Header Ads

Đời Lính Chiến


Nguyễn Văn Khôi

Vô tình xem trên Google bài thơ “Thương Ca” của Lê Thị Ý nên lại nhớ đến bài “Tưởng như còn người yêu” do Phạm Duy phổ nhạc.

Thi sĩ Lê Thị Ý làm bài thơ này khi đang ở trên Pleiku. Nhà thi sĩ gần nhà quàn của lính, khiến thi sĩ thường nhìn được cảnh những người vợ lính tới nhận xác chồng do đó mới làm ra bản "Thương Ca" này.

Tôi cũng có ở trong 1 Trung Đội PB nằm trong Quận LệTrung, sát tỉnh Pleiku vài tháng trước khi được giải ngũ vào tháng 6 năm 1966.

oOo

Chiếc Caribou chở tôi từ Phi Trường Tân Sơn Nhứt ra Pleiku.

Hôm đó chiéc phi cơ, chỉ chở có 2 người, 1 Thiếu Uý PB là tôi và 1 Trung Uý Bộ Binh.

Khi chúng tôi tới Pleiku chiều hôm đó, cả phi trường không có lấy một chiếc phi cơ nào khác nữa. Cái phi trường này nằm trên một ngọn đồi mà một bên là vách núi. Phi trường lúc đó hoang vắng đến nản người.

Trời thì se lạnh, tuy không mưa, nhưng trên trời đầy mây xám. Những cụm mây đó đang trôi lững lờ, khiến cho ai cũng phải cảm thấy có một nỗi buồn man mác...

Biết được cái bài thơ Thương Ca và nhất là nghe được bài “Tưởng như còn người yêu” do Phạm Duy phổ nhạc cùng nhân ngày “Tháng Tư Đen” năm nay năm 2019. Tôi ... bâng khuâng nhớ đến cuộc đời gian khổ của đời Lính Chiến...

Là lính chiến tôi cũng thắc mắc như nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ “Mầu Tím Hoa Sim”:

“... Là chiến binh mấy người đi trở lại
mà lỡ mình không về thì thương người vợ chờ...“

nên trong thời gian còn là LÍNH CHIẾN tôi không nghĩ tới chuyện lập gia đình. Nhưng cũng:

Không chết người trai khói lửa mà...
Đau khổ người vợ chờ vô vọng nhiều năm...

Nhớ lại những ngày còn là Lính Chiến trong QLVNCH

Sau khi ra trường khóa 14 Pháo Binh, Thủ Đức, tôi được đưa về Tiểu Đoàn 5 PB, thuộc Sư Đoàn 5, Quân Đoàn 3. trong QLVNCH

Là Chuẩn Úy nên tôi sẽ được chỉ định làm Sĩ Quan Tiền Sát Pháo Binh (SQTS PB) cho một đơn vị Bộ Binh, Dù hay Thiết giáp nào đó.

Vì không thích nghề Lính, nên đã không tình nguyện vào lính. Nhưng khi đã bị động viên vào Thủ Đức và một khi đã chấp nhận vào lính rồi thì tôi đã cố hết sức hoàn thành Trách Nhiệm được giao phó: Trách nhiệm của một Sĩ Quan Tiền Sát Pháo Binh.

Ngoài mặt trận, mỗi khi đụng độ với tụi Việt Cộng, đạn Pháo của tôi luôn luôn nhanh và chính xác, do vậy anh em binh sĩ lúc nào cũng thích tôi.

Mấy vị Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Đoàn Trưởng Bộ Binh nào cũng muốn có Thiếu Úy Khôi làm Sĩ Quan Tiền Sát hoặc Sĩ Quan Liên Lạc bên cạnh họ.

