Header Ads

Những Tác Động Chính Trị Sau Cuộc Bầu Cử Giữa Nhiệm Kỳ, 6-11-2018


Rõ ràng là một khi Đảng Cộng Hòa mất quyền kiểm soát Hạ Viện thì chương trình nghị sự trong nước của tổng thống đưa ra sẽ phần lớn bị tắc nghẹn khi đưa lên Quốc Hội.

Huỳnh Thạnh

Thế giới bên ngoài nước Mỹ thường thức cả đêm để theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống thường không được coi là một biến cố toàn cầu. Nhưng lần này thì khác. Kết quả của các cuộc bầu cử năm 2018 được khắp thế giới nhìn vào như là một thử nghiệm quan trọng về việc Donald Trump có vĩnh viễn thay đổi được nước Mỹ hay chưa.

Nếu Đảng Cộng Hòa đạt được kết quả tốt, thì nhiều người sẽ kết luận rằng "chủ nghĩa Trump" còn có mặt lâu tại Mỹ. Phần còn lại của thế giới sẽ phải điều chỉnh để thích hợp với một nước Mỹ đang trở lại tính cách bảo hộ cao và nghi ngờ về mọi hiệp ước - dù là để đối phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát vũ khí, tị nạn hay di dân.

Hoặc ngược lại, các chính phủ đó sẽ có thể đi đến quyết định sẽ "chờ cho qua ngày" trước những vấn đề quan trọng như việc leo thang của sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Iran qua các biện pháp chế tài mới, hoặc đàm phán với Bắc Hàn, cũng như tương lai của các biện pháp trừng phạt Nga và một loạt xung đột mậu dịch và đàm phán từ Trung Hoa đến Âu châu.

Tuy nhiên, các chính phủ này có thể đang phạm phải một lỗi lầm trong phân tích do bởi họ đặt nặng quá mức vào sự ước lượng ý nghĩa của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống.

Theo Financial Times, cũng là điều bình thường nơi chính trường Hoa Kỳ khi tổng thống phải hứng chịu một phản ứng dữ dội đối với đảng của họ trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng điều đó không nhất thiết phản ánh một sự thay đổi lâu dài trong chính trị Mỹ. Cả hai ông Obama và Bill Clinton đều bị mất các ghế đa số của Đảng Dân Chủ trong quốc hội trong cuộc bầu phiếu giữa nhiệm kỳ đầu tiên của họ, nhưng sau đó hai ông vẫn tiếp tục được tín nhiệm trong nhiệm kỳ thứ hai.

Nhưng rõ ràng là một khi Đảng Cộng Hòa mất quyền kiểm soát Hạ Viện, thì chương trình nghị sự trong nước của tổng thống đưa ra sẽ phần lớn bị tắc nghẹn khi đưa lên Quốc Hội.

Mặc dù chưa có tổng kết chính thức vào cuối ngày 6 tháng 11, 2018, nhưng xem ra Đảng Cộng Hòa sẽ vẫn giữ được đa số trong Thượng Viện Hoa Kỳ.  Và Đảng Dân Chủ chiếm đa số và sẽ kiểm soát được Hạ Viện Hoa Kỳ.

Kể từ 2011, đây là lần đầu tiên Đảng Dân Chủ nắm đa số trong Hạ Viện. Với chiến thắng này, Đảng Dân Chủ lấy lại thêm được tự tin sau lần bị thua bất ngờ trong kỳ bầu tổng thống năm 2016.

Khi nắm được đa số trong Hạ Viện, Đảng Dân Chủ sẽ có quyền quyết định cho phép những dự thảo luật (bills) nào ra để thảo luận.

Họ cũng sẽ nắm giữ được các vai trò chủ tịch các ủy ban trong Hạ Viện.  Các ủy ban này sẽ có một quyền lực mạnh mẽ có thể điều tra chính quyền của Trump, tài chính cá nhân của ông, và các khách sạn, sân đánh golf và các cơ sở kinh doanh khác mà ông vẫn còn sở hữu.

Họ cũng có thể tạo áp lực để đi sâu vào chi tiết cuộc bầu cử năm 2016, điều tra việc Trump hay ban vận động tranh cử của ông có thông đồng với những nỗ lực của Nga hay không.

Tuy nhiên, đây cũng là một điều giống như con dao hai lưỡi, nếu họ mạnh tay làm quá đáng, ông Trump lại có thể đổ lỗi cho Dân Chủ là làm tắc nghẹn quốc hội.

