Cánh Hoa Pensée
Nào biết gì đâu, để đợi chờ".
Không biết tại sao tôi vẫn nhớ anh, dù thời gian trôi đi đã hơn bốn mươi năm, mỗi lần hồi tưởng lại những kỷ niệm thời đi học, tôi lại nghe trong lòng rưng rưng một nỗi buồn dìu dịu. Mỗi năm khi mùa Xuân trở lại, nhìn những đóa hoa pensée trước sân nhà, rung rinh những cánh hoa màu nâu, tím, vàng rực rỡ, dưới ánh nắng dịu dàng một sáng mùa Xuân, lòng tôi lại nao nao nhớ về những đóa pensée ngày trẻ tuổi.
Tôi gọi anh là "người anh đồng môn", chỉ vì khi tôi đang học năm cuối Trung học đệ nhất cấp, anh đã sắp sửa ra trường để lên Đại Học. Anh là bạn học của chị tôi, vì thế hai người khá thân nhau, thành ra tôi không bao giờ nghĩ thứ tình cảm đầu đời dễ thương ấy anh lại dành cho tôi, cô bé nghịch ngợm và hay tìm dịp để trêu ghẹo anh mỗi lần gặp.
Anh hiền, hiền lắm, dáng dấp thư sinh, trông chững chạc vì tính ít nói, lại thêm đôi mắt hơi buồn nên lúc nào cũng như chìm trong mộng. Mỗi lần đến thăm chị em tôi, bao giờ anh cũng mang theo cuốn sách mới. Sách vừa xuất bản còn nóng hổi, chị em tôi chuyền tay nhau đọc trước, sau mới tới lượt anh. Đó là mấy cuốn tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng thời ấy, viết về chiến tranh và những câu chuyện tình tiền tuyến hậu phương đẫm đầy nước mắt. Tâm hồn chị em tôi thật đa cảm, dễ khóc dễ cười , dành nhau những cuốn tiểu thuyết anh đem tới trong khi anh chỉ cười với đôi mắt hiền khô. Để không thể ngờ, mấy chục năm sau tôi có dịp hồi tưởng kỷ niệm thời đi học, anh lại là nhân vật chính cho câu chuyện "Cánh hoa Pensée" của tôi.
Khi mùa Xuân đến, anh và người bạn cùng lớp đến rủ chị em tôi đi chợ Tết, tôi thường kéo theo một, hai đứa bạn nữa. Lúc bị vây quanh bởi một lũ con gái nghịch ngợm, tự nhiên các chàng bắt đầu khớp, vốn ít nói anh càng ít nói hơn, vẫn chỉ hay cười. Chợ hoa nằm gần bờ sông, mỗi năm người ở trong quê chở vào thành phố những chuyến đò đầy hoa, không biết bao nhiêu loại hoa đẹp. Những chậu mai vàng đầy nụ, đứng chen chân với các loài hoa cúc, thược dược, mẫu đơn nhiều màu sắc, khiến khu chợ hoa càng hấp dẫn hơn nhờ bóng dáng của các cô thiếu nữ xinh tươi, với những tà áo màu vờn bay trong gió.
Thuở ấy tâm hồn chúng tôi còn tràn ngập màu xanh biêng biếc của tuổi học trò, hình ảnh của chiến tranh mờ nhạt nơi những chiến trường xa, sự mất mát của người lính ngoài tiền tuyến chưa làm quặn lòng người hậu phương bao nhiêu, nhất là ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" của đám trẻ thành phố. Chỉ vài năm sau, khi người bạn của mình lên đường nhập ngũ, rồi vĩnh viễn đi vào lòng đất mẹ, chúng tôi mới đủ lớn khôn để nghĩ về sự mất mát quá lớn lao ấy thì tất cả đã muộn màng.
Năm nào cũng vậy, mỗi khi Xuân về, anh không quên tặng tôi một tấm thiệp Xuân. Bên ngoài bao giờ cũng có hình con én ngậm thiếp chúc Xuân, bên trong dưới tấm giấy kính mờ mờ, một cành hoa pensée vàng, tím được ép khô, màu sắc vẫn tươi tắn. Tôi có cái thú từ hồi bé, hay để dành những tấm thiệp chúc Xuân làm kỷ niệm, nhìn những tấm thiệp to nhỏ bày đầy trên bàn học, tôi có cảm tưởng mùa Xuân lúc nào cũng rộn rã quanh mình.
Tấm thiệp chúc Xuân của anh rất đặc biệt, năm nào cũng gửi ngày tháng giống nhau, dù ngày Tết hằng năm có thay đổi. Mãi sau này anh không còn nữa, khi lật lại chồng thư cũ đời học sinh, vô tình tôi đã nhận ra điều đó. Cánh hoa pensée như một tín hiệu của tình yêu được lập đi lập lại nhiều lần, tiếc thay, tôi đã không hiểu hay không muốn hiểu, và khi ngồi lật lại chồng thư cũ, nhìn những tấm thiệp của người anh đồng môn năm cũ, tôi thực sự đã rơi những giọt nước mắt muộn màng cho một người đã ra đi.
