Pages

Chính Quyền Thuộc Địa Bắc Mỹ


Phạm Văn Tuấn

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ là một trong các tài liệu có ý nghĩa nhất trong lịch sử của nước Mỹ. Không những Bản Tuyên Ngôn này công bố Hoa Kỳ là một quốc gia độc lập mà còn hùng hồn đề cập tới nhiều nguyên tắc trên đó hệ thống chính trị của Hoa Kỳ được xây dựng.

Sự việc các nhà lập quốc Bắc Mỹ viết ra được Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 hay Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ năm 1787 không phải bỗng nhiên mà có. Người dân Bắc Mỹ vào thời kỳ đó đã bị ảnh hưởng bởi nhiều sự kiện của các thời thuộc địa khá lâu dài và trong gần 200 năm của nền lịch sử thuộc địa, từ khi thị trấn Jamestown được thành lập năm 1607 tới Hội Nghị Lập Hiến năm 1787, các thái độ chính trị và các hình thức chính quyền mới tại Tân Thế Giới đã được thành hình.

Các truyền thống chính trị, luật pháp và chính quyền của nước Anh đã được mang qua Bắc Mỹ, đã bị thay đổi để đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng của cư dân sống trên lục địa này.

1/ Các di sản chính trị của nước Anh.

Từ năm 1066, thời của Vua William nhà chinh phục (the Conqueror), các người cai trị xứ sở Anh đã cố công thiết lập nên một chính quyền trung ương mạnh. Tuy nhiên, họ đã không thể đạt được một vương quyền tuyệt đối với quyền lực không giới hạn và toàn diện giống như các vua chúa của châu Âu bởi vì các nhà quý tộc Anh và các gia đình chủ đất đã nắm giữ một số thẩm quyền.

Năm 1215, các nhà quý tộc Anh đã nổi dậy, bắt buộc Vua John phải chấp nhận Bản Hiến Chương Lớn (the Magna Charta) và bản văn này đã đặt ra các giới hạn xác định trên quyền lực của nhà vua. Bản Magna Charta được coi là nền móng của các tự do hiến định của người dân nước Anh. Theo bản văn này, Vua John chấp nhận một số quyền quan trọng như sự tự do tôn giáo, sự bảo vệ tài sản tư, việc xét xử trước một bồi thẩm đoàn và các giới hạn trong việc đánh thuế. Mặc dù vào thời đó, Bản Hiến Chương Lớn chỉ bảo đảm các quyền lợi cho các nhà quý tộc nhưng đây vẫn là một bước quan trọng trong việc thiết lập nguyên tắc về chính quyền có giới hạn (limited government).

Cũng vào thế kỷ 13 đó, có các thay đổi khác trong việc tổ chức chính quyền của nước Anh. Quan trọng nhất là sự xuất hiện của Nghị Viện Anh (Parliament) tức là cơ quan có quyền lực để làm ra các luật lệ. Nghị Viện Anh phát xuất từ hội đồng các tổng giám mục (bishop) và các nhà quý tộc, là những người cố vấn cho nhà vua.

Tới cuối thế kỷ 13, các thành thị của nước Anh đã phát triển và trở nên quan trọng. Tại các địa phương này, các lãnh chúa hay các hiệp sĩ cùng các người dân giàu có đôi khi được mời tham dự vào các buổi hội họp của Nghị Viện. Tập tục này được tiếp nối và nhân viên của Nghị Viện phải họp riêng rẽ, tại hai “Viện” (two Houses). Viện Quý Tộc (the House of Lords) hay Viện Trên gồm có các tổng giám mục và các nhà quý tộc, họ là những người thừa kế hay được chỉ định. Viện này đã chế ngự Nghị Viện cho tới đầu thế kỷ 18.

Viện Dưới hay còn được gọi là Viện Dân Biểu (the House of Commons) bao gồm các hiệp sĩ và các đại biểu. Việc bầu ra đại biểu vào Nghị Viện thời đó chưa có tính phổ thông, chỉ một số người có tài sản mới được phép đi bầu và những người này thường là giáo dân của Nhà Thờ Anh Cát Lợi (the Anglican Church). Như vậy, tuy việc chọn lựa đại biểu còn bị giới hạn, nhưng vào thời kỳ đó, một số người dân Anh đã có quyền chọn ra người đại diện tại Nghị Viện. Nguyên tắc chính quyền có đại diện đã được áp dụng tại các định chế của các xứ thuộc địa Anh, để rồi sau này dùng cho cách tổ chức chính quyền tại Hoa Kỳ.

