Truyện Rip Van Winkle của Nhà Văn Washington Irving
1/ Truyện Rip Van Winkle.
Ai đã từng đi du lịch ngược Dòng Sông Hudson đều phải nhớ Rặng Núi Catskill. Rặng núi này nhô cao lên về phía tây của dòng sông, thấp ở dưới là một ngôi làng nhỏ nằm ngủ yên. Khi đất nước này còn là một thuộc địa của Đế Quốc Anh, trong làng này có một người đàn ông tên là Rip Van Winkle cư ngụ.
Rip là một anh chàng đơn giản, bản tính tốt. Đối với các người trong làng, anh ta là một láng giềng tử tế. Nếu một nông dân nào cần giúp đỡ, anh ta đều tiếp tay. Anh ta cũng chạy theo các phụ nữ trong làng. Anh ta chỉ dạy cho trẻ em trong làng cách bắn bi hay thả diều. Mỗi khi Rip đi qua làng, trẻ em thường vây quanh anh ta. Anh kể cho chúng nghe nhiều chuyện ma, phù thủy và người da đỏ. Các trẻ em thường leo trên đùi anh hay nhẩy lên lưng anh. Chúng trêu chọc anh cả trăm cách. Ngay cả các con chó trong làng cũng không sủa cắn anh.
Tuy nhiên Rip có một lỗi lầm lớn, đó là không chịu làm việc nơi nông trại của mình. Không phải là anh đã không thử làm việc. Bất kỳ anh làm việc gì, tất cả đều hỏng. Các hàng rào bao quanh căn vườn của anh đều sụp đổ. Bò của anh bị mất trộm. Cánh đồng của anh bị cỏ mọc nhanh hơn các nơi khác. Mỗi khi Rip bắt đầu làm việc thì trời đổ mưa. Chẳng cần phải nói mọi người đều biết rằng nông trại của anh là thứ kém nhất trong làng.
Các con của Rip cũng thế, rách rưới và lêu lổng như thể những đứa trẻ không có gia đình. Con trai của anh có các thói quen như cha, cũng mặc quần áo cũ của cha, vừa quá rộng, vừa cẩu thả, khi làm việc cần tới một tay giữ quần, gây thêm trở ngại. Tất cả những điều kể trên không làm cho Rip bận tâm. Chẳng bao giờ anh ta thấy hứng thú về một thứ gì. Sống một mình, Rip mới là con người hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng bà vợ Van Winkle chẳng hề để anh ta yên! Bà la lên: “Rip Van Winkle, anh không biết xấu hổ sao? Tôi chẳng hề gặp một con người vừa lười biếng, vừa trì trệ như anh! Tại sao anh không ra ngoài làm việc đi?“
Rip đã từng biết rằng anh không thể nói ra mà khiến cho vợ im miệng. Vì vậy anh chỉ biết nhún vai, lắc đầu và không nói gì! Nhưng cách im lặng của Rip càng làm cho bà vợ nổi giận hơn và la lớn thêm. Khi không thể chịu đựng lâu hơn, Rip đi ra ngoài.
Trong nhà, Rip chỉ có một người bạn duy nhất là con chó Wolf. Con chó này cũng sợ vợ của ông như chủ của nó. Mỗi khi đi vào trong nhà, nó cúi đầu, đuôi quặp giữa hai chân. Nó lẻn đi, tránh khóe mắt nhìn và cây chổi của bà Van Winkle. Khi cây chổi hiện ra, nó phóng ra cửa, kêu lớn tiếng.
Kể từ khi kết hôn, thời gian trôi qua càng làm cho Rip dở hơn. Để an ủi mình, Rip thường ra ngoài quán rượu giữa làng. Tại nơi này anh ta gặp một số người địa phương. Họ ngồi trên chiếc ghế dài, trước quán, nói chuyện cà kê hay kể lại các câu chuyện vớ vẩn không bao giờ hết. Họ thuộc về một thứ hội làng, họ hút thuốc suốt ngày và gật đầu ra vẻ khôn ngoan. Người đứng đầu hội làng tên là Nicholas Vedder, ông chủ quán. Ông ta ngồi trong chiếc ghế rộng, kê tại nơi đầu ghế dài.
