Header Ads

Hoa Kỳ Và Trung Hoa với "Quy Tắc Ứng Xử" Tại Biển Đông

Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton tại Hội Nghị ASEAN 2018


"Biển Đông không thuộc về chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, và quý vị có thể chắc chắn rằng: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu đi ngang và máy bay bay qua bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và quyền lợi của quốc gia chúng tôi đòi hỏi."  - Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence


Trần Trung Tín

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 33 của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra từ ngày 11 đến 15/11/2018, cũng vừa chấm dứt. Tại hội nghị này, một trong các chủ đề chính rất được các nhà lãnh đạo của ASEAN, và nhất là Hoa Kỳ, quan tâm là sự an ninh của khu vực Biển Đông.

Trong hội nghị này, các nhà lãnh đạo của các quốc gia khối ASEAN và Trung Hoa cho biết họ đạt được tiến bộ trong việc gìn giữ hòa bình ở Biển Đông khi cùng làm việc để có được một "quy tắc ứng xử" (code of conduct) có thể đem ra áp dụng cho các hải lộ và các hoạt động khác trong khu vực.

Thủ Tướng Singapore, Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) cho biết khối ASEAN và Trung Hoa sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược của hai bên. Ông nói: "Chúng tôi đã phát triển thêm trong sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, và giải quyết được sự khác biệt của chúng tôi một cách hòa bình."

Thủ Tướng Trung Hoa, Lý Khắc Cường (Li Keqiang) phát biểu : "Chúng tôi đã tìm ra cách để thu xếp và loại bỏ sự khác biệt một cách thích hợp, thí dụ, về vấn đề Biển Đông trong những năm qua."
Ông cho rằng Bắc Kinh và các quốc gia liên hệ tại Biển Đông chưa bao giờ lại đến gần nhau như bây giờ về một "quy tắc ứng xử" cho đường giao thông chiến lược.

Thủ Tướng Lý Khắc Cường đã ca ngợi sự tiến bộ về bản thỏa thuận sẽ "bảo đảm hòa bình và ổn định" trên vùng biển chiến lược. Theo ông, tình hình đang “ổn định hơn” và về bản quy tắc ứng xử nơi Biển Đông, ông nói thêm rằng Bắc Kinh muốn có một thỏa thuận cuối cùng trong vòng ba năm.

Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct) nơi Biển Đông

Quy tắc ứng xử là một số những quy định rõ rệt về các quy tắc và luật lệ và trách nhiệm của, một cá nhân, hoặc tổ chức, cũng như cách hành xử thích hợp mà các đơn vị đó phải tuân  theo.

Từ năm 2002, khi Trung Hoa dựng lên các cấu trúc trên các đảo tại Biển Đông và tạo ra sự căng thẳng cho khu vực, thì 10 quốc gia thành viên của ASEAN và Trung Hoa đã đồng ý bắt đầu đàm phán về việc thiết lập một “quy tắc ứng xử” tại Biển Đông. Khu vực được đề cập bao gồm một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất của thế giới, được cho là giàu tài nguyên khoáng sản và biển.

Khối ASEAN đưa ra vấn đề “quy tắc ứng xử” này vì họ thấy rằng Trung Hoa có một âm mưu nguy hiểm trong trường kỳ. Và mọi người đều sợ hãi trước việc Trung Hoa có ý định và tìm cách chiếm đóng mọi vị trí quan trọng và chiếm giữ tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi Biển Đông.

Họ cố gắng đưa ra những giới hạn để Trung Hoa có thể đồng ý chấp nhận hiện trạng và sẽ không tiến xa thêm nữa trong việc lấn chiếm đất đai biển đảo. Tất nhiên là Bắc Kinh không hề muốn hành vi của họ bị giới hạn bởi bất cứ quy tắc nào.

Giữa tình trạng căng thẳng gia tăng và với một sức mạnh của Trung Hoa mà trong vùng Biển Đông không ai có thể kiềm chế, thì đã có rất ít tiến bộ trong việc đồng ý về quy tắc ứng xử như trên.

Mãi cho đến năm 2013, trong nỗ lực nhằm để giảm bớt căng thẳng với các nước láng giềng, Bắc Kinh mới quay trở lại với vấn đề quy tắc ứng xử. Sau đó, phải mất gần bốn năm để các quan chức cấp cao từ Trung Hoa và các quốc gia ASEAN đồng ý về một khuôn khổ cho quy tắc ứng xử, mặc dù nội dung của khuôn khổ vẫn chưa được công bố cho công chúng.

Trung Hoa và Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông

Khi đưa ra các quy tắc ứng xử, các quốc gia trong khối ASEAN tại Đông Nam Á muốn kiểm soát các hành vi của Trung Hoa vì họ sợ rằng Trung Hoa sẽ tiếp tục lấn chiếm để độc quyền tại Biển Đông.

