Nguyên Nhung
Chiếc cổng gỗ sơn xanh nhà Hai Sơn hôm ấy có vẻ chộn rộn khác thường, nhốn nháo người đi ra, kẻ đi vào, chẳng biết có chuyện gì. Trước tiên là bà Ba Huế bán bún bò ở xóm trong, chị Năm bán xôi, chị Sáu bán nước miá, rồi nhân vật y tế có uy tín nhứt là Tư y tá cũng có mặt, thêm hai ba đứa trẻ con lốc nhốc chạy ra, chạy vào. Chị Tám Nam từ bên kia đầu cầu thấy đông người cũng hớt hải chạy sang. Ở xóm nghèo, ít biến cố, hễ có gì khác thường là người ta kéo rốc tới. Chị Tám Nam đụng ngay nét mặt đăm chiêu cuả bà Ba Huế từ trong nhà bước ra, chị thì thào:
"Chuyện gì vậy?"
Bà Ba Huế cũng thì thào lại với chị Tám Nam:
"Con Ki nó ốm."
"Con Ki nó ốm". Chuyện quan trọng chứ đâu phải chơi, con chó trắng mà vợ chồng Hai Sơn quý như vàng, nội bữa ăn cuả nó cũng đã làm bao người suýt xoa vì thèm. Chị Tám với đứa con gái chừng mười ba, mười bốn tuổi bước vào, con bé mặc một bộ đồ bộ vải hoa đã cũ, phảng phất tanh tanh mùi cá vì không đủ xà bông để giặt. Cả hai bỏ guốc dép bên ngoài hành lang, chỗ giáp mé nền gạch bông sáng ngời. Vợ Hai Sơn đang ủ rủ ngồi dưới đất vuốt ve con Ki trắng nằm trên chiếc mền len, điã cơm trắng và hai miếng sườn chiên thơm phức còn đặt trước mõm con chó. Cô dỗ dành như dỗ đứa trẻ con:
"Ăn đi con, ráng ăn chút cho khoẻ..."
Con Ki vẫn nằm yên không nhúc nhích, hơi mở mắt ra rồi lại nhắm mắt lại, chỉ riêng cái bụng dài thượt còn phập phồng lên xuống. Chị Tư y tá hỏi:
"Hôm qua, cô Hai có cho nó ăn gì lạ không?"
Cô Hai Sơn vẫn vuốt ve mảng lông mượt mà trên đầu Ki trắng:
"Không, thì cũng y như mọi hôm, thịt bò chiên với hột gà ốp lết."
Tư y tá có vẻ băn khoăn:
"Hình như nó đau bụng, hổng lẽ thịt bò có thuốc độc?"
Cô Hai Sơn vội la oé lên:
"Dám đâu, thịt bò bên cửa hàng Tươi Sống đem biếu, tụi này ăn hà rầm, mình ăn gì nó ăn nấy mà."
Con Ki trắng vẫn nằm yên, thỉnh thoảng mở cặp mắt chó ướt rượt nhìn mọi người, không hiểu sao cô Hai cứ bảo mắt nó đẹp hơn mắt người, và biết đâu tiền thân cuả nó là một anh chàng đẹp trai nào đó. Vây xung quanh con chó ốm, đám con nít hiếu kỳ có vẻ đông hơn, chúng chăm chú nhìn đĩa cơm sườn cuả chó hơn là chú ý đến chuyện con chó ốm, chó lại ăn ngon hơn người, đúng là tu chín kiếp. Sau khi sờ mó bụng con Ki, Tư y tá đứng dậy, dặn dò cô Hai Sơn:
"Gói hồng hồng này là thuốc đau bụng, gói trắng là thuốc giảm đau, cứ ba giờ cô cho nó uống một lần, hễ thấy gì lạ thì cho tôi hay liền nghe."
Lúc ấy Hai Sơn từ trong buồng ra. Anh ta phải đi làm, dắt chiếc xe Honda ra cửa, lũ con nít vội dạt ra hai bên, nhưng trước khi đi, với một vẻ mặt âu sầu, Hai Sơn nói với vợ, giọng buồn buồn hay cố làm ra vẻ buồn thì không hiểu:
"Thôi, tui đi làm."
Vợ Hai Sơn gật đầu, mặt buồn so, cô lại lay con Ki trắng và dí điã cơm sườn vào mõm nó:
"Ăn đi con, ăn chút cho khoẻ con."
