Header Ads

Hoa Kỳ Vào Thời Kỳ Đầu Và Cuối Thế Kỷ 20


Phạm Văn Tuấn


I/ Hoa  Kỳ vào đầu thế Kỷ 20.

Vào ngày 31 tháng 12 năm 1899, tờ nhật báo Nữu Ứơc Thời Báo (the New York Times) đã đăng một bài bình luận của ban biên tập về thế kỷ đã qua và sự hướng về tương lai sắp tới như sau: “chúng ta bước vào ngưỡng cửa của năm 1900... đối diện với một bình minh tươi sáng của nền văn minh nhân loại”.

Thành phố Detroit đầu thế kỷ thứ 20 
Tại mọi nơi trên đất nước Hoa Kỳ, tất cả có vẻ sáng sủa, các cơ xưởng đang hoạt động ồn ào, lợi tức của quốc gia và cá nhân trên đà gia tăng. Các phát minh mới đặc biệt là xe hơi, đèn điện và điện thoại đang làm thay đổi lối sống của mọi người dân. Một ông mục sư tại Brooklyn đã nói rằng: “Luật Pháp đang trở nên công bằng hơn, các nhà cai trị thì nhân đạo, âm nhạc êm ái hơn và sách vở khôn ngoan hơn”. Điều này có vẻ hiển nhiên đối với mọi người.

Vào thời kỳ này, Hoa Kỳ đã là một quốc gia có sức mạnh về kỹ nghệ lớn lao nhất thế giới. Sau cuộc khủng hoảng mậu dịch nặng nề vào đầu thập niên 1890, sức sản xuất hàng năm về hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ đã đạt được một kỷ lục là $19 tỉ mỹ kim. Hoa Kỳ đã có một nửa chiều dài đường xe lửa của cả thế giới, đã vận chuyển một nửa lượng hàng hải, đã bơm được một nửa lượng dầu hỏa, đã rèn được 1/3 trọng lượng thép và đã khai thác được 1/3 tổng số lượng vàng của thế giới.

Trong 30 năm, dân số Hoa Kỳ đã tăng gấp hai và bây giờ đã có 76 triệu dân. Ba tiểu bang mới được thêm vào Liên Bang chỉ trong một thập niên vừa qua, thành tổng số 45 tiểu bang, rồi tới năm 1912, Hoa Kỳ sẽ có 48 tiểu bang. Toàn thể đất nước Hoa Kỳ đang trở nên hùng mạnh hơn và có vẻ tuyệt vời hơn.

Có nhiều phạm vi mà Hoa Kỳ còn ở trong tình trạng chậm phát triển. Vào khoảng 60% người Mỹ sinh sống trong các cộng đồng có ít hơn 2,500 người. Nghề nghiệp chính vẫn là nông nghiệp. Một nửa dân số vẫn đi Nhà Thờ và gần như không có ai ly dị. Nhiều gia đình còn tự may lấy quần áo, nhiều người còn dùng ngựa và xe ngựa để di chuyển. Đường ăn giá 4 xu một pound, thịt bò 8 xu và giá một đôi giầy rất đẹp là $2.50.

Vào năm 1900, máy truyền thanh (radio) chưa có, cũng chưa có máy hút bụi, lò nướng điện. Khu vực Hollywood còn là một khu rừng cam nhỏ, chưa có đèn đường và không ai phải trả tiền thuế lợi tức (income tax).

Cơn sốt vàng ở Klondike, Alaska
Tuy nhiên, các thay đổi lớn đang diễn ra. Biên giới bao la của Hoa Kỳ đang được mở rộng. Trận chiến cuối cùng với dân da đỏ taị Wounded Knee, tiểu bang South Dakota, đã xẩy ra một thập niên trước kia. Hàng ngàn người dân định cư mới đã đổ dồn về các phần đất trước kia của người da đỏ tại Oklahoma. Các miền đất phía tây cũng đang được các người di dân tới khai khẩn một cách nhanh chóng. Tại Alaska, các người đi săn vàng đang hướng về các mỏ vàng Klondike.

Nền nông nghiệp của Hoa Kỳ cũng đang phát triển với hơn một nửa số lượng bông gòn của thế giới, với 50% số lượng bắp (ngô) và phần lớn với thuốc lá.

Hoa Kỳ đang trở nên đô thị hóa. Ba thành phố lớn nhất là New York, Chicago và Philadelphia có hơn 1 triệu cư dân. Các nông dân cỡ nhỏ, nhiều người là các người da đen từ miền Nam, đang bắt đầu di chuyển lên mạn bắc để tìm kiếm công ăn việc làm. Đồng thời, một số lượng lớn các người di dân ngoại quốc từ các nước ngoài tới Hoa Kỳ, tất cả bởi vì họ đang tìm kiếm một đời sống tốt lành hơn dứơi bầu trời của xứ Mỹ.

