Header Ads

Franklin Delano Roosevelt (1882-1945) Tổng Thống Hoa Kỳ Thứ 32


Phạm Văn Tuấn

30/1/1882
1896-1900
Sinh tại Hyde Park, tiểu bang New York.
Theo học trường trung học Groton tại Massachusetts
1900-04Theo học đại học Harvard, tốt nghiệp năm 1903
1904-07Theo học trường đại học Luật Khoa Columbia
17/3/1905Kết hôn với cô Anna Eleanor Roosevelt
1907Tham gia Luật Sư Đoàn
1911-13Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang New York
1913-20Thứ Trưởng Bộ Hải Quân dưới thời Tổng Thống Wilson
1920Thất cử Phó Tổng Thống trong liên danh đảng Dân Chủ
1921Bị bại liệt
1929-32Thống Đốc Tiểu Bang New York
1933-45Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 32
12/4/1945Qua đời tại Warm Springs, tiểu bang Georgia.

Ông Franklin D. Roosevelt là nhân vật duy nhất được dân chúng Hoa Kỳ bầu cử vào chức vụ Tổng Thống bốn lần, phục vụ đất nước Hoa Kỳ trong hơn 12 năm, lâu dài hơn tất cả các Tổng Thống khác, đây là một danh dự và sự tín nhiệm mà chưa thấy một vị Tổng Thống Hoa Kỳ nào đạt được. Tổng Thống F. D. Roosevelt đã điều hành chính quyền Liên Bang vượt qua được cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế và tập hợp một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới chưa từng thấy để giải phóng các dân tộc trên ba lục địa khỏi các chế độ độc tài áp chế.

Dùng chương trình Thử Thách Mới (New Deal), một kế hoạch về công bằng xã hội, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã mang lại sự an toàn cho các người cao tuổi, sự trợ giúp cho các người bị thất nghiệp, các thời gian làm việc ngắn hơn và lương bổng cao hơn cho giới công nhân. Ông Roosevelt cũng đã sửa đổi chính quyền liên bang, thêm vào chính quyền này hàng chục cơ quan và dịch vụ mới. Ông đã cải tổ các nguyên tắc của đảng Dân Chủ, làm tăng thêm quyền hạn của chính quyền trung ương theo như niềm tin tưởng của ông Alexander Hamilton và đã khiến cho Hoa Kỳ trở nên thịnh vượng hơn.

1/ Từ một gia đình giàu sang.

Ngôi nhà của ông Franklin Roosevelt ở New york
Franklin D. Roosevelt là con trai duy nhất của một nhân viên quản trị của công ty đường xe lửa Delaware & Hudson, chào đời ngày 30/1/1882 trong miền đất Springwood của người cha thuộc vùng Hyde Park, trong tiểu bang New York. Gia đình Roosevelt này có nguồn gốc từ ông Klaes Martensen Roosevelt, là người đã tới miền New Amsterdam lập nghiệp vào thập niên 1640. New Amsterdam là khu định cư đầu tiên của các người Hòa Lan, về sau khi xứ sở này thuộc về nước Anh thì được đổi tên là thành phố New York. Ông Klaes Van Roosevelt cũng là ông tổ của Theodore Roosevelt, vị Tổng Thống thứ 26 của Hoa Kỳ.
Theodore và Franklin là anh em bà con (fifth cousins). Franklin D. Roosevelt là con của ông James và bà Sara. Bà mẹ Sara là người trẻ hơn chồng 26 tuổi, thuộc gia đình Delano giàu có, đã là nhân vật điều khiển trong gia đình, ngay cả khi người con trai của bà đã trở thành vị lãnh đạo quốc gia. Vào thuở thiếu thời, cậu Roosevelt không theo học trường tiểu học mà được giáo dục do các thầy giáo dạy kèm (tutors) nhưng mỗi năm, cậu đều được gia đình đưa đi học hỏi trong các chuyến du lịch tại châu Âu.

Franklin Roosevelt năm 18 tuổi
Năm 14 tuổi, cậu Roosevelt theo học trường trung học Groton, một trường tư thục thuộc tiểu bang Massachusetts, rồi qua năm 1900, vào trường đại học Harvard, giống như người bà con là Theodore Roosevelt. Franklin Roosevelt đã theo môn Lịch Sử, tham gia các đội bơi thuyền và đội bóng đá, làm chủ biên của tờ báo Harvard Crimson, một nội san của nhà trường. Cũng trong thời gian theo học này, Franklin đã đính hôn với cô em họ xa Eleanor Roosevelt, trẻ hơn 2 tuổi, rồi mặc dù sự phản đối của bà mẹ, họ đã kết hôn vào ngày 17/3/1905, đã có 6 người con nhưng một người qua đời lúc mới được vài tuổi.

