Phạm Văn Tuấn
1- Kênh Đào Suez.
Từ 4,000 năm về trước, người Ai Cập đã có ước mơ mở một kênh đào trên dải đất Suez khi Vua Pharaoh cho đào một con kênh đầu tiên nối giòng sông Nile với hồ lớn Bitter. Cũng vì chưa có kênh đào Suez nên trong nhiều thế kỷ, việc thương mại của miền Trung Đông với châu Âu phải đi qua phần đất liền của châu Á rồi sau đó, các con tầu biển chở hàng hóa từ Hồng Hải đã phải dương buồm qua mỏm cực nam của châu Phi để đi tới biển Địa Trung Hải.Tới năm 1858, một viên kỹ sư người Pháp tên là Ferdinand de Lesseps, nhờ là bạn của Phó Vương Ai Cập Sa'id Pasha, nên đã giành được quyền tổ chức một công ty có mục đích đào một con kênh nhân tạo. Ngày 17-11-1869, kênh đào Suez đã được khánh thành tại hải cảng đầu tiên ở phía bắc là Hải Cảng Said (Port Said), được đặt bằng tên của Phó Vương Sa'id Pasha.
Kênh đào Suez dài 163 cây số, gấp hai lần chiều dài của kênh đào Panama, với 123 cây số hai bên bờ được xây tường thành bằng đá và xi măng để tránh bị sụp lở và chỉ có 39 cây số giòng kênh đi qua các hồ nước được nạo vét dưới đáy.
Giòng kênh Suez có chiều sâu 20 mét và chiều ngang di chuyển được giữa các phao nổi là 180 mét. Tầu thuyền có thể di chuyển hai chiều tại 4 đoạn kênh dài hơn 67 cây số. Các con tầu biển thật lớn với độ chìm (draught) tới 16 mét đều có thể đi qua kênh đào Suez. Chỉ các tầu thật lớn khi di chuyển trên kênh đào mới cần tới tầu kéo và thời gian mất từ 12 tới 18 giờ. Để tránh các tai nạn có thể xẩy ra, các tầu thuyền phải di chuyển với tốc độ cố định, cách khoảng trước sau và hai bên cố định. Các đoàn tầu được tính toán cẩn thận để chạy ngược chiều nhau trên hồ lớn Bitter.
Mỗi ngày, trên kênh đào có hai đoàn tầu đi từ phía nam lên mạn bắc và một đoàn tầu đi từ phía bắc xuống, với tổng số tầu bè qua lại vào khoảng 80 chiếc. Hàng năm, có vào khoảng 20,000 con tầu chuyên chở từ 300 tới 400 triệu tấn hàng, với một nửa là tầu chở dầu và chở hàng hóa. Tầu đi lên mạn bắc chở theo dầu lửa từ Vịnh Ba Tư để tới các nước Tây Âu, còn xuôi về nam là các con tầu chở sản phẩm kỹ nghệ và ngũ cốc, từ châu Âu và Bắc Mỹ, để đi tới miền nam châu Á và Viễn Đông. Ngoài ra còn có các con tầu chiến và tầu du lịch viễn duyên. Nhờ có kênh đào Suez, con đường biển từ thành phố London, nước Anh, tới thành phố Bombay, Ấn Độ, đã tiết kiệm được 11,670 cây số so với hải lộ qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi.
Kênh đào Suez dài gấp hai lần kênh đào Panama nhưng lại dễ thực hiện hơn nhiều vì đi qua một miền đất bằng phẳng, ngang với mặt nước biển nên không cần loại cửa cống khóa nước (lock).
2- Thời kỳ đầu của kênh dào Panama.
