Header Ads

Những Cây Thông Đà Lạt


Nguyên Nhung

Nếu không tình cờ nhận được cú phôn của người bạn cũ, tôi đã không biết là Huy giờ này cũng đang có mặt trên nước Mỹ.

Ba mươi năm rồi còn gì, kể từ khi Huy rời trường mẹ Ðà Lạt, ngày ra trường anh được thuyên chuyển về một chiến trường miền Ðông, hai đứa xa nhau từ đấy. Những mối tình Ðà Lạt, như đã bị vùi chôn trong thung lũng mù sương, tự nhiên bỗng sống lại khiến lòng tôi xúc động đến ngậm ngùi. Hóa ra có những điều người ta tưởng có thể quên, mà nó vẫn còn đó, vẫn mập mờ ẩn hiện trong những cây thông, mà tôi gọi là Những Cây Thông Ðà Lạt.

Ðiều ngỡ ngàng hơn cả khi nghe người bạn kể lại, tình cờ gặp Huy trong một buổi họp mặt ở Cali, Huy đi đứng không được bình thường, hóa ra anh bị cụt bên chân phải, đã được gắn một chiếc chân giả. Ðiều này khiến thắc mắc của tôi về lá thư của chàng gần ba mươi năm trong phút chốc đã được giải đáp, chưa chắc Huy đã phụ bạc tôi như lá thư chàng viết về Ðà Lạt sau ngày chàng ra đơn vị. Lá thư như một vết dao cứa nát trái tim người con gái miền cao nguyên, khi hai đứa đã có một cuộc tình thật nên thơ suốt bốn năm chàng còn là một sinh viên trường Võ Bị.

Những lá thư nồng nàn bỗng nhiên bị cắt đứt một thời gian trong bao nhiêu hờn giận lo lắng, không hiểu Huy thời gian ấy ra sao khi những mặt trận càng ngày càng khốc liệt, từ chiến trường miền Trung tới chiến trường miền Nam. Khi ấy Huy là một đại đội trưởng, đơn vị chàng trú đóng ở vùng Long Khánh, nơi có những rừng cao su đất đỏ mà chàng bảo rằng ở đây chỉ một đoạn đường chàng có thể bay về Ðà Lạt, và cũng có thể về Sài Gòn để được gần gũi mẹ già.

Trong tôi chập chùng bao kỷ niệm của Ðà Lạt năm xưa, bốn năm có chàng ở Ðà Lạt, một thời gian hoa mộng của những chiều thứ Bảy trên đồi thông, khu rừng Ái Ân bên bờ hồ Than Thở, đã ghi lại bao nhiêu đằm thắm cuả một mối tình, chỉ có những cây thông làm chứng cho những lời hẹn thề, gắn bó. Những sáng chủ nhật Ðà Lạt nắng ấm, quanh khu Hòa Bình, ven bờ Hồ Xuân Hương mặt nước lặng lờ, Ðồi Cù bãi cỏ xanh, Lâm Viên lộng gió, nơi nào cũng có tiếng thông reo, nơi nào cũng có nắng ấm và gió lạnh, nơi nào cũng có bước chân chàng và tôi ở đó.

Vậy mà Huy đã có thể quên, khi rời xa Ðà Lạt chàng bỏ lại người yêu bé bỏng, có căn nhà gỗ xinh xinh nơi dốc hoa vàng, những cánh hoa mimosa li ti rơi kín mặt đường khuya như bài thơ chép vội vàng trong lớp học, một buổi sáng nhớ chàng đến quay quắt:

"Chỉ tại anh nên trời khuya trở gió,
Mimosa phủ kín mặt đường khuya,
Vương đầy tóc, em bắt đền anh đó,
Gỡ giùm đi, đứng cười mãi ô kìa!"
(Thơ Nhất Tuấn)

Thuở học trò những bài thơ chép đầy trang vở, tình yêu không chỉ những khi một mình một nơi yên lặng, nó còn xôn xao len lén vào lớp học. Bởi vậy, khi lá thư cuối cùng của Huy gửi về Ðà Lạt, như một cắt đứt mà chàng cho rằng chẳng qua định mệnh đã oái oăm chia lìa, để hai đứa phải xa nhau. Huy đã quen một người con gái nơi chàng trú quân, và cũng vì những giây phút yếu lòng của tuổi thanh niên, Huy đành phải chấp nhận người đàn bà ấy làm vợ, khi cô ta đã mang trong mình giọt máu của chàng.