Về nội dung của các quy tắc ứng xử tại Biển Đông, một cách vắn tắt, gồm 2 điểm chính yếu:
  1. Tất cả các quốc gia đang tranh chấp cần được bảo đảm chắn chắn rằng mọi việc chiếm cứ các hải đảo trong vùng sẽ phải ngưng lại.
  2. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ được áp dụng trên toàn Biển Đông. Và các quốc gia Đông Nam Á sẽ có quyền khai thác dầu khí và tài nguyên cá ngoài khơi bờ biển của họ.
Lẽ hiển nhiên là Trung Hoa đã bác bỏ cả hai điều này.

Vì sự suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Hoa được thể hiện trên căn bản: "Đây là những gì của chúng ta và không ai có thể lấy những thứ đó ra khỏi tay chúng ta, và qua cách thỏa hiệp như vậy, xem như chúng ta đang từ bỏ lãnh thổ của chúng ta." Trên quan điểm đó, Bắc Kinh gần như xem toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ hay lãnh hải của họ và không bao giờ muốn nhượng bộ các quốc gia yếu hơn.

Một khi sự diễn dịch của Bắc Kinh và các quốc gia ASEAN về nội dung của quy tắc ứng xử trên Biển Đông khác nhau như vậy, thì sẽ không thể đạt được sự thỏa thuận. Nhất là với một Bắc Kinh hùng mạnh và hung hãn và ASEAN cho đến nay vẫn chỉ là tập hợp của nhiều quốc gia, dù là một khối, vẫn không đủ khả năng đương đầu với Trung Hoa.

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử nhằm để đạt được những mục tiêu cả ngắn hạn cũng như dài hạn:
  1. Mua thời gian: Tạo cơ hội cho nhiều quốc gia trong ASEAN mơ tưởng rằng Trung Hoa thực tâm muốn giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông qua thương thuyết, trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục lấn chiếm, và theo thời gian, sẽ đặt thế giới trước sự đã rồi. Đây chính là phương cách mà các chính quyền cộng sản quen thuộc với du kích chiến hay sử dụng: Vừa đánh vừa đàm.
  2. Chia để trị: Hứa hẹn và mua chuộc bằng kinh tế cùng áp lực quân sự đối với các quốc gia trong khối để làm suy sụp và ruỗng nát sự hợp nhất của khối ASEAN. Thí dụ như sự bất nhất của Phillippines và sự rụt rè khúm núm của Việt Nam. Nên nhớ rằng một ASEAN hợp nhất vẫn chưa phải là một đối thủ của Trung Hoa bởi đó một ASEAN chia rẽ hay rời rạc sẽ chỉ có thể làm bàn đạp tốt cho Trung Hoa để họ dễ dàng tiến xa hơn.
  3. Vũ khí ngoại giao: Bắc Kinh sẽ bằng mọi cách để đem vào bản quy tắc ứng xử những điều khoản có lợi cho họ cùng là những ngôn ngữ mơ hồ, lật lọng trong bản quy tắc đó để Bắc Kinh có thể tùy tiện sử dụng nhằm biện minh cho các hành động lấn chiếm Biển Đông của họ.

Đối với Bắc Kinh, một quy tắc ứng xử không có tính cách bắt buộc họ phải tuân theo (non-binding instrument) sẽ được họ tận dụng để đánh bóng cho họ như là một quốc gia tuân theo đúng luật như mọi quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, nếu có điều khoản nào bất lợi cho họ, thì Bắc Kinh có toàn quyền diễn dịch và tuân theo hoặc không, theo ý của họ.

Rõ ràng là các quy tắc ứng xử trong một khuôn khổ như vậy sẽ chỉ có một giá trị mang tính cách biểu tượng hình thức. Chính vì thế, Trung Hoa vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tạo thành các quy tắc ứng xử vì khi thực hiện xong Bắc Kinh có thể tuyên bố rằng đó là một thành công ngoại giao và sẽ sử dụng nó như một tấm khiên chắn che chở họ thoát khỏi những lời chỉ trích trong khi Bắc Kinh vẫn hoàn toàn theo đuổi chiến lược của họ để đơn phương kiểm soát Biển Đông.

Quan Điểm Của Hoa Kỳ 

Trong bài phát biểu trước Hội nghị ASEAN lần thứ 33 tại Singapore, Phó Tổng Thống Pence đã không đề cập đến Trung Hoa.

Nhưng khó ai có thể lầm lẫn những phát biểu đó cũng là lời nhắn nhủ của Washington gởi tới Bắc Kinh liên quan đến ý đồ đen tối của họ khi ông Mike Pence nói với các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á như sau:

“Cũng giống như quý vị, chúng tôi mưu tìm một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, có thể thịnh vượng và thăng tiến - an toàn trong chủ quyền quốc gia của chúng ta, tự tin vào giá trị của chúng ta và cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn. Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng đế quốc và xâm lăng không có chỗ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

"Tầm nhìn của chúng tôi về một Ấn Độ-Thái Bình Dương không bỏ qua một quốc gia nào. Tầm nhìn đó chỉ đòi hỏi mọi quốc gia đối xử với quốc gia lân bang của họ với sự tôn trọng, (rằng) họ tôn trọng chủ quyền quốc gia của chúng ta và các quy luật quốc tế về trật tự."