Bản Hiến Chương Lớn của năm 1215 cũng đề cập đến nguyên tắc về tự do cá nhân theo đó các thần dân của nước Anh có một số quyền mà vương quyền không được vi phạm, chẳng hạn như sự xác định sau: “không một người dân tự do nào bị bắt bớ hay cầm tù mà không có sự xét xử theo luật pháp bởi các người đồng đẳng với họ hay bởi luật pháp của đất nước“. Câu xác định “xét xử bởi các người đồng đẳng“(peers) có nghĩa là một người quý tộc chỉ có thể bị kết tội qua một bồi thẩm đoàn gồm các người cùng là quý tộc. Quyền lợi này về sau được nới rộng ra cho mọi công dân Anh khi có việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn và khi cần tới việc bảo vệ của luật pháp.

Trước vương quyền, Nghị Viện Anh đã tranh đấu, đòi hỏi nhiều quyền lợi cho người dân và nhiều giới hạn đặt lên vương quyền. Trong tiến trình này, “Bản Đòi Hỏi Quyền Lợi" (the Petition of Rights) năm 1628 cũng là một thành công. Khi Vua Charles I cho rằng nhà vua đã cai trị nước Anh do một thứ quyền thiêng liêng (divine right) thì Nghị Viện Anh đã từ chối cung cấp tiền bạc cho nhà vua, trừ khi nhà vua đồng ý với các đòi hỏi liệt kê trong Bản Quyền Lợi kể trên.

Một số điều đòi hỏi được kể như sau:

  • Nhà vua không có quyền bắt giữ các nhân viên Nghị Viện hay tống giam các công dân nếu không có lý do hợp pháp.
  • Không được đánh thuế nếu không có sự chấp thuận của Nghị Viện. 

Charles I
Vua Charles I đã ký vào Bản Đòi Hỏi Quyền Lợi nhưng rồi đã không giữ lời hứa. Nhà vua còn tìm cách giải tán Nghị Viện, cai trị nước Anh theo chế độ quân chủ tuyệt đối. Việc tranh chấp giữa vua nước Anh và Nghị Viện cuối cùng đã phải bùng nổ thành cuộc nội chiến năm 1642. Nhờ tài lãnh đạo của Oliver Cromwell, các lực lượng hoàng gia đã thất bại, vua Charles I bị chặt đầu vào ngày 27-1-1649 và một nước cộng hòa được thiết lập. Năm 1660, nước Anh lại trở về chế độ quân chủ nhưng từ nay, Nghị Viện Anh đã hoàn toàn có quyền hành tối thượng, hơn cả vương quyền.

Tới năm 1688, một biến cố chính trị khác đã xẩy ra và được gọi là “Cuộc Cách Mạng Rực Rỡ“ (the Glorious Revolution). Vào lúc này, Nghị Viện Anh đã chọn ra Nữ Hoàng Mary II và Vua William III và hai nhà vua này sẵn lòng ký tên vào Bản Dân Quyền Anh (the English Bill of Rights).

Qua tài liệu lịch sử này, các nhà cai trị xứ sở Anh công nhận một số quyền căn bản của người dân và những cam kết gồm một số điều như:

  1. quyền của người dân Anh được đòi hỏi vương quyền trả lời các khiếu nại.
  2. quyền của người dân Anh được che chở không bị đóng tiền thế chân (bail) quá đáng và không bị trừng phạt tàn nhẫn hay bất thường,
  3. quyền của người dân Anh được xét xử nhanh chóng và công bằng,
  4. quyền của Nghị Viện, chứ không phải là nhà vua, chấp thuận việc duy trì một đạo quân trong thời bình,
  5. quyền tự do ngôn luận và thảo luận trong các buổi hội họp của Nghị Viện,
  6. quyền của một số thần dân nước Anh được giữ và mang võ khí.

Trong việc điều hành chính quyền của nước Anh, đã có nhiều thay đổi. Để cắt nghĩa và bênh vực cho các cải cách này, triết gia John Locke đã cho xuất bản vào năm 1689-90 cuốn sách có nhan đề là “Hai Khảo Sát về Chính Quyền“(Two Treatises on Government). Qua tác phẩm này, John Locke đã làm phát triển hai ý tưởng mà về sau đã ảnh hưởng lớn lao tới chính quyền Hoa Kỳ.

