Nhà Thờ Đà Lạt Mùa Giáng Sinh
Mùa Giáng Sinh thường là thời điểm kỳ diệu nhất trong suốt cả một năm với tiếng chuông nhà thờ ngân nga trong đêm vắng, với ánh nến lung linh huyền ảo và giọng thánh ca trầm bổng gợi lên những cảm xúc thanh thoát, êm đềm và thánh thiện trong lòng người. Vào dịp Giáng Sinh hằng năm, nhà thờ là nơi tập trung rất nhiều người cả trong đạo lẫn ngoài đạo đến tham dự lễ thật đông vui. Những người Đà Lạt cư ngụ tại đường Nguyễn Đình Chiểu, ấp Cô Giang… bên tai luôn vẳng nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng cõi trần gian.
Ghi lại những kỷ niệm với nhà thờ Cô Giang, một giáo đường xinh xắn, nhỏ bé, TÂM MINH cảm hứng viết bài “Tiếng chuông”:
Sáng đổ hồi reo vang
Nhạc vui theo chân Chúa
Dương thế được bình an…”
Nhưng hình như Đà Lạt lại là nơi hội tụ của mọi thương nhớ trong cuộc đời và dang dở trong cuộc tình, của chia ly và ngăn cách kể từ lúc tóc hãy còn xanh cho đến khi đã ngả màu, kể sao cho hết. Cô nữ sinh Trưng Vương NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG rời Sài Gòn lên ghé thăm thành phố sương mù, ôm mối tâm sự riêng, lang thang khắp nẻo đồi cao lũng thấp. Tiếng chuông nhà thờ Đà Lạt vang vọng không trung, theo với bước chân khách du, mãi còn âm hưởng trong lòng người cô quạnh để rồi được thể hiện thành những vần thơ sầu muộn trong bài “Đường chiều Đà Lạt”:
Tim em nhỏ bé, lớn chưa mau
Ngây thơ, tội lỗi trăm điều sợ
Đừng nói thương nhau, đừng đợi nhau.
Hồi chuông Cứu Thế vọng đìu hiu
Gác lạnh cheo leo đỉnh cô liêu
Tay viết nét gầy câu giã biệt
Chẳng thề, chẳng hẹn nói thương yêu
Đồi thông gió hú mãi không thôi
Ôm gối lệ hờn lã chã rơi
Đà Lạt đêm trường đong thổn thức
Khăn hoa thấm ướt giọt đầy vơi”…
Nhà thờ lớn nhất thành phố Đà Lạt là ngôi giáo đường ở gần khách sạn Palace được gọi là nhà thờ “Chánh Tòa”, hay còn cái tên dân gian là nhà thờ “Con Gà” vì trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà lớn. Nhà thờ được xây dựng từ 1931 đến 1942, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của Đà Lạt. Một bản nhạc nổi tiếng được gợi hứng từ nhà thờ Con Gà là bản: “Bài thánh ca buồn” của Nguyên Vũ.
Nhạc sĩ NGUYÊN VŨ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời thơ ấu ông sống ở Đà Lạt. Những năm tháng tuổi thơ sống ở thành phố sương mù đã tác động nhiều đến bước đường nghệ thuật của ông trong đó có “Bài thánh ca buồn”. Bài hát này là một trong những ca khúc pop-ballad được nhiều người Việt ưa chuộng vào mỗi dịp Giáng sinh.
