Header Ads

Cõi Mù Sương


Buông được dĩ vãng, hiểu được hiện tại thì con đường đi về tương lai sẽ dễ chịu tốt đẹp hơn, vì mình không nắm nuối dĩ vãng mà cũng không chìm đắm trong ảo vọng.

Ngày đến rồi ngày lại đi, đêm đi rồi đêm lại tới. Thời gian không có tuổi vì ngày nào cũng 24 giờ, nhưng con người và các thời đại lũ lượt kéo nhau đi, chồng chất lên hàng hàng lớp lớp kiếp phù sinh mà không ai tính, đếm, đong, đo được vô số tiền oan nghiệp chướng. Mỗi khi ở cõi bên kia bớt đi một người thì ở cõi mù sương lại nhận thêm một người, như một cái vòng cong cong để biến cái áo cũ thành cái áo mới, giá trị hay không lại tùy ở món hành trang mang đi sau mỗi đời người.

Mỗi ngày trong thế giới xảy ra biết bao nhiêu chuyện, đứa bé cất tiếng khóc oa oa chào đời trong nỗi mừng vui của cha mẹ, anh em, thì ở đâu kia lại vang lên tiếng kèn ò í e để tiễn đưa một người về thế giới vô cùng. Người giàu cứ giàu, người nghèo cứ nghèo, người no cứ no, kẻ đói vẫn đói, vẫn cứ vang lên tiếng cười thỏa mãn khoái trá của người nhiều tiền lắm bạc, tiếng than thở trách móc của người kiếm không ra ngày hai bữa cơm. Chiến tranh tàn bạo là cái cớ để người ta nói chuyện hòa bình, vì thế mà muôn đời con người vẫn có chuyện để làm, mặc dù có bao nhiêu thứ chẳng cần thiết như súng đạn chỉ là phương tiện để người ta tận diệt nhau nhanh chóng nhất.

Chắc hẳn chỉ có ông Trời là mệt mỏi và buồn phiền nhất. Chỗ này trời cho mưa thuận gió hòa, đời sống no đủ thì hết lời tán tụng, cảm tạ, nhưng có nơi thiên tai, bão lụt, đói khổ, chiến tranh thì lại trách móc ông Trời sao nỡ nào đổ xuống cho nhân loại những tai ương đó. Ôi! Làm Trời khổ lắm cũng như làm cha mẹ cũng khổ lắm, ai thấu cho nếu không hiểu cái Nghiệp, cộng trừ nhân chia với nhiều hệ lụy mà tạo nên niềm vui nỗi khổ đến kiếp sau, để hưởng hay trả, có khi từ cái Nhân và Quả của một quốc gia, một dân tộc qua nhiều thời kỳ hưng, phế nữa.

Đêm qua, chỉ còn lại mình, nàng chìm đắm miên man với những suy tư trong cõi mù sương, bao nhiêu khám phá học hỏi trong từng cái chết của mỗi người, trong từng nỗi khổ của mỗi linh hồn, trong từng niềm êm dịu của tình yêu. Nàng thấy mình chưa học hỏi được bao nhiêu về con đường thăm thẳm để đi về một nơi nào đó, vẫn chỉ loanh quanh trong cõi sương mù của sự hiểu biết, ngoài sự buông xả được những vướng mắc với cõi dương gian, để tiếp nhận mặc chiếc áo mới và đi tiếp con đường chưa đến trong cõi mù sương.

Thế rồi, dù ở cõi nào, nàng vẫn cảm thấy mình có nhiều cơ duyên để quen biết, gặp gỡ nhiều linh hồn khác nhau, như đi trên một đoạn đường mà chỗ này là một bụi cỏ gai, chỗ kia một bông hoa đẹp, hay có khi cũng là một mỏm núi cao chênh vênh lẫn với đám mây trên bầu trời xanh. Lắm cái tương phản và mâu thuẫn rất buồn cười, ở cõi đời thì ánh sáng soi rõ mọi vật, ở thể linh hồn thì bóng đêm chính là ánh sáng, và từ bóng tối nàng lần tìm ra ánh sáng của đời sống, nên thật tình cờ, nàng lại được một lần đối diện với linh hồn một quân nhân.

Ông đã từng là một sĩ quan gương mẫu, đã anh dũng chiến đấu trên nhiều mặt trận, và cũng chính vì thế mà nòng súng của ông đã tiêu diệt bao nhiêu con người mà ông gọi đó là kẻ thù.

