu ra rằng sửa như thế mới đúng với ngữ pháp (văn phạm) của phép đối.

Trước khi nói tới phép đối chúng tôi xin trình bày quan điểm về ngữ pháp.

Mỗi dân tộc có chung một ngôn ngữ tất phải có chung cách phát biểu ý nghĩ thành lời nói hoặc lời văn. Ngữ pháp chỉ là kết quả của sự phân tích cách phát biểu ý nghĩ đó rồi xếp đặt chúng thành phép tắc.

Người xưa tuy không có ngữ pháp viết thành văn nhưng đã có cách phát biểu những tư tưởng cao siêu qua thi ca và các bài văn trong cử nghiệp.

Về phép đối, theo Việt nam văn học sử yếu của Dương quảng Hàm, người xưa chia ngôn ngữ ra thành 2 loại: thực tựhư tự.

Điều quan trọng là đối ý, kế đến là đối chữ.

Đối ý là tình đối với tình, cảnh đối với cảnh.

Đối chữ gồm 2 phép:

  1. Thực tự đối với thực tự, hư tự đối với hư tự.
  2. Vần bằng đối với vần trắc, vần trắc đối với vần bằng.

Không nhất thiết phải đối vần từng chữ, nhưng chữ cuối của nhóm chữ buộc phải đối vần với nhau. Thí dụ: "Tên reo đầu ngựa / giáo dan mặt thành" , "ngựa"  vần trắc phải đối với "thành" vần bằng.

Trong Việt nam văn học sử yếu, giáo sư Dương quảng Hàm định nghĩa:

- Thực từ = chữ nặng , là những tiếng hữu tình như hoa, cỏ, gió, mây...
- Hư từ = chữ nhẹ , là những tiếng vô hình như những tiếng đưa đẩy và những tiếng xa gần, có không, nhiều ít, cao thấp...

Theo Hán Việt từ điển của Đào duy Anh:

- Thực từ = danh từ, đối với hư từ
- Hư từ = trợ ngữ. Trừ danh từ và đại danh từ, còn bao nhiêu là hư từ cả.

Để hư từ được rõ nghĩa, tự điển có chua 2 tiếng Pháp đồng nghĩa với hư từ: particule, copulative.

Theo Dictionnaire de l' Académie francaise, particule là thuật ngữ của ngữ pháp (terme de grammaire) gồm giới từ, liên từ và thán từ, copulative là những chữ thuộc liên từ.

Như vậy thực từ bao gồm danh từ, đại danh từ, động từ, tính từ, trạng từ... ngoại trừ giới từ, liên từ và thán từ thuộc hư từ.

Và như vậy phép đối chữ của người xưa rất rộng rãi. Tuy nhiên đối ý rất quan trọng. Vì đối ý quan trọng nên những chữ kết hợp thành ý cũng phải được lựa chọn sao cho ý được đối nhau. Do đó dễ mà khó.

Trở lại câu đối Tết kể trên. "Nêu cao pháo nổ""thịt mỡ dưa hành" đều là thực từ nên chúng đối nhau rất chỉnh. Về ý, vế trên và vế dưới đều là đặc trưng của ngày Tết.

Tuy nhiên chúng tôi có thể biện hộ cho câu đối này theo ngữ pháp ngày nay.

Từng cặp "nêu cao / thịt mỡ" và "pháo nổ / dưa hành" được phân tích theo ngữ pháp ngày nay như sau:

- Nêu cao: cao là tính từ có vai trò bổ nghĩa cho nêu để phân biệt với "nêu chưa trồng lên""nêu đã hạ xuống". Từ bổ nghĩa cho danh từ được chúng tôi dịch từ modifier của ngữ pháp tiếng Anh. Ngữ pháp tiếng Việt và tiếng Anh có nhiều điểm giống nhau.

Thịt mỡ: mỡ tuy là danh từ nhưng có vai trò bổ nghĩa cho thịt để phân biệt với "thịt nạc""thịt ba chỉ."

- Pháo nổ: nổ tuy là động từ nhưng có vai trò bổ nghĩa cho pháo để phân biệt với "pháo chưa đốt"  và "pháo chưa mua".

- Dưa hành: hành là danh từ có vai trò bổ nghĩa cho dưa để phân biệt với "dưa giá""dưa cải".

