Header Ads

Tìm Về Lối Cũ Xem Mai Nở


Lê Tấn Dương

1. Chút kỷ niệm về hoa Mai. 

Tìm về núi cũ xem mai nở
Mộng bén ngàn xa hạc điểm canh.

Trích dẫn hai câu thơ của Thi sĩ Quách Tấn (1910-1992), tôi muốn gợi lòng mình để nhớ về những kỷ niệm buồn vui xưa cũ. Những ngày còn bằng hữu, còn hương rượu nồng ấm và khát vọng về một quê hương Việt Nam thanh bình, không hận thù chém giết. Khát vọng đó xuất phát từ lòng yêu thương quê cha đất tổ. Khát vọng lúc nào cũng bừng bừng, cũng rực rỡ ngất ngây như sắc vàng mê đắm của hoa mai đang nở rộ trên cành. Tuổi trẻ đã đi qua nhưng ước mơ thì vẫn còn theo năm tháng. Như một lần mơ ước được tìm về núi cũ để xem mai nở đầu năm.

Trong muôn ngàn loài hoa hương sắc, tôi yêu nhất hoa mai. Đôi khi mất nhiều thời gian để ngồi lặng yên nhìn những chùm mai vàng nhỏ nhắn dễ thương đang nở từ cội mai già sần sùi, mặc dầu những cành mai ở phía trên đã rực vàng hương sắc mùa xuân. Tôi yêu mai vàng và cũng có nhiều kỷ niệm với mai trắng. Cuối năm 1971, lúc còn đóng quân ở một quận ven đô nổi tiếng về mìn bẩy và du kích cộng sản, nằm sát nách các mật khu Hố Bò, Chà Rầy, Bời Lời của địch. Nơi đóng quân là khu vực giáp ranh hai quận Củ Chi, Trảng Bàng, thuộc Khu 31 Chiến thuật. Điểm đến đầu tiên sau ngày ra trường đầu năm 1971.
               
Một chiều cuối năm, tôi nhận lệnh dừng quân ở một ấp nhỏ thuộc xã Phước Hiệp gần khu chiến Suối Cụt -Trung Lập - Củ Chi. Cho đến bây giờ, cuộc chiến đã lụi tàn từ lâu lắm, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in, điểm dừng quân cuối năm ấy là một căn nhà gạch rất xinh xắn, khuất sâu trong vườn cau xanh lá. Vườn có nhiều cây ăn trái nhưng đa số đã bị tiêu điều vì chiến tranh và thiếu người chăm sóc. Nhưng điều làm cho tôi ngạc nhiên hơn cả chính là hai cây bạch mai khá lớn trồng trước sân. Dưới mỗi gốc mai đều có lát gạch, bao bọc chung quanh là một vòng tròn bằng xi măng đã ngã màu đen xám vì mưa nắng. Các rễ mai quá lớn và già cỗi đã đội đất, xô lệch những viên gạch lát quanh gốc. Thời khắc đang vào cuối đông nên hai cây bạch mai đơm nụ rất nhiều để chờ nở hoa những ngày đầu Xuân sắp tới.

Do thói quen cẩn thận trong những lần hành quân, tôi cho toán thám sát tiếp cận ngôi nhà, lục soát chung quanh để bảo đảm an ninh và tránh những sơ sót đáng tiếc. Tiếp đó, qua tần số nội bộ, tôi lệnh cho các Trung đội tản ra quanh bìa vườn, đóng chốt quan sát các điểm nghi nghờ. Cuối năm, những ruộng lúa rải rác của dân chúng đã được gặt hết chỉ còn trơ cuống rạ. Quanh điểm dừng quân là những thửa ruộng rộng rãi, trống trơn và dễ quan sát. Thấy mọi việc đâu vào đấy, tôi yên tâm dẫn chú âm thoại viên truyền tin, chú cận vệ và vài trinh sát vào nhà để xin phép gia chủ cho đơn vị tạm nghỉ chân trong lúc chờ lệnh điều quân từ cấp trên.