Dù cho tại nơi quán này, Rip vẫn không được an toàn. Bà Van Winkle thường xuất hiện nơi cửa quán. Bà ta la tất cả mọi người và gọi họ là lười biếng, chẳng ích lợi gì và bà ta cũng nắm cánh tay Rip, kéo anh ta về nhà!
Một lối thoát duy nhất của Rip là đi sâu vào trong rừng. Tại nơi đây, anh ta cảm thấy an toàn. Rip ngồi dưới gốc cây, chia phần ăn với con chó Wolf và nói: “Wolf đáng thương, bà chủ của mày khiến cho mày sống đời con chó. Nhưng cho tới khi nào tao còn sống, mày vẫn còn có bạn”. Con chó vẫy đuôi, nhìn chủ vừa thương hại, vừa âu yếm.
Vào một ngày mùa thu đẹp trời, Rip đi sâu và lên cao trong Rặng Núi Catskill. Tới chiều, anh ta cảm thấy mệt mỏi nên ngồi nghỉ. Nhìn qua hàng cây, anh thấy các cánh đồng phía dưới. Anh cũng nhận ra Dòng Sông Hudson chảy rực rỡ trong yên lặng. Anh nhìn rõ các cánh buồm trắng trên nền trời tím. Anh ngắm lá cây rừng rơi từ cành cây gần đó. Bỗng nhiên Rip nhận biết rằng chiều tối rồi mà chưa về nhà. Anh vội vàng leo xuống núi.
Đúng vào lúc này, Rip nghe thấy tiếng gọi từ đằng xa: “Rip Van Winkle, Rip Van Winkle”. Rip nhìn quanh. Anh không thấy gì mà chỉ gặp một con quạ cô đơn bay trên đầu anh. Anh ta nghĩ: “Chắc là do trí tưởng tượng mà ra”. Rip lại tiếp tục đi khi nghe thấy cũng tiếng gọi khi trước: “Rip Van Winkle, Rip Van Winkle”, đồng thời con chó Wolf chồm lên và sủa lớn tiếng. Rip bắt đầu cảm thấy sợ hãi.
Rip quay đầu lại và nhận ra một người hình dáng kỳ dị đang chậm chạp leo lên các tảng đá. Người lạ này cong người vì một vật đeo trên lưng. Rip ngạc nhiên khi thấy một người lạ tại nơi cô liêu này. Rip nghĩ: “phải là một trong các người láng giềng của mình”. Khi lại gần, Rip bị sửng sốt vì người lạ. Anh này vừa lùn vừa mập, có tóc và râu rậm rạp, mặc y phục Hòa Lan của thời cổ xưa. Anh này cũng mặc cả quần ống túm và trên vai còn vác một thùng có vẻ đầy rượu. Người lạ này ra hiệu bảo Rip giúp một tay. Bản chất của Rip là hay giúp đỡ, vì thế Rip tiến tới người lạ và đỡ lấy thùng rượu nơi vai của anh lùn. Mỗi người thay nhau vác thùng rượu một lúc khi họ tìm đường đi lên núi.
Càng về sau Rip càng nghe thấy các tiếng vang rền dài như tiếng sấm từ đằng xa. Các tiếng động phát ra từ khoảng giữa hai tảng đá lớn mà hai người đang đi tới. Rip cho rằng phải có mưa và sấm là thứ thường xẩy ra trên núi cao. Anh ta tự hỏi tại sao người lạ mang một thùng rượu lên miền núi hoang dã này. Nhưng rồi Rip không nói gì.
