Header Ads

20 tháng bảy 1954 - 65 năm sau, từ khi đất nước chia đôi


Giao Chỉ, San Jose

Ngày 20 tháng 7 năm 2014 ghi dấu 60 năm hiệp định Geneve chia đôi đất nước, chúng tôi tổ chức kỷ niệm đêm giã từ Hà Nội. Có các chiến binh Việt Nam trong quân đội Mỹ về tham dự. Ca sĩ Ý Lan trình diễn những bài ca quê hương. Chúng tôi có dịp nhắc lại kỷ niệm từ ngày rất xa, khi còn là thiếu niên trong thời kháng chiến đứng sau cột đình làng Bình Hải, huyện Yên Mô nghe cô Thái Thanh rất nhỏ bé hát bài ca cho chương trình Bình Dân Học vụ. Lời ca thánh thót của thời thơ ấu mà vẫn còn nghe vang vọng tuổi hoa niên. "Ai về chợ huyện Thanh Vân, Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa?" Trải qua biết bao dâu bể. Ngày nay vẫn còn may mắn ngồi nghe con gái của cô Thái hát rằng: "Quê hương tôi, có con sông đào xinh sắn."

Hôm nay, ngồi đọc lại bài viết cũ về chuyện còn sông Bến Hải đã trở thành câu chuyện 65 năm.

Tuổi cao niên già thêm 5 năm, nhưng lịch sử đất nước chia đôi trên căn bản vẫn không thay đổi. Xin soạn lại gửi đến bằng hữu độc giả như sau.

Viết cho ngày 20 tháng 7 (1954-2019)

Đất nước bị chia cắt 54 quả thực là thảm họa, nhưng thống nhất 75 là còn khốn nạn hơn.     
Để hoàn thành công cuộc gọi là "Giải phóng miền Nam", Việt Cộng đang phải trả nợ bằng cả núi sông. Vì câu chuyện thời sự hôm nay, chúng ta cùng nhớ lại chuyện hôm qua. 65 năm trước cũng vào ngày tháng này, người Việt di cư lần thứ nhất.

Tháng 7 năm 2019 có gợi nhớ cho người Việt tỵ nạn chúng ta một chút kỷ niệm nào không? Cách đây 65 năm vào tháng 7 năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Hôm nay, từ hơn nửa thế kỷ và một đại dương xa cách, xin có đôi lời ghi lại. Trước hết là một số sử liệu, nhắc lại một lần vào cuối cuộc đời.

Tháng 9-1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Thế chiến thứ II chấm dứt chính thức trên mặt trận Thái Bình Dương. Hồ Chí Minh lãnh đạo đảng cộng sản tuyên bố Việt Nam độc lập. Người Pháp trở lại Đông Dương.

Ngày 19 tháng 12-1946, toàn quốc kháng chiến. Vào những ngày của mùa Thu khói lửa năm xưa, tất cả thanh niên Việt Nam đều đứng lên đáp lời sông núi. Phạm Duy đã viết lời ca như sau: "Một mùa Thu năm qua, cách mạng tiến ra đất Việt, cùng ngàn vạn thanh niên vung gươm phá xiềng."

Bài ca này miền Nam đã dùng mở đầu cho cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống.                         

Vào những ngày đầu kháng chiến, tôi mới hơn 13 tuổi. Tuổi măng non thơ dại và hào hứng biết chừng nào. Vào thời gian này, không ai biết gì về Quốc Cộng. Người ta nói rằng: "Khi cách mạng mùa Thu, anh 20 tuổi, anh không theo kháng chiến, anh không phải là người yêu nước." Và tôi là cậu bé con của trường Cửa Bắc, Nam Định tản cư về Yên Mô, Ninh Bình cũng bắt đầu bài học yêu nước nồng nàn.

