Chuyện Cuối Tuần: Kẻ Gây Chiến và Kẻ Hưởng Lợi Trong Chiến Tranh
Thế nhưng chiến tranh, nhiều khi lại rất dễ xảy ra, có thể là vô tình hay cố ý hoặc một tính toán chiến lược sai lầm. Nó cũng giống một tai nạn xe cộ, chỉ cần một kẻ không cẩn thận hoặc hành động ngu xuẩn cũng đủ gây nên tai họa cho nhiều người.
Biết thế nên quốc gia nào cũng phải chuẩn bị vũ khí quốc phòng để tự vệ, nếu cần thì, để tấn công, vì "Việc phòng thủ hữu hiệu nhất là tấn công" và khi tấn công thì "Tiên hạ thủ vi cường - Ra tay trước thì được ở vị thế mạnh."
Bởi vì quốc gia nào cũng chuẩn bị vũ khí quốc phòng, nhưng không quốc gia nào muốn thực sự gây chiến, nên tình hình an ninh thế giới giống như một canh bạc. Hù dọa nhau, tháu cáy nhau, bên nào "lạnh cẳng", hay người Mỹ gọi là "blink - chớp mắt" trước thì thua, chẳng cần phải nổ một phát súng.
Thế cho nên việc "hù, dọa" hay "võ mồm" trở thành một cuộc "chiến tranh tâm lý" chính yếu. Võ mồm và tuyên truyền gần như đồng nghĩa với nhau, và kẻ hưởng lợi đầu tiên trong cuộc "chiến tranh bằng mồm" này là giới truyền thông. Trong thể chế Dân Chủ phân quyền (tam quyền): Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, giới truyền thông được xem là "quyền lực thứ tư", nhưng không có một quy tắc hay luật lệ nhất định, thế cho nên giới truyền thông đã sử dụng quyền hạn của họ để kiếm lợi. Trong quốc gia cộng sản hay độc tài chuyên chế thì truyền thông là tiếng nói của nhà cầm quyền, và trong các quốc gia tự do thì giới truyền thông làm việc theo đồng tiền, bên nào trả tiền nhiều thì họ sẽ "bẻ cong ngòi bút" để viết bài bênh vực hay quảng bá cho bên đó, không hề nghĩ đến bài viết của họ có thể nguy hại cho nền an ninh của quốc gia. Từ lẽ đó, ngày nay chúng ta có từ ngữ "fake news - tin giả" để chỉ những tin tức hay bài bình luận thiên vị, không đúng sự thật. Và cũng vì quá nhiều "fake news" nên dân chúng dường như không còn tin tưởng vào giới truyền thông nữa, kết quả là vì lợi (tiền) mà giới truyền thông, tự họ, làm mất đi cái "quyền lực thứ tư" trong các quốc gia tự do, đặc biệt là trên nước Mỹ.
"Võ mồm" thì thế, còn "vũ khí" thi sao?
Vì sự lo ngại về chiến tranh nên việc chạy đua vũ trang trở nên cần thiết và không ngừng nghỉ, khiến cho các quốc gia chế tạo vũ khí thành kẻ đứng giữa để hưởng lợi. "Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi" là như thế.
Chúng ta đã biết Trung Cộng chuyên ăn cắp kỹ thuật và sáng chế của các quốc gia tân tiến, đặc biệt chú trọng vào Hoa Kỳ, không những về các phát minh dân sự mà còn chú trọng về phát minh quân sự. Với những tài liệu ăn cắp hoặc mua hàng về tháo ra để sao chép (reverse engineering) rồi cũng huyênh hoang tuyên bố là đã sáng chế ra các vũ khí đó. Gần đây, TC dựa trên một chiếc máy bay phản lực của Nga lớp Sukoi như Su-33 để chế tạo ra chiếc Shenyang J-15 cho Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH), thế nhưng vì quá nặng nên không thể đáp xuống HKMH, và số phi cơ bị phá hủy cũng như số phi công bị thiệt mạng trong các cuộc thí nghiệm đều bị dấu kín, vì đó được xem là "bí mật quốc phòng".
TC đã từng tuyên bố, và trưng bày, vũ khí chống đám đông tương đương với Active Denial System (ADS), chế tạo bởi hãng thầu quân đội Raytheon của Hoa Kỳ. Đây là kỹ thuật dùng tia microwave để làm nóng lớp nước ở dưới da khiến có cảm giác như bị phỏng. Thế nhưng đó chỉ là "võ mồm" và "fake news" vì hiện nay TC đang muốn mua loại vũ khí này để chống các cuộc biểu tình của dân Hồng Kông, nhưng chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm bán loại vũ khí này ra nước ngoài.
Bởi vậy, trên thực tế, các quốc gia chế tạo vũ khí tân tiến như Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Đức là những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong viễn ảnh và sự sợ hãi chiến tranh.
Chiến tranh giống như một cơn bệnh dịch, ai cũng sợ, ai cũng muốn tránh, trong khi đó có những kẻ hưởng lợi lại muốn cơn bệnh này kéo dài không dứt. Điều đau buồn là có những kẻ vẫn đi gieo rắc bệnh tật, gieo rắc chiến tranh như Ali Khamenei của Iran, Xi Jingping (Tập Cận Bình) của Trung Cộng và Putin của Nga. Những kẻ đó vì lòng tham và ham muốn quyền lực đã đưa tình hình an ninh của thế giới đến bên bờ vực thẳm của một cuộc chiến tranh tàn khốc và cuối cùng cho nhân loại. Trước khi cuộc chiến tranh sau cùng xảy ra thì con người vẫn chú tâm đến việc phát triển vũ khí để tiêu diệt địch thủ, hay đúng ra là tiêu diệt nhân loại, đồng thời làm giàu cho những nhà sản xuất vũ khí. Chỉ khi nào trên thế giới không còn kẻ nào muốn làm bá chủ, không muốn xâm chiếm đất đai của quốc gia khác để khai thác tài nguyên thiên nhiên thì ngày ấy "kỹ nghệ chiến tranh" mới chuyển qua kỹ nghệ phục vụ nhân sinh, và như thế mới có Hòa Bình thực sự.
Với điều kiện như trên và với kinh nghiệm về lòng tham của con người từ thưở cổ đại đến nay thì Hòa Bình là một viễn ảnh rất mơ hồ, không những xa ngoài tầm tay mà còn xa ngoài tầm mắt. Và như thế vẫn có rất nhiều người, nhiều quốc gia hưởng lợi, làm giàu trong chiến tranh hay trong nỗi lo sợ về chiến tranh. Hòa Bình, hai chữ này xem ra hoàn toàn vô nghĩa.
Post a Comment