Header Ads

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ghé Qua Tàu: Các Chủ Điểm Quan Trọng


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, người đã lớn tiếng cảnh cáo Trung Cộng (TC) về hành động "đe dọa và ép buộc" các quốc gia láng giềng nhỏ bé trong khu vực Biển Đông, đang viếng thăm Bắc Kinh trong tuần này, từ ngày 26/6/18 đến 28/6/18, trong khi đang có những căng thẳng về việc Mỹ gia tăng bán vũ khí cho Đài Loan và TC mở rộng sự hiện diện quân sự ở nước ngoài. Đây là cuộc thăm viếng đầu tiên của một vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ kể từ 2014, có thể giúp hai quốc gia tìm ra phương thức giải quyết những quan điểm bất đồng.

Ông Mattis dự tính sẽ gặp gỡ cả hai nhóm lãnh đạo quốc gia và quân đội trong thời gian thăm viếng. Dưới đây một vài vấn đề chính, có thể sẽ được bàn luận, đáng chú ý:

Vấn Đề Biển Đông

Biển Đông có thể sẽ là vấn đề đầu tiên được thảo luận giữa Mattis và các giới chức TC, nhất là việc Hoa Kỳ đưa ra các lời đe dọa chống Bắc Kinh vì hành động tiếp tục quân sự hóa các vùng biển.

Với những lời lẽ cứng rắn, hồi đầu tháng này ông Mattis cho biết "sẽ có những hậu quả không tốt cho TC, nếu họ không tìm cách cộng tác tích cực hơn với tất cả các quốc gia trong vùng." Ông cũng cho biết thêm rằng vũ khí của TC đã được đặt trong khu vực để "đe dọa và ép buộc" các quốc gia láng giềng.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hồi tháng trước đã rút lại lời mời TC tham gia vào một cuộc tập trận hải quân đa quốc gia quy mô lớn, RIMPAC, được xem là "một phản ứng đầu tiên" chống lại việc TC quân sự hoá Biển Đông.

Vấn Đề Bắc Hàn và Bán Đảo Triều Tiên



Có thể nói là một thắng lợi cho TC khi tổng thống Trump tuyên bố đình chỉ các cuộc tập trận với Nam Hàn, điều mà cả Bắc Hàn và TC đều lo ngại và phản đối từ lâu. Quyết định này là điều bất ngờ cho cả chính phủ Nam Hàn và Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis.

Các giới chức có thẩm quyền của Mỹ và Nam Hàn, giờ đây phải dựa vào lời cam kết trên để giúp thúc đẩy việc đàm phán giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân với Bắc Hàn. TC rất hoan nghênh việc này, và Kim Jong-un đã gặp Tập Cận Bình, lần thứ ba, trong tuần trước nhưng không đưa ra một lời tuyên bố nào về việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông Mattis, khi được hỏi hôm thứ Tư rằng liệu ông có nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Bắc Hàn đã bắt đầu bước tiến tới việc giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân, ông đã trả lời: "Tôi không thấy bất cứ một điều gì đã xảy ra cả. Rõ ràng, chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của một quá trình dài hạn."

Tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau khi tuyên bố "không còn e ngại Bắc Hàn" thì tổng thống Trump lại ra lệnh tiếp tục việc cấm vận Bắc Hàn với lời tuyên bố rằng quốc gia này vẫn là "mối đe dọa ghê gớm" với vũ khí nguyên tử.

Vấn Đề Đài Loan

TC vẫn không ngừng khiếu nại về các mối liên hệ, ngoại giao và quân sự của Mỹ với Đài Loan đã ngày càng gia tăng khi Mỹ đang bán nhiều vũ khí và tăng cường ngoại giao với Đài Loan, một hòn đảo tự trị, mà Bắc Kinh vẫn tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Ông Mattis có thể sẽ được nghe những lời chỉ trích gay gắt hơn của TC sau khi tổng thống Trump ký kết Đạo Luật Du Lịch Đài Loan, khuyến khích các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên và Bộ Quốc Phòng đã đồng ý cấp giấy phép cho các nhà thầu Mỹ để cung cấp tàu ngầm diesel cho Hải Quân Đài Loan.

Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua việc bán vũ khí trị giá 1.4 tỷ USD cho Đài Loan năm ngoái.

Vấn Đề Kiểm Soát Không Gian

Không quân Hoa Kỳ đã phóng vệ tinh Wideband Global SATCOM thứ chín do Boeing chế tạo qua giàn phóng lưu động Expendable Delta IV của United Launch Alliance Delta từ căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida, ngày 18 tháng 3 năm 2017. (hình của US Air Force / United Launch Alliance)
Dưới thời tổng thống Ronald Reagan, chúng ta đã được nghe đến chương trình "phòng thủ không gian" được biết với tên gọi "Star Wars." Với quan niệm quốc gia nào làm chủ không gian thì sẽ đương nhiên làm chủ toàn thể mặt đất và biển.

Tuần trước, tổng thống Trump cho biết ông đã ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng lập ra một "Lực Lượng Không Gian - Space Force" đã khiến TC phải chú ý và e ngại, và có thể sẽ là một đề tài thảo luận giữa các giới chức TC và ông Mattis. Tổng thống Trump quan niệm không gian là một vấn đề an ninh quốc gia, nói rằng ông "không muốn TC và Nga hay các nước khác dẫn đầu Hoa Kỳ về phương diện này."