Khốn khổ, con chó đâu có thèm ăn, nó cũng như người, ốm thì đâu có muốn nuốt gì vô bụng, dẫu cho vàng cũng không ăn được. Nó nằm yên, như một công tử con nhà giàu bị ốm, đang được mẹ dỗ dành. Chị Tám Nam mon men vào ngồi trên chiếc bệ xi măng, đứa con gái đưa ra ý kiến:
"Hay má cạo gió cho con Ki?"
Cả đám người mặt mũi buồn thiu đang ngồi nhìn con chó ốm, cười rộ lên. Một người nói:
"Chó mà cạo gió nỗi gì."
Con bé mắc cở bẽn lẽn ngồi im, trong lúc đám người lớn băn khoăn muốn đưa ra một kinh nghiệm nào đó để mách thuốc cho con chó ốm. Chị Tám Nam nghèo rớt mùng tơi, nhà chị nghèo đến nỗi hễ ai ốm là chị đè ra cạo gió bằng dầu hôi, bởi vậy cái đèn nhà chị mau hết dầu là vậy, cái gì cũng lấy dầu hôi ra chữa bịnh. Tuần trước, thằng Tèo bị té trặc chân, mắt cá chân sưng tấy lên, đi không được, chị Tám lấy dầu hôi trộn với muối hột mà bóp, rồi đi xin thuốc lá dấu về hơ lửa bó chân cho nó. Chỉ hai hôm là chỗ sưng xẹp xuống, thằng Tèo đã cà nhắc ra sân chơi bắn bi với mấy đứa trong xóm. Hầu như cả xóm này chữa bịnh bằng dầu hôi, uống vài viên thuốc cảm là bách bệnh tiêu tan, chứ có ai bịnh nhiều như con Ki trắng bao giờ. Chị Tám Nam cũng có nghĩ đến chuyện giác hơi và cạo gió cho con Ki trắng, nhưng mình mẩy nó đầy lông lá, thấy da đâu mà cạo.
Người ta ngồi im mà chưa nghĩ ra cách gì để chữa cho con chó cưng cuả cô Hai Sơn. Một lũ nhà nghèo như nhau , đều là những người nhờ cậy thầy Hai, vay mượn cô Hai, mà vợ chồng cô Hai lại quý chó hơn vàng, hễ biết đẹp lòng cô thì khi ngặt nghèo có chỗ mà vay mượn. Mọi người ai cũng tìm cách sờ mó, vuốt ve con Ki trắng một chút. Bộ lông nó trắng ngà ngà lại điểm những mảng lông vàng, trông đẹp như mái tóc cuả người con gái Tây Phương. Bà Ba Huế đã đi chợ về, lại te te chạy sang:
"Nó bớt chưa cô Hai?"
Vợ Hai Sơn lắc đầu, đưa đôi mắt buồn rầu nhìn cục cưng của mình không trả lời. Ðĩa cơm đã nguội, hai miếng sườn chiên vàng tươm mỡ làm lũ trẻ nuốt nước miếng. Thấy thằng Tèo con chị Tám đi cà nhắc vào tìm mẹ, ngó lom lom nhìn vào dĩa cơm có hai miếng sườn chiên thèm thuồng, không hiểu nghĩ sao, cô Hai lấy đĩa cơm đưa cho chị Tám:
"Nè, chị đem 'dzìa' cho thằng Tèo nó ăn."
oOo
Con Ki trắng đúng ra không phải con chó của nhà Hai Sơn, chủ của nó là bà Bảy Nhỏ. Nhưng một hôm nó đi lang thang, đứng chơi bên ngoài hàng rào thì được vợ Hai Sơn cho nó ăn mấy cục xương, rồi chút cơm thừa với cái đầu cá chiên, thế là nó quen hơi và ngày nào cũng lén bà Bảy đi kiếm ăn.
Ai lại trách một con chó đói đi kiếm ăn bao giờ, nhưng hồi nào tới giờ chó được coi là loài vật trung thành nhất, dẫu chủ nghèo tới đâu nó cũng không bỏ, vậy mà con Ki trắng lại bỏ chủ cũ chỉ vì miếng ăn, xem ra nó cũng không tử tế gì. Bà Bảy Nhỏ nuôi nó từ hồi mới đẻ, lúc còn uống sữa và khóc ủng oẳng suốt đêm vì nhớ mẹ, con Ki chỉ biết chạy loanh quanh trong sân, trong vườn, chơi với mấy con gà, vịt và con mèo mun. Hai năm trước, bà Bảy còn khấm khá, bữa cơm còn có xương heo hầm củ cải, cá muối chiên, bây giờ kinh tế khó khăn, bà Bảy đâu có thịt để nấu canh củ cải thì con Ky lấy xương đâu mà gặm.
