Header Ads

Giành Lại Hoàng Sa Chỉ Là Ảo Tưởng?


Mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước trong thời điểm vô cùng khó khăn này đừng nên gieo rắc các ý tưởng đầu hàng Trung Cộng và cũng không nên lấy chiều dài của đời mình để đo lịch sử. Một người bình thường sống lâu nhất là trăm tuổi nhưng lịch sử là lịch sử trường tồn. Một người yêu nước, khôn ngoan, thức thời là người biết chọn một chỗ đứng, một hướng đi về phía dân tộc để tranh đấu và nếu cần để chết vì tương lai tự do, dân chủ và thịnh vượng cho con cháu mai sau.
Trần Trung Đạo

Một trong những điều kiện tiên quyết để một dân tộc tồn tại và phục hưng những giá trị vật chất và tinh thần đã bị cưỡng đoạt bởi một nước mạnh láng giềng là niềm tin vào sự trường tồn của lịch sử dân tộc và xây dựng nội lực chờ cơ hội quốc tế để giành lại chủ quyền.

Đó không phải lời an ủi suông mà là các yếu tố quyết đinh.

Nhờ nuôi dưỡng ý chí và đấu tranh cho lý tưởng phục hưng mà thế giới ngày nay có thêm những nước thịnh vượng như Ba Lan, Tiệp Khắc, Latvia, Estonia, Lithuania,  Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và khá nhiều quốc gia khác. Những quốc gia này thoạt nghe tưởng đã có mặt từ xa xưa lắm, không, họ thật sự chỉ chính thức hiện diện như những nước cộng hòa sau khi Đế quốc Nga, Đế quốc Đức và Đế quốc Ottoman tan rã.

Một danh ngôn chắc ai cũng biết “Mọi đế quốc đều sụp đổ” nhưng lý do gì làm một đế quốc phải sụp đổ?  Câu trả lời là bành trướng và rạn nứt dần do các mâu thuẫn đối kháng bên trong.

Như người viết đã trình bày trong bài Sự Sụp Đổ Của Đế Quốc Trung Cộng Và Bài Học Latvia Cho Người Việt Nam, bành trướng là một đặc điểm có tính bản chất của mọi đế quốc. Dù Mông Cổ hay Mughal ở Á Châu, Roman hay Ottoman ở Âu Châu đều tồn tại trên cơ sở bành trướng. Khi một đế quốc không bành trướng được nữa đế quốc đó sẽ phải sụp đổ.

Trung Cộng như hầu hết các nhà phân tích nhận xét là một đế quốc đang hình thành. Đế quốc này ngoài việc mang đầy đủ các đặc tính của các đế quốc đi trước nó, Trung Cộng còn đương đầu những bế tắc riêng:

(1) Một đất nước già nua. Hiện nay Trung Cộng là xã hội tiêu thụ nhưng có ít trẻ con hơn người già. Theo ước tính của đề án PewResearch Global Attitues Project, năm 2050 Trung Cộng sẽ chỉ tăng 25 triệu. Trong thời gian vài năm nữa, Trung Cộng sẽ là viện dưỡng lão khổng lồ. Một quốc gia già nua có nghĩa các chi phí an sinh xã hội, dịch vụ y tế cũng gia tăng một cách tương ứng và là một gánh nặng không chịu nổi cho đất nước 1.4 tỉ dân.

(2) Tham nhũng. Tham nhũng xảy ra ở mọi quốc gia trên thế giới nhưng tại các nước do đảng CS cai trị tham nhũng không chỉ trầm trọng mà còn có tính đảng.  Gọi là tính đảng bởi vì tình trạng tham nhũng phát sinh ngay trong lòng cơ chế chính trị, do cơ chế nuôi dưỡng, tràn lan sang các bộ phận của hệ thống và dần dần làm hư thối toàn xã hội.

(3) Thiếu tính chính danh lãnh đạo đất nước. Tại Trung Cộng chủ quyền của con người không tồn tại ngay cả trong lý thuyết chứ đừng nói chi là thực tế. Mọi quyền hạn đều tập trung trong tay đảng nhưng không ai bầu đảng CS, không ai trao cho đảng CS quyền lãnh đạo. Trong thời kỳ mới mở cửa, người dân tập trung xây dựng cuộc sống sau khi vừa bước ra khỏi thời tem phiếu nên có khuynh hướng chấp nhận hay không quá quan tâm đến việc ai lãnh đạo mình nhưng thái độ đó đang thay đổi nhanh chóng. Một Thiên An Môn bùng nổ và bị dập tắt bằng máu nhưng nhiều Thiên An Môn khác đang được hình thành.

(4) Bất ổn xã hội. Theo Gini Index, tiêu chuẩn đo lường mức độ mất cân xứng trong việc phân phối lợi tức gia đình, Trung Cộng là một trong số mười phần trăm mất cân xứng nhất trên thế giới. Xã hội bưng bít Trung Cộng không thể thích nghi với thế giới luôn đổi thay và sinh động. Các chính sách tự diễn biến đều có tính cách chiến thuật, phòng thủ, vá víu từng giai đoạn.