 Vào những năm 1963, 1964, 1965 các vị như
  • Đại Úy Nguyễn Văn Đương, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 33 BĐQ đã có Th.Uý Khôi làm SQ Tiền Sát trong 1 năm trời ở Tây Ninh.
  • Đại Úy Lê Nguyên Vỹ lúc còn là Tiểu Đoàn Trường TĐ 2/9, (Tới 30-04-1975 là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 5BB và đã tuẫn tiết vào thời điểm này).
  • Trung Tá Chuyên, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 BB có tôi làm SQ Liên Lạc khi Trung Đoàn từ Bình Dương đi giải tỏa Paris Tân Quy rồi giải tỏa Phú Hòa Đông. Sau này tôi không biết gì thêm về Tr. Tá Chuyên.
  • Đại Úy Nguyễn Văn Của Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 2/8 trong Trung Đoàn 8 của Trung Đoàn Trưởng Chuyên. (Tới 30-04-1975 là Đại Tá Của bị đi cải tạo, bị đưa ra Bắc và đã bị chết ngoài đó
  • Anh em binh sĩ trong Trung Đoàn cũng rất tin tưởng nơi tôi.
Cùng mấy vị hiện đang ở bên Mỹ này:
  • Cựu Đại Tá Hồ Sĩ Khải, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5 PB.
  • Cựu Thiếu Tá Khổng Năng Hạnh, Pháo Đội Trưởng PĐ B/51 PB.
  • Cựu Thiếu Tá Bửu Hạp, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 221 PB.
(Tôi đã gặp lại: Đại Tá Hồ Sĩ Khải, Thiếu Tá Khổng Năng Hạnh. Tôi chỉ chưa trực tiếp gặp được Th.Tá Bửu Hạp nhưng đã được nói chuyện với nhau qua điện thoại)

Họ có thể chứng thực những điều tôi nói.

Đời Lính Chiến của tôi chấm dứt vào cuối tháng 6 khi tôi được giải ngũ sau 4 năm thi hành Lệnh Động Viên.

oOo

Khi tôi và Thiếu Úy Nguyễn Quang Toàn (hiện đang ở Mỹ) được Đại Úy Bửu Hạp, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 21 PB trên Kontum, cho giải ngũ trước 1 tháng, chúng tôi trả quần áo Lính để ra về với bộ đồ Dân Sự. Nhưng ra tới Sân Bay mới được cho biết rằng:

Phải là Quân Nhân mới được lên Phi Cơ để về Tân Sơn Nhất. Thế là chúng tôi lại phải về Tiểu Đoàn xin lại hai bộ đồ số 2 (bộ quần áo Kaki) mặc vào rồi  mới trở ra sân bay.

Đây đúng là cái điềm báo trước là chúng tôi sẽ còn phải mặc quần áo lính một lần nữa!!!

oOo

Giải ngũ được hơn 1 năm thì biến cố “Tết Mậu Thân 1968” xẩy ra khiến Miền Nam VN phải Tổng Động Viên và ... chúng tôi phải Tái Ngũ.

Tái ngũ rồi tôi xin và được Biệt Phái Ngoại Ngạch về trường Trung Học Nguyễn trãi tại Saigon làm “Lính Kiểng”.

Đến ngày 30-4-1975, tên khốn kiếp Dương Văn Minh, được đưa lên làm Tổng Thống Miền Nam để ... ra lệnh cho binh sĩ miền Nam buông súng đầu hàng tụi Cộng Sản Hà Nội.

Tan hàng rồi các Sĩ Quan của QLVNCH phải đi tù, đi vào những trại mà tụi VC gọi là “Trại Cải Tạo”.

Lúc đó, tuy không còn là Lính Chiến, nhưng vẫn là Đại Uý của Quân Lực VNCH, nên tôi cũng phải vào tù.

Là “nhà Giáo”, đáng lẽ tôi chỉ bị tù có 3 năm thôi, nhưng trong một lần TỰ KIỂM, tôi đã khai ra là tôi đã từng làm Quản Lý quán cơm Sinh Viên kiêm Đại Diện Sinh Viên trong Đại Học Xá Minh Mạng (230 Minh Mạng, Quận 5, Saigon) từ tháng 1 năm 1967, Do đó tôi bị tù thêm 3 năm nữa.thành 6 năm tất cả.

Tổng Cộng là tôi đã bị "Tù Cải Tạo" trong 6 năm.