Nhạc sĩ Nguyên Vũ cho biết:
Tôi không nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến thế. Khi viết ca khúc ấy, đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời gian trai trẻ của mình. Cái thời mà tôi chỉ dám ngắm nhìn người tôi mến, không dám mở lời làm quen…
Thuở tôi là một cậu bé 14 tuổi ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (TP. Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn đi ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc bồng bềnh trong gió cao nguyên. Ngày qua ngày, suốt hơn ba tháng trời, tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” của cô ấy. Kẻ trước người sau, mỗi bận đi lễ về phải đi bộ hơn 3km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi tôi không dám thốt. Lòng thành của tôi chỉ được hưởng một ân huệ cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…
Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng Sinh, tan lễ thì trời đổ mưa to, cô ấy nép vào một mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người đứng cách nhau độ một gang tay. Lẫn trong tiếng mưa vang lên giai điệu quen thuộc của bản thánh ca “Đêm thánh vô cùng” (Silent Night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: “Đêm Thánh vô cùng / Giây phút tưng bừng / Đất với trời, se chữ đồng… Cô ấy đưa tay hứng những giọt nước mưa và khe khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát cô ấy buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy run, khẽ đưa tay vuốt nhẹ những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo của cô ấy. Cô ấy bất chợt quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ vì “Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Ba ngày sau, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó, mỗi khi chợt nghe bài “Đêm thánh vô cùng” lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy… Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại “Đêm thánh vô cùng” từ chiếc máy đĩa, bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi trần thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi và “Bài thánh ca buồn” ra đời.
Đây là một chuyện tình buồn nhưng không bi lụy. Nhạc phẩm “Bài thánh ca buồn” được nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác trong hai tiếng vào một ngày tháng 10 năm 1972. Nội dung như sau:
Bài thánh ca đó còn nhớ không em. Noel năm nào chúng mình có nhau. Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt. Áo trắng em bay như cánh thiên thần. Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân.
Cùng nhau qùy dưới tượng Chúa cao sang. Xin cho đôi mình suốt đời có nhau. Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa. Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng. Ôi giọng hát em mênh mang buồn...
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau. Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu. Rồi một chiều áo trắng phai màu. Em qua cầu xác pháo bay sau.
Lời nguyện mình Chúa có nghe không. Sao bây giờ mình hoài xa vắng. Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian. Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu.
Rồi những đêm thánh đường đón Noel. Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu. Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối. Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn. Ðêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi.
Mùa Giáng Sinh Đà Lạt cũng luôn ở trong trái tim nhà thơ NHẤT TUẤN (Phạm Hậu). Trước 1975 nhà thơ là quân nhân, gia nhập trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, năm 1955, Khóa 12. Nhà thơ được biết đến nhiều qua những tập thơ “Truyện chúng mình” và tập truyện “Đời lính”. Thoạt tiên tình yêu thấp thoáng trong bài thơ “Truyện chúng mình”, chỉ gợi lên nỗi nhớ mong của người ở Đà Lạt bị xa cách với người ở Sài Gòn. Trong đời lính, phải rời xa Đà Lạt, từ nơi tiền đồn biên giới nhà thơ gửi lòng nhung nhớ về thành phố này nhân mùa Giáng Sinh khi viết bài “Niềm tin”:
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời.
Chắc Đà lạt vui lắm
Mimosa nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Hương ngào ngạt không gian.”
Có lúc tình yêu nơi giáo đường xuất hiện, trong hồi tưởng, nhà thơ chỉ nguyện cầu, ước mong “thấy” được người yêu nơi bài thơ “Cầu nguyện” (chứ không phải mong “lấy” được người yêu như bản nhạc đã đổi lời):
Để cho con thấy được người con yêu
Đời con đau khổ đã nhiều
Kể từ thơ dại đủ điều đắng cay
…
Bây giờ con đã gặp nàng
Không giàu, không đẹp, không màng lợi danh.
Chúng con hai mái đầu xanh
Chấp tay khấn nguyện trung thành với nhau.
Thề rằng sóng gió biển dâu,
Đã yêu… trước cũng như sau… giữ lời
Người ta lại bỏ con rồi,
Con quỳ lạy Chúa trên trời thương con.”
Bên một giáo đường khác nào đó hoa mimosa Đà Lạt khoe sắc vàng tươi thắm, nhưng trong lòng nhà thơ lại chỉ nổi lên kỷ niệm buồn bã với bài “Mimosa thôi nở”:
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu
Mimosa... bừng nở
Đẹp như tình ban đầu…
…Mới bốn mùa thu qua
Mimosa vẫn nở
Sao mối tình đôi ta
Ai làm cho dang dở
Đêm nay Noël đây
Chuông nhà thờ khắc khoải
Gió đồi lang thang bay
Mưa buồn giăng ngõ tối.
