Chàng Keo Kiệt với Lễ Giáng Sinh
Phạm Văn Tuấn
I/ Câu chuyện Giáng Sinh.
Ebenezer Scrooge là chủ nhân của một văn phòng đầy hồ sơ, đây là một cơ sở thương mại phát đạt nhưng ông chủ lại là một người rất keo kiệt. Vào ngày mùa đông lạnh lẽo nhất, ông ta chỉ đốt trong văn phòng băng giá một ngọn lửa sưởi rất nhỏ, còn dành cho viên thư ký Bob Cratchit một đốm lửa nhỏ hơn nữa. Scrooge chẳng hề quan tâm tới thời tiết, bởi vì ông ta luôn luôn gặp lạnh, lạnh giá từ bên trong lòng và không bao giờ ấm áp cả dù cho vào ban đêm Giáng Sinh.Khi gần tới giờ đóng cửa vào một đêm gần lễ Giáng Sinh, người cháu của Scrooge ghé lại văn phòng để chúc mừng ông chú một mùa Giáng Sinh vui vẻ. Scrooge đã cười mỉa mai, bởi vì ông ta không ưa tình cảm và tư tưởng, mà chỉ ham thích một thứ, đó là tiền. Đối với Scrooge, Mùa Giáng Sinh là lúc mọi người tiêu nhiều tiền hơn lúc thường, cảm thấy không giàu có hơn mà chỉ già hơn một tuổi.
Vào dịp lễ trọng đại này, Scrooge miễn cưỡng phải cho viên thư ký Cratchit nghỉ một ngày, đây là một nhân nhượng duy nhất nhưng ông chủ này vẫn cảnh cáo anh Cratchit phải tới sở làm sớm vào ngày sau Lễ Giáng Sinh.
Scrooge rời văn phòng, đi về nhà trong một tòa nhà lớn, ông ta ở đây một mình. Ông ta có Jacob Marley là người ở chung nhưng anh này đã qua đời bẩy năm về trước. Khi về tới cửa, Scrooge đã nhìn thấy bộ mặt của Marley tại nơi miếng gõ cửa. Cảnh tượng thật là ghê sợ. Marley đã nhìn Scrooge chừng chừng với cặp kính ma quái, cái trán ma quái. Tới khi Scrooge nhìn kỹ lại, miếng gõ cửa trở về như trước. Cảnh tượng vừa qua đã làm cho Scrooge giao động, ông ta vào phòng, châm lửa vào ngọn nến, coi lại cẩn thận xem con ma Marley có còn xuất hiện đó đây không. Rồi để chắc chắn, Scrooge khóa hai lần cửa. Ông ta dọn giường, lên nằm chờ cho ngọn lửa sưởi tắt dần.
Nhưng bỗng nhiên, một cái chuông không dùng tới trong căn phòng bắt đầu rung lên, rồi mọi cái chuông trong căn nhà cũng rung theo. Sau đó từ bên dưới vang lên tiếng xiềng xích nặng nề. Cửa hầm bị mở tung và ai đó đang đi lên cầu thang. Con ma Marley đang bước qua cửa nhà của Scrooge. Marley vẫn ăn mặc như trước nhưng trên người đeo đủ thứ như các chìa khóa, ổ khóa, sổ ghi, túi nặng...
Con ma Marley ngồi xuống để nói chuyện với Scrooge lúc này vừa lo sợ, vừa kinh ngạc. Nó bắt Scrooge công nhận rằng những gì trông thấy là sự thực. Marley cắt nghĩa rằng trong cuộc đời của nó, nó chẳng làm gì tốt lành cho người khác, vì vậy khi chết đi, nó bị kết tội phải đi lang thang mà không được an nghỉ, không được thảnh thơi khỏi sự dằn vặt vì hối hận. Con ma nói rằng Scrooge còn có cơ hội không gặp phải số phận của nó và ba con ma khác sẽ tới thăm Scrooge để chỉ dẫn cách thay đổi. Con ma thứ nhất sẽ xuất hiện vào đêm đó lúc đồng hồ điểm một tiếng. Con ma kế sẽ tới vào đêm thứ hai và con cuối cùng vào đêm thứ ba. Kéo lê theo xiềng xích, con ma Marley biến mất.