Nhà thám hiểm Tây Ban Nha tên là Vasco Nunez de Balboa là người đầu tiên đã khám phá ra eo đất Darien mà sau này được gọi là eo đất Panama. Ông Balboa cũng là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy Thái Bình Dương vào năm 1513 và đã nhận phần đất vùng Panama cho nước Tây Ban Nha, rồi vào năm 1524, Vua Charles V của Tây Ban Nha đã đề nghị một cuộc khảo sát để thực hiện một con kênh đào đi qua phần eo đất này. Thế rồi, qua nhiều thế kỷ, các nhà hàng hải vẫn thèm thuồng có một con kênh đào nối liền hai biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương nhưng ước mơ này đã phải chờ đợi tới cuối thế kỷ 19 mới được bắt đầu.Năm 1876, một sĩ quan Hải Quân Pháp trẻ tuổi tên là Lucien Napoléon Bonaparte Wyse, cháu của Vua Napoléon I, đã đi tới miền Panama với đầy đủ tiền bạc để mong bắt tay vào một dự án đào kênh. Sau hai năm khảo sát địa hình kỹ càng trên eo đất Panama, ông Wyse đã nhận được sự nhân nhượng của chính quyền Columbia là quốc gia sở hữu giải đất Panama, để xây dựng một con kênh đào theo đường xe lửa mà người Hoa Kỳ đã lắp đặt. Dự án của ông Wyse được trình lên Hội Địa Dư Paris (the Geographical Society of Paris) là một cơ quan danh tiếng và uy tín của châu Âu. Rất may cho ông Wyse là vị Chủ Tịch của Hội này lại là ông Ferdinand de Lesseps, một người bạn và cũng là người đỡ đầu của ông Wyse. Ông De Lesseps là người đã xây dựng thành công Kênh Đào Suez.
Cổ phiếu của công ty Kênh Đào Panama |
Ông De Lépinay đã từng ở vùng Panama nên đã lên tiếng bác bỏ phương pháp xây dựng kênh đào ngang bằng với mặt nước biển bởi vì địa thế núi non của vùng này. Ông De Lépinay đã đề nghị một phương pháp đơn giản là ngăn chặn giòng sông Chagres của vùng Panama để lập nên một cái hồ và tạo ra kênh đào, với mặt nước cao, băng qua eo đất, rồi đặt tại mỗi đầu kênh các cửa khóa nước dẫn ra các đường biển. Các người ủng hộ ông De Lesseps đã hô hoán, chê bai đề nghị kể trên, biết đâu rằng 27 năm về sau, các ý tưởng của ông De Lépinay đã được mang ra thực hiện.
3- Ông De Lesseps thất bại.
Tại châu Âu và châu Mỹ, ông De Lesseps đã cho phổ biến một chương trình quảng cáo rầm rộ, kéo dài tới cả năm để gây quỹ cho một công ty mới thành lập, có tên là Công Ty Kênh Đào Panama (the Panama Canal Company). Vào tháng 2 năm 1881, nhóm kỹ sư người Pháp đầu tiên đã tới eo đất Panama và việc đào bới được khởi công vào năm 1882 nhưng sau đó 7 năm, việc đào kênh đã gặp thất bại vì bão lụt, đất lở, vì các bệnh tật nhiệt đới đã tàn phá giới công nhân, vì các vụ tai tiếng tài chính… khiến cho công ty đã bị phá sản vào năm 1889. Ông De Lesseps bị kết tội đã quản trị sai lầm và chết vì già yếu vào năm 1894.Sự thất bại của người Pháp tại Kênh Đào Panama có thể tóm lược vì hai nguyên do.
- Thứ nhất, lỗi lầm căn bản là do ông De Lesseps đã cố gắng giữ lập trường xây dựng kênh đào giống như Kênh Suez kiểu mẫu. Việc đào kênh không đơn giản vì hai miền Suez và Panama không thể so sánh tương đương. Kênh đào Suez đã lợi dụng được ba hồ nước có sẵn và giòng kênh đi qua một vùng đất thấp. Trái lại, eo đất Panama mặc dù chỉ hẹp 40 dậm theo chiều ngang nhưng lại là một miền núi, với các đường nứt địa chấn (faults) khiến cho nền móng không ổn định và việc đào sâu xuống phần đá để tạo nên đáy của giòng kênh là một việc không thể làm nổi đối với kỹ thuật thời bấy giờ.
