Header Ads

Tình Hình Ấn Độ - Thái Bình Dương Trong Tuần (1)


Trong tuần lễ vừa qua, tin tức được tất cả các hãng truyền thông trên thế giới đăng lên trang nhất là lời tuyên bố mạnh mẽ của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hòa Kỳ (HK), ông Jim Mattis, trong hội nghị Đàm Phán Shangri-La Dialogue, đã lên tiếng cảnh cáo Trung Cộng (TC) về việc quân sự hóa Biển Đông, và cho biết rằng quân lực HK có thừa kinh nghiệm để đánh chiếm hoặc nhận chìm các hòn đảo mà TC đang chiếm đóng trong khu vực. Dĩ nhiên là nhà cầm quyền và các phương tiện truyền thông của TC đã phản đối mạnh mẽ lời tuyên bố này. Thế nhưng khi Anh và Pháp tuyên bố sẽ đưa chiến hạm của họ tham dự vào chương trình Tự Do Hàng Hải (Freedom of Navigation Operation - FONOP) thì cả nhà cầm quyền và các loa tuyên truyền của TC đều im lặng. (1)

Một lý do dễ hiểu là ba trong năm quốc gia thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UN Security Council) đứng về một phía thì tình hình có lẽ sẽ phải thay đổi. Năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Trung Cộng, Nga, và Hoa Kỳ.

Trung Cộng

Tin mới nhất cho hay TC đã tháo gỡ hệ thống hỏa tiễn địa-đối-không (surface-to-air) khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hình ảnh chụp từ vệ tinh được đăng trên Foxnews đã cho thấy việc thay đổi này. (2) Sự kiện này khiến chúng ta nhớ lại cuộc "Khủng hoảng về hỏa tiễn ở Cuba - Cuban Missile Crisis" năm 1962, giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, với kết quả là Liên Xô phải tháo gỡ các giàn phóng hỏa tiễn đã đặt ở vịnh Con Heo (Bay of Pigs) của Cuba. (3) Tưởng cũng nên nhắc lại rằng hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép một quốc gia đánh phủ đầu (pre-empty strike) quốc gia hăm dọa nền an ninh của họ. (4)

Hình cho thấy TC đã tháo gỡ các giàn phóng hỏa tiễn địa-đối-không
(ImageSat International)
Điều này cho thấy TC hiểu rằng quân đội của họ chưa phải là đối thủ của Hoa Kỳ. Đó là chưa nói đến sự tham dự của Pháp, Anh và Nhật Bản là những quốc gia có lực lượng Hải Quân hàng đầu trên thế giới.

Hoa Kỳ

Về phía Hoa Kỳ thì ngoài lời cảnh cáo mạnh mẽ của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ như đã nói ở trên, hãng truyền thông Reuters cho biết rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị bành trướng các cuộc hải hành của chiến hạm Hoa Kỳ theo chương trình Tự Do Hải Hành - Freedom of Navigation Operations (FONOPs) trong khu vực Biển Đông để chống lại sự xâm lăng và quân sự hóa biển đảo của TC. Bản tin này cho biết Hoa Kỳ sẽ tăng cường việc tuần tra với thời hạn dài và với nhiều chiến hạm tham dự hơn trong khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền giữa TC và các quốc gia nhỏ trong vùng như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, và Đài Loan. (5)

B-52 và phản lực cơ hộ tống bay qua không phận của quần đảo Hoàng Sa
Để chứng tỏ cho TC biết về khả năng quân sự của Hoa Kỳ, hôm thứ Hai vừa qua, 4 tháng 6, hai máy bay ném bom B-52 đã bay qua không phận của quần đảo Trường Sa, nơi TC đang chiếm giữ. Theo kinh nghiệm từ chiến tranh Việt Nam, thì chỉ cần hai phi tuần của B-52 là có thể nhận chìm một hòn đảo mà TC đang chiếm giữ. Đó là chưa kể đến các phi đạn được điều khiển bằng radar, định điểm bằng GPS phóng đi từ các chiến hạm đang có mặt trong vùng. Về phương diện chiến thuật thì hòn đảo là một tấm bia để tập bắn cho các chiến hạm đang di chuyển ngoài khơi, và cũng là một mục tiêu cố định, dễ dàng bị tiêu diệt bởi hỏa tiễn hay phi đạn tầm xa. (6)

Ấn Độ

Trong hội nghị Thảo Luận Shangri-La Dialogue, ngoài sự nổi bật của ông Jim Mattis, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, cũng được các nhà bình luận chú ý đến. Trong bài diễn văn trước hội nghị ông Modi đã tỏ ra khôn khéo với ngôn ngữ ngoại giao để tránh khiêu khích TC, nhưng cũng cho thấy chính sách của Ấn Độ là đặt trọng tâm về chính sách đối ngoại với các quốc gia trong vùng. Trước khi đến tham dự hội nghị, ông Modi đã ghé qua Indonesia gặp vị thủ tướng mới đắc cử Mahathir Mohamad để thắt chặt tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Tiếp theo đó, ông Modi đã ghé qua Singapore để thảo luận về việc tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia. Ông Modi là nhà lãnh đạo đầu tiên của Ấn Độ quan tâm về liên hệ quốc phòng với Singapore.