Qua bài “Tưởng như còn người yêu”, tôi sống lại những ngày tôi ở trong một Trung Đội trong Quận LệTrung ngay sát Tỉnh Pleiku, từ đó tôi thấy lại những ngày tôi đã sống trong quân ngũ từ năm 1963 tới 1966 cùng với những cuộc hành quân mà tôi được tham dự cùng với những vất vả, gian truân của nó.

Vào dịp 30 tháng 4 năm 2019 này, tôi đã được đọc bản ghi tên những Y Sĩ đã hy sinh.

Trong đó có tên của Y Sĩ Trung Uý Phạm Bá Lương và Y Sĩ Trung Uý Nguyễn Văn Nhứt, làm tôi nhớ đến những ngày chúng tôi cùng ở trên Quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Hồi đó, Pháo Đội B/5 (Pháo Đội B thuộc Tiểu Đoàn 5 Pháo Binh) của tôi với Pháo Đội Trưởng Khổng Năng Hạnh đóng ở đầu Quận Bến Cát trên Quốc Lộ14 từ Bình Dương lên. Pháo Đội của tôi nằm bên Trái con đường, thì bên kia là nơi Bộ Chỉ Huy trung Đoàn 7BB mà Trung Đoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Văn Tư, nằm sát với Quốc Lộ 14.

Bên Trái con đường từ Bình Dương lên là phòng ngủ của Đại Uý Pháo Đội Trưởng PĐ B/5 và 2 Thiếu Uý Sĩ Quan Tiền Sát PB chúng tôi, Th Uý Hòa và Th Uý Khôi.

Bên kia đường là phòng ngủ của Trung Uý Y Sĩ Trung Đoàn Phạm bá Lương.

Tôi và bác sĩ Lương là bạn học thời Trung Học. Chúng tôi cùng học Chu Văn An Hà Nội từ lớp Đệ Lục B1 niên khóa 1950-1951 đến CVA Saigon. Niên khóa 1955-1956 chúng tôi cùng học lớp Đệ Nhất B3, năm cuối của Trung Học.

Lên Đại Học thì Phạm Bá Lương học Y Khoa còn tôi thì học hành chẳng ra gì để rồi bị động viên vào Thủ Đức.

Đã gần 10 năm, chúng tôi không gặp nhau, nay ở Bến Cát chúng tôi mới gặp lại nhau trong một cuộc hành quân mà tôi làm Sĩ Quan Liên Lạc Pháo Binh cho Trung Đoàn 7 BB. Bác sĩ Lương làm Y Sĩ Trưởng của Trung Đoàn.

Làm SQ Tiền Sát hay SQ Liên Lạc thì không có việc gì làm trong Pháo Đội nên trong những ngày không hành quân, tôi thường sang phòng của bác sĩ Lương ngồi tán dóc.

Một hôm bác sĩ Lương hỏi xin tôi mấy miếng gỗ của những thùng đạn 105 ly sau khi đã lấy qủa đạn ra. Tôi đồng ý và bảo Lương cho lính sang chỗ tôi mà lấy... Thế là hôm sau bác sỹ Lương cho tài xế lái chiếc xe Jeep cứu thương vào Pháo Đội tôi xin mấy tấm ván về.

Khi chiếc xe cứu thương về rồi, Ông Trung Sĩ Khẩu Đội Trưởng Mô A Mìn mới phàn nàn với tôi là:

“Sao Thiếu Uý lại cho chiếc xe cứu thương đó vào đây. Sui lắm đó.”

Lúc đó tôi mới giật mình, nhưng cũng cố vớt vát lại, nói rằng:

“Không sao đâu! Số tôi tốt lắm không ngại gì cả."

Trong các cuộc hành quân thì tôi và Th. Uý Hòa thay phiên nhau đi làm SQ TS hay SQLL.

Thế rồi sau một lần hành quân, tôi "dù" về Saigon, vì kỳ hành quân tiếp thì đến phiên Th. Uý Hoà. Tôi thì "Ba Gai" thật, nhưng không bao giờ làm trở ngại các cuộc hành quân hết. Không có tôi thì vẫn còn SQ khác đi làm SQTS hoặc SQLL. Bao giờ tôi cũng có mặt khi cần.