Trong khi Đảng Cộng Hòa nắm đa số tại Thượng Viện, họ sẽ tiếp tục phê chuẩn các người được bổ nhiệm vào nội các của Trump và chỉ định các thẩm phán bảo thủ trong các tòa án của Hoa Kỳ.


Điểm mấu chốt ở đây là qua cuộc bầu cử này, người dân đã không hoàn toàn trao cho Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ bất kỳ một "sứ mạng" (mandate) nào.
Điểm mấu chốt ở đây là qua cuộc bầu cử này, người dân đã không hoàn toàn trao cho Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ bất kỳ một "sứ mạng" (mandate) nào. Tuy thế, điều đó sẽ không ngăn cản được bên nào trong việc tuyên bố là họ được giao cho một sứ mạng.

Một mặt, Đảng Dân Chủ sẽ chỉ vào sự thành công của họ nơi Hạ Viện như là một sự bác bỏ Trump.

Mặt khác, Đảng Cộng Hòa sẽ cho rằng nắm giữ được Thượng Viện là do nhận được sự chấp thuận của người dân Mỹ đối với các lựa chọn về tư pháp của Trump.

Chúng ta rồi lại sẽ chứng kiến thêm nhiều điều mà ai cũng đều đã biết: Nước Mỹ gần như bị chia đôi về mặt chính trị, qua hai lăng kính của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Việc mất đi sự kiểm soát được Quốc Hội có tác động đáng kể đến khả năng của tổng thống trong việc thông qua các luật pháp trong nước. Nhưng điều đó không làm thay đổi nhìều đến chính sách đối ngoại.
Việc mất đi sự kiểm soát được Quốc Hội có tác động đáng kể đến khả năng của tổng thống trong việc thông qua các luật pháp trong nước. Nhưng điều đó không làm thay đổi nhìều đến chính sách đối ngoại.

Tác động chính của Quốc Hội trong lĩnh vực này đến từ sức mạnh của họ trong việc chấp thuận hoặc bác bỏ các giao dịch và hiệp ước mậu dịch. Nhưng từ khi nhìn cả mậu dịch và hiệp ước như những biểu hiện của “chủ nghĩa toàn cầu,” thì ông Trump hẳn sẽ không tiến xa theo chiều hướng đó.

Quốc Hội cũng có quyền biểu quyết để tuyên chiến. Nhưng trừ phi có một cuộc khủng hoảng toàn cầu nào đó bất ngờ xảy ra, còn không thì khó có chuyện đem ra áp dụng Đạo Luật Quyền Lực Chiến Tranh, ít ra cũng là cho đến trước khi có cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp. Và ông Trump đã từng tỏ cho thấy rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ lực ở mức độ thấp hơn - thí dụ như bằng cách phóng ra các cuộc oanh kích vào Syria - mà không cần phải mưu tìm đến sự chấp thuận của quốc hội.

Cũng theo Financial Times, ngay cả khi Đảng Dân Chủ đạt được thắng lợi lớn và chiếm lại chức tổng thống trong nhiệm kỳ tới vào năm 2020, thì thế giới bên ngoài cũng nên khôn ngoan để nghĩ rằng sẽ vẫn còn có nhiều thành phần (elements) của "chủ nghĩa Trump" (“Trumpism”) tiếp tục đứng vững.

Vì ngay như phe tả của người Mỹ cũng đã tiến tới chủ nghĩa bảo hộ từ ít lâu nay rồi. Bernie Sanders, nhà vô địch của phe tả trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua cũng đã phản đối TPP - và đẩy bà Hillary Clinton vào thế phải chối bỏ nó, mặc dù khi còn là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, bà Clinton đã chủ xướng việc ký kết hiệp ước thương mại này.

Huỳnh Thạnh

Theo các tin:
  1. www.bbc.com/news/world-us-canada-29412354
  2. www.al.com/opinion/index.ssf/2018/11/the_2020_impact_of_todays_midt.html
  3. www.ft.com/content/1ecb04f6-dde9-11e8-9f04-38d397e6661c
  4. www.washingtonpost.com/politics/midterm-elections-voters-head-to-the-polls-with-control-of-congress-at-stake/2018/11/06/
  5. www.cnbc.com/2018/11/02/three-ways-the-us-midterm-elections-will-affect-world-politics.html
Powered by Blogger.