- Lỗi lầm thứ hai là do ông De Lesseps đã không quan tâm tới các lời cảnh cáo về hai thứ bệnh nhiệt đới đang hoành hành tại vùng Trung Mỹ, đó là bệnh sốt rét và bệnh sốt vàng da (yellow fever). Do thăm viếng vùng Panama vào mùa khô, lúc không có nhiều muỗi, ông De Lesseps đã chủ quan cho rằng Panama là một trong các nơi có môi trường sống lành mạnh nhất thế giới.
Muỗi Anopheles - đứng thẳng (A,B) muồi thường nằm ngang (C) |
Về mặt tài chính, các vấn đề kỹ thuật gặp phải càng làm cho phí tổn lên cao, cộng với các sự ăn bớt, các lạm dụng… khiến cho vào năm 1898, ban giám đốc của công ty kênh đào Panama đã phải đề nghị bán tất cả tài sản của công ty cho Hoa Kỳ với giá 100 triệu mỹ kim.
Lúc đầu, lời đề nghị này đã không gây được chú ý mà còn gặp sự chống đối. Công ty Hỏa Xa Panama e sợ rằng việc đào kênh sẽ tạo nên sự cạnh tranh trong việc chuyên chở hàng hóa giữa các bờ biển đông-tây, vì thế họ đã vận động với Quốc Hội Hoa Kỳ để cản trở việc chấp nhận đề nghị của người Pháp nhưng một biến cố đã xẩy ra, đó là trận chiến tranh Hoa Kỳ - Tây Ban Nha bùng nổ vào tháng 3 năm 1898.
Không lâu sau tháng lâm chiến này, chiến hạm Hoa Kỳ tên là S.S. Oregon được phái đi từ Vịnh San Francisco tới vùng biển Caribbean. Sau hải trình dài 13,000 dậm và 68 ngày vượt biển vòng qua mũi Horn, Nam Mỹ, chiến hạm S.S. Oregen đã tới được vùng giao tranh thì cuộc chiến cũng gần tàn. Sự kiện này đã khiến cho Quốc Hội Hoa Kỳ nhận rõ được chân giá trị và sự quan trọng của một con kênh đào cắt ngang qua eo đất Panama và Quốc Hội này bắt đầu hành động.
Vào tháng 6 năm 1902, đạo luật Spooner đã cho phép Tổng Thống Theodore Roosevelt mua lại tất cả các cổ phần của người Pháp với số tiền 40 triệu mỹ kim. Sau đó là một dự thảo hiệp ước với xứ Columbia, cho phép Hoa Kỳ độc quyền xây dựng một con kênh đào và quản trị vùng kênh đào rộng 6 dậm trong 100 năm để đổi lấy 10 triệu mỹ kim tính ra vàng và tiền thuê hàng năm là 250,000 mỹ kim rút ra từ tiền thuế qua kênh. Dự ước này đã được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn vào tháng 3 năm 1903 nhưng Quốc Hội của xứ Columbia lúc đó trì hoãn để đòi trả thêm rồi vào tháng 6 năm 1903, đã giận giữ bác bỏ dự ước.
4- Việc đào kênh Panama bắt đầu.