John Locke đã đề cao mục đích của chính quyền qua lý thuyết “Khế Ước Xã Hội” với mục đích của chính quyền là phải bảo vệ các quyền căn bản của người dân, đó là đời sống, sự tự do và tài sản. Nếu một chính quyền nào không làm tròn nghĩa vụ đó thì người dân có quyền nổi dậy và lật đổ chính quyền đó. Các tư tưởng rất tiến bộ vào thời đó của John Locke đã ảnh hưởng rất mạnh đến các nhà lập quốc Hoa Kỳ, đặc biệt là các ông Thomas Jefferson, James Madison và Benjamin Franklin và được phản ánh trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập.

Đồng thời với việc phát triển sự tự do cá nhân, nền luật pháp của nước Anh cũng được bắt đầu cải tiến tại Bắc Mỹ. Từ đầu thế kỷ 12, một hệ thống luật pháp đã thành hình trên toàn thể nước Anh với luật tập tục (the common law). Loại luật pháp này không căn cứ trên các điều lệ do cơ quan lập pháp thông qua, mà được xây dựng dần dần do các quyết định của các quan tòa, đặt căn bản trên các phong tục và tập quán. Những quyết định pháp lý này đã trở thành các mẫu mực, các tiền lệ (precedent) cho các công cuộc xét xử về sau.

Tại nước Anh vào thời đó, Nghị Viện là cơ quan lập pháp chính thức nhưng quan tòa lại là nhà diễn giải và áp dụng luật pháp. Luật tập tục từ gốc đã không do các lệnh của nhà vua mà được căn cứ vào các tập quán, vì thế người dân nước Anh cho rằng luật tập tục là thứ bảo vệ các quyền lợi của họ. Nguyên tắc căn bản của luật tập tục là luật pháp được áp dụng cho cả nhà vua lẫn thần dân và nguyên tắc này đã ở trong các văn kiện như Bản Hiến Chương Lớn, Bản Đòi Hỏi Dân Quyền và Bản Dân Quyền Anh.  Khi các người dân Anh di cư qua Bắc Mỹ, họ đã mang theo niềm tin tưởng vào việc cai trị bằng luật pháp, và tại các xứ thuộc địa, các nguyên tắc của luật tập tục đã đóng một vai trò quan trọng.

2/ Chính quyền tại các thuộc địa Bắc Mỹ.

Vào thế kỷ 16, các nước Pháp, Tây Ban Nha, Hòa Lan và Anh đã tranh giành nhau đất đai tại lục địa Bắc Mỹ. Người Anh sau đó đã kiểm soát được toàn thể phần bờ biển Đại Tây Dương. Dưới triều đại Nữ Hoàng Elizabeth I, công ty Virginia của thành phố London đã được Nữ Hoàng Anh cho thẩm quyền thiết lập các xứ thuộc địa tại Tân Thế Giới, rồi vào năm 1607 thị trấn Jamestown được thành lập. Sau đó là các thuộc địa thiết lập tại vùng Massachusetts do nhóm người Pilgrims (1620) và nhóm người Puritans (1628). Đây là những người muốn rời khỏi nước Anh, di cư qua vùng đất mới để được hưởng thụ tự do tôn giáo. Việc thuộc địa hóa phần đất Bắc Mỹ được tiếp tục trong 125 năm và xứ thuộc địa cuối cùng Georgia được thành lập vào năm 1732.

Các thuộc địa tại Bắc Mỹ đã lôi cuốn nhiều loại người dân của châu Âu, không chỉ từ nước Anh hay các xứ Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan, Wales, mà còn từ các vùng đất khác của châu Âu như nước Pháp và nước Đức. Có những người đã tình nguyện ra đi do bị đàn áp tôn giáo, do nợ nần không trả nổi, do muốn mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng cũng có những người dân bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ, họ từ phía tây và phía bắc của châu Phi. Mặc dù có các nguồn gốc khác nhau, các người định cư tại các xứ thuộc địa Bắc Mỹ đều bị ảnh hưởng bởi di sản chính trị của nước Anh.