Sau một lúc làm quen với địa hình nơi dừng quân, tôi lân la hỏi thăm người đàn bà lớn tuổi trông nom căn nhà và được bà cho biết chủ nhân đang làm việc ở Sài Gòn. Bà kể lại, gần năm năm nay, do chiến cuộc tràn lan và ngày càng khốc liệt hơn nên gia chủ rất ít khi về thăm nhà chứ mấy năm trước đó, còn tương đối yên bình, họ thường về thăm nhà, nhất là vào dịp Tết để cúng kiếng tổ tiên và tảo mộ.

Nhìn ngôi nhà tường mái ngói khá lớn còn nguyên vẹn giữa một vùng quê xôi đậu. Ban ngày có sự kiểm soát của Chính quyền Quốc Gia, nhưng về đêm có thể là điểm hẹn của giao liên và các toán du kích cộng sản nằm vùng. Tôi đoán thầm là gia đình nầy ít nhất cũng phải có liên hệ với cả hai bên, không loại trừ những người trong gia đình đều có địa vị ở cả hai phía Quốc gia lẫn cộng sản. Nếu không, ngôi nhà khó có thể giữ được nguyên vẹn như hiện tại, giữa một vùng quê mất an ninh và thường xuyên có giao tranh bất kể ngày đêm.

Đưa mắt nhìn ra đầu ngõ, tôi hỏi thăm về hai cây bạch mai sắp nở hoa đầu mùa. Bà quản gia cho biết chủ nhân đã trồng gần hai mươi năm trước để kỷ niệm hai cô gái song sinh đầu lòng xinh đẹp. Một cây là Bạch Mai, một cây là Ngọc Mai. Đó cũng là tên của hai cô gái. Từ hơn năm năm nay, các cô đã không trở lại căn nhà cũ để ngắm mai trắng nở đầu năm vì chiến tranh mỗi ngày một dữ dội hơn.

Đôi mắt bâng khuâng và xa vắng, người đàn bà ngập ngừng:

   - Cũng có thể mấy cổ bận rộn trong việc phụ giúp gia đình. Ngoài ra, còn phải lo việc học hành ở Sài Gòn nữa nên rất ít khi về thăm.

Tôi có chút quặn thắt trong lòng khi nhìn hai cây bạch mai sắp trổ hoa và vẫn vơ tưởng tượng đến những bước chân xinh xắn của hai cô gái đang nô đùa chạy nhảy dưới bóng mát hai cây mai trắng. Quả thật tôi không dám nghĩ như người xưa từng nghĩ và từng được đề cập qua sách vở dân gian. Thấy mai nở có thể gặp được người đẹp trong những giấc mơ. Tôi không tìm được giấc mơ đầy thi vị của người xưa vì lửa đạn chiến tranh đã cuốn trôi đời lính vào dòng cuộc chiến. Mấy ngày sau, Các - một người bạn thân thiết cũng xuất thân cùng Quân Trường bất ngờ ghé thăm và ở lại đêm trong đơn vị tôi, chờ sáng hôm sau lên Trảng Lớn theo trực thăng về căn cứ hỏa lực Thiện Ngôn.

Buổi tối, trong lúc đang chén thù chén tạc. Tôi nhớ có hứa với Các:

    - Có dịp tao sẽ dẫn mầy đi thăm hai cây bạch mai tuyệt đẹp sắp nở hoa để mầy nhớ đứt ruột cô bạn gái Tuyết Mai của mầy. Cũng gần gần đây thôi.

Các có vẻ đăm chiêu, lơ đãng đặt ly rượu đã cạn xuống chiếc bàn dã chiến được đóng ghép bằng gỗ thùng đạn pháo binh. Các với tay lấy gói Capstan và chiếc hộp quẹt Zippo, bật đánh tách một cái, vừa mồi thuốc vừa nói:

    - Thiệt không mày, ở đây mà cũng có mai trắng, tao tưởng chỉ trên đất chùa tháp hay vùng ngoại biên mới có. Rít một hơi thuốc thật sâu, Các nói tiếp.

    -  Nhà tao ở Nha Trang trồng mai nhiều lắm nhưng chỉ toàn mai vàng.

Tôi ởm ờ và lấp lửng:

   - Bởi vậy mầy mới cố tìm cho được một nàng Tuyết Mai để đủ đôi phải không?

