Header Ads

Tóm Tắt Những Tin Quan Trọng Trong Tuần Qua (8)


Chính Trị               



Trung Cộng Nói: Đừng Lo Sẽ Bị Chúng Tôi Tấn Công

Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ giúp Phi nếu bị tấn công, đại sứ Trung Cộng Zhao Jianhua hôm thứ Tư, ngày 6 tháng 3 năm 2019, nói rằng Trung Cộng sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Cộng và các quốc gia nhỏ trong khu vực.

Thế nhưng chỉ 2 ngày sau, ngày 8 tháng 3 năm 2019, nhà cầm quyền Việt Nam cho biết một thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Cộng mang số 44101 đâm chìm ở khu vực cách Đà Nẵng khoảng 370 km gần quần đảo Hoàng Sa trong cùng ngày với lời tuyên bố của đại sứ Trung Cộng ở Phi. Thì ra "không tấn công, chỉ đâm chìm mà thôi." Một điều đáng chú ý là lần này tờ báo Tuổi Trẻ nêu rõ là tàu Trung Cộng mang số 44101 chứ không phải là "tàu lạ" như những lần trước.

Điều này cho chúng ta thấy, một lần nữa, là "Đừng nghe những gì Trung Cộng nói, hãy nhìn những gì Trung Cộng làm."

Đồng thời trong vài ngày qua chính phủ Phi cũng tỏ ý lo ngại sẽ bị lôi kéo vào những cuộc giao tranh với Trung Cộng của Hoa Kỳ. Đây là một thái độ nhu nhược, hay nói trắng ra là hèn nhát của Phi.

Dân hèn nhát thì sẽ bị mất tự do và nhân quyền, chính phủ hèn nhát thì sẽ bị mất cả chủ quyền quốc gia.
Lịch sử đã chứng minh: "Dân hèn nhát thì sẽ bị mất tự do và nhân quyền, chính phủ hèn nhát thì sẽ bị mất cả chủ quyền quốc gia." Tại Việt Nam, số người can đảm đứng lên tranh đấu không lôi cuốn được dân (vì đa số dân hèn nhát và ỷ lại), nên cho đến hơn 40 năm rồi mà vẫn bị sống dưới sự cai trị độc tài của đảng cộng sản. Hiện nay thì nhà cầm quyền Việt Nam và Phi đang tỏ ra hèn nhát trước hăm dọa của Trung Cộng thì hiểm họa mất nước sẽ không còn là "có thể" mà là "bao giờ", không sớm thì muộn.

Điều đáng để ý là năm 2001, khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Trung Cộng chỉ là một quốc gia đang mở mang, thế nhưng chưa đầy 20 năm, Trung Cộng đã trở thành một cường quốc, với mộng bá chủ. Như thế thì các quốc gia hèn yếu, như Việt Nam và Phi, khó có thể giữ vững được chủ quyền trước sự xâm lăng bằng kinh tế và vũ lực của Trung Cộng trong vòng 10 hoặc 20 năm nữa.

Những dữ kiện nêu trên cho thấy sự cần thiết của các quốc gia hùng cường -- như Anh, Pháp và Mỹ -- phải gia tăng áp lực hầu tránh việc Trung Cộng sẽ nhuộm đỏ và kiểm soát toàn vùng Đông Nam Á Châu trong vài thập niên tới.




Thủ Tướng Mã Lai Khuyến Cáo Phi Về Dân Tàu Đang Ồ Ạt Đổ Vào Phi

Trong cuộc thăm viếng Phi hôm thứ Năm, ngày 7 tháng 3 năm 2019, thủ tướng Mã Lai, ông Mahathir Mohamad, đã lên tiếng khuyến cáo tổng thống Phi, Rodrigo Duterte, về sự tràn ngập của dân Tàu dưới dạng công nhân của các công ty của Trung Cộng đầu tư ở Phi.

Cuối năm ngoái, một Thượng Nghị Sĩ của Phi cho biết kể từ sau khi Duterte đắc cử năm 2016, đã có hơn 200,000 dân Tàu tràn vào Manila dưới dạng nhân viên của các công ty cờ bạc trực tuyến (online game) cho dân Tàu được điều hành bởi các công ty của Trung Cộng.