Sau này mới học được những danh ngôn thần diệu khác:


Khi chủ nghĩa cộng sản ra đời, anh 20 tuổi, không theo cộng sản, anh không có trái tim. Hai mươi năm sau, anh chưa bỏ cộng sản. Anh không có khối óc.

Hà Nội và Nam Định tản cư, sinh viên học sinh gia nhập tự vệ thành mang dấu hiệu sao vàng tham dự vào trung đoàn thủ đô. Trong Nam các thanh niên tiền phong Sài Gòn cầm gậy tầm vông hợp đoàn chống Pháp.

Cho đến ngày nay, tất cả các vị cao niên 75 và 80 tuổi trở lên chắc hẳn còn nhớ về mùa Thu khói lửa năm xưa của thời kỳ 1946. Rồi tiêu thổ kháng chiến, rồi tản cư, rồi về Tề, còn nhớ biết bao nhiêu ngôn ngữ đặc thù của cả một thời thơ ấu.

Ba năm sau, tháng 3-1949, vua Bảo Đại từ Hương Cảng trở về. Bình minh của phe quốc gia mới bắt đầu nở hoa cay đắng trong vòng tay của quân đội Liên Hiệp Pháp.

1950: Cuộc chiến vẫn tiếp tục trên toàn thể đất nước cho đến năm 1950. Một năm nhiều dữ kiện.

  • Tháng giêng, Trung Cộng công nhận cộng sản Việt Nam. 
  • Tháng 2, Hoa Kỳ công nhận Việt Nam Quốc Gia. 
  • Tháng 3, Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp tại Đông Dương. 
  • Tháng 6, toán cố vấn Mỹ đầu tiên đến Việt Nam.

Rồi đến năm 1954 định mệnh. Tháng 5-1954, Điện Biên Phủ thất thủ, trong số binh sĩ tham chiến có phân nửa là lính quốc gia Việt Nam cùng chịu chung phần số hy sinh và thân phận tù binh.

Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc. Tháng 6-1954, ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về nước nhận chức thủ tướng.

Tháng 7-1954, Genève quyết định chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, trên con sông Bến Hải giữa nhịp cầu Hiền Lương. Và cái ngày định mệnh của cả dân tộc là ngày 20 tháng 7-1954. Anh, Pháp, Tàu v.v… ký vào hiệp ước cùng với phía cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ và Việt Nam quốc gia không ký. Thủ tướng Pháp đương thời hứa với quốc dân là hiệp định phải ký xong nội ngày 20 tháng 7-1954. Họp bàn đến nửa đêm chưa xong. Đồng hồ phòng nghị hội cho đứng chết lúc 12 giờ khuya. Tiếp tục họp đến sáng hôm sau. Ký xong rồi cho đồng hồ chạy lại. Ngoại trưởng Việt Nam là cụ Trần Văn Đỗ khóc vì đất nước chia đôi ngay tại hội nghị. Lê Duẩn chỉ huy cộng sản tại miền Nam, đang trên đường ra Bắc chợt nghe tin đình chiến bèn quay trở lại để tiếp tục lãnh đạo công cuộc giải phóng về sau. Từ Hà Nội một số sĩ quan Quốc Gia Việt Nam cùng sĩ quan Pháp tham dự hội nghị Trung Giá để quy định việc đình chiến. Các đơn vị Pháp và tiểu đoàn khinh quân Việt Nam âm thầm rút khỏi Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Nam Định để lại sự hoảng loạn đau thương cho nhiều giáo khu Việt Nam tự trị.

Tại miền Bắc, Pháp và phe quốc gia có thời hạn tập trung 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày ở Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng. Tại miền Nam, bộ đội tập kết tại Hàm Tân 80 ngày, Bình Định 100 ngày và Cà Mau 300 ngày.