Khi theo học trường Luật Khoa Columbia, ông Roosevelt nhận thấy bộ môn Luật Học không hấp dẫn nhiều nên đã không thi tốt nghiệp nhưng các kiến thức của ông đủ để giúp ông đậu kỳ thi luật sư vào năm 1907. Vào tuổi 28, ông Roosevelt đã tham gia vào nhiều công tác chính trị với nguồn gốc gia đình thuộc đảng Dân Chủ. Năm 1910, ông đã đóng góp nhiều vào quỹ vận động tranh cử của đảng này và ngạc nhiên thấy rằng mình được lựa chọn ra tranh chức vụ thượng nghị sĩ tiểu bang (state senate) của hạt Dutchess (Dutchess County). Sự việc này có vẻ khôi hài bởi vì trong một nửa thế kỷ, chưa từng có một ứng viên Dân Chủ nào được bầu do hạt Dutchess cả. Dù sao, ông Roosevelt vẫn cố gắng, dùng chiếc xe hơi đi dạo trên mọi con đường làng để vận động và kết quả là ông đắc cử với đa số phiếu, hơn một ngàn phiếu dư và làm ngạc nhiên các nhà chính trị lâu năm.

Vào tuổi 29, ông Franklin D. Roosevelt đã hoạt động trong thượng viện tiểu bang, chống lại các nhân vật áp đảo chính trị của chính quyền địa phương, đặc biệt là không chịu khuất phục trước tổ chức đảng Dân Chủ Tammany Hall của thành phố New York. Sau khi được tái bầu vào thượng viện tiểu bang năm 1912, ông Franklin Roosevelt đã ủng hộ ông Woodrow Wilson trong cuộc bầu cử Tổng Thống, đối nghịch với ông Theodore Roosevelt. Khi ông Wilson đắc cử, ông Roosevelt đã được Tổng Thống Wilson bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Bộ Hải Quân. Ông Franklin Roosevelt rất vui mừng với chức vụ mới này, bởi vì chính trị là công việc làm của ông, còn tầu biển và lịch sử hàng hải là sở thích. Năm 1914, ông đã thất bại khi không được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh chức vụ Thượng Nghị Sĩ của tiểu bang New York, phần lớn cũng do sự phản đối của tổ chức Tammany Hall.

Sau khi Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến Thứ Nhất vào tháng 4/1917, ông Franklin Roosevelt muốn gia nhập quân đội nhưng ông Josephus Daniels là Bộ Trưởng Hải Quân đã khuyên nên lo làm các kế hoạch khác như thả mìn chống tầu ngầm trong vùng Bắc Hải và ông Franklin Roosevelt đã nổi tiếng là người thực hiện được nhiều công tác cụ thể. Năm 1918, ông Franklin Roosevelt đã thăm viếng nhiều mặt trận tại châu Âu và gặp gỡ nhiều nhân vật nước ngoài, nhờ đó đã thu thập được nhiều kinh nghiệm đối ngoại.

Vào năm 1920, Đại Hội Đảng Dân Chủ đã được tổ chức tại thành phố San Francisco vào tháng 6 và đã chỉ định ông James Cox thuộc tiểu bang Ohio làm ứng viên Tổng Thống và ông Roosevelt làm Phó Tổng Thống, là người được coi như đại diện cho các tiểu bang miền đông. Ông Roosevelt đã đi khắp các tiểu bang, diễn thuyết để cổ động cho đề tài tranh cử là Hội Quốc Liên (the League of Nations) nhưng Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu, ngăn cản việc Hoa Kỳ là một thành viên của Hội Quốc Liên và hơn nữa, đa số cử tri vào thời gian này còn lơ là với công việc của Hội Quốc Liên.

Kết quả là đảng Cộng Hòa đã thắng lớn với liên danh của ông Warren G. Harding, thượng nghị sĩ tiểu bang Ohio và Calvin Coolidge, thống đốc tiểu bang Massachusetts. Sự thất bại này không gây nhiều thiệt hại cho ông Franklin Roosevelt bởi vì ông còn quá trẻ, 38 tuổi, và ông vẫn là một lãnh tụ trong số các đảng viên Dân Chủ cấp tiến. Năm 1920, ông Franklin Roosevelt trở nên phó tổng giám đốc, điều khiển văn phòng tại thành phố New York, của công ty Tín Dụng Fedelity & Deposit có trụ sở chính đặt tại tiểu bang Maryland.

2/ Vượt qua các khó khăn vì mắc bệnh tê liệt.

Franklin Roosevelt - Hình chụp năm 1941
Từ trước, gia đình Roosevelt đã có một căn nhà trên hòn đảo Campobello, ngoài khơi của miền New Brunswick, thuộc nước Canada. Vào ngày 9/8/1921, trong khi bơi thuyền, ông Roosevelt bị ngã xuống nước và bị lạnh cóng. Ngày hôm sau, ông cảm thấy mệt mỏi rồi sau khi tập bơi trở lại, ông đã thấy một điều gì bất thường. Qua ngày hôm sau nữa, ông đã ghi lại: “chân trái của tôi không còn hoạt động được rồi sau đó là chân phải”.

