Đã Đến Lúc Mỹ Thả Nổi NATO Và Bắt Tay Với Nga Để Chống Trung Hoa
Tôi nghĩ, trong một thời kỳ lịch sử, họ ghê gớm hơn người Nga. Và tôi nghĩ trong 20 năm nữa, người kế nghiệp của ông, nếu khôn ngoan như ông, thì ông ta sẽ đi đến chỗ nghiêng về người Nga chống lại người Trung Hoa. Trong 15 năm tới, chúng ta phải nghiêng về người Trung Hoa chống lại người Nga. Chúng ta phải hoàn toàn lạnh lùng trong trò chơi thăng bằng quyền lực này. Ngay bây giờ, chúng ta cần người Trung Hoa để chỉnh sửa người Nga và trừng trị người Nga. -Kissinger nói với Nixon (1)
Trong tháng 7 vừa qua, vào ngày 11/7/2018, Tổng Thống Trump đã sang Brussels, Bỉ tham dự hội nghị với các quốc gia trong NATO. Tiếp đó, ngày 16/7/2018, ông sang Helsinki, Phần Lan để dự hội nghị với Tổng Thống Nga, ông Vladimir Putin.
Họp thượng đỉnh với NATO, tại Brussels, Bỉ
Trong phòng họp, khi có câu hỏi của ký giả liên quan đến chi phí quốc phòng cho NATO, Tổng Thống Trump đã trả lời:-"... Và nói thật ra, nhiều nước nợ chúng tôi một khoản tiền lớn trong nhiều năm nay, tính từ lúc họ ở chỗ quịt nợ (delinquent), theo như tôi nhận biết, vì Hoa Kỳ đã phải trả cho họ. Vì vậy, nếu lùi lại 10 hoặc 20 năm, quý vị chỉ cần cộng tất cả lại. Đó là những khoản nợ rất lớn..." (2)
Ông Trump cũng nêu đích danh Đức đã không đóng góp đúng mức cho chi phí quốc phòng của NATO. Trong khi Hoa Kỳ giúp bảo vệ NATO, thì Đức lại thỏa thuận với Nga hàng tỉ mỹ kim về năng lượng. Ông Trump cho biết, điều này rất bất công với người dân đóng thuế của Hoa Kỳ. Ông cũng hối thúc các quốc gia Âu Châu phải đẩy mạnh thêm việc gia tăng chi phí quốc phòng cho NATO.(2)
Họp thượng đỉnh với Nga, tại Helsinki, Phần Lan
Trong hội nghị này, hai Tổng Thống Trump và Putin đã họp riêng trong hai giờ, và mỗi bên chỉ có một người phiên dịch. Sau đó, trong cuộc họp báo chung, để trả lời câu hỏi của một ký giả về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, ông Trump đã nói:-"Tôi có một sự tin tưởng rất lớn vào giới tình báo của tôi nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng Tổng Thống Putin đã cực kỳ mạnh mẽ và đầy sức mạnh trong sự phủ nhận mà ông đưa ra ngày hôm nay và những gì ông ấy làm là một đề nghị tưởng như không tin được (an incredible offer)..." (3)
Với những phát biểu như trên, ông Trump bị chỉ trích dữ dội. Vì ông bị xem là đã coi nhẹ công trình điều tra của giới tình báo Hoa Kỳ về việc tình báo Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, trong khi đó ông Trump lại xem trọng điều phủ nhận của ông Putin.
Những Thông Điệp Được Nhắc Lại
Trở về lại Hoa Kỳ, tại Washington ngày 17/7/18, Tổng Thống Trump đã đính chính điều ông đã phát biểu tại Helsinki. Cũng như cho biết là ông "hoàn toàn tin tưởng" vào những cơ quan tình báo Mỹ và chấp nhận những kết quả tìm được của các cơ quan này về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. (4)Việc phát ngôn sai lạc là điều có thể xảy ra, nhưng những đính chính như vậy chỉ là một cách giải thích để làm yên dư luận và không đáng tin cậy mấy. Sự thiếu thận trọng của ông Trump trong khi phát biểu đã gây ra những cơn bão chỉ trích sau hai cuộc hội nghị đó.
Tuy nhiên, khi nhìn lại hội nghị với NATO vừa qua, thì kể từ ngày thành lập cho đến nay đã 70 năm, chưa một tổng thống Hoa Kỳ nào lại công khai chỉ trích NATO một cách sỗ sàng như ông Trump.