Khi nằm xuống, hình như bao nhiêu vinh quang, chiến tích, bao nhiêu câu chuyện của đời người bỗng dưng đều nằm xuống một lượt với xác thân, nên giờ đây ở thể linh hồn, dĩ nhiên những gì ông ta có phút chốc tan thành ảo ảnh. Cuộc đời thật là phù du, những gì ông làm khi còn tại thế, cũng lần lượt trở lại như một cuộn phim, mang theo đầy đủ để tạo thành một bức tranh nhiều màu sắc của thiện và ác. Nhưng bước qua Cõi Mù Sương, người quân nhân đã từng vào sinh ra tử, không còn nhìn cuộc đời mình theo con mắt hạn hẹp một chiều đó nữa, vì ông không còn năng lực để tự mình phán xét. Với một cái nhìn khác, khiến linh hồn ông không khỏi băn khoăn về những điều mình làm, mà ở đây cả là một đáp số bí ẩn của linh hồn khi đã nhúng tay vào sự tàn bạo do chiến tranh gây nên, mặc dù không cố ý.

Dù sao, con người này khi còn sống đã dám nhìn thẳng vào cuộc đời, trực diện với sống chết và chịu trách nhiệm là một vị chỉ huy trong quân đội, vì thế, linh hồn ông vẫn phản ảnh là một tấm gương chói sáng của lòng quả cảm, với một ý chí cứng cỏi mang theo từ cõi bên kia. Ông ra đi sau nhiều năm ngồi trên chiếc ghế của một người có sức mạnh, có uy quyền, có cả vũ khí, có quyền sinh sát trong tay. Tuy thế, những thứ ấy thuộc về cõi bên kia, cuối cùng lúc ra đi cũng chỉ có một mình, không tiền hô hậu ủng, không vệ sĩ kè kè đi trước đi sau, không vợ đẹp con ngoan, không anh em bằng hữu, nói trắng ra là đi một mình, “sô lô” về cõi bên kia bỏ lại tiềng kèn đồng nhức nhối tiếc thương trên bãi cỏ đời vàng úa.

Nàng gặp được linh hồn người quân nhân ấy, giá trị của tinh thần vẫn khiến linh hồn ông toát ra một vẻ bình thản, dù rằng bằng tâm cảm, nàng hiểu ông đang suy nghĩ lung lắm về quãng đời đã qua của ông trong dĩ vãng. Ông ngồi một mình trên triền đồi thoai thoải nhìn mông lung xuống triền hoa dại, chen lẫn trong những nấm mồ yên lặng. Nàng tò mò lướt ngang để quan sát dáng vẻ trầm mặc của linh hồn người quân nhân, khiến ông ta mỉm cười cất tiếng hỏi, giọng sang sảng của một người ăn nói “có gang có thép”:

- “Xin chào!”

À thì ra ông ta cũng đang tò mò vì ở cõi này hình như cũng có điều gì giống bên kia, mà sau những nghi lễ quân cách, những cánh hoa nắm đất vỗ rào rào trên mặt áo quan, mọi người bỏ ra về hết thì ông cũng cảm nhận được nỗi cô đơn vậy. Thế mà trong đêm tối, lại có ai đó lảng vảng quanh đây, thói quen của một quân nhân là phải tìm cho ra điều gì bí ẩn xẩy ra xung quanh mình, vì thế mà ông không cảm thấy sợ sệt, chỉ cô đơn thôi. Riêng nàng, đã quen với những tình cảm chân thật trong cõi linh hồn, giới tính của con người chết rồi, chẳng còn gì để mà tán tỉnh nhau, chỉ còn sự cảm thông hay không cảm thông mà thôi. Nàng nhẹ nhàng lên tiếng trả lời:

- “Xin chào ông, cư dân mới của miền vĩnh cửu.”

Ông ta cười “hà hà” như chợt hiểu ra thực tại, nói với nàng:

- “Hóa ra chúng ta đều là ma cả, nhưng không sao, nếu như cô không nhắc thì tôi cũng quên béng đi và tưởng là mình vẫn còn sống. Thôi thì kẻ đi trước người đi sau, mỗi người đều mua vé cả rồi, chỉ chờ đến lượt là lên xe, chuyến xe vĩnh cửu ấy mà. Anh em chúng tôi chia tay nhau từ lâu, bạn bè đồng đội còn đi trước tôi mấy chục năm trước, đi từ khi đầu họ còn xanh, nay đến lượt mình thì đầu đã bạc, giờ này mới 'đi' là trễ rồi đấy. Hì hì, nhưng không sao, tôi chỉ đang bỡ ngỡ suy nghĩ về cái gì từ cuộc đời mình đã sống, đã trải qua, và mang qua đây thì không biết con đường mình đi nó như thế nào, có chông gai khó nhọc như cuộc đời người lính trận ngày ấy không thôi cô ạ. Ô hay! Sao tôi lại nói với cô điều ấy, hình như tôi cũng cảm nhận được là cô sẽ cùng tôi chia sẻ những điều mới mẻ gì đó, phải vậy không?”