Tới ngày 12/8, ông Roosevelt không thể đứng dậy bằng hai chân; lưng, cánh tay và bàn tay cũng bị tê liệt, không cầm nổi cây bút, ông đã mắc phải bệnh tê liệt (polio) một cách trầm trọng. Căn bệnh này đã khiến cho hai chân của ông không xử dụng được, ông Roosevelt đã phải tập đi bằng nạng và di chuyển bằng xe lăn. Nhiều người đã nghĩ rằng tương lai chính trị của ông bị coi như chấm dứt nhưng ông Franklin Roosevelt đã không nản lòng, ông tiếp tục viết thư, phổ biến các quan điểm và hội họp tại nhà. Ông đã nhận được sự giúp đỡ và khuyến khích của bà vợ và người phụ tá là ông Louis Howe.

Khi cư ngụ tại Warm Spring, Georgia, ông Roosevelt đã khám phá ra rằng bơi lội có thể giúp cho đôi chân của ông hoạt động tốt hơn, nhất là trong giòng suối nước ấm có chất khoáng. Tại các suối nước nóng, ông Roosevelt đã gặp nhiều bệnh nhân cũng bị tê liệt như ông, nhưng vì nghèo khó, họ không đủ khả năng để theo đuổi cách chữa trị bằng nước suối. Vào năm 1926, ông Roosevelt đã mua một vùng đất có suối nước nóng rồi qua năm sau, 1927, cùng với một số bạn bè, ông đã thành lập nên Tổ Chức Suối Nước Nóng Georgia (the Georgia Warm Spring Foundation) để giúp đỡ các bệnh nhân bị tê liệt.

Franklin Roosevelt - hình chụp năm 1924
Trong khi tập đi bằng nạng, ông Roosevelt đã hoạt động trở lại trên đấu trường chính trị, đã tiếp xúc với các lãnh tụ Dân Chủ trên toàn quốc. Tháng 6 năm 1924, ông đã vận động cho ông Alfred E. Smith, thống đốc tiểu bang New York, trong kỳ Đại Hội Đảng Dân Chủ, rồi 4 năm sau, vào năm 1928, ông Roosevelt một lần nữa đề cử ông Alfred Smith ra tranh cử chức vụ Tổng Thống với ông Herbert Hoover. Vào tháng 10 năm đó, đại hội đảng Dân Chủ tiểu bang đã chọn ông Roosevelt ra tranh chức Thống Đốc tiểu bang New York và ông Franklin Roosevelt đã vận động ráo riết và đã đắc cử với số phiếu sai biệt nhỏ, thắng ông Albert Ottinger, bộ trưởng tư pháp của tiểu bang New York.

Tại chức vụ thống đốc mới này, ông Roosevelt đã thúc đẩy chính quyền địa phương phải giảm thuế cho các nông gia khi gặp các khó khăn kinh tế. Ông cũng cổ động cho chương trình trợ giúp người già và khi thị trường chứng khoán sụp đổ và cuộc Đại Khủng Khoảng Kinh Tế bắt đầu vào tháng 10 năm 1929, ông Roosevelt đã nổi tiếng về các công tác cải cách xã hội. Sau khi được bầu lại với đa số phiếu vào năm 1930, ông Roosevelt đã kêu gọi chính quyền cung cấp 20 triệu Mỹ kim cho các người thất nghiệp, đây là thứ trợ giúp thất nghiệp trực tiếp đầu tiên.

Kỳ Đại Hội Đảng Dân Chủ năm 1932 đã đề cử ông Franklin D. Roosevelt ra tranh cử Tổng Thống và ông Roosevelt đã nói: “Tôi hứa với quý vị, tôi hứa với tôi, là sẽ có một chương trình Thử Thách Mới (a new deal) dành cho dân chúng Hoa Kỳ”. Ông Franklin D. Roosevelt đã viếng thăm 38 tiểu bang, chứng tỏ cho các cử tri thấy rõ là ông có đủ khả năng thể chất để lãnh nhận chức vụ Tổng Thống. Ông cũng hứa sẽ trợ giúp các người bị thất nghiệp, các nhà nông và làm cân bằng ngân sách.

Trong cuộc bầu cử năm 1932 này, dân chúng Mỹ đã coi đảng Cộng Hòa và ông Hoover thất bại trước cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế, nên đã bầu ông Franklin D. Roosevelt với đa số phiếu (landslide) gồm 22,809,638 phiếu phổ thông so với 15,758,901 phiếu của ông Hoover, và 472/59 phiếu cử tri đoàn (electroral votes). Để chào mừng chiến thắng của ông Franklin D. Roosevelt, nhiều người đã ca bài hát phổ thông “Ngày Hạnh Phúc Trở Lại” (Happy Days are Here Again). Đây là bản nhạc vận động tranh cử của đảng Dân Chủ.

