Header Ads

Tướng Charles de Gaulle (1890-1970) - Vị Anh Hùng và Tổng Thống của Nước Pháp


Phạm Văn Tuấn

Tướng De Gaulle là một nhà lãnh đạo quân sự và một vị chính khách của nước Pháp. Trước Thế Chiến Thứ Hai, ông nổi tiếng là một nhà chiến thuật chủ trương dùng xe thiết giáp phối hợp với máy bay chiến đấu. Khi Thế Chiến kể trên xẩy ra, ông De Gaulle mang cấp bậc Thiếu Tướng, là nhà lãnh đạo của Chính Phủ Pháp Tự Do, hoạt động lưu vong tại nước Anh trong các năm từ 1944 tới năm 1946.

Sau cuộc nổi dậy của một số tướng lãnh Pháp tại Algiers vào năm 1958, Tướng De Gaulle đã kêu gọi thiết lập một hiến pháp mới và ông là Tổng Thống đầu tiên của Nền Cộng Hòa Thứ Năm của nước Pháp, phục vụ từ năm 1958 tới năm 1969.

Ý thức hệ chính trị của ông De Gaulle được gọi là chủ thuyết De Gaulle (Gaullism) với đặc tính mong muốn nền độc lập quốc gia trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, với chủ trương kinh tế điều khiển và tự nguyện (economic dirigisme and voluntarism). Đây là một phong trào xã hội bảo thủ (social conservative movement). Chủ thuyết này đã gây ảnh hưởng lớn tới nền chính trị của nước Pháp trong các năm về sau.

1/ Thời Niên Thiếu.

Charles de Gaulle là người con thứ ba trong 5 người con của một gia đình bảo thủ, theo đạo Cơ Đốc La Mã (Roman Catholic). Cậu De Gaulle chào đời ngày 22/11/1890 tại thành phố Lille, lớn lên tại thành phố Paris và theo học trường Stanislas và cũng có một thời gian học hành tại nước Bỉ.

Gia đình bên cha có nguồn gốc quý tộc từ miền Normandy và Burgundy nhưng đã định cư tại Paris một thế kỷ và chữ đệm "De" trong tên gọi "De Gaulle" không phải là từ chỉ căn gốc quý tộc dù cho gia đình này thuộc loại danh giá. Gia đình bên mẹ của cậu De Gaulle thuộc giới kinh doanh giàu có của miền kỹ nghệ Lille trong vùng Flanders của nước Pháp.

Ông nội của cậu De Gaulle là một nhà sử học, còn bà nội là một nhà văn, cha của cậu tên là Henri, là một giáo sư dạy Triết Học và Văn Chương của các trường tư thục Cơ Đốc. Trong gia đình này thường hay có các cuộc tranh luận chính trị bởi vì họ rất ái quốc và ngay từ thuở nhỏ, cậu De Gaulle đã được cha mẹ dạy dỗ tinh thần quốc gia và hướng dẫn đọc các sách của các tác giả bảo thủ. Mặc dù mang nặng tính bảo thủ, gia đình này cũng tôn trọng luật pháp và các định chế của nước Cộng Hòa nhưng các tư tưởng xã hội và chính trị còn mang đặc tính cởi mở, ảnh hưởng bởi đạo Thiên Chúa La Mã, với tinh thần rộng lượng, hay giúp đỡ và tôn trọng truyền thống.

2/ Theo Binh Nghiệp 1912-1940.

Cậu Charles de Gaulle sau khi học xong bậc trung học, đã chọn con đường binh nghiệp, đã theo học 4 năm tại trường Quân Sự Saint-Cyr. Tốt nghiệp năm 1912, Thiếu Úy De Gaulle tham gia một trung đoàn bộ binh chỉ huy do Đại Tá Philippe Pétain. De Gaulle là một sĩ quan trẻ, thông minh, làm việc chăm chỉ và rất can đảm. Trong Thế Chiến Thứ Nhất, Trung Úy De Gaulle đã chiến đấu tại Verdun, 3 lần bị thương và bị bắt làm tù binh trong 2 năm 8 tháng, trong thời gian bị cầm tù này, chàng De Gaulle đã tìm cách vượt ngục 5 lần nhưng không thành công.

Khi Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt, chàng De Gaulle vẫn còn trong quân ngũ, làm việc tại các bộ tham mưu của các Tướng Maxime Weygand và Philippe Pétain. Khi cuộc chiến tranh Ba Lan – Xô Viết xẩy ra (1919-1921), ông De Gaulle tình nguyện vào Phái Bộ Quân Sự Pháp tại Ba Lan (the French Military Mission to Poland) và đã là một huấn luyện viên quân sự cho Bộ Binh Ba Lan. Đại Úy De Gaulle đã hoạt động rất xuất sắc trong các cuộc hành quân gần giòng sông Zbrucz và đã được trao tặng một huy chương quân sự cao cấp nhất của Ba Lan: Huy Chương Virtuti Militari.