Lá thư ấy đến Ðà Lạt một thời gian sau ba tháng chàng bặt tin, như tiếng sét trong cơn mưa, hầu như đã tàn phá tất cả bao hình ảnh đẹp trong lòng tôi thuở ấy. Hình như những cây thông đều rũ xuống và không còn mang theo tia nắng ấm reo vui những ngày Ðà Lạt mộng mơ. Hình như cả Ðà Lạt đều hay tin tôi bị tình phụ. Hình như trong đám bạn bè đã có những nụ cười mỉa mai giấu kín trong ánh mắt. Hình như và hình như, những con đường, những bờ cỏ, những đồi thông năm xưa có dấu tích của hai đứa, bỗng một ngày trở thành những bóng đen đè nặng trong lòng người con gái ngây thơ là tôi ngày ấy.

Nỗi đau như một cơn bão đã cuốn đi tất cả niềm vui tuổi trẻ, khiến trong mắt tôi ngày ấy, hình ảnh những chàng trai Võ Bị, không còn là thần tượng để ngưỡng mộ và say đắm. Tôi nguyền rủa chàng triền miên khi nghe tiếng thông reo và tiếng gió hú mỗi đêm Ðà Lạt mưa gió, gót giày tôi nghiến mạnh lên những bông mimosa vàng úa rớt đầy trên mặt đường khuya, như giày xéo lên những kỷ niệm của tôi và chàng, cho tan nát, cho mất hút đi theo lòng người bội bạc.

Tự ái của người con gái không cho phép tôi gậm nhấm hoài mối sầu vạn cổ, như câu chuyện một người con gái Ðà Lạt, cũng vì yêu mà hủy hoại mạng sống, để khi chết còn xin được chôn trên một ngọn đồi, quay đầu về hướng ngôi trường Võ Bị, nơi ngày xưa hai người đã quen nhau ở đó. Tôi yêu Huy thật nhiều nhưng không thể để con tim mềm yếu đến độ chết vì yêu.Tôi phải quên chàng như chàng đã quên tôi, tôi sẽ đi khỏi Ðà Lạt để tâm hồn khỏi gặm nhấm những nỗi sầu với tiếng thông reo trên ngọn đồi cỏ mượt, như tiếng gió lao xao lướt trên mặt hồ những sáng chủ nhật, như những cánh mimosa màu vàng rơi xuống phủ đầy mặt đường khuya.

Ðịnh mệnh đưa đẩy gia đình tôi rời Ðà Lạt cùng lúc với nỗi đau của cô con gái bị phụ tình. Căn nhà ở dốc hoa vàng để lại cho người cô, tôi xa Ðà Lạt như để vùi quên một nấm mộ tối. Mãi đến sau này sau nhiều năm, khi sắp sửa đi xa hẳn quê hương, tôi bỗng dưng ao ước được trở về Ðà Lạt, thăm căn nhà xưa, và để lần cuối nhìn lại những kỷ niệm cũ từ nhiều năm về trước, thấp thoáng vẫn thấy hình bóng người xưa trên những con đường cũ, và những cây thông Ðà Lạt...