Tấm thiệp Xuân năm xưa cũng kín đáo như tâm hồn anh, có lẽ vì khi anh nhập ngũ, tôi còn quá non nớt để bước chân vào cuộc đời một người lính, nên vì thế mà anh im lặng. Năm nào trong tấm thiệp Xuân cũng chỉ là hàng chữ nắn nót rất đẹp: "Gửi người một đóa pensée", chỉ thế thôi, ngày tháng của mùa Xuân và tên người gửi. Thuở ấy, nhận tấm thiệp chúc Xuân của anh tôi thích lắm, vì nó là một trong những tấm thiệp đẹp nhất trong nhiều tấm thiệp của bạn bè, tôi thích vẻ đẹp rực rỡ của hoa pensée, nâng niu nó vì thích tấm thiệp, chứ chưa hiểu hết nỗi lòng của người tặng.
Sau này tôi có dịp đọc trong báo một bài viết về hoa Pensée, với câu chuyện tình thật đẹp và nhiều nước mắt của một đôi tình nhân. Tôi không nhớ rõ vì hoàn cảnh nào mà người con trai phải ra đi, vượt qua bao nhiêu núi non hiểm trở, để rồi cuối cùng một chiều kia, anh ta đã không bao giờ trở lại. Xác thân anh được vùi chôn nơi rừng sâu, bên một bờ suối vắng. Từ đó trên nấm mộ của người thanh niên si tình kia, mọc lên những bụi cây thấp nhỏ, nở ra nhiều đóa hoa đầy màu sắc tươi thắm, người ta đặt tên cho nó là hoa Pensée, có nghĩa là Thương Nhớ.
Năm ấy chiến tranh bùng nổ khắp nơi, chiến trường cần những người trai trẻ, lệnh tổng động viên được ban hành cho nên anh cũng phải xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Một số bạn cùng trường cũng phải ra đi, không khí của những buổi tiễn đưa đã gieo nỗi buồn mênh mang vào tuổi học trò hồn nhiên, vô tư lự. Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được nỗi buồn của sự biệt ly, có những cặp tình nhân tuổi học trò đã thổn thức với nhau trước cảnh người đi kẻ ở:
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn"
(Chinh Phụ Ngâm Khúc)
Trước ngày anh lên đường, chúng tôi có một buổi tiệc nhỏ, bạn bè anh dăm người, lũ con gái loi nhoi hay ríu rít nói chuyện, hôm ấy bỗng dưng cũng buồn ngơ ngẩn. Đêm ấy trời mưa, một đám bạn trẻ quây quần bên nhau trong căn phòng khách nhà anh, khói thuốc mờ với những ly cà phê đắng. Khuôn mặt ai cũng đăm chiêu lặng lẽ, nghe tiếng mưa rơi rả rích ngoài hiên, thoảng vào căn phòng ấm chút gió khuya lành lạnh. Trong không khí buồn buồn của ngày cuối cùng bên nhau, người bạn anh ôm cây đàn "guitar", đệm theo tiếng hát mượt mà của cô bạn nhỏ:
"Chỉ còn một đêm nay nữa thôi, mai chúng ta mỗi người một nơi . . . Nhìn hành trang lệ rưng cuối mi, cố nén trong tim một điều gì. . . "
Tiếng hát ngân lên âm điệu buồn buồn trước giờ ly biệt, tôi thấy anh ngồi im lặng trong góc tối, ngó mông lung vào một nơi nào đó rất xa xăm. Đôi lần ánh mắt ấy nhìn tôi thật lặng lẽ rồi quay đi, hình như có tiếng thở dài rất nhẹ khiến tôi trở nên lúng túng, cố tránh tia nhìn đằm thắm của anh.
Đêm đã khuya, mọi người phải từ giã nhau để mai anh lên đường sớm. Trên mặt bàn còn lại những mẩu thuốc cháy dở, những chiếc ly không, lúc ấy tôi mới rùng mình vì cái lạnh của cơn mưa đêm, luồn vào tâm tư nỗi buồn của sự chia ly. Ngày mai, chúng tôi đã có hai cuộc sống khác hẳn nhau, những người còn lại vẫn cắp sách đến trường, những người sắp đi vào miền gió cát. Chẳng biết những gì sẽ xảy đến với người trai thời ly loạn, khi chiến tranh vẫn giăng bủa trên mọi miền của đất nước.
Giây phút chia tay, các bạn đều lần lượt nắm lấy tay anh nói những lời chúc an lành, bởi vì từ nay anh đã thực sự rời ngưỡng cửa học đường, giã từ sách vở, giã từ mái nhà thân yêu để bước vào con đường chiến chinh gian khổ, sẽ đối mặt sống chết với hiểm nguy của chiến trường. Tôi là người cuối cùng từ biệt anh, lúc nắm tay tôi, anh xiết nhẹ, bàn tay anh nóng ấm như chuyển gửi vào đó bao yêu thương mà anh chưa dám ngỏ. Đôi mắt anh quyến luyến một tình cảm tha thiết, anh dặn tôi chăm học, khi nào được về phép anh sẽ đến thăm chị em tôi. Tự nhiên tôi lúng túng rụt tay về, trong bóng tối tôi nhìn thấy tia nhìn nồng nàn trong đôi mắt anh. Đôi mắt của người anh "đồng môn", sau này khi anh không còn nữa, mỗi lần nhớ đến anh, tôi lại thấy lòng thổn thức. . . .