Cả hai người đi giữa hai tảng đá lớn, vào một khoảng đất trống nhỏ hình tròn mà thiên nhiên đã tạo nên giữa miền núi. Tại nơi này Rịp nhìn thấy một cảnh lạ khác. Trên khoảng đất trống có các người kỳ dị đang chơi bóng. Họ mặc y phục kỳ cục, kiểu cổ với áo chẽn, quần túm, vài người có dao găm dài đeo nơi thắt lưng. Mặt của họ trông cũng buồn cười. Một người có cái đầu to, mặt dẹp và mắt nhỏ như mắt heo. Một người khác có cái mũi to gần như chiếm cả khuôn mặt. Họ đều để râu với màu và kiểu khác nhau. Một người đàn ông mập mạp có vẻ là trưởng nhóm, mặc y phục toàn màu đỏ, đội mũ trắng có gắn một lông chim dài. Cả nhóm người này làm cho Rip nhớ lại các bức tranh Hòa Lan cổ xưa.
Các người lạ này có vẻ đang vui chơi nhưng lại nghiêm nghị và không nói gì. Tiếng động nghe thấy chỉ là tiếng các quả bóng đụng vào các quả chày cản. Âm thanh dội ra, vang lên trong núi giống như tiếng sấm rền. Khi Rip và người lạ tới gần, các người lùn ngưng chơi bóng. Họ nhìn chằm chằm vào Rip khiến cho cặp đùi của Rip run lên. Rồi một người trong bọn họ đổ rượu vào các ly lớn. Các người này uống rượu từng hớp trong yên lặng. Sau một lúc, Rip bớt sợ hãi. Khi không còn bị ai nhìn nữa, Rip bắt đầu nếm thử rượu. Một lần nếm rồi, dẫn tới lần sau. Anh ta uống nhiều rượu quá cho tới khi cảm thấy chóng mặt. Mắt của Rip đờ đi và đầu óc suy sụp. Rip sớm chìm vào trong giấc ngủ say.
Khi tỉnh dậy, Rip thấy mình nằm tại nơi đã gặp người lạ với thùng rượu. Anh ta dụi mắt, lúc này là buổi sáng, trời nắng. Chim chóc đang nhẩy nhót và ríu rít trong các bụi cây. Một con chim diều hâu đang bay là là trên cao. Rip suy nghĩ: “Chắc là ta đã không ngủ tại nơi này suốt đêm”, rồi anh nhớ lại những gì đã xẩy ra trước khi buồn ngủ. Anh ta còn nhớ một người kỳ dị với thùng rượu, các người chơi bóng trong núi và anh đã uống rượu nhiều ly.
Rip nghĩ ngợi một cách đau khổ: “Ta phải xin lỗi bà Van Winkle thế nào đây?” Rip nhìn quanh, tìm kiếm khẩu súng đã từng được lau dầu sạch sẽ, nhưng anh ta chỉ thấy một khẩu súng rỉ sét. Anh nghĩ rằng các người kỳ dị trong núi đã trêu chọc anh. Anh nói: “Họ đã đổ rượu cho ta uống rồi lấy đi khẩu súng”. Con chó Wolf cũng biến mất, Rip huýt sáo nhiều lần mà chẳng thấy con chó.
Rip quyết định trở lại nơi mà anh đã trải qua ban đêm, tự bảo mình “nếu ta gặp một trong các người đó, ta sẽ đòi lại con chó và khẩu súng”. Rip đứng dậy một cách khó khăn. Người anh cứng đờ khiến cho anh di chuyển nặng nề. Rip nói: “Ngủ trên nền đá cứng này không hợp với ta”.
Sau một lúc, Rip tìm ra con đường mòn mà anh đã từng đi với người lạ. Khi tới các tảng đá, anh ngạc nhiên vì một dòng suối chảy qua nơi đây. Không có cách nào đi qua giữa hai tảng đá. Không còn dấu vết nào của khoảng đất trống. Chỉ có một bức tường đá cao từ đó nước đổ xuống. Rồi Rip phải ngừng lại. Anh ta bối rối. Anh gọi con chó nhiều lần. Chỉ có tiếng quạ trả lời.