 Dân di cư đến đảo Ellis ở New York
Giữa các năm 1900 và 1910, vào khoảng 9 triệu người đã đổ vào Hoa Kỳ, họ đi qua các trung tâm di trú như tại hòn đảo Ellis ở New York, với các túi vải đựng tài sản mang theo, với loại quần áo xa lạ và các bộ mặt ngơ ngác. Phần lớn các di dân này từ miền Nam hay miền Đông của châu Âu, từ nước Ý, từ phía tây của nước Nga, từ các miền đất gồm nhiều sắc dân thiểu số của Đế Quốc Áo Hung và rất ít người biết nói tiếng Anh. Nhiều người là các tin đồ Cơ Đốc (Catholic) hay Do Thái Giáo trong khi đó xứ sở Hoa Kỳ có phần lớn người dân theo đạo Tin Lành (Protestant).

Các người di dân này tới cư ngụ tại các chung cư chỉ có nước lạnh, họ nhận lãnh mọi công việc làm mà họ có thể tìm kiếm được và họ chịu sự khinh rẻ của các người sinh trưởng tại nước Mỹ, và vì thế có một công dân Hoa Kỳ tức giận đã than van rằng các người di dân kể trên là cặn bã của Tạo Hóa được đổ vào xứ sở Hoa Kỳ này.

Các người di dân mới đã kiên nhẫn sinh sống, bám vào lời hứa hẹn huy hoàng của xứ sở Hoa Kỳ  và họ đã phấn khởi, tin tưởng vào thời kỳ mở đầu của Thế Kỷ mới rằng mọi sự việc sẽ tốt lành hơn nhiều.

II/ Hoa Kỳ vào Cuối Thế Kỷ 20.

Tổng Thống Franklin D. Roosevelt
Gần cuối năm 1999, Tổ Chức Cao Niên AARP là cơ sở có nhiều chi nhánh trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, đã đặt các câu hỏi cho các hội viên, hỏi về những sự kiện và vấn đề của Thế Kỷ 20 sắp hết và những mong đợi của họ trong Thế Kỷ 21 sắp đến. Với câu hỏi "Ai là nhà lãnh đạo lớn lao nhất của Hoa Kỳ trong Thế Kỷ 20", kết quả như sau: các Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt (3,439 phiếu), Ronald Reagan (420 phiếu), Harry S. Truman (384 phiếu), Dwight D. Eisenhower (336 phiếu), John F. Kennedy (220 phiếu) và Mục Sư Martin Luther King, Jr. (174 phiếu).

Tổng Thống Franklin D. Roosevelt được ca ngợi do tài lãnh đạo Hoa Kỳ trong Cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế và Thế Chiến Thứ Hai. Theo nhà sử học David M. Kennedy của trường Đại Học Stanford và cũng là tác giả cuốn sách "Tự Do vượt khỏi nỗi Lo Sợ: Dân tộc Hoa Kỳ trong Cơn Khủng Hoảng Kinh Tế và Chiến Tranh" (Freedom From Fear: The American People in Depression and War, 1929-45, Oxford University Press, 1999), hai tai họa lớn lao nhất của thế kỷ là Cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế và Thế Chiến Thứ Hai kế tiếp nhau xẩy ra và nhờ tài năng xuất sắc, nhờ tầm nhìn xa trông rộng, nhờ can đảm và kiên nhẫn, Tổng Tống Franklin D. Roosevelt đã lèo lái quốc gia Hoa Kỳ qua hai biến cố quan trọng này.

 Tổng Thống Ronald Reagan
Nhân vật thứ hai đứng trong danh sách là Tổng Thống Ronald Reagan. Ông Reagan được ca ngợi vì tinh thần lạc quan bất diệt (eternal optimism) và có độc giả cho rằng Tổng Thống Ronald Reagan vĩ đại do bởi ông đã làm chậm lại đà phát triển của chính quyền và đẩy mạnh sự tăng trưởng cá nhân (individualism).

Đối với câu hỏi "Ai là người đã gây ra cảm hứng, gây ảnh hưởng tới đời sống của các bạn", danh sách đã gồm các nhân vật sau: Billy Graham, Eleanor Roosevelt, John Glenn, Helen Keller, Charles A. Lindbegh và Jacqueline Kennedy. Ngoài ra còn có tên của Rosa Parks, George C. Marshall, Jimmy Carter, Rosalynn Carter, Barry Goldwater, Robert Kennedy, Douglas Mac Arthur, Audrey Hepburn… và Bill Gates.