Trước thời gian nhậm chức, ông F. D. Roosevelt đã thoát hiểm vào ngày 15/2/1933 khi tên sát nhân Giuseppe Zangara đã bắn ông tại Miami, Florida. Người cùng ngồi chung xe hơi với ông là Thị Trưởng Anton J. Cermak của thành phố Chicago bị chết.

3/ Nhiệm kỳ Tổng Thống đầu tiên của ông Franklin D. Roosevelt (1933-37).

Khi Tổng Thống F. D. Roosevelt ở tuổi 51 nhận chức vụ vào ngày 4/3/1933, Hoa Kỳ ở vào tình trạng kinh tế suy sụp một cách tuyệt vọng. Đã có hàng triệu người thất nghiệp, hàng ngàn nông dân bị tịch biên tài sản trong ngân hàng, hàng ngàn ngân hàng phải khai phá sản, đa số cơ sở thương mại phải đóng cửa để tránh khỏi bị thiệt hại hơn nữa. Người dân Hoa Kỳ vào thời gian này thường lắng nghe Tổng Thống F.D. Roosevelt nói chuyện qua máy phát thanh: “Công tác chính của chúng ta là phải giúp cho mọi người có công việc làm... “.

Vào nhiệm kỳ đầu tiên, rất nhiều người đã từng giúp ông Franklin D. Roosevelt vận động tranh cử, vẫn tiếp tục làm việc trong các công tác mới, như các ông Adolf A. Berle, Harry L. Hopkins, Raymond Moley, Samuel I. Rosenman và Rexford G. Tugwell... Một tờ báo đã gọi nhóm nhân vật này là “Bộ não tin cẩn của ông Roosevelt” (Roosevelt’s Brain Trust).

Chính phủ của Tổng Thống F. D. Roosevelt cũng gồm bà Franes Perkins làm Bộ Trưởng Lao Động. Đây là phụ nữ đầu tiên trong chính phủ. Ngoài ra còn có ông Henry Morgenthau, Jr., Bộ Trưởng Ngân Khố vào năm 1934 và ông John N. Garner, Bộ Trưởng Nội Vụ.

Theo như lời hứa, trong 100 ngày Tổng Thống F. D. Roosevelt đã cải tổ chính quyền Liên Bang bằng một công thức làm việc chưa từng thấy trong thời bình. Trong các năm của nhiệm kỳ thứ nhất, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã tạo nên rất nhiều cơ quan mới trong chính quyền trung ương. Vào ngày 6 tháng 3 năm 1933, ông công bố một ngày “ngân hàng nghỉ làm việc” (bank holiday) để đóng cửa tất cả các ngân hàng trên toàn quốc, thanh tra từng ngân hàng một và chỉ cho phép các cơ sở này mở cửa lại khi thấy họ hội đủ các điều kiện cần thiết. Tổng Thống F. D. Roosevelt cũng đã triệu tập một hội nghị các thống đốc vào ngày mồng 6, báo tin rằng chính quyền liên bang sẽ can thiệp vào từng tiểu bang để tránh cảnh nghèo đói nếu mỗi địa phương thất bại trong các hành động sửa chữa.

Ngày 9 tháng 3, Tổng Thống F. D. Roosevelt đệ trình Quốc Hội các đạo luật phục hồi và cải cách, phần lớn các đề nghị này đã được Quốc Hội chấp thuận với đa số phiếu. Thời gian làm việc của Quốc Hội này được gọi là “100 Ngày” (the Hundred Days), thực ra là 99 ngày, kéo dài từ ngày 9 tháng 3 tới ngày 16 tháng 6.

Vào ngày 13, các ngân hàng với cách hoạt động đúng đắn đã được phép mở cửa lại. Sau đó đạo luật Điều Chỉnh Nông Nghiệp (the Agricultural Adjustment Act = AAA) được Quốc Hội thông qua, đã giúp cho các nông gia có thêm khả năng mua bán và giới hạn các thặng dư nông sản. Đạo luật Phục Hồi Kỹ Nghệ Quốc Gia (the National Industrial Recovery Act = NIRA) là một phương pháp điều hành thương mại mới. Luật Quyền Hạn Thung Lũng Tennessee (the Tennessee Valley Authority = TVA) được đặt ra để phát triển nguồn thủy điện trong miền thung lũng Tennessee. Cơ Quan Cho Vay Tiền các Chủ Nhà (the Home Owners Loan Corporation) đã trợ giúp các chủ nhà khỏi bị siết nợ.

