Má Tôi
Má ơi thuở đó trời chưa sáng
Lẽo đẽo con theo nhóm chợ làng
Bánh, trái, vịt, gà, rau... bày bán
Xóm chài tôm cá họ đưa sang
Ửng hồng phương Đông trời lóe nắng
Dắt con đi học đến sân chơi
Gói xôi lá cẩm còn âm ấm
Nhìn má ra về, nước mắt rơi
Má cứ thế sáng đưa chiều đón
Thời gian êm ái lướt qua mau
Giờ đây con cũng vừa khôn lớn
Thích nhìn trăng, và ưa đếm sao
Xa nhà con bước vào trung học
Má tiễn đưa qua mấy chặng đò
Tha thiết dặn dò rồi má khóc
"...Xa nhà, con phải biết chăm lo...”
Má đâu sá kể đêm đông quạnh
Vất vả vì con phải ngược xuôi
Đầu chợ, cuối thôn dầm mưa lạnh
Chỉ mong con trẻ được nên người
Con bước vào đời, nghề nghiệp vững
Được cùng với má sống bên nhau
Đất mền má vẫn đôi chân cứng
Dù nhớ vườn cau với liếp trầu
Lòng thương của má trai như gái
Gái dịu dàng, nên gần gũi hơn
Con nếu sống xa thì má ngại
Các con trai của má ganh hờn
Tre tàn nhường chỗ măng non mọc
Gái lớn theo chồng đẹp phận dâu
Kịp lứa, phải se tơ kết tóc
Có người xin, má nhận cau trầu
Con làm mẹ lúc hai mươi tuổi
Có má đỡ đần ngoài lẫn trong
Nào quản mưa chan cùng nắng gội
Cháu ngoan tay bế với tay bồng
Cố hương nay cách xa biền biệt
Con khuyên má trở về viếng thăm
Để thỏa bao ngày qua nhớ tiếc
Gặp cô, dì, cậu... kẻ thương thân
Má trở về thăm vào dịp Tết
Là lúc nhà đông đủ họ hàng
Khách viếng má vui quên nhọc mệt
Tiếng cười trong tiếng pháo rền vang
Trên cây mít chín chờ má hái
Bánh tổ, đường om chuối khô ngào
Kho lạt dầm me soong cá cháy
Bánh tráng, bánh phồng, mứt bí đao
Sau chòm mả đám cây trâm ổi
Trước mộ ba vàng rực khóm mai
Lá rộn lao xao cơn gió thổi
Như hồn ba đợi bước chân ai!
"... Con hỡi, xa nhà vì lũ địch
Nhắc đến quê hương nước mắt trào
Những buổi tàn canh trên đất trích
Thầm thương vận nước chịu lao đao
Lũ giặc gây bao điều má thấy
Mậu Thân đất Huế chất chồng xương
Đồng không mông quạnh oan hồn dậy
Than khóc dài theo mấy nẻo đường
Đợi ai đốt lá thay nhang khói
Cầu cho kẻ chết được siêu sinh
Để bao người sống nhìn nhau đợi
Ánh sáng vinh quang buổi thái bình
Thảm cảnh quê hương con biết đó
Đô thị loạn cuồng tủi nước non
Thôn dã chất chồng bao khốn khó
Má về thăm, khi giặc không còn...
Dư Thị Diễm Buồn
(Đặc San Lâm Viên)
Chú thích:
Tranh của Họa Sĩ Bé Ký
Post a Comment