oOo

Thế rồi tôi cũng trở về Ðà lạt một lần, trước khi đi xa, để thăm lại người cô ruột nay đã già yếu, vẫn sống trong căn nhà gỗ nơi dốc hoa vàng, gần trường Bùi thị Xuân ngày xưa.
Chuyến xe về Ðà Lạt vượt đoạn đường đèo, chênh vênh vách núi có những đoạn đường quanh co của miền Ðông nhiều đồi núi và cây rừng. Khi chuyến xe chạy ngang những khu đồi thông nối tiếp nhau để đưa về Ðà Lạt năm xưa, tôi bỗng thấy lòng rưng rưng, và giây phút đó bao nhiêu kỷ niệm về Ðà Lạt lại hiện về trong lòng tôi. Những ngọn thông xanh Ðà Lạt đã đủ sức réo gọi bao hình ảnh năm cũ, khiến tôi không khỏi thở dài nghĩ về Huy. Bây giờ tôi không còn là người con gái xinh xinh má đỏ môi hồng của Ðà Lạt năm xưa, thay vào đó là nét chững chạc của người phụ nữ khép kín, nhưng vẫn còn chút duyên dáng của một thời xuân sắc.

Ngày rời Ðà Lạt năm xưa tôi hai mươi tuổi, lần trở về tôi đã ở cái tuổi hai lần hai mươi, không còn trẻ để gậm nhấm những nỗi buồn, nhưng cũng không hẳn quên dễ dàng những kỷ niệm một thời quá đậm nét. Khi loanh quanh những con đường quen, nay đã ủ ê và tàn tạ với thời gian, và cũng vì đất nước đã trải qua bao cơn dâu bể, Ðà Lạt như một người đàn bà tàn phai nhan sắc, nét mơn mởn, vẻ xinh tươi đã không còn nguyên vẹn, tôi có cảm tưởng rằng nụ cười của Ðà Lạt không còn tươi thắm, chỉ gượng gạo như nét cười của người cô phụ.

Ðêm hôm đó, trong căn nhà gỗ và chiếc lò sưởi vẫn lách tách bay những mảnh hoa than thật mỏng, tôi và cô tôi ngồi bên nhau ôn lại chuyện cũ. Hầu như chúng tôi nhắc lại hết những khuôn mặt cũ, và khi vô tình bà cô hỏi tới Huy, tôi không sao nén được tiếng thở dài. Từ ngày ấy khi rời xa Ðà Lạt, tôi về Sài Gòn tiếp tục đi học, rồi đi làm, sau đó lấy chồng, tôi không muốn quen thêm một người lính nào nữa. Trong lòng tôi một hình ảnh Huy cũng đủ làm tôi nghĩ ngợi, khi cho rằng cuộc đời chiến chinh rày đây mai đó, giữa sự sống chết xảy ra hằng ngày, tôi khó có một đời sống bình an và hạnh phúc khi có một người chồng là quân nhân.
Bài học đầu đời vẫn còn đó. Cứ xem như là Huy không muốn phản bội tôi, nhưng cuộc sống buồn chán ở những vùng đóng quân khiến chàng chỉ một chút mà đã sa chân vào con đường không lối thoát, để cũng vì thế mà bao nhiêu tình yêu và mộng đẹp trong đời tôi đã bay đi, như những áng mây hồng trên bầu trời lúc hoàng hôn, phút chốc đã biến mất vào đêm đen vô tận.

Cô tôi ngồi trên chiếc ghế vải bọc nệm, lúc nào cô cũng đan áo. Không đan áo cho cô thì cũng đan cho cháu nội, cháu ngoại, và cả đan mướn cho những tiệm đan len trong thành phố, để bán cho khách nhàn du khi ghé thăm Ðà Lạt. Cô sống với người con gái chưa chồng, dù tuổi đã lỡ thời nhưng vẫn không dám lập gia đình vì đã nhìn thấy cuộc sống quá khó khăn, người lớn còn chật vật huống gì sinh sản thêm những đứa trẻ thơ thiếu ăn, thiếu mặc.