Việc làm của Quốc Hội Columbia đã gây bất mãn cho cư dân vùng Panama, nhất là giới quân nhân tại nơi này. Ngày 3-11-1903, với sự khuyến khích và giúp đỡ ngấm ngầm của Hoa Kỳ, một nhóm người Panama đã nổi lên, làm một cuộc cách mạng. Cũng vào lúc này, một chiến hạm Hoa Kỳ đã bỏ neo tại hải cảng Colon và đồng thời, một lực lượng thủy quân Mỹ cũng được gửi tới Panama, lấy cớ là để bảo vệ tài sản của Hoa Kỳ nhưng cũng đã ngăn cản không cho quân đội Columbia tới gần khu vực nổi dậy tại thành phố Panama. Sau đó 3 ngày, Hoa Kỳ lên tiếng chính thức công nhận nước Cộng Hòa Panama.Vào tháng 2-1904, Hiệp Ước Hay-Bunau-Varilla đã phê chuẩn, cho phép Hoa Kỳ có quyền quản trị vĩnh viễn Vùng Kênh Đào có chiều ngang rộng 10 dậm, mỗi bên 5 dậm, ngang qua eo đất Panama, để đổi lấy 10 triệu mỹ kim và tiền thuê hàng năm là 250,000 mỹ kim. Sau đó, công ty kênh đào của Pháp cũng đồng ý sang nhượng lại tất cả tài sản cho Hoa Kỳ với trị giá 40 triệu mỹ kim.
Kể từ giữa mùa hè năm 1904, việc khởi công đào kênh của Hoa Kỳ được bắt đầu. Với sự thương lượng kể trên, người Mỹ đã thừa hưởng của người Pháp các công trình đáng kể: 78 triệu thước khối đất đã được đào đi, 47 dặm đường xe lửa, một số lượng khổng lồ máy móc và cuối cùng là một thư viện tài liệu vô giá, gồm các bản đồ, bản khảo sát, bản thiết kế, các hồ sơ ghi chép tỉ mỉ và công phu, được sưu tầm trong hai thập niên vừa qua.
|
|
Với công trình xây dựng dang dở này, Ủy Ban Kênh Đào Eo Đất (the Isthmian Canal Commission) bắt đầu làm việc dưới quyền của Đô Đốc John G. Walker, với bộ chỉ huy đặt tại Washington, nhưng tất cả còn ở trong tình trạng hỗn độn. Việc đào đất còn nhỏ nhoi, phần khoan đất trong núi không có chỗ di chuyển đất dư. Nơi ăn ở của công nhân còn thiếu thốn và thiếu vệ sinh. Đồ ăn, nước uống và các phương tiện y tế không đủ. Các đơn xin tiếp liệu phải chờ vài tuần lễ mà vẫn chưa có kết quả. Chính trong tình trạng rối ren này, hai nhân vật đã lần lượt xuất hiện, đó là Đại Tá William Crawford Gorgas thuộc binh chủng Quân Y và Đại Tá George Washington Goethals, vị kỹ sư chính sẽ điều khiển công trình xây dựng sau năm 1907.
Nhờ thời gian phục vụ vừa qua tại Havana, xứ Cuba, Đại Tá Y Sĩ Gorgas đã xác nhận lần đầu tiên sự liên quan giữa các loại muỗi và hai chứng bệnh sốt rét và sốt vàng da nhưng vào thời đó, chưa có ai tin tưởng ở khám phá này. Vào tháng 12-1904, bệnh sốt vàng da đã bộc phát. Số người chết và số người mắc bệnh đã làm cho tất cả các công nhân đào kênh hoảng sợ.
John F. Stevens |
Nói về thành quả của Đại Tá Gorgas, phải kể tới hai khám phá trước đó. Năm 1898, Bác Sĩ Ronald Ross, một y sĩ thuộc Quân Đội Anh, đã khám phá ra rằng bệnh sốt rét được truyền đi do muỗi Anopheles đốt và mang bệnh từ người này qua người kia. Năm 1901, Bác Sĩ Walter Reed cũng là một y sĩ trong Quân Đội Hoa Kỳ cùng các người cộng sự, đã chứng minh rằng bệnh sốt vàng da là do muỗi Aedes.
