Header Ads

Hưu Chiến Mỹ-Hoa Về Mậu Dịch: Hoa Kỳ Vẫn Còn Nhiều Lo Ngại



Cuộc hưu chiến về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa bắt đầu vào Thứ Bảy ngày 01/12/2018.  Tuy nhiên, ba ngày sau, Thứ Ba ngày 04/12/2018, Tổng Thống Trump đã viết trên Twitter, "... I am a Tariff Man." Cùng trong ngày, ông Robert Lighthizer, Đại Diện Mậu Dịch của Hoa Kỳ - U.S. Trade Representative, là thành phần diều hâu trong mậu dịch, được chỉ định làm trưởng đoàn thương thảo thay vì ông Steven Mnuchin, Bộ Trưởng Tài Chánh, được đánh giá là tương đối hòa hoãn hơn trong vấn đề mậu dịch với Trung Hoa.

Trước những sự việc trên, Đặc San Lâm Viên xin giới thiệu phần chuyển ngữ bài báo Trump is talking up his trade truce with China. The reality is far more unsettling (1) đăng trên CNN ngày 03/12/2018, tác giả là Tiến sĩ John Lee. Ông là nhà nghiên cứu cao cấp (senior fellow) tại Viện Hudson, Washington DC, Hoa Kỳ, và tại Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ, Sydney, Úc. Từ năm 2016 đến tháng 4, 2018, ông là cố vấn an ninh quốc gia cao cấp của Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc và cũng là cố vấn trưởng trong Bạch Thư Về Chính Sách Đối Ngoại 2017 (2017 Foreign Policy White Paper).

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có một cuộc họp mà Tòa Bạch Ốc gọi là “rất thành công” với nhà lãnh đạo Trung Hoa Tập Cận Bình và ông đã đồng ý lưu giữ mức thuế hiện tại của Hoa Kỳ là 10% đánh trên 200 tỷ USD hàng nhập cảng  của Trung Hoa trong 90 ngày. Thuế suất được dự định sẽ tăng lên 25% vào ngày 1 tháng Một năm 2019.

Theo Tòa Bạch Ốc, sẽ có một sự gia tăng đáng kể về việc xuất cảng các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, kỹ nghệ và các sản phẩm khác của Mỹ sang Trung Hoa và việc này sẽ làm giảm thâm hụt mậu dịch có lợi cho Trung Hoa. Bản thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng cả hai bên sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán để giải quyết những khác biệt về việc cưỡng ép chuyển giao kỹ thuật, bảo vệ sở hữu trí tuệ, không có hàng rào thuế quan, xâm nhập mạng và ăn cắp qua mạng.

Các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Hoa đã phúc trình hôm Chủ Nhật là hai nước đã đạt được "sự đồng thuận về các vấn đề kinh tế và mậu dịch" và "quan hệ kinh tế và mậu dịch lành mạnh và ổn định theo khuôn khổ của các lợi ích chung của hai quốc gia và toàn thế giới."

Thực tế còn đáng lo ngại hơn nhiều, đặc biệt là cho Trung Hoa. Chúng ta đơn thuần chỉ mới bước vào giai đoạn kế tiếp của những gì sẽ là một cuộc cạnh tranh kinh tế kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đối với Mỹ, 90 ngày kế tiếp là để đánh giá việc xét nghiệm xem Trung Hoa sẵn sàng đi xa đến đâu để thỏa hiệp. Đối với Trung Hoa, họ phải suy tính lại chiến lược đàm phán căn bản của họ và thời gian đang đi mất dần.

Hãy xét xem cách Trung Hoa đã chơi trò chơi này như thế nào.

Khi Trump lần đầu tiên cho thấy sự nghiêm chỉnh của ông ta về thuế quan, Trung Hoa hứa sẽ trả đũa bằng các biện pháp riêng của họ theo kiểu đáp lễ có qua có lại (tit-to-tat). Hiển nhiên là các công ty Mỹ sẽ không dung thứ việc giá cả của các bộ phận và sản phẩm đến từ Trung Hoa bị tăng lên vì điều đó sẽ làm giảm đi lợi nhuận của họ. Còn giới  tiêu thụ của Mỹ quan tâm nhiều về số tiền họ phải trả cho món hàng mới nhất hơn là quan tâm đến nơi mà món hàng đó được chế tạo hoặc lắp ráp.

