Những tin tức trên thế giới trong vài tuần qua đều chú trọng vào các cuộc hội nghị của tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, hướng về Âu Châu và vùng Đại Tây Dương. Thế nhưng nhìn về phương Đông, vùng biển Thái Bình Dương cũng không yên tĩnh. Đây là điều dĩ nhiên vì Trung Cộng (TC) vẫn âm thầm bành trướng vũ trang, đe dọa nền an ninh của các quốc gia nhỏ bé và yếu thế trong vùng. Gần đây, chúng ta được nghe những lời "đe dọa" là TC đang âm thầm tiến hành một cuộc "Chiến Tranh Lạnh - Cold War" với Hoa Kỳ. Chúng ta hãy thử tìm hiểu về cuộc chiến tranh lạnh qua lịch sử cận đại để nhận định thực trạng và hậu quả của loại tranh chấp này.
Trước hết cũng xin nhắc lại rằng cuộc Chiến Tranh Lạnh vừa qua giữa khối Đông Âu (Liên Xô và các quốc gia thuộc quyền) và khối Tây Âu (Hoa Kỳ, các đồng minh NATO, Pháp và Anh), kéo dài hơn bốn mươi năm, từ 1947 đến cuối năm 1991 là ngày Liên Bang Xô Viết sụp đổ.
Một cuộc chiến, hay bất cứ một cuộc tranh chấp nào, cũng có kẻ khởi đầu và cuối cùng thì cũng có ngày chấm dứt. Không cần phải lý luận dài dòng, chúng ta ai cũng hiểu TC là nguyên nhân của tất cả biến động trong vùng Biển Đông, lan qua Ấn Độ Dương, đặt cả thế giới vào tình trạng đề phòng và tranh chấp về mọi khía cạnh chính trị, quân sự cũng như kinh tế.
Sau khi tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, mở đầu trận chiến về thương mại thì TC cũng chuyển hướng, và tình hình quân sự, vì thế, cũng có vẻ lắng đọng. TC xoay trục qua những vùng địa dư khác, ngoài Biển Đông, như Âu châu, vùng Nam Thái Bình Dương và Phi châu để tìm thị trường tiêu thụ và liên kết, hay mua chuộc đồng minh. Về phương diện tuyên truyền thì một mặt kìm giữ báo chí trong nước không cho đưa ra những lời lẽ chống đối hay phỉ báng Hoa Kỳ mạnh mẽ như trước, một mặt mua chuộc các tờ báo lớn của Hoa Kỳ để đăng những bài viết tâng bốc TC về quân sự và đe dọa về sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời ngầm đưa ra ý kiến là sẽ có một cuộc "Chiến Tranh Lạnh" mới với Hoa Kỳ.
Đưa ra lời đe dọa "Chiến Tranh Lạnh" là một lời tuyên truyền rồ dại bởi vì với những người hiểu biết về lịch sử cận đại và nhất là đã sống qua thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đều biết rằng đây là cuộc chiến tranh cần thiết và duy nhất, không đổ máu, để lật đổ các chế độ độc tài, toàn trị. Bởi những lý do rất dễ hiểu và đã được chứng minh qua lịch sử:
- Không ai muốn sống dưới một chế độ kìm kẹp, thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần
- Không ai muốn làm việc nhiều mà không được hưởng quyền lợi tương xứng với công sức đã bỏ ra
- Khi đã được giao tiếp với nền văn minh của thế giới tự do, và thụ hưởng những tiện nghi mới thì không ai muốn quay ngược lại với một đời sống lạc hậu nữa
- Trí thông minh và khả năng phát minh của con người chỉ có thể phát triển trong một xã hội có đời sống an lành, đầy đủ tiện nghi, và tự do học hỏi cũng như truyền bá kiến thức.
