Header Ads

Các Tổng Thống Hoa Kỳ Và Chiến Tranh Việt Nam


Giao Chỉ

Sơ lược tổng quát.

Bắt đầu từ 1954 với tổng thống thứ 34 là ông Eisenhower, Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò trong lịch sử Hiệp Chủng Quốc. Vào cuối thập niên 1950, trong chuyến đi Mỹ, chúng tôi thấy hình ảnh ông Eisenhower đón chào tổng thống Ngô Đình Diệm và ca ngợi vị nguyên thủ Việt Nam là vĩ nhân của Đông Nam Á.

Chẳng bao lâu sau đó, vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ là ông Kennedy đã gián tiếp trách nhiệm về cuộc đảo chánh và việc hạ sát anh em ông Diệm năm 1963 tại Sài Gòn. Ông Kennedy tuy giải tỏa được một chế độ cản đường nhưng cũng rất ân hận về cái chết của ông Diệm. Cả hai ông Ngô Đình Diệm và Kennedy đều là Thiên Chúa Giáo. Nhưng niềm ân hận cũng không lâu, chỉ sau một thời gian ngắn đến lượt ông Kennedy bị ám sát chết tại Dallas, Texas. Cái chết của cả hai vị tổng thống vẫn còn nhiều bí ẩn cho đến ngày nay.

Ông Johnson lên thay trong vai trò tổng thống thứ 36 với gánh nặng chiến tranh Việt Nam. Ông là người quyết tâm chiến thắng nhưng vẫn không thành công và để gánh nặng cho ông Nixon với chiêu bài Việt Nam Hóa Chiến Tranh, rút quân về bằng mọi giá. Năm 1974, Nixon, vị tổng thống thứ 37 vì Watergate phải từ chức. Ông Gerald Ford thứ 38 lên thay, thể theo lòng dân và quốc hội, quay lưng lại với cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ nay đối với Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ còn là vấn đề nhân đạo.

Với 5 vị tổng thống can dự vào chiến tranh Việt Nam, bắt đầu từ Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford, người Mỹ gọi đây là The War of the Presidents. Ý nói là cuộc chiến riêng tư của các vị tổng thống, không can dự gì vào nước Mỹ và dân Mỹ. Làn sóng chống chiến tranh của dân Mỹ dâng cao với các cuộc xuống đường của hàng triệu người. Bây giờ sống tại đây chúng ta mới có thể hiểu được là lòng dân của Mỹ quốc thực sự ảnh hưởng đến chính quyền ra sao. Không cần đúng hay sai, không cần giữ lời cam kết. Đối với dân chúng Hoa Kỳ, lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng, hy sinh có giới hạn. Đánh không xong thì rút, sống chết mặc bay. Từ các quan niệm đó, định mệnh đưa chúng ta đến Hoa Kỳ. Sau đây là phần chi tiết.


Lính Mỹ tại Việt Nam

1) Eisenhower (Cộng Hòa): Chính Sách Ngăn Chặn (1953-1961)


Sau cuộc vây hãm kéo dài 56 ngày, đầu năm 1954, Pháp đã phải chịu thất bại tại Điện Biên Phủ. Kết quả là Hiệp định Geneve 1954 chia Việt Nam làm hai phần ở vĩ tuyến 17. Hoa Kỳ bác bỏ hiệp định Geneve và giúp đỡ một chính quyền quốc gia ở Nam Việt Nam vào tháng 6 năm 1954. Ngô Đình Diệm, một người theo Thiên Chúa Giáo chống Cộng từng sống ở Mỹ, đã trở về Việt Nam với vai trò thủ tướng và năm sau lên làm tổng thống của một nước miền Nam Việt Nam độc lập.

Khi những binh lính Pháp cuối cùng ra đi vào tháng 3 năm 1956, Mỹ đã thay thế, và Nam Việt Nam trở thành tiền tuyến trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản tại Đông Nam Á. Chính quyền Eisenhower đã phải gửi 200 triệu đô-la viện trợ một năm và 675 cố vấn quân sự đầu tiên. Tổng thống Dwight D. Eisenhower vốn là anh hùng nước Mỹ sau Đệ Nhị Thế Chiến, trải qua 2 nhiệm kỳ từ 1953 đến 1961. Ông đón tiếp long trọng tổng thống Việt Nam thăm Hoa Kỳ năm 1957 và ca tụng ông Diệm là vĩ nhân châu Á.