Khi phục vụ là sĩ quan y tế trưởng tại Havana, Đại Tá Gorgas đã căn cứ vào 2 khám phá y học kể trên để làm phát triển ra các phương pháp vệ sinh thực dụng. Tại vùng Panama, Đại Tá Gorgas đã cho khai thông tất cả các hồ, đầm lầy, vũng nước khi có thể, và tại các vũng nước tù không thể rút nước đi được thì cho đổ một lớp dầu mỏng lên trên mặt nước. Các bụi rậm cũng được khai quang hay đốt sạch. Mọi căn nhà được làm trên nền cao, với cửa sổ, cửa lớn có lưới và những bể nước, lu nước đều phải đậy nắp. Các toa xe lửa tại vùng Panama cũng được trang bị cửa lưới và trên mỗi đoàn tầu, lại có toa bệnh viện. Nhiều bệnh viện được lập nên để cô lập và điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, cũng có các chương trình trừ chuột và các loại bọ chét tại các gia đình dân chúng. Các con tầu biển tới từ các vùng mắc bệnh dịch đều bị giới hạn tại khu vực phòng ngừa.
Công trình phòng bệnh của Đại Tá Y Sĩ Gorgas bắt đầu được thực hiện vào tháng 5-1904 thì tới tháng 6-1906, chỉ còn một bệnh nhân chót mắc bệnh sốt vàng da. Việc chinh phục bệnh sốt rét chậm chạp hơn nhưng số bệnh nhân đều giảm dần mỗi năm rồi tới năm 1914, khi kênh đào Panam được khánh thành, chỉ có 82 bệnh nhân bị sốt rét trên số 1,000 công nhân. Nhờ Đại Tá Gorgas, trong 10 năm xây dựng kênh đào Panama, tỉ lệ tử vong về hai bệnh nhiệt đới kể trên là 1.7 phần trăm, thấp hơn cả số tử vong của các thành phố tại Hoa Kỳ.
Về công trình xây dựng, kỹ sư John F. Stevens đã phân quyền cho các người cấp dưới khi điều hành lực lượng lao động. Để tuyển mộ công nhân, ủy ban đào kênh đã cho đặt các văn phòng tại Hoa Kỳ, châu Âu và vùng Tây Ấn. Các tòa nhà mới được xây dựng, làm chỗ trú ngụ cho công nhân. Công nhân không có tay nghề hay bán tay nghề được trả lương bằng tiền "bạc", còn các thợ giỏi, các nhân viên văn phòng và kỹ sư được lãnh lương bằng tiền "vàng". Sự việc này đã khiến cho giới công nhân được chia ra làm hai loại là "vàng" và "bạc" và mãi về sau, họ mới được trả lương bằng tiền giấy.
Đồng thời với số công nhân gia tăng tới gần 42,000 người, các dụng cụ, máy móc cũng đổ về Panama, gồm các loại máy súc đất, máy đào bới, máy nạo vét, đầu tầu xe lửa, tầu kéo, xà lan… Một chính phủ dân sự cũng được tổ chức tại đây gồm cả tòa án, cảnh sát, sở cứu hỏa, các sở thuế quan và thuế vụ cùng bưu điện.
Một lý do thành công của kỹ sư trưởng Stevens là do ông đã nhận thức được vấn đề chính trong công tác là làm sao di chuyển hữu hiệu khối lượng khổng lồ đất và đá đã được đào lên. Ông Stevens đã cho đặt đường xe lửa hai chiều dài 47 dậm để vừa chở đất đá, vừa chở công nhân hay dụng cụ cùng các đồ tiếp tế. Cuối cùng còn lại một vấn đề vừa có tính kỹ thuật, vừa có tính chính trị: ông Stevens phải chọn lựa một trong hai giải pháp là xây dựng kênh đào Panama theo mực nước biển hay dùng các cửa khóa nước.
Vào cuối năm 1905, hội đồng kỹ sư quốc tế do Tổng Thống Theodore Roosevelt chỉ định, đã chia làm hai phe với 8 kỹ sư ủng hộ giải pháp mực nước biển, so với 5 người chống đối. Tại Quốc Hội Hoa Kỳ, vấn đề đã được thảo luận gay cấn trong 6 tháng. Cuối cùng kỹ sư Stevens đã thuyết phục được Tổng Thống Roosevelt rằng kênh đào với các cửa khóa nước là giải pháp tốt đẹp nhất bởi vì các dụng cụ và phương pháp kỹ thuật, dù cho tối tân nhất vào thời đó, cũng không thể đào sâu lòng kênh để có mực nước ngang bằng với mặt biển. Ngoài ra giòng sông Chagres chảy mạnh chỉ có thể thuần hóa bằng các đập chắn và các cửa khóa nước.