Ngày nay bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ đến thời kỳ tập kết ở miền Nam và di cư của miền Bắc. Bộ đội miền Nam trước khi ra đi đã phát động chiến dịch gài người ở lại nằm vùng và phong trào lập gia đình ồ ạt để hẹn ngày trở lại hai năm sau hiệp thương và tuyển cử. Trung úy Giao Chỉ tham dự hành quân Tự Do tiếp thu Cà Mau thấy người cộng sản tập kết chào nhau với bàn tay xòe hai ngón hẹn gặp lại sau hai năm, kèm theo khẩu hiệu: "Ra đi là chiến thắng, ở lại là vinh quang." Kháng chiến miền Nam ra Bắc để lại những người đàn bà mang bầu trong thôn xóm và súng đạn chôn sau vườn.

Trong khi đó ở miền Bắc cộng sản cố sức cản đường không cho lính quốc gia di tản và ngăn chặn cuộc di cư vĩ đại từ tháng 8-1954. Nhưng phe Quốc Gia vẫn có đủ một triệu người ra đi.

Trung úy Vũ Đức Nghiêm, tốt nghiệp khóa 1 Nam Định đã di cư vào Nam cùng đơn vị và gia đình lúc ông hơn 20 tuổi. Từ Phát Diệm, ông đi cùng Tiểu đoàn Khinh quân 711 về Hải Dương rồi rút về miền Nam.

Đại úy Lê Kim Ngô di tản trường Công Binh từ Bắc vào Nha Trang và tham dự hành quân tiếp thu Bình Định. Cả hai ông Vũ Đức Nghiêm và Lê Kim Ngô về sau đều có dịp trở về đất Bắc trong lao tù cộng sản trước khi qua định cư tại Hoa Kỳ.

Cũng trong đợt di cư theo gia đình công giáo, thanh niên Phạm Huấn 17 tuổi còn nhớ mãi về Hà Nội của tuổi hoa niên. Sau khi ký hiệp ước Paris, thiếu tá VNCH Phạm Huấn có dịp trở về trong phái đoàn chính thức để viết nên tác phẩm “Một ngày tại Hà Nội” vào năm 1973. Sau đó ông Phạm Huấn lại một lần nữa từ biệt Sài Gòn năm 1975. Ngày 7 tháng 7-2004, tôi và đại tá thiết giáp Hà Mai Việt vào thăm Phạm Huấn tại Nursing Home của bác sĩ Ngãi ở khu Tully, San Jose. Sinh năm 1937, người thiếu niên Hà Nội trở thành sĩ quan trẻ trung của Sài Gòn vẫn còn là vị cao niên trẻ nhất của Nursing Home. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm.” Phạm Huấn nói rằng nếu có ngày các ông lấy lại được Sài Gòn thì tôi cũng sẽ chơi một chuyến xe lăn về quê cũ. Ông qua đời tại San Jose và chưa một lần trở lại Việt Nam. Nhưng từ tháng 7-1954 cho tới tháng 7-2019 ngày tháng cũng xa rồi mà mộng ước cũng xa rồi. Phạm Huấn và nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đều lần lượt ra đi từ San Jose bỏ cả mưa Sài gòn lẫn mưa Hà Nội. Cuối tháng 5-2014, Hà Mai Việt trở lại San Jose ra mắt tác phẩm Cỗi rễ cuộc chiến Việt Nam, khởi sự từ miền Bắc. Chẳng biết còn ai nhớ được nguồn cơn.

Năm 1954, có cô bé 15 tuổi lên máy bay một mình đi theo gia đình người bạn để vào Nam tìm tự do. Mồ côi mẹ, cha ở lại đi tìm con trai rồi kẹt luôn. Cô bé tên là Nguyễn Thị Chinh và sau này chuyến đi đã đem đến cho miền Nam một đệ nhất minh tinh gọi là Kiều Chinh. Chuyến đi của Kiều Chinh 1954 từ biệt Hà Nội đầy nước mắt chia ly trong tình phụ tử. Năm 1975, Kiều Chinh lại một lần nữa từ biệt Sài Gòn trong một chuyến bay trắc trở vòng thế giới giữa lúc thủ đô miền Nam hấp hối.