Vào năm 1927, ông De Gaulle được thăng cấp lên Thiếu Tá và được đề nghị ở lại Ba Lan, nhưng ông đã lựa chọn việc trở về nước Pháp để phục vụ với chức vụ sĩ quan tham mưu của Hội Đồng Chiến Tranh Cao Cấp (Conseil Supérieur de la Guerre = Supreme War Council) đồng thời ông cũng giảng dạy tại một trường quân sự và Thiếu Tá De Gaulle trở nên một sĩ quan được Tướng Pétain bảo trợ.

Ông De Gaulle đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của cuộc chiến tranh Ba Lan- Xô Viết, nên ông chủ trương dùng nhiều xe tăng, dùng cách vận chuyển nhanh chóng và giới hạn cách dùng chiến luỹ. Ông cũng học hỏi được nhiều bài học từ vị Thống Chế Jozef Pilsudski của nước Ba Lan, đây là nhân vật mà trước đó vài thập niên, đã từng chủ trương tạo dựng một liên bang châu Âu.

Căn cứ vào các nhận xét từ cuộc chiến tranh tại Ba Lan, ông de Gaulle đã viết nhiều bài báo và cho xuất bản nhiều cuốn sách, đặc biệt là cuốn "Về Đạo Quân Chuyên Nghiệp" (Vers l' Armée de Metiers = Towards the Professional Army, 1934). Trong tác phẩm này, ông De Gaulle đã đề nghị một loại quân đội cơ giới chuyên nghiệp với các sư đoàn thiết giáp đặc biệt, hơn là dùng cách phòng thủ tại chỗ, điển hình là Chiến Lũy Marginot.

Các quan điểm chiến thuật tương tự đã được nhiều nhà quân sự tài giỏi đề cập tới: J.F.C. Fuller của nước Anh, Dwight D. Eisenhower và George S. Patton của nước Mỹ, Heinz Guderian của nước Đức, Mikhail Tukhachevsky của nước Nga và Wladyslaw Sikorski của nước Ba Lan, nhưng các lý thuyết quân sự tân tiến của ông De Gaulle đã bị các sĩ quan cao cấp người Pháp bác bỏ, kể cả vị thầy cũ là Tướng Philippe Pétain, và rồi các liên lạc giữa ông de Gaulle với các cấp trên trở nên xấu đi, ngoại trừ với ông Paul Reynaud.

Như vậy trong 2 thập niên 1920 và 1930, do các quan điểm táo bạo, Thiếu Tá De Gaulle đã bất hòa với các nhà lãnh đạo quân sự Pháp, vì vậy cho tới khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, ông De Gaulle chỉ là một vị Trung Tá. Ngày 15/5/1940, Trung Tá De Gaulle được giao trách nhiệm chỉ huy Sư Đoàn 4 Thiết Giáp (the 4th Armoured Division).

Ngày 17/ 5/1940, đạo quân của Trung Tá De Gaulle đã tấn công các lực lượng chiến xa Đức tại Montcornet. Với 200 chiến xa và không có máy bay khu trục yểm trợ, cuộc tấn công này đã không cản được bước tiến của quân xâm lăng Đức, nhưng đến ngày 28/5, các lực lượng thiết giáp của Trung Tá De Gaulle đã khiến cho bộ binh Đức phải rút lui tại Caumont. Đây chỉ là một trong số rất ít các chiến thắng của quân đội Pháp trong suốt cuộc chiến. Nhờ chiến thắng kể trên, ông De Gaulle được Thủ Tướng Pháp Paul Reynaud thăng chức Thiếu Tướng và từ nay, ông được mọi người gọi là "Tướng De Gaulle".

Ngày 6/6/1940, Thủ Tướng Paul Reynaud bổ nhiệm Tướng De Gaulle làm Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng và Chiến Tranh, rồi cử ông lo việc phối hợp với nước Anh. Vì chỉ là một nhân viên cấp thấp trong Chính Phủ Pháp, Tướng De Gaulle đã không thành công khi phản đối việc nước Pháp đầu hàng Quân Đội Đức Quốc Xã. Ông đã không thuyết phục được chính phủ này di tản qua Bắc Phi để tiếp tục chiến đấu từ các thuộc địa của nước Pháp.

Tại nước Anh, Tướng De Gaulle là sĩ quan liên lạc với chính quyền Anh và ông đã đề nghị với Thủ Tướng Churchill vào ngày 16/6 tại London, công cuộc kết hợp chính trị giữa nước Pháp và nước Anh. Khi chính phủ Pháp tạm thời dời về thành phố Bordeaux, Tướng De Gaulle đã dùng máy bay quay về nơi này và được biết tin rằng Tướng Pétain đã trở nên Thủ Tướng cùng với ý định tìm kiếm cách đình chiến với quân đội Đức Quốc Xã.

Vào ngày 16/6 này, Tướng De Gaulle đã thực hiện một quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời của ông và trong lịch sử mới của nước Pháp: ông từ chối chấp nhận nước Pháp đầu hàng và ông nổi loạn, chống lại chính quyền Pétain, khi đó được coi là hợp pháp. Tướng De Gaulle đã kêu gọi mọi người dân Pháp tiếp tục công việc chiến tranh chống lại nước Đức của Adolf Hitler.