Điều gì đã xẩy ra? Buổi sáng đã trôi qua và Rip thèm bữa ăn sáng. Anh ta không muốn về nhà với vợ, nhưng chẳng lẽ chết đói trong miền núi này sao, vì vậy Rip lắc đầu, rồi đặt khẩu súng rỉ sét lên vai và buồn bã hướng về nhà. Khi gần tới làng, Rip nhìn thấy nhiều người nhưng không có ai mà anh ta quen cả. Điều này làm cho Rip ngạc nhiên bởi vì anh biết rõ từng người sống nơi đây. Quần áo của họ cũng khác lạ, không giống thứ mà anh đang mặc. Các người dân làng nhìn chằm chằm vào Rip với cùng vẻ ngạc nhiên. Rip nhận ra rằng khi họ nhìn anh, họ sờ vào cằm của họ. Không suy nghĩ, Rip cũng làm theo. Quá ngạc nhiên, Rip thấy bộ râu của mình đã dài tới ba tấc.
Tới lúc này, Rip đi vào trong làng. Một nhóm trẻ em lạ đi theo gót anh ta. Chúng la hét và trêu chọc anh, chỉ vào bộ râu dài. Các con chó cũng sủa lớn khi anh ta đi qua.
Ngôi làng này có vẻ khác trước, vừa rộng hơn vừa đông người hơn. Có các dãy nhà mà Rip chưa hề thấy trước kia và các căn nhà mà anh đã từng ghi nhớ thì nay đã biến mất. Các tên lạ được gắn trên cửa nhà. Các bộ mặt lạ xuất hiện nơi cửa sổ. Mọi người đều xa lạ.
Đầu óc Rip quay cuồng. Anh ta tự hỏi phải chăng anh và thế giới chung quanh đã bị mê hoặc. Chắc chắn đây phải là ngôi làng bản quán của anh. Anh vừa mới rời khỏi làng vào ngày hôm trước! Đã từng có các đồi và thung lũng của Rặng Núi Catskill! Nơi xa xa là Dòng Sông Hudson màu bạc đang chảy.
Rip suy nghĩ: “Bình rượu kia đã làm cho đầu óc của ta rối loạn”. Rip tìm lối về nhà một cách khó khăn. Anh ta lại gần nhà với nỗi e sợ. Mỗi lúc, anh trông đợi nghe thấy giọng nói đanh thép của bà Van Winkle. Anh ta đã thấy căn nhà suy tàn rất nhiều. Mái đã đổ, cửa sổ bể vỡ, cánh cửa lớn long bản lề. Một con chó đói giống như con Wolf đang lừ đừ canh chừng. Rip gọi tên nó nhưng con chó gầm gừ và nhe răng nhọn, rồi bỏ đi. Anh Rip đáng thương này thở dài: “Con chó của ta cũng quên cả ta nữa!”
Rip đi vào trong nhà. Căn nhà thì trống trải và yên lặng. Anh ta lớn tiếng gọi vợ và con nhưng chỉ vang lên tiếng của anh rồi tất cả đều im lặng. Rip vội bước tới nơi hội họp cũ, quán rượu trong làng. Nhưng quán này cũng không còn nữa. Tại nơi đây tọa lạc một căn nhà lớn bằng gạch, trên cửa có treo tấm bảng “Khách Sạn Đoàn Kết”. Rồi cây lớn trước quán rượu được thay thế bằng một cột cờ cao và trên ngọn cột, có một lá cờ với các ngôi sao và sọc, đang bay phấp phới trong gió nhẹ. Mọi thứ đều lạ và bí ẩn. Chỉ có một vật quen thuộc được vẽ trên cửa, đó là bộ mặt vui tươi của Vua George. Dưới chính bức vẽ này Rip đã từng hút thuốc và nói chuyện với bạn bè. Và bức vẽ cũng bị thay đổi luôn. Chiếc áo màu đỏ của Vua George bây giờ trở thành màu xanh và vàng. Ông ta đội trên đầu một chiếc mũ thay vì vương miện, phía dưới có kẻ dòng chữ lớn: TƯỚNG WASHINGTON.
Thông thường trong quán khá đông người. Rip tìm kiếm Nicholas Vedder hay Van Bummel nhưng chẳng thấy đâu, chỉ có các gã xa lạ rảo bước quanh đó. Họ tranh luận về các vấn đề dân quyền, bầu cử, tự do, đồi Bunker, Quốc Hội. Đối với anh Rip đang bỡ ngỡ, các từ ngữ này chẳng mang ý nghĩa gì.