Bằng nghị định, Tổng Thống F. D.  Roosevelt đã quyết định không dùng vàng làm bản vị tiền tệ để tránh cho kho dự trữ vàng không bị thất thoát, đồng thời Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp Liên Bang (the Federal Emergency Relief Administration) với ông Harry Hopkins đứng đầu, đã cung cấp các món tiền vay trực tiếp tới các tiểu bang để giúp đỡ các người bị thất nghiệp, Cơ Quan Bảo Toàn Dân Sự (the Civilian Conservation Corps = CCC) đã được tổ chức để cung cấp nhiều công việc làm cho giới trẻ. Về ngoại giao, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã phục hồi các liên lạc với Liên Xô do mối quan hệ này đã bị cắt đứt sau cuộc Cách Mạng Nga năm 1917. Vào năm 1933, lần đầu tiên sau 16 năm trường, hai nước Hoa Kỳ và Liên Xô trao đổi các đại sứ.

Trong các năm gần cuối của nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã hướng dẫn Quốc Hội thành lập nhiều cơ quan mới thuộc chính quyền liên bang, kể cả Cơ Quan Quản Trị Truyền Thông Liên Bang (the Federal Communications Commission = FCC), Cơ Quan Trao Đổi Chứng Khoán Liên Bang (the Securities Exchange Commission), Cơ quan Quản Trị Gia Cư Liên Bang (the Federal Housing Administration), Hội Đồng Tài Nguyên Quốc Gia (the National Resources Board), Cơ Quan Quản Trị Điện Hóa Nông Thôn (the Rural Electrification Administration)...

Tổng Thống F.D. Roosevelt ký đạo luật an toàn xã hội
14 tháng Tám, năm 1935
Vào năm 1935, Tổng Thống F. D. Roosevelt cũng thúc dục Quốc Hội thông qua các biện pháp an toàn xã hội (social security) để cung cấp tiền hưu cho các người cao niên, tạo ra loại bảo hiểm thất nghiệp, giúp đỡ trẻ em thiếu thốn và tổ chức các dịch vụ y tế.

Vào năm 1936, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã đắc cử lần thứ hai, thắng lớn ứng cử viên Cộng Hòa là ông Alfred M. Landon, thống đốc tiểu bang Kansas, theo một tỉ lệ rất cao: 27,752,869 phiếu so với 16,674,665 phiếu phổ thông của ông Landon. Phiếu cử tri đoàn là 523/8. Ông Landon chỉ thắng lợi tại hai tiểu bang Maine và Vermont.

4/ Nhiệm Kỳ Tổng Thống lần thứ hai (1937-41).

Trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai vào ngày 20/1/1937, Tổng Thống F. D.  Roosevelt thẳng thắn nhìn nhận rằng đất nước Hoa Kỳ chưa đạt được tình trạng của thứ “thung lũng hạnh phúc” (happy valley) như ông đã hình dung trong nhiệm kỳ đầu. Ông đã hứa rằng sẽ làm việc để giải tỏa một phần ba số người của quốc gia còn chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi ở.

Từ năm 1935, Pháp Viện Tối Cao Hoa Kỳ bắt đầu gây khó khăn cho chương trình Thử Thách Mới của Tổng Thống F. D. Roosevelt bằng cách công bố rằng các cơ quan như NIRA và AAA không hợp hiến. Phần lớn các vị quan tòa thuộc Pháp Viện Tối Cao là những người bảo thủ, đã từng được bổ nhiệm do các Tổng Thống Taft, Harding, Coolidge và Hoover, sáu trong số chín vị đã trên 70 tuổi. Vì thế Tổng Thống F. D. Roosevelt đã đề nghị dự luật đòi hỏi các vị quan tòa trên 70 tuổi phải về hưu, công bố rằng ông muốn thấy “một ngành công lý nhìn các vấn đề mới qua các cặp kính mới”. Khi Quốc Hội ngăn cản chương trình của Tổng Thống F. D.  Roosevelt, gọi đó là một cố gắng để “đóng gói Tòa Án Tối Cao”, Tổng Thống Roosevelt đã trình bày cho dân chúng biết qua các “buổi nói chuyện bên lò sưởi”, bảo vệ nhu cầu cần phải thay đổi nhân sự của các tòa án.

Thế rồi bỗng nhiên, không cần tới một cải cách nào trong ngành Tư Pháp, Tòa Tối Cao đã dùng một đường lối cấp tiến hơn, không cho phép các tiểu bang ấn định số tiền lương tối thiểu và chấp nhận rằng các đạo luật về an toàn xã hội của liên bang (the federal social security laws) thì hợp hiến. Thời gian trôi dần qua, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã có cơ hội bổ nhiệm vị Chánh Án Tối Cao Pháp Viện mới và tám vị khác đều có quá trình cấp tiến.