Vào sáng ngày 17/6/1940, với 100,000 đồng quan Pháp do ông Paul Reynaud giao cho đêm hôm trước, Tướng de Gaulle lên máy bay, trốn khỏi thành phố Bordeaux, tránh được sự truy lùng của máy bay Đức và chiều hôm đó, ông đã hạ cánh xuống thành phố London. Từ nay, Tướng de Gaulle bác bỏ việc nước Pháp đầu hàng và ông bắt đầu xây dựng một phong trào kêu gọi mọi thành phần Pháp Hải Ngoại đoàn kết để chống lại quân Đức Quốc Xã. Như vậy từ nay bắt đầu cuộc nội chiến Pháp giữa chính phủ Vichy đứng về phe Trục và nước Pháp Tự Do (the Free France) đứng đầu do Tướng De Gaulle, với lập trường bác bỏ cuộc đình chiến và tham gia vào các lực lượng Đồng Minh để chống quân Đức.

3/ Lãnh đạo các Lực Lượng Pháp Tự Do 1940-45.

Ngày 18/6/1940, Tướng De Gaulle chuẩn bị nói chuyện với dân chúng Pháp qua đài phát thanh BBC đặt tại thành phố London. Nội Các Anh muốn ngăn cản cuộc nói chuyện này nhưng Thủ Tướng Churchill đã chấp thuận. Tại nước Pháp, theo lý thuyết thì trên toàn quốc, người dân Pháp đều nghe được "Lời Kêu Gọi ngày 18 tháng 6" (Appeal of 18 June) của Tướng De Gaulle, nhưng trên thực tế, chỉ một số nhỏ người dân Pháp đã nghe được lời tuyên cáo này bởi vì Tướng De Gaulle chưa được nổi danh, đài BBC được ít người dân Pháp theo dõi và hàng triệu dân chúng Pháp hiện đang trên đường chạy loạn. Ngoài ra, có người còn cho rằng lời kêu gọi của ông De Gaulle mang tính viển vông. Tướng de Gaulle đã từng nói: "Nước Pháp đã thua trận, nhưng chưa thua cuộc chiến", câu này đã thể hiện tinh thần kháng chiến của Tướng de Gaulle cùng với câu: "Ngọn lửa của Kháng Chiến Pháp sẽ không hề bị dập tắt" trong khi đó, nhiều sĩ quan Pháp cho rằng họ không còn nguyên liệu nào để chiến thắng, thì các lời kêu gọi của Tướng De Gaulle chỉ mang tính cách vận động tinh thần.

Tuy nhiên, các phần trích yếu lời kêu gọi kháng chiến của Tướng De Gaulle đã xuất hiện trên các báo chí Pháp xuất bản tại miền Nam, là nơi chưa bị quân Đức kiểm soát và lời kêu gọi kể trên còn được đài BBC nhắc lại trong các đêm kế tiếp.

Tại nước Pháp, trong hoàn cảnh hỗn độn và hoang mang, tin tức về một vị Tướng tại thành phố London, không chấp nhận đầu hàng và tiếp tục chiến đấu, sự việc này đã được truyền miệng từ người này sang người khác. Cho tới ngày nay, các lời kêu gọi này của Tướng de Gaulle này là một trong các bài diễn văn danh tiếng nhất trong Lịch Sử của nước Pháp.

Vào thời gian của năm 1940, Hoa Kỳ tiếp tục công nhận chính phủ Vichy của nước Pháp mà người đứng đầu là Thống Chế Pétain, trong khi đó chính quyền của nước Anh ủng hộ Tướng De Gaulle và công nhận chính phủ Pháp Tự Do.

Ngày 4 tháng 7 năm 1940, một tòa án quân sự tại thành phố Toulouse, nước Pháp, đã tuyên án Tướng De Gaulle bị 4 năm tù, rồi tòa án quân sự thứ hai xử vào ngày 2/8/1940, kết án Tướng de Gaulle tử hình vì tội phản bội chính quyền Vichy.

Trong khi đó, khi thương nghị với các nước Đồng Minh là Anh và Hoa Kỳ, Tướng De Gaulle luôn luôn đòi hỏi được tự do hành động vì nước Pháp và cũng vì thế, ông thường ở trong hoàn cảnh suýt bị các nước Đồng Minh cắt đứt liên lạc. Tướng De Gaulle cũng thường xuyên nghi ngờ nước Anh đang tìm cách lén lút tước đoạt các thuộc địa cũ của nước Pháp. Sự căng thẳng về liên lạc này đã khiến cho có lần, bà Clementine Churchill, là người vẫn từng ngưỡng mộ Tướng De Gaulle, đã phải nhắc nhở ông rằng: "Thưa Thiếu Tướng, ngài không nên ghét các bạn của ngài hơn ghét các kẻ thù". Và cũng có lần, Tướng De Gaulle đã xác nhận bằng một câu danh ngôn: "Nước Pháp không có bạn, chỉ có các quyền lợi".

Hoàn cảnh mà Tướng de Gaulle không tin tưởng vào các ý định của nước Anh và Hoa Kỳ đối với nước Pháp đã khiến cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong một thời gian dài, đã không công nhận Tướng De Gaulle là đại diện của nước Pháp Tự Do và họ muốn thương lượng với các đại diện cũ của chính phủ Vichy. Thủ Tướng Churchill cũng có lần bình luận khi làm việc với Tướng De Gaulle rằng: "Trong tất cả các thập gía mà tôi phải vác trên vai, thứ nặng nhất là Thập Giá Lorraine" (đây là biểu tượng của nước Pháp Tự Do).