Sau khi bóng ma Marley biến đi rồi, Scrooge vào giường nằm và mặc dù thần kinh bị xáo trộn, ông ta ngủ ngay nhưng khi tỉnh giấc, trời còn tối và đồng hồ gõ 12 tiếng, Scrooge đã chờ đợi tới 1 giờ sáng. Khi tiếng chuông 1 giờ tắt dần thì tấm màn che giường ngủ của Scrooge bị kéo sang một bên rồi đứng bên giường là một hình người với bộ mặt còn trẻ con, nhưng với tóc dài trắng và thân hình vạm vỡ. Con ma này tự giới thiệu là con ma của Mùa Giáng Sinh đã qua, tượng trưng cho quá khứ của Scrooge. Khi bị con ma này mời ra đi cùng với nó, Scrooge không thể từ chối được.
Hai người cùng đi như làn gió thoảng, đầu tiên ngừng lại nơi sinh trưởng của Scrooge. Tại nơi này, Scrooge đã nhìn thấy chính mình khi còn là một đứa trẻ bị bạn bè xa lánh và cô đơn tìm đọc các quyển sách. Rồi sau đó Scrooge nhận ra mình ở trường học, là nơi người chị đi đón về nhà vào ngày lễ Giáng Sinh. Scrooge nhớ lại chị của mình là người đã bị chết trẻ. Con ma nhắc lại cho Scrooge nhớ rằng người chị có một đứa con trai mà Scrooge đã không chăm sóc.
Trạm ngừng kế tiếp là cảnh Scrooge học nghề, tại nơi này mọi người đều vui vẻ vào đêm Giáng Sinh. Tiếp tục đi, hai người đã gặp một thiếu nữ trẻ đang khóc, cô ta bảo chàng Scrooge trẻ rằng cô nhận thấy chàng yêu tiền bạc hơn yêu cô. Con ma đã cho Scrooge nhìn thấy cảnh sống của cô gái này lúc về già nhưng được hạnh phúc với chồng và các con. Rồi con ma Marley dẫn Scrooge trở về phòng, tại nơi này ông ta ngủ say trở lại.
Con ma thứ hai là của Mùa Giáng Sinh hiện tại. Nó dẫn Scrooge qua các con đường trong thành phố vào buổi sáng ngày Lễ Giáng Sinh. Trạm dừng chân đầu tiên là căn nhà của Cratchit, tại nơi này anh Cratchit xuất hiện với đứa cháu Tiny Tim tàn tật và gầy yếu. Trong nhà của Cratchit, một bữa ăn thanh đạm được coi là một bữa tiệc. Sau bữa ăn, Bob Cratchit đề nghị chúc tụng ông Scrooge dù cho cách đối xử này làm cho Scrooge mất vui đôi phần.
Rồi con ma và Scrooge đi qua thành phố là nơi mọi người đều chúc nhau một Mùa Giáng Sinh vui vẻ. Khi nhìn vào căn nhà của người cháu, cả hai thấy cảnh vui nhộn khiến cho Scrooge cũng muốn tham gia. Cũng tại nơi này, mọi người nâng ly, chúc sức khỏe cho Scrooge. Sau đó con ma của hiện tại biến đi.
Vào đêm thứ ba, Scrooge đã nhìn thấy một con ma choàng áo đen tiến lại gần mình, đây là con ma của Mùa Giáng Sinh sắp tới. Con ma này giang hai tay ra và bắt Scrooge đi theo cho tới khi cả hai gặp một nhóm phu quét đường đang bán các món đồ của người chết. Một người đàn bà vào phòng của người chết, lấy đi các màn che giường ngủ, các khăn trải giường và ngay cả chiếc áo sơ mi mà đáng lẽ phải chôn theo người chết. Scrooge nhìn thấy một tử thi có bộ mặt che phủ, nhưng từ chối không lấy miếng che mặt ra. Khi lại thăm gia đình Cratchit, Scrooge mới biết cháu bé Tiny Tim đã qua đời.