Mahathir, người đã đình chỉ một số dự án lớn của Mã Lai với Trung Cộng, đã khuyến cáo:

Đầu tư của nước ngoài không nên kèm theo việc đưa số lượng lớn người nước ngoài đến sống ở trong quốc gia của mình, vì điều đó có thể làm xáo trộn sinh hoạt chính trị trong nước.

Câu nói của thủ tướng Mã Lai đã ngụ ý rằng "Đây là một cuộc xâm lăng bằng nhân lực dựa trên kinh tế." Vì một số đông dân ngoại quốc (hay nói rõ ra là Tàu) sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế của quốc gia chủ, và như thế sẽ ảnh hưởng đến chính trị. Chấp nhận một số quá đông dân Tàu nhập cư, dù để làm việc, thì Phi cũng đã tự đưa quốc gia của họ vào một tình trạng bị "xâm lăng" một cách âm thầm nhưng chắc chắn.

Điều này đã xảy ra ở Việt Nam trong hơn một thập niên vừa qua khi công nhân Trung Cộng ào ạt tràn vào cao nguyên Trung phần trong chương trình khai thác Bauxit, và vẫn tiếp tục tràn vào Việt Nam qua các chương trình đầu tư kinh tế, khai thác quặng mỏ, nhà máy sản xuất, và nhất là những "đặc khu kinh tế". 


Quân Sự                



Hoa Kỳ Cho Biết Trung Cộng Đang Gia Tăng Quân Sự Hóa Biển Đông

Đô Đốc Philip Davidson, chỉ huy trưởng của Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, cho biết Hoa Kỳ đã quan sát thấy sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Cộng ở khu vực Biển Đông trong năm qua. Ông từ chối định lượng hoạt động gia tăng - ông cũng không nói liệu số lượng tuần tra trong chương trình Tự Do Hàng Hải của Hoa Kỳ sẽ tăng hay duy trì như hiện tại. Tuy nhiên, ông đã nhấn mạnh quyết tâm của Hoa Kỳ tiếp tục tham gia việc bảo vệ và duy trì an ninh trong khu vực, để chứng tỏ rằng Hoa Kỳ "vẫn là một cường quốc ở Thái Bình Dương."

Hôm thứ Năm vừa qua Đô Đốc Davidson nói với những phóng viên nhà báo ở Singapore rằng "Đây là hành động tăng cường chứ không phải là giảm thiểu. Hiện đã có những hoạt động của tàu chiến, máy bay và oanh tạc cơ ở khu vực trong năm ngoái, nhiều hơn so với những năm trước đó."

Đô Đốc Davidson nói thêm, "Đây là một điều nguy hiểm không những đối với thương mại hàng hải, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống dây cáp về thông tin đặt ngầm dưới đáy Biển Đông."

Nhận xét của Đô Đốc Davidson là nhận xét mới nhất từ một nhân viên cao cấp của Hoa Kỳ đang tìm cách trấn an các đồng minh ở Đông Nam Á về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoại Trưởng Michael Pompeo tuần trước tại Manila đã lên tiếng tái bảo đảm với Phi rằng Hiệp Ước Quốc Phòng sẽ được áp dụng nếu các tàu hoặc máy bay của họ bị tấn công ở Biển Đông.

Các viên chức hàng đầu của Phi đã bất đồng về việc liệu hiệp ước phòng thủ lẫn nhau với Hoa Kỳ có cần phải thay đổi hay không. Trong khi Bộ Trưởng Ngoại Giao Teodoro Locsin tuyên bố nên giữ nguyên hiệp định năm 1951, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana muốn xét lại.

Trong một tuyên bố hồi đầu tuần, Lorenzana cho biết, đến nay Hoa Kỳ đã không ngăn chặn các "hành động gây hấn" của Trung Cộng, nhưng cảnh cáo rằng những câu văn không rõ rệt trong bản hiệp ước có thể gây ra "sự hỗn loạn trong cuộc khủng hoảng" và Phi có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh mà họ không phải là quốc gia gây ra cuộc chiến đó.

Trung Cộng đã nhắm mục tiêu tăng 7.5% chi tiêu quốc phòng trong năm 2019, một sự chậm lại so với năm ngoái, dự tính tăng 8.1%. Tuy nhiên vẫn được xem là phù hợp với kế hoạch phát triển quân đội của Tập Cận Bình.

