Những Hình Ảnh Sau Cùng Của Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, hầu như tất cả các báo và phương tiện truyền thông trên thế giới đều loan tin về miền Nam Việt Nam bị thảm bại trước sự xâm lăng của quân cộng sản miền Bắc.
Tờ Daily Mail của Anh in hai chữ thật lớn "THE END - Kết Thúc", và tờ báo lớn nhất của Hoa Kỳ là New York Times với hàng tựa đề lớn trên trang đầu tiên "MINH SURRENDERS, VIETCONG IN SAIGON; 1,000 AMERICANS AND 5,500 VIETNAMESE EVACUATED BY COPTER TO U.S. CARRIERS - Minh đầu hàng, Việt cộng vào Sài Gòn; 1,000 người Hoa Kỳ và 5,500 người Việt Nam được giải cứu bằng trực thăng ra hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ." Một tấm hình đã đoạt giải thưởng báo chí cho thấy cảnh một số người Việt đang chen chúc nhau để lên chiếc trực thăng đang đậu trên sân thượng của một tòa nhà ở Sài Gòn. Các tờ báo lớn khác của Hoa Kỳ như The Washington Post và The Register cũng đăng tin tương tự.
Đúng vậy, đây là một dấu chấm hết của một cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam Việt Nam, được sự giúp đỡ của đồng minh Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, trước cuộc xâm lăng của miền Bắc, được trợ giúp bởi khối cộng sản quốc tế do Nga và Trung Cộng điều khiển, với quyết tâm xâm lăng như Lê Duẩn đã tuyên bố "Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc." Một câu nói chứng tỏ dã tâm của kẻ xâm lăng, và một bức hình cho thấy người bạn đồng minh vẫn cố giúp đỡ người dân Việt Nam cho đến giờ phút sau cùng.
Thành ngữ có câu "Một bức hình có giá trị hơn ngàn lời nói" quả nhiên là đúng như thế.
Gia đình của các nhân viên làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ được giải cứu bằng trực thăng ở những địa điểm khác nhau trong thành phố.
Những người dân hốt hoảng tìm phương cách thoát khỏi tai họa cộng sản bằng cách leo vào các căn cứ của người Hoa Kỳ để hy vọng được cứu thoát.
Và rồi, những gì phải đến đã đến, khi chiếc xe tăng của quân cộng sản Bắc Việt ủi xập cổng, tiến vào dinh Độc Lập sau khi Dương Văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh kêu gọi toàn thể quân đội Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng.
Trong bất cứ một cuộc tranh đua hay chiến tranh nào thì cũng phải có hồi kết cuộc. Người xưa có câu "Không đem thắng bại để luận anh hùng" mà trong cơn nguy biến thì mới rõ ai là kẻ hèn nhát và ai là người anh hùng. Kẻ hèn nhát Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng cộng sản Bắc Việt, và bức hình trên cho thấy hình dạng hèn nhát, cúi đầu chịu nhục của Dương Văn Minh trước quân xâm lăng.
Trong nguy khốn mới rõ mặt anh hùng. Trung Tá cảnh sát Nguyễn Văn Long đã tự sát trước tượng đài Thủy Quân Lục Chiến để bảo toàn danh dự của một một sĩ quan bị bắt buộc phải buông súng đầu hàng quân địch.
Một số đơn vị quân đội vẫn can đảm chiến đấu cho đế giờ phút chót.
Hình ảnh kiêu hùng của những người lính chiến đấu trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến đã được ghi nhận bởi các ký giả ngoại quốc đã được đài truyền hình CBS của Hoa Kỳ trình chiếu.
https://www.pbs.org/newshour/show/reliving-fall-saigon-vietnam-vets-journalists
Và đây là hình ảnh của những kẻ "thắng cuộc" đang rửa chân trong bồn nước trước Dinh Độc Lập.
Nét hân hoan trên gương mặt của kẻ "thắng cuộc" lần đầu tiên được nhìn thấy sự phồn vinh của miền đất tự do và những tiện nghi của người dân thành phố.
Và họ đã "Vào" để "Vơ Vét Về" làm quà cho thân nhân của họ ở miền Bắc đói nghèo dưới sự toàn trị của đảng cộng sản. Và rồi cả ba miền nước Việt bị nhuộm đỏ và trở nên một nhà tù vĩ đại nhất trong vùng Đông Nam Á.
