Header Ads

Tóm Tắt Những Tin Quan Trọng Trong Tuần Qua (12)



Quân Sự                



Hoa Kỳ, Phi và Úc tập trận

Hoa Kỳ, Phi và Úc cùng tham dự cuộc tập trận Balikatan 2019 từ ngày 1 cho đến 12 tháng Tư trên các đảo Luzon và Palawan.

Giới thẩm quyền nói rằng đây là cuộc tập trận thường xuyên và không nhắm vào Trung Cộng. Thế nhưng với những lời tuyên bố mới đây của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo, thì giới quan sát cho rằng đây là cuộc tập trận nhắm vào việc chiến đấu trên đảo trong trường hợp có giao tranh với quân Trung Cộng.

Đây là cuộc tập trận lần thứ 35 bao gồm 4,000 binh sĩ Phi, 3,500 binh sĩ Hoa Kỳ và 50 binh sĩ Úc. Trọng tâm của cuộc thao dượt là "Phô trương và phát triển an ninh hàng hải, khả năng đổ bộ và khả năng phối hợp hành quân của đa quốc gia.

Theo ngôn ngữ Tagalog của Phi thì Balikatan có nghĩa là "vai sát vai - shoulder-to-shoulder". Cuộc tập trận này cũng bao gồm việc huấn luyện chống khủng bố, chiến tranh trong thành phố, thả dù tiếp tế, điều động hỏa lực kết hợp và lập kế hoạch song phương.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong ngày 1 tháng Ba vừa qua, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tái khẳng định lời hứa bảo vệ Phi:

"Lời cam kết của Hoa Kỳ theo Hiệp Ước Phòng Thủ Lẫn Nhau là rõ ràng. Nghĩa vụ của chúng tôi là có thật và Biển Đông chắc chắn là một phần của một vùng biển quan trọng cho tự do hàng hải. Một cuộc tấn công vũ trang bằng bộ binh, không quân hoặc hải quân vào vùng chủ quyền của Phi ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 của Hiệp Ước Phòng Thủ Lẫn Nhau của Hoa Kỳ và Phi."

Nguồn: https://www.militarytimes.com/news/your-military/2019/04/11/us-filipino-and-aussie-forces-conduct-premier-military-exercise-but-dont-mention-china/



Chiến hạm Nga viếng thăm Phi

Hai chiến hạm của Nga đã ghé thăm "thân thiện" Phi trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông.

Theo tin từ Phi thì một khu trục hạm, Tributs, và chiến hạm chống tàu ngầm, Vinogradov, cùng với một tàu chở hàng cỡ lớn đã ghé hải cảng Manila hôm thứ Hai.

Đây là lần thứ hai trong năm nay các tàu Nga đã ghé qua Phi. Đầu tháng 1, ba chiến hạm của Nga đã ghé hải cảng của Phi với danh nghĩa "tăng cường, thúc đẩy duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác hàng hải".

Nga và Phi dự tính sẽ ký một thỏa thuận hợp tác hải quân vào tháng 7 tới đây, sẽ liên quan đến nhiều cuộc tập trận chung và các chuyến thăm viếng hải cảng của đôi bên.

Nguồn: https://www.cnn.com/2019/04/08/asia/russia-philippines-south-china-sea-intl/index.html



Trung Cộng trả lời Phi: Trường Sa là của Trung Cộng

Cho dù mấy ngày qua dân Phi biểu tình, và các chính khách cũng như tổng thống Phi lên tiếng về việc hơn 200 tàu của Trung Cộng bao quanh các hòn đảo hiện Phi đang chiếm giữ, phát ngôn viên của bộ Ngoại Gia Trung Cộng, Lu Kang, tuyên bố quần đảo Trường Sa là của Trung Cộng với lập luận là "dân Trung Cộng đã đánh cá tại vùng này từ hàng ngàn năm qua..." Nếu nói như vậy thì ngư dân của các dân tộc khác như Phi và Việt Nam cũng đã đánh cá ở khu vực này hàng ngàn năm qua thì sao? Đó là lý luận ngang ngược của kẻ mạnh và các quốc gia yếu ở trong vùng phải liên kết hoặc nhờ cậy vào đồng minh mạnh, như Hoa Kỳ, để bảo đảm cho sự sống còn của quốc gia. Nên nhớ rằng "Kẻ hèn yếu sẽ đưa đến thảm họa mất nước."