Thế cho nên nó phản bà. Hôm đầu bà còn dùng cây đuổi nó về, nhưng không biết cách nào nó cũng chui tọt qua hàng rào, tới ngay hàng ba nhà Hai Sơn mà nằm bẹp ra đó. Nó ngúc ngoắc đuôi, nó giụi giụi đầu, xem ra nó cũng biết cách lấy lòng vợ Hai Sơn hơn loài người nữa, ai ra vào thì nó sủa.
"Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang," ai cũng nói vậy, như vầy con Ki trắng đúng là điềm "sang" của vợ chồng Hai Sơn thì cái tội phản bội cuả nó đáng tha thứ lắm chứ. Vợ chồng Hai Sơn lấy nhau đã bảy năm mà không có con, vợ Hai Sơn nghĩ ngay đến chuyện nhận Ki trắng là đứa con cưng trong nhà, huống gì miệng dân gian thì cho là nhà Hai Sơn tới hồi "phất".
Hai Sơn may mắn lắm, may mắn nhất trong đám giáo chức sống bằng nghề "bán cháo phổi" với mỹ danh "kỹ sư tâm hồn". Họp hành toé khói, soạn bài vở, dạy học, học tập chính trị liên miên mà mỗi tháng cũng chỉ có mười mấy ký gạo với vài chục bạc lương, kèm theo hàng nhu yếu phẩm như ký đường, túi bột ngọt, bịch xà bông giặt và tút kem đánh răng. Những thứ đó bây giờ quý như vàng, nói gì đến thịt thà phân phối lại càng hiếm. Canh không người lái, đã có chút bột ngọt lừa phỉnh miệng lưỡi con người, ăn cũng ngon vậy. Có chút đường trưa pha ly cà phê, đá chanh bồi dưỡng, uống cũng "phê". Ông anh rể đi từ ngoài kia về, nắm chức chủ nhiệm “Hợp Tác Xã Cửa Hàng Tươi Sống Thanh Niên”, cần một tay biết chữ nghiã để tính toán sổ sách làm phụ tá cho Chủ Nhiệm, thế là Hai Sơn "thầy giáo" tháo giầy ra làm cán bộ.
Ông Tư Quang mang tiếng làm chủ nhiệm nhưng chữ viết quều quào như giun, chỉ chữ ký không cũng đủ rối mắt con người ta lắm rồi, nó quấn như cái ruột gà, đằng sau chữ G lại hất lên như cây cột hắt xéo lên trời. Chữ ký này ông học được từ một lão thầy bói kiêm coi chữ ký, thì cái phần hắt lên là điềm thăng quan tiến chức, cá chép hoá rồng hay là phượng hoàng bay lên đỉnh núi. Từ đấy, mỗi khi hạ bút, chữ Quang quấn ngoằn nghoèo như lò so có thêm cái móc đá lên trời, cho nên nhìn vô đã thấy gượng ép lắm. Tư Quang khó lòng ngồi tính toán nổi những con số thu chi nhức mắt, mà việc ấy đối với Hai Sơn thì dễ ợt. Chẳng bao lâu Hai Sơn được lên chức Phó Chủ Nhiệm, anh ta điều hành hết thảy mọi việc của Hợp Tác Xã, Tư Quang chỉ việc ký tên, đi nhậu và chủ toạ những buổi họp. Qua cơn bỉ cực tới hồi thới lai, cũng nhờ cái chữ ký có chữ G được đá lên báo hiệu đường đời đã đến lúc vinh quang.
Ðúng ra thì vợ chồng Hai Sơn không phải người ác, chẳng qua họ là những kẻ thức thời, như con Ki trắng là loài vật mà cũng biết bỏ bà Bảy Nhỏ đi tìm chỗ no ấm, huống chi là người mà không nắm bắt được thời thế quả rất dại. Hai vợ chồng lấy nhau bảy năm mà chưa con cái, chạy chữa Tây y, Ðông y, cầu hết chùa này miếu kia mà không ăn thua. Cho nên khi thấy vợ cưng con Ki trắng như con, Hai Sơn cũng miễn cưỡng mà vui, chứ mỗi lần nhìn con chó dẫu tắm rửa sạch sẽ, nhảy phóc lên chiếc giường nệm phủ khăn hoa, rúc vào lòng cô chủ thì anh ta cũng cảm thấy khó chịu.