Nhất là chỉ vài ngày sau hội nghị với NATO, và sau khi họp với Tổng Thống Nga tại Helsinki, Tổng Thống Trump đã bày tỏ sự hòa hoãn đối với Nga, một quốc gia vẫn được xem là “thù địch” của Mỹ.
Rõ ràng là trong lần công du vừa qua Tổng Thống Trump đã muốn truyền ra hai thông điệp đến:
- NATO: Rất bất bình với việc các quốc gia NATO Âu Châu, đặc biệt là Đức, đã không đóng góp đúng mức cho chi tiêu quốc phòng của NATO.
- Nga: Bày tỏ sự mềm mỏng với Nga và cho thấy có ý muốn hợp tác với Nga.
Đến nay, qua những phát biểu mạnh mẽ đối với NATO và hòa dịu đối với Nga - hai tín hiệu mà ông Trump đã nhiều lần gửi ra - thì phải chăng Hoa Kỳ đang thay đổi chính sách ngoại giao đối với Âu Châu và Nga và chuyển ưu tiên cao sang Á Châu - với một Trung Hoa đang sừng sững đe dọa?
Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của Hoa Kỳ
Thực ra hiện nay các giới hoạch định chính sách quốc gia của chính quyền Trump đã xếp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific) vào hàng đầu tiên trong các khu vực chiến lược quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.Mức Độ Tăng Trưởng Kinh Tế của Các Khu Vực Trên Thế Giới Trong Năm 2017, theo Focuseconomics |
Trong tài liệu Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của Hoa Kỳ, 2017 (National Security Strategy of the USA, 2017), (6) công bố vào tháng 12, 2017, Tòa Bạch Ốc liệt kê các khu vực Hoa Kỳ phải quan tâm trong phần Chiến Lược Trong Bối Cảnh Khu Vực (The Strategy In a Regional Context) theo thứ tự:
- Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific)
- Âu Châu (Europe)
- Middle East (Trung Đông)
- Nam và Trung Á (South and Central Asia)
- Tây Bán Cầu (Western Hemisphere)
- Phi Châu (Africa)
Khu Vực Ấn Độ-Thái Bình Dương: Chiến Lược và Ưu Tiên Hành Động (Priority Actions)
- Kinh Tế: "Hoa Kỳ sẽ khuyến khích hợp tác khu vực để duy trì những hải lộ tự do và rộng mở, các hoạt động tài chánh hạ tầng cơ sở minh bạch, thương mại không bị cản trở và phương cách hòa bình để giải quyết tranh chấp..."
- Quân Sự Và An Ninh: "Chúng ta sẽ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại các căn cứ ngoại biên (forward military presence) có khả năng ngăn chặn và, nếu cần, đánh bại bất cứ kẻ địch nào. Chúng ta sẽ tăng cường các mối quan hệ quân sự lâu dài của chúng ta và khuyến khích sự phát triển mạng lưới phòng thủ mạnh mẽ với các đồng minh và các đối tác của chúng ta. Ví dụ, chúng ta sẽ hợp tác trong việc phòng thủ hỏa tiễn với Nhật Bản và Đại Hàn để tiến tới một khả năng phòng thủ khu vực..."
Khu Vực Âu Châu: Chiến Lược và Ưu Tiên Hành Động
- Kinh Tế: "Hoa Kỳ sẽ làm việc với Liên Minh Âu Châu, và song phương với Vương Quốc Anh và các quốc gia khác, để bảo đảm các phương cách mậu dịch được công bằng và hỗ tương (reciprocal) và loại bỏ các rào cản đối với sự tăng trưởng. Chúng ta sẽ khuyến khích đầu tư trực tiếp từ các nước Âu Châu vào Hoa Kỳ để tạo việc làm. Chúng ta sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để đa dạng hóa các nguồn năng lượng Âu Châu nhằm bảo đảm vấn đề an ninh về mặt năng lượng của các quốc gia Âu Châu. Chúng ta sẽ làm việc với các đối tác của mình để phản đối các phương cách mậu dịch và kinh tế không công bằng của Trung Hoa và hạn chế việc họ mua lại các kỹ thuật cơ mật (sensitive technologies)..."
- Quân Sự Và An Ninh: "Hoa Kỳ hoàn thành các trách nhiệm quốc phòng của mình và mong đợi những quốc gia khác cũng làm như vậy. Chúng ta kỳ vọng các đồng minh Âu Châu gia tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản lượng quốc gia vào năm 2024, với 20% của phần chi tiêu này dành cho khả năng quân sự ngày càng gia tăng..."