Sau cuộc đổ bộ của các toán quân Anh-Mỹ vào vùng Bắc Phi vào tháng 11/1942, Tướng De Gaulle đã di chuyển Bộ Tham Mưu về Algiers vào tháng 5/1943, để dễ dàng làm việc với Phong Trào Kháng Chiến Pháp và với các người ủng hộ Phong Trào này tại các thuộc địa châu Phi. Ông trở nên một trong hai lãnh tụ, vị kia là Tướng Henri Giraud, một nhân vật kém cứng dắn hơn và được Hoa Kỳ ưa thích hơn, rồi sau đó, Tướng De Gaulle là Chủ Tịch của Ủy Ban Giải Phóng Quốc Gia (the Committee of National Liberation).

Sau Chiến Dịch Overlord, nước Pháp được giải phóng dần dần, Tướng De Gaulle liền nhanh chóng thiết lập chủ quyền của các lực lượng Pháp Tự Do trên lãnh thổ Pháp, tránh né "Chính Quyền Quân Sự Đồng Minh cai trị các vùng đất chiếm đóng" (Allied Military Government for Occupied Territories). Vào ngày trước khi thành phố Paris được giải phóng, Tướng De Gaulle từ xứ Algeria, một thuộc địa của nước Pháp, đáp máy bay trở về xứ và theo đoàn quân Đồng Minh tiến vào thành phố Thủ Đô cùng với các nhân vật cao cấp Đồng Minh. Vào lúc này, ông đã đọc một bài diễn văn nổi tiếng, nhấn mạnh vai trò của người dân Pháp trong công cuộc giải phóng.

Sau khi trở lại Paris, Tướng De Gaulle di chuyển văn phòng về Bộ Chiến Tranh và công bố tiếp tục Nền Cộng Hòa Thứ Ba (the Third Republic), đồng thời bác bỏ tính cách hợp lệ của chính phủ Vichy.

Kể từ tháng 9/1944, Tướng De Gaulle được coi là Tổng Thống (President) của Chính Phủ Lâm Thời của nước Cộng Hòa Pháp (the Provisional Government of the French Republic).

Vào năm 1945, Tướng De Gaulle đã phái Đạo Quân Viễn Chinh Pháp (the French Far East Expeditionary Corps) sang Đông Dương để thiết lập lại chủ quyền của nước Pháp, bổ nhiệm Đô Đốc d' Argenlieu làm Cao Ủy Đông Dương thuộc Pháp (High Commissioner of French Indochina) và chỉ định Tướng Leclerc làm Tổng Tư Lệnh của các lực lượng viễn chinh và tại Đông Dương.

Dưới sự lãnh đạo của Tướng De Gaulle, quân kháng chiến Pháp cùng với các đạo quân thuộc địa, đã giải phóng gần như 1/3 diện tích của nước Pháp. Đạo quân này, được gọi là Lộ Quân Pháp Thứ Nhất (the French First Army) cũng chiếm được một diện tích lớn của lãnh thổ Đức khi các lực lượng Đồng Minh tràn vào nước Đức. Sự kiện này đã khiến cho nước Pháp trở nên một thành phần tích cực khi các đại diện Đức Quốc Xã ký nhận đầu hàng.

Ngày 20/11/1946, Tướng De Gaulle từ chức vì các xung khắc giữa các đảng phái chính trị và ông cũng không đồng ý về bản dự thảo Hiến Pháp của nền Cộng Hòa Thứ Tư, bởi vì ông tin tưởng rằng bản dự thảo này đặt quá nhiều quyền lực vào trong tầm tay của một quốc hội với cách thay đổi tỉ lệ đảng phái. Các nhân vật thay thế Tướng De Gaulle là các ông Felix Gouin, Georges Bidault và Léon Blum.

4/ Thời kỳ Cộng Hòa Thứ Tư (1946-1958).

Bởi vì các đảng phái thuộc phe tả đã ủng hộ chế độ đại nghị (parliamentary regime) nên các chống đối của Tướng de Gaulle đối với dự thảo Hiến Pháp đã không thành công. Bản dự thảo thứ hai của Hiến Pháp đã được chấp thuận với tỉ lệ thấp trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào tháng 10/1946. Đây là thứ mà Tướng De Gaulle không ưa nhiều hơn so với bản dự thảo thứ nhất.

Vào tháng 4 năm 1947, Tướng de Gaulle lại muốn thay đổi hoàn cảnh chính trị của nước Pháp một lần nữa bằng cách tạo ra tổ chức gọi là "Tập Hợp Dân Chúng Pháp" (FPF = Rassemblement du Peuple Francais = Rally of the French People), nhưng sau phần thành công ban đầu, phong trào này đã mất dần sức mạnh. Vào tháng 5/1953, Tướng De Gaulle rút lui khỏi các hoạt động chính trị mặc dù phong trào kể trên còn kéo dài tới tháng 9/1955.