Buổi chiều hôm ấy tôi một mình đi xuống dốc hoa vàng, ngắm nhìn lại những căn nhà năm xưa, hỏi thăm cô tôi về những người quen trong xóm. Ðời quả là dâu bể, chỉ hai mươi năm mà bể hóa dâu hay dâu hóa bể là chuyện thường, huống gì cả nước đã chìm vào cơn dâu bể. Tuy vậy, con đường có những cây mimosa hoa vàng hình như vẫn giữ được nét riêng của nó, như chút duyên thầm Ðà Lạt. Những căn nhà màu sơn có lợt lạt đi, những bụi cúc vàng vẫn rung rinh trên lối sỏi vào nhà, và bây giờ thì những ngọn thông đã vươn cao lên trên những nóc nhà, in vào mảnh trời chiều một nỗi buồn hiu hắt. Tôi cứ men theo bờ cỏ để đi lên đi xuống con đường này, như để ghi nhận vào lòng những hình ảnh đẹp của một thời đã qua, bởi vì tôi biết khó có thể trở lại Ðà Lạt một lần nữa, khi gia đình đi định cư ở nước ngoài.
Tối hôm ấy, sau bữa cơm chiều với cái mát mẻ của rau xanh Ðà Lạt, hai cô cháu tôi ngồi bên lò sưởi, cô tôi vừa đan áo vừa rủ rỉ kể tôi nghe nhiều chuyện Ðà Lạt. Những chuyện xảy ra quanh đời sống của những người quen ở dốc hoa vàng, bây giờ thì tôi mới được biết thêm về câu chuyện của những cây thông Ðà Lạt. Nghe như chuyện hoang đường, nhưng đối với những người dân giàu tình cảm ở miền đất lạnh, Ðà Lạt vẫn là vùng đất sản sinh ra những mối tình lãng mạn và bi thương.

Ðôi tay vẫn đan thoăn thoắt, cô tôi nhìn ra khung kính cửa sổ, đêm ấy lại là một đêm trăng thật sáng, tôi có thể nhìn thấy những bóng cây thông lay động bên ngoài khu vườn mờ mờ tối. Khó tìm đâu ra cái ấm cúng gia đình như không khí Ðà Lạt, mà cũng khó tìm đâu ra cái rét mướt của những nỗi sầu cô quạnh bằng Ðà Lạt. Bên tách trà nóng, cô tôi bỗng hỏi tôi:

- "Cháu có nhớ căn nhà màu hồng ngày xưa ở cuối con dốc này không?"

Tôi cố nhớ lại tất cả những căn nhà ngày xưa ở dốc hoa vàng, hình như căn nhà ấy là của một sĩ quan làm việc trong trường Chiến Tranh Chính Trị. Tôi trả lời sau một phút hồi tưởng:

- "À, cháu nhớ rồi, căn nhà của ông M., có cô con gái xinh xinh học ở trường Bùi thị Xuân phải không cô?"

Nói tới đây, tôi lại chạnh nhớ đến Huy, nhớ tới tôi những ngày tháng ấy. Tôi lắc đầu, không muốn bị ám ảnh vì những hình bóng cũ, nhưng đấy cũng chỉ là tự dối lòng mà thôi, vì ít nhiều gì khi trở về Ðà Lạt lần này, tôi vẫn có nghĩ tới chàng. Cô tôi lại tiếp tục câu chuyện:

- "Ông M. mất rồi, chết trong trại Cải tạo ở miền Bắc. Căn nhà ấy được bán cho người khác, cả cô con gái cũng chết trong thời gian ấy, nhưng hình như linh hồn nó không siêu thoát được, cho nên những đêm trăng như thế này, ai đi đâu về khuya, vẫn thấy dưới gốc thông trước sân có hai cái bóng trắng đứng ôm nhau ở đó, nhưng hễ lại gần là biến mất."

Không tin lắm chuyện ma quỷ, nhưng giữa một đêm Ðà Lạt trăng sáng như đêm ấy, tôi không khỏi rùng mình và cũng chợt nhìn ra khung cửa sổ. Óc tò mò khiến tôi phải tìm ra cái uẩn khúc của những hồn ma dưới gốc thông nơi con dốc hoa vàng, tôi hỏi cô tôi:

- "Nhưng sao lại có những hai chiếc bóng dưới gốc cây thông hở cô?"