NATO Trong Bối Cảnh Chính Trị Mới
Từ khi được thành lập vào năm 1949, NATO đã đóng một vai trò quan trọng cho an ninh của Âu Châu, nhất là vào thời kỳ Chiến Tranh Lạnh trước hiểm họa xâm lăng của khối cộng sản, đứng đầu là Liên Bang Xô Viết. Khi an ninh được ổn định, Âu Châu mới có thịnh vượng. Và Hoa Kỳ cũng thụ nhận được những kết quả tốt nơi một Âu Châu an ninh và thịnh vượng.Tuy nhiên vào tháng 12, 1991, Liên Bang Xô Viết đã sụp đổ và bị vỡ ra thành 15 quốc gia, trong đó có Nga. Hiện giờ, dù không còn là một siêu cường như Liên Bang Xô Viết trước đây, các giới lãnh đạo Nga vẫn có tham vọng muốn tái lập một đế quốc Nga.
Mặc dù còn sở hữu nhiều vũ khí nguyên tử, nước Nga ngày nay không còn đủ thực lực, nhất là về kinh tế, để có thể ngang nhiên xua quân tiến chiếm các quốc gia Âu Châu như trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Nhưng để phòng ngừa một nước Nga, đang sở hữu một số lượng vũ khí nguyên tử rất lớn, thì sự hiện diện của NATO cũng vẫn còn là một điều cần thiết cho Âu Châu.
Biểu đồ Tổng Sản Lượng của Hoa Kỳ, Trung Hoa, Đức và Nga - Cập nhật ngày 6/7/2018; Nguồn: xem (7) |
Trong một tình trạng như vậy, việc Nga cần làm trước tiên là phải lo ổn định điểm đứng, và bảo vệ chu vi vòng đai. Nhất là chắc chắn Moscow vẫn còn bị ám ảnh rất nhiều bởi một sự xâm lăng đến từ phía Tây nước Nga, như nước Đức vào thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Bởi đó, Putin đang cố gắng mở rộng và bảo vệ những khu vực chung quanh nước Nga, như những vùng đệm, và buộc Tây phương phải công nhận và tôn trọng phạm vi ảnh hưởng đó của Nga.
Những điều này có thể nhận thấy được qua việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Đồng thời tại Ukraine, có những nơi có đông dân cư nói tiếng Nga, như các vùng phía đông của Ukraine, đều được Nga khuyến khích và yểm trợ để họ ly khai.
Vào năm 2014, khi Nga can thiệp vào Ukraine, những thành phần ly khai tại thành phố Luhansk, phía đông Ukraine, tự xưng là Luhansk People's Republic (Cộng Hòa Nhân Dân Luhansk) đã tuyên bố Luhansk độc lập sau một cuộc "trưng cầu dân ý."
Gần đây nhất, vào năm 2017, tại vùng Donetsk, cũng thuộc phía đông của Ukraine, đã có nhóm ly khai tự xưng là Donetsk People's Republic (Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk) tuyên bố thành lập một "quốc gia" khác mang tên là Malorossiya, có nghĩa là Little Russia.
Trong khi đó càng ngày Trung Hoa càng bành trướng, về kinh tế lẫn quân sự, và có tham vọng muốn đứng đầu thế giới. Bởi thế, với một NATO mở rộng, nhưng không mấy hội viên muốn đóng "hội phí," cũng không sẵn sàng trước nguy cơ bị xâm lăng quân sự bởi Nga và hiểm họa bị khống chế kinh tế bởi Trung Hoa, và chỉ muốn dựa vào sự gánh vác của Hoa Kỳ, thì NATO đó sẽ là một gánh nặng không thể biện minh được đối với Hoa Kỳ. Nhất là khi chính các quốc gia giàu mạnh của NATO Âu Châu vẫn không tích cực đóng góp cho sự an toàn của chính họ.