Tướng De Gaulle về hưu tại Colombey-les-deux-Eglises và viết hồi ký có tên là "Ký Ức Chiến Tranh" (Mémoires de Guerre). Tuy nhiên trong giai đoạn rút lui này, ông vẫn liên lạc với các cộng tác viên chính trị cũ kể cả các người cảm tình đang liên hệ vào các khai triển chính trị tại xứ Algeria.

Vào giai đoạn này, nền Cộng Hòa Thứ Tư đã bị tai tiếng vì tình hình chính trị không ổn định, vì sự thất bại của nước Pháp tại Đông Dương, vì không thể giải quyết được vấn đề Algegia... Năm 1954, Thủ Tướng Mendès France đã chấm dứt cuộc chiến Đông Dương bằng Hiệp Định Geneva rồi tới năm 1956, nước Pháp phải trao trả độc lập cho 2 xứ Tunisia và Morocco.

Ngày 13/5/1958, một số người định cư Pháp đã chiếm các tòa nhà của chính phủ tại thành phố Algiers, phản đối chính quyền Pháp bởi vì họ cho rằng chính quyền trung ương này quá yếu kém khi đa số các người gốc Ả Rập đòi hỏi nền độc lập dành cho xứ Algeria. Vào lúc này, "Ủy Ban An Ninh Dân Sự và Quân Sự" (Committee of Civil and Army Public Security) được các người gốc Pháp thành lập, chủ tịch là Tướng Jacques Massu, một người theo phe de Gaulle, đồng thời Tướng Raoul Salan, Tổng Tư Lệnh tại Algeria, đã công bố trên đài phát thanh rằng Quân Đội đã "tạm thời lãnh trách nhiệm về vận mệnh của xứ Algeria thuộc Pháp". Sau đó, do áp lực của Tướng Massu, Tướng Salan đã hô lớn vào ngày 15/5: "De Gaulle muôn năm" (Vive De Gaulle) từ trên bao lơn của tòa nhà chính quyền.

Tại cuộc họp báo vào ngày 19/5, Tướng De Gaulle đã xác nhận rằng ông sẽ hành động theo quyền lợi của đất nước. Một nhà báo đã thay cho một số người e ngại rằng ông sẽ vi phạm các tự do dân sự (civil liberties), nên đã đặt câu hỏi với Tướng De Gaulle thì được ông trả lời: "Tôi đã từng vi phạm các tự do dân sự bao giờ chưa? Hoàn toàn trái lại, tôi đã thiết lập lại các tự do này khi chúng bị biến đi. Ai là người sẽ tin rằng vào tuổi 67, tôi sẽ khởi đầu làm một nhà độc tài?".

Do lòng tin tưởng của một người cộng hòa, Tướng De Gaulle nói rằng ông chỉ chấp nhận quyền lực từ các thẩm quyền theo định chế và hợp pháp.

Cuộc khủng hoảng tại Algiers càng gia tăng khi toán quân nhẩy dù Pháp từ xứ Algeria, chiếm đóng hòn đảo Corsica. Các nhà lãnh tụ chính trị thuộc nhiều phía đều đồng ý ủng hộ việc Tướng De Gaulle trở lại chính quyền, ngoại trừ các ông Francois Mitterand, Pierre Mendès France, Alain Savary, đảng Cộng Sản Pháp...

Ngày 19/5, Tổng Thống của nước Pháp thời bấy giờ là ông Réné Coty đã mời "Nhân vật người Pháp danh giá nhất" (the most illustrious of Frenchmen), ám chỉ Tướng De Gaulle, trở nên Thủ Tướng cuối cùng của Nền Cộng Hòa Thứ Tư (the Fourth Republic).

Tướng De Gaulle vẫn cho rằng phải thay đổi Hiến Pháp của nền Cộng Hòa này bởi vì đây là yếu điểm của nền chính trị của nước Pháp, vì vậy ông đã ra điều kiện là ông phải có được một cách rộng rãi các quyền lực khẩn trương (emergency powers) trong 6 tháng và một Hiến Pháp mới phải được đề nghị cho dân chúng Pháp. Ngày 1 tháng 6 năm 1958, Tướng De Gaulle được Quốc Hội Pháp chấp thuận làm Thủ Tướng với các quyền lực kể trên.

Vào ngày 28/9/1958, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức và 79.2 phần trăm dân chúng Pháp đã ủng hộ một hiến pháp mới và việc thành lập Nền Cộng Hòa Thứ Năm (the Fifth Republic). Các thuộc địa cũ của nước Pháp được chọn lựa giữa nền độc lập tức thời hay một hiến pháp mới. Tất cả các thuộc địa này đều đã bỏ phiếu mong muốn một hiến pháp mới ngoại trừ xứ Guinea. Xứ sở này trở nên thuộc địa đầu tiên của nước Pháp tại châu Phi đoạt được nền độc lập cùng với mọi trợ giúp của Pháp bị cắt đứt, trong khi đó xứ Algeria bị chính thức coi là một phần của nước Pháp, không phải là một xứ thuộc địa.

5/ Thiết lập Nền Cộng Hòa Thứ Năm 1958-1962.