Cô tôi bỏ thêm than vào lò sưởi, những chiếc hoa than lại bay lên kêu lách tách, khiến câu chuyện trong đêm vừa ly kỳ mà lại thêm điều gì u uẩn đến lạnh người. Cô tôi chậm rãi kể:

- "Con bé ấy xinh đẹp, dễ thương mà chết sớm quá, đúng là hồng nhan bạc mệnh. Cháu có nhớ sau năm 75, các sĩ quan bị đưa đi tập trung cải tạo, cha của nó cũng bị đưa ra Bắc vì ông ta là một sĩ quan cấp tá. Gia đình lâm vào cảnh cùng cực, bà vợ hồi xưa sống dựa vào chồng cho nên khi ông ta đi tù thì đời sống gia đình thê thảm lắm. Họ phải mở một cái quán nước để mẹ con bấu víu vào đấy mà sống, mấy đứa con phải nghỉ học để giúp mẹ. Cái tội nhất là cô con gái mà cháu biết. Nó thật xinh đẹp nết na, ngày xưa cũng có quen với một anh chàng bên Võ Bị, hai đứa chúng nó hứa hẹn là khi ra trường sẽ làm đám cưới, nhưng..."

Không biết tại sao tôi lại buột miệng cắt lời cô với một vẻ mỉa mai, khi nhớ tới chuyện của mình ngày xưa:

- "Có phải khi anh ta ra đi là quên mất lời thề, và cô ta đã bị bỏ rơi."

Hình như hiểu được lòng tôi, cô tôi chỉ mỉm cười

- "Không phải thế đâu cháu, đâu phải trái đất này chỉ đầy những con người phản bội. Nếu thế thì làm gì có chuyện hai hồn ma hiện về dưới bóng cây thông mỗi đêm trăng sáng."

Tôi cũng mỉm cười, trở lại với câu chuyện dang dở của hai cô cháu:

- "Vâng, có lẽ cháu nhìn đời không được bình thường thôi cô ạ. Thế chuyện làm sao nữa hả cô?"

Cô tôi nhắp một ngụm trà rồi hắng giọng kể tiếp:

- "Những năm sau cuộc chiến, bao nhiêu chuyện xảy ra thật là bi thảm cho nhiều gia đình người dân miền Nam, cho nên, nhà con bé An, cũng là một trong những cảnh đáng thương mà cô nhìn thấy. Người yêu của nó sau khi ra trường, được đổi về một đơn vị ngoài Ban mê Thuộc, chính là điểm khởi đầu cho cuộc tiến công vào miền Nam, và anh ta không bao giờ trở về nữa cháu ạ. Nghe nói khi hay tin anh ta chết, con bé An có đi tìm đến gia đình anh ta, nhưng hầu như chẳng bao giờ còn có hy vọng tìm được xác người lính ấy nữa. Thật tội nghiệp! Từ đấy, con bé như người mất hồn, bố lại bị đi cải tạo, được vài năm thì chết trong tù, gia đình ấy tan tác từ đấy. Con bé cứ buồn rầu mãi, người xanh lướt như tàu lá, vì đời sống ăn uống thiếu thốn, dồn dập bao nhiêu chuyện buồn, cho nên vào một năm trời Ðà Lạt bỗng trở lạnh hơn mọi năm, tự nhiên nó lang thang đi ra ngoài lúc ban đêm, về nhà bị cảm lạnh, sưng phổi rồi chết."