Đối với những người am hiểu sự tàn ác của cộng sản thì họ phải tìm cách vượt thoát trước khi bị ràng buộc bằng gông cùm, xiềng xích trong các nhà tù của cộng sản. Tuy nhiên, chỉ một số ít đã may mắn vượt thoát nhờ những trực thăng của Hoa Kỳ và các tàu của Hải Quân VNCH cũng như một vài tàu buôn.
Một số chiến hạm của Hoa Kỳ đậu ngoài khơi, trong phạm vi hải phận quốc tế, để chờ đón những người tìm cách vượt thoát bằng đường biển. Những chiếc trực thăng của Không Quân VNCH đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm của Hoa Kỳ được đẩy xuống biển để dành chỗ cho những chiếc khác có thể đáp xuống và cũng để có chỗ cho người tị nạn, bởi vì trị giá của những chiếc trực thăng này không thể so sánh với trị giá của con người. Đó là điều khác biệt giữa lòng nhân đạo của đồng minh Hoa Kỳ và sự tàn ác của cộng sản Việt Nam.
Trong khi người bạn đồng minh Hoa Kỳ tìm cách cứu giúp thì đảng cộng sản Việt Nam lại tìm đủ mọi phương pháp tàn nhẫn để đày đọa những người "thua cuộc" trong các trại lao động khổ sai mà họ gán cho nhãn hiệu "trại cải tạo". Biết bao nhiêu bi hùng ca được kể lại bởi những tù nhân sống sót và con số tử vong, cho đến ngày nay, vẫn không thể xác định được. Ngoài ra còn có biết bao nhiêu nấm mồ nơi rừng thiêng nước độc chưa được thân nhân của họ tìm ra để đem về cải táng, để ít ra họ cũng được yên nghỉ nơi phần đất quê nhà, gần với tổ tiên, gia quyến.
Những tháng, năm, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hàng trăm ngàn người đã tìm cách vượtt biển đi tìm tự do trên những chiếc thuyền mong manh, bất chấp hiểm nguy của sóng biển và hải tặc đang chờ đón họ ở một vùng biển cả mênh mông. Họ "đi tìm Tự Do trong cái chết." Có ai biết được đã bao nhiêu người đã vùi thân trong lòng biển cả?
Tất cả sự việc trên đều khởi đi từ cái bắt tay của Lê Đức Thọ và Henry Kissinger trong cuộc "mua bán" miền Nam nước Việt tại Paris, thủ đô của nước Pháp, ngày 23 tháng 1 năm 1973. Cái gọi là "Hiệp Định Hòa Bình Paris - Paris Peace Accords" là bản án "tử hình" cho miền Nam Việt Nam, bởi vì nó chỉ là hình thức để che đậy sự "mua đứt" miền Nam của cộng sản Bắc Việt, vì bản chất của cộng sản là luôn luôn hứa hẹn để đạt được thỏa ước, rồi sau đó sẽ vi phạm để chiến thắng. Cố tổng thống VNCH, Nguyễn Văn Thiệu, đã để lại cho chúng ta một nhận xét rất chính xác về thủ đoạn này: "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm."
Đã hơn bốn mươi năm qua, kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta đã học được bài học lịch sử gì để đối đầu với cộng sản? Và nhất là với câu hỏi "Chúng ta sẽ phải làm gì để xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản để đem lại Tự Do, Hòa Bình và Nhân Quyền thực sự cho quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta?"
Góp gió thành bão, mỗi người một chút, không ngừng nghỉ đấu tranh trong phạm vi của mình để góp phần vào việc giải thể đảng cộng sản Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta không nản lòng, không ngừng nghỉ. Quý vị nghĩ sao về câu nói của Mục Sư Martin Luther King:
If you can't fly then run, if you can't run then walk, if you can't walk then crawl, but whatever you do you have to keep moving forward.
Nếu bạn không thể bay thì hãy chạy, nếu bạn không thể chạy thì hãy bước, nếu bạn không thể bước thì hãy bò, nhưng dù bằng cách nào đi chăng nữa bạn cũng phải tiếp tục tiến về phía trước.
Post a Comment