Năm Nơi Có Thể Gây Ra Thế Chiến Thứ III Trong Năm 2019
Để kết thúc loạt bài về những tiên đoán cho năm 2019 của những nhà nghiên cứu, bình luận về thời sự và kinh tế đăng trên các trang báo điện tử, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị bài "5 Places Where World War III Could Start in 2019" của Dr Robert Farley đăng trên The National Interest (TNI) vào cuối tháng 12 năm 2018 vừa qua.
Kể từ năm 1945, Thế giới đã tránh được nhiều cuộc chiến tranh giành quyền lực của các quốc gia hùng mạnh, ngay cả khi Hoa Kỳ và Liên Xô đã tiến đến mức khá gần trong nhiều dịp trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh (1947 – 1991). Trong hai thập niên đầu tiên sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11 năm 1991, cuộc chiến tranh giành quyền lực của các quốc gia hùng mạnh dường như không thể tưởng tượng là có thể sẽ xảy ra. Ngày nay, với sức mạnh của Trung Cộng ngày càng gia tăng và Nga không đếm xỉa đến trật tự quốc tế, cuộc xung đột quyền lực đã trở nên sự kiện có thể, và sẵn sàng, xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong những gì đang dần trở thành truyền thống tại TNI (xem dự đoán của tôi cho năm 2017 (1) và 2018 (2)), chúng ta hãy thử tìm hiểu xem những "điểm nóng" nguy hiểm nhất của năm 2019 là ở đâu?
1. Biển Đông
Biển Đông đã bị cuốn vào với cuộc đụng độ thương mại đang gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Hiện tại, cuộc xung đột đó đang diễn ra trong các cuộc trao đổi về những lời hoa mỹ, thuế quan và nhiều biện pháp trừng phạt thương mại khác. Hoa Kỳ và Canada gần đây đã leo thang xung đột bằng cách bắt giữ một giám đốc điều hành của một công ty Trung Cộng là Huawei, dẫn đến các bước phản công của Trung Cộng chống lại công dân Canada và các công ty Hoa Kỳ.
Cho đến nay, Hoa Kỳ và Trung Cộng vẫn chưa ràng buộc chặt chẽ hai cuộc chiến thương mại và các tranh chấp đang diễn ra tại Biển Đông vào với nhau. Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa hai nước xấu đi, một trong hai quốc gia có thể sẽ quyết định leo thang vượt quá vấn đề của kinh tế và tài chánh, cũng như ngôn ngữ ngoại giao và hồ sơ pháp lý. Thật vậy, nếu Trung Cộng và Hoa Kỳ kết luận rằng mối quan hệ thương mại của họ (đã cung cấp nền tảng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai thập niên vừa qua) có nguy cơ đáng kể, và có thể là sẽ cùng đưa đến kết luận tương tự là không thể tránh khỏi sự xung đột "thẳng tay" ở Biển Đông.
2. Ukraine
Thế giới nhớ đến Ukraine khi một biến cố tại lối đi vào Biển Azov dẫn đến những vụ nổ súng, bắt giam thủy thủ và giam giữ hai tàu tuần tra của Ukraine. Cho dù nguyên nhân của biến cố này khởi sự bởi Nga hay Ukraine (và cả hai chính phủ dường như đã có dính líu vào đó), việc đánh chặn đã tái hiện sự căng thẳng của một cuộc khủng hoảng đã âm ỉ trong vài năm qua. Việc chính phủ Ukraine tuyên bố thiết quân luật đã cho thấy tình hình bất ổn ở Ukraine.
Để chắc chắn, Nga dường như không có bất kỳ mối quan tâm nào trong việc phá vỡ hiện trạng của khu vực trước cuộc bầu cử của Ukraine, trong khi chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục tỏ ra thiếu khả năng để có thể thay đổi hiện tình của quốc gia. Cuộc bầu cử sắp tới có thể sẽ không thay đổi chính sách căn bản, nhưng lại có thể gây ra sự bất ổn. Do căng thẳng liên tục giữa Nga và Hoa Kỳ, ngay cả một sự thay đổi nhỏ cũng có thể đe dọa sự cân bằng, vốn đã bấp bênh, đã có từ nhiều năm qua, có khả năng khiến Đông Âu rơi vào cảnh hỗn loạn.
3. Vịnh Ba Tư (Persian Gulf)
Cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự không ngừng ở Trung Đông đã trở nên một sự kiện tẻ nhạt khó chịu (uneasy tedium). Áp lực kinh tế đối với Iran vẫn tiếp tục gia tăng, khi Hoa Kỳ thực hiện các bước mạnh mẽ hơn bao giờ hết để hạn chế thương mại, kinh tế của quốc gia này. Cuộc chiến của Ả Rập Saudi ở Yemen cho thấy không có dấu hiệu giảm bớt, và trong khi cuộc nội chiến ở Syria đã trở nên chậm chạp và giảm thấp xuống, trong khi đó cả Hoa Kỳ và Nga vẫn cam kết sự hỗ trợ của họ với các đối tác và các thành phần ủy nhiệm (proxy) của họ.