Trong cuộc bầu cử vào tháng 11/1958, Tướng de Gaulle và các người ủng hộ của ông đã đoạt được đa số các phiếu bầu rồi qua tháng 12, ông được bầu làm Tổng Thống với 78% phiếu cử tri đoàn. Tướng de Gaulle nhận chức vụ mới vào tháng 1 năm 1959.

Khi lên làm Tổng Thống, Tướng De Gaulle đã cho thi hành các biện pháp kinh tế cứng rắn để phục hồi xứ sở, kể cả việc đổi sang tiền quan mới bằng 100 đồng quan cũ. Về phương diện quốc tế, ông đã cự tuyệt cả Hoa Kỳ lẫn Liên Xô, đẩy mạnh công việc độc lập của nước Pháp bằng chủ trương có các võ khí nguyên tử riêng, khuyến khích một Châu Âu Tự Do (a Free Europe) với ước vọng một liên bang gồm các quốc gia của châu này. Tổng Thống De Gaulle cũng xây dựng công việc cộng tác Pháp-Đức, coi đây là một bước đầu của Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (EEC = European Economic Community). Ông cũng chính thức thăm viếng nước Đức vào năm 1963. Nước Pháp và nước Đức đã ký một hòa ước thân hữu, gọi tên là Hòa Ước Élysée (the Elysée Treaty). Nước Pháp cũng giảm bớt khối mỹ kim dự trữ bằng cách mua vàng của Hoa Kỳ và như vậy làm giảm bớt ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại các nước ngoài.

Tổng Thống de Gaulle cũng mang một viễn ảnh về châu Âu. Ngày 23/11/1959, trong bài diễn văn đọc tại Strasbourg, ông đã nói: "Châu Âu, từ Đại Tây Dương tới rặng núi Urals, tất cả là châu Âu, sẽ quyết định vận mệnh của thế giới". Viễn ảnh này khác với chủ trương Đại Tây Dương (the Atlanticism) gồm có Hoa Kỳ, Anh và khối Nato. Lời tuyên bố của Tổng Thống De Gaulle này ám chỉ sự giảm bớt căng thẳng với Liên Xô và việc loại nước Anh ra khỏi châu Âu của tương lai.

Năm 1963, Tổng Thống De Gaulle phủ quyết việc nước Anh xin gia nhập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (EEC), nhiều người Anh cho rằng lời phủ nhận này là một cách quên ơn khi ông De Gaulle đã không nhớ vai trò của nước Anh 19 năm về trước trong việc giải phóng nước Pháp.

Chính sách của Tổng Thống De Gaulle đối với xứ Algeria đã làm cho các người gốc Pháp định cư tại xứ sở này bất mãn. Tổ chức Đạo Quân Bí Mật (OSA = Organization Armée Secrète) đã tìm cách ám sát ông De Gaulle nhiều lần, đặc biệt nhất là vụ ám hại vào ngày 22/8/1962 khi chiếc xe Citroen DS chở ông bà De Gaulle bị tên Jean Mairie Bastien Thiry bắn bằng súng máy tại địa điểm Petit-Clamant. Trước kia vào năm 1961, sau cuộc trưng cầu dân ý về nền tự quyết của xứ Algeria, Tổng Thống De Gaulle đã dàn xếp một cuộc ngưng bắn tại nước này vào tháng 3/1962 và sau đó vài tháng, 900,000 người Pháp định cư tại Algeria đã rời bỏ xứ sở này.

Vào tháng 9 năm 1962, Tổng Thống De Gaulle đề nghị một tu chính án theo đó, một vị tổng thống sẽ được dân chúng Pháp trực tiếp bầu lên, rồi một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức với 3/5 dân chúng chấp thuận đề nghị kể trên mặc dù đa số các đáng phái đã tụ họp thành một liên minh để phản đối tổng thống chế.

Sau ngày 4/10/1962, Tổng Thống De Gaulle đã giải tán Quốc Hội và đảng Gaullists đã gia tăng, chiếm đa số trong khi các đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo MRP (Christian-Democrat) và đảng Trung Tâm của các Người Độc Lập và Nông Dân CNIP (the National Centre of Independents and Peasants) đã chỉ trích Tổng Thống De Gaulle vì chủ thuyết hoài nghi châu Âu (euroscepticism) và chế độ tổng thống.

6/ Nền Chính Trị Hùng Tráng 1962-1968.

Sau khi giải quyết xong vụ xung đột tại xứ Algeria, Tổng Thống De Gaulle còn phải thực hiện hai mục tiêu: cải tổ và phát triển nền kinh tế của nước Pháp và theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập với thế đứng vững mạnh trên phạm vi quốc tế. Chương trình này được gọi vắn tắt là nền chính trị hùng tráng (politique de grandeur).

Vào thời kỳ của Thủ Tướng Georges Pompidou, nước Pháp có dân số bùng nổ với mức độ gia tăng nhanh nhất kể từ thế kỷ 18. Chính quyền Pháp vì vậy phải quản lý một nền kinh tế phát triển nhanh. Với chính sách điều khiển (dirigism), một hình thức phối hợp của nền kinh tế tư bản với nền kinh tế do chính quyền điều khiển (state-directed economy), chính phủ Pháp đã can thiệp mạnh vào nền kinh tế, đặc biệt qua các chương trình 5 năm.