Lần này thì khác.

Tôi mới về nhà ở 214 Võ Di Nguy gần Rạp Ciné Văn Cầm, Phú Nhuận, được 2 hôm thì có xe từ Tiểu Đoàn tới nhà tìm tôi, nhưng lúc đó tôi không có nhà, nên chỉ được nhắn lại là phải lên Tiểu Đoàn ở Phú Lợi để lên Bến Cát gấp, Thiếu Uý hoà đã chết.

Thì ra khi tôi dù về Saigon thì Trung Đoàn 7 của Trung Tá Tư đã mở một cuộc hành quân và Pháo Binh phải cử Thiếu Uý Hoà đi làm SQ Liên Lạc, theo Trung Đoàn lên Bầu Bàng. Trong một đêm ở Bầu Bàng II, Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn đã bị lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng nên Trung Uý Y Sĩ Phạm bá Lương và Thiếu Uý Hoà đã bị tụi VC bắn chết. Trong trận này, Trung Tá Tư lại thoát khỏi tay tụi VC vì ... Tr.Tá Tư nhà ta nói rằng Tr. Tá đã leo lên một cái cây nào đó trốn.

Nhân đây tôi xin kể một chuyện về Số Mạng.

Pháo Đội B/5 của tôi nằm sát với Sân Bay Trực Thăng, nên tôi thường ra đó tán dóc với Trung Sĩ Mỹ trông coi Sân bay. Anh Trung Sĩ da đen này cũng bị “động viên” như tôi ... rồi chúng tôi thân nhau và khi nào muốn về Saigon, đúng ra là về Bình Dương là tôi xin anh ta một chỗ trên chuyến trực thăng tới. Năm 1964 đó, nếu không có “mở đường” thì quân nhân chúng tôi chỉ có một phương tiện là Trực Thăng để đi từ Bình Dương lên Bến Cát và ngược lại.

Hôm tôi dù về Saigon, bạn Lương của tôi cũng muốn dù như tôi, nên đã bảo tôi xin anh bạn Trung Sĩ coi Sân Bay dành cho 1 chỗ. Anh ta đã bằng lòng.

Nhưng khi có chiếc Trực Thăng tới, bác sĩ Lương lại nói rằng Tr. Tá Tư không có mặt ở đây, nếu tớ đi thì khi ông ta về, ômg ta chửi cho, thôi cậu đi đi tớ không đi...Thành ra hôm đó Lương ở lại để dự cuộc hành quân lên Bầu Bàng II và đã bị chết ở đó. 

Nếu Lương đi với tôi hôm đó thì ... sau đó sẽ bị phạt nặng nhưng ... không Chết.

Trong trận Bầu Bàng II đó, tôi mất 2 người bạn: Thiếu Uý Hòa và bác sĩ Lương.

Nhận được lệnh phải lên Phú Lợi, tôi vội lên đó ngay với bộ đồ của Lính Dù.

(Chúng tôi được phát quần áo của lính Dù, của Lính Thủy Quân Lục Chiến để mặc khi đi làm SQTS hay làm SQLLPB với những binh chủng trên.)

Trước khi lên Bình Dương để vào Phú Lợi, tôi định ghé vào Tổng Y Viện Cộng Hòa  để chào bạn Lương tôi lần chót. Nhưng rồi tôi lại không tới chào vì không biết rằng những người ngồi quanh quan tài kia có phải là gia đình bác sĩ Lương hay không. Tôi phân vân như vậy vì tôi không thấy bạn Phạm Bá Đường, anh của Lương mà cũng là bạn của tôi nữa.

Đi qua đám tang, tôi ra xe đi Bình Dương, rồi vào Phú Lợi, vào Tiểu Đoàn 5 PB.

Từ TĐ 5 PB này tôi được một Trung Uý (mà tôi đã quên mất tên) đưa tôi ra Sân Bay.