Anh đi xa, nhưng mùa Xuân đầu tiên ở quân trường, anh vẫn không quên gửi về tặng tôi tấm thiệp và bản nhạc "Cánh hoa Pensée", với những lời ca mà tôi chỉ còn nhớ rất mù mờ:
"Ngày nao xa em anh gửi lại. Gửi trao cho em một cành hoa. Hoa Pensée là màu hoa yêu thương. . . ."
Lần về phép đầu tiên trong đời lính, anh ghé vào thăm chị em tôi. Trong màu áo trận, anh chững chạc hẳn ra vì nắng gió quân trường, mái tóc hớt ngắn, nước da đậm đà khỏe mạnh, nhưng đôi mắt thì vẫn buồn làm sao! Anh kể cho chị em tôi nghe về thời gian huấn nhục ở quân trường, biết bao cực nhọc với phương châm "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Ngày anh ra đơn vị, thỉnh thoảng mỗi lần về phép anh lại đến thăm, lại kể chuyện chiến trường, anh nói mạng mình "lớn" lắm nên bao nhiêu lần đụng trận mà đạn không dám đụng vào anh. Tôi hết còn dám chọc ghẹo anh như ngày xưa, còn anh thì dày dạn phong trần, có làm mấy câu thơ tặng tôi trước ngày trở ra đơn vị:
Thăm bạn bè xưa tuổi học trò
Nhìn ai, chưa nói lời thương nhớ
Để lại ra đi chẳng hẹn hò."
Sau này tôi ít được gặp anh, chiến tranh đã đẩy anh đi những bước thật dài để người lính ấy càng ngày càng trưởng thành trong binh lửa. Mỗi lần nhận thư anh từ một nơi xa xôi nào đó, những địa danh xa lạ, đọc những dòng chữ thân thương của anh tôi lại nhớ đôi mắt anh trong buổi tối chia tay nhau trước ngày nhập ngũ. Sao mắt anh buồn ơi là buồn, hình như đó là dấu hiệu báo trước cuộc sống ngắn ngủi của anh trên cõi đời này, người lính trẻ tội tình của thế kỷ hai mươi, khi anh ra trường, lao vào cuộc chiến để đối đầu với lằn tên mũi đạn.
Tôi vẫn là cô nữ sinh bé bỏng, lòng đã biết xôn xao với những rung cảm đầu đời, nhưng tình yêu của anh tôi vẫn thấy xa vời lắm. Có lẽ tôi chưa yêu anh, tình cảm có một lúc nào đó đã để lại trong tôi chút bâng khuâng, nhưng để đáp lại tiếng lòng của những đóa pensée tôi vẫn ngại ngần. Những đêm dài bất chợt nhìn ánh hỏa châu bừng sáng ở một góc trời, tiếng bom đạn rền rền ở vùng xa vọng về thành phố, tôi đã nghĩ đến anh và thầm cầu nguyện cho anh được trở về bình yên.
Đã hơn bốn mươi năm rồi, một khoảnh khắc của thời gian nhưng cũng là một đoạn đường dài để con người trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, đau khổ. Lần lượt những hình ảnh thân quen trong quá khứ có giây phút trở về, tôi lại nhớ đến anh, nhớ đến những đóa pensée rung rinh mỉm môi cười mỗi mùa Xuân tới. Tôi vẫn chỉ gọi anh bằng mấy chữ dễ thương: "người anh đồng môn", hình ảnh anh vẫn hiển hiện trước mắt tôi. Tôi nói "hiển hiện" là vì anh đã không về nữa, chỉ còn hình ảnh người trai trẻ năm xưa trong lòng tôi, đôi mắt dễ thương, nụ cười dễ thương, cái xiết tay ấm áp trong buổi chia tay lúc anh lên đường nhập ngũ.
Đời lính đưa anh đi xa rồi lại về gần, cuối cùng, anh đã bỏ mình trong một trận đánh bên dòng sông quê mẹ. Hôm ấy hai cánh cửa sắt nhà anh mở toang, tôi đi lại nhiều lần nhìn vào chiếc quan tài phủ cờ với những vòng hoa tang, ngọn nến bập bùng hắt lên di ảnh "người anh đồng môn" của tôi, người lính trẻ đã nằm xuống khi tuổi còn thanh xuân.
Tôi vẫn không đủ can đảm bước vào để nói lời từ biệt "người anh đồng môn" dễ thương ấy, vì tôi biết rằng thế nào mình cũng khóc, hoặc để người khác biết được nỗi buồn đã chớm nở trong trái tim, như lần đã rụt tay về vì sợ anh ngỏ với tôi nỗi niềm thương nhớ của những đóa pensée. Không biết ở bên dòng sông nơi anh nằm xuống, dòng máu đỏ của người lính đã loang chảy vào lòng đất, có mọc lên những bông hoa pensée đầy thương nhớ không nhỉ?
Post a Comment