Nàng mỉm cười, trăng đã xế dìu dịu màu âm u mang vẻ đẹp của phong cảnh khi trời hoàng hôn, dù rằng giờ này sương xuống nhiều bao phủ cảnh vật như một dòng sữa. Êm đềm nàng lên tiếng với người bạn mới:

- “Thưa ông, tôi ở đây đã lâu, chúng tôi tập được thói quen là đón chào người mới đến, trước làm bạn và hướng dẫn nhau làm quen với thế giới bên này, sau cũng để tìm hiểu thêm để học hỏi mà chuẩn bị con đường sắp tới. Hành trình còn dài và thăm thẳm, chưa ai nắm rõ đường đi nước bước, nhưng trong tư thế chuẩn bị và học hỏi, cũng giúp nhau rất nhiều khi chấp nhận và tìm ra nẻo đường mà linh hồn sẽ trải qua. Buông được dĩ vãng, hiểu được hiện tại thì con đường đi về tương lai sẽ dễ chịu tốt đẹp hơn, vì mình không nắm nuối dĩ vãng mà cũng không chìm đắm trong ảo vọng.”

Người đàn ông bật cười, tiếng cười của ông vô cùng sảng khoái vì tự tin:

- “Cảm ơn! Cảm ơn tấm tình của cô đến với người bạn mới. Tôi đã từng là một quân nhân, không hề sợ hãi trước quân thù, áo giày quân nhân đã từng lặn lội với gian khổ chiến trường, tay đã vuốt mắt bao nhiêu anh em đồng đội, và cũng từng bóp cò súng để kết liễu kẻ thù không đội trời chung vì chúng đem đau thương đến cho dân tộc, quê hương tôi. Tôi hãnh diện vì mình là một quân nhân tốt, làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao phó, nhưng bây giờ khi nằm xuống, dường như linh hồn tôi có phần hoang mang lấn quấn sự tàn bạo hiện diện trong đời tôi, như một cái lưới nhện của chiến tranh, vì thế không biết tôi sẽ nhận được cái quả gì đây?”

Nàng ôn tồn giải thích theo sự hiểu biết của mình:

- “Thưa ông! Theo thiển ý của tôi thì sợi dây nghiệp quả này nó liên quan đến cả một quốc gia dân tộc, mà người dân trong một quốc gia cùng được hưởng hay trả. Ông sinh ra chọn binh nghiệp làm con đường thăng tiến, ít nhiều gì cũng từ đó mà gây hay hưởng ít nhiều nghiệp quả cho mình, vì thế không thể đơn phương chịu cái tội là mình đã nhúng tay vào máu. Nhúng như thế nào mới là điều đáng đề cập ở câu chuyện này ông ạ...”

Người quân nhân thở phào, vui vẻ nói với nàng:

- “Sao cô có thể hiểu được sự suy nghĩ của tôi như vậy? Quả là một câu trả lời tuyệt diệu cho những người lính xả thân vì đại nghĩa, chẳng lẽ lại mang tội vì bảo vệ lẽ phải, tiêu diệt kẻ thù mà khi nằm xuống linh hồn sẽ gánh chịu nhiều oan nghiệt chập chùng. Thế này cô nhé! Chẳng hạn khi kẻ thù xâm lăng, mang hiểm họa đến cho dân lành, ai cũng ngồi đó ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi hưng vong của tổ quốc, tìm thân tâm an tịnh trong nỗi thống khổ của toàn dân, phải chăng đó là điều thiện?”

Bằng vẻ điềm đạm của người phụ nữ, nàng thổ lộ:

- “Bởi thế mà chiến tranh mới là hiểm họa của nhân loại, người dân lương thiện sống trong một đất nước lắm thù oán, nhận nhiều oan nghiệt bởi chiến tranh, chính là đang chịu chung nhân quả của tổ quốc đó. Vì vậy người ta mới suy rằng một đất nước được thanh bình hay thịnh vượng, đau khổ lắm tai ương cũng bị lây cái nhân quả của người lãnh đạo, được người hiền hay minh chúa thì đất nước an bình, muôn dân no đủ hạnh phúc, gặp thứ lãnh đạo bất tài, kém đạo đức, không lèo lái được con thuyền quốc gia thì cuối cùng xô đẩy toàn dân vào nỗi thống khổ.”