Tổng thống Phi thì luôn tỏ ý sợ hãi và năn nỉ Trung Cộng, thế nhưng Trung Cộng vẫn xua tàu "bao vây" các đảo của Phi ở quần đảo Trường Sa và bộ trưởng ngoại giao Phi, Teodoro "Teddy Boy" Locsin, Jr.,  gọi đây là việc Trung Cộng tiếp tục làm bẽ mặt dân tộc Phi:

"Điều đáng thất vọng là mặc dù chúng tôi (chính phủ Phi) vẫn luôn tỏ ra thân thiện trong tình bạn, thế nhưng Trung Cộng vẫn liên tục gây bối rối cho chính phủ của chúng tôi bằng cách đem tàu đến tràn ngập khắp vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi."

Thành ngữ Mỹ có câu "Deal with the Devil - Giao dịch với quỷ sứ", Việt Nam ta cũng có câu "Bán linh hồn cho quỷ", và cái giá phải trả là sinh mạng của cả một dân tộc.


Nguồn: http://cnnphilippines.com/news/2019/4/12/china-philippines-spratlys-dispute.html

http://www.cnnphilippines.com/news/2019/4/12/locsin-china-west-philippine-sea.html

Chính Trị               



Anh đương đầu với Trung Cộng

Một báo cáo của Nghị Viện Anh đặt câu hỏi về lý do của việc tuyên bố một "Kỷ Nguyên Vàng" trong quan hệ Anh-Trung.

Tuần trước, một báo cáo của Nghị Viện Anh có tên là "Trung Cộng và Hệ Thống Quốc Tế Dựa Trên Quy Tắc - China and the Rules-Based International System", đã thẳng thắn đưa ra quan điểm về chiều hướng của Trung Cộng đã thực hiện dưới thời Tập Cận Bình, và phản ứng tương xứng mà Anh nên đáp lại.

Gần đến ngày kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát sinh viên và thường dân ở Quảng Trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, bản báo cáo khuyến nghị chính phủ Anh được đưa ra lúc này là kịp thời và phù hợp. Bản báo cáo kêu gọi chính phủ thực hiện các bước quan trọng để phát triển "một chiến lược đối phó toàn diện", đối với Trung Cộng, và để soạn thảo và công bố vào cuối năm 2020, một "tài liệu công khai, đầy đủ chi tiết" nêu rõ những điểm chính cho một khuôn khổ hoạt động mới của Anh Quốc.

Bản báo cáo nói rằng Anh, ngay cả khi bị Trung Cộng khiêu khích trong nhiều thập niên vừa qua, cũng chỉ phản ứng bằng cách nhấn mạnh về sự tham gia và lợi ích chung đang có, thay vì chống lại.

Thật vậy, mối quan hệ song phương giữa Trung Cộng và Vương quốc Anh từ lâu đã được mô tả là sự pha trộn mâu thuẫn giữa xung đột, chỉ trích lẫn nhau và hợp tác. Gọi Trung Cộng là "kẻ đối đầu tích cực" về một số vấn đề, bản báo cáo tóm tắt mạnh mẽ tình hình hiện tại: "Nếu chính phủ chưa cam kết bằng từ ngữ hoa mỹ gọi là 'Kỷ Nguyên Vàng' trong quan hệ Anh-Trung, câu hỏi được đặt ra là tại sao lại làm như vậy trong thời gian này."

Bản báo cáo nói rằng Vương quốc Anh "cần phải điều chỉnh lại chính sách của quốc gia đối với Trung Cộng để xem xét đầy đủ việc củng cố quyền lực trong tay Đảng Cộng Sản Trung Hoa dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình." Bản báo cáo đưa ra nhận định "Phương pháp đối phó của Vương Quốc Anh có nhiều rủi ro khi đặt trọng tâm của kinh tế lên trên các lợi ích khác, như giá trị và an ninh quốc gia."

Kết luận chính của bản báo cáo là "Trung Cộng không có ý định cải tổ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ mà chỉ có ý định phá vỡ nó." Bản báo cáo của Anh lặp lại một tài liệu chiến lược của Ủy Ban Châu Âu trước đây dán nhãn hiệu cho Trung Cộng "là đối thủ có hệ thống, thúc đẩy một mô hình quản trị khác."

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang cố gắng tìm ra một phản ứng thích hợp để đối phó với Trung Cộng và thắt chặt việc kiểm soát trong nước, thật đáng khích lệ khi thấy Quốc Hội Anh thừa nhận các vấn đề khó khăn hiện tại và kêu gọi chính phủ nên có một chiến lược thích hợp để đối đầu với Trung Cộng.