Qua phân tich ngữ pháp trên, những chữ cao, mỡ, nổ, hành đều là từ bổ nghĩa cho nêu ,thịt, pháo, dưa  nên chúng đối nhau mặc dù là tính từ, động từ và danh từ.

Trong thơ và văn, danh từ cần được tô điểm bằng từ bổ nghĩa mới có "hồn". "Cây nêu, tràng pháo" chỉ là vật vô tri vô giác.

"Nêu cao" cho ta liên tưởng tới bộ phong linh bằng đất nung treo trên nêu được gió rung lên một điệu nhạc tuy mộc mạc nhưng thanh bình.

"Pháo nổ" cho ta liên tưởng tới bày trẻ vừa bịt tai vừa chạy quanh reo hò thích thú.

"Thịt mỡ" đối với người xưa rất hấp dẫn vì chỉ ngày giỗ tết mới được ăn thịt và phải là thịt mỡ béo ngậy mới ngon.

"Dưa hành" là bạn đồng hành của thịt mỡ ; béo ngậy thì mau ngán, dưa hành hóa giải chất béo khiến thịt mỡ không những không ngán mà còn tăng thêm vị ngon.

"Câu đối đỏ": màu đỏ là màu của hạnh phúc, trái với câu đối phúng đám ma viết trên vải trắng là màu của tang tóc.

"Bánh chưng xanh": bánh đã bóc lá dong để trước cúng sau ăn, màu xanh của  lá dong thấm vào bánh hấp dẫn không kém thịt mỡ.

Dưới đây là 2 câu đối Tết rất sống động.

- Tú Xương:

          Nực cười thay ! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết.
          Thôi cũng được ! Rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi.

Tuy không trồng nêu, không đốt pháo, cũng không rắc vôi bột trên sân, nhưng ông vẫn có Tết. Mấy thứ đó đối với ông không quan trọng miễn là có đủ rượu, nem, bánh chưng, tha hồ phè phỡn. Không và có đều là từ bổ nghĩa.

- Nguyễn công Trứ:

           Đuột Trời ngất một cây nêu tối bữa ba mươi, ri cũng Tết.
           Vang Đất đùng ba tiếng pháo rạng ngày mồng một, rứa là Xuân.

Đối với ông, cây nêu cao ngất đêm ba mươi và tiếng pháo nổ đùng sáng mồng một cũng đủ đặc trưng ngày Tết.

Nạn sửa câu đối còn đi xa hơn nữa. Người ta đảo vế trên xuống dưới và vế dưới lên trên. Lý lẽ đưa ra rằng chữ cuối của câu đối phải là vần bằng mới đúng luật:

                             Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
                             Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Đoc kỹ Việt nam văn học sử yếu của Dương quảng Hàm và Việt Hán văn khảo của Phan kế Bính chúng tôi không thấy đoạn nào nói như vậy. Có lẽ phần lớn câu đối có chữ cuối cùng là vần bằng nên người ta cho đó là luật.

Trong Quảng tập viêm văn do Ngô đê Mân trích luc có vài câu đối tận cùng bằng vần trắc như sau:

1/-  Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên
       Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới (1)

2/ - Ao Thanh trì nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư   
       Sông Ngân hà sao bạc chan chan, vịt nằm ấm áp (2)

3/ - Gái phố Dum yếm đỏ lòm lòm
       Trai xứ Nghệ bảng vàng chói chói.

Sau hết là câu đối Hán tự của Tú Xương trong bài hát nói như sau:

                           Nhập thế cục bất khả vô văn tự (3)
                           Chẳng hay ho cũng húng hắng lấy một bài
                           Huống thân danh đã đỗ tú tài
                           Ngày Tết đến cũng phải một hai câu đối
                           Đối rằng:

                           Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài (4)
                           Tối thế thượng chi phong lưu giang hồ khí cốt (5)

                          Viết vào giấy, dán ngay lên cột
                          Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?
                          Thưa rằng hay thật là hay
                          Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài
                          Xưa nay tôi vẫn chịu ngài.


Bùi Quý Chiến

----------------------------------

CƯỚC CHÚ

(1) Nghè = miếu thờ thần.
(2) Trên dải Ngân hà có chùm sao giống hình con vịt.
(3)Phỏng dịch: Vào đời không thể không có chữ nghĩa.
(4)Giá trị nhất của người đời là mối tình gió trăng.
(5) Phong lưu nhất của cuộc đời là cốt cách giang hồ.




Powered by Blogger.