Header Ads

Tin Tức Liên Quan Đến Tình Hình Của Khu Vực Ấn Độ-Thái Bình Dương


Khu trục hạm USS McCampbell thực hiện cuộc tuần dương ngang qua quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Ngày 7 tháng 1 năm 2019, ngay khi Hoa Kỳ và Trung Cộng bắt đầu cuộc đàm phán thương mại ở Bắc Kinh, Hải Quân Hoa Kỳ đã đưa một khu trục hạm có trang bị hỏa tiễn dẫn đường, USS McCampbell, đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông. Trung Cộng đã lên tiếng phản đối và gọi đây là hành động "khiêu khích" trong khi phía Hoa Kỳ gọi đây là việc làm thường xuyên của chương trình "Tự Do Hàng Hải" theo luật hàng hải quốc tế.
Cuộc hải hành này cũng được xem như câu trả lời cho lời đe dọa của Luo Yuan, Phó Đô Đốc Hải Quân TC, về việc đánh đắm hai hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ và giết 10,000 thủy thủ.



Trung Cộng di chuyển vũ khí.

Hôm thứ Ba ngày 8 tháng 1 năm 2019, sau khi một tàu chiến của Mỹ thực hiện hải hành qua quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, các cơ quan truyền thông của Trung Cộng đã loan tin TC đã di chuyển "hỏa tiễn diệt chiến hạm - ship-killer missiles" DF-26 đến cao nguyên Tây Bắc Hoa Lục.

DF-26 là hỏa tiễn tầm trung loại mới của TC có khả năng nhắm vào các tàu cỡ trung và lớn trên biển ở khoảng xa 4,500 km. Nó có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như hạt nhân. Hình trên là những hỏa tiễn DF-26 trong ngày diễn hành của quân đội TC năm 2016.


Kim Jong-un viếng thăm Trung Cộng lần thứ tư

Hôm thứ Ba ngày 8 tháng 1 năm 2019, vào ngày sinh nhật thứ 35, Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư với Tập Cận Bình.

Hành động này dường như được dựa theo một mô hình đã được thành lập vào năm ngoái, sau các cuộc gặp gỡ giữa Kim và Tập thì tiếp theo đó là các hội nghị thượng đỉnh với Tổng Thống Trump và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in. Lần này, nó diễn ra trước một hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Trump và Kim được dự trù là sẽ diễn ra trong một hoặc hai tháng tới.


Trung Cộng chối đã dùng "bẫy nợ - debt trap" ở Mã Lai

Ngày 8 tháng 1 - Trung Cộng đã bác bỏ một bài báo của Wall Street Journal (WSJ) rằng họ đã đề nghị chính phủ Barisan Nasional trước đây thỏa thuận bảo lãnh cho 1Malaysia Development Berhad (1MDB) để đổi lấy các hợp đồng tiếp tục chương trình "Một vành đai, Một con đường".

Trên thực tế TC đã dùng "bẫy nợ" ở nhiều quốc gia để tìm cách chiếm đoạt đất đai có vị trí chiến lược hoặc kinh tế và tài nguyên của những quốc gia nghèo hay kém mở mang ở khắp nơi từ Á châu, Phi châu đến Âu châu.


Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận Đạo Luật Tái Bảo Đảm Châu Á - Asia Reassurance Initiative Act (ARIA)

Đạo Luật ​​Tái Bảo Đảm Châu Á (ARIA) của Hoa Kỳ là một dự luật được đệ trình lên Quốc Hội từ năm 2017 do Thượng nghị sĩ Cory Gardner (R-CO), Chủ tịch Tiểu ban của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ tại Đông Á, Thái Bình Dương tổ chức và an ninh mạng quốc tế.

Sau khi đã được bàn thảo và sửa đổi, Thượng Viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn vào ngày 19 tháng 12, sau đó, tổng thống Donald Trump đã ký thành luật vào ngày 31 tháng 12 năm 2018.

Mục tiêu của ARIA là đòi hỏi chính quyền Hoa Kỳ phải phát triển tầm nhìn chiến lược dài hạn và chính sách toàn diện, đa diện và nguyên tắc của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đạo luật này bổ túc cho Chiến Lược Quốc Phòng đã được công bố hồi cuối năm 2017.


Nhật Bản phản đối việc Trung Cộng làm các cuộc nghiên cứu trái phép quanh đảo Okinotori.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh đã đệ đơn phản đối chính thức với Trung Cộng sau khi họ thừa nhận thực hiện các cuộc khảo sát trên biển quanh đảo Okinotori thuộc chủ quyền của Nhật Bản mà không được phép. Vào giữa tháng 12 năm ngoái, đội tuần duyên của Nhật đã chặn một tàu nghiên cứu của TC ở vùng biển xung quanh đảo Okinotori. Nhật Bản cho biết đảo Okinotori không có người ở Thái Bình Dương là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và là lãnh thổ cực nam của họ, cách Tokyo 1,700 km về phía nam, đã được quốc tế và ngay cả TC chấp nhận.