Sau khi coi lại căn nhà làm nơi văn phòng của mình và nhìn lại nấm mồ của chính mình không được người nào chăm sóc, Scrooge nhận ra rằng mình đang nằm trong căn phòng lạnh giá, giường ngủ bị lột trơ trụi và không có ai than khóc. Scrooge đã van xin con ma đừng để cảnh hãi hùng này xẩy ra, nguyện hứa sẽ thay đổi và sẽ mãi mãi trong tâm hồn tôn trọng Lễ Giáng Sinh. Scrooge cố gắng nắm lấy tay con ma và nhận thấy rằng nó thu nhỏ lại và đang đu đưa dưới chân giường. Scrooge nhẩy ra khỏi giường và cảm ơn con ma Marley đã giúp cho cơ hội được ăn năn hối lỗi.
Khi đi ra ngoài phố, Scrooge nhận ra rằng hôm nay là Ngày Lễ Giáng Sinh. Hành động đầu tiên của Scrooge là đặt mua một con gà quay lớn và gửi nặc danh tới tặng gia đình Cratchit. Vào ngày hôm trước, Scrooge đã nhờ người tìm chỗ quyên tặng thì hôm nay, ông ta đã tặng cho các người nghèo một số tiền lớn. Rồi ông ta còn làm cho người cháu kinh ngạc do tới thăm nhà anh này, dự bữa ăn Giáng Sinh và giúp cho bữa tiệc sống động.
Scrooge không hề trở lại cách đối xử cũ. Ông ta tăng lương cho Bob Cratchit, cải tiến các tiện nghi làm việc trong văn phòng, đóng góp rộng rãi vào mọi cơ quan từ thiện và là người cha đỡ đầu cho cháu Tiny Tim. Mọi người tin rằng Ebenezer Scrooge là người hiểu rõ Mùa Lễ Giáng Sinh.
II/ Vài nhận xét về tác phẩm.
"Chàng Keo Kiệt với Lễ Giáng Sinh" (A Christmas Carol) là một trong các tác phẩm danh tiếng của Charles Dickens. Đây là câu chuyện thường được kể lại trong gia đình cho các em nhỏ, với luân lý rất đơn giản, liên quan tới ý nghĩa của dịp Lễ Giáng Sinh, tới cách đối xử với những người chung quanh.Qua cuốn truyện, tác giả Charles Dickens đã nói về cảnh nghèo, về tình trạng đáng thương hại của gia đình Cratchit, về đứa bé bị tàn tật Tiny Tim trong một xã hội không giúp đỡ những người bị thiệt thòi.
Nhân vật chính trong truyện là Ebenezer Scrooge, là một con người bị ám ảnh bởi đồng tiền, không có lòng trắc ẩn đối với người khác và không quan tâm tới cộng đồng, xã hội. Scrooge thiếu lòng tin tôn giáo nên không ưa thích mùa Lễ Giáng Sinh, ngoài ra dịp lễ này còn làm gián đoạn công việc kinh doanh của ông ta và tác giả đã dùng cơ hội này để mô tả thái độ của Scrooge đối với mọi người, biết đâu rằng Lễ Giáng Sinh cũng là thời gian để bày tỏ tấm lòng từ thiện và tình yêu thương tỏa sang những người láng giềng.
Qua câu chuyện, Charles Dickens đã dùng tới hình ảnh của ba con ma để biểu tượng về siêu nhiên, tôn giáo và tình cảm. Con ma Marley thứ nhất tượng trưng cho một con người và Scrooge đã đối phó với con ma này một cách dễ dàng. Con ma Giáng Sinh quá khứ dẫn Scrooge về với tuổi trẻ của chính mình, với cảnh một đứa bé sống qua Mùa Giáng Sinh trong nỗi cô đơn và hoàn cảnh này đã khiến cho Scrooge xa cách các người đồng loại. Ký ức đã bị quên lãng, nay được nhắc nhở.