Nhưng giống như bất kỳ đám cháy chậm nào, cuộc xung đột vẫn có thể tái xuất hiện. Bất ổn chính trị ở Iran có thể gây bất ổn cho toàn khu vực, hoặc đẩy Iran vào hành vi gây hấn hoặc biến Cộng Hòa Hồi Giáo trở thành mục tiêu hấp dẫn cho kẻ thù của họ. Căng thẳng giữa người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq có thể nổ ra xung đột rộng lớn bất cứ lúc nào. Cuối cùng, nhà lãnh đạo có tính tình bất thường (mercurial leader) của Ả Rập Saudi đã chứng minh hết lần này đến lần khác với lời tuyên bố chấp nhận rủi ro, ngay cả khi những lời rỉ tai về sự ổn định của Vương Quốc ngày càng trở nên lớn và rõ ràng hơn. Do tầm quan trọng chiến lược của khu vực, bất kỳ sự bất ổn nào cũng có thể dẫn đến xung đột giữa Hoa Kỳ và Nga, hoặc thậm chí là Trung Cộng.
4. Bán đảo Triều Tiên
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự căng thẳng trên Bán Đảo Triều Tiên đã giảm rất nhiều trong năm vừa qua, vì Kim Jong-un đã chứng tỏ thiện chí bằng một vài cấm đoán đối với các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, và Tổng thống Donald Trump đã giảm bớt những lời mạnh mẽ về việc đối đầu với Bắc Hàn. Và thực sự, triển vọng của một nền hòa bình chắc chắn và lâu dài có vẻ sáng sủa hơn bất cứ lúc nào kể từ giữa thập niên 1990.
Tổng thống Trump đã đặt uy tín của mình vào một thỏa thuận với Bắc Hàn, nhưng những cạm bẫy nghiêm trọng vẫn còn, bởi vì Bắc Hàn vẫn chưa thực hiện các điều kiện quan trọng như việc đã không đình chỉ, hoặc thậm chí làm chậm việc sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Các cố vấn của Tổng thống Trump đã nhận ra điều này và không hài lòng về mâu thuẫn căn bản trong cuộc thỏa thuận này. Chỉ cần ông Trump nói xấu về Kim, hoặc các thành phần của chính quyền làm hỏng bất kỳ thỏa thuận nào, hay nếu Kim nói xấu về Trump, thì mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể trở nên tồi tệ rất nhanh. Hơn nữa, cả Trung Cộng và Nhật Bản đều không thực sự tham gia vào sự hòa giải giữa Nam và Bắc Hàn về việc giải giới vũ khí hạt nhân, mặc dù họ có những lý do đưa đến sự hoài nghi hoàn toàn khác nhau. Với tất cả những điều nói trên, tình hình ở Bán Đảo Triều Tiên vẫn nguy hiểm hơn nhiều so với những đánh giá lạc quan nhất có thể sẽ được đưa ra.
5. Không thể đoán trước được?
Là một đại tá tại Đại Học Chiến Tranh Quân Đội Hoa Kỳ tôi luôn ghi nhớ rằng "Hoa Kỳ đã dự đoán sai lầm mọi cuộc xung đột kể từ Chiến Tranh Triều Tiên (25 tháng Sáu, 1950 – 27 tháng Bảy, 1953). Thì tại sao chúng ta lại hy vọng những dự đoán về Thế Chiến thứ III sẽ khác đi?" Các cường quốc có khuynh hướng dành các nguồn lực ngoại giao, quân sự và chính trị cho những trường hợp họ coi là xung đột nghiêm trọng nhất trên địa bàn của họ. Những cuộc xung đột ít nghiêm trọng hơn sẽ không được chú ý nhiều, có nghĩa là đôi khi chúng có thể phát triển thành những cuộc đối đầu nghiêm trọng trước khi bất kỳ ai chú ý đến những gì đã xảy ra. Một cuộc xung đột bất thình lình có thể xuất hiện ở Baltics, ở Azerbaijan, Kashmir hoặc thậm chí ở Venezuela, nhưng Hoa Kỳ, Trung Cộng và Nga không thể tập trung vào quá nhiều nơi như thế được. Nếu Thế Chiến Thứ III xảy ra, nó có thể đến từ một hướng hoàn toàn bất ngờ.
Những Ý Nghĩ Sau Cùng
Có phải tình hình an ninh của thế giới ngày nay nguy hiểm hơn so với một năm trước? Có lẽ là không, mặc dù sự suy giảm của mối quan hệ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ mang ý nghĩa xấu cho tương lai. Các "điểm nóng" có thể thay đổi theo thời gian, nhưng nền tảng căn bản của xung đột, sự suy yếu của quyền bá chủ quân sự của Hoa Kỳ và trật tự quốc tế toàn cầu đi kèm với nó có nghĩa là tương lai gần có thể sẽ trở nên nguy hiểm hơn so với trước đây.
Tham khảo:
5 Places Where World War III Could Start in 2019
https://nationalinterest.org/blog/buzz/5-places-where-world-war-iii-could-start-2019-39372
Chú thích:
Dr Robert Farley, người đóng góp thường xuyên cho TNI, là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Chiến Tranh Quân Đội Hoa Kỳ. Các quan điểm trình bày trong bài là quan điểm riêng của tác giả và không nhất thiết phản ánh chính sách hoặc vị trí chính thức của Quân Đội, Bộ Quốc Phòng hoặc Chính Phủ Hoa Kỳ.
(1) https://nationalinterest.org/blog/the-buzz/5-places-world-war-iii-could-start-2017-18760
(2) https://nationalinterest.org/blog/the-buzz/5-places-world-war-iii-could-start-2018-23686
Post a Comment