2) Kennedy (Dân Chủ): Vấn Đề Nan Giải (1961-1963)


Khi John F. Kennedy  trở thành tổng thống, ông kế thừa di sản Việt Nam từ Eisenhower. Nhưng điều thực sự lôi cuốn ông là cơ hội để thử nghiệm học thuyết chống chiến tranh du kích cùng với chiến lược quân sự đáp trả linh hoạt.

Đến năm 1961, cộng sản Bắc Việt đã thành lập tại miền Nam một phong trào nổi dậy được biết đến với cái tên "Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc (National Liberation Front - NLF)," với tổ chức quân đội gọi là "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam -  People's Liberation Armed Forces of South Vietnam (PLAF)". Trong một buổi phỏng vấn của đài CBS, Kennedy đã nhận định rằng tùy thuộc vào người Nam Việt Nam mà “cuộc chiến của họ” sẽ thắng hay bại. Trong khi đó tình hình miền Nam ngày càng xấu. Nông thôn mất an ninh, cường độ chiến tranh gia tăng. Tại thành thị dân chúng và Phật Giáo chống chính phủ. Vào thời điểm đó, đã có khoảng 16,000 “cố vấn” Mỹ tại Việt Nam. Mất kiên nhẫn với ông Diệm, Kennedy cho Sài Gòn biết rằng Mỹ sẽ ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự. Vào 1/11/1963, chính quyền Diệm bị lật đổ và tổng thống Diệm bị giết chết, một kết cục mà Kennedy đã không đoán trước được. Nhưng ông phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhà lãnh đạo mà tổng thống Eisenhower gọi là vĩ nhân châu Á. Ba tuần sau, chính ông Kennedy cũng bị ám sát chết.

3) Johnson (Dân Chủ): Lòng Quyết Tâm Bị Sa Lầy (1963-1969)


Giống như Kennedy kế thừa Việt Nam từ Eisenhower, Lyndon B. Johnson cũng thừa hưởng Việt Nam từ Kennedy. Tuy nhiên di sản mà Johnson nhận được phiền toái hơn, bởi đến lúc này một cuộc can thiệp qui mô lớn của Mỹ mới có thể ngăn chặn sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Johnson thề trong buổi nhậm chức “Tôi sẽ không để mất Việt Nam”. Sau đó chiến tranh Việt Nam thực sự nằm trong quyết tâm của ông. Trong mùa hè 1964, Johnson nhận được những báo cáo về những tàu ngư lôi của Bắc Việt Nam đã tấn công tàu khu trục Maddox. Trong cuộc tấn công đầu tiên, vào ngày 2 tháng 8, tổn thất chỉ giới hạn ở một lỗ đạn; cuộc tấn công thứ hai, vào ngày 4 tháng 8, sau đó được chứng minh là nhầm lẫn của radar. Điều đó không quan trọng. Trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, dù có thực hay tưởng tượng, lời kêu gọi vũ trang của tổng thống khó có thể cưỡng lại. Trong cả Quốc hội, chỉ có hai thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống. Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin Resolution) đã ủy thác cho Johnson quyền được mở các chiến dịch ở Việt Nam. Với cuộc bầu cử năm 1964 đã gần sau lưng, Johnson bắt đầu một chương trình để người Mỹ trực tiếp đảm nhiệm cuộc chiến ở Việt Nam. Chến tranh leo thang, bắt đầu từ đầu năm 1965, bao gồm 2 hình thái: Gia tăng bộ binh Mỹ và đẩy mạnh việc đánh bom miền Bắc. Ngày 8/3/1965, những người lính Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên đã đặt chân lên bờ biển Đà Nẵng, mục đích là để bảo vệ căn cứ không quân ở đây. Nhưng họ sớm phải chạm trán với kẻ thù. Năm 1966, hơn 380,000 lính Mỹ đã đóng quân ở Việt Nam; năm 1967, là 485,000 quân; và 1968 là 536,000.  Mỹ tiến hành chiến dịch có tên Rolling Thunder, từ ngày 2 tháng Ba năm 1965 đến ngày 2 tháng 11 năm 1968, leo thang đánh bom Bắc Việt Nam. Mục tiêu đặc biệt là Đường Mòn Hồ Chí Minh, một mạng lưới tinh vi bao gồm đường mòn, cầu, và nơi trú ẩn trải dài từ Bắc Việt Nam qua Campuchia và Lào đến Nam Việt Nam. Trong chiến dịch này, Hoa Kỳ đã thả 864,000 tấn bom xuống các mục tiêu của Việt cộng, so với 653,000 tấn dùng trong chiến tranh Triều Tiên và 503,000 tấn ở Thái Bình Dương trong Thế Chiến Thứ Hai.