Anh quỳ bên tượng Chúa
Cúi đầu chắp hai tay
Lạy Chúa con chờ đợi
Người ngày xưa về đây
Nhưng em không về nữa
Đường khuya mưa bay bay
Mimosa thôi nở
Trong hồn anh đêm nay.”
Một ngôi giáo đường nhỏ bé khác của Đà Lạt cũng gợi nhớ một mùa Giáng Sinh với hoa anh đào khoe sắc thắm, Nhất Tuấn viết bài “Nhà thờ đường Cô Giang” với lời ghi chú “còn nhớ mãi ngôi giáo đường yêu dấu”:
Bây giờ anh vẫn nhớ
Nhà Thờ Đường Cô Giang
Chúa Nhật mình đến đó
Đa lạt vào Giáng Sinh
Anh-Đào reo mở hội
Tan lễ em và anh
Đường hoa về chung lối
Họ thấy em hôn anh
Vội làm dấu Thánh Giá
Các sơ… và sư huynh
Muốn là thiên thần cả!
Em hỏi: Họ có yêu ??
Anh đáp: Khi khấn hứa,
Họ xin yêu rất nhiều
Yêu hết… con cái Chúa
Anh cố giữ niềm tin
Của tuổi trẻ mơ mộng
Nơi quê hương ngàn trùng
Xin em đừng tuyệt vọng
Vì sẽ có một ngày
Giáo đường xưa lại đến
Quỳ dưới trời tuyết bay
Thiết tha anh cầu nguyện.”
Người yêu thơ có lẽ phải nhận ra rằng NHẤT TUẤN, với những vần thơ lai láng trữ tình trong “Truyện chúng mình” không phải chỉ là truyện riêng tư “thì thầm bên gối” giữa hai người nữa mà đã hóa thành “truyện chúng mình” của bao nhiêu là đôi tình nhân thanh niên nam nữ khác. Nhà thơ đã viết hộ xuống những trang nhật ký về tình yêu của bao người trẻ tuổi. Khi thì đằm thắm thiết tha. Nhiều lúc lại dang dở não sầu, phải cần đến thời gian như là một loại linh dược để dần dần hàn gắn các vết thương lòng trong quá khứ.
Phải kể thêm ở đây tâm sự của một cựu nữ sinh Bùi Thị Xuân, đó là LỆ KHÁNH (Dương Thị Khánh). Đà Lạt một thời ấp ủ những vần thơ của KHÁNH, cho đến năm 1966 đã có bảy tập thơ được in ra, mà năm tập đầu đều mang tên là “Em là con gái Trời bắt xấu”. Lệ Khánh với tâm trạng buồn đau, với trái tim thổn thức vì tình, cũng từng ghé nhà thờ Đà Lạt và cảm hứng rồi viết bài thơ “Tiếng kinh chiều”:
Một linh hồn bơ vơ
Chúa ơi đời con khổ
Từ vương nghiệp làm thơ.
Em quỳ bên tượng chúa
Chắp hai tay nguyện cầu
Từng hồi kinh nho nhỏ
Là những lời thương đau.
Chiều Đà Lạt lành lạnh
Như hồn em giá băng
Giáo đường sao vắng lặng
Tình mình sao cách ngăn.
Từng hồi kinh nối tiếp
Từng lời xin Chúa ơi
Con yêu chàng tha thiết
Chàng yêu con trọn đời.
Vòng tay Chúa hiền từ
Không ôm tròn hai đứa
Nên em còn làm thơ
Khóc tình yêu dang dở.”
Đà Lạt những ngày tháng cũ quả thật đã lưu lại biết bao kỷ niệm trong lòng người đã từng có một thời sinh sống tại thành phố sương mù này, nhất là trong tâm hồn những người xa xứ.
Post a Comment