Tới Sân Bay tôi đã thấy có một Trung Uý đã cũng đang đứng chờ. Trung Úy này cao ráo, trông khá đẹp trai, nhưng có vẻ hơi buồn.

Lên tới Bến Cát, vào phòng ngủ của mình mới thấy là chỉ còn 1 cái giường, cái giường của Th. Uý Hòa đã được dẹp đi rồi. (Từ trước, 2 đứa chúng tôi cùng chung 1 phòng.)

Lúc đó tôi mới thấy rằng chiếc xe cứu thương đi vào Pháo Đội là Sui thật.

Mấy ông Trung Sĩ của tôi cũng không nhắc lại việc đó với tôi nữa. Nhưng nếu họ có phàn nàn với tôi thì tôi cũng sẽ cho họ biết rằng:

"Đó chỉ là cái điềm báo trước rằng Pháo Đội mình sẽ bị SUI, chứ không phải là cái việc xe Cứu Thương vào mới làm cho Pháo Đội SUI. Cái xe đó không vào thì Pháo Đội mình vẫn mất Th. Uý Hòa như thường."

oOo

Sau này lên tới Quận Dầu Tiếng, tôi mới biết rằng Trung Uý đứng chờ Trực Thăng với mình hôm trước là Tr. Uý Y Sĩ Nguyễn Văn Nhứt lên thay Tr. Uý Y Sĩ Phạm bá Lương.

Lên tới Bến Cát được 1 hay 2 ngày, Trung Đoàn 7 cùa Trung Tá Nguyễn Văn Tư mở cuộc hành quân lên Dầu Tiếng, bắt đầu từ Chơn Thành.

Trong cuộc hành quân này:

Tôi, Thiếu Uý Khôi sĩ quan khóa 14 PB lại được chỉ định làm SQ Tiền Sát PB cho TĐ 2/7 với TĐ Trưởng là Đại Uý Luông. Tiểu Đoàn 2/7 này sẽ là TĐ đi đầu, đi mở đường vào Dầu Tiếng. Trong khi đó thì Thiếu Uỷ Vũ Đình Kỳ là sĩ quan đàn em (khóa 15 PB hay 16 PB) lại được Đại Uý Võ Văn Sáng, TĐ Trưởng TĐ51 PB của tôi cử làm SQ Liên Lạc bên cạnh Trung Tá Tư.

Trên đường vào Dầu Tiếng

Trong đêm đầu hay đêm thứ 2, một toán VC chạy qua nơi mà bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2/7 chúng tôi tạm nghỉ qua đêm, gần nơi tạm nghỉ của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn. Chúng chạm phải mìn chiếu sáng, TĐ chúng tôi có bắn ra, nhưng chúng không bắn trả mà ... đi luôn. Thế là chúng tôi biết rằng mục tiêu của chúng là “Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn”.

Tôi báo ngay cho Th. Uý Kỳ là tụi VC muốn tấn công các bạn đó, bạn phải nói với Đại Uý Thái là cho 4 khẩu 105 ly sẵn sàng Trực Xạ đi. (Pháo Đội B của tôi mà Pháo Đội Trưởng là Đại Uý Nguyễn Văn Thái cũng đi cùng với Trung Đoàn 7 này lên Dầu Tiếng.)

Ít phút sau, qủa là có tiếng trực xạ nơi Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn.

Trận chiến chỉ chừng nửa giờ thôi. Với sự chống trả của quân ta, tụi VC phải rút, nhưng cũng làm cho Th. Uý Kỳ sợ hết hồn. Rồi không biết tại sao TĐ 5 PB lại đưa Đại Uý Giỏi Tiểu Đoàn Phó TĐ 5 PB vào thay Th. Uý Kỳ, và Th.Uý Kỳ được đưa sang mặt trận khác. Mấy tên lính trong toán Tiền Sát của tôi nghe tôi cho biết như vậy, nên đã nói với tôi rằng: Th. Uý Kỳ lại chạy cho mà xem. Tối hôm sau, chúng tôi lại nghe thấy tiếng Th Uý Kỳ quýnh quáng gửi điện văn xin bắn trên máy.