Johnson có lý do để tự tin về người dân Mỹ. Sự đồng thuận rộng rãi vững vàng được hình thành từ những năm trước đó là điều kiện thuận lợi để Washington tiến hành cuộc chiến. Cả Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều chấp thuận cho Johnson leo thang chiến tranh ở Việt Nam, và điều tương tự đối với những cuộc khảo sát ý kiến công chúng trong năm 1965 và 1966. Nhưng sau đó quan điểm bắt đầu thay đổi.

Mỗi buổi tối người Mỹ lại thấy trên truyền hình cảnh tàn sát của cuộc chiến và những người Mỹ thương vong. Những phóng viên bắt đầu viết về một “sự khủng hoảng lòng tin."

Nhưng tình hình kinh tế đặt ra cho Johnson nhiều vấn đề hơn. Chiến tranh Việt Nam hao tốn 27 tỉ đô-la vào năm 1967 (khoảng 150 tỉ dô-la hiện nay), đẩy thâm hụt ngân sách từ 9.8 tỉ đô-la lên 23 tỉ đô-la. Chi tiêu quân sự đã đưa tỉ lệ lạm phát lên cao. Chỉ trong mùa hè năm 1967, Johnson đã yêu cầu đánh thêm 10% thuế thu nhập. Cho đến lúc đó, vòng xoáy lạm phát sẽ gây họa cho nền kinh tế Mỹ trong suốt thập niên 1970 đang đến rất gần.

Trong hoàn cảnh đó phong trào phản chiến bắt đầu hình thành. Hạt nhân của nó, cùng với những nhóm ủng hộ hòa bình lâu năm, là một thế hệ mới với những nhà hoạt động hòa bình như SANE, nhóm đã biểu tình chống việc thử vũ khí hạt nhân ở thập niên 1950. Phong trào phản chiến nhanh chóng có khả năng tạo ra những cuộc biểu tình lớn ở Washington, đem đến 20-30 ngàn người một lúc. Mặc dù bao gồm nhiều thành phần đa dạng, tất cả những người theo phong trào đều chia sẻ một mối hoài nghi về chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Tổng thống Johnson năm 1965 đã hy vọng vào một chiến thắng chớp nhoáng ở Việt Nam, trước khi cái giá chính trị của việc leo thang đến hạn. Nhưng đã không có chiến thắng nhanh chóng. Các lực lượng của Bắc Việt Nam và Việt Cộng đồng loạt tấn công, chính quyền Nam Việt Nam mất đất, và thương vong của Mỹ tăng lên. Vào đầu năm 1968, tỉ lệ tử vong đã lên đến mức vài trăm người một tuần. Johnson và các tướng lĩnh của ông vẫn khăng khăng cho rằng có “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Thực tế trên chiến trường đã cho thấy điều ngược lại.

Vào 30/1/1968, Việt Cộng mở một cuộc tấn công lớn ở Nam Việt Nam. Thời điểm trùng với Tết, kỳ nghỉ đón năm mới của người Việt, cuộc tấn công đánh vào 36 thủ phủ của các tỉnh và 5 trong số 6 thành phố lớn, bao gồm Sài Gòn, nơi Việt Cộng đã gần như lọt vào Sứ Quán Mỹ, vốn được cho là không thể đánh chiếm được. Về mặt quân sự, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thất bại, với con số thương vong nặng nề của Việt Cộng. Nhưng về mặt tinh thần, hậu quả rất là lớn. Các đài truyền hình đã đem đến tận nhà người Mỹ những hình ảnh gây sốc.