Các gạt tàn thuốc vào chiếc vỏ đạn phóng lựu M79, không trả lời. Nó nheo mắt, nhìn thẩn thờ vào chai rượu đã lưng hơn nửa. Đột nhiên Các hỏi tôi:

    - Còn chuyện của mầy với Phượng tới đâu rồi.

Tôi lơ đãng nhìn vào ngọn đèn nhỏ treo trên trần hầm và trả lời nhát gừng:

     - Mới tới lưng chừng cánh phải thì đã đụng địch. Tạm thời án binh bất động.

Các búng tay một tiếng tách thật lớn trước khi buông một câu theo đúng bài bản chiến thuật được dạy trong quân trường năm xưa:

    - Dở ơi là dở. Bài học căn bản về tao ngộ chiến đã quên hết rồi sao mầy. Phải diệt chốt.

Xung phong tiến chiếm mục tiêu, buộc địch phải đầu hàng vô điều kiện.

Tôi nhả khói thuốc thành một vòng tròn lớn rồi thổi tiếp mấy vòng nhỏ bay chui qua vòng khói lớn. Nhìn khói thuốc tan dần trên trần hầm, tôi thở dài:

   - Cứ coi như mình chiếm được mục tiêu và địch chịu đầu hàng. Quân ta toàn thắng. Muốn gì được nấy. Nhưng…mày nói đi, rồi mình làm gì tiếp theo.?

Các thộn mặt vì bất ngờ trước câu trả lời và câu hỏi của tôi. Im lặng một lát rồi Các đánh trống lãng:

   - Thì…Cưới luôn. Nói xong, Các phá lên cười dòn tan.

Tôi lắc đầu nhìn Các qua ánh đèn vàng nhạt nhòa trong căn hầm dã chiến kê toàn bao cát chống pháo kích. Những bao cát màu xám xịt như vách đá núi mùa đông.

   - Mày nói sao nghe dễ như chuyện giỡn chơi. Chiến sự càng ngày càng tăng. Mỗi năm tụi mình chỉ được mấy ngày phép ngắn ngủi, lấy thời gian đâu mà lo cho gia đình. Thôi chuyện đó tính sau, mình đi nghỉ. Sáng mai mày phải lên Trảng Lớn sớm để kịp chuyến bay.

Lời hứa với Các đã không bao giờ thực hiện được vì mấy tháng sau, lúc về với đơn vị mới. Tôi bị thương nặng ở mặt trận Bàu Me, Trảng Bàng. Phải nằm Quân Y viện gần một năm. Số phận Các còn nghiệt ngã hơn hơn tôi nhiều. Các hy sinh ở mặt trận ngoại biên vào những ngày đầu mùa Hè đỏ lửa 1972. Cuối năm 72, theo yêu cầu của Tuyết Mai. Tôi có đưa chị về thăm mộ Các ở chân đèo Rù Rì và thăm gia đình Các ở gần Quân trường Đồng Đế, Nha Trang. Đúng như lời bạn nói hôm nào. Quanh nhà Các trồng rất nhiều mai vàng và đang ra nụ đầy cành, kể cả mấy cây mai Trường An được Ba của Các trồng trong các chậu kiểng bằng đất nung màu đỏ sậm.

Nhắc đến Mai Trường An, tôi xin mở ngoặc một chút để nói thêm về loài mai kiểng khá nổi tiếng nầy. Mai Trường An hay còn gọi là mai Tứ quý, tuy có đặc điểm nở hoa nhiều mùa khác nhau nhưng vẫn được xếp vào dạng Hoàng Mai vì màu sắc, mùi vị và quá trình sinh thái không khác với mai vàng. Mai tứ quý còn được hiểu như là biểu tượng của tình bằng hữu và được đặt tên từ một điển tích khá dễ thương trong văn học Trung Hoa. Truyện kể thời Đường Minh Hoàng có vị túc nho tên Lục Khải làm quan tại Giang Nam. Ông có một bằng hữu thân thiết là Phạm Hiệp cũng đang làm quan tại kinh đô Trường An. Vào tiết lập Xuân, nhân có chuyến lính trạm chuyển thư và công văn về Kinh thành. Nhớ bằng hữu, ông bẻ một cành mai và thảo một bài thơ ngắn gởi tặng bạn hiền phương xa.