Trước hôm vào quận, Đại Uý Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 2/7 có nói với các sĩ quan trong TĐ rằng, tụi mình sẽ có một cái may lớn lắm.

Chúng tôi có nói lại rằng: "Vào trong quận, chúng ta được nghỉ là may rồi còn gì!!!"

Đại Uý Luông bảo rằng: "Không phải, việc TĐ được nghỉ đã được ghi sẵn trong Dự Lệnh Hành Quân rồi. Cái may này là cái may lớn lắm. Mỗi khi tao nằm mơ thấy được như vậy là tao sẽ có một cái may lớn lắm, chứ không phải là cái may được nghỉ đâu!"

Vào tới Dầu Tiếng rồi, TĐ 2/7 chúng tôi được nghỉ lại trong Quận vì TĐ đã là TĐ đi mở đường tử Chơn Thành tới quận Dẩu Tiếng này như đã được ghi trong “Dự Lệnh Hành Quân”.

Thế rồi, sau khi nghỉ trong Quận 1 đêm, Trung Đoàn tiếp tục cuộc hành quân, tiến vào Làng 13 để rồi cả Trung Đoàn bị phục kích trong làng đó.

Trong trận này toàn bộ các sĩ quan trong bộ Chỉ Huy Trung Đoàn đều bị giết:

  • Trung Tá Nguyễn Văn Tư, Trung Đoàn Trưởng.
  • Trung Đoàn Phó, Sĩ Quan ban 2, ban 3.
  • Trung Uý Y Sĩ Nguyễn Văn Nhứt
  • Đại Uý Giỏi, Sĩ Quan Liên Lạc Pháo Binh
  • Nhiều Sĩ Quan của các Tiểu Đoàn khác trong Trung Đoàn

Thế là TĐ 2/7 chúng tôi lại phải sẵn sàng lên đường. Lúc đó, Đại Uý Luông mới nói với chúng tôi rằng: "Đây mới là cái may lớn mà tao được báo trước đấy!"

Nếu không có may mắn, thì tôi, là sĩ quan đàn anh của Th.Uý Kỳ phải là SQLL PB bên cạnh Trung Tá Tư. Sẽ không có vụ xin xỏ để Đại Uý Giỏi vào thay, và dĩ nhiên là tôi phải có mặt bên cạnh Tr.Tá Tư để cùng bị VC giết chứ.

Biến cố đó làm cho khoảng 800 quân nhân của QLVNCH bị chết. Lý do là có NỘI TUYẾN, tên nội tuyến này lại là tên Trung Sĩ  trong Ban Truyền Tin của Sư Đoàn. Bởi thế bao nhiêu Lệnh Lạc gì của Sư Đoàn hay Trung Đoàn đều bị tụi VC biết trước hết.

oOo

Là Lính Chiến, tôi may mắn là chưa có Vợ, nên không phải tìm cách nịnh nọt ai cả. Chẳng bao giờ sợ ... có người phải ca bản “Ngày mai đi nhận xác chồng”.

Nhưng đã là Lính thì dù không là Lính Chiến cũng vẫn phải gặp những hậu quả dành cho Lính.

Sau khi hết hạn 4 năm bị động viên, tôi được giải ngũ, vào cuối tháng 6 năm 1966.

Biến cố “Tết Mậu Thân năm 1968 khiến Miền Nam phải Tổng Động Viên và ... vào tháng 8-1968, tôi lại phải mặc quần áo Lính một lần nữa. Có điều là lần này tôi không còn là Lính Chiến nữa mà là "Lính Kiểng."

Tôi đã được “biệt phái ngọai ngạch” về Bộ Giáo Dục để được đưa về trường Trung Học Nguyễn Trãi bên Khánh Hội, Quận Tư Saigon làm Giám Thị kiêm Tư Nhân Dậy Giờ.

Yên chí rằng sẽ không ai phải “ngày mai đi nhận xác mình” nữa nên tôi đã lập gia đình năm 1969.