Các kế hoạch được khai triển dù cho không phải là thành công về phương diện tài chánh: mở rộng Hải Cảng Marseille để trở thành bến cảng đứng đầu trong vùng Địa Trung hải và đứng thứ ba tại châu Âu, bắt đầu đóng các máy bay siêu âm Concorde tại thành phố Toulouse, khai triển loại máy bay Caravelle (một tiền thân của máy bay Airbus), bành trướng nền kỹ nghệ xe hơi với trung tâm là hãng xe Renault do chính quyền sở hữu, xây dựng các đường xa lộ nối thành phố Paris với các tỉnh.

Với các dự án này, nền kinh tế của nước Pháp đã gia tăng với mức độ cao nhất kể từ thế kỷ 19. Vào năm 1963, Tổng Thống De Gaulle phủ quyết việc xin gia nhập của nước Anh vào Thị Trường Chung Châu Âu EEC. Năm 1964, lần đầu tiên trong 200 năm, GDP (chỉ số phát triển quốc nội) của nước Pháp vượt hơn của nước Anh và giai đoạn phát triển kinh tế từ 1945 tới 1974 được người dân Pháp gọi là "30 Năm Rực Rỡ" (the Trente Glorieuses = Thirty Glorious Years).

Nhờ nền móng kinh tế vững mạnh, Tổng Thống De Gaulle đã theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập. Vào năm 1960, nước Pháp trở nên quốc gia thứ tư có kho võ khí nguyên tử. Các nhà khoa học Pháp đã cho nổ một quả bon nguyên tử trên sa mạc Algeria rồi tới năm 1968, họ cũng thành công về một trái bom khinh khí (a hydrogen bom) mà không cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Tổng Thống De Gaulle đã tuyên bố là nước Pháp trở nên một lực lượng nguyên tử độc lập thứ ba, sau Hoa Kỳ và Liên Xô, sự việc này đã làm mất thể diện của nước Anh. Tổng Thống de Gaulle cũng muốn phát triển nguyên tử thành một lực lượng đánh trả (force de frappe) trong khi đó tinh thần của quân đội Pháp bị xuống dốc vì xứ Algeria đã giành được độc lập. Năm 1965, nước Pháp đã phóng vệ tinh nhân tạo thứ nhất lên không gian, đây là quốc gia thứ ba trên thế giới đã thành công về hệ thống phóng vệ tinh, chỉ đứng sau Liên Xô và Hoa Kỳ.

Tổng Thống De Gaulle tin rằng nước Pháp độc lập và hùng mạnh sẽ là một lực lượng cân bằng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Vào tháng 1 năm 1964, Tướng De Gaulle chính thức công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa mặc cho Hoa Kỳ phản đối. 8 năm sau, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon cũng thăm viếng Trung Cộng và bắt đầu các liên lạc bình thường hóa.

Vào tháng 12 năm 1965, Tổng Thống De Gaulle ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, dài 7 năm và đã thắng ông Francois Mitterand. Tháng 2 năm 1966, nước Pháp rút lui khỏi Bộ Chỉ Huy Quân Sự Nato, nhưng vẫn còn đứng trong tổ chức này, rồi vào tháng 9 năm 1966, trong chuyến viếng thăm thành phố Phnom Penh (Cam Bốt), Tổng Thống de Gaulle đã kêu gọi Hoa Kỳ phải rút quân khỏi Việt Nam, sự việc này đã không được người Mỹ có cảm tình dù cho sau này, họ đã thất bại tại Đông Dương.

Tại Cộng Đồng Châu Âu (the European Community) vào tháng 6 năm 1965, khi nước Pháp và 5 thành viên khác không đồng ý với nhau về cách bỏ phiếu theo đa số và về cách trợ giúp chính sách nông nghiệp chung (the Common Agricultural Policy)..., Tổng Thống De Gaulle đã rút về các đại diện của nước Pháp tại Cộng Đồng này, tạo nên "cuộc khủng hoảng ghế trống" (the Empty Chair Crisis). Vì vậy Cộng Đồng này đã không hoạt động được cho tới vụ Hòa Giải Luxembourg (the Luxembourg compromise) được thực hiện vào tháng 1 năm 1966.

Vào tháng 6 năm 1967, sau khi phủ quyết không chấp nhận nước Anh gia nhập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu một lần nữa, Tổng Thống De Gaulle đã lên án nước Do Thái chiếm đóng Bờ Phía Tây (the West Bank) và Dải Đất Gaza trong cuộc chiến tranh 6 ngày (the Six-Day War). Kể từ nền độc lập của xứ Algeria, nước Pháp đã theo đuổi chính sách ngoại giao thiên về phía Ả Rập.

Qua tháng 7 năm 1967 nước Canada tổ chức kỷ niệm 100 Năm Độc Lập với Hội Chợ Quốc Tế Expo 67. Ngày 24/7 năm đó, trước một đám đông dân chúng tụ họp dưới bao lơn của Tòa Thị Chính Montréal, Tổng Thống de Gaulle đã hô to "Québec Muôn Năm" (Vive le Québec) rồi thêm vào câu "Québec Tự Do Muôn Năm" (Vive le Québec libre!). Sự việc này đã khiến cho giới truyền thông Canada chỉ trích các lời hô hào kể trên và Thủ Tướng Canada là ông Lester B. Pearson, cựu chiến binh của Thế Chiến Thứ Nhất và là một nhân vật lãnh Giải Thưởng Nobel Hòa Bình, đã phải nói rằng "người Canada không cần được giải phóng".