Truyền thống của Ấn Độ, với chủ trương không liên kết, là không mấy quan tâm vào ngoại giao quốc phòng, nhưng Modi là vị thủ tướng đầu tiên chứng tỏ rằng Ấn Độ đã thay đổi quan điểm cố hữu để đáp ứng với tình thế hiện nay trên thế giới và nhất là sự bành trướng thế lực kinh tế và quân sự của TC trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Việc Ấn Độ liên kết đồng minh với hai quốc gia Indonesia và Singpore là một việc đáng chú ý vì hai quốc gia này vẫn quan ngại về việc tái lập khối "Tứ Cường - Quad" trong đó có Ấn Độ, Úc, Nhật và Hoa Kỳ. Khối "Tứ Cường" vẫn được xem là một đối trọng với TC và sẽ khiến các quốc gia nhỏ trong khu vực phải chọn lựa một trong hai bên, điều mà họ vẫn muốn tránh né.

Nhận xét

Với sự tham dự của Pháp và Anh, tình hình của Biển Đông có lẽ sẽ có nhiều thay đổi. Bởi vì, nghĩ cho cùng thì, chiến tranh không phải là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết bất đồng hoặc chứng tỏ quyền lực. Lịch sử thế giới cho biết rằng Pháp và Anh là hai quốc gia có khuynh hướng thực dân. Họ chỉ nhảy vào cuộc khi thấy rằng họ sẽ được hưởng quyền lợi của phe thắng trận. Trong khi đó các nhà quân sự của TC chắc cũng phải hiểu rõ rằng, trong thời gian này, quân đội của TC không phải là đối thủ của thế giới tự do. Sự thất trận sẽ đem đến tai họa là Trung Hoa lục địa sẽ bị các quốc gia thắng trận xâu xé và chia chác. Hoặc thế giới sẽ bị chìm đắm trong thảm họa của một cuộc chiến tranh nguyên tử, với kết quả là không có bên thắng trận.

Binh pháp có câu "Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng." Thắng trận ở đây không có nghĩa là đàn áp hoặc tiêu diệt được địch thủ, mà là không phải sử dụng đến vũ khí, không thiệt hại nhân mạng và không bị thiệt thòi về quyền lợi quốc gia. Đó là sự thắng trận trên bàn hội thảo với khả năng ngoại giao và chính trị.

Quân sự luôn là biện pháp sau cùng và tệ hại nhất phải dùng đến để đạt được sự đồng thuận. Hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia hùng mạnh trên thế giới đều hiểu rõ về lịch sử chiến tranh và phát triển của quốc gia để cùng ngồi lại với nhau, không phải để đấu trí trong một bàn cờ vũ lực mà là một hội nghị để thảo luận về hòa bình và phát triển của con người. Việc chiến tranh xin hãy để cho đến khi nào phải đối phó với những kẻ xâm lăng đến từ những hành tinh khác trong vũ trụ.

Lâm Viên

Chú thích

(1) Britain, France to sail South China Sea in challenge to China
https://www.upi.com/Britain-France-to-sail-South-China-Sea-in-challenge-to-China/1681528133844/

(2) China removes missile launchers from disputed island after row with US, images show
http://www.foxnews.com/world/2018/06/05/china-removes-missile-launchers-from-disputed-island-after-row-with-us-images-show.html

(3) Cuban missile crisis
https://en.wikipedia.org/wiki/Cuban_Missile_Crisis

(4) Chiến Tranh Giành Ưu Thế hay Chiến Tranh Phủ Đầu
http://www.dslamvien.com/2018/04/chien-tranh-gianh-uu-hay-chien-tranh.html

(5) Report: Pentagon May Expand Operations in South China Sea
http://www.breitbart.com/national-security/2018/06/04/u-s-weighs-more-south-china-sea-patrols-confront-china/

(6) The US reportedly flew B-52s in the South China Sea as it directly challenges Beijing's militarization
http://www.businessinsider.com/us-reportedly-flew-b-52s-to-south-china-sea-in-challenge-to-beijing-2018-6

Powered by Blogger.