Chiết mai phùng dịch sứ
Ký dữ lũng đầu nhân
Giang Nam vô sở hữu
Liễu tặng Nhất Chi Mai

Tôi xin mạo muội tạm dịch:

Gởi một cành mai theo phu trạm
Tặng bạn phương xa ở lũng đầu
Quà xứ Giang Nam thiệt khó có
Ngoài một cành mai để tặng nhau.

Nhận được bài thơ và cành mai. Phạm Hiệp cảm động vô cùng vì nghĩa trọng thâm giao của tình bằng hữu. Nhớ bạn, ông mang cành mai ra trồng sau nhà. Thời gian sau mai lớn lên và nở vàng rực cả bốn mùa. Điển tích Mai Trường An hay còn gọi một cách bình dị là Mai tứ quý đã có từ lúc đó.

Riêng tôi. Đã nhiều năm sau chiến tranh, lòng vẫn nhớ bạn, thương quê nhưng vẫn chưa một lần về lại chốn xưa để thăm mộ bạn dưới chân đèo hoa nở. Cũng chưa một lần về ngắm lại hai cây bạch mai trổ hoa trắng muốt năm nào gần đơn vị cũ. Sau chiến cuộc đầy tang thương. Không biết cảnh cũ có còn như xưa hay đã đổi thay theo dòng đời. Cũng không rõ hai cô tiểu chủ nhân Bạch Mai, Ngọc Mai có về lại căn nhà xưa để chăm sóc mảnh vườn xinh đẹp và hai cây mai trắng kỷ niệm tuổi hoa niên năm nào. Hay đã lưu lạc ở một chân trời xa xôi viễn mộng nào đó. Mặc cho dòng đời trôi qua để màu trắng hoa xưa bay hoài trong nỗi nhớ.

2. Hoa Mai qua Sử Thi và Hội Họa.

Đứng hàng thứ nhất trong tranh Tứ Bình (Mai Lan Cúc Trúc). Luôn xuất hiện trong các bức tranh tứ thời. Có phải vì vậy mà mai đã không thể nào thiếu trong nhà nhà nhân gian những ngày đầu Xuân Nguyên Đán. Càng không thể thiếu trong các lễ hội mùa Xuân đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Làm sao quên được những ngày Tết năm xưa ở quê nhà yêu dấu. Ngày cuối của năm cũ, ngày đầu của năm mới. Mùa Đông, mùa Xuân. Những khái niệm chỉ khác nhau về độ dài của thời gian. Hình ảnh bàn thờ tổ tiên nghi ngút hương trầm đêm cúng giao thừa và ngày Nguyên Đán. Nó mang một ý nghĩa thiêng liêng trong bản sắc Đông phương muôn thuở. Buổi sáng thức dậy thật sớm, mở toang cửa để đón gió sớm mùa xuân, đã thấy sắc vàng và mùi hương dịu dàng của hoa mai nhẹ bay vào nổi nhớ bâng khuâng. Hoa mai đang nở cũng đồng nghĩa với mùa xuân đang đến với mọi nhà.

Mai Tây Hồ ở Hàng Châu thuở xưa đã được Vương Điện ẩn dụ trong những họa phẩm độc đáo khiến những ai có dịp chiêm ngưỡng phải lặng người vì vẻ đẹp trầm mặc, trữ tình và phảng phất nét mơ hồ như có như không đầy huyền hoặc của nó. Chính nét trữ tình và ẩn dụ của mai trong tranh Vương Điện đã trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ nhân ở Hàng Châu để đưa mai vào lụa. Từ sau Vương Điện, lụa Hàng Châu một thời gian rất dài luôn ẩn hình hoa mai như một biểu tượng của nét đẹp siêu thoát. Lụa Hàng Châu một thời đồng nghĩa với mềm mại, đài các và trữ tình. Trong nền lụa mượt mà, mai như ẩn như hiện, phôi pha trong sắc màu thương nhớ, cánh hoa mềm mại trước gió nhẹ và mong manh như sương khói trần gian.