Dẫu sao Hai Sơn cũng là dân trí thức, đôi khi ngồi ngẫm nghĩ chuyện đời, Hai Sơn thấy con Ki trắng tuy là loài vật mà cũng tinh khôn thấu trời, biết nịnh thấu trời và cũng phản trắc thấu trời. Bà Bảy Nhỏ nuôi nó từ hồi còn là con chó cún, vậy mà chỉ vì miếng ăn nó cũng bỏ bà đi theo người có của. Không biết sao mỗi lần nhìn con Ki trắng, Hai Sơn lại thấy khó chịu, nhất là cách nó lãnh đạm với người chủ cũ, và mỗi khi bà Bảy đi ngang, thấy nó bà cất tiếng gọi, con Ki giả tuồng như không nghe, nó có nhìn bà rồi lại bình tĩnh nằm yên như không hề biết bà là ai, cũng may mà nó chưa sủa để đuổi bà đi.
Hai Sơn chỉ nuôi Ki trắng để chiều lòng vợ, chứ anh ta hiểu nếu cuộc đời mà có nhiều hạng người như nó, thì thế giới này quả không còn gì để ca tụng nữa. Coi vậy mà Hai Sơn vẫn không phải người xấu, có bạn cũ tới thăm anh ta vẫn tay bắt mặt mừng. Thực ra thì cuộc đời vốn "hay không bằng hên", nếu ngày nay Hai Sơn có nắm được chỗ đứng ngon lành như thế này thì cái câu "trí thức không bằng cục phân" chỉ là một câu nói bốc đồng, thiếu suy nghĩ. Trò đời thì lúc nào cũng vậy, "gió chiều nào nghiêng chiều nấy", chẳng có chế độ nào, thời buổi nào vượt qua được sự thường tình "trọng phú khinh bần". Có vài tay còn thức thời hơn, cho là "phù thịnh chứ ai phù suy", chơi với thằng nhà nghèo chỉ có thiệt thôi, nay nó mượn, mai nó vay, nhờ vả chuyện này chuyện nọ.
oOo
Sáng nay là đám ma con Ki trắng, dù hôm qua chị Tư y tá cả ngày bận rộn thuốc men mà Ki trắng vẫn không thoát chết. Nó trút hơi thở cuối cùng vào khoảng chín, mười giờ tối trong tay vợ chồng Hai Sơn, cô Hai khóc nức nở như nhà cô có người chết. Chuyện chó thương chủ bỏ ăn, bỏ uống rồi chết cũng có nghe, nhưng người mà khóc chó như cô Hai thật hiếm, nhất là giữa xã hội nhân dân nghèo khổ chạy ăn từng bữa như lúc này.
Xác Ki trắng được cột lại bằng giây vải, rồi bỏ vào chiếc bao vải đựng gạo trắng phau, còn quấn thêm chiếc mền len màu xanh mà con chó vẫn hay nằm, đặt trên một chiếc chiếu bông trải dưới đất. Lại một đám hàng xóm chạy sang, bà Ba Huế bỏ gánh bún bò cho con gái bán thế, chị Sáu bán nước miá, Tư y tá và mẹ con chị Tám Nam, mới sáng sớm mà lũ trẻ con đã mau mau thức dậy đi xem đám ma chó. Người ta nhìn cô Hai Sơn mắt mũi đỏ hoe ngồi bên xác con Ki trắng. Cuộc đời xem vậy mà ngắn ngủi vô chừng, mới hôm nào Ki trắng còn nhởn nhơ bên cô chủ, ăn uống sung sướng, nay đã an giấc nghìn thu, để lại bao nhiêu tiếc thương hơn cả đám ma một người cùng đinh.
Cả xóm đất chật chỗ đâu mà chôn chó, nhất là ở xứ mình người ta không nghe nói đến nghiã địa chó. Chỉ có nhà bà Bảy Nhỏ, chủ cũ của nó là có mảnh vườn kha khá, có thể cho nó một chỗ an nghỉ cuối cùng. Khổ nỗi, ai lại nghĩ đến chuyện chôn một con chó, khi thời buổi thịt thà đắt đỏ quý hơn vàng. Các tay bợm nhậu bên kia cầu, ngày thường chỉ nhậu suông với cóc, ổi, chùm ruột, nay thấy đem Ki trắng đi chôn, tiếc hùi hụi. Con chó nặng đến hai chục ký chứ ít gì, có thể nấu rựa mận kiểu Bắc Kỳ, khià nước dừa kiểu miền Nam, hay ướp ngũ vị nướng than thì ăn một miếng chết xuống âm phủ vẫn còn nhớ.
Bà Bảy được cô Hai hỏi xin một chỗ để chôn Ki trắng, mới đầu nghe chuyện lạ, bà dẫy nẩy lên:
"Uý trời, cái con phản trắc ấy đất đâu mà chôn, ăn uống ngon lành vậy sao không sống mà ăn."