Tới ngày 30 tháng Tư năm 1975, anh bạn Mỹ dâng Miền Nam VN cho Trung Quốc. Tụi Trung Cộng này đã để mặc cho tụi Việt Cộng từ Bắc vào chiếm Miền Nam VN. Thế là tụi VC miền Bắc ào vô chiếm Miền Nam và chúng bắt các Sĩ Quan trong QLVNCH của Miền Nam phải trình diện đi tù, đi vào những cái mà chúng kêu là "Trại Cải Tạo."

Tù cải tạo thì ít nhất là một năm, cho tới bao lâu thì chẳng ai biết cả. Tôi là một Sĩ Quan trong QLVNCH nên tôi phải đi tù thôi. Tôi thì chỉ bị Tù có 6 năm thôi. Nhưng có người, bà vợ phải nuôi tới 17 năm

Nếu khi còn là Lính Chiến của QLVNCH Miền Nam thì người vợ Lính có phải đi nhận xác chồng, thì dĩ nhiên là rất đau khổ, nhưng còn  nhận được một số tiền Tử Tuất rồi vài năm sau, thời gian cũng làm cho các bà Qủa Phụ nguôi dần.

Nhưng khi chúng tôi bị đi “Tù Cải Tạo” thì khác:

Cái khác đầu tiên là ... người chồng chưa chết, chỉ bị đi tù thôi.

Cái khác thứ hai là Thăm Nuôi.

Lúc đầu, khi tụi VC mới chiếm Miền Nam thì gạo hãy còn đầy trong các kho của Quân Đội cũng như của Tổng Cục Tiếp Tế trong toàn Miền Nam, nên chúng lấy ra nuôi các tù Cải Tạo chúng tôi. Nhưng chỉ 1 năm sau... Phần thì chúng vơ vét mọi thứ mang về Bắc, phần thì theo "Quốc Sách" của chúng, chúng bắt các bà vợ của Tù Nhân phải đi nuôi những người chồng của họ đang bị tù. Do đó dân chúng Miền Nam mới biết đến hai chữ “Thăm, Nuôi”

oOo

Chồng tử trận thì rất đau khổ. Sau đó còn phải “nuôi con” nữa nhưng còn có tiền Tử Tuất và chính quyền Miền Nam luôn luôn có cách hữu hiệu để giúp những bà qủa phụ này. Vả lại trong thời của VN Cộng Hòa thì kiếm sống rất dễ.

Bây giờ, đúng là “đổi đời”.

Những bà Vợ Tù Cải Tạo tuy không đau cái đau của người “đi nhận xác chồng” nhưng lại đau cái đau của những người mới bước vào đời để tìm cách kiếm sống, kiếm cách nuôi chồng, nuôi con trong một thời gian...vô hạn định.

Trong những cái đau khổ, thì cái đau khổ của mấy bà vợ “đi nhận xác chồng” thì rất là lớn vì họ vĩnh viễn mất chồng. Trong khi đó, những bà vợ của những Tù Cải Tạo thì...chưa mất chồng, nhưng phải gian khổ nuôi chồng, nuôi con trong một xã hội nghèo đói, đầy dẫy những bất công, trong một thời gian gần như vô tận!!!!

Trong những hoàn cảnh này, ai khốn khổ hơn ai???

Tôi chỉ bị tù có 6 năm thôi, mà khi tôi được tha về, những gì bà Vợ tôi còn giữ lại được chỉ là …. cái xác nhà. (Bà vợ tôi phải làm dữ lắm mới khiến tụi nó không chiếm được cái nhà của chúng tôi.)

Vì phải lo buôn bán, kiếm tiền nuôi gia đình, gồm cả tôi trong tù, vợ tôi cùng 3 đứa con, thằng con lớn nhất mới có 5 tuổi, thằng thứ hai mới được 3 tuổi và con bé út thì mới có mấy tháng, phải dời nhà để sang nhà bố mẹ tôi ở  bên Võ Di Nguy, Phú Nhuận gần rạp Ciné Văn Cầm, nhờ ông bà coi các cháu để đi buôn, bán.