Và cũng chính nét ẩn dụ của mai trong lụa mềm Hàng Châu đã được đưa vào tranh Thạch Đào (1641-1717) và Bát Đại Sơn nhân (1625-1705). Trong những bức tranh nầy, mai được kết hợp với thư pháp. Nét mềm mại uyển chuyển cố hữu của mai kết hợp với sự thanh thoát trong thư pháp đã đưa tranh họa trở thành những tác phẩm đầy tính lãng mạn và trữ tình. Và trong một chừng mực nhất định, nó trở thành nguồn cảm hứng bất tuyệt cho thi nhân và họa sĩ.

Kim dạ hà nhân xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa.

Hai câu cổ thi ngắn ngủi nhưng đã làm mê đắm lòng người bao thế hệ. Những ngày cuối năm, đọc hai câu thơ, tôi như bị ám ảnh về sắc vàng kiêu hãnh của hoa mai. Cánh hoa vương giả đang âm thầm lìa cành theo từng đợt gió chuyển mùa.

Sáo ai réo rắt đêm thanh
Tháng năm mai rụng đầy thành sông xưa.
                 
Mới đây, tôi có đọc một cuốn khảo luận về sự phi-bản-thể qua hội họa của Francois Jullien. (La Grande Image N’a Pas De Forme – Đại Tượng Vô Hình. Bản dịch Việt ngữ Trương Quang Đệ. 2004). Tác giả từ góc độ tư tưởng triết học Tây Phương đã có cái nhìn rất chuẩn xác và đặc sắc về hội họa và triết học Đông phương. Tôi nhớ tác giả đã sử dụng nguyên một chương để bàn về Thạch Đào, một họa sư và cũng là một nhà lý luận tầm cỡ của hội họa Trung Hoa. Với những nhận xét sắc sảo và đầy tính thuyết phục, tác giả đã đề cập khá nhiều về nét ẩn dụ trữ tình đầy lãng mạn của hoa mai lồng trong nét thư pháp độc đáo và huyền hoặc qua những họa phẩm tuyệt đẹp của Thạch Đào, Vương Điện. Dĩ nhiên hội họa Trung Hoa không phải chỉ dừng lại ở giai đoạn nầy mà thôi. Nó chỉ đại diện cho một thời kỳ sung mãn trong văn học sử Trung Hoa. Thời kỳ của tranh lụa với thư pháp và hoa mai.

Tôi nhớ có đọc đâu đỏ, từ lâu, một bản tin ngắn về triển lãm hội họa thế giới. Theo đó, có lần, trong phòng triển lãm tranh nghệ thuật tại thành phố Boston, Hoa Kỳ, có trưng bày một họa phẩm nổi tiếng về hoa mai và được xem là một vưu vật bên cạnh những họa phẩm nổi tiếng khác của nhiều họa sĩ thuộc nhiều trường phái Tây phương lẫn Đông phương. Đó là bức họa “Két năm màu đậu trên cành mai”. Tác giả bức họa là vua Tống Huy Tôn (1101-1125).
 
Ông vua trẻ tuổi nầy (Tống Huy Tôn) được lưu tiếng cả ngàn năm sau không phải vì quyền uy ngai vàng, cũng không phải vì tài trí mà vì ông là một vị vua đầy nghệ sĩ tính với những sở thích khác thường thiên hạ. Trong khoảng một thập niên nắm quyền trị vì, Tống Huy Tôn không tha thiết với vương quyền. Vua chỉ đắm say nhan sắc phụ nữ và hội họa. Rõ ràng là một điều rất thú vị khi đề cập đến sở thích khác thường của vị vua trẻ tuổi nầy. Đọc sử Trung Hoa, mỗi khi nhắc đến vua Tống Huy Tôn, người ta thường nhắc đến bức danh họa về hoa mai và chim két do ông vẽ. Ca tụng về bức danh họa, nhưng người đời vẫn chê trách ông vì tính phóng khoáng, đắm say nữ sắc để đến nổi đánh mất cả ngai vàng.