Đám đông vây quanh Rip. Họ nhìn vào bộ râu dài của anh, vào cây súng rỉ sét và bộ y phục xa lạ. Cuối cùng một người rẽ đám đông và nói: “chúng tôi đang có bầu cử tại đây. Tại sao ông mang súng tới?"
Rip kêu lên: “Khoan đã, tôi là con người tôn trọng hòa bình và trung thành với Nhà Vua”.
Một người la lớn: “Trung thành với Nhà Vua hả? Ông ta là một người thuộc Đảng Tory! Ông ta là một gián điệp, đả đảo ông ấy!”
Rip đáng thương cố gắng cắt nghĩa rằng anh ta không làm hại ai, anh chỉ muốn tìm kiếm vài người bạn mà anh thường gặp nơi quán rượu. Một người nói: “Vậy họ là ai? Kể tên ra!”
Rip suy nghĩ một lúc lâu rồi nói: “Nicholas Vedder bây giờ ở đâu?”
Sau một lúc yên lặng, một ông già bằng giọng nói yếu ớt đáp lại: “Nicholas Vedder hả? Ông ta đã chết 18 năm rồi! Ông ta được chôn trong sân nhà thờ!”
– “Thế Brown Dutcher ở đâu?”
– “Ông ta đã theo quân ngũ từ đầu cuộc chiến và không bao giờ trở lại”.
– “Còn Van Bummel, ông hiệu trưởng?”
– “Ông ta cũng tham gia chiến tranh, đã từng là một vị tướng. Bây giờ ông ta ở trong Quốc Hội”.
Rip buồn rầu. Tất cả các bạn cũ của anh đã khuất. Mọi câu trả lời đều làm anh bối rối. Có những điều mà anh không hiểu nổi: Quốc Hội! Chiến tranh! Cuối cùng Rip nói ra một cách tuyệt vọng: “Tại đây có ai biết Rip Van Winkle không?”
Một người trả lời: “Ồ, chắc rồi, Rip Van Winkle ở đằng kia!” Rip quay người lại. Dựa vào thân cây là hình ảnh của chính anh khi đi vào trong núi, trông vừa lười biếng, vừa rách rưới.
Anh Rip đáng thương lúc này hoàn toàn bối rối. Anh không biết rằng chính mình còn là mình hay là một người khác. Vào lúc này, một người hỏi: “Ông là ai?”
Rip kêu lên: “Tôi không biết! Tôi không còn là tôi nữa! Tôi ở đằng kia hả, không. Đó là một người khác đã ăn mặc giống tôi! Tôi là tôi tối hôm qua. Nhưng tôi đã ngủ trong núi và khẩu súng của tôi bị tráo. Mọi vật đều thay đổi. Tôi không còn biết tên tôi là gì và tôi là ai?”
Mọi người nhìn nhau, lắc đầu buồn bã! Họ gõ đầu suy nghĩ. Có người nói nhỏ về việc tước đi khẩu súng trước khi ông già này có thể làm hại ông ta hay người khác. Rồi một người đàn bà trẻ len qua đám đông, nhìn ông già Rip có bộ râu bạc. Bà này bế một đứa bé mụ mẫm trong tay. Đứa bé la khóc khi nhìn thấy ông già râu rậm. Bà ta bảo nhỏ đứa bé: “Im đi, Rip, ông già này không làm hại con đâu!”
Tên của đứa bé và giọng nói của người mẹ làm cho Rip giật mình. Rip hỏi: “Tên chị là gì?”
– “Judith Gardenier!”
– “Và tên cha của chị?”
Bà ta trả lời: “A! một người đàn ông đáng thương, tên là Rip Van Winkle. Nhưng đã 20 năm từ khi ông ta bỏ nhà ra đi, không ai nghe nói về ông ta nữa. Con chó đã trở về nhà mà không có ông ấy. Không ai biết ông ta đã tự sát hay bị đạn lạc, lúc đó tôi còn là một đứa bé”.