Bên cạnh đó, giả thuyết được phổ biến rộng rãi của người Trung Hoa là việc nói về một cuộc chiến tranh thương mại đã nẩy ra lửa bởi vì nỗi ám ảnh của Tổng Thống Trump về phần thiệt thòi trong cán cân mậu dịch bị nghiêng về phía Hoa Kỳ (current account deficit). Vào tháng Năm, Trung Hoa có vẻ như đã đồng ý với các biện pháp nhằm cắt giảm 375 tỷ đô la thặng dư mà họ được hưởng lợi khi giao dịch hai chiều với Mỹ ngay cả khi có sự bất đồng về kích thước của sự cắt giảm. Gửi đi các thương thuyết gia để tìm ra các thỏa thuận tức thời cho Trung Hoa để mua thêm các sản phẩm của Mỹ và quan hệ kinh tế với Mỹ sẽ tiếp tục giống như cách đã từng xảy ra trước khi Trump lên nắm quyền.

Đó là chiến lược thương lượng của Trung Hoa: hăm dọa trả đũa gây đau đớn cho các công ty và giới tiêu thụ Mỹ và cắt bớt thặng dư mậu dịch với Mỹ. Một nước Mỹ với nền dân chủ bị phân tán và chia rẽ (distracted and divided) sẽ bắt buộc Trump kêu gọi một hưu chiến.  Tuy vậy, Bắc Kinh đã tính sai.
Trước sự kinh hoàng của Trung Hoa, Trump có vẻ tin tưởng vào điều mà ông vẫn hay tuyên bố là các cuộc chiến tranh mậu dịch là tốt và dễ dàng thắng, đặc biệt là đối với một quốc gia mua hàng từ một quốc gia khác nhiều hơn là bán hàng ra cho quốc gia đó. Washington từ đó đã không chỉ nhằm cắt giảm thâm hụt mà còn tấn công vào chính sách kỹ nghệ và các mục tiêu của Bắc Kinh.

Điều này bao gồm cả kế hoạch “Made in China 2025" đặt căn bản trên hai cột trụ của việc Trung Hoa "tự túc (self-sufficiency)"  và Trung Hoa thống trị về mặt xuất cảng trên toàn cầu trong những khu vực này. Để đạt được điều đó, Mỹ đã tố cáo Trung Hoa về việc ăn cắp tài sản trí tuệ và các chính sách dành ưu tiên cho các hãng đứng đầu của quốc gia họ và các công ty nội địa nhận được đủ mọi lợi thế như được trợ cấp, giảm thuế và bảo vệ không để bị cạnh tranh bởi công ty nước ngoài tại thị trường Trung Hoa.

Nếu Trung Hoa thực sự có tội theo như những tố cáo này, thì họ phải hoãn lại mục tiêu chính trị và kinh tế của họ để trở thành một “xã hội tương đối thịnh vượng" vào năm 2021 và sẽ trở thành một nền kinh tế hoàn toàn phát triển vào năm 2049. Còn nếu như Trung Hoa không (thực sự có tội), thì Trump vẫn phủ lên Trung Hoa một mối nghi ngờ nặng nề mà quốc gia này cần phải giải tỏa bằng cách chứng tỏ rằng họ chơi đúng theo các quy tắc.

Trong khi đó, bên trong Trung Hoa, họ Tập đang bị tố cáo là háo thắng (triumphalism) và gây chiến với Mỹ một cách không cần thiết. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index đã giảm gần 30% kể từ đầu năm và các trở ngại mậu dịch đổ đến vào thời điểm mà Trung Hoa đang cố gắng làm nền kinh tế của họ giảm bớt việc vay nợ (de-leverage its economy) trong khi  cùng một lúc vẫn duy trì được sự tăng trưởng ở mức dự định là 6.5%.