Cô tôi ngưng lại như để nén những xúc cảm đang dâng trong lòng cô. Tôi cũng im lặng mà nghe như trong bóng đêm đầy ắp một nỗi buồn. Tôi nhớ cô bé An, nhỏ hơn tôi vài tuổi, rất xinh xắn trong chiếc áo len màu xanh đồng phục của trường Bùi thị Xuân, mỗi buổi sáng vẫn hay đi ngang nhà tôi, khép nép chào bố mẹ tôi mỗi lần gặp. Bây giờ cô đã ra người thiên cổ, và gặp người yêu ở bên kia thế giới. Thế cũng là một điều vui, chẳng hơn tôi và Huy, vẫn còn ăn còn thở mà đời thì như đã nghìn trùng xa cách... Nhìn ánh trăng mờ ảo ngoài khu vườn đầy bóng cây lay động dưới gió đêm, nghe hàng thông phía sau nhà reo vi vu trong đêm tối, tôi vẫn trăn trở với hai chiếc bóng của đôi tình nhân trong ngôi nhà cuối dốc. Tôi hỏi:

- "Bây giờ gia đình An còn ở đấy không hả cô?"

Cô tôi khẽ thở dài, vẫn đưa những mũi kim nhanh thoăn thoắt dưới ánh đèn dìu dịu của căn phòng, và tiếng than hồng vẫn tí tách trong lò sưởi:

- "Không, nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đây, để cháu thấy là thế giới của linh hồn có những điều kỳ diệu mà mình không hiểu được. Cô nghe kể lại rằng, hồi hai đứa nó yêu nhau, có trồng một cây thông ngay lối vào nhà, và không biết họ đã hẹn thề với nhau như thế nào, nhưng cây thông ấy thì càng ngày càng cao lên theo tình yêu của họ. Nhưng từ lúc anh chàng Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị ấy ra trường, rồi hy sinh ngoài mặt trận, người ta chưa nhắc tới chuyện hồn ma nơi gốc thông ấy. Chỉ đến khi con bé An chết đi, người ta vô tình mới phát hiện được hai cái bóng đứng ôm nhau dưới gốc thông mỗi đêm trăng. Từ đằng xa, rõ ràng có hai cái bóng trắng quấn quýt dưới gốc thông, người trong xóm về khuya cứ tưởng là có người đang hẹn hò tâm sự dưới đêm khuya, nhưng đến khi lại gần thì không nhìn thấy gì nữa, hai cái bóng đã biến mất. Không phải một lần mà người ta đã tin, nhưng đã có nhiều người nhìn thấy rồi, cho nên dù không tin cũng phải tin, có người còn mua cả hoa thơm và nhang đèn để cầu cho đôi bạn ấy được siêu thoát."

Nghe cô tôi kể tới đây, tự nhiên tôi cũng phải rùng mình, và càng cảm thương cho một mối tình chung thủy, đẹp tuyệt vời của đôi tình nhân, huống gì cô bé An lại là người hàng xóm của tôi ngày xưa. Cô tôi lại tiếp tục kể:

- "Thật tội nghiệp cho những người tuổi trẻ yêu nhau thời chinh chiến. Linh hồn họ bị những lời thề ràng buộc mãi vào nơi chốn trên trần gian, cho nên vẫn tìm cách đến với nhau dù đã xa lìa cõi thế. Cuối cùng, sau cái chết của chồng và cô con gái, mẹ cô An đưa các con về Ðơn Dương làm rẫy, căn nhà được bán lại cho người khác..."

Tôi tò mò ngắt lời cô:

- "Thế linh hồn đôi tình nhân còn hiện về dưới gốc thông những đêm trăng nữa không cô?"

Cô tôi gật đầu:

- "Vẫn còn, hình như khi sống họ ở đâu, đến khi chết linh hồn chưa siêu thoát, họ cứ theo lối cũ mà về. Mãi tới khi làm lại con đường cho rộng hơn theo chỉ thị của nhà nước, phải chặt cây thông vì nó nằm gần vệ rào, từ đấy đôi tình nhân mới thôi trở về với nhau. Nhưng tội lắm cháu ạ, hôm đốn cây thông cô cũng ra xem, trời cứ âm u suốt ngày hôm ấy, lúc cây thông được đốn ngã xuống những dòng nhựa tươm đầy dưới gốc thông. Nó màu đỏ cháu ạ, đỏ sậm như máu, thay vì màu nâu nâu như thứ mủ thông cháu thường thấy, mủ cây thông này lại màu đỏ. Nhìn nó cô cứ tưởng như những dòng máu đỏ của chàng trai Võ Bị năm xưa đã nằm xuống khi tuổi còn thanh xuân, và cho một lời thề còn dở dang..."