Và cũng vào năm 1954, một cô bé 9 tuổi Nguyễn Thị Lệ Mai xuống tàu di cư vào Nam. Sau này cô trở thành ca sĩ tiêu biểu của cuộc chiến lầm than, một đời lưu vong trong một kiếp trầm luân. Tên của người ca sĩ 50 năm hát rong trên khắp địa cầu là Khánh Ly. Năm vừa qua cô về hát lần đầu trên sân khấu Hà Nội. Trải qua 50 năm là biểu tượng chống Cộng bằng ca từ hải ngoại, ngày nay cô đứng hát tình ca cho những khán giả chưa từng quen biết nhưng hết mực yêu thương.

Và cùng với Vũ Đức Nghiêm, Lê Kim Ngô, Phạm Huấn, Kiều Chinh, Lệ Mai còn có Bùi Đức Lạc cũng là thành phần Bắc Kỳ di cư đến tạm trú ở khu Phú Thọ Lều để đến 75 thì trở thành người di tản mang màu áo pháo binh Dù.

Năm 1972 trong nước mắt Hạ Lào, Bùi Đức Lạc nghe Khánh Ly nức nở, đã nói rằng trận liệt mất đường về không phải vì Mỹ bỏ mà tại vì nhạc Trịnh Công Sơn.

Một người khác gốc Phát Diệm đã sớm trở thành dân di cư Hố Nai rồi chuyển qua vượt biên với một vợ 9 con tiếp tục bình tĩnh làm báo hàng ngày tại San Jose. Đó là Ký Còm – Vũ Bình Nghi. Tại sao miền Bắc lại di cư tỵ nạn? Tại sao miền Nam lại di tản vượt biên? Truyền thống của dân Việt là muôn đời sống với lũy tre xanh, với mồ mả tổ tiên, với làng xóm. Vạn bất đắc dĩ phải ra đi mang tiếng tha hương cầu thực nhưng rồi vài năm lại trở về. Quốc văn giáo khoa thư thủa nhỏ đã ghi rằng chỉ có chốn quê hương là đẹp hơn cả.

Trung úy Phan Lạc Tuyên khi tham dự hành quân tiếp thu tại Bình Định đã viết nên bài nhạc bất hủ. "Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ." Nhưng chính tại miền quê đơn sơ ở Bồng Sơn này suốt 20 năm chưa bao giờ yên tiếng súng.

Khi người cộng sản nổi dậy với một cuộc chiến toàn diện khốc liệt và quá độ đã triệt tiêu hoàn toàn mọi sự hòa giải trong tình tự dân tộc. Đầu tiên là các dân thành thị, trí thức, tiểu tư sản và tôn giáo phải bỏ Kháng Chiến về thành. Tiếp theo là bỏ miền Bắc di cư vào miền Nam.

Năm 1954, người Bắc vào Nam đã đánh thức con rồng Sài Gòn tỉnh giấc. Qua những khác biệt ban đầu rồi chuyển đến thời gian hòa hợp. Miền Nam bắt đầu khởi sắc từ ẩm thực đến văn chương báo chí. Từ văn nghệ đến kinh doanh. Và sự hòa hợp không hề có biên giới.
Đại úy Lê Công Danh, gốc công tử Cần Thơ đứng đón di cư ở bến nhà Rồng đã bế luôn cô Bắc Kỳ nho nhỏ tóc demi garson về làm áp trại phu nhân.

Trung úy công binh Nghiêm Kế, dân chơi Hà Nội phải lên tận Biên Hòa xứ Bưởi cưới cô Bé về làm chính thất, sống 20 năm ở các trại gia binh với 8 đứa con lần lượt ra đời.