Rip hạ giọng hỏi thêm một câu: “Mẹ của bà bây giờ ở đâu?”
– “Ồ, bà ta đã chết không lâu sau đó, do cãi nhau với anh chàng bán dạo”.
Cuối cùng còn có một chút tin vui. Rip không cầm giữ được lâu nữa. Ông ta choàng tay quanh người con gái của mình và kêu lên: “Ta là cha của con đây, ta đã là Rip Van Winkle vào thời đó! Bây giờ ta là ông già Rip Van Winkle”.
Rip quay về phía đám đông: “Có ai ở đây biết anh chàng Rip Van Winkle đáng thương không?”
Mọi người yên lặng. Rồi một bà già bước chậm chạp về phía Rip. Bà ta xem xét bộ mặt của Rip một lúc và nói: “Chắc rồi, đây là Rip Van Winkle. Chính là Rip! Chào mừng anh trở về, anh bạn láng giềng! Tại sao và anh đã ở đâu trong 20 năm trường?”
Rip kể lại câu chuyện. Hai mươi năm trường đối với Rip chỉ là một đêm trôi qua. Các người dân làng lắng nghe và lắc đầu. Họ không dám tin nữa. Nhưng rồi sau đó, họ thấy ông già Peter Vanderdink bước chậm chạp trên đường. Họ quyết định hỏi ông ta nghĩ sao? Peter là người già nhất trong làng. Peter nhận ngay ra Rip. Ông ta chấp nhận câu chuyện của Rip là sự thực. Ông ta cắt nghĩa rằng Rặng Núi Catskill thường có những người lạ lui tới. Ông già Peter nói một cách trịnh trọng: “Quả thật, ông Hendrik Hudson đã tìm ra dòng sông và mỗi 20 năm, ông ta đều trở lại với nhóm người của ông khi tuần trăng bán nguyệt. Bằng cách này, ông ta và các thuộc hạ có thể kiểm soát dòng sông”.
Ông già Peter tiếp tục kể: “Tại sao hả, cha của tôi đã một lần trông thấy họ tại thung lũng trong miền núi. Họ mặc y phục Hòa Lan và chơi chín quả bóng”. Ông Peter cũng lắc đầu một cách nghiêm nghị: “Vào một buổi chiều mùa hè, chính tai tôi nghe thấy họ chơi bóng gỗ với âm thanh gây ra giống như tiếng sấm”.
Câu chuyện bị cắt ngắn vì đám đông giải tán và quay về cuộc bầu cử. Người con gái của Rip dẫn ông ta về cư ngụ với gia đình nàng. Cô này kết hôn với một nông dân vui vẻ. Rip còn nhớ anh chàng này là một trong các đứa trẻ đã từng trèo lên lưng của mình. Còn về con trai của Rip, cậu này được mướn làm công cho một nông trại. Giống như cha, cậu ta giỏi việc của người khác còn việc của mình thì dở.
Ông già Rip lại tiếp tục cách đi chơi và các thói quen cũ. Phần lớn thời giờ ông trải qua là kể chuyện tại chiếc ghế dài trước quán. Dù sao phải rất lâu ông ta mới hiểu rõ những gì xẩy ra trong giấc ngủ. Đã có một cuộc cách mạng. Quốc gia này không còn thuộc về nước Anh. Bây giờ Rip là một công dân tự do của Hoa Kỳ. Nhưng tự do đối với Rip có một ý nghĩa khác. Ông ta có thể đi mọi nơi mà không nghe thấy giọng nói của bà Van Winkle.
Rip thường hay kể chuyện của mình cho mọi người lạ tới quán rượu. Cuối cùng tất cả đàn ông, đàn bà và trẻ em láng giềng đều thuộc lòng câu chuyện này. Dù cho vài người nói rằng họ nghi ngờ sự thực của câu chuyện nhưng các người Hòa Lan loại cổ đều tin tưởng từng lời kể.
Ngay cả tới ngày nay mỗi khi nghe thấy tiếng sấm vào buổi trưa hè, nhiều người còn nói rằng đó là do ông Hendrik Hudson và nhóm người của ông ta đang chơi bóng gỗ trong Rặng Núi Catskill.