(5) Ô nhiễm môi trường sống. Đây là lãnh vực mà Trung Cộng giữ kỷ lục hàng đầu thế giới trong nhiều năm chưa có đối thủ tranh giành được. Điều kiện an toàn hầm mỏ, Trung Cộng cũng được vào mức tệ hại nhất thế giới. Nước, không khí, kỹ nghệ bị ô nhiễm là nguồn của các bịnh ung thư và các bịnh liên quan đến bộ phận hô hấp. Tuy che đậy, chính phủ Trung Cộng phải thừa nhận 70% sông, hồ bị ô nhiễm.

Theo nhận xét của Gordon Chang, nhà phân tích kinh tế chính trị đã làm việc 20 năm tại lục địa Trung Quốc: ”Mao Trạch Đông, người sáng lập ra Trung Cộng, xây dựng một xã hội bất bình thường và cô lập chính nó từ các quốc gia khác. Hệ thống đó có thể tồn tại mãi cho đến khi Trung Cộng biệt lập từ thế giới, nhưng những người kế tục Mao đã tìm cách mở cửa ra thế giới bên ngoài. Khi một quốc gia trở nên hội nhập nhiều hơn với các quốc gia khác, một lực đẩy áp dụng cho toàn thế giới – chính trị, kinh tế và xã hội – cũng ảnh hưởng Trung Cộng. Tại một điểm trong tiến trình này, hệ thống bất bình thường của Mao sẽ bị bỏ rơi vì về căn bản không thích hợp với vai trò mà Trung Cộng tìm kiếm trong hệ thống quốc tế. Một thời gian ngắn, chính phủ Trung Cộng sẽ không còn khả năng để đáp ứng với các thách thức của một xã hội mở rộng và năng động”.

Một phân tích khác của công ty Strafor, một công ty thông tin tình báo chiến lược toàn cầu hiện do George Friedman làm Chủ tịch Chấp hành cho rằng: “Chúng tôi đã phân tích vấn đề này trước đây về một hệ thống kinh tế Trung Quốc bất ổn và chúng tôi nghĩ sự bất ổn đó đạt điểm vỡ khi các mâu thuẫn nội tại của Trung Quốc bùng ra và tan nát”.

Mặc dù các tiên đoán về thời điểm Trung Cộng của Gordon Chang và Peter Zeihan không chính xác vì các chính sách tự diễn biến của giới cầm quyền Trung Cộng giúp kéo dài sự sống của chế độ nhưng các mâu thuẫn đối kháng bên trong Trung Cộng mà Gordon Chang cũng như Peter Zeihan nêu ra là đúng.

Để ngăn chận các mâu thuẫn đối kháng phát triển nhanh, về nội bộ, Trung Cộng áp dụng các kỹ thuật tuyên truyền phản nhân tính nhất để làm tê liệt mọi khả năng đối kháng của người dân, biến con người thành những động vật chỉ biết sống theo bản năng thấp hèn. Nhưng một chế độ chà đạp lên quyền con người như thế sớm hay muộn đều phải đổ, chỉ chưa được biết chính xác sẽ đổ cách nào và khi nào.

Các kịch bản sụp đổ của Trung Cộng.

Trung Cộng (1) buộc sẽ giảm cường độ các xung đột và tranh chấp với các nước láng giềng để tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ hay (2) sẽ phát động chiến tranh khu vực để có lý do duy trì quyền cai trị. Cả hai kịch bản đều là cơ hội  cho các nước nhỏ láng giềng có chân trong các liên minh tin cậy để đương đầu với Trung Cộng trong thế mạnh và qua đó phục hồi các giá trị vật chất cũng như tinh thần đã bị Trung Cộng cưỡng đoạt. Trường hợp của Việt Nam là Hoàng Sa và các phần đảo khác của Trường Sa.

Cục diện châu Á đang diễn ra có nhiều nét giống với cục diện Châu Âu trước Thế Chiến Thứ Nhất, ở đó các liên minh đang dần dần hình thành và kết hợp.

Nếu ai đó cho rằng Trung Cộng sẽ muôn năm trừng trị, không bao giờ đổ, thì không nói làm gì. Tuy nhiên, nếu đồng ý Trung Cộng sẽ đổ thì việc giành lại Hoàng Sa là một khả năng chứ không phải là ảo tưởng. Bản đồ châu Âu được vẽ đi vẽ lại nhiều lần và nhiều vùng đất được trao tay do công pháp quốc tế, thỏa hiệp, nhượng bộ hay áp lực.

Mọi người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước trong thời điểm vô cùng khó khăn này đừng nên gieo rắc các ý tưởng đầu hàng Trung Cộng và cũng không nên lấy chiều dài của đời mình để đo lịch sử. Một người bình thường sống lâu nhất là trăm tuổi nhưng lịch sử là lịch sử trường tồn. Một người yêu nước, khôn ngoan, thức thời là người biết chọn một chỗ đứng, một hướng đi về phía dân tộc để tranh đấu và nếu cần để chết vì tương lai tự do, dân chủ và thịnh vượng cho con cháu mai sau.

Trần Trung Đạo

Powered by Blogger.