Nguồn: https://thediplomat.com/2019/04/britain-confronts-the-china-challenge/

Kinh Tế                  



Trung Cộng kiến tạo nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên ở Hoàng Hải (Yellow Sea)

Trung Cộng có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên tại Hoàng Hải trong năm nay và đã công bố kế hoạch xây dựng thêm khoảng 20 chiếc nữa trong tương lai gần nếu thành công trong lần thử nghiệm đầu tiên này. Dự án này có trị giá 14 tỷ nhân dân tệ (2.08 tỷ đô-la), và sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2021.

Tin tức này đã khiến Nam Hàn phải e ngại vì Hoàng Hải là vùng biển ở giữa Trung Cộng và bán đảo Triều Tiên.

Tạp chí quân sự của nhà nước Trung Cộng, Global Times, đã cho biết, vào ngày 3 tháng 5 năm 2018, rằng các nhà máy điện hạt nhân nổi cũng có các ứng dụng quân sự.

Bài báo này cho biết nhà máy nổi này có thể hoạt động như một "hàng không mẫu hạm hạt nhân không thể chìm," như một căn cứ trên đảo, vì năng lực hạt nhân được tạo ra có thể cung ứng cho các trang bị quân sự như ra-đa, máy bay, hỏa tiễn phòng không và chống chiến hạm, hoạt động trong một thời gian dài.

Vì vị trí của các nhà máy hạt nhân nổi này nằm giữa Trung Cộng và Nam Hàn, thế cho nên hồi tháng Hai năm 2016 Nam Hàn đã tỏ ý lo ngại rằng sóng thần hay động đất sẽ có thể gây ra tai nạn dẫn đến ô nhiễm phóng xạ.

Chính quyền Trung Cộng vẫn ưa thích sử dụng năng lượng hạt nhân cho dù nhiều quốc gia trên thế giới rất lo ngại về tai nạn hạt nhân. Theo Hiệp Hội Năng Lượng Hạt Nhân Trung Cộng, nước này hiện có 44  nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên đất liền, với kế hoạch xây dựng thêm khoảng 100 nhà máy vào cuối năm 2020.

Cho đến nay, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có nhà máy điện hạt nhân nổi, được đặt tên là Akademik Lomonosov. Theo Bellona, một tổ chức môi trường phi lợi nhuận có trụ sở tại châu Âu thì nhà máy này có hai lò phản ứng và sẽ chính thức hoạt động vào mùa hè năm nay.

Nguồn: https://www.theepochtimes.com/china-building-first-floating-nuclear-power-station-in-yellow-sea_2875343.html


Xã Hội                    



Đạt Lai Lạt Ma tái sinh phải theo đúng luật pháp của Trung Cộng

Đức Đạt Lai Lạt Ma, 83 tuổi, vừa phải nhập bệnh viện hôm thứ Tư vì viêm phổi và đã hồi phục. Khi được hỏi về tình trạng của vị Lạt Ma đời thứ 14, phát ngôn viên của bộ ngoại giao Trung Cộng, Lu Kang, cho biết Trung Cộng có "đạo luật rõ ràng" về sự tái sinh của các vị Phật sống:

"Sự tái sinh của các vị Phật sống, bao gồm cả Đạt Lai Lạt Ma, đều phải tuân theo luật pháp và quy định của Trung Cộng cũng như tuân theo các nghi lễ tôn giáo và các quy ước lịch sử."

Năm 2011, đức Đạt Lai Lạt Ma có nói rằng chính phủ Trung Cộng không có quyền giám sát sự tái sinh của ông.

"Họ nói rằng họ đang chờ đợi cái chết của tôi và sẽ đưa ra một Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 15 theo ý họ lựa chọn và sau đó đưa ra những chi tiết để đánh lừa người Tây Tạng."

Trung Cộng đã tự quyền thụ phong Linh Mục và bây giờ lại muốn tự chọn Đạt Lai Lạt Ma. Thế nhưng vẫn tuyên bố tôn trọng tôn giáo. "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm."

Tháng 9 năm 2018, Giáo Hoàng Francis đã đồng ý chấp thuận các giám mục do Trung Cộng tự ý thụ phong. Các nhà phê bình đã lên tiếng lo ngại về sự nhượng bộ này của Tòa Thánh trước một chính phủ độc tài chuyên chế. Việc chấp thuận này thể hiện sự nhượng bộ đáng xấu hổ và lập nên một tiền lệ nguy hiểm cho mối quan hệ tương lai với các quốc gia khác.

Nguồn: https://edition.cnn.com/2019/04/11/asia/dalai-lama-beijing-tibet-china-intl/index.html

https://www.nytimes.com/2018/09/22/world/asia/china-vatican-bishops.html

Nguyễn Thứ Dân

Powered by Blogger.