Con ma của mùa Giáng Sinh hiện tại tượng trưng cho thế giới bên ngoài, đầy niềm vui và tình thương mà Scrooge đã chối bỏ. Vào dịp Lễ Giáng Sinh, nhiều người dù bị nghèo khó, chẳng hạn như gia đình Cratchit, như Bob đi làm mướn như thể một nhân viên không có nhân tính, vẫn còn nuôi dưỡng hy vọng và niềm vui tươi.
Vào thời gian của con ma Mùa Giáng Sinh sắp tới, Scrooge được giới thiệu cảnh chết chóc hãi hùng, đây là ý nghĩa sau cùng của một cuộc sống keo kiệt, người chết chẳng mang theo được gì! Khi tỉnh giấc, Scrooge đã nhận ra rằng chính mình có thể làm thay đổi tương lai, làm tăng thêm hạnh phúc cho mình và cho các người khác. Scrooge đã tặng con gà quay cho gia đình Cratchit, tham gia Lễ Giáng Sinh với gia đình người cháu, giúp đỡ cháu bé tàn tật Tiny Tim, chia xẻ tài sản với các người nghèo và như vậy đã chuộc tội cho thời niên thiếu, đã thay đổi cách sống.
Truyện "Chàng Keo Kiệt với Lễ Giáng Sinh" của Charles Dickens đã mô tả các tâm tư sâu kín của một con người không hạnh phúc, đã nhìn lại chính mình qua một loạt hình ảnh siêu nhiên. Đã có nhiều truyện ma được các tác giả viết ra, nhưng trong câu chuyện tâm lý kể trên, Charles Dickens đã nhắc nhở những người keo kiệt hãy thức tỉnh và làm các công việc từ thiện, cứu giúp mọi kẻ nghèo khó.
III/ Tác giả Charles Dickens.
Charles Dickens là tiểu thuyết gia của nước Anh có các tác phẩm bán chạy nhất trong thế kỷ thứ 19. Vào thời kỳ đó, đã không có các giải trí phổ thông như chiếu bóng, truyền thanh và truyền hình, đọc tiểu thuyết là hình thức giải trí chính và các tiểu thuyết không mang tính "văn học" nhiều như được đánh giá theo tiêu chuẩn hiện nay.Các tác phẩm của Charles Dickens được nhiều giới độc giả tìm đọc. Giới trí thức ưa thích các bình luận châm biếm vừa mang tính chính trị, vừa có tính xã hội. Giới trung lưu thấy các tiểu thuyết của Charles Dickens chứa đựng nhiều hoàn cảnh tình cảm và các lời nhắn nhủ về đạo đức, còn giới nghèo khó cười lớn vì các phần khôi hài trong chuyện và họ theo dõi những lúc hấp dẫn. Charles Dickens đã nối được các nhịp cầu thông cảm tới mọi giai tầng của xã hội bằng các cốt chuyện lạ lùng, các nhân vật đa dạng và tới cuối đợt bài viết đăng trên các báo, là các cao điểm hồi hộp, gây ra nhiều thắc mắc, khiến cho độc giả phải tìm hiểu ở phần kế tiếp.
Charles Dickens đã dùng các tiểu thuyết của mình để xem xét các vấn đề xã hội. Trong cuốn truyện "Oliver Twist", ông đã trình bày các điều kiện sống nghèo khó của những khu nhà ổ chuột. Ông chỉ trích các trường học tàn nhẫn, thiếu trách nhiệm của miền Yorkshire trong tác phẩm "Nicholas Nickleby", cũng như chê bai Tòa Án Chancery trong cuốn "Bleak House" (Căn nhà lạnh lẽo). Charles Dickens còn phơi bày nỗi thống khổ của các trẻ em phải lao động quá sớm và chế nhạo các cải tiến nhà tù. Ông hướng về lòng từ thiện Thiên Chúa giáo và các lý tưởng theo sự công bằng.