Đô Đốc Davidson cho biết ông không thấy dấu hiệu suy giảm khả năng quốc phòng của Trung Cộng, mặc dù có giảm bớt về chi tiêu quốc phòng. Tăng ít hay nhiều, ông nói, vẫn là một sự gia tăng.

Nhận xét của Lâm Viên: Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi, Delfin Lorenzana, chỉ muốn Hoa Kỳ cứu viện khi bị Trung Cộng tấn công, chứ không muốn tiếp tay với Hoa Kỳ nếu có đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Hay nói một cách ngắn gọn là "Phi chỉ muốn được Hoa Kỳ giúp đỡ, chứ không muốn phụ giúp Hoa Kỳ khi có chiến tranh." Những người bình thường như chúng ta cũng còn cảm thấy cái đòi hỏi đó thật "khó nuốt" huống chi những chuyên viên thương thảo hiệp định quá nhiều kinh nghiệm. Cũng có thể Lozenzana muốn đánh vào một yếu điểm của Hoa Kỳ trong thời gian đang tìm cách lôi kéo đồng minh thì có thể sẽ nhượng bộ ít nhiều trong những cuộc thương thảo. Điều này cho thấy ông bộ trưởng quốc phòng của Phi đã khôn khéo diễn giải để che dấu sự hèn nhát của ông ta. Thống tướng Mac Arthur của Hoa Kỳ đã từng nói: "Điều nguy hiểm chết người là khi tham gia bất kỳ cuộc chiến nào mà không có ý chí để giành chiến thắng - It is fatal to enter any war without the will to win it." Lorenzana đã chứng tỏ cho thấy rằng ông ta là một kẻ hèn, chưa đánh đã sợ bị thiệt hại hoặc thua trận.

Cái khôn khéo để che dấu hèn nhát của Lorenzana có thể sẽ gặp phải trường hợp "già néo đứt dây" để đưa Phi đến tình trạng bị lệ thuộc hoặc mất chủ quyền vào tay Trung Cộng trong tương lai không xa lắm.

Nguồn: http://time.com/5546743/philip-davidson-rising-chinese-military-south-china-sea/


Kinh Tế                  



Thỏa Thuận Thương Mại Mỹ-Trung Vẫn Chưa Chắc Chắn

Những tin tức gần đây cho thấy việc đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng vẫn còn đang bấp bênh hơn nhiều bình luận gia đã tiên đoán, và cuộc họp thượng đỉnh Trump-Tập vào cuối tháng Ba có thể sẽ bị hủy bỏ, hoặc không thành công như cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim vừa qua ở Hà Nội.

Tờ báo New York Times hôm thứ Năm cho biết:

"Một số chi tiết lớn nhất - như cơ chế thực thi để bảo đảm Trung Cộng tuân thủ và thời điểm xóa bỏ thuế quan - vẫn chưa được rõ ràng. Các viên chức Bắc Kinh cảnh giác rằng các điều khoản cuối cùng có thể ít thuận lợi cho Trung Cộng hơn, đặc biệt là với khuynh hướng thay đổi vào phút chót của ông Trump.

Các viên chức Trung Cộng phải đối mặt với một vấn đề nan giải khi yêu cầu tổng thống của họ bay đến tư dinh của ông Trump, Mar-a-Lago ở Florida mà những chi tiết sau cùng của thỏa thuận chưa được rõ ràng. Và thuyết phục ông Tập tham dự một cuộc họp thượng đỉnh ở thế yếu như vậy không phải là điều dễ dàng, vì họ Tập muốn có một hình ảnh mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Trung Cộng trước mắt dân Hoa Lục."

Tờ báo The Wall Street Journal sáng thứ Sáu viết:

"Trong những ngày gần đây, đặc biệt là sau cuộc họp thất bại của ông Trump tại Việt Nam với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, các viên chức cao cấp của Trung Cộng đã ngày càng e ngại khi đồng ý với một hội nghị thượng đỉnh mà không có sự bảo đảm từ Washington về một thỏa thuận cuối cùng."