Sang tháng 12 năm 1967, Tổng Thống De Gaulle lại bác bỏ, không chấp nhận nước Anh vào Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (the European Economic Community) vì cho rằng lục địa châu Âu đang cần sự đoàn kết.

7/ Nhận xét về Tướng de Gaulle.

Nhiều người cho rằng nền chính trị hùng tráng (the policy of grandeur) của Tổng Thống De Gaulle quá tham vọng và nặng nề đối với vai trò của nước Pháp, vì vậy không thể kéo dài được lâu, trong khi đó xã hội Pháp vẫn còn đặt nặng về truyền thống và còn mang tính áp chế (repressive). Mặc dù báo chí và cách bầu cử được tự do nhưng chính quyền vẫn còn giữ độc quyền về truyền hình và truyền thanh. Nhiều yếu tố khác cũng khiến cho dân chúng chán nản đối với cách quản trị đất nước, đặc biệt là giới trẻ.

Vào tháng 5 năm 1968, các cuộc biểu tình và đình công lớn tại Pháp đã diễn ra. Tổng Thống De Gaulle đã phản đối các đòi hỏi của giới công nhân và giới sinh viên được trực tiếp tham dự vào thương mại và chính quyền vì ông cho rằng các công việc này chỉ gây nên tình trạng hỗn loạn.

Tới tháng 4 năm 1969, sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cách cải tổ Thượng Viện (the Senate), Tổng Thống De Gaulle đã từ chức vì cho rằng ông đã không được đa số dân chúng ủng hộ.

Tướng De Gaulle lại rút về, cư ngụ tại Colombey-les-deux-Eglises, và qua đời bất ngờ vào năm 1970, 2 tuần lễ trước khi ông được 80 tuổi.

Qua di chúc để lại, Tướng De Gaulle muốn tang lễ được cử hành tại Colombey mà không có các vị tổng thống, bộ trưởng nào tham dự, mà chỉ có các "Bạn Bè trong Nhóm Giải Phóng" (Compagnons de la Libération), và trên mộ chí, sẽ chỉ ghi đơn giản: "Charles de Gaulle, 1890-1970". Ngày cử hành tang lễ, quan tài của Tướng De Gaulle được chở trên một xe thiết giáp và trong khi hạ huyệt, các chuông nhà thờ trên toàn nước Pháp, khởi đầu từ Nhà Thờ Notre Dame, Paris, đã đổ liên hồi.

Không giống như các chính khách khác, Tướng De Gaulle qua đời trong cảnh gần như nghèo khó. Khi về hưu, ông đã không nhận tiền hưu liễm trả cho một vị cựu tổng thống và một vị cựu tướng lãnh, ông chỉ nhận tiền hưu của một đại tá. Sau đó, gia đình ông đã phải bán đi tòa nhà Boisserie và chính quyền Pháp đã mua lại nơi này để chuyển thành Viện Bảo Tàng Charles de Gaulle.

Tướng De Gaulle lập gia đình với bà Yvonne Vendroux vào ngày 7/4/1921, họ có 3 người con là Philippe (sinh năm 1921), Élizabeth (sinh năm 1924), cô này kết hôn với Tướng Alain de Boissieu và Anne (1928-1948). Cô Anne mắc bệnh Down, qua đời ở tuổi 20.

Mặc dù là một nhân vật bị phe tả và một số người nước ngoài chỉ trích, Tướng De Gaulle vẫn được rất nhiều người kính trọng tại nước Pháp và giai đoạn làm Tổng Thống của ông đã mang lại sự ổn định chính trị cũng như sức mạnh trên phạm vi quốc tế. Đối với những người kính mến ông, Tướng De Gaulle được coi là một ông "vua đúng cách" (a just king) với các đặc tính của một nhà cai trị ngay thẳng.

Đối với những người chống đối, ông bị gán cho là đã xử dụng loại vương quyền xưa cũ, nhưng Nền Cộng Hòa Thứ Năm của Tổng Thống De Gaulle đã chứng tỏ là khá ổn định so với Nền Cộng Hòa Thứ Tư.

Về mặt đối nội, Tướng De Gaulle đã phục hồi được nền thịnh vượng kinh tế và trong các thập niên này, sự phát triển đã vượt trội, mức sống của dân chúng Pháp cũng được cải tiến hơn nhiều.

Hiện nay tại nước Pháp, phi trường lớn nhất ở ngoại ô thành phố Paris, tại Roissy, được đặt tên là Phi Trường Quốc Tế Charles de Gaulle (Charles de Gaulle International Airport) để vinh danh vị Anh Hùng của nước Pháp.
   
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org, Britannica Encyclopedia, The Three Lives of Charles De Gaulle, A Biography by David Schoenbrun, Atheneum, N.Y. 1966.




Powered by Blogger.