Đọc lịch sử Việt Nam giai đoạn triều Nguyễn, tôi không rõ có phải hình tượng bất phàm của hoa mai qua những mẩu chuyện bằng tranh dân gian mang tính đối kháng với những bất công trong xã hội thời nhà Tống bên Tàu, đã thấm sâu vào tâm hồn của Chu Thần Cao Bá Quát khiến ông nuôi mộng sông hồ, nung chí lớn, đứng lên chiêu binh mãi mã nhằm mục đích tiêu diệt triều đình nhà Nguyễn (1854) đang vào giai đoạn suy tàn. Ông muốn canh tân đất nước và thay đổi bộ mặt già nua của Vương quyền triều Nguyễn. Mặc dù chí lớn không thành nhưng việc làm và mộng ước của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong Văn học sử và lòng khâm phục cho hậu thế. Sau lần bị bạn bè phản bội ở chốn trường thi, ông chán ngán tình đời nên rất e dè trong việc kết giao bằng hữu.

Thập tải luận giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đề thủ bái mai hoa.

(Chu Thần Cao Bá Quát)

Giữa chốn nhân gian mịt mờ sương khói. Mười năm ròng rã đi tìm bằng hữu tri âm sao khó khăn như đi tìm thanh kiếm cổ. Trong tứ hữu Mai Lan Cúc Trúc, hoa mai đứng đầu, chữ “hữu” trong sử thi còn được hiểu là bạn của con người. Một loài hoa được xem là hoàng hậu trong muôn hoa và được coi trọng như một bằng hữu thì quả thật loài hoa đó không phải tầm thường. Một đời tài hoa như Chu Thần chỉ chịu bái phục đóa hoa Mai tinh khiết giữa gió xuân thì hoa Mai càng không phải tầm thường. Tôi phân vân tự hỏi có phải cái ngạo khí ngất trời của hoa mai đã đẩy nhà thơ tài hoa vào những bi lụy của thế tục và đưa Cao Bá Quát vào hệ lụy bi thảm nhất của kiếp người? Cao Bá Quát bị triều đình giết chết lúc còn rất trẻ (47 tuổi).

Đứng trong phạm trù chính trị, trong một chừng mực nhất định, dòng máu cao ngạo của Cao Bá Quát đã làm rung rinh một ngai vàng. Là người yêu hoa mai, yêu thiên nhiên và non sông hoa gấm của quê cha đất tổ. Nhưng hình như Chu Thần đã thấy trước được những bi lụy của kiếp người, nên một lần tìm về núi Yên Tử để mơ giấc mơ Nguyễn Trãi thời trước. Ông đã mơ hồ thấy định mệnh khắc nghiệt của chính mình mai sau. Một cái chết đầy oan nghiệt nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa.

3. Hoa Mai qua Âm nhạc và Chiến cuộc miền Nam.

Tại Việt Nam, hoa mai được phân bố nhiều trong cả ba miền đất nước. Nhưng sự phân bố không đồng đều. Hoàng mai sống nhiều nhất ở các vùng cao nguyên Trường Sơn. Chạy dọc từ Hoành Sơn vượt qua Hải Vân, Bình Định, Phú Khánh, Lâm Đồng, đến miền đồi cao của các tỉnh Bình Tuy, Long Khánh và các tỉnh phương Nam. Ở những nơi nầy, mai vàng là hình ảnh đặc thù nhất báo hiệu mùa Xuân đã về với nhân gian bằng không khí rộn ràng những ngày vui Tết. Ngày nay, khắp miền Trung đến miền Nam, các chủ vườn cây kiểng đều chú tâm đến cách chăm sóc các vườn mai, đặc biệt hoa mai trong chậu kiểng. Chăm sóc hoa mai và các loài hoa khác, vừa là thú vui, vừa là nghề nghiệp mang tính kinh tế của nhiều gia đình.

Do ảnh hưởng của địa hình và thời tiết, Việt Nam chỉ có Hoàng Mai và một ít Bạch Mai. Về Bạch Mai, theo học giả Vương Hồng Sển, trong thời gian ông làm Giám Đốc Viện Bảo Tàng Sài Gòn, ông có tìm hiểu và tra cứu về nguồn gốc Bạch mai và cho rằng giống mai trắng không có nguồn gốc tại Việt Nam, nó xuất xứ từ xứ Chùa Tháp Cao Miên và chỉ được trồng rải rác ở miền Nam. Tại Sài Gòn, bạch mai trồng nhiều tại chùa Cây Mai, gò Cây Mai và Phụng Sơn Tự.

