Header Ads

Tóm Tắt Những Tin Quan Trọng Trong Tuần Qua (7)

Có thể nói tin tức quan trọng nhất trong tuần qua là cuộc Họp Thượng Đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội với sự thất bại một cách quá nhanh chóng, không phù hợp với các cuộc thương thảo trên phương diện ngoại giao quốc tế: Cuộc họp chấm dứt mà không có một văn bản nào được ký kết, không có họp báo chung, ngay cả không có việc bắt tay chào nhau từ giã thân thiện, không thù nghịch. Tuy nhiên cả hai phía đều dùng ngôn ngữ ngoại giao để giải thích hoặc đổ lỗi cho nhau về lý do thất bại và đều muốn tiếp tục đàm phán ở cấp bực chuyên viên hầu tìm ra một thỏa hiệp chung để, ít ra, cũng có một văn bản chấm dứt chiến tranh Bắc Hàn chứ không phải chỉ là cuộc đình chiến từ năm 1953 đến nay. Điều mong đợi sau cùng của các quốc gia trong khu vực là Bắc Hàn từ bỏ việc phát triển vũ khí nguyên tử để sống chung hòa bình và phát triển với các quốc gia trong khu vực, nhất là với dân chúng của hai miền Nam-Bắc Hàn.


Chính Trị               



Cuộc Họp Thượng Đỉnh Trump-Kim Bất Thành

Cuộc họp thượng đỉnh của Trump-Kim tại Hà Nội đã kết thúc sớm hơn dự tính và không có một văn bản nào được ký kết giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên. Lý do rất đơn giản là Kim Jong-Un muốn Hoa Kỳ phải bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận trước khi Bắc Hàn có thể bãi bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của họ. Trong cuộc họp báo trước khi rời Hà Nội, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố:

"Lúc nào tôi cũng chuẩn bị để rời khỏi bàn hội nghị. Tôi có thể có 100 phần trăm sẽ ký một văn bản nào đó ngày hôm nay. Chúng tôi thực sự đã có giấy tờ sẵn sàng để được ký, nhưng nó không phù hợp với điều kiện của tôi. Tôi thà làm đúng hơn là nhanh."

Trả lời câu hỏi rằng sự bất thành của hội nghị có khiến Bắc Hàn tái thử nghiệm vũ khí nguyên tử hay không? Tổng thống Trump cho biết:

"Ông ta (Kim) nói rằng sẽ không tái thử nghiệm phi đạn hay hỏa tiễn hoặc bất kỳ loại vũ khí nào liên hệ đến nguyên tử."

Về phía Bắc Hàn thì Ngoại Trưởng Ri Young Ho cho biết họ chỉ đòi hỏi bãi bỏ khoảng một nửa của chương trình cấm vận, chứ không phải là tất cả. Để đổi lại, Bắc Hàn sẽ hủy bỏ trung tâm nguyên tử Yongbyon, căn cứ duy nhất có thể chế tạo vật liệu nguyên tử, thế nhưng Hoa Kỳ đòi hỏi thêm một bước nữa. Bởi vậy cuộc thương lượng không thành công.

Trump cho biết thêm dù có những khác biệt khiến cuộc họp không thành công, thế nhưng mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh tụ vẫn không vì thế mà xấu đi. Và nhất là hai quốc gia vẫn tiếp tục đối thoại để tìm cách giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân, đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và khu vực.

Nguồn: https://abcnews.go.com/Politics/trump-kim-meeting-2nd-summit-us-pushes-concrete/story?id=61368977



Bắc Hàn Đề Nghị Thêm Nhiều Đối Thoại Sau Cuộc Thất Bại Của Hội Nghị Thượng Đỉnh ở Hà Nội

Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu hứa sẽ đàm phán thêm với Hoa Kỳ sau khi hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội của Trump-Kim đã thất bại trong việc tìm ra một thỏa thuận về vũ khí nguyên tử. Cả hai bên đều tìm cách duy trì cánh cửa đàm phán không bị khép lại sau lưng khi họ rời bàn hội nghị.