Tụi VC thấy nhà tôi bỏ trống nên chúng tới khóa cổng nhà tôi lại. Một cô học trò của tôi ở gần đó thấy thế mới chạy sang báo cho vợ tôi biết. Thế là bà vợ tôi tức tốc chạy về, muợn ai đó cái kềm, cắt cái xích khóa cổng đó đi....tụi VC trong Phường tới tính nạt nộ nhà tôi, chúng hỏi:

- Ai cho chi. Cắt cái khóa này vậy?

Bà vợ tôi hỏi lại:

- Tại sao các anh lại khóa  cái cổng nhà tôi lại

- Nhà chị đi Vượt Biên nên Phường tới lấy.

- Ai nói là tôi đi vượt biên, tôi chỉ tạm sang ở bên bố, mẹ chồng tôi ở để tiện việc buôn bán chứ có bỏ cái nhà này đâu mà các anh định lấy.

Thế là chúng mới không lấy được cái nhà của tôi.

Lúc tôi về, chúng tôi chỉ còn lại căn nhà trống. TV, tủ lạnh, bộ Salon và cái xe Honda của tôi ngày xưa dùng để đi làm, đi dậy học, bên trường công Nguyễn Trãi cũng như bên những trường Tư như Trường Nguyễn Bá Tòng trên đường Bùi Thị Xuân, trường Đắc Lộ trên đường Lê Văn Duyệt, xế cổng trại Dủ Hoàng Hoa Thám đã được lần lượt ra đi để lấy tiền ... thăm, nuôi tôi.

Tôi chỉ bị tù có 6 năm mà còn như vậy. Gia đình của các vị khác, họ bị tù lâu hơn tôi, thì còn thê thảm thế nào!!! Chưa kể đến gia đình của những vị đã bị chết trong "trại cải tạo" như gia đình Đại Tá Nguyễn Văn Của, cùng những gia đình khác mà tôi không biết.

oOo

Kể lại những chuyện này không phải là để bầy tỏ lòng căm hờn, thù ghét tụi Việt Cộng, mà đơn thuần là chỉ để mai này các con, cháu tôi nhớ lại những biến cố đã xẩy ra cho tôi.

Tôi sinh ngày 28 tháng 1 năm 1935, tới nay, tôi đã 84 tuổi rồi.

Tôi cũng sắp ra đi thôi

Xin tạm ngưng ở đây.

San Francisco, Thứ Tư ngày 8 tháng 5 năm 2019
Nguyễn Văn Khôi



Qua những truyện tôi kể trên, những người là Lính Chiến như tôi phải tin vào SỐ MẠNG: Sống, Chết có Số.

Và Có nhiều dấu hiệu báo cho mình biết trước những điều May cũng như Rủi, như
  • Cái may mắn của anh em trong TĐ 2/7 mà Đại Uý TĐ Trưởng được báo trước.
  • Hoặc Cái xe Jeep cứu thương vào Pháo Đội B của tôi trên Bến Cát đã báo trước cái không may của Pháo Đội là Th. Uý Hòa sẽ bị Tử Trận.
Ngay trước khi gia đình tôi được rời VN sang Mỹ: Cây Mai trong vườn nhà tôi đã nở đẹp 2 lần để báo trước cái may của gia đình chúng tôi.
  • Một lần trước Tết, báo cho biết là chúng tôi sẽ nhận được cái L.O.I.(Letter of Introduction = Thư Giới Thiệu) của Tòa Đại Sứ Mỹ bên Thái Lan.
Có cái L.O.I. thì Sở Dịch Vụ Xuất Nhập Cảnh ở đường Nguyễn Trãi mới nhận (tiền) làm hồ sơ xin Xuất Cảnh
  • Lần thứ 2, gần Tết báo cho biết là gia đình tôi sắp được Phái Đoàn Mỹ Phỏng Vấn
(Tôi không đưa hình cây mai nở hai lần ra đây, vì không giữ được, nên không có gì làm chứng cho những thời gian đó được, dù đó là sự thật).




Powered by Blogger.