Trong những ngày sau đó, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence cho biết:

"Biển Đông không thuộc về chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, và quý vị có thể chắc chắn rằng: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu đi ngang và máy bay bay qua bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và quyền lợi của quốc gia chúng tôi đòi hỏi."

Và chắc chắn các phát biểu nói trên sẽ được xem là một thách đố trực tiếp đối với Bắc Kinh vì Trung Hoa đã tuyên bố có chủ quyền trên hải lộ chiến lược này.

Trong một cuộc họp bên lề hội nghị với Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Tổng Thống Pence cũng cho biết Washington cam kết duy trì sự tự do rộng mở trên thủy lộ này. Ông nói:

"Chúng tôi chia sẻ sự mong muốn của quý vị để có một quy tắc ứng xử của khối ASEAN mà ai cũng phải bị tuân theo (binding ASEAN code of conduct) để bảo đảm sự tự do và cởi mở đi lại nơi Biển Đông."

Và trong một cuộc phỏng vấn khác với tờ The Washington Post, Phó Tổng Thống Pence nói rằng Hoa Kỳ sẽ không run sợ vì bị đe dọa bởi Trung Hoa.

“Chúng ta sẽ không bỏ cuộc. Chúng ta sẽ tiếp tục hành xử quyền tự do đi lại trên biển. (We will not stand down. We will continue to exercise freedom of navigation.)"

Trước đây không lâu, vào tháng 10, trong một bài diễn văn quan trọng, ông Pence đã bày tỏ sự cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh, tố cáo Trung Hoa đã có những nỗ lực "gian ác" (malign) nằm làm suy yếu Tổng Thống Mỹ Donald Trump và những hành động quân sự liều lĩnh ở Biển Đông.

Qua những lời tuyên bố của Phó Tổng Thống Mike Pence trước đây vào tháng 10 và những nhắn gửi rất “ngoại giao” đến Bắc Kinh ngay trong khu vực mà Trung Hoa đang có ưu thế, đã cho thấy Hoa Kỳ không có một ảo tưởng gì về Trung Hoa trước việc họ muốn thôn tính Biển Đông.

Những lời tuyên bố không được tế nhị lắm nói trên của Phó Tổng Thống Mike Pence còn là một thông điệp được truyền đạt đến cả những quốc gia khác trong vùng - mà có thể vì lợi lộc riêng muốn toa rập với Bắc Kinh - là dù thế nào đi nữa Hoa Kỳ vẫn "sẽ tiếp tục hành xử quyền tự do đi lại trên biển (Biển Đông)."

Vấn đề còn lại sẽ là Hoa Kỳ sẽ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi - trước nhất là - của chính Hoa Kỳ tại vùng biển chiến lược này.

Tạm Kết

Khi được hỏi về chính sách "America First" của Trump, Thủ Tướng Lý Hiển Long của Singapore cũng đưa ra nhận xét rằng đó là một sự tách rời khỏi quá khứ. Ông nói
 
khi "họ (Hoa Kỳ) hào phóng, họ mở cửa thị trường, họ đầu tư, họ cung cấp an ninh khu vực và thì sự thịnh vượng của khu vực cũng một cách gián tiếp đem lại sự thịnh vượng cho Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ họ nói 'không, điều đó không còn tốt nữa. Tôi muốn mọi thứ phải qua thỏa thuận,' và điều đó có nghĩa là sẽ có một mối quan hệ khác và chúng tôi sẽ phải làm quen với điều đó nếu Hoa Kỳ quyết định rằng đây là hướng mà họ sẽ đi trong dài hạn."

Cũng như khi được hỏi về việc bị các cường quốc có thế lực mạnh đang cố kéo ASEAN đi theo các hướng khác nhau, Thủ Tướng Singapore cho biết:

“Chúng tôi rất mong muốn không phải đi theo phe phái nào, nhưng khi tình thế xảy đến thì ASEAN có thể phải lựa chọn hoặc bên này hoặc bên kia.” 

Hy vọng là những lời nhận xét rất bình tĩnh, sáng suốt và khôn ngoan của Thủ Tướng Singapore cũng sẽ có giá trị như là một lời khuyên tốt cho các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, khi các quốc gia này phải cân nhắc và lượng định chính sách "đu dây" trong mối quan hệ của quốc gia họ với Trung Hoa và Hoa Kỳ.

Trần Trung Tín


Tham khảo:

1. https://www.straitstimes.com/singapore/pence-seeks-indo-pacific-where-all-nations-thrive
2. https://www.wsfa.com/2018/11/15/pence-says-us-committed-indo-pacific-not-seeking-control/
3. https://www.reuters.com/article/us-singapore-usa-pence/pence-says-south-china-sea-doesnt-belong-to-any-one-nation-idUSKCN1NL08X
4. https://www.reuters.com/article/us-asean-summit-pence/pence-says-empire-and-aggression-have-no-place-in-indo-pacific-idUSKCN1NK084
5. https://www.dw.com/en/beijing-advances-code-of-conduct-for-south-china-sea/a-46284818
6. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2105190/what-south-china-sea-code-conduct-and-why-does-it
7. https://amti.csis.org/the-dangerous-quest-for-a-code-of-conduct-in-the-south-china-sea/
Powered by Blogger.