Với câu hỏi "Các biến cố quan trọng nào đã biến đổi Thế Kỷ 20", các câu trả lời gồm có: Thế Chiến Thứ Hai (2,912 phiếu), việc thả bom nguyên tử (720 phiếu), việc con người đổ bộ lên mặt trăng (457 phiếu), Thế Chiến Thứ Nhất (168 phiếu) và Cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế (80 phiếu).

"Phát minh nào quan trọng nhất của Thế Kỷ" được trả lời bằng số phiếu như sau: máy Điện Toán (1,233 phiếu), Vô Tuyến Truyền Hình (608 phiếu), thuốc trụ sinh Penicillin (565 phiếu) và thuốc chủng ngừa bệnh tê liệt (polio vacine) (559 phiếu). Hai phát minh y khoa này được đánh giá cao hơn sự chế tạo xe hơi (401 phiếu), máy bay (362 phiếu) và đèn điện (326 phiếu).

Các người được phỏng vấn cũng cho biết về "Tác phẩm nào hay nhất Thế Kỷ" với danh sách xếp hạng sau đây: "Cuốn Theo Chiều Gió" (Gone With the Wind), sau đó tới các ấn bản mới của "Thánh Kinh", "Chùm Nho Uất Hận" (The Grapes of Wrath), "Mùa Xuân yên lặng" (Silent Spring), "Thế Hệ vĩ đại nhất" (The Greatest Generation của Tom Brokaw), "Giết con chim Chèo Bẻo" (To Kill a Mockingbird), "Đất Lành" (The Good Earth) và "Ngư Ông và Biển Cả" (The Old Man and the Sea).

Các phim điện ảnh ưa thích gồm danh sách: "Cuốn Theo Chiều Gió", "Casablanca", "The Sound of Music", "Patton", "The Wizard of Oz", "It's a Wonderful Life", "The Goodfather", "From Here to Eternity", "Star Wars", và "The Ten Commandments". Các chương trình Vô Tuyến (TV shows) gồm "M*A*S*H", "60 Phút", "Tôi yêu Lucy" (I Love Lucy), "Jeopardy", "Bob Hope specials", "The Edsullivan Show", "Star Trek", "All in the Family".

Với câu hỏi "Đời sống của chúng ta ngày nay có khá hơn cuộc sống của cha ông chúng ta ngày trước không", câu trả lời là "có" (4,562 phiếu) so với "không" (820 phiếu). Các người được hỏi ý kiến cho rằng các tiến bộ trong Thế Kỷ 20 gồm có cách tổ chức An Sinh Xã Hội và Chăm Sóc Y Tế (Social Security & Medicare), các ngày làm việc được thu ngắn, các tiện nghi mới dùng trong cuộc sống hàng ngày và cá nhân có nhiều chọn lựa hơn thời trước.

Theo bà Esther Tallen, 75 tuổi sống tại Lakeland, Fla., thì "không những chúng ta sống mạnh khỏe hơn, sống thọ hơn với cuộc đời năng động hơn và trong vòng 50 năm trở lại, người phụ nữ đã nhận được các quyền lợi và đặc quyền mà ông bà của chúng ta không được biết tới".

Trái với các điều tốt lành là các tệ hại tới với xã hội Hoa Kỳ, đó là cấu trúc gia đình bị suy kém, trong cuộc sống có quá nhiều bạo hành (violence), vấn đề dùng ma túy bất hợp pháp, và đời sống quá vội vã. Theo ông Harry A. Sherbondy, 59 tuổi cư ngụ tại McDonald, Pa., "chúng ta bị căng thẳng thần kinh và suy sụp tinh thần" (stress & frustration).

Các người được phỏng vấn cũng cho biết về câu hỏi "Bạn có điều ước nào để cải tiến đời sống trong Thế Kỷ 21" bằng các câu đáp: "Hòa Bình trên trái đất", "Công Lý cho mọi người", "Chấm dứt kỳ thị và mọi người sống hòa hợp".

Nhiều độc giả cũng trông đợi các liều thuốc chữa bệnh ung thư, bệnh AIDS, mong đợi xã hội Hoa Kỳ không có các tội ác (crime-free), loại trừ được mọi thứ ô nhiễm và hy vọng mọi người sẽ ném súng đạn xuổng biển. Bà Johnnie M Sharpe, 64 tuổi cư ngụ tại Darien, Ga., cho biết rằng lý tưởng của bà là "loại trừ được cảnh nghèo khó" và điều này không phải là ước mơ mà là điều có thể thực hiện được. Còn ông già Steve Sciafani sống tại Little Neck, N.Y., nói rằng nhiều người cao tuổi tại Hoa Kỳ có một ước mong mà không nói ra, đó là mong có được "viên thuốc cải lão hoàn đồng" (a youth pill).

Phạm Văn Tuấn
(Viết theo các tài liệu của Reader’s Digest và AARP)




Powered by Blogger.