Cả hai bên đều tìm cách đổ lỗi cho sự không khoan nhượng của phía bên kia đưa đến sự bế tắc, với Trump nói rằng Bình Nhưỡng muốn loại bỏ tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt lên họ, trong khi đó ngoại trưởng Bắc Hàn nói rằng họ chỉ đòi một phần để dổi lấy việc đóng cửa trung tân nguyên tử Yongbyon.

Tuy nhiên, cả hai phía đều mô tả cuộc gặp gỡ ở Hà Nội là "thành công" và đều hứa hẹn một cuộc gặp gỡ khác.

Đây là một trường hợp tương đối khác lạ trong cuộc đàm phán ở cấp thượng đỉnh. Cuộc thương lượng bị hủy bỏ một cách nhanh chóng, nhưng thay vì đả kích nhau, cả hai phía đều có ý mở đường cho một cuộc nói chuyện tiếp tục giữa các chuyên viên đàm phán để tìm giải đáp thích hợp cho cả đôi bên. Nói một cách vắn tắt là cánh cửa hòa bình cho bán đảo Triều Tiên vẫn chưa bị khép lại. Còn nước còn tát. Hòa bình không thể có nếu không cố gắng tìm kiếm, cho dù ánh sáng chỉ le lói ở phía xa, cuối đường hầm.

Nguồn: https://sg.news.yahoo.com/north-korea-offers-more-talks-nuclear-no-deal-040927382.html



Hoa Kỳ Tái Cam Kết Sẽ Tiếp Cứu Phi Trong Trường Hợp Bị Tấn Công

Bộ Trưởng Ngoại Giao Teodoro Locsin của Phi cho biết hôm thứ Sáu rằng không cần phải xem lại hiệp ước phòng thủ với Hoa Kỳ sau những lời cam kết mới từ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Pompeo rằng Hoa Kỳ sẽ yểm trợ Phi trong trường hợp bị tấn công ở Biển Đông.

Ông Salvador Panelo, phát ngôn viên của tổng thống Phi đã lập lại quan điểm của Locsin.

Các hoạt động quân sự và xây dựng đảo của Trung Cộng ở Biển Đông đã đe dọa chủ quyền, an ninh và kinh tế của Phi, cũng như của Hoa Kỳ, ông Pomp Pompeo nói trong cuộc họp ngắn với Locsin ở Manila. Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào quân đội, máy bay hoặc tàu bè của Phi sẽ khởi động các nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau, theo Hiệp ước giữa Hòa Kỳ và Phi, ký ngày 30 tháng 8 năm 1951 tại Washington D.C., thủ đô của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với đồng minh quốc phòng lâu năm của mình là Phi giữa lúc Tổng thống Rodrigo Duterte đang chuyển hướng về Trung Cộng để đổi lấy những công trình xây cất cơ sở hạ tầng của Phi.

Nguồn: https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-03-01/pompeo-says-u-s-is-committed-to-keeping-south-china-sea-open

Cập nhật:
Sau khi nghe lời hứa của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ với Ngoại Trưởng Phi, ngày 1 tháng 3, Lu Kang, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã "phản pháo" lại như sau:

"Trung Cộng và các nước xung quanh Biển Đông đang nỗ lực để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực. Nếu các quốc gia ngoài khu vực, như Hoa Kỳ, thực sự muốn có hòa bình, yên tĩnh và hạnh phúc của người dân trong khu vực, thì họ không nên gây rắc rối."

Lập lại lời hứa với đồng minh mà gọi là "gây rắc rối" thì đúng là "cộng sản nói." 

Chúng ta hẳn cũng chưa quên lý do tại sao có Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An,... Những tổ chức này được thành lập để các quốc gia trên thế giới, không lệ thuộc vào vị trí địa dư, có thể bảo vệ lẫn nhau hoặc chung sức gìn giữ an ninh cho thành viên.

Nguồn: https://www.oann.com/china-slams-u-s-after-pompeo-defends-philippines-in-south-china-sea-dispute/

Mutual Defense Treaty (United States–Philippines)
https://en.wikipedia.org/wiki/Mutual_Defense_Treaty_(United_States%E2%80%93Philippines)



Hoa Kỳ Treo Giải Thưởng Để Tìm Bắt Con Trai Của Bin Laden

Hôm thứ Năm vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã công bố lệnh truy nã con trai của Bin Laden là Hamza Bin Laden với giải thưởng 1 triệu đô-la. Hamza là một lãnh tụ mới của quân khủng bố al-Qaeda đã phát hành video kêu gọi tấn công chống lại Hoa Kỳ và đồng minh.

