Header Ads

Tin Tức Quan Trọng Liên Quan Đến Tình Hình Biển Đông


Những diễn biến đáng chú ý gần đây tại Biển Đông, nơi Trung Cộng (TC) đang gây áp lực nặng nề lên các quốc gia láng giềng nhỏ bé trong nhiều tranh chấp về chủ quyền các đảo, rạn san hô của một vùng biển giàu tài nguyên và rất quan trọng cho thương mại toàn cầu.

Hoa Kỳ

Trong chuyến thăm viếng tập trung vào hợp tác về việc giải tỏa chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo, đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại của Hoa Kỳ về việc TC quân sự hóa các đảo trên Biển Đông .

Sau cuộc họp hôm thứ Năm với Ngoại trưởng Wang Yi của TC, ông Pompeo cho biết ông “tái khẳng định mối quan tâm của chúng tôi đối với những nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn của TC tại Biển Đông, đe dọa sự tự do di chuyển bằng đường hàng hải của tàu bè thương mại và đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác, cũng như phá hoại sự ổn định của khu vực.”

Ông Pompeo cho biết, Wang đã xác nhận với ông rằng "TC sẵn lòng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, mà không cần đến các mối đe dọa, hay chiếm đoạt."

Wang cho biết ông tin tưởng TC và Mỹ có thể giữ hòa bình trong khu vực.

NATO

Cựu Tư lệnh lực lượng của Hoa Kỳ tại Châu Âu, và cũng là cựu Tư lệnh Tối cao Đồng minh NATO Châu Âu, đã kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào ủng hộ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của TC để đổi lấy sự trợ giúp thuyết phục Bắc Hàn chấm dứt các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn.

Trong một bài viết đăng trên trang báo Bloomberg ngày 8 tháng 6 vừa qua, một Đô Đốc Hải Quân đã về hưu, từng là cựu Tư lệnh Tối cao Đồng minh NATO Châu Âu từ năm 2009 đến năm 2013, là ông James Stavridis đã khuyến cáo rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phải "tránh nhượng bộ (hay trong trường hợp này là nhượng thủy) ở Biển Đông để có được một thỏa thuận không có nhiều giá trị ở Bắc Hàn. Làm như vậy, chỉ có lợi trong một thời gian ngắn hạn, nhưng sẽ cung cấp cho TC một lợi thế to lớn và sâu rộng trong khu vực."

Ông Stavridis viết "TC đem tàu chiến và tàu dân sự hoạt động trong vùng như thể họ là chủ nhân duy nhất ở Biển Đông, và thách thức cũng như gây khó khăn cho tất cả tàu của các quốc gia khác. Bắc Kinh, trên thực tế, đã xây dựng một loạt các hàng không mẫu hạm không thể chìm trong một khu vực rộng lớn, một triệu rưỡi dặm vuông, trên Biển Đông.”

Phi Luật Tân (Philippines)

Các nhà hoạt động cánh tả đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, và gọi ông là "kẻ phản bội" khi nói về các hành động của ông Duterte trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với TC.

Một nhóm thanh niên biểu tình đã hô những khẩu hiệu "lật đổ Duterte", "kẻ phản bội" và "phát xít" trong khi ông Duterte đang phát biểu trên đài truyền hình tại thị trấn Kawit.

Duterte đã bị các nhà phê bình châm biếm, nói rằng ông quá nhu nhược trong việc tranh chấp chủ quyền quốc gia với TC về các khu vực đang có tranh chấp trên Biển Đông. Họ cũng đưa ra những hành động ngang ngược gần đây của Hải Quân TC đã chận bắt và tịch thu hải sản của các tàu đánh cá của Phi, thế nhưng chính phủ của ông Duterte không có phản ứng hữu hiệu nào để bảo vệ ngư dân.

Mã Lai (Malaysia)

Tân thủ tướng Mã Lai, Bác Sĩ Mahathir Mohamad, người trở lại chính trường sau khi đã làm thủ tướng từ năm 1981 đến năm 2003. Được để ý đến là một người cứng rắn và đã từng giữ nhiều chức vụ trong chính phủ Mã Lai. Ông cho biết Mã Lai vẫn có quan hệ tốt với TC thời ông còn làm Thủ Tướng, thế nhưng vị thủ tướng vừa qua, ông Najib Razak, đã "bán đứng - sell off" cả quốc gia cho TC. Ông nói: "Bởi vì đã vay một số tiền khổng lồ của TC nên tất cả các hợp đồng đều lọt vào tay các nhà thầu của TC, rồi họ (TC) đem công nhân từ TC vào, và vật liệu cũng phải nhập cảng của TC, ngay cả tiền lương và mua bán vật liệu cũng thanh toán ở TC... Những loại hợp đồng như thế thì chính phủ mới của Mã Lai sẽ không bằng lòng."

Đây là hiện tượng đang xảy ra ở nhiều quốc gia đang giao dịch kinh tế hoặc vay mượn tiền của TC, trong đó có Việt Nam. Đạo luật "Đặc Khu Kinh Tế" là một loại "xâm lăng kinh tế" điển hình của TC. Những nhà thầu, đầu tư của TC đều được chính phủ đứng sau lưng giúp đỡ tài chánh để đem đi đầu tư, lập cơ sở thương mại ở nước ngoài trong những đặc khu kinh tế có quyền lợi đặc biệt và thời gian lâu dài. Trong khi đó, chính phủ TC sẵn sàng cho các quốc gia nghèo vay những số tiền rất lớn, và như thế sẽ dễ dãi với các nhà thầu của TC, cũng như việc đem nhân công TC qua để làm việc. Tóm lại, tiền của TC sẽ quay trở về với TC và họ được phép di dân (dưới dạng nhân công) cũng như chiếm ngụ đất đai một cách hợp pháp.

Nếu Việt Nam đi theo bước chân của các quốc gia trong vùng Đông Nam Á như Mã Lai, Cambodia, Indonesia và các quốc gia nghèo ở Phi Châu thì họa mất nước kể như là chắc chắn sẽ xảy ra. Mã Lai may mắn có một nhà lãnh đạo cứng rắn để đưa quốc gia của họ ra khỏi cái bẫy kinh tế của TC. Thế nhưng Việt Nam, dưới sự cai trị độc tài ngu ngốc, tham lam của đảng cộng sản thì hiểm họa mất nước xem ra khó tránh khỏi. Người dân Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, phải lưu ý, quyết tâm tìm đủ mọi phương pháp để cứu nguy cho quốc gia và dân tộc.


Nguyễn Thứ Dân

Powered by Blogger.