Vào thời gian này, các đám mây u ám của chiến tranh tại châu Âu đang dần dần xuất hiện. Khối Trục (the Axis powers) gồm các nước Đức, Ý và Nhật càng trở nên hùng mạnh hơn và hiếu chiến hơn trong thập niên 1930, vẫn đang tấn công và chiếm cứ các nước nhỏ lân bang. Tổng Thống F. D. Roosevelt đã cảnh cáo Hitler và Mussolini rằng nếu họ gây ra chiến tranh, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Năm 1935, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật Trung Lập đầu tiên (the first Neutrality Act), ngăn cấm Hoa Kỳ cung cấp võ khí và tiếp liệu cho bất cứ quốc gia nào đang lâm chiến. Tổng Thống F. D. Roosevelt không bằng lòng với đạo luật này bởi vì theo đó mọi quốc gia đều bị coi như nhau, dù là nước xâm lăng hay bị xâm lăng. Đạo luật kể trên còn khiến cho Hoa Kỳ không thể giúp đỡ các nước bạn đang lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm trong khi các nước trong khối Trục là Đức, Ý và Nhật đang làm hại nền Dân Chủ trên thế giới.

Vào giữa thập niên 1930, Nhật Bản đã tấn công Trung Hoa, tạo nên sự đe dọa cho nền hòa bình của thế giới. Tổng Thống F. D. Roosevelt đã nhắc nhở các quốc gia khác về sự nguy hiểm này và cùng với Ngoại Trưởng Cordell Hull, tin tưởng rằng Hoa Kỳ cần phải giúp đỡ các nước khác trang bị quân lực để tự vệ. Dưới sự thúc dục của Tổng Thống F. D. Roosevelt, Quốc Hội Hoa Kỳ đã xét lại các đạo luật trung lập vào năm 1939, cho phép Hoa Kỳ có thể bán các tiếp liệu cho các nước bạn chống lại khối Trục.

Khi quân đội của Hitler tiến vào đất Ba Lan vào ngày 01 tháng 9 năm 1939, khởi đầu cuộc Thế Chiến Lần Thứ Hai, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã trình bày với quốc dân trong cuộc nói chuyện bên lò sưởi rằng: “Tôi đã nhìn thấy chiến tranh và tôi ghét chiến tranh. Tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ ở ngoài cuộc chiến tranh này”.

Đạo luật Trung Lập năm 1939 (the Neutrality Act of 1939) đã cho phép các nước chống lại khối Trục được quyền mua tiếp liệu chiến tranh của Hoa Kỳ rồi qua tháng 11/1941, Quốc Hội Hoa Kỳ còn cấm đoán các tầu bè Mỹ ở trong vùng chiến tranh và cấm mang theo súng.

Năm sau, khi Đại Hội đảng Dân Chủ diễn ra thì nước Pháp đầu hàng quân đội Đức và nước Anh đang đứng một mình, bị bao vây và chịu đựng các hiểm nguy. Mặc dù khước từ nhiệm kỳ thứ ba nhưng Tổng Thống F. D. Roosevelt đã được mọi người đồng thanh chỉ định làm ứng viên, với ông Henry A. Wallace, cựu bộ trưởng Canh Nông, làm ứng viên Phó Tổng Thống. Đảng Cộng Hòa đưa ra một nhân vật mới là ông Wendell L. Willkie, tổng giám đốc một đại công ty thuộc tiểu bang Indiana với nhân vật phó là Thượng Nghị Sĩ Charles L. McNary của tiểu bang Oregon. Cuộc vận động tranh cử đã diễn ra trong khi châu Âu lâm vào tình trạng u tối của chiến tranh.

Vào tháng 9, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã thương lượng với nước Anh, bằng lòng cho nước Anh mượn 50 khu trục hạm cũ để đổi lấy căn cứ hải quân trong miền Tây Ấn. Trong cuộc bầu cử lần này, ông Roosevelt đã được đa số phiếu, dù không nhiều bằng lần trước: 27,307,819 phiếu so với 22,312,018 phiếu của ông Willkie, phiếu cử tri đoàn là 449/82.

Tổng Thống F. D. Roosevelt tái đắc cử lần này là do dân chúng Hoa Kỳ tin tưởng vào tài lãnh đạo và kinh nghiệm của ông, là hai thứ rất cần thiết trong hoàn cảnh thế chiến. Trong bài diễn văn gửi cho Quốc Hội vào tháng 1 năm 1941, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã nói rằng: “Trong các ngày sắp tới, chúng ta trông mong thế giới được đặt trên căn bản của bốn thứ tự do của con người. Thứ nhất là tự do ngôn luận và tư tưởng, ở mọi nơi trên thế giới. Thứ hai là mỗi người được tự do thờ phượng Thượng Đế theo cách riêng, ở mọi nơi trên thế giới. Thứ ba là tự do về nhu cầu (freedom from want), có nghĩa là mọi quốc gia đều được hưởng đời sống hòa bình an lạc. Thứ tư là tự do không bị sợ hãi (freedom from fear), có nghĩa là cắt giảm binh bị trên thế giới khiến cho không một quốc gia nào ở vị trí xâm lăng nước láng giềng”.