Qua năm 1906, khi việc đào kênh đang được tiến triển tốt đẹp thì vào ngày 30-1-1907, kỹ sư Stevens từ chức và Tổng Thống Roosevelt đã chỉ định Đại Tá George Washington Goethals làm kỹ sư trưởng và chủ tịch của ủy ban đào kênh. Kể từ nay, việc xây dựng này không còn được giao cho các nhà thầu tư nhân nữa mà do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện dưới sự giám sát của quân đội. Kỹ sư Goethals tới Panama vào tháng 3 năm 1907 và đã xác nhận rằng không một kỹ sư nào của nước Mỹ đã làm được một hệ thống chuyên chở như ông Stevens. Ông Goethals cũng mô tả kênh đào Panama là một thứ "cầu bằng nước, gồm các hồ, các cửa khóa nước và các phần nước dẫn ra biển".
5- Công trình hoàn thành.
Đại Tá George W. Goethals đã làm việc theo kiểu mẫu quân sự, phân chia công trình ra làm ba phần là phần Đại Tây Dương, phần trung tâm và phần Thái Bình Dương, mỗi phần lại có giám đốc riêng, lực lượng lao động riêng và thời khắc biểu riêng.Công việc của phần Đại Tây Dương là nạo vét một con kênh dẫn qua vịnh Limon, đắp một đập và các cửa khóa nước tại Gatun và dùng giòng nước của con sông Chagres để biến thung lũng Chagres dài 22 dậm trở thành một thủy lộ nâng cao và ổn định. Công việc của phần này được hoàn tất vào đầu năm 1913.
Tại phía nam là phần Thái Bình Dương. Công tác gồm vạch một con sông qua vịnh Panama và đắp hai cửa khóa nước tại Miraflores và Pedro Miguel. Do các cuộc tranh luận tại Washington về địa điểm của các cửa khóa nước mà công tác tại phía nam bị trì hoãn một năm nhưng rồi tất cả cũng được làm xong vào cuối năm 1913.
Khó khăn nhất là đoạn giữa. Phần này bao gồm thung lũng Chagres và phần rặng núi Phân Chia Lục Địa (Continental Divide). Qua rặng núi này phải đào một lối thông. Khó khăn nhất ở tại đoạn cắt Culebra mà sau này được gọi là đoạn cắt Gaillard, theo tên của vị kỹ sư trưởng phần giữa là Thiếu Tá David Gaillard. Người ta đã phải đắp đập tại nhiều giòng sông chảy vào đoạn cắt này. Ngoài ra phần này còn gặp các trận mưa bão, ngập lụt, các vết nứt địa chấn, nền đất không ổn định và phần cốt lõi của núi lửa… tất cả thường gây nên các trận đá lở to lớn và nguy hiểm.
Dù tại phần đất nào, công tác đào kênh cũng rất cực nhọc. 6,000 công nhân đã làm việc mỗi ngày 10 giờ dưới sức nóng 120 độ F. Ngoài các cuốc, xẻng, khoan…, các dụng cụ và máy móc thông thường, còn có các cần cẩu múc đất, các xà lan vĩ đại nổi trên mặt các vịnh, các đầm lầy, với các cần trục to lớn, các máy hút bùn và nạo vét khổng lồ. Trên bờ là các toa xe lửa chở đất đá, chuyển dịch hàng ngàn khối đá đã được đào lên để đắp đập Gatun.