Trong khi Hoa Kỳ chiếm ưu thế trong ngành khoa học không gian kể từ khi đặt chân xuống mặt trăng năm 1969, TC đang tiến lên mạnh mẽ, trong khi Nga đang suy giảm. TC cho biết họ phản đối việc quân sự hóa thượng từng không gian, nhưng đã chứng minh sức mạnh ngày càng tăng của họ trong lĩnh vực này vào năm 2007 khi họ bắn một hỏa tiễn viễn không để phá hủy một vệ tinh không còn hoạt động, tạo ra một đám mảnh vụn khổng lồ khiến Mỹ và các quốc gia khác phải quan tâm.

Chương trình không gian, quân sự và thương mại, vẫn luôn là những chương trình có số tiền đầu tư rất lớn. Hôm 24 tháng 6 vừa qua, một trong những nhà đầu tư và ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ là Morgan Stanley cho biết chương trình "Lực Lượng Không Gian" của ông Trump có thể sẽ đem lại cho nền kinh tế của Mỹ một khối lượng tiền 1 ngàn tỷ USD (1 trillion USD) và họ đã lập ra một chương trình theo dõi 100 hãng tư nhân chuyên về ngành khoa học không gian.

Vấn Đề TC Bành Trướng Quân Đội ra Nước Ngoài

Ngoài sự gia tăng quân sự hóa Biển Đông, Quân đội TC đang mở rộng sự hiện diện của họ ở những khu vực mà Hoa Kỳ và các đồng minh vẫn có nhiều ảnh hưởng.

Đáng chú ý nhất, là hồi năm ngoái TC đã mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, nơi Hoa Kỳ và một số quốc gia khác vẫn có các cơ sở quân sự ở khu vực được gọi là quốc gia Sừng Châu Phi (Horn of Africa nation).

Vấn Đề Khoa Học, Kỹ Thuật

Các giới chức của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuần trước đã cảnh báo các nhà lập pháp rằng TC và một số các quốc gia khác đang đe dọa "uy thế kỹ nghệ và quân sự của Mỹ - technological and military dominance."

Michael D. Griffin, phụ tá bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, chuyên về nghiên cứu và kỹ thuật, đã nói với Tiểu Ban Nhân Sự Quân Đội trực thuộc Ủy Ban Quân Sự Hạ Viện Hoa Kỳ rằng TC đang ăn cắp kỹ thuật và sở hữu trí tuệ của các công ty Hoa Kỳ, nhất là các công ty có hợp đồng với quân đội, một cách "đáng kể và có chủ ý - significant and intentional."

Trừng Phạt Kinh Tế và Quân Sự


Có thể tiên đoán gần như chắc chắn là vấn đề trừng phạt kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ đối với TC sẽ là một đề tài thảo luận quan trọng giữa Hoa Kỳ và TC. Với việc tăng thuế trên hàng hóa của TC, và mới đây, Hoa Kỳ đã loại bỏ TC ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC 2018, đồng thời mở rộng việc bán vũ khí tối tân cho nhiều quốc gia ở Châu Á, trong đó có Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn.

Cũng nên nhắc lại RIMPAC là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất trên thế giới, với chu kỳ hai năm một lần vào tháng Sáu và Bảy của những năm chẵn ở Honolulu, Hawaii. RIMPAC được tổ chức và điều hành bởi Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (United States Navy's Pacific Fleet) có bộ chỉ huy đặt ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), với sự hợp tác của Thủy Quân Lục Chiến (Marine Corps), Lực Lượng Phòng Vệ Duyên Hải (Coast Guard) và Lực Lượng Bảo Vệ Quốc Gia Hawaii (Hawaii National Guard) dưới sự kiểm soát của Thống Đốc Hawaii.

Nhận Xét

Với tham vọng bành trướng quyền lực và chiếm đoạt tài nguyên của TC không chỉ ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương mà trên toàn thế giới, nền an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ, nói riêng, và cả thế giới, nói chung, đang bị đe dọa một cách trầm trọng. Đã đến lúc các quốc gia nhỏ bé trong vùng Thái Bình Dương phải hợp tác để tránh khỏi họa xâm lăng, kinh tế hay quân sự của TC. Khối "Tứ Cường - Quad" gồm Úc, Ấn, Nhật và Mỹ cùng với đồng minh Châu Âu như Pháp và Anh nên cùng phối hợp để lập ra một lực lượng bảo vệ tự do hàng hải ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời ngăn chặn sự bành trướng của TC đang "đe dọa và ép buộc" các quốc gia nhỏ bé và yếu kém trong vùng. Đã đến lúc phải trói chân con rồng lửa TC để đem lại an ninh và hòa bình cho nhân loại.

Nguyễn Thứ Dân
(Đặc San Lâm Viên)

Tham khảo:

Defense Secretary Jim Mattis is making his first visit to China — here are 6 big issues hanging over his trip
http://www.businessinsider.com/ap-mattis-to-visit-china-as-taiwan-s-china-sea-tensions-rise-2018-6

US Defence Secretary Jim Mattis in China: 5 things to watch
http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2152404/us-defence-secretary-jim-mattis-china-5-things-watch

U.S. Defense chief Mattis to visit China amid South China Sea tensions
http://www.staradvertiser.com/2018/06/24/breaking-news/u-s-defense-chief-mattis-to-visit-china-amid-south-china-sea-tensions/

Pentagon wants a crackdown on industrial espionage — sees China as primary instigator
https://sofrep.com/104972/pentagon-wants-a-crackdown-on-industrial-espionage-sees-china-as-primary-instigator/

Beyond the South China Sea: Beijing may target these waterways next
https://www.cnbc.com/2018/06/25/china-could-spread-power-projection-to-pacific-ocean-mekong-river.html

Powered by Blogger.