Nguồn: https://www.aljazeera.com/news/2019/03/puts-million-dollar-bounty-bin-laden-son-190301064508390.html

Quân Sự                



Chiến Hạm USS Charleston Chính Thức Gia Nhập Hạm Đội 7

Hôm thứ Năm, ngày 28 tháng 2 năm 2019, Hải Quân Hoa Kỳ đã làm lễ ra mắt ngày chiến hạm USS Charleston Chính Thức Gia Nhập Hạm Đội 7 và có căn cứ ở San Diego, miền nam California. Hạm Trưởng Christopher Brusca nói đùa với các phóng viên nhà báo rằng ông thất vọng vì trong tất cả 74 nhân viên của thủy thủ đoàn không một ai là cư dân của tiểu bang South Carolina cả. [Charleston là tên của thành phố lớn nhất của tiểu bang South Carolina]

USS Charleston là loại chiến hạm tấn công ở vùng biển cạn. Loại chiến hạm này thuộc lớp Independence (Independence-class) không dùng cánh quạt (chân vịt) mà dùng hệ thống phun nước để tạo sức đẩy, tương tự như jet-ski, thế cho nên có thể tiến vào sát bờ mà các loại chiến hạm khác không thể vào được. Thủy thủ đoàn gồm có 40 nhân viên chính (8 sĩ quan và 32 thủy thủ) cộng với, tối đa, 35 nhân viên đặc phái trong từng nhiệm vụ. Cùng với 2 trực thăng Seahawk MH-60R/S và một trực thăng hướng dẫn hỏa lực MQ-8.

Seahawk MH-60R/S

MQ-8 Fire Scout
Nguồn: https://www.postandcourier.com/news/uss-charleston-navy-s-newest-ship-formally-enters-the-fleet/article_0c03ed0a-3ad8-11e9-94b6-2bf24398c743.html

USS Charleston (LCS-18): https://en.wikipedia.org/wiki/USS_Charleston_(LCS-18)



Trung Cộng Lại La Hoảng Về Việc Chiến Hạm Mỹ Đi Qua Eo Biển Đài Loan

Chỉ vài ngày sau khi hai tàu chiến Mỹ, USS Stethem and the USNS Cesar Chavez, đi qua Eo Biển Đài Loan và hai chiến hạm khác, USS Spruance và USS Preble, đi qua gần quần đảo Trường Sa, Bộ Quốc Phòng Trung Cộng đã la hoảng và cáo buộc Washington đã khuấy động rắc rối trong khu vực, tố cáo quyền "Tự Do Hải Hành" của Hoa Kỳ là một cái cớ để đưa ra những hành động khiêu khích, đồng thời tuyên bố Quân Đội Trung Cộng sẽ có biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, nơi mà Trung Cộng cho rằng họ có toàn quyền sở hữu hơn 90% diện tích của Biển Đông bằng "hình vẽ 9 đoạn" trên bản đồ, mặc dù tòa án quốc tế đã phủ nhận điều này.

Nguồn: https://sputniknews.com/asia/201902281072847018-China-Denounces-US-FONOPS-Pretext-Provocative/



Xung Đột Giữa Ấn Độ Và Pakistan

Ấn Độ và Pakistan đang đứng trước một cuộc đối đầu lớn sau khi Pakistan tuyên bố đã bắn hạ hai chiến đấu cơ MIG-21 của Ấn Độ xâm phạm không phận của Pakistan để đánh các mục tiêu được cho là của "quân khủng bố".

Căng thẳng đã tăng lên kể từ khi một vụ đánh bom tự sát bằng xe của nhóm vũ trang có trụ sở ở Pakistan, Jaish-e-Muhammad (JeM), ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, đã giết chết ít nhất 42 nhân viên bán quân sự Ấn Độ vào ngày 14 tháng 2.