Các người thuộc địa tại Bắc Mỹ đã mang theo từ nước Anh 4 nguyên tắc quan trọng để về sau trở thành 4 căn bản cho tư tưởng chính trị Hoa Kỳ. Các nguyên tắc này là:

  1. chính quyền có giới hạn,
  2. chính quyền có đại diện,
  3. tự do cá nhân,
  4. việc cai trị bằng luật pháp.

Đây là những tư tưởng và kinh nghiệm được phát triển trong nhiều trăm năm của lịch sử nước Anh.

Khởi đầu, những người dân Anh nào qua sống nơi xứ thuộc địa Bắc Mỹ đều do sự cho phép của vương quyền Anh qua hình thức một văn bản pháp lý hay hợp đồng (charter). Các công ty mậu dịch Anh đã được phép lập nên các thuộc địa tại miền Tân Anh Cát Lợi và tại xứ Virginia và căn bản pháp lý kể trên đã cho cư dân khá nhiều quyền tự trị. Đối với các phần đất miền trung và miền nam, việc khai thác được giao cho các cá nhân hay các bạn bè và bà con của nhà vua. Những cá nhân này được gọi là “chủ nhân“ (proprietors), đã tổ chức các thuộc địa theo ý của họ. Do sự cho phép từ các hợp đồng, nên vào đầu thế kỷ 18, phần lớn các công ty mậu dịch đã bị rút đi các giấy phép và các thuộc địa được đặt dưới quyền của hoàng gia.

Từ nay, phần lớn các thuộc địa đều có một thống đốc, một hội đồng cố vấn và một hệ thống tòa án. Thống đốc là một nhà quý tộc được nhà vua Anh chỉ định hay là một chủ nhân được sự chấp thuận của nhà vua. Vị thống đốc sau đó chọn ra các cố vấn, là những người có cùng quan điểm chính trị. Thống đốc và các cố vấn là sợi dây nối với chính quyền Anh và thi hành các chính sách của nước Anh. Dần dần, Hội Đồng Cố Vấn trở thành Viện Trên của cơ quan lập pháp thuộc địa đồng thời cũng là tòa án cao cấp nhất.

the House of Burgesses
Trong khi vị thống đốc và hội đồng cố vấn của ông ta đại diện cho thẩm quyền của nước Anh thì người dân thuộc địa lại đòi có quyền bầu ra các hội đồng đại biểu. 12 năm sau cuộc định cư tại Jamestown, một hội đồng đầu tiên làm ra luật pháp được thành lập năm 1619 tại xứ thuộc địa Virginia. Từ mỗi miền định cư nhỏ, các đại biểu hay burgesses được bầu vào hội đồng, vì vậy nghị viện của Virginia được gọi là Tòa Nhà Burgesses (the House of Burgesses) và mặc dù vài năm sau, khi nhà vua nước Anh hủy bỏ bản hợp đồng với công ty Virginia, Tòa Nhà Burgesses vẫn còn tồn tại.

Truyền thống về tự quản trị cũng được duy trì tại phần đất Tân Anh Cát Lợi. Ngày 21-11-1620, các người Pilgrims đã lên bờ tại Princetown, Mass., và trước khi đổ bộ, họ đã đồng ý lập ra và ký tên vào “Bản Điều Lệ Mayflower” theo đó mọi người đều bằng lòng sống dưới một chính quyền mà sau này sẽ “làm ra các luật pháp đúng đắn và công bằng… dùng cho các điều tốt lành của thuộc địa”, và một người trong bọn họ được bầu làm thống đốc.

Tập quán có đại diện tại các hội đồng quản trị địa phương được thấy tại mọi xứ thuộc địa và vào các thời kỳ đó, chỉ những người da trắng, có tài sản mới được bầu làm đại biểu. Điều kiện để được bầu cử thay đổi từ xứ này qua xứ kia nhưng thông thường thì đại biểu phải là những người có một nông trại nhỏ hay các cơ sở thương mại tại miền Bắc và các đồn điền lớn tại miền Nam.

Năm 1636, hai thuộc địa Rhode Island và Connecticut được thành lập. Ông Roger Williams và các người bất đồng tôn giáo đã bị nhà thờ Anh bắt buộc phải rời khỏi miền Massachusetts của nước Anh, và do vậy, ông Williams và các đồng chí đã thành lập ra một thứ chính quyền tách biệt khỏi nhà thờ. Khi vương quyền Anh được phục hồi năm 1660, Vua Charles II đã cấp cho xứ Rhode Island một hợp đồng qua đó các người thuộc địa được quyền chọn ra vị thống đốc và các phụ tá cũng như các đại biểu, và vị thống đốc không có quyền cấm đoán các hoạt động của hội đồng đại biểu, một hành động thường xẩy ra tại các xứ thuộc địa khác.