Tuy nhiên một số bình luận gia vẫn hy vọng về một cuộc họp thượng đỉnh Trump-Tập ở Mar-a-Lago vào ngày 29 tháng Ba này, nếu có một sự bảo đảm rằng họ Tập sẽ không bị ông Trump làm nhục mặt vào phút cuối như đã làm với Kim Jong-Un ở hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vừa qua. Sự kiện tổng thống Trump bước ra khỏi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội được xem là một sự "dằn mặt" họ Tập về phương cách thương thảo của ông Trump, và điều đáng nói là ông Trump không tuân theo phương pháp ngoại giao quốc tế, mà sẵn sàng làm nhục mặt đối phương, đây là một hành động nguy hiểm có thể gây thù hận khó giải quyết hoặc chiến tranh. Để giữ thể diện với dân trong nước, họ Tập không muốn bị lâm vào hoàn cảnh như Kim Jong-Un. Thế cho nên cuộc họp thượng đỉnh Trump-Tập vào cuối tháng Ba này để ký kết thỏa ước thương mại giữa hai quốc gia Mỹ-Trung vẫn là một dấu hỏi lớn.


https://www.wsj.com/articles/u-s-china-trade-deal-isnt-imminent-ambassador-branstad-says-11552031163



Hoa Kỳ Phá Vỡ Một Vụ Gián Điệp Kinh Tế Của Trung Cộng

Vào tháng 10 năm 2018, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã công bố cáo trạng một nhân viên của Bộ An Ninh Nhà Nước Trung Cộng (MSS) Yanjun Xu với tội danh gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại từ nhiều công ty hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ.

Xu đang bị giam giữ và chờ ngày xét xử, sau khi anh ta bị dụ dỗ đến Bỉ, bị bắt và sau đó bị dẫn độ về Mỹ. Được biết một trong những mục tiêu của Xu là chi nhánh của GE chuyên về hàng không, được gọi là GE Hàng Không.

Gián điệp kinh tế và ăn cắp kỹ thuật là lãnh vực ngày càng trở nên căng thẳng giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Bản cáo trạng cho biết vào ngày 25 tháng 5 năm 2017, người kỹ sư 41 tuổi gốc Tàu này đã tải năm tài liệu của GE Hàng Không vào máy tính xách tay cá nhân, sau đó lái xe từ Cincinnati đến Detroit, nơi anh ta đáp máy bay về Trung Cộng.

Bộ Tư Pháp dưới thời tổng thống Trump đã hành động mạnh mẽ hơn trong các trường hợp gián điệp kinh tế và lần đầu tiên dẫn độ một nhân viên của MSS về Mỹ để đưa ra tòa, bất kể điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đàm phán thương mại đang diễn tiến giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Gián điệp kinh tế và ăn cắp kỹ thuật là lãnh vực ngày càng trở nên căng thẳng giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Nguồn: https://www.justice.gov/opa/pr/chinese-intelligence-officer-charged-economic-espionage-involving-theft-trade-secrets-leading

Xã Hội                   



Đảng Cộng Sản Việt Nam Khai Trừ Một Học Giả Vì Bài Đăng Trên Facebook

Hôm thứ Sáu, ngày 8 tháng 3 năm 2019, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho biết đã trục xuất một học giả khỏi đảng vì đã đăng một bài bình luận trên Facebook được coi là chỉ trích đảng.

Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện Trưởng Viện Phát Triển Kinh Tế Xã Hội của trường đại học Đà Nẵng, bị cáo buộc "viết bài đăng trên Facebook không đúng sự thật và đi ngược lại quan điểm của đảng cũng như chính sách và pháp luật của nhà nước ."

Ông Sơn đã phê bình những điều ông gọi là "cách tiếp cận mềm mại" của Việt Nam về vấn đề Biển Đông với Trung Cộng. Việt Nam và Trung Cộng từ lâu đã bị lôi kéo vào các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, khu vực có nhiều tài nguyên và là đường vận chuyển hàng hải quan trọng trong khu vực.

Nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên bố: "Vi phạm của Trần Đức Anh Sơn rất nghiêm trọng, nó đã gây ra những dư luận tiêu cực, ... và làm tổn hại đến uy tín của đảng."

Việc trục xuất ông Sơn xảy ra hơn bốn tháng sau khi đảng cộng sản Việt Nam đã công khai chỉ trích ông Chu Hảo, một cựu thứ trưởng khoa học và người đứng đầu một nhà xuất bản, vì đã xuất bản những quyển sách dịch mà họ cho là phê phán chủ nghĩa xã hội và chế độ độc đảng.

Nguồn: https://www.usnews.com/news/world/articles/2019-03-08/vietnam-communist-party-expels-academic-over-facebook-posts

Lâm Viên

Powered by Blogger.