Nhưng nguy cơ của một cuộc xung đột toàn diện đã tăng lên đáng kể vào thứ Ba khi Ấn Độ tiến hành các cuộc không kích vào những nơi họ nói là một căn cứ huấn luyện của JeM.

Vào sáng thứ Tư, New Delhi và Islamabad đã chạm súng tại khu vực tranh chấp quân sự.

Ít nhất là bốn thường dân Pakistan đã thiệt mạng vào cuối ngày thứ Ba trong vụ chạm súng ở biên giới của hai đối thủ đều có vũ khí nguyên tử trong khu vực Nam Á.

Thủ tướng Imran Khan cho biết Pakistan sẽ thả phi công Ấn Độ vào thứ Sáu, hai ngày sau khi bị bắn rơi trong cuộc không kích bên trong không phận của Pakistan.

"Chúng tôi có bắt giữ một phi công Ấn Độ. Như một cử chỉ hòa bình, chúng tôi sẽ thả anh ta vào ngày mai."

Khan cho biết ông đã không liên lạc được qua điện thoại với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi vào tối thứ Tư.

Ấn Độ tuyên bố hoan nghênh quyết định của Pakistan về việc thả phi công bị bắt, nhưng các tướng lĩnh hàng đầu của bộ binh và không quân cho biết rằng lực lượng của họ vẫn cảnh giác cao độ để đáp trả bất kỳ "hành động khiêu khích" nào từ quốc gia Hồi Giáo Pakistan.

Các cường quốc trên thế giới như Nga, Anh, và Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi đôi bên "kiềm chế và giảm thiểu việc leo thang chiến tranh."

Nguồn: https://www.aljazeera.com/news/2019/02/india-pakistan-tensions-latest-updates-190227063414443.html


Kinh Tế                  



Trung Cộng Chống Nhập Cảng Than Của Úc Mang Một Thông Điệp Chính Trị Quan Trọng

Đây là hành động trả đũa của Trung Cộng đối với các hành động chống lại Trung Cộng gần đây của chính phủ Úc như cấm dùng sản phẩm của Huawei trong hệ thống 5G, từ chối nhà đầu tư Huang Xiangmo quay trở lại Úc vì lý do liên hệ với đảng cộng sản, cũng như chống lại hành động của Trung Cộng ở Biển Đông.

Lệnh cấm nhập cảng than đá từ Úc vào Trung Cộng  cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế Úc vào thị trường Trung Cộng.

Trung Cộng nhập cảng một phần ba của tất cả hàng xuất cảng của Úc.

Ngoài ra Úc còn lo ngại về việc Trung Cộng sẽ bắt giữ công dân Úc như đã làm với công dân Canada.

Những điều trên cho thấy là việc đối phó với Trung Cộng, một quốc gia độc đoán, sẽ trở nên khó khăn hơn đối với các quốc gia nhỏ hoặc phụ thuộc vào nền kinh tế của họ.


Nguồn: https://theconversation.com/the-chinese-coal-ban-carries-a-significant-political-message-112535


Xã Hội                   



Báo Cáo Của Thượng Viện Đánh Vào Các Viện Khổng Tử Của Trung Cộng Hoạt Động Tại Hơn 100 Trường Đại Học Hoa Kỳ

Hôm thứ Tư, ngày 27 tháng 2 năm 2019, Thượng Viện Hoa Kỳ đã công bố một bản báo cáo lên án các trung tâm học tập của Trung Cộng (dưới danh nghĩa Viện Khổng Tử) tại các trường đại học Hoa Kỳ (1).

Báo cáo, do Ủy Ban Về Các Vấn Đề Chính Phủ Và An Ninh Nội Địa, kêu gọi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được đặt vào các trung tâm học tập do Viện Khổng Tử điều hành, hoạt động tại hơn 100 trường đại học Hoa Kỳ và nhận được tài trợ từ Bộ Giáo Dục của chính phủ Trung Cộng. Nếu các trung tâm không được kiểm soát và điều chỉnh lại, báo cáo cho biết, thì sẽ bị đóng cửa.