Còn tại xứ Connecticut, thuộc địa này được thành lập do hợp đồng của Vua Charles II vào năm 1662 và một loại hiến pháp đầu tiên được viết ra tại Bắc Mỹ, đó là văn bản mang tên là “Các Lệnh Căn Bản“ (the Fundamental Orders). Văn bản này đòi hỏi một chính quyền có trật tự và hợp lý, công nhận các người dân tự do (freemen) của các thị trấn là giới thẩm quyền cao cấp nhất. Người dân tự do có quyền triệu tập hội nghị, bầu ra thống đốc và các viên chức tòa án. Như vậy, cho tới thập niên 1750, chỉ có hai xứ thuộc địa được quyền tự lựa chọn các thống đốc, đó là 2 xứ Rhode Island và Connecticut và hai xứ này đã sửa đổi một phần bản hợp đồng thuộc địa ban đầu để trở thành các hiến pháp của tiểu bang.

Qua các thống đốc thuộc Hoàng Gia Anh, các hội đồng được chỉ định và qua các cách kiểm soát khác, có vẻ như nước Anh đã chi phối mọi sinh hoạt chính trị của các xứ thuộc địa Bắc Mỹ. Nhưng từ năm 1760, người dân thuộc địa đã dùng các hội dồng được bầu ra, tức là các Viện Dưới, để chi phối nền lập pháp tại mọi địa phương.

Có ba lý do khiến cho việc chuyển quyền xuống các Viện Dưới được thực hiện.

  1. Thứ nhất các nhà làm luật địa phương đã được sự ủng hộ của dư luận dân chúng, bởi vì dân chúng đã coi các đại biểu của họ là chính quyền chính thống, hợp pháp. 
  2. Thứ hai, do truyền thống đặt ra từ Nghị Viện Anh, các hội đồng dân cử địa phương có quyền quyết định về lương bổng của vị thống đốc và ấn định các thứ thuế địa phương. Các đại biểu của dân chúng thường đòi hỏi được những thứ gì họ cần, bằng cách cắt giảm ngân quỹ của vị thống đốc. 
  3. Thứ ba, một số các hội đồng địa phương đã được chính quyền Anh cho phép quyết định về các chính sách thuộc địa.

Mặt khác, xét về phương diện kinh tế, các thuộc địa Bắc Mỹ là một thị trường của hàng hóa sản xuất từ nước Anh, là nơi cung cấp các tài nguyên cho các nhà máy đặt tại nước Anh và người dân thuộc địa phải trung thành với nước Anh. Đó là nguyên tắc, nhưng thực tế lại khác.

Nước Anh ở xa, cách các thuộc địa 3,000 dặm nên việc liên lạc và các mệnh lệnh từ London đã phải mất cả tháng trường mới đến được Bắc Mỹ và vì vậy, vương quyền Anh không thể kiểm soát được các biến cố xẩy ra hàng ngày tại các xứ thuộc địa. Trong khi đó, các người dân thuộc địa cũng bắt đầu lập ra các cơ xưởng, các cơ sở mậu dịch để cạnh tranh với các hàng hóa của nước Anh.  Do ở xa, các người thuộc địa đã được hưởng khá nhiều tự do và chỉ phải trả thuế rất thấp.

Sự liên lạc giữa các thuộc địa Bắc Mỹ và chính quyền Anh đã không bị thay đổi cho tới thập niên 1760, khi xẩy ra cuộc “Chiến Tranh Pháp và Da Đỏ“ (the French and Indian War), dẫn tới cuộc “Chiến Tranh 7 Năm“ (the Seven Years’ War), lan rộng khắp châu Âu và tới cả Ấn Độ. Kết quả của cuộc chiến này là nước Pháp phải ký Hòa Ước Paris năm 1763, công nhận nhường hết đất đai tại Bắc Mỹ cho nước Anh.