Ông ta ngắt lời nàng, hào hứng:

- “Ôi! Được nói chuyện với một người hiểu biết, thật đúng là 'một lần tri kỷ với người khôn còn hơn ngàn lần đối thoại với người ngu', tôi vô cùng cảm khích.”

Nàng vội kêu lên vì câu nói quá đáng của linh hồn người quân nhân:

- “Xin ông đừng nói vậy, kẻo tổn hại thêm vì mắc thêm tội miệt thị người khác, dù không nói rõ là ai, cái khôn cái ngu của con người chắc chắn cũng nằm sẵn trong trí tuệ từ khi được sinh ra làm người. Tôi cũng rất đồng ý với ông về quan niệm 'đất nước hưng vong, thất phu hữu trách', nên khi thấy ông băn khoăn về luật nhân quả, tôi không khỏi trộm nghĩ đây là một vấn đề lớn, mà mình là người dân trong một nước nên vì thế người ta gọi là 'cộng nghiệp'. Dĩ nhiên là mỗi người còn tùy theo chỗ đứng của mình, hoàn cảnh của mình và cách hành xử ra sao để mà giải thích được đó là công hay tội nữa.”

Linh hồn người quân nhân kêu lên:

- “Thú vị quá! Ít ra những người quân nhân lương thiện như tôi không phải chịu cái quả xấu, nếu như trong cuộc đời binh nghiệp, vì trách nhiệm chúng tôi phải thi hành bổn phận, danh dự của tổ quốc trên hết.”

Nàng gật đầu nói tiếp:

- “Thưa ông, như vậy là mình đã mở được vấn đề một cách cởi mở hơn, công bằng và không nghịch lý vai trò của người quân nhân đứng trước hiểm họa của đất nước. Trường hợp của ông giống như một người ở trong một gia đình, có vũ khí trong tay mà thấy tên ăn cướp vào nhà, uy hiếp mọi người để cướp của và cưỡng hiếp đàn bà con gái, dĩ nhiên là mình phải dùng vũ khí để tự vệ và để diệt trừ kẻ gian. Ngồi trong nhà thấy cọp nhẩy vào nhà mà làm thinh để nó lộng hành tấn công ăn thịt người, chẳng hay không sát sinh, không giết cọp để tự vệ là điều hay. Đứng trước bạt ngàn quân thù, nếu người quân nhân không chiến đấu để bảo vệ bờ cõi, bảo vệ dân lành, dẫu có chết vài mạng người cỏ rác đó để mà bảo vệ bao nhiêu người lương thiện, ở kiếp người đã là một hành động quả cảm thì không lẽ ở cõi này lại phải chịu cái nghiệp khổ.”

Người quân nhân gật gù, đồng ý với nhận xét của nàng, ông ta cảm thấy sự hiểu biết của nàng về nghiệp quả không gò bó trong cái nhìn vay trả một cách máy móc, nên rất có thiện cảm với linh hồn người phụ nữ mà ông đang trò chuyện:

- “Phải, phải đấy, nếu không thế mà nước ta có một Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán trận Bạch Đằng Giang, có một Đức Thánh Trần, có một anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ, có một anh hùng áo vải đất Lam Sơn, và bao nhiêu anh hùng không tên tuổi, vẫn được nhiều người ca tụng và tôn thờ. Nhưng cái chính là những bậc danh nhân lịch sử ấy phải sống cho lẽ phải và chết cho lẽ phải, dưới sự lãnh đạo của họ, việc làm của họ dù phải đem máu xương mà đánh đổi lấy sự no ấm an vui cho mọi người qua sự quyết định sáng suốt của họ, thì khi cảnh núi xương sông máu đã qua đi, người ấy vẫn xứng đáng vinh dự là một nhà ái quốc. Hoặc là một vị tướng dẫu cuối cùng có phải 'sinh vi tướng, tử vi thần' thì vẫn xứng đáng với nhân cách và tiếng thơm của một danh tướng, phải vậy không cô?”