Quả thực, việc Mỹ "thả nổi" NATO là một điều gần như không thể xảy ra được - trong một điều kiện bình thường. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không bao giờ có thể xảy ra. Cũng tương tự như những gì mà ứng cử viên Donald Trump đã nói với phóng viên của báo The New York Times:
"Bạn phải luôn luôn chuẩn bị bước đi. Điều đó không có nghĩa là tôi muốn bước. Và tôi vẫn thích không bước đi. Bạn phải chuẩn bị và quốc gia của chúng ta không thể làm những gì chúng ta đang làm. (You always have to be prepared to walk. It doesn’t mean I want to walk. And I would prefer not to walk. You have to be prepared and our country cannot afford to do what we’re doing.)" (5)
Nếu tình trạng của NATO như hiện nay vẫn tiếp diễn, Hoa Kỳ sẽ không thể có đủ khả năng để tiếp tục gánh gồng cho cả NATO. Nhất là Hoa Kỳ còn phải đối phó với một Trung Hoa hùng mạnh, nguy hiểm và rất khôn ngoan trong việc thực hiện sự bành trướng của họ.
Một Hiểm Họa Của Thế Giới: Trung Hoa
Hoa Kỳ và Đồng Minh
Trước sự bành trướng vượt bực của Trung Hoa, đã có những đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực bị ảnh hưởng bày tỏ sự lo ngại là họ sẽ bị bỏ rơi. Cũng như có những luận cứ cho rằng sẽ chỉ có duy nhất một trong hai cường quốc, hoặc Trung Hoa hoặc Hoa Kỳ, là có khả năng làm bá chủ khu vực. Và một khi Trung Hoa đang lên, thì lẽ dĩ nhiên, Hoa Kỳ bắt buộc sẽ phải đi xuống.Với một Hoa Kỳ và các đồng minh chưa có một chiến lược rõ ràng, cũng như đã không (hay chưa) đưa ra được một đấu pháp rõ rệt để ngăn chặn hoặc phản công lại Trung Hoa, thì những luận cứ nêu trên xem ra khá có tính thuyết phục và rất được guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh ưa chuộng, và loan truyền rộng rãi.
Vladimir Lenin, bậc thày của Tập Cận Bình và của cộng đảng Trung Hoa, đã từng nói: "Đâm thử bằng lưỡi lê: nếu đụng thép, ngưng lại. Nếu gặp mềm, đẩy tới." (Probe with a bayonet: if you meet steel, stop. If you meet mush, then push.)
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy rằng khi đụng trúng thép, Bắc Kinh bị dội lại, mặc dù ngoài mặt vẫn tung ra những ngôn từ hung hăng và những đe dọa mơ hồ. Tuy nhiên, khi gặp phải thứ mềm, chắc chắn Bắc Kinh sẽ liên tục đẩy tới.
Điển hình nhất là các sự việc đã xảy ra tại các quốc gia khác nhau trong những năm gần đây:
- Năm 2013: Nhật Bản đã mạnh dạn phản đối việc Trung Hoa định áp đặt chính sách Khu vực Nhận dạng Phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) để mở rộng không phận của Trung Hoa tại Thái Bình Dương. Thủ Tướng Nhật, Shinzo Abe tuyên bố, "các biện pháp đưa ra bởi phía Trung Hoa không có bất cứ giá trị gì đối với Nhật Bản - the measures by the Chinese side have no validity whatsoever on Japan." Và Trung Hoa không hề dám bắn hạ các máy bay của Nhật bay trên không phận của vùng ADIZ mà họ đã công bố thuộc Trung Hoa.
- Năm 2017: Nam Hàn từ chối không nhượng bộ trước áp lực kinh tế của Trung Hoa đối với việc Nam Hàn bố trí các hệ thống phi đạn phòng không THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) để phòng thủ chống lại các tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn.
- Năm 2017: Ấn Độ đã đưa quân đội vào Doklam, để ngăn không cho quân đội Trung Hoa xây đường. Kết quả là cả hai bên Ấn và Hoa đều rút quân ra khỏi Doklam mà không có nổ súng. Doklam là một khu vực gần vùng ba biên giới Ấn-Hoa-Bhutan và đang có tranh chấp giữa Trung Hoa và Bhutan - một quốc gia nhỏ bé là đồng minh của Ấn Độ.
- Năm 2018: Vào tháng 7/2018, chính quyền Trump đã chính thức công bố các biện pháp đánh thuế nhập cảng lên nhiều loại hàng hóa của Trung Hoa có trị giá hàng trăm tỉ mỹ kim để trả đũa những chèn ép mà Bắc Kinh đã từ lâu áp đặt lên lãnh vực mậu dịch với Hoa Kỳ. Và xem ra, trước các biện pháp mạnh này, Bắc Kinh cũng đang bị chùn tay.