Đến cuối một bài phát biểu truyền hình vào ngày 31/3, Johnson đã làm cả nước sửng sốt khi tuyên bố ông sẽ không tái ứng cử. Ông cũng kêu gọi tạm ngưng một phần chiến dịch đánh bom và hứa sẽ dùng những tháng tại nhiệm còn lại để tìm kiếm hòa bình. Vào 10/5/1968, Hoa Kỳ và Bắc Việt Nam bắt đầu vòng đàm phán hòa bình sơ bộ tại Paris. 

4) Nixon (Cộng Hòa): Chiến Lược Hòa Hoãn (1969-1974)


Khái niệm thế giới hai phe, vốn đã trở nên lỗi thời từ thời của Lyndon Johnson, lại càng bị chối bỏ khi Richard M. Nixon sử dụng sách lược hòa hoãn. Nhưng khi đối diện với cuộc chiến ở Việt Nam, Nixon thừa hưởng di sản mà Johnson để lại. Từ bỏ Việt Nam, theo Nixon, sẽ hủy hoại “uy tín” của nước Mỹ và khiến cho cường quốc này có vẻ giống như một “người khổng lồ chân bằng đất sét” . Và cũng giống như Johnson, Nixon có những toan tính riêng cho bản thân mình. Ông không cho phép mình trở thành vị tổng thống đầu tiên thua một cuộc chiến. Nixon muốn hòa bình, nhưng phải là “hòa bình trong danh dự”.

[chú thích của ĐSLV: chân bằng đất sét (feet of clay), là thành ngữ Hoa Kỳ thường được dùng để chỉ điểm yếu của nhân vật có địa vị cao như cấp chỉ huy, lãnh đạo hoặc nổi tiếng]

Để làm dịu chỉ trích trong nước, ông bắt đầu giao lại mặt trận chiến đấu cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Với chính sách mới có tên “Việt Nam hóa chiến tranh”, số lượng lính Mỹ giảm xuống từ 543,000 năm 1968 xuống còn 334,000 năm 1971 và chỉ còn 24,000 vào đầu năm 1973. Tỉ lệ thương vong cũng như uy tín chính trị của họ cũng giảm theo tương ứng. Nhưng cuộc giết chóc ở Việt Nam vẫn tiếp tục. Như lời đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ellsworth Bunker, đã nói một cách mỉa mai, đó chỉ là vấn đề thay đổi “màu da của những xác chết”.

Vào tháng tư năm 1972, khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, Nixon đã ra lệnh cho B-52 không kích vào miền Bắc Việt Nam. Một tháng sau đó, ông đồng ý cho gài mìn vào những bến cảng Bắc Việt, điều mà Johnson đã không bao giờ dám làm. Nixon có thể rảnh tay như thế là bởi, theo tinh thần hòa hoãn, Trung Cộng không còn đe dọa can thiệp nữa. Phía Nga,  Brezhnev cũng làm ngơ khi chào đón Nixon vào tháng 5 năm 1972, thời điểm cao trào của những cuộc không kích B-52. Việt Cộng có thể cảm thấy bị cô lập, nhưng viện trợ từ Trung Cộng và Liên Xô vẫn tiếp tục đổ vào, và du kích cộng sản vẫn tiếp tục chiến đấu.

Ở trong nước, cuộc chiến của Nixon đã trở thành gánh nặng. Chẳng những không suy giảm mà phong trào phản chiến ngày càng rầm rộ. Tháng 11 năm 1969,  nửa triệu người đã biểu tình ở Washington. Ngày 30/4/1970, trong một phần của chiến dịch ném bom bí mật những tuyến đường vận chuyển khí giới của Việt cộng ở nước Campuchia trung lập, binh lính Mỹ đã tiến hành xâm nhập để tiêu diệt những cơ sở địch ở đó. Khi tin tức về việc đổ bộ vào Campuchia được loan ra, những trường đại học Mỹ như nổ tung vì căm giận, và lần đầu tiên, có sinh viên bị chết. Ngày 4/5/1970, tại trường đại học Kent State ở Ohio, lực lượng cảnh vệ quốc gia đã nổ súng vào đoàn người biểu tình, giết chết bốn sinh viên và làm bị thương mười một người. Tại trường đại học Jackson State ở Mississippi, lực lượng cảnh vệ đã tấn công vào một ký túc xá, giết chết hai sinh viên da đen. Hơn 450 trường đại học đã đóng cửa để phản đối. Trên khắp đất nước, khóa học mùa xuân đã bị hủy bỏ.