George III
Nước Anh tuy thắng trận thật nhưng đã mang nợ vì các chi phí chiến tranh trong nhiều năm. Và quan trọng hơn nữa, quân đội Anh vẫn phải bảo vệ các thuộc địa Bắc Mỹ tránh khỏi sự quấy phá của binh lính Pháp, các bộ lạc da đỏ và các toán quân Tây Ban Nha ở phía nam. Phí tổn bảo vệ các xứ thuộc địa đã làm cho các người chịu thuế tại nước Anh phản đối, họ đòi hỏi ngưới dân Bắc Mỹ phải gánh chịu thứ phí tổn quốc phòng đó. Năm 1760, Vua George III lên ngôi khi 22 tuổi, đã cùng Nghị Viện Anh thông qua một số luật mậu dịch để thu lợi tức từ các xứ thuộc địa Bắc Mỹ, nơi thường xẩy ra các vụ buôn lậu, trốn thuế.

Sáu năm về trước, người Anh đã kêu gọi các đại biểu thuộc địa hội họp tại Albany, New York, để thảo luận về các hậu quả của chiến tranh. Chính trong cuộc hội họp này, ông Benjamin Franklin đã đề cập tới một chương trình đoàn kết lại các xứ thuộc địa, được gọi là “Kế hoạch thống nhất Albany“ (the Albany Plan of Union) qua đó có gợi ý một chính quyền liên minh thuộc địa để giải quyết các vấn đề thuế vụ, vấn đề người da đỏ và việc thiết lập nên quân đội với hải quân. Kế hoạch Albany đã bị các hội đồng thuộc địa bác bỏ vì họ e sợ một chính quyền trung ương mạnh và các nhà chức trách Anh cũng e ngại ban cho các thuộc địa quá nhiều quyền lực. Dù sao, kế hoạch Albany cũng đã là một trong các bước đầu của phương cách đoàn kết các thuộc địa.

Sau đó, chính quyền Anh đã thông qua Đạo Luật Tem Thuế năm 1765 (the Stamp Act of 1765), đánh thuế vào mọi ấn phẩm kể cả báo chí, hóa đơn, văn bản tư pháp, các thứ lịch và các cỗ bài. Quyết định bất công này đã làm cho người dân thuộc địa Bắc Mỹ bất mãn. Họ đòi hỏi rằng chỉ các đại biểu do họ bầu lên mới có quyền quyết định về thuế vụ dùng tại các xứ thuộc địa.

Sau đó, đạo luật Townshend thông qua năm 1767 của nước Anh đánh thuế vào mọi hàng hóa như giấy, thủy tinh, sơn, trà… làm cho các xứ thuộc địa Bắc Mỹ cùng đứng lên phản đối. Đạo luật Trà được Nghị Viện Anh thông qua năm 1773, để cứu nguy công ty Đông Ấn, đã gây ra “Biến Cố Trà Boston“ (the Boston Tea Party), đã giúp cho sự đoàn kết của các xứ thuộc địa.

Quốc Hội Lục Địa Lần Thứ Nhất
Ngày 5 tháng 9 năm 1774, các đại biểu của 12 xứ, trừ xứ Georgia, đã hội họp tại thành phố Philadelphia để cứu xét các liên hệ với nước Anh. Quốc Hội Lục Địa Lần Thứ Nhất này đã gồm các nhà chính trị xuất sắc như các ông George Washington, John Adams, Samuel Adams, Patrick Henry, John Jay, Richard Henry Lee, John Rutledge và Roger Sherman…

Nước Anh đã đối phó với Quốc Hội này bằng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tháng 4-1775, quân đội Anh được phái tới hai thị trấn Lexington và Concord để phá hủy các kho võ khí của dân quân thuộc địa và bắt giữ hai ông John Hancock và Samuel Adams vì tội phản nghịch. Chiến tranh địa phương đã bùng nổ và vào ngày 10-5-1775, Quốc Hội Lục Địa Thứ Hai hội họp tại Philadelphia, để rồi trở nên chính quyền Mỹ đầu tiên, tồn tại tới năm 1781.


Ngày 7 tháng 6 năm 1776, Quốc Hội Lục Địa Thứ Hai đã cứu xét nghị quyết của ông Richard Henry Lee đòi gián đoạn hoàn toàn mọi liên hệ với nước Anh và sau đó, đồng thanh chấp thuận “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ” vào ngày 4 tháng 7 năm 1776.

Phạm Văn Tuấn


Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia, Western Civilizations by Robert E. Lerner, Standish Meacham & Edward Mcnall Burns, W.W. Norton & Co., Inc., 1993.