Nghe cô tôi kể tới đây, tôi rợn cả người, trong khi ấy bên ngoài khung cửa sổ, tôi nhác thấy những bóng thông oằn oại dưới ánh trăng. Ðêm Ðà Lạt rét mướt, ẩm ướt những sương khuya, tiếng thông reo như một bài tình ca bất tận, những chiếc hoa than vẫn lách tách trong lò sưởi, bỗng dưng tôi nghe như có những giọt nước mắt ngậm ngùi rơi âm thầm trong bóng tối của một đêm tôi trở về Ðà Lạt.

oOo

Bây giờ ở xứ người, tôi vẫn nhìn thấy bóng dáng cây thông Ðà Lạt năm xưa. Mỗi mùa Xuân sang, trời ấm áp, những chiếc hoa thông đầy phấn vàng, những bóng nắng lấp lánh trên ngọn thông, tôi vẫn nhớ về Ðà Lạt và câu chuyện tình của cô bé tên An với chàng trai Võ Bị.
Cú điện thoại của người bạn cũ và câu chuyện gặp lại Huy với chiếc chân đi khập khiễng, làm lòng tôi mơ hồ nhớ lại chuyện mình năm xưa. Và tôi cũng chợt nhớ đến thời con gái còn ngây thơ, tham gia trong một tổ chức thiện nguyện của nhà thờ, tôi và cô bạn cũ thường hay dành những chiều thứ Bảy để đi thăm những người thương binh trong quân y viện. Lần ấy, chúng tôi đã bị từ chối bởi một người sĩ quan trẻ cụt cả hai chân, mặt xanh lướt, đắp một tấm chăn mỏng trong phòng dưỡng thương của bịnh viện. Anh nằm yên lặng, đôi mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà, tấm chăn đắp cho thấy anh chỉ còn hơn nửa phần trên của cơ thể. Khi thấy chúng tôi ngỏ ý thăm anh, anh quay mặt vào vách tường và bảo người lính đóng cửa phòng lại. Tôi còn nhìn thấy trên khuôn mặt xanh lướt ấy, đôi mắt anh như chất chứa một đám mây đen tuyệt vọng.

Bây giờ khi tôi chợt hiểu về lá thư tuyệt tình của Huy gần ba mươi năm trước, thời gian trôi đi khá lâu để tôi không còn cơ hội tìm gặp chàng, để cảm tạ ân tình cao đẹp của người trai Võ Bị năm xưa, khi anh cũng mang mặc cảm giống như người thương binh bị cụt chân nằm trong Quân Y viện, không muốn bắt người yêu hy sinh và chia xẻ gánh nặng với mình trong suốt nẻo đường trần. Anh đã chịu mọi thiệt thòi, mất mát nhất của người trai trong thời ly loạn, kể cả việc bị tôi nguyền rủa anh là kẻ bạc tình, và đã quên anh như quên một chiếc bóng bên đường.

Không biết tôi có nên tìm lại anh để nói những lời giải bày cho một chuyện tình ngày trẻ tuổi. Có lẽ cũng không nên gặp lại khi cả hai đã có một cuộc đời riêng, như định mệnh đã xô đẩy hai đứa về hai phương trời khác biệt. Nhưng tôi biết rằng từ hôm nay, tôi vẫn yêu Ðà Lạt, vẫn giữ mãi trong lòng những ngọn thông xanh Ðà Lạt năm xưa, khi ngồi với Huy dưới một gốc thông trong khu rừng Ái Ân, bên bờ hồ Than Thở.

(Thân tặng các bạn của tôi, Khóa 25 VBÐL)

Nguyên Nhung


Powered by Blogger.