Bất chấp tất cả, Nixon vẫn bền chí, phê phán kịch liệt những sinh viên biểu tình và tổ chức một cuộc biểu tình phản đối lại họ. Mũ bảo vệ lao động (hard hat) đã trở thành một biểu tượng yêu nước sau khi những công nhân xây dựng ở New York đã đánh bại những người biểu tình trong một cuộc biểu tình hòa bình vào tháng 5/1970. Dần dần, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” khiến phong trào phản chiến đi xuống. Khi nhân lực trong quân đội cần được cắt giảm, chế độ quân dịch cũng được cắt bớt, làm xẹp đi lòng nhiệt tình của nhiều sinh viên phản chiến. Cuối cùng, Nixon đã đẩy lui được những chỉ trích. Nhưng cái mà ông không đẩy lui được là công sản Bắc Việt Nam.

Khi mà cuộc bầu cử năm 1972 đang cận kề, Nixon đã gửi Henry Kissinger đến mở cuộc đối thoại hòa bình ở Paris. Ở đây Kissinger đã có một nhượng bộ quan trọng khi chấp nhận sự xuất hiện của binh lính Bắc Việt ở lại miền Nam. Với lời tuyên bố của Kissinger: “Hòa bình trong tầm tay”, Nixon đã có thêm số phiếu mà ông muốn, nhưng thỏa thuận đã bị phá bỏ bởi ông Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Nam Việt Nam. Bởi vậy Nixon, trong cuộc đổ máu cuối cùng, đã ra lệnh hai tuần “Ném Bom Giáng Sinh - The Christmas Bombings”, từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, sự kiện tàn khốc nhất trong cả cuộc chiến.

Kết quả là ngày 27/1/1973, hai bên thỏa thuận hòa bình Paris, tái khẳng định thỏa thuận ngừng bắn tháng mười năm trước. Nixon hi vọng rằng với sự hỗ trợ ồ ạt của Mỹ, chính quyền của ông Thiệu có thể tồn tại. Nhưng Quốc Hội đã từ chối cho phép ném bom Campuchia sau 15/8/1973, và từ từ cắt viện trợ cho Nam Việt Nam. Tiếp theo ông Nixon bị truất phế vì Watergate 1974. Vào tháng ba năm 1975, các lực lượng Bắc Việt Nam đã tiếp tục phát động các cuộc tấn công và Sài Gòn thất thủ.

Có đúng là kết thúc như vậy là một điều đáng buồn hay không?

  • Đúng, dĩ nhiên, đối với những người bạn Việt Nam của Hoa Kỳ, những người đã mất đi việc làm và tài sản, phải mất nhiều năm trong những trại cải tạo, hoặc phải rời khỏi quê hương. 
  • Đúng, đối với nước láng giềng Campuchia, nơi bọn Khơme đỏ điên cuồng lên nắm quyền, tàn sát 1.7 triệu người và đưa đất nước gần như quay trở về thời kỳ đồ đá. 
  • Đối với nước Mỹ, đúng, bởi sự lãng phí sinh mạng  (58,000 người chết và 300,000 người bị thương), 150 tỉ đô-la, những vết thương bên trong lâu lành, và sự tự tin bị đánh mất đối với những nhà lãnh đạo nước Hoa Kỳ.

Nhận định riêng.

Điều thực sự quan trọng là, truớc khi bỏ rơi Nam Việt Nam, các vị tổng thống Hoa Kỳ đă thực sự muốn hoàn thành sứ mạng bảo vệ Việt Nam. Johnson quyết tâm chiến thắng. Nixon muốn có hòa bình trong danh dự. Nhưng họ không vượt qua được hoàn cảnh. Chính vì những lý do đó, nguời Mỹ đă mở vòng tay đón tỵ nạn Việt Nam trong hơn 40 năm qua. Đồng thời tìm cách trở lại Việt Nam để trực tiếp gặp người dân của nước cựu thù. Nước Mỹ tìm cách chinh phục lòng người, vận động đồng minh bằng vòng tay mở rộng thay vì B-52 hay bom đạn chiến tranh.

oOo

Sau đây là giai đoạn hậu chiến với các chương trình di dân và hình thành cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.