2/ Nhà Văn Washington Irving.
Rip Van Winkle (wikimedia.org) |
Washington Irving là nhà văn quan tâm tới các cảm xúc và sắc thái của người dân. Câu chuyện Rip Van Winkle của ông hàm chứa loại đặc tính quốc gia, cách so sánh quá khứ với hiện tại, nỗi nhớ nhà và bên trong câu chuyện còn pha trộn đặc tính hài hước, châm biếm. Rip được mô tả là con người đơn giản, bản tính tốt, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, thường lai vãng nơi quán rượu là chỗ hội họp của những người được coi là “khôn ngoan”. Đây là một thực tế mang tính châm biếm, chẳng hạn như một khẩu súng rỉ sét làm sao có thể gây ra nguy hiểm cho nhiều người trong phòng bầu cử, như một người trung thành với Vua nước Anh lạc vào giữa phòng bỏ phiếu của cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. Rồi sau khi tỉnh ngủ, Rip đã thấy con người, cảnh vật thay đổi nhưng thực ra căn bản vẫn giống như cũ và tác giả đã mô tả rằng các cuộc cách mạng chính trị và xã hội chỉ là phiến diện, nông cạn và sự thay đổi là một huyền thoại.
Washington Irving (1783/1859) là một trong các nhà văn đầu tiên của Hoa Kỳ có danh tiếng được công nhận tại châu Âu cũng như trên miền đất Tân Thế Giới. Irving chào đời tại thành phố New York vào ngày 3 tháng 4 năm 1783, là con trai cuối cùng trong số 11 người con của một gia đình có cha là người khắc khổ, theo đạo Presbyterian và người mẹ vui tính, theo đạo Anglican. Irving thuở nhỏ yếu đuối, mảnh khảnh, trong thời gian theo trung học đã đọc rất nhiều sách và yêu thích văn chương. Sau đó Irving vừa học Luật, vừa làm việc tại văn phòng luật sư của ông Josiah Ogden Hoffman, say mê cô gái của ông này tên là Matilda.
Vào năm 1802 Washington Irving đã viết một loạt bài có tính châm biếm dưới hình thức các bức thư, đăng trên tờ báo The Morning Chronicle (Ký Sự Ban Sáng) của thành phố New York, làm chủ do người anh Peter Irving. Các bức thư này đã chế riễu cái xã hội của thành phố New York, nhờ vậy Irving được nhiều người biết tới. Trong các năm 1807 và 1808, Irving đã viết các bài khảo luận châm biếm (satirical essays) cho Tạp Chí Salmagundi của anh William và James K. Paulding, người anh rể của William.
Washington Irving trở thành luật sư thực thụ nhưng vì yêu thích văn chương, ông đã bỏ nghề luật vào năm 1809 và vào cùng năm này, ông cho xuất bản cuốn “Lịch Sử của Thành Phố New York từ thời ban đầu của Thế Giới tới đoạn cuối của Thời Đại Hòa Lan” (A History of New York from the Beginning of the World to the End of the Dutch Dynasty). Nhà văn Irving đã viết ra cuốn này và ký bằng tên Diedrich Knickerbocker, một người lập dị và tên gọi này đã trở thành một trong các nhân vật phổ thông của tác giả. Cuốn truyện “Lịch Sử New York” kể trên đã mô tả cảnh huyên náo của thời kỳ thuộc địa và thời kỳ của tác giả, đã châm chọc và xúc phạm tới nhiều tổ tiên của nhiều gia đình danh tiếng của thành phố. Nhưng dù sao, các câu chuyện của Knickerboker đã trở thành một phần chuyện dân gian địa phương và chứng tỏ rằng tác giả Irving đã hiểu rõ lịch sử và đã quen thuộc với các tác phẩm của các nhà văn viết loại văn chương hài hước.