Tập Cận Bình kêu gọi quân đội chuẩn bị cho chiến tranh 

Trong bài diễn văn đầu năm, Tập Cận Bình đã lên tiếng kêu gọi quân đội hãy chuẩn bị cho chiến tranh với lý do tình hình không mấy tốt đẹp ở Biển Đông và Đài Loan. Lần cuối cùng quôn đội TC tham chiến là cuộc chiến tranh biên giới giữa TC và Việt Nam năm 1979.


Anh có thể sẽ thiết lập căn cứ quân sự ở Biển Đông

Trong tuần lễ đầu tiên của năm 2019, Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh cho biết Anh đang nghiên cứu chương trình thành lập các căn cứ quân sự mới ở châu Á, các nhà phê bình đã đặt câu hỏi liệu London có tiền - hay chiến lược - để thực hiện kế hoạch như vậy hay chăng.

Anh và Pháp là hai quốc gia có nhiều liên hệ và quyền lợi ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Hình trên là Khu Trục Hạm HMS Argyll (giữa) của Anh tham gia cuộc tập trận Bersama Lima hồi tháng 10 năm 2018, bao gồm các tàu của hải quân Malaysia, Singapore, Úc và New Zealand.


Ngày 11 tháng Giêng năm 2019, Pháp đồng ý sẽ hợp tác với Nhật để tuần tra vùng biển phía bắc của Bắc Hàn, nêu lý do e ngại về sự phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Cộng trong vùng.

Hình trên là HKMH Charles de Gaulle, trên đường viếng thăm Singapore.


Ngày 11 tháng Giêng năm 2019, Hoa Kỳ đã điều động ba chiếc máy bay ném bom tàng hình tối tân nhất của Không Quân là B-2 Spirit và 200 nhân viên đến căn cứ Pearl Harbor-Hickam ở Hawaii để thực tập hoạt động trong vùng Thái Bình Dương.

Lực Lượng Không Quân Thái Bình Dương (Pacific Air Forces) cho biết B-2 là loại máy bay tối tân nhất có khả năng "xâm nhập tất cả mọi địa thế và tấn công bất cứ mục tiêu nào của đối phương, cho dù có nơi đó được phòng thủ như thế nào."


Quan tâm và ưu tiên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ trong tình thế hiện tại.

Trong ngày đầu tiên nhận trách nhiệm làm Bộ Trưởng Quốc Phòng lâm thời, ông Patrick Shanahan đã triệu tập các nhân viên cao cấp, chỉ huy quân sự và dân sự, để nói về các ưu tiên của ông và cho họ biết rằng ba mối quan tâm lớn nhất của ông là "Trung Cộng, Trung Cộng, Trung Cộng", cũng như giữ nguyên Chiến Lược Quốc Phòng của người tiền nhiệm là cựu tướng Jim Mattis.

Ông nhấn mạnh rằng đây là kỷ nguyên mới của "Cuộc tranh đua quyền lực vĩ đại" với Nga và Trung Cộng.


Hệ thống thông minh nhân tạo (artificial intelligence) điều khiển vũ khí

Trước nguy cơ phải đối đầu với Nga và Trung Cộng, những chiến lược gia của quân đội Hoa Kỳ đang nghĩ đến việc dùng hệ thống thông minh nhân tạo bắn yểm trợ cho binh sĩ khi bị tấn công với lý do "thời gian là vũ khí - time is a weapon", sự trả đũa nhanh chóng sẽ có lợi trong chiến tranh. Tuy nhiên cũng có một số nhà nghiên cứu lo ngại về việc trao quyền quyết định sử dụng vũ khí giết người cho máy, nhưng nếu đặt ra quá nhiều quy tắc sẽ làm "mất thời gia tính", giảm hiệu quả của hệ thống thông minh nhân tạo. Hiện nay viện đại học Carnegie Mellon University của Hoa Kỳ đang có một trung tâm nghiên cứu để tìm một "phương pháp hữu hiệu" cho việc áp dụng hệ thống thông minh nhân tạo vào vũ khí của quân đội Hoa Kỳ. Điều này rất quan trọng, vì ngay cả trong những phim khoa học giả tưởng (như Star Wars hay Star Trek) chúng ta cũng chưa thấy cảnh máy móc tự ý quyết định tấn công hay phản công.

Lâm Viên

Powered by Blogger.