Tổng Thống Thứ 38 (Cộng Hòa) - Gerald R. Ford (1974-1977)

Trong phiên họp cuối cùng quốc hội Hoa Kỳ bàn về viện trợ cho miền Nam. Tổng thống Ford thông báo tài khóa 1973 đã dành cho VNCH 2 tỷ 8 trăm triệu. Tài khóa 1974 chỉ xin 700 triệu nhưng không được chấp thuận. Kịp đến đầu năm 1975 xin 300 triệu cũng bị từ chối. Quốc Hội quyết định không cho 1 xu nhưng tuyên bố sẽ dành cho ngân khoản tối đa để đón người ty nạn.  Ông Ford lên thay Nixon làm tổng thống thứ 38 chỉ còn công việc cuối dành cho VNCH là đến San Fransisco đón những đứa bé mồ côi Việt Nam chụp hình cho báo chí phổ biến. Với 3 năm sau cùng, vị tổng thống Cộng Hòa đã hoàn tất việc định cư cho 150 ngàn người di tản Việt đầu tiên đến Mỹ.



Tổng Thống Thứ 39 (Dân Chủ) - Jimmy Carter (1977-1981)     

Trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi 4 năm, tổng thống của thuyền nhân Việt Nam đã trở thành vị ân nhân số một. Ông đã cử phái đoàn đến Hà Nội ngỏ ý muốn giúp kẻ thù cũ xây dựng đất nước. Việt Cộng đã ngạo mạn bỏ qua một cơ hội bằng vàng. Sau đó đã kéo lùi đất nước lại hơn 30 năm từ khi chiến thắng 1975, mãi đến 1985 mới tỉnh ngộ. Mặt khác tại Hoa Kỳ, tổng thống Carter đã mở đầu chính sách ODP từ 1979 và cho lệnh vớt thuyền nhân trên biển Đông. Năm 1980 kiểm kê dân số lần đầu tiên dưới thời kỳ Carter người Việt đạt được trên 260 ngàn. Cũng trong thời của chíng phủ Carter bộ luật về Ty Nạn được ban hành năm 1980 với danh hiệu Refugee Act.



Tổng Thống Thứ 40 (Cộng Hòa) -  Ronald Reagan (1981-1989)

Không thể quên được hình ảnh tổng thống Reagan ký tài liệu mở đường cho chương trình nhận tù chính trị và gia đình định cư tại Mỹ và tiếp theo là chương trình con lai. Kiểm kê dân số 1990 với thời kỳ Reagan kết quả gia tăng và người Việt đạt được 600 ngàn. Trong số này có nhiều thuyền nhân từ các trại ty nạn Đông Nam Á.


Tổng Thống Thứ 41 (Cộng Hòa) - George H.W. Bush - "Bush Cha" (1989-1993)

Chương trình ODP, con lai và thuyền nhân tỵ nạn tiếp tục được nhận vào Hoa Kỳ. Có thể nói trong 4 năm ngắn ngủi của ông Bush Cha là giai đoạn thuyền nhân đến Mỹ nhiều nhất.



Tổng Thống Thứ 42 (Dân Chủ) -  Bill Clinton (1993-2001)

Thời kỳ 8 năm của ông Clinton con số ODP rất cao và số thuyền nhân xuống thấp vì các trại ty nạn đóng cửa năm 1995. Tuy nhiên tổng số dân ty nạn Việt Nam ghi lại trong kỳ kiểm kê 2000 đã lên gần gấp đôi là 1 triệu và 100 ngàn. Đặc biệt tổng thống Clinton đến thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 2000 đã đem luồng gió tự do, dân chủ đến trực tiếp với dân Việt cả hai miền Nam Bắc. Một hiện tượng lịch sử có rất nhiều ý nghĩa.