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ và đồng minh chưa tìm ra được phương thức hữu hiệu để đối phó với Trung Hoa ở một tổn phí có thể chấp nhận được, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Hoa hoàn toàn bất khả trị và do vậy, sớm muộn gì thì họ cũng thống trị toàn khu vực.
Ngoài ra, trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ngoài Hoa Kỳ, còn có Nhật Bản, Ấn Độ và Úc là những quốc gia có thực lực và chắc chắn họ không bao giờ muốn để sự độc lập và chủ quyền của quốc gia họ bị đặt dưới sự thống trị hay "bảo trợ" của Trung Hoa.
Phần lãnh thổ màu vàng đang có tranh chấp dọc biên giới Ấn Độ bị Bắc Kinh "dán nhãn" thuộc về Trung Hoa |
Đứng trước một Trung Hoa hiện đang tiến hành những xâm thực có hệ thống thì đối với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhất là Hoa Kỳ, nếu không đưa ra được chính sách để đối phó hữu hiệu, thì "vết dầu loang Trung Hoa" sẽ càng ngày càng khó trị.
Nhu Cầu "Tái Phối Trí"
Hơn 46 năm trước, vào năm 1972, khi bàn luận về vấn đề chiến lược với Tổng Thống Nixon, cố vấn an ninh quốc gia Kissinger đã xác nhận Hoa Kỳ phải cần đến Trung Hoa trong chiến lược toàn cầu: "Trong 15 năm tới, chúng ta phải nghiêng về người Trung Hoa chống lại người Nga... Ngay bây giờ, chúng ta cần người Trung Hoa để chỉnh sửa người Nga và trừng trị người Nga." (1)Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, Kissinger cũng đã nhận ra hiểm họa Trung Hoa: "Và tôi nghĩ trong 20 năm nữa, người kế nghiệp của ông, nếu khôn ngoan như ông, thì ông ta sẽ đi đến chỗ nghiêng về người Nga chống lại người Trung Hoa." (1)
Về cách hành xử chính trị của Hoa Kỳ trong tam giác quyền lực Washington, Moscow và Beijing, Kissinger đã nói: "Chúng ta phải hoàn toàn lạnh lùng trong trò chơi thăng bằng quyền lực này." (1)
Gần đây, trong cuộc phỏng vấn vào ngày 20/7/18 của Edward Luce của báo Financial Times (11), Kissinger cho biết ông đã gặp Putin mười bảy (17) lần và ông cũng đã phúc trình lại cho Washington nội dung của các buổi họp đó.
Nhìn về Âu Châu, Kissinger nhận xét là hiện nay đa số các lãnh tụ tại đó chỉ muốn cầu an, tránh né trở ngại (trouble). Và ngay như việc đó họ cũng làm không được tốt. Viễn ảnh của một Âu Châu yếu kém sẽ là một Âu Châu bị đặt dưới sự "che chở" của Trung Hoa, đang muốn phục hồi lại vai trò lịch sử của họ như là một "Middle Kingdom" và trở thành "nhà cố vấn chính yếu cho tất cả nhân loại."
Theo Kissinger: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong một giai đoạn rất là nghiêm trọng cho thế giới."
Kissinger còn nói rằng:
"Tôi nghĩ rằng Trump có thể là một trong những nhân vật trong lịch sử thỉnh thoảng mới xuất hiện để đánh dấu sự chấm dứt của một thời đại và để buộc thời đại đó phải từ bỏ những trò giả vờ cũ rích của nó. Không nhất thiết có nghĩa là ông ta biết điều này, hoặc rằng ông ta đang cân nhắc bất kỳ một giải pháp to tát nào khác. Đó cũng có thể chỉ là một tình cờ. (I think Trump may be one of those figures in history who appears from time to time to mark the end of an era and to force it to give up its old pretences. It doesn’t necessarily mean that he knows this, or that he is considering any great alternative. It could just be an accident.) "
Đứng trước mặt là một Trung Hoa lớn mạnh, đầy tham vọng, và ngay bên cạnh là một đồng minh NATO, thích được ngủ yên trong sự bảo vệ của "rào chắn" NATO, nhưng lại không muốn bỏ công, bỏ của ra để củng cố rào chắn đó, thì đối với Hoa Kỳ, việc bắt tay với Nga để kiềm chế Trung Hoa sẽ không còn là một chọn lựa mà đó bắt buộc phải là một nhu cầu cấp thiết.