Nàng mỉm cười gật đầu với người quân nhân rất trực tính và đầy đức tính quả cảm của một người lính, nên thú vị nói thêm về sự suy nghĩ của nàng đối với những người, khi sống đã dấn thân vào sự hiểm nguy để bảo vệ cho mọi người khác được an lành dù thịt nát xương tan:

- “Thưa ông, có lẽ ông Trời sinh ra con người ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, định mệnh đã gắn bó với họ để làm nên một bức tranh sống động của nhân loại, lại tùy theo sự cống hiến của họ mà nghiệp quả trở nên tốt hay xấu hơn mà thôi. Con mèo ngồi tư lự bên thành cửa sổ nghe lá mía reo, trông hiền lành như một bậc thức giả đang an nhiên tự tại để thành Phật, nhưng nó có thành Phật đâu. Con thỏ ăn cỏ ngoài cánh rừng không làm hại ai, hay con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô, chẳng có nghĩa là con người ngồi yên đó để 'an nhiên tự tại' sẽ tìm được Phật. Sự Dấn Thân của người lính ngoài chiến trường, dẫu có phải cầm súng bắn lên đầu quân thù trong cái thế tự vệ, và bảo vệ người khác khỏi chết thảm sống khổ vì bọn vô nhân, thì không lý gì phải chịu quả xấu trong kiếp khác.”

Người đàn ông bật lên cười như bản chất quân nhân từ cõi bên kia vẫn theo ông ta về cõi bên này. Ông rất vui vẻ khi có người hiểu và cảm thông với ông về những băn khoăn của linh hồn trong cõi mù sương, và ông cũng không khỏi hãnh diện rằng trong suốt cuộc đời quân nhân của mình, ông chưa hề dùng nòng súng và uy quyền của mình để phục vụ điều xấu, luôn ưu tư về đời sống của anh em binh sĩ thuộc quyền, chưa bao giờ vì lòng ích kỷ hành hạ người thua cuộc. Bấy nhiêu đó đủ cho linh hồn ông hãnh diện làm một người tử tế, còn chuyện vận mệnh của một quốc gia, dân tộc ảnh hưởng lên đời sống của người dân sống trong đất nước đó, lại là ở một vấn đề khác, nếu như người ta đọc lại lịch sử, hoặc với thời gian cũng có thể trả lời được câu hỏi đó.

Suy nghĩ một lát, nàng tỏ bày điều mình nghĩ với người quân nhân:

- “Thực ra thưa ông, không phải ngẫu nhiên mà mình sinh ra trong đất nước loạn ly, có khi chính cái nghiệp quả của đất nước đã cần đến những bàn tay như ông để chống đỡ trong cơn nghiêng ngả. Thế nhưng đất nước vẫn không khá được chỉ vì vẫn không thiếu những con sâu đục ruỗng củ khoai, dân tình đói khổ cũng vì vậy, kẻ thì thừa thãi phè phỡn ra còn người thì lại không cơm ăn, áo mặc. Nếu tất cả đều ý thức được sự góp sức của mình trong chiều hướng tốt, chắc hẳn đất nước ấy sẽ vươn lên dễ dàng. Thương làm sao khi có nhiều người hiền lương mà đời vẫn khốn khổ không ngóc đầu lên được, y hệt như con cùng một nhà, chung một cha một mẹ và vẫn có đứa sướng đứa khổ, chẳng hay mà bảo không có tiền kiếp thì định mệnh của mỗi người chính là sự bất công của Thượng Đế.”

Rồi im lặng trong vài phút giây, nàng lại tiếp:

- “Thưa ông, chẳng phải chỉ những người lính ở ngoài chiến trường trực tiếp cầm súng tham dự vào chiến tranh mới tạo nên nghiệp xấu. Thực ra có biết bao nhiêu người không hề bước chân ra chiến trường, không bắn một viên đạn nào nhưng họ là nguyên nhân hoặc điều khiển chiến tranh, thì mới thực sự là người đúng nghĩa nhúng tay vào tội ác. So sánh các nguyên lý để tạo ra chiến tranh, kẻ gây hấn bao giờ cũng hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã tạo nên cảnh máu đổ thịt rơi, còn người quân nhân chỉ là một trong cái nhân nghiệt ngã của một đất nước binh đao nhiều nghiệp chướng mà thôi.”

Hai người lan man nói mà quên rằng trăng đã lặn, đêm sắp tàn, sương phủ mênh mang trên những ngọn đồi thấp nhấp nhô bao nhiêu nấm mộ lớn, mộ bé. Tất cả cũng chỉ thế thôi, nàng lặng lẽ nhìn cuộc đời của chính mình, của người quân nhân đã từng “vào sinh ra tử”, chỉ như những nhánh cây khô sống hết một đời đốt lên một ngọn lửa nhỏ, rồi cuối cùng để lại nhúm tro tàn buồn hiu trên nền đất ẩm.

Nguyên Nhung
(Đặc San Lâm Viên)

Powered by Blogger.