Vào năm 1810, Washington Irving tham gia vào công cuộc kinh doanh vật dụng bằng sắt của gia đình. Ông qua thành phố Liverpool, nước Anh, vào năm 1815 để trông coi một chi nhánh. Tại thành phố London, Irving đã được gặp nhà văn danh tiếng Sir Walter Scott, người đã khuyến khích Irving trong phạm vi sáng tác. Kết quả là tác phẩm “Sách Phác Thảo của Geoffrey Crayon, Gent.” (The Sketch Book of Geoffrey Crayon, Gent.) xuất bản năm 1819/20. Cuốn sách này gồm một loạt bài khảo luận, truyện ngắn và các đoản văn về Hoa Kỳ và nước Anh, tất cả đã khiến cho các nhà phê bình văn chương của châu Âu bắt đầu phải tôn trọng Washington Irving. Trong cuốn “Sách Phác Thảo”, có hai sáng tác quan trọng nhất của tác giả, là truyện “Rip Van Winkle” và truyện “Truyền Thuyết về Thung Lũng Ngủ Yên” (The Legend of Sleepy Hollow). Qua hai truyện này, tác giả đã đạt được đỉnh cao nhất trong cách hành văn hài hước và các truyện ngắn này đã khiến cho độc giả chấp nhận rằng đây là một hình thức văn chương quan trọng tại Hoa Kỳ.
Qua năm 1826, Washington Irving nhận lời mời của ông Alexander H. Everett, làm việc cho tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Tây Ban Nha. Từ nay ông bắt đầu nghiên cứu và viết về các đề tài Tây Ban Nha với các tác phẩm gồm: “Lịch Sử Cuộc Đời và các Chuyến Đi của Christopher Columbus” (History of the Life and Voyages of Christopher Columbus, 1828). Ông cũng quan tâm tìm hiểu các truyền thuyết của dân tộc Moors nên viết ra tác phẩm”Cuộc Chinh Phục Granada” (The Conquest of Granada, 1829) và “The Alhambra” (1832).
Washington Irving trở lại thành phố New York vào năm 1832 rồi vào cuối năm này, ông thăm viếng các miền biên giới phía tây. Ông đã mô tả các chuyến du hành trong cuốn “Một chuyến đi về các Đồng Bằng” (A Tour on the Prairies, 1835) và một loạt truyện mang tên chung là “Crayon Hợp Tuyển” (The Crayon Miscellany) cùng với các tác phẩm khác như “Astria” (1836), “Các cuộc Phiêu Lưu của Đại Úy Bonneville” (The Adventures of Captain Bonneville, 1837). Tại nơi quê nhà là Sunnyside, gần Thị Xã Tarrytown bên bờ sông Hudson, N.Y., Washington Irving đã viết các chuyện lịch sử và tiểu sử. Vào năm 1842, ông được bổ nhiệm làm Đại Sứ Hoa Kỳ tại Tây Ban Nha, phục vụ trong bốn năm rồi trở về Sunnyside. Tác phẩm cuối cùng của Washington Irving là bộ tiểu sử 5 cuốn “Cuộc Đời của George Washington”, hoàn thành không lâu trước khi ông qua đời vào ngày 28/11/1859.
Trong lúc sinh thời, Washington Irving đã được mọi người tôn trọng là nhà văn hàng đầu của Hoa Kỳ. Mặc dù ngày nay ông không nổi danh như các nhà văn Nathaniel Hawthorne, James Fenimore Cooper, Herman Melville và Edgar Allen Poe, nhưng thể văn đặc biệt và cách chọn đề tài của ông đã ảnh hưởng lớn lao tới các nhà văn khác.
Washington Irving là văn hào rất tài giỏi trong cách dùng trí tưởng tượng áp dụng vào đề tài lịch sử, đã dùng chuyện kể dân gian phối hợp với các yếu tố của trường phái lãng mạn để tạo nên một thứ phong trào văn chương tại Hoa Kỳ, với “Rip Van Winkle” và “Truyền Thuyết về Thung Lũng Ngủ Yên” được coi là các truyện ngắn đầu tiên của Mỹ Quốc.
Tài liệu tham kháo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, Sparknotes.com., Cliffsnotes.com.
Post a Comment