Vợ Hai Sơn biết bà chửi xéo mình vụ đem miếng ăn để bắt mất con chó cuả bà, nhưng không phải lúc để trả miếng. Thì cũng đúng thôi, nếu cô không đem miếng ăn mà mồi chài nó thì con Ki trắng vẫn là cuả bà Bảy Nhỏ, nhưng nghĩ cho cùng, con người trước cái khổ lắm khi còn chẳng giữ được nhân cách, thì trách Ki trắng làm chi cho mang tội. Cô Hai năn nỉ, đưa cho bà Bảy chút tiền mua miếng đất gần bụi chuối cho Ki trắng an nghỉ nghìn thu, bà con lối xóm còn nói ra nói vào chê trách bà Bảy hẹp hòi, hận con Ki trắng mà không mở rộng vòng tay khoan hồng với kẻ đã chết. Bà Bảy tuy giận con chó phản trắc, nhưng đang lúc nghèo, có chút tiền mua cá giống thả ao cá tra, cuối cùng bà cũng ưng. Bà nghĩ cái giống này có chôn chịu thấu gì hai mùa mưa, thối hoắc rồi rữa ra, đẹp mã tốt tươi gì cũng thành phân bón cây chứ thiệt hại gì mà bà sợ. Vậy mà cũng có người trong xóm xì xào với nhau chuyện hoang đường, con Ki trắng là chó lại được tưng tiu như người, biết đâu thành ma chó rồi lảng vảng sủa trăng trong vườn bà Bảy, nghe cũng ớn.
Ðám ma Ki trắng được cử hành trước khi Hai Sơn đi làm, lũ trẻ con đứng hai bên con đường tráng xi măng như xem một đám rước. Con Ki nằm trong chiếc chiếu bông quấn tròn lại, do hai người khoẻ mạnh khiêng hai đầu, theo sau có vợ Hai Sơn vừa đi vừa khóc, bà Ba Huế mắt đỏ hoe, chị Tư y tá người lo thuốc men cho chó mà nó không qua khỏi, âu là tới số. Mẹ con chị Tám Nam, thằng Tèo đi cà nhắc sát bên cô Hai Sơn, hai tay bưng điã cơm trắng, có hai miếng thịt và cái hột vịt luộc. Lũ trẻ con đi chân không, đầu tóc bù xù, quần áo hôi rình đi theo đám ma Ki trắng, lũ lượt đi vào chiếc cổng tre nhà bà Bảy.
Ðám ma đi thẳng ra sau vườn, bà Bảy Nhỏ đứng trong bếp tò mò ngó theo đám người lộn xộn đi theo xác con Ki trắng, đúng là phú quý sinh lễ nghiã. Cái huyệt đã được đào sẵn còn đầy đất tú hụ hai bên, Hai Sơn nắm lấy cánh tay vợ như sợ cô ta ngã xuống vì xúc động. Con Ki được bỏ xuống cái lỗ tròn tròn bên cạnh bụi chuối, rồi hai người đàn ông dùng hai cái xẻng hất đất xuống, đắp tròn ụm lên giống hình một mâm xôi, chỉ thiếu tấm mộ bia: "Nơi an nghỉ nghìn đời cuả Ki trắng". Ðiã cơm được đặt lên nấm đất mới đã nguội, mấy con ruồi đánh hơi mùi thịt thơm bay vòng vòng như phi cơ trên nấm đất. Cô Hai Sơn còn khóc hoài cho tới khi Hai Sơn phải về đi làm, bà Bảy đứng trong bếp xắt cây chuối cho vịt, bà nghĩ xác Ki trắng nằm kề bên bụi chuối, chẳng mấy hồi mà bụi chuối ra hoa.
Sau đám ma Ki trắng, cô Hai mắt mũi còn đỏ hoe, đưa đĩa cơm cho thằng Tèo, thằng nhỏ mừng rơn, mắt sáng rỡ, vội vã cầm lấy lí nhí cám ơn rồi cà nhắc đi về, lũ trẻ đứng xung quanh nhìn nó với cái nhìn thèm thuồng, ganh tỵ.
Tư Quang, chủ nhiệm “Hợp Tác Xã Cửa Hàng Tươi Sống Thanh Niên”, nghe tin con Ki trắng nhà Hai Sơn qua đời, bèn tặng cho hai vợ chồng thằng em vợ một con chó khác, đen tuyền, lông cũng óng ả, mượt mà như con Ki trắng độ xưa. Con này được đặt tên là Ki Ðen, vậy là vợ chồng Hai Sơn có được hai đứa con, con đen con trắng, đời cũng đỡ buồn vậy.
Nguyên Nhung