Trung úy Giao Chỉ đi chiến dịch Đinh Tiên Hoàng phải xuống tận Rạch Giá để rước về người đẹp xứ Kiên Giang. Sau hơn 60 năm tình cũ, chàng mới nhận ra rằng không phải chỉ Đà Lạt mới có hồ than thở, mà ở miền Hậu Giang cũng có khá nhiều.

Những ông sĩ quan trẻ Bắc Kỳ xấp ngửa vào Sài Gòn đều đem về mỗi ông một cái hồ than thở. Qua đến Hoa Kỳ nàng vẫn còn than thở qua Cell Phone…

Sau những đoạn trường 1954, thì tiếp đến câu chuyện tình Bắc duyên Nam trên mọi lãnh vực. Tất cả cùng nhau xây dựng xong 2 nền Cộng Hòa với một đạo quân đẹp đẽ biết chừng nào.

Cho đến năm 1975 và rồi đến tận ngày nay là 2019, người Việt vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi. Từ di tản đến vượt biên, vượt biển, đoàn tụ, HO, con lai.

Tại sao chúng ta lại rời bỏ quê hương?
Một lần đi là một lần vĩnh biệt.
Một lần đi là hết lối quay về.

Năm 1954, khi ra đi dân Bắc Kỳ di cư ít có hy vọng trở về chốn cũ. Bài ca “Hướng về Hà Nội” được hát nỉ non suốt ngày đêm trên Radio. Cho đến khi chính phủ sốt ruột phải ra lệnh cấm. Những cánh bưu thiếp liên lạc Bắc Nam rời rạc được một vài tháng rồi cắt đứt sau hai năm xa cách.

Qua thập niên 60, Hà Nội mở đường dây Ông Cụ, đưa cán bộ vào Nam xây dựng hạ tầng cơ sở và dựng nên cuộc chiến mà ngày nay chính cựu đảng viên cộng sản Dương Thu Hương cũng nhận xét là một cuộc chiến sai lầm, hy sinh quá nhiều sinh mạng và tiềm lực của cả hai miền đất nước.

Hôm nay, nhân dịp ghi dấu 65 năm cuộc hiệp định Genève chia đôi đất nước, chúng ta cùng suy ngẫm về dòng sinh mệnh đã đưa đẩy người Việt lưu vong. Sẽ không thể có được câu trả lời coi như là chân lý cho một vấn nạn lịch sử.

Trong cuộc sống hàng ngày, biết bao nhiêu là điều bí ẩn không hề có đáp số. Tại sao có người hạnh phúc và có người đau khổ? Tại sao có người bị hy sinh và có người tồn tại? Tại sao có người thành công và có người thất bại? Những ngày tháng lịch sử như 20 tháng 7, như 30 tháng 4 chỉ là những dấu ấn trong dòng sinh mệnh của một dân tộc, của một cộng đồng. Đó là ngày của cay đắng nở hoa.

Mới đây các quốc gia văn minh nhất của nhân loại Tây phương kể cả Nga, Đức, Anh, Pháp, Canada, Úc, Mỹ và nhiều nước khác cùng dự lễ kỷ niệm 70 năm đổ bộ Normandie. Bây giờ chúng ta cũng là công dân của một xứ sở văn minh là Hoa Kỳ, hãy cùng nhau nhớ về ngày lịch sử 20 tháng 7 của 65 năm về trước, ghi dấu lịch sử là một cách hành xử của con người văn minh.

Một lần nữa xin nhắc lại 20 tháng 7-1954, 65 năm về trước hiệp định Genève chia đôi đất nước. Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Tại sao người Việt lại rời bỏ quê hương? Câu hỏi đó dành cho quý vị.

Tiếp theo từ 30 tháng 4-1975 cho đến nay, trên hai triệu người Việt lần lượt ra đi. Tại sao người Việt lại rời bỏ quê hương? Câu hỏi đó cũng dành cho quý vị.

Tại sao quý vị lại ra đi?
Tại sao lại trở về? 
Tại sao lại không trở về? 

