Đọc Hạ Tri Chương, Nhớ Quê Nhà
Buổi chiều ra hẻm đứng chờ xe.
Nhớ cánh đồng xưa, thời cổ mộ,
Thôi mất rồi, dấu tích hoang mê.
Đứng ở ngã Năm nghe gió thổi,
Tưởng như còn thấy cánh đồng xưa.
Ngày ấy – Bây giờ. Bao dâu bể,
Nhớ thương quê, biết mấy cho vừa.
Từ độ vầng trăng thôi giỡn nước,
Bóng chiều sương khói phủ đầy vơi.
Lời hẹn năm xưa cùng sông núi,
Không lẽ buông xuôi với dòng đời.
Ngày đi xanh tóc, lòng hoang vắng,
Buổi về trắng bạc, nặng đau thương.
Xóm Gà, Bà Chiểu, âm thanh cũ,
Sao thấy lạ tên những con đường (**)
Hồi hương ngẫu thư - Hạ Tri Chương (***)
Cuồng sĩ vang danh thuở thịnh Đường.
Ông khóc xa quê, sầu xé ruột,
Tôi cũng đau lòng nhớ cố hương.
Hết nửa đời người, thân biệt xứ,
Đọc lại thơ Ông, thấy vấn vương.
Ông làm thơ, thương về chốn cũ,
Tôi nhớ quê xưa cũng đoạn trường.
Ông đã hơn tôi một chữ “về”
Nên ông vẫn nhớ được tiếng quê.
Tôi còn lưu lạc phương trời thẳm,
Đành gởi lòng theo vạn sơn khê.
Lê Tấn Dương
(Đặc San Lâm Viên)
(*) Đồng Ông Cộ: gần ngã 5 Bình Hòa, nằm cuối đường Chu Văn An, Gia Định.
(**) Đường Ngô Tùng Châu bị xóa tên, đổi thành Nguyễn văn Bé. Đường Nguyễn Văn Học cũng bị đổi tên thành Nơ Trang Long.
(***) Hạ Tri Chương (659-744), tác giả bài Hồi Hương Ngẫu Thư, nhà thơ lớn Trung Hoa thời thịnh Đường. Nổi danh là cuồng sĩ trong thiên hạ. Bạn vong niên với nhà thơ Lý Bạch.
Bài thơ chỉ có 4 câu đại ý nói sau bao nhiêu năm mới về lại quê cũ, khi đi còn trẻ lúc về đã già, không ai nhìn ra, và trẻ con lại tưởng là khách lạ từ đâu ghé thăm.
Post a Comment