Các chỉ trích mang tính xã hội trong các tiểu thuyết đã làm cho danh tiếng của Charles Dickens được phổ biến, đã khiến cho giới trung lưu của thời đại Victoria tự coi rằng họ là các công dân phải quan tâm tới những vấn đề được nêu ra. Các tác phẩm của Charles Dickens mang nhiều yếu tố bi hài, bí ẩn, chỉ trích các thói xấu xã hội và mang cả đặc tính giải trí. Qua tác phẩm "David Copperfield", tác giả viết về cuộc đời của chính mình và khám phá bản chất của các cá nhân con người hơn là bản chất xã hội, còn phạm vi tâm lý được ông đào sâu qua các cuốn tiểu thuyết viết về sau, chẳng hạn như "Little Dorrit", "Great Expectations" (Các Mong Đợi lớn lao) và "Our Mutual Friend" (Bạn Tương Giao).
Charles Dickens là nhà văn quan sát rất nhậy cảm, ông đả kích nhiều loại bạo hành và lạm dụng của xã hội, ông mô tả trẻ em thiếu tình thương của cha mẹ, không được xã hội bảo vệ, ông trình bày hình ảnh của các trường học ghê tởm, nhiều loại hình luật tàn nhẫn với cách nhốt tù vì nợ nần, các khu nhà ổ chuột mất vệ sinh và từ nơi đây đã đẻ ra các kẻ phạm tội. Ông cũng nói tới cách đối xử tàn nhẫn với trẻ em và việc khai thác sức lao động của thiếu niên, sự thiếu an toàn trong nhà máy. Như vậy phải có nhiều sai trái trong trật tự xã hội và cần phải cải tổ các kẻ xấu cũng như các định chế xấu. Những chỉ trích này, theo George Orwell, không có tính chính trị hay kinh tế mà mang tính đạo đức và tác giả Dickens đã không đề nghị gì về hệ thống xã hội mới hay các định chế mới.
Thế giới của các tiểu thuyết do Charles Dickens sáng tác là một thế giới hư cấu, giống như chuyện thần tiên nhưng lại chứa đựng các cơn ác mộng. Đây là thế giới nhìn qua đôi mắt của một đứa bé, nó đã thấy sương mù dày đặc hơn, bóng tối đen sẫm hơn, các căn nhà cao lớn hơn, khu phố trống trải hơn và mang tính đe dọa. Charles Dickens cũng mô tả cách du lịch của thời đại với xe ngựa, xe lửa, quán trọ cùng các sinh hoạt của thời kỳ Cách Mạng Kỹ Nghệ với hình ảnh của kỹ nghệ gia sẽ là chủ nhân của tương lai.
Các tác phẩm của Charles Dickens hàm chứa tính triết lý về các cách tranh đấu của con người trong các định chế xã hội và về phương diện này, ông đáng được xếp hàng cùng với các nhà văn lớn như Herman Melville, Fyodor Dostoevsky và Franz Kafka. Các nhân vật trong các tiểu thuyết của Charles Dickens mang nhiều phong thái về màu sắc, năng lực, đời sống và biến hóa, thể hiện đầy đủ tính bi hài của đời người và độc giả đã tìm thấy các nhân vật đặc sắc tương tự trong các tác phẩm của Đại Văn Hào William Shakespeare.
Theo ý kiến của nhiều nhà phê bình văn học, Charles Dickens là nhà văn sáng tạo lớn lao nhất của nước Anh với tên và bản chất của các nhân vật trong tác phẩm không thể quên được trong lòng độc giả. Tính hài hước trong các tác phẩm của ông thật là độc đáo, bởi vì ở sâu phía dưới còn thể hiện lòng nhân từ, biết thương sót kẻ khác.
Hiện nay, các tác phẩm của Đại Văn Hào Charles Dickens vẫn được độc giả khắp nơi tìm đọc và vào tháng 12 mỗi năm, cuốn truyện "Chàng Keo Kiệt với Lễ Giáng Sinh" (A Christmas Carol, 1843) thường là một món quà đặc sắc của Mùa Lễ Giáng Sinh.
Post a Comment