Các Học Viện Khổng Tử được sử dụng như một công cụ tuyên truyền, nhằm mục đích cố gắng thay đổi quan niệm ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới rằng Trung Cộng là một mối đe dọa cho nền kinh tế và an ninh.
Học Viện Khổng Tử, điều hành hơn 500 trung tâm trên thế giới, cho biết sứ mệnh của họ là "Cung cấp các tài nguyên và dịch vụ giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa trên toàn thế giới, cũng như trên đường góp phần phát triển đa văn hóa và xây dựng một thế giới hài hòa."

Tuy nhiên, Tiểu Ban Thường Trực của Thượng Viện về Điều Tra (Tiểu Ban) không tin như vậy. Báo cáo của Thượng Viện cho biết tài trợ của Học Viện Khổng Tử đi kèm với các điều kiện có thể ảnh hưởng đến việc tự do giảng dạy và học tập.

Chính phủ Trung Cộng phê duyệt tất cả các giảng viên, sinh hoạt và diễn giả. Một số trường ở Hoa Kỳ chấp thuận hợp đồng rằng cả luật pháp Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ được áp dụng, như một quản trị viên của một trường học ở Hoa Kỳ đã giải thích với Tiểu Ban, khi một chương trình nào đó được chính phủ Trung Cộng tài trợ, thì bạn biết bạn sẽ nhận được những gì.

Bản đánh giá dài 93 trang tuyên bố các trung tâm được sử dụng như một công cụ tuyên truyền, nhằm mục đích cố gắng thay đổi quan niệm ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới rằng Trung Cộng là một mối đe dọa cho nền kinh tế và an ninh cho quốc gia.

Bản báo cáo nói thêm rằng các chi nhánh của Học Viện Khổng Tử hoạt động không được minh bạch và đề nghị rằng "nếu các trung tâm này hoạt động không hoàn toàn minh bạch và không đối ứng hoàn toàn với các nỗ lực tiếp cận văn hóa của Hoa Kỳ, thì không nên cho các viện Khổng Tử này tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ."

Tiểu Ban cũng cáo buộc các trường đại học đã che đậy việc tài trợ của chính phủ Trung Cộng. Gần bảy mươi phần trăm các trường đại học ở Hoa Kỳ có Học Viện Khổng Tử đã nhận được hơn 250,000 đô la trong một năm mà không báo cáo cho Bộ Giáo Dục biết.

Viện Khổng Tử đã thu hút sự chỉ trích ngày càng tăng kể từ báo cáo năm 2017 của Hiệp Hội Học Giả Quốc Gia (2) nêu ra mối lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với tự do giáo dục và mối quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng Sản.

Năm ngoái, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio đã thách thức ba trường đại học ở Florida có Học Viện Khổng Tử với một cuộc tranh luận về các chủ đề cấm kỵ ở Trung Cộng, như tù nhân chính trị và Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn 1989.

Ít nhất ba trường đại học của Hoa Kỳ đã đóng cửa các Viện Khổng Tử của họ vào năm 2019. Sinh viên tại một số trường khác đang gây áp lực với ban quản trị của trường để cắt đứt quan hệ với tổ chức này. (3)

[Tháng Giêng năm 2018, ĐSLV có đăng bài liên quan đến việc "Trung Cộng Xâm Lăng Văn Hóa Phương Tây Bằng Khổng Giáo" (4), mời quý vị tham khảo.]

Nguồn: http://time.com/5540703/senate-report-confucius-institute-us-universities-chinese/

Tham Khảo:

(1) CHINA’S IMPACT ON THE U.S. EDUCATION SYSTEM - Senate Report
https://www.portman.senate.gov/public/index.cfm?a=files.serve&File_id=10F1BF8A-3037-4B0A-84FC-B778256900E0

(2) Outsourced To China
https://www.nas.org/images/documents/confucius_institutes/NAS_confuciusInstitutes.pdf

(3) Confucius Institutes in the US that Are Closing
https://www.nas.org/images/documents/Confucius_Institutes_that_closed_-_updated_February_27%2C_2019.pdf

(4) Trung Cộng Xâm Lăng Văn Hóa Phương Tây Bằng Khổng Giáo
http://www.dslamvien.com/2018/01/trung-cong-xam-lang-van-hoa-phuong-tay.html


Lâm Viên

Powered by Blogger.