Riêng Hoàng Mai là thuần giống Việt Nam. Mai vàng mọc tự nhiên và có rất nhiều trong cả nước. Trước năm 1975, mặc dầu cuộc chiến mỗi ngày càng khốc liệt hơn. Hoa mai như quên lãng số phận mong manh của chính mình, cuốn hút theo dòng chiến cuộc, binh đao. Và chính ở đây, hoa mai trở thành người bạn thân thiết với người lính chiến xa nhà. Hoa mai gắn bó thủy chung với cuộc đời lính chiến, nhất là ở các tiền đồn đóng quân heo hút. Mai không hề run sợ lửa đạn chiến tranh, cũng không bận lòng trước gió mưa cuối mùa. Mai vẫn nở thắm tươi ở đồi núi bạt ngàn và có ở mọi nhà trong những ngày Tết cổ truyền.

Trong kho tàng âm nhạc miền Nam giai đoạn trước năm 1975, hoa mai là bạn đồng hành và là chứng nhân cho những cuộc tình thơ mộng thời chinh chiến.

Anh cho em mùa Xuân,
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ.
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vin ngọn cây...

(Thơ Kim Tuấn - Nhạc Nguyễn Hiền)

Cuộc tình đẹp và thơ mộng quá, Anh trao cho em hạnh phúc. Hạnh phúc như mùa xuân có nụ mai vàng chớm nở. Hạnh phúc là tiếng chim hót trong khóm hoa bên khu vườn có nắng ấm đầu mùa để xua đi những nhung nhớ cuối đông. Mình dìu nhau đi trong phố vắng để nghe tiếng lá xôn xao cuối mùa, để nghe từng viên ngói đỏ trên mái nhà đang thở hơi ấm hạnh phúc vào lòng phố. Nhưng hạnh phúc không dài lâu, không trọn vẹn như mơ ước vì khói lửa chiến tranh đã hung hãn chia cắt cuộc tình. Và mùa xuân lại đến với nỗi lòng hiu quạnh.

Nếu chiều nay lỡ hẹn không về
Thì Xuân năm nay sẽ buồn
Sẽ buồn hơn mấy cội mai già
Và mùa xuân quên mặc áo mới.

(Mùa Xuân đó có em - Anh Việt Thu)

Điểm đặc biệt của hoa mai vàng trước 1975 chính là sự xuất hiện thường xuyên của hoa mai vào dòng âm nhạc thời chiến. Chiến tranh càng khốc liệt, hoa mai càng trở nên quyến rũ, xâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống, vào khát vọng hòa bình của mọi người. Mai không những chỉ đơn thuần là loại hoa đẹp báo hiệu một mùa xuân của đất trời và nhân loại. Mai còn là sứ giả mang tín hiệu yên lành may mắn cho mọi nhà, mọi người trong thời khắc giao mùa. Mai chính là tình yêu của lứa tuổi xuân thì, là háo hức của một thời trẻ dại, là nơi chốn tìm về yên tĩnh của người lớn tuổi sau những bôn ba vì phận người.

Trong lời ca của nhạc phẩm “Mùa Xuân Trên Cao” ta dễ dàng bắt gặp tính lãng mạn cố hữu của nghệ sĩ trong nét lãng đãng trữ tình của mùa xuân mộng mị. Chữ “mai” trong nhạc phẩm, thực sự không phải là tên của thiếu nữ đang đắm say tình yêu đôi lứa. Đón “mùa Xuân trên cao”, chàng lính tiền đồn đang cô đơn vì xa vắng người yêu. Chính trong nỗi cô đơn đó, mai rừng với sắc vàng quyến rũ, bỗng trở thành bằng hữu, trở thành tình yêu của lính chiến xa nhà trong bối cảnh mùa Xuân.