5/ Nhiệm kỳ thứ ba (1941-45) và thứ tư (1945-    ).

Tổng Thống Roosevelt và Winston Churchill
trên khu trục hạm HMS Prince of Wales (1941)
Vào tháng 8 năm 1941, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã gặp Thủ Tướng Anh Winston Churchill trên một khu trục hạm bỏ neo trong miền bắc Đại Tây Dương để thảo ra một tài liệu gọi là “Hiến Chương Đại Tây Dương” (the Atlantic Charter) trong đó có 8 nguyên tắc chung để dùng cho nền hòa bình sau này. Các nguyên tắc này bảo đảm sự tự do trên mặt biển, khiến cho các quốc gia có quyền tự do chọn lựa chính thể và theo đuổi nền mậu dịch hòa bình trên thế giới.

Từ nay, Hoa Kỳ chấm dứt thương mại với Nhật Bản bởi vì nước này đã xâm lăng vùng Đông Nam Á. Vào tháng 12 năm 1941, một đoàn đại biểu đặc biệt của Nhật Bản đã tới thủ đô Washington để đàm phán với chính phủ Hoa Kỳ. Vào ngày 7 tháng 12, Nhật Bản đã oanh tạc căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng (Pear Harbor) mà không tuyên chiến và tấn công các hòn đảo Phi Luật Tân. Gọi đây là “ngày ô nhục”, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã kêu gọi Quốc Hội tuyên chiến với Nhật Bản. Ba ngày sau đó, 11/12/1941, Hoa Kỳ cũng tuyên chiến với Đức và Ý. Vào thời gian này, Hoa Kỳ đang ở vào tình trạng rất khó khăn. Chiến tranh đang lan rộng trên cả hai vùng Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Hải Quân Hoa Kỳ đã bị tê liệt sau trận tấn công Trân Châu Cảng do Nhật Bản. Tại miền tây Hoa Kỳ, đa số dân chúng coi Nhật Bản là kẻ thù quan trọng nhất trong khi tại miền đông, nhiều người muốn Hoa Kỳ đánh bại Đức Quốc Xã trước tiên.

Dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống F. D. Roosevelt, Hoa Kỳ đã làm mọi cách để chiến thắng, với các cách kiểm soát về giá cả và lương bổng, hàng trăm tỉ mỹ kim được phân phối, hơn một triệu người bị gọi nhập ngũ và được huấn luyện quân sự ít nhất một năm, nhân lực được vận dụng tối đa, nhiều cách kiểm duyệt được áp dụng, các cuộc đình công bị cấm đoán... trong khi đó một dự án võ khí khủng khiếp được che dấu, không cho dân chúng và quân địch biết rõ: bom nguyên tử.

Vào tháng 12/1941 và tháng 1/1942, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã hội họp với Thủ Tướng Churchill trong Tòa Nhà Trắng và cả hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng Hoa Kỳ chưa thể đánh trả thật mạnh quân đội Nhật Bản cho đến khi nào Hải Quân được hồi phục, trong khi đó cả người Anh lẫn người Nga đều mong mỏi Đức Quốc Xã bị tiêu diệt sớm nhất, vì vậy hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh đã quyết định rằng sẽ đánh bại quân Đức trước tiên. Tổng Thống F. D.  Roosevelt cũng khuyên các quốc gia Đồng Minh nên dùng danh nghĩa Liên Hiệp Quốc khi chống Đức, Ý, Nhật. Sự hợp tác này đã là căn bản cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc được thành lập vào thời bình trong năm 1945.

Vào ngày đầu năm 1942, 26 quốc gia đồng ý ghi tên ủng hộ Hiến Chương Bắc Đại Tây Dương và đồng ý chiến đấu chống khối Trục tới thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc chiến tranh, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã nhiều lần thảo luận với Thủ Tướng Churchill và các nhà lãnh đạo Đồng Minh khác. Ông là Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên ra khỏi nước trong thời kỳ chiến tranh. Ngày 8/11/1942, quân đội Đồng Minh đã đổ bộ lên Bắc Phi. Đây là cuộc hành quân lớn lao nhất trong lịch sử tính tới thời đại đó. Sau cuộc hội nghị năm 1943 tại Casablanca thuộc xứ Morocco, Tổng Thống Mỹ và Thủ Tướng Anh đã công bố rằng chiến tranh sẽ tiếp diễn cho tới khi Khối Trục phải đầu hàng vô điều kiện.

Trong thời kỳ chiến tranh này, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã giảm bớt các giải trí tại Tòa Nhà Trắng, các quy luật an ninh được áp dụng tại đây, súng phòng không được đặt trên nóc nhà và các kỹ sư đã xây dựng một hầm trú bom ở sâu dưới đất.