Tại những hội nghị song phương giữa Trump và Putin tại Helsinki, Washington hay Moscow có thể có những bàn luận, tính toán, bắt tay quyền lợi nhằm để sắp xếp lại một trật tự mới trong đó Washington vẫn muốn nắm giữ ưu thế áp đảo và Moscow vẫn muốn sẽ trở lại được vị thế của một siêu cường và phục hồi lại được vị trí của một "big brother", một "anh cả" mà đã một thời được "nước bạn anh em" Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa rất ngưỡng mộ.
Chắc chắn Nga sẽ không có ảo tưởng rằng những bàn luận về một trật tự mới với chính quyền Trump sẽ đưa đến sự chuyển nhượng lại cho Nga tất cả khu vực ảnh hưởng của Liên Xô trước đây.
Cũng chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ vẫn phải lưu tâm kỹ đến mọi chuyển dịch của Nga tại Âu Châu song song với việc Moscow vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của họ trên nhiều diễn trường, từ an ninh mạng, kiểm soát vũ khí hạt nhân, sang qua tới các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Trung Đông.
Và hiển nhiên là, trên cương vị của một quốc gia, Nga sẽ không bao giờ có thể đặt tin tưởng hoàn toàn vào Hoa Kỳ, hay bất cứ một quốc gia nào khác, dù là đồng minh hay không.
Vấn đề còn lại là Hoa Kỳ sẽ phải làm gì, và phải có những trao đổi hay nhượng bộ như thế nào để đem đến cho Nga những quyền lợi thiết thực và đáng giá - mà Nga không thể từ chối - và đổi lại Washington sẽ nhận được sự tiếp tay của Moscow để "chỉnh sửa và trừng trị Bắc Kinh." (Mượn theo cách nói của Kissinger với Nixon vào năm 1972.)
Chú Thích:
(1) Đối thoại giữa Kissinger và Nixon: history.state.gov/historicaldocuments/frus1969-76v17/d192
(2) Nguyên văn phần phỏng vấn ông Trump tại hội nghị NATO: www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-president-trump-nato-secretary-general-jens-stoltenberg-bilateral-breakfast/
(3) Nguyên văn buổi họp báo chung với Tổng Thống Putin, tại Helsinki: www.npr.org/2018/07/16/629462401/transcript-president-trump-and-russian-president-putins-joint-press-conference
(4) Video minh xác của ông Trump: www.c-span.org/video/?448596-1/president-trump-accepts-intel-assessment-russian-interference-denies-collusion
(5) www.nytimes.com/2016/07/22/us/politics/donald-trump-foreign-policy-interview.html
(6) Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ, 2017: www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf
(7) Biểu đồ GDP của Hoa Kỳ, Trung Hoa, Đức và Nga: www.google.com/publicdata/explore?ds=d5bncppjof8f9_&ctype=l&strail=false&bcs=d&nselm=h&met_y=ny_gdp_mktp_cd&scale_y=lin&ind_y=false&rdim=region&idim=country:CHN:USA:RUS&ifdim=region&hl=en&dl=en&ind=false#!ctype=l&strail=false&bcs=d&nselm=h&met_y=ny_gdp_mktp_cd&scale_y=lin&ind_y=false&rdim=region&idim=country:CHN:USA:RUS:DEU&ifdim=region&hl=en_US&dl=en&ind=false
(8) www.forbes.com/sites/stratfor/2016/12/20/the-trump-doctrine-a-work-in-progress/#7044e2cb21de
(9) Phỏng vấn Kissinger: www.cbsnews.com/news/henry-kissinger-hacking-russia-donald-trump/
(10) www.dw.com/en/little-russia-ukraine-separatists-proclaim-new-state/a-39732807
(11) www.ft.com [Subscribed to read: Henry Kissinger: ‘We are in a very, very grave period’]
Tham Khảo:
- www.washingtonpost.com/news/global-opinions/wp/2016/12/14/45-years-ago-kissinger-envisioned-a-pivot-to-russia-will-trump-make-it-happen/?utm_term=.c1bdd2d8b5de
- en.wikipedia.org/wiki/2017_China%E2%80%93India_border_standoff
- www.dslamvien.com/2017/01/donald-trump-va-mot-trat-tu-moi-tren.html
- www.dslamvien.com/2017/10/tham-vong-cua-trung-hoa-va-chien-luoc.html
- www.the-american-interest.com/2018/02/09/limiting-chinese-aggression-strategy-counter-pressure/
- nationalinterest.org/feature/its-time-stop-chinas-seaward-expansion-26346
Post a Comment