Trời bây giờ trời đã sang Xuân,
Anh và mai ngủ bên bìa rừng
Chờ giấc ba mươi mộng ảo
Mùa Xuân vẫn đẹp vô cùng

(Mùa Xuân trên cao - Trầm Tử Thiêng)

Nửa tháng trước Nguyên Đán, khắp các phố phường, đã thấy lác đác bày bán trên các vĩa hè những chậu mai đầy nụ non xinh xắn chen lẫn những chiếc lá xanh mơn mởn đáng yêu. Và chỉ một tuần sau, sắc vàng tươi thắm của mai đã rộn ràng trên khắp phố, khắp chợ. Và từ những nơi nầy, mai len lỏi vào từng nhà, đem niềm vui, may mắn đến cho từng người. Những tấm thiệp chúc Xuân không thể thiếu một cành mai vàng khoe sắc, kể cả những tờ lịch năm mới chúc thọ mừng Xuân treo đầy các nẻo đường, góc phố. Đó là những hình ảnh đặc thù thay cho lời nhắn gởi đến nhân gian tín hiệu rộn ràng của mùa xuân đang tới.
                                   
Do tính cách cao quý và sang trọng của loài hoa vương giả, hình ảnh hoa mai đã được sử dụng làm biểu tượng cho các cấp chỉ huy Quân đội từ cấp Thiếu Úy đến cấp Đại Tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong cảm quan đó, hoa mai và lính chiến trở thành hình tượng thân quen trong dòng nhạc viết về cuộc chiến và thân phận con người. Có hình ảnh nào đẹp, lãng mạng và dễ thương hơn lời ca một nhạc phẩm thời chinh chiến mà tác giả đã diễn tả với người yêu của mình.

Đồn anh, đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa.
Chờ em, một cánh thư Xuân
Nhớ thương gom đầy, cho chiến sĩ vui miền xa xôi.

(Đồn vắng chiều Xuân - Trần Thiện Thanh)

Nhờ mai rừng đã nở nên chàng lính trẻ đã biết mùa Xuân đang trở lại. Lãng mạn và dễ thương vô cùng nhưng cũng tội nghiệp vì màu hoa chỉ làm gợi nhớ thêm sắc áo của người yêu và những kỷ niệm trong cuộc tình ngày tháng cũ. Và dù cho áo trận sờn vai, bạc màu. Lòng dù buồn mênh mang nhưng chàng lính trẻ vẫn tìm được niềm vui trong nổi nhớ vì riêng ở một góc trời xa xôi, vẫn thoảng mùi mai nở như hương vị tình yêu và bóng dáng kỷ niệm.
Bởi còn mùa Xuân nên hoa mai vẫn còn khoe sắc thắm. Bởi hoa vẫn còn nở cho đời nên nhân gian còn mãi yêu thương. Mai nở ngày đầu năm cũng đồng nghĩa với khơi nguồn hạnh phúc mà thế gian đang đợi chờ nắng ấm đầu mùa.

Tạm kết để lắng nghe mùa Xuân về.

Trong bản sắc Đông Phương và tình tự dân tộc. Mùa Xuân không thể thiếu mai và mai sẽ không đẹp rực rỡ huy hoàng nếu không có nắng gió mùa Xuân. Cả hai đều làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống con người. Đó là lẽ tuần hoàn của đất trời. Mai mãn khai cũng là khởi đầu cho những nụ lá non kế tục và nằm trong chu kỳ sinh thái của thiên nhiên. Mai lúc nào cũng vương giả, kiêu kỳ nhưng say đắm. Lúc nào cũng rộn ràng nhưng luôn dịu dàng. Và để tạm kết thúc những tản mạn về hoa Mai và mùa Xuân, tôi xin mượn hai câu cuối trong bài kệ của Mãn Giác Thiền Sư gần ngàn năm trước như là ước mơ gởi thế hệ tuổi trẻ hôm nay. Hãy giữ lòng thuần khiết như sắc màu tươi thắm của hoa Mai, dù đang còn phải vất vả trước cuộc sống nhiều gian nan và thử thách. Vì mọi việc vẫn có thể bắt đầu từ ngày mai và ... vì đó là mùa Xuân, mùa của tương lai và hy vọng.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Thiền Sư Mãn Giác 1045-1096)
     
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành Mai.

(Bản dịch Ngô Tất Tố)
 
Lê Tấn Dương



Powered by Blogger.