Người ta tính ra rằng tổng số đất đá di chuyển là 239 triệu thước khối, đủ để xây nên 70 kim tự tháp loại lớn nhất của xứ Ai Cập. Người ta cũng dùng các khối chất nổ, có khi lớn tới 40,000 cân Anh để phá đi các phần núi của rặng Phân Chia Lục Địa. Và cuối cùng, đập Gatun đã được xây đắp xong, dài 2.4 cây số, có móng rộng 800 mét và phần trên rộng 30 mét.
Mặc dù nhiều trở ngại, nhất là sau 2 vụ lở đất tai hại vào tháng 1-1913, mọi công tác xẻ núi lấp sông đã được hoàn thành dần, đáng kể nhất là đoạn cắt Gaillard rộng 600 mét ở phần trên và sâu tới 130 mét. Tới giữa năm 1913, cả 3 công trình được coi như gần xong.
Tổng thống Woodrow Wilson |
Vào ngày 15-8-1914, Kênh Đào Panama chính thức được mở cửa cho việc thông thương hàng hải. Con tầu biển đầu tiên đi qua kênh đào là Tầu Ancon, chở theo các khách danh dự và đây là giấc mộng của các nhà thám hiểm 400 năm về trước.
Vào năm tài khóa 1915, năm đầu tiên hoạt động, kênh đào Panama đã cho phép đi qua 5 triệu tấn hàng hóa. Tới năm 1924, một khối lượng hàng hóa 27 triệu tấn đã được các con tầu biển chở qua kênh rồi vào các năm giữa 1925 và 1941, khối lượng trọng tải qua kênh thay đổi từ 18 triệu tấn tới 31 triệu tấn. Chỉ vào thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, số lượng hàng hóa chở qua kênh mới giảm bớt nhưng rồi lại tăng lên tới 30 triệu tấn vào năm 1950. Vào thập niên 1960, số lượng hàng tăng gấp hai rồi lên trên 100 triệu tấn vào cuối thập niên này.
Ngày nay đã có hơn 70 quốc gia có tầu biển đi qua Kênh Đào Panama với số lượng trung bình mỗi ngày 32 chiếc. Mỗi con tầu phải trả chi phí là 28,000 mỹ kim cho một lần đi qua trong khi số tiền của các tầu biển loại lớn cao hơn gấp nhiều lần. Tuy thời gian đi qua Kênh Đào mất vào khoảng từ 8 tới 10 giờ và số tiền phí tổn phải đóng khá cao, nhưng cách đi tắt này đã tiết kiệm được nhiều ngàn dậm đường và nhiều ngày hải hành, chẳng hạn như một con tầu biển khởi hành từ San Francisco, California, để đi New York, nếu không qua Kênh Đào Panama, sẽ phải đi thêm 7,900 hải lý, qua các vùng biển Nam Mỹ thường có bão táp và sóng lớn.
Nhờ Kênh Đào Panama, 140 triệu tấn hàng hóa mỗi năm đã được chở qua lại, tới các quốc gia ở hai phía Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhóm hàng chính là dầu lửa và các phó sản, chiếm vào khoảng 22 phần trăm, sau đó là ngũ cốc 16 phần trăm. Kể từ khi kỹ nghệ xe hơi bộc phát, hàng năm đã có 2.4 triệu tấn xe hơi được chuyên chở qua, phần lớn từ Nhật Bản tới Hoa Kỳ.
Danh tiếng của Kênh Đào Panama không phải là do cỡ lớn của nó, bởi vì con kênh này chỉ dài 51 dậm (miles) nhưng chính vì công dụng của con kênh đối với nền Thương Mại Quốc Tế. Kể từ cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ của thế kỷ 18, chưa có một công trình kỹ thuật nào táo bạo hơn, phức tạp hơn và to lớn hơn Kênh Đào Panama. Đây quả là một công trình vĩ đại về các phương pháp cộng tác tập thể, có tầm vóc rất to lớn và là một thành công huy hoàng trong lịch sử hòa bình thế giới.
Bản đồ Kênh Đào Panama |
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.