Trở về quê hương. Câu hỏi cho cả đời người. Câu hỏi cho cả một thế hệ. Điều này có đúng với người Việt lưu vong hay không?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết:

Quê hương, mỗi người có một
Như là chỉ một mẹ thôi…

Điều này có đúng với người Việt lưu vong hay không?

Hay là như Vũ Hoàng Chương đã than thở:

Chúng ta là đám người đầu thai nhầm thế kỷ
Quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh.

Có thực sự đau thương như vậy không?

Chúng ta ra đi đem theo quê hương, hay là chúng ta ra đi bỏ lại quê hương? Với con đường an cư lạc nghiệp ở xứ này, phải chăng chúng ta đang sống hạnh phúc với quê hương mới?
Giáo sư Elie Wiesel, người Mỹ gốc Do Thái sinh trưởng ở Romania, nạn nhân của nạn diệt chủng Holocaust được cứu sống lúc 16 tuổi. Nhập tịch Hoa Kỳ năm 1963. Đoạt giải Nobel về Hòa Bình năm 1986, Ông đã nói rằng:

Nơi nào tôi sống có tự do và hạnh phúc, nơi đó chính là quê hương.

Giao Chỉ, San Jose


Tái bút: 20 tháng bảy năm 2014 tôi tổ chức 60 năm đêm giã từ Hà Nội có nhạc sĩ Vũ đức Nghiêm và nhiều bạn Hà Nội tham dự. Năm nay tôi tổ chức 65 năm ngày Nhớ về Hà Nội. Các bạn Hà Nội chẳng còn bao nhiêu người. Thay vì nhớ thương thành phố cũ ban đêm thứ bẩy, chúng tôi tổ chức 11 giờ trưa ngày chủ nhật 21 tháng 7 năm 2019 tại nhà hàng Phú Lâm. Không phải chỉ dành riêng cho dân Bắc Kỳ di cư chẳng còn bao nhiêu. Xin mời bằng hữu Trung Nam Bắc một nhà cùng đến với nhau cả thế hệ thứ hai và thứ ba. Nếu ngày quốc hận 30 tháng tư năm 75 còn nhiều thương đau thì ngày quốc hận 20 tháng 7 năm 54 chỉ còn là những kỷ niệm êm đềm của tình Bắc duyên Nam. Xin ghi danh tham dự với chúng tôi. Cùng ôn lại chuyện cũ giữa thế kỷ 20 đem qua thế kỷ 21. Chương trình hết sức đơn giản. Nhưng vô cùng ý nghĩa và chan hòa tình cảm. Chúng ta cùng ôn lại những câu trả lời muôn thủa trên đất Hoa Kỳ. Người Việt là ai, tại sao lại đến đây và đã đến vào thời gian nào. Trên báo San Jose Mercury News tuần qua đăng hình hai ông Nhật già danh tiếng của Hoa Kỳ gặp nhau cũng nhắc lại chuyện hai cậu bé cùng gia đình bị giam vào trại tập trung thời kỳ đệ nhị thế chiến. Về sau một ông trở thành thị trưởng San Jose rồi lên bộ trưởng giao thông thời tổng thống Bush. Một ông trở thành dân biểu liên bang. Để trả lời cho tuổi trẻ của thế hệ tương lai, cả hai ông Nhật đều nói rằng. Làm gì thì làm các bạn phải luôn luôn biết mình là ai.? Như vậy là sau bao nhiêu năm tung hoành trên chính trường Hoa Kỳ, lúc về già ông bộ trưởng Mineta và ông dân biểu Honda mới chợt nhớ mình là Nhật Bản. Với 65 năm nhớ về cuộc di cư 1954. Với 43 năm nhớ về cuộc đổi đời 1975. Chúng ta dù đã trở thành người Mỹ nhưng luôn luôn phải nhớ mình thực sự là ai. 



Powered by Blogger.