Tổng Thống Thứ 43 (Cộng Hòa) - George W. Bush - "Bush Con" (2001-2009)

Thuyền nhân không còn trực tiếp đến Mỹ nhưng các diện đoàn tụ, con lai và HO vẫn tiếp tục. Tổng thống Bush con cũng đến Việt Nam và đem lại rất nhiều ý nghĩa đặc biệt . Đồng thời kỳ kiểm kê dân số năm 2010 người Việt tại Mỹ gia tăng lên con số 1 triệu và 500 ngàn.



Tổng Thống Thứ 44 (Dân Chủ) - Barack Obama  (2009-2017)

Trải qua 8 năm cầm quyền, hồ sơ đoàn tụ ODP và nhiều hình thức khác vẫn tiếp diễn. Thêm vào đó người Việt qua Mỹ theo diện kết hôn gia tăng đáng kể . Tính đến cuối năm 2016 dân số gốc Việt tại Hoa Kỳ vào khoảng 1 triệu 800 ngàn người. Đạt được rất nhiều thành quả đáng kể. Thế hệ thứ hai và thứ ba Việt Nam trở thành dân cử, các tướng lãnh, các chuyên gia và các công dân Hoa Kỳ gốc Việt gương mẫu. Đặc biệt chuyến thăm viếng Việt Nam của tổng thống Obama được coi là một thành quả ngoại giao vô cùng khích lệ không phải đối với chính quyền mà là trực tiếp đối với dân chúng Việt nam, đặc biệt là giới trẻ.



Tổng Thống Thứ 45 (Cộng Hòa) - Donald Trump (2017- )

Trải qua 5 đời tổng thống Hoa Kỳ thời hậu chiến dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ di dân Việt Nam luôn luôn được chào đón và trở thành con số nhập cư vào Mỹ cao nhất cuối thế kỷ 20.

Năm 2017 Hoa Kỳ có vị tổng thống mới. Một hiện tượng đặc biệt. Một đường lối khác biệt. Chưa thể có dữ kiện cụ thể để ghi nhận. Nhưng chắc chắn là sẽ khó khăn hơn về con đường di dân và đoàn tụ.

Chúng ta có thể quản ngại cho tương lai. Nhưng cũng ghi nhận sự vui mừng đã đạt được con số người Việt đáng kể tại Hoa Kỳ để làm thành một cộng đồng vững mạnh. Nếu Hoa Kỳ không tham dự vào Việt Nam từ 1954, dân Việt miền Nam không có được 2 thập niên tự do dân chủ. Nếu tổng thống, chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ không chủ trương bao dung với di dân, chúng ta không có mặt tại Mỹ. Hơn nửa thế kỷ vừa qua, 9 vị tổng thống Mỹ, từ Eisenhower đến Obama đều là ân nhân của người Việt và di dân gốc Việt. Trong chiến tranh, với 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ hy sinh và 300 ngàn thương binh, các vị tổng thống đều quyết tâm nhưng không vượt qua đươc hoàn cảnh. Sau chiến tranh nước Mỹ đã thực sự chào đón tỵ nạn. Chúng ta không bao giờ quên được tấm lòng hào hiệp của người dân Hoa Kỳ.

Giao Chỉ

Ghi chú của tác giả:
Các tài liệu về tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được lấy từ phần Việt Ngữ của Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia.

Phụ chú của ĐSLV:

Hình của các tổng thống Hoa Kỳ được trích ra từ trang web
https://www.whitehousehistory.org/galleries/presidential-portraits

Operation Rolling Thunder
https://en.wikipedia.org/wiki/Operation_Rolling_Thunder

Kent State Shootings
https://en.wikipedia.org/wiki/Kent_State_shootings

Hard Hat Riot
https://en.wikipedia.org/wiki/Hard_Hat_Riot

Operation Linebacker II (The Christmas Bombings)
https://en.wikipedia.org/wiki/Operation_Linebacker_II

Refugee Act
https://en.wikipedia.org/wiki/Refugee_Act

Orderly Departure Program (ODP)
https://en.wikipedia.org/wiki/Orderly_Departure_Program

Chương trình Ra đi Có trật tự
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C6%B0%C6%A1ng_tr%C3%ACnh_Ra_%C4%91i_C%C3%B3_tr%E1%BA%ADt_t%E1%BB%B1


Powered by Blogger.