Họ Tập sẽ hết sức tránh để việc thuế nhập cảng vào Mỹ bị tăng lên từ 10% đến 25% trong thời gian 90 ngày. Nhưng đề nghị để giúp gia tăng thêm các hàng hóa của Mỹ nhập vào Trung Hoa chỉ tạm thời tránh được mức thuế 25% bị dọa đem ra áp dụng vào đầu năm 2019 - và chỉ trong 90 ngày sau đó.  Nhưng còn lâu lắm Trung Hoa mới vượt qua khỏi sự đau nhức này và họ Tập có thể phải đem kế hoạch kinh tế lớn lao của ông ta đã hoạch định cho Trung Hoa trở lùi lại phía sau.

Ngược lại, Trump được hưởng lợi từ một thị trường chứng khoán vẫn đang lên và một nền kinh tế Mỹ đang nở rộ để có lớp đệm làm giảm nhẹ bớt những thiệt hại gây ra bởi Trung Hoa.

Làm cách nào để ông ta sử dụng lợi thế của mình? Trong cuốn sách của ông ta The Art of the Deal (Nghệ thuật của thỏa thuận), được phát hành năm 1987, Trump đã viết "Cách của tôi để đạt đến thoả thuận thì khá đơn giản và rõ rệt. Tôi nhắm rất cao, và rồi tôi chỉ việc đẩy tới và đẩy tới và đẩy tới để đạt được những gì tôi theo đuổi.” Và ông ta có thêm chỗ để xoay xở. Trở nên cứng rắn với Trung Hoa về mặt kinh tế có lẽ là chính sách chính yếu duy nhất của ông ta sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đảng Dân Chủ, nhất là khi đảng này  đã giành được quyền kiểm soát Hạ Nghị Viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (Midterms) vừa qua.

Nếu muốn làm Trung Hoa bị rối trí (discombobulate), thì Trump đã đạt được điều đó. Nhưng đó chỉ là một lợi thế chiến thuật có tính cách nhất thời. Vấn đề còn lại là vẫn chưa có một sự sáng tỏ rõ rệt đối với các mục tiêu: săn đuổi Trung Hoa về các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi cho các công ty Mỹ  được tiếp cận nhiều hơn (với thị trường) ở Trung Hoa, ngăn cản các khoản trợ cấp được gian dối đưa ra để tài trợ cho các doanh nghiệp của nhà nước và những công ty đứng đầu của quốc gia, đương đầu với các kế hoạch của Trung Hoa nhằm chiếm ngự các kỹ nghệ như được đề ra trong kế hoạch “Made in China 2025," đem tách các chuỗi cung ứng (supply chains) quan yếu của Mỹ ra khỏi sự phụ thuộc vào Trung Hoa, hoặc chỉ làm giảm đi sự thâm hụt mậu dịch.

Tại Buenos Aires, lãnh đạo của các quốc gia khác trong khối G20 thận trọng đứng bên lề các cuộc đụng chạm như phần lớn đã làm như vậy cho đến bây giờ. Họ không bất đồng ý kiến với Trump trước sự khăng khăng của ông về một sự mậu dịch tự do, công bằng và có qua có lại lẫn nhau (reciprocal) và Trump cần các nền kinh tế mạnh mẽ khác như của các quốc gia trong Liên Minh Âu Châu và Nhật Bản đứng về phía ông trong cuộc chiến này.

Tuy nhiên, để thuyết phục rằng làm được điều đó không chỉ là để trừng phạt Trung Hoa hoặc để đạt được các lợi thế đặc biệt chỉ dành riêng cho các công ty Mỹ mà thôi, thì Trump có 90 ngày để chứng minh quan điểm của ông, không chỉ đối với Trung Hoa mà còn đối với cả thế giới.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ
(Đặc San Lâm Viên)

Chú Thích:
(1): Nguyên bản bài báo:  https://www.cnn.com/2018/12/03/opinions/china-us-trade-intl/index.html
Powered by Blogger.