Vào năm 1943, hơn 10 triệu người Mỹ đã bị gọi nhập ngũ và lực lượng Đồng Minh bắt đầu đẩy lui quân đội của phe Trục. Quân đội Đồng Minh dưới quyền chỉ huy của Tướng Dwight Eisenhower đã đổ bộ lên đất Pháp vào tháng 6 năm 1944. Cùng vào tháng này, Đại Hội Toàn Quốc của Đảng Cộng Hòa đã hội họp và đề cử ông Thomas E. Dewey, Thống Đốc New York, làm ứng viên tổng thống và Thống Đốc Ohio là John W. Bricker, đứng chung liên danh.
Vào tháng 7, ông Roosevelt tuyên bố: “Nếu Đại Hội của đảng Dân Chủ đề cử tôi... tôi sẽ nhận lời”. Lại một lần nữa, ông Roosevelt đã thắng cử với ông Harry S. Truman làm Phó Tổng Thống, nhưng với đa số phiếu nhỏ hơn, 25,606,585 so với số phiếu phổ thông 22,014,745 của ông Dewey, và số phiếu cử tri đoàn có tỉ lệ là 432/99, nhờ thắng lợi tại 36 trong số 48 tiểu bang.

Trong lễ nhậm chức vào tháng 1/1945, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã đọc bài diễn văn ngắn nhất trong lịch sử, chỉ dài 6 phút, qua đó ông đã xác nhận rằng “chúng ta không thể sống một mình trong hòa bình và sự an lạc của chúng ta tùy thuộc vào sự an lạc của các nước khác ở xa hơn”.

Churchill, Roosevelt, và Stalin
 tại hội nghị Yalta, tháng Hai năm 1945
Vào tháng 2/1945, Tổng Thống F. D. Roosevelt đã đi tới Yalta thuộc miền tây nam của Liên Xô để thảo luận các chương trình hòa bình với Thủ Tướng Winston Churchill của nước Anh và với nhà độc tài Joseph Stalin của Liên Xô. Vào ngày 11/2/1945, cả ba nhà lãnh đạo này đã ra Bản Tuyên Cáo Crimea (the Crimea Declaration) qua đó xác định lại các nguyên tắc của Bản Hiến Chương Đại Tây Dương (the Atlantic Charter) và của các buổi họp tại Casablanca. Các nhà lãnh đạo cũng đặt ra các kế hoạch tấn công cuối cùng, chiếm đóng các nước địch sau chiến tranh và đặt nền móng cho tổ chức Liên Hiệp Quốc. Sau cuộc họp thượng đỉnh này, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt bắt đầu nghi ngờ các thiện chí của phe Xô Viết và lo lắng trước các thái độ của những người Cộng Sản.

Tượng của TT F.D. Roosevelt
tại công viên Grosvenor, Anh Quốc
Khi trở lại Hoa Kỳ từ Yalta, Tổng Thống F. D. Roosevelt trông già nua hơn số tuổi 63. Vào cuối tháng 3 năm 1945, ông về Warm Springs, Georgia, để nghỉ ngơi. Vào ngày 12/4, trong khi làm việc tại bàn giấy và bà họa sĩ Elizabeth Schoumatoff vẽ chân dung của ông, bỗng nhiên Tổng Thống F. D. Roosevelt kêu đau đầu. Vài giờ sau, vào lúc 4:45 chiều, Tổng Thống F. D. Roosevelt qua đời vì bị chảy máu não. Tổng Thống Franklin D. Roosevelt được chôn cất tại Hyde Park, thuộc tiểu bang New York.

Tin buồn về Tổng Thống Franklin D. Roosevelt qua đời đã khiến cho hàng triệu người trên khắp thế giới phải buồn rầu, thương tiếc. Nước Anh đã nhớ các công lao đóng góp của ông vào việc bảo vệ quê hương này khỏi bị xâm lăng và tàn phá, nên đã xây dựng một bức tượng để tưởng niệm Tổng Thống Franklin D. Roosevelt trong Công Viên Grosvenor.

Giống như Tổng Thống Abraham Lincoln, Tổng Thống Franlin D. Roosevelt qua đời khi ông đã làm xong nhiệm vụ, khi hòa bình sắp tới gần. Tổng Thống Franlin D. Roosevelt đã đảm trách công việc lãnh đạo xứ sở trong những ngày tháng đen tối nhất và đã đưa Hoa Kỳ trở thành một quốc gia thịnh vượng và vinh quang vì chiến thắng.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, The Complete Book of U.S. Presidents by William A. Degregorio, Gramercy Books, N.Y. 2002.

https://en.wikipedia.org/wiki/Franklin_D._Roosevelt

Powered by Blogger.