Những lý do nêu trên sẽ khiến các quốc gia độc tài, toàn trị sụp đổ khi phải dốc toàn lực vào một cuộc chiến tranh về kinh tế và khoa học. Lịch sử cận đại cho thấy rất nhiều phát minh khoa học mới mẻ đầy tiện ích cho con người hầu hết phát xuất từ cuộc "Chiến Tranh Lạnh" giữa Mỹ và Liên Bang Xô Viết. Từ những vệ tinh địa hình (GPS), phi thuyền không gian, cho đến chiếc điện thoại di động cũng như Internet... đều là những phát minh cho quân đội về phương diện truyền tin và quốc phòng đã được đem phổ biến cho công chúng sau Chiến Tranh Lạnh. Đó là sản phẩm của thế giới tự do, trong khi đó khối cộng sản (độc tài, toàn trị) thì chỉ chú tâm vào bom đạn và tổ chức một khối nhân lực khổng lồ về binh sĩ, gây chóng mặt cho những ai xem các cuộc diễn hành của quân đội. Thế nhưng, đó là điều làm quốc gia kiệt quệ về nhân lực và tài nguyên. Ngoài vũ khí và quân đội thì người dân chẳng còn đủ cơm no, áo ấm, vì tất cả tài nguyên, trí lực và vật lực, đều đổ dồn vào việc "nuôi cơm" cho một khối binh sĩ khổng lồ mà chỉ cần vài quả bom cũng đủ diệt tan! Nguy hại hơn nữa là khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt (bởi vì cuộc chiến nào cũng sẽ kết thúc), thì khối người không có nghề nghiệp chuyên môn, ngoài chuyện biết sử dụng vũ khí, được thải ra từ quân đội thì hiển nhiên sẽ trở thành một gánh nặng và nguy hiểm cho nền an ninh nội địa.
Có nhiều lập luận cho rằng Trung Hoa (TH) cũng là một quốc gia có nền văn minh cao từ ngàn xưa thì họ cũng có thể phát triển được về phương diện khoa học và kỹ thuật. Nhận định như vậy chỉ đúng trên lý thuyết. Trên thực tế thì khẩu súng thần công của TH không trở thành khẩu đại bác, những ngọn pháo bông đã không trở thành hỏa tiễn, chiếc kim chỉ nam không trở thành cái địa bàn, và bàn tính không trở thành máy điện toán... Tóm lại, nền văn minh của TH đã bị ngưng lại sau các phát minh bởi lý do "bí truyền" và tự hào, cho mình là nhất, là trung tâm của văn hóa nhân loại, tự xưng là Trung Hoa, không để ý đến các áp dụng khác của những phát minh mới, hoặc viết sách, mở trường để phổ biến khoa học, huấn luyện nhân tài mới... Nền y khoa cổ đại của TH cũng vì thế mà ngưng lại ở thời cổ đại "bắt mạch, chẩn bệnh, cho toa, nấu thuốc" cùng lắm là châm cứu chứ không hề tiến xa hơn đến việc giải phẫu.
Với dân số đông đảo và văn minh kém cỏi thì TH lúc nào cũng chỉ là một khối nhân công rẻ tiền khổng lồ cho các quốc gia kỹ nghệ tân tiến. Lại nữa, khối công nhân khổng lồ của TH cũng chỉ kiếm được tiền để có đời sống cao hơn đói nghèo, vì nhà cầm quyền đã thu nắm gần hết các khoản tiền đầu tư và lợi tức để cung phụng cho giai cấp đảng viên và nuôi dưỡng khối binh lính khổng lồ.
Cũng bởi vì có dân số đông nên TH không những cung cấp cho các quốc gia kỹ nghệ số lượng công nhân rẻ tiền, đồng thời là một khối khách hàng khổng lồ. Với số tiền kiếm được trên mức trung bình so với giai cấp nông dân, họ sẽ quay sang tiêu thụ những hàng hóa, sản phẩm tân tiến của ngoại quốc. Nhà cầm quyền TC nhận thấy sự thèm muốn của các quốc gia kỹ nghệ về nhân công và tiêu thụ này nên buộc các hãng xưởng ngoại quốc phải "bàn giao kỹ thuật" cho họ để đổi lấy thị trường nhân công và tiêu thụ. Các quốc gia kỹ nghệ cũng tìm cách chỉ chuyển giao những kỹ thuật và dụng cụ lỗi thời cho TC. Thế nhưng "có còn hơn không" và vì thế nền kỹ nghệ của TH cũng có một bước tiến "nhảy vọt" trong hai thập kỷ vừa qua. Đồng thời với số lượng tiền khổng lồ thu được của hãng xưởng ngoại quốc, TC đã mua lại những hãng xưởng của ngoại quốc và như thế họ sẽ được thừa hưởng tất cả những tài sản trí tuệ, phát minh và kỹ thuật mới mà không phải tốn tiền đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển (research and development).
Phương thức trao đổi nhân công lấy kỹ thuật của TC xem ra có kết quả. Thế nhưng đó lại là một vết rạn nứt rất lớn hay một quả bom nổ chậm. Vì nền kỹ nghệ của TC chỉ dựa vào nhân công để kiếm tiền rồi mua lại những phát minh của ngoại quốc, thì "Chiến Tranh Lạnh" là một điều có thể nói là nguy hiểm hơn cả một cuộc chiến tranh vũ trang. Khi có chiến tranh lạnh thì sẽ không còn việc làm cho công nhân. Chỉ cần nhìn đến số lượng "miệng ăn" của khối công nhân thất nghiệp và số lượng binh sĩ khổng lồ thì cũng đủ thấy sự khó khăn cho nhà cầm quyền và sự đói nghèo, khổ cực của dân chúng. Đó là chưa nói đến song song với chiến tranh lạnh là cuộc chạy đua vũ trang để mong làm chủ cả mặt đất, biển cả và không gian sẽ làm cho nước TH trở nên "sức tàn, lực kiệt" và là miếng mồi ngon cho những quốc gia kỹ nghệ đang khao khát tìm thuộc địa hoặc tìm nhân công rẻ tiền. Trung cộng hiện đang ở trong tình trạng của vết nứt mở rộng hoặc quả bom đã được châm mồi lửa. Ngược lại, thì Chiến Tranh Lạnh sẽ khiến nền kỹ nghệ của Hoa Kỳ phát triển mạnh hơn, nhất là kỹ nghệ liên quan đến quốc phòng. Người Việt di tản đến nước Mỹ từ 1975 đều biết rằng hai thập niên 1970 và 1980 là thời kỳ phồn thịnh nhất của nước Mỹ, ngoại trừ bốn năm, 1977-1981, dưới thời của tổng thống Jimmy Carter, một vị tổng thống tồi tệ nhất của Hoa Kỳ. Sau đó, dưới thời của tổng thống Ronald Reagan, 1981-1989, là thời kỳ vàng son nhất của Hoa Kỳ trong thời Chiến Tranh Lạnh đưa đến sự sụp đổ của đảng cộng sản Nga và tan rã của Liên Bang Xô Viết nghèo nàn và kiệt quệ về cả nhân lực, trí lực và tài nguyên.
Hiển nhiên là các nhân vật lãnh đạo của TC cũng hiểu rõ tình trạng của họ. Thế nhưng họ cũng bị giằng co giữa hai khối "độc tài quân phiệt" và "chính trị ôn hòa". Với sự thay đổi hiến pháp để họ Tập có thể cầm quyền vô thời hạn thì cho thấy rằng nhóm "độc tài quân phiệt" đang thắng thế. Nếu đám độc tài quân phiệt này điên cuồng, mù quáng với những chiến thắng trong nội bộ đảng cộng sản và đe dọa được được các quốc gia láng giềng nhỏ bé, để tưởng rằng họ có thể bành trướng uy thế ra khắp thế giới thì hiểm họa cho một quốc gia TH sẽ bị sụp đổ có thể rất nhanh nếu so sánh với Liên Bang Xô Viết.
Với những nhận xét trên, chúng ta có thể tiên đoán rằng nếu cuộc "Chiến Tranh Lạnh thứ Nhì - Second Cold War" có xảy ra thì sẽ kết thúc nhanh chóng, ngắn hơn một thập kỷ, với sự sụp đổ của Trung Cộng, và có thể sẽ